TÌNH HIỆP NHẤT

0
1667

Tu sĩ P.X. Nguyễn Trung Tuyến, SVD

“Ba Ngôi Thiên Chúa là cội nguồn, là gương mẫu và là sự hoàn thiện của mọi cộng đoàn nhân loại. Nhờ Phép Rửa, chúng ta được mời gọi đến chia sẻ sự sống thần linh, trở nên phần tử của Dân Thiên Chúa và môn đệ của Chúa Giêsu Kitô. Nhờ các Lời khấn, chúng ta gia nhập vào một cộng đoàn được tham gia vào sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha đã sai đến trần gian” (HP 301).

Hình ảnh một gia đình đầm ấm yêu thương hiệp nhất thường được Giáo Hội sử dụng để diễn tả Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật vậy, khi nhìn vào một gia đình có cha, có mẹ và có con hạnh phúc yêu thương chăm sóc lẫn nhau, chúng ta hiểu được phần nào sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Đối với người tu sĩ, cộng đoàn được coi là một gia đình thứ hai của mình. Cộng đoàn được thành lập và tổ chức theo khuôn mẫu gia đình. Và mọi người trong đó đều cố gắng đối xử với nhau như anh chị em ruột thịt trong gia đình. Trong một cộng đoàn, mọi hồng ân, mọi chức vụ, mọi hành động khác nhau đều xuất phát từ chính một Thiên Chúa. Thần khí Chúa ban cho mỗi người mỗi khác: người được ban cho lời khôn ngoan; kẻ khác thì được trí thông minh; người khác được đức tin; kẻ khác nữa được ơn chữa bệnh; có người được ơn làm phép lạ, có kẻ được ơn tiên tri, người khác được ơn phân biệt các thần trí; có người được ơn nói nhiều thứ tiếng; người khác được ơn giải thích các thứ tiếng, … tất cả trong cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện (x.Cr 12,4-11).

Là tu sĩ, tôi cũng được mời gọi tập sống hiệp thông trong cộng đoàn của mình nơi tôi đang sống với tình yêu thương huynh đệ qua những sinh hoạt thường ngày: những công việc chung, những giờ kinh nguyện, những buổi học tập, hội họp, những khi thực hành bác ái … Chúng sẽ như là muối men và ánh sáng giúp biến đổi đời sống cộng đoàn. Nhờ đó, tôi có thể xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất, sẽ trở nên một đoàn thể môn đệ đích thực của Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Trong cộng đoàn có những tương quan giữa những người anh em thuộc mọi vùng miền khác nhau, hỏi rằng mọi người đều có suy nghĩ giống nhau không? Có cùng cảm thức giống nhau không? Cho dù tất cả cùng tìm kiếm một lý tưởng! Chắc chắn là không! Bởi vì mỗi người có một cách suy nghĩ, một cách hiểu và một cách sống. Chỉ riêng mười anh em trong một lớp thôi thì đã có bao điều khó khăn: anh thì trầm tư hòa nhã nhưng cũng có anh tính tình nóng nảy, hiếu thắng, bốc đồng; có anh siêng năng kỹ lưỡng nhưng cũng có anh xuề xòa nhếch nhác. Trước đây khi nghe nói về những khó khăn trong nếp sống tập thể của các dòng tu, tôi cũng có phần lo lắng nhưng rồi tôi tự nghĩ: khó hay dễ có lẽ chỉ do mình! Thế nhưng khi thật sự đụng chạm tôi cảm thấy đúng là “thật khó!”. Có những điều không phải mình muốn là được, người ta nói “thiện chí có thể giải quyết được vấn đề” nhưng thực tế nếu chỉ có thiện chí thôi mà không có ơn Chúa giúp có lẽ sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Có những lúc tôi suy nghĩ thật nhiều và tôi hỏi Chúa tại sao anh em chúng con, những người mang nơi mình thao thức tìm kiếm Chúa và nhiệt tâm theo Chúa mà lại có tâm hồn “cứng cỏi” đến thế? Một sự cứng cỏi vượt hơn những gì tôi tưởng! Và quả thật tôi phải “gồng mình” trong giai đoạn đào luyện này rất nhiều. Tôi nói phải “gồng mình” bởi vì hàng loạt những khó khăn không tên từ tinh thần lẫn vật chất đang đè nặng trong tâm hồn mà bên ngoài vẫn phải vui cười để hòa đồng, chia sẻ và còn an ủi những anh em đang gặp khó khăn. Đó thật sự là một nghịch lý! Thời gian này tôi đã cảm nghiệm được thế nào là ý nghĩa của sự “đau khổ trong tâm hồn”. Và như vậy, hàng ngày tôi dâng tất cả mọi đau khổ ấy cho Chúa, xin Ngài thánh hóa chính bản thân mình và những người anh em. Thế rồi cũng là một điều kỳ diệu, mỗi ngày anh em hiểu nhau hơn, yêu thương, cảm thông và gắn bó với nhau nhiều hơn. Dần dần tôi cảm nghiệm được sự “trở về” của niềm hy vọng, và nhờ đó tinh thần yêu thương đoàn kết trong anh em luôn được củng cố.

Tuy khác biệt và đa dạng, nhưng Ba Ngôi luôn yêu thương nhau và hiệp nhất với nhau thành một Thiên Chúa duy nhất, chứ không phải là ba Thiên Chúa khác nhau. Một Cộng đoàn thật sự luôn phản chiếu tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, tuy khác biệt nhưng luôn luôn là một. Chính sự khác biệt này của mỗi người đã tạo nên một cộng đoàn phong phú; và chính tinh thần hiệp nhất của mỗi anh em đã nung đúc và gầy dựng nên “mái ấm” đời tu.

Dấu chỉ để nhận ra hồng ân của Thánh Thần trong cộng đoàn chính là sự yêu thương, hiệp nhất. Mỗi thành viên đều được Thánh Thần ban cho ít, nhiều khả năng nào đó. Nhờ những khả năng đó mà chúng ta biết yêu thương cộng đoàn, khiêm tốn và tôn trọng những khả năng của người khác trong tinh thần hiệp nhất. Trong cộng đoàn, tình yêu Chúa Kitô đưa chúng ta đến chỗ tránh mọi hình thức chỉ trích anh em. Nếu cần góp ý, ta có thể góp ý một cách chân tình và tế nhị. Hãy nói về mọi người và mọi việc họ làm một cách hiền từ nhẹ nhàng, đặc biệt khi nói về những anh em lãnh đạo đã được mình đề cử. Hãy khiêm tốn và tập thói quen dẹp bỏ đi cái tôi to lớn và những ý hướng tham vọng về chức tước, địa vị và quyền lực tiềm ẩn trong thâm tâm mỗi người. Nếu biết được một thành viên nào đó trong cộng đoàn có thể gây gương mù, gương xấu, chúng ta hãy cầu nguyện và góp ý cho họ. Nếu anh em nào có vô tình hay cố ý xúc phạm đến mình, hãy lấy Lòng Thương Xót mà tha thứ như chính Chúa đã thương xót đến phận người yếu đuối của ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói: Không phải niềm tự hào hay khả năng có thể phục vụ để xây dựng sự hiệp nhất của Giáo Hội. Thay vào đó, tính dịu dàng, sự khiêm hạ và rộng lượng có thể xây dựng nên sự hiệp nhất. Chúa Giêsu đã nêu ra một dấu chỉ mà thế gian nhờ đó sẽ nhận ra các môn đệ đích thực của Người: Người ta cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau (Ga 13,35). Thánh Phaolô đã kêu gọi các tín hữu giáo đoàn Galát: Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin (Gl 6,10). Thánh Phêrô cũng viết những lời tương tự: Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh chị em (x.1 Pr 2,17).

Bài trướcGx. An Mỹ, Hồng ân Rước lễ lần đầu – Mùa Hè 2019
Bài tiếp theoNẺO ĐI CÓ CHÚA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.