Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh B (Ga 15,1-8)

0
455

CÂY NHO GIÊ-SU, CÀNH NHO MÔN ĐỆ, VÀ VINH QUANG CỦA CHÚA CHA

Chú giải: Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

Bản văn và dịch sát nghĩa (Ga 15,1-8)

Hy Lạp Việt
Ἐγώ εἰμι ἡ ἄμπελος ἡ ἀληθινὴ καὶ ὁ πατήρ μου ὁ γεωργός ἐστιν.

2  πᾶν κλῆμα ἐν ἐμοὶ μὴ φέρον καρπὸν αἴρει αὐτό, καὶ πᾶν τὸ καρπὸν φέρον καθαίρει αὐτὸ ἵνα καρπὸν πλείονα φέρῃ.

3  ἤδη ὑμεῖς καθαροί ἐστε διὰ τὸν λόγον ὃν λελάληκα ὑμῖν·

4  μείνατε ἐν ἐμοί, κἀγὼ ἐν ὑμῖν. καθὼς τὸ κλῆμα οὐ δύναται καρπὸν φέρειν ἀφ᾽ ἑαυτοῦ ἐὰν μὴ μένῃ ἐν τῇ ἀμπέλῳ, οὕτως οὐδὲ ὑμεῖς ἐὰν μὴ ἐν ἐμοὶ μένητε.

5  ἐγώ εἰμι ἡ ἄμπελος, ὑμεῖς τὰ κλήματα. ὁ μένων ἐν ἐμοὶ κἀγὼ ἐν αὐτῷ οὗτος φέρει καρπὸν πολύν, ὅτι χωρὶς ἐμοῦ οὐ δύνασθε ποιεῖν οὐδέν.

6  ἐὰν μή τις μένῃ ἐν ἐμοί, ἐβλήθη ἔξω ὡς τὸ κλῆμα καὶ ἐξηράνθη καὶ συνάγουσιν αὐτὰ καὶ εἰς τὸ πῦρ βάλλουσιν καὶ καίεται.

7  ἐὰν μείνητε ἐν ἐμοὶ καὶ τὰ ῥήματά μου ἐν ὑμῖν μείνῃ, ὃ ἐὰν θέλητε αἰτήσασθε, καὶ γενήσεται ὑμῖν.

8  ἐν τούτῳ ἐδοξάσθη ὁ πατήρ μου, ἵνα καρπὸν πολὺν φέρητε καὶ γένησθε ἐμοὶ μαθηταί.

(Jn. 15:1-8 BGT)

1 Tôi là cây nho đích thực và Cha Tôi là người trồng nho.

2 Cành nào trong Tôi mà không sinh hoa trái, Ngài lấy nó đi, và cành nào sinh hoa trái thì Ngài cắt tỉa để nó sinh nhiều hoa trái hơn.

3 Anh em đã được sạch nhờ lời Tôi đã nói với anh em

4 Hãy ở lại trong Tôi và Tôi ở trong anh em hệt như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu nó không ở lại trong cây nho. Cũng như thế, Anh em cũng không (sinh hoa trái) nếu không ở lại trong Tôi.

5 tôi là cây nho, anh em là những cành cây. Người nào ở lại trong và Tôi ở trong nó, người này sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Tôi anh em không thể làm gì được.

6 nếu ai không ở lại trong Tôi, nó sẽ bị quăng ra ngoài như cành nho bị khô héo, và người ta gom lại và quăng vào lửa, và nó được đốt đi.

7 nếu anh em ở lại trong Tôi và những lời của tôi ở lại trong anh em, hãy xin điều mà anh em muốn, và nó sẽ xảy ra cho anh em.

8 vì điều này Cha Tôi được tôn vinh để anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Tôi.

 

 

Bối cảnh

Đoạn Ga 15,1-10 nằm trong phần thứ III của Tin Mừng thứ tư có tên là “Sách của sự tôn vinh” (13,1 – 20, 29). Cũng xin nói thêm rằng, nhiều chuyên gia đồng ý rằng Tin Mừng thứ tư được chia làm 3 phần rõ nét. Phần I là phần “Lời tựa” (1,1-18) (chương 1, từ câu 1 đến câu 18, ghi chú: gạch ngắn ở giữa là dấu cách từ câu này đến câu kia). Phần II được gọi là “Sách của các dấu (lạ)” gồm hơn kém 12 chương, từ 1,19 – 12,50 (chương 1 câu 19 đến chương 12 câu 50, ghi chú: gạch dài ở giữa là dấu cách từ chương này đến chương kia). “Sách của sự tôn vinh” là tên gọi của phần III, từ 13,1 – 20,29 (chương 13 câu 1 đến chương 20 câu 9). “Sách của sự tôn vinh” nói về việc Đức Giê-su “về cùng Cha”, trở lại với sự vinh quang mà Người có trước mọi thời. Nó khởi đầu bằng hành động Đức Giê-su cúi xuống rửa chân cho từng mộn đệ, cho cả Phê-rô, kẻ chối Thầy và Giu-đa, kẻ nộp thầy (13,1-20); rồi tiếp theo sau đó, là “diễn từ chia tay” kéo dài từ 13,31 – 16,33; phần III này tiếp tục với trình thuật về cuộc Tử Nạn diễn tả cách thức Đức Giê-su đi về cùng Cha (18,1 – 19,42) (đây là Bài Thương Khó thường được đọc hoặc hát vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh). Kết thúc phần III này (Sách của sự tôn vinh) là những trình thuật về “Sự Phục Sinh” (20,1-31).[1]

Tin Mừng Nhất Lãm có những trình thuật liên quan đến vườn nho. Mát-thêu nói đến dụ ngôn, tạm gọi là “Người chủ vườn nho tốt bụng” (20,1-16). Dụ ngôn này nói đến một người thợ thuê mướn nhân viên làm vườn nho cho mình. Điều đặc biệt là ông không căn cứ trên số giờ của nhân viên ấy làm việc mà trả lương cho họ. Đối với những người vào làm từ giờ đầu tiên, ông trả một quan tiền/ một ngày như đã thỏa thuận; còn đối với những người vào làm giờ sau cùng, ông cũng trả một quan theo tình thương và lòng quảng đại của ông. Mát-thêu còn kể một dụ ngôn khác về “hai người con” được cha mình nhờ cậy đi làm vườn nho (21,28-32). Người con thứ nhất lúc đầu từ chối nhưng sau lại hối hận và lại đi làm; ngược lại người con thứ hai gật đầu nhưng rồi lại không đi làm. Dụ ngôn kết luận rằng: “Những người thu thuế và nhưng cô gái điếm vào Nước Trời trước” các thượng tế và các kỳ mục (Mt 21,31). Dụ ngôn “những ta điền sát nhân” được cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm nói đến (Mt 21,33-42; Mc 12,1-12; Lc 20,9-19). Trong dụ ngôn này, các tá điền được giao cho việc canh tác vườn nho và nộp hoa lợi cho ông chủ. Họ không những không nộp hoa lợi đừng mùa mà con đánh, giết, ném đá các đầy tớ của ông chủ và giết cả đứa con duy nhất của ông. Trong Tin Mừng Gioan, đoạn mà chúng ta đang nghiên cứu, Đức Giê-su không nói dụ ngôn về vườn nho, nhưng Người tự bạch rằng “Người là cây nho thật” và “Cha” của Người là “Người trồng nho” còn các môn đệ là “những cành nho” đây là mối tương quan chặt chẽ giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ. Sự gắn bó này được diễn tả bằng cụm động từ “ở lại trong”. Như những cành nho gắn liền với cây nho, các môn đệ cũng gắn liền bằng cách ở lại trong Đức Giê-su như vậy. Chủ đề “ở lại” đã được nói đến trong đoạn trước đó: “ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Các môn đệ có thể đón nhận Thần Khí vì họ biết Người. “Người (Thần Khí) luôn ở lại giữa họ và trong họ” (Ga 14,17). Tiếp theo sau đoạn này (15,1-8), Đức Giê-su tiếp tục mời gọi các môn đệ “hãy ở lại trong tình thương của Thầy” bằng cách “giữ các điều răn của Thầy”, hệt như Đức Giê-su “ở lại trong tình thương” của Cha bằng cách “giữ cách điều răn” của Chúa Cha (Ga 15,10). Trong bối cảnh của toàn Tin Mừng Gioan, ngay từ chương đầu tiên, hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã “đến xem nơi Đức Giê-su ở và ở lại với Người ngày hôm đó” (Ga 1,39). Trong “Diễn từ Bánh Hằng sống”, Đức Giê-su cũng khẳng định rằng “ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Đức Giê-su cũng đã nói với những “Người Do Thái đã tin Người” rằng “nếu anh chị em ở lại trong lời của tôi, anh chị em thực sự là môn đệ của tôi” (Ga 8,31). Chủ đề tiếp theo, chủ đề “sinh hoa trái”, cũng xuất hiện nhiều lần trong cả Tin Mừng thứ tư và Tin Mừng Nhất Lãm. Trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giê-su đã nhấn mạnh sự cần thiết của sự “thối đi” của hạt lúa mì gieo vào lòng đất mới sinh ra nhiều bông hạt khác (Ga 12,24). Liền ngay sau đoạn này, Đức Giê-su nói rằng: “tôi đã cắt đặt anh em ra đi và sinh nhiều hoa trái, hoa trái sẽ tồn tại” (Ga 15,16). Tin Mừng Nhất Lãm đề cập đến lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả: “hãy sinh hoa trái xứng với lòng hoán cải” (Mt 3,8.10; Lc 3,8-9). Ở Tin Mừng Nhất Lãm, độc giả cũng tìm thấy hành động nghiêm khắc của Đức Giê-su đối với cây vả không sinh hoa trái. Người nguyền rủa: “muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của ngươi nữa” (Mc 11,14; Mt 21,19) và cây vả này sau đó đã “chết khô tận rễ” (Mc 11,20; Mt 21,19). Luca kể “dụ ngôn cây vả không ra trái” để nhấn mạnh sự kiên nhẫn. Trong dụ ngôn này, người chủ vườn đã muốn chặt cây vả không ra trái nhưng người làm vườn lại xin thêm một năm nữa để hy vọng nó sẽ có trái vào năm tới (Lc 13,6-9). Một vài điểm phác họa sau khi quan sát về bối cảnh rộng cũng như hẹp của đoạn Tin Mừng để thấy sự nối kết chủ đề của đoạn Ga 15,1-8, trong Tin Mừng Gioan và toàn bộ cách Sách Tin Mừng.

Giới hạn và cấu trúc

Giới hạn

Đoạn Ga 15,1-8 có sự thống nhất về nội dung và dấu hiệu về ngôn ngữ chuyển đoạn. Chủ đề Đức Giê-su là “cây nho” và các môn đệ là những “cành nho” là chủ đề thống nhất của riêng đoạn này. Cả đoạn trước và đoạn sau đó không đề cập đến chủ đề này. Từ ngữ “cây nho” và “cành nho” chỉ gói gọn trong đoạn này (cây nho: Ga 15,1.5; cành nho: Ga 15,2.4.5.6, ghi chú: dấu chấm là dấu các giữa câu này với câu kia trong cùng một chương). Có sự thay đổi về không gian cách rõ nét giữa cuối chương 14 và đầu chương 15 (14,31 và 15,1). Cuối chương 14 (cụ thể ở Ga 14,31), Đức Giê-su ra lệnh: “Hãy đứng dậy, chúng ta đi khỏi đây”. Đức Giê-su muốn ngụ ý đi đâu? Có nhiều ý kiến khác nhau. Có tác giả cho rằng Đức Giê-su sẽ đi gặp kẻ thù như đã nói trong Tin Mừng Mác-cô: “Hãy đứng dậy, chúng ta đi nào, kìa kẻ nộp Thầy đã đến” (Mc 14,42). C.S. Keener nghĩ rằng Đức Giê-su đi về cùng Chúa Cha như Người đã nói trước đó: “Ta đi về cùng Cha và tôi là đường cho anh em về cùng Cha” (Ga 14,3-6.28.31).[2] Điều chắc chắn là có sự chuyển đổi về không gian vào cuối chương 14. 15,1 rất có thể là một không gian khác. Đoạn 15,1-8 có thể kết ở 15,8 vì chủ đề “sinh hoa trái” được khởi đầu trước đó và đóng khung tại đây. Trước đó chủ đề sinh hoa trái đa được nhắc đến: “cành nào không sinh hoa trái thì Người chặt đi” (15,2a); “cành nào sinh hoa trái thì Người tỉa tót” (15,2b); “cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho” (15,4); “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (15,5). Cuối cùng, chốt lại “điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (15,8).[3]

Cấu trúc

Sau khi quan sát kỹ, xin chia đoạn Tin Mừng này thành hai tiểu phần dựa trên hai lời giới thiệu khá giống nhau của Đức Giê-su: “Tôi là cây nho đích thực” (15,1) và “tôi là cây nho” (15,5a). Tiểu phần I được định dạng bằng cấu trúc quy tâm. Thành phần (B) Được sạch “nhờ lời” Đức Giê-su “đã nói”, là thành phần trung tâm của cấu trúc. Thành phần (A) Không sinh hoa trái – lấy đi và sinh hoa trái – cắt tỉa, song song với (//) (A’) Ở lại và sinh hoa trái. Tiểu phần thứ II được cấu trúc bởi hai cặp thành phần song song với nhau. Thành phần (A) Ở lại và sinh hoa trái // (A’) Sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Đức Giê-su. Thành phần (B) Không ở lại, thì bị quăng ra ngoài, khô héo, người ta gom lại và đốt đi (tiêu cực) song song và đối lại với thành phần (B’) Ở lại, cầu xin và được như ý (tích cực). Một cách ngắn gọn có thể nói cấu trúc tổng thể của đoạn này gồm hai phần lớn song song với nhau: (I) Đức Giê-su là cây nho và Cha Người là người trồng nho // (II) Đức Giê-su là cây nho và các môn đệ là những cành nho. Ghép hai thành phần này lại độc giả có thể thấy một mối liên hệ xuyên suốt từ Cha – Đức Giê-su – các môn đệ: Cha “trồng”, “chăm sóc” và “nuôi dưỡng” cây nho Giê-su và Đức Giê-su “sinh ra”, “chăm sóc” và “nuôi dưỡng” các cành nho là môn đệ của Người.

 

(I) Giới thiệu:  TÔICÂY NHO ĐÍCH THỰC VÀ CHA TÔINGƯỜI TRỒNG NHO (15,1).

(A) Không sinh hoa trái – lấy đi; hoặc (2) Sinh hoa tráicắt tỉa – sinh nhiều hơn (15,2)

(B) Sạch nhờ lời mà Tôi đã nói (15,3)

(A’) Ở lại trong Thầy và sinh hoa trái (15,4)

(II) Giới thiệu: TÔICÂY NHO, ANH EM LÀ NHỮNG CÀNH CÂY (15,5a)

(A) Ở lại và sinh hoa trái (15,5b)

(B) Không ở lại trong Thầy, bị quăng ra ngoài, khô, gom, đốt (15,6)

(B’) Ở lại trong Thầy, cầu xin và được như ý (15,7)

(A’) Sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ – tôn vinh (15,8)

 

Một số điểm chú giải

  1. Cây nho đích thực”: Đoạn Tin Mừng mang tính tự bạch của Đức Giê-su bắt đầu bằng lối nói long trọng quen thuộc của Đức Giê-su “ego eimi” (ἐγώ εἰμι: tôi là). Kiểu nói này cũng là kiểu từ ngữ đặc trưng của Tin Mừng Gioan. Đây chính là cụm từ mà Thiên Chúa đã mạc khải tên của Ngài cho ông Mô-sê. Trong lần đầu tiên Mô-sê giáp mặt với Chúa nơi “bụi gai rực cháy”, ông đã hỏi tên của Chúa và Người đã trả lời rằng: “ἐγώ εἰμι”. Nghĩa là “ta là Đấng ta là, Ta là Đấng Hằng Hữu, Ta là Đấng hiện hữu” (rất khó dịch chính xác nghĩa của cụm từ này). Thực ra, đó cũng chỉ là cách dịch tiếng Hy Lạp từ tiếng Do Thái (ngôn ngữ gốc của Thánh Kinh Cựu Ước). Trong tiếng Do Thái, tên của Chúa được viết là “ אֶֽהְיֶ֖ה אֲשֶׁ֣ר אֶֽהְיֶ֑ה ” (tôi là Đấng tôi là). Nói như thế để thấy rằng kiểu nói này khá long trọng, khi Đức Giê-su muốn tuyên bố một điều gì long trọng Người thường dùng điều này. Trong Tin Mừng thứ tư, từ chương 1 đến chương 3, độc giả có thể thấy Gioan Tẩy Giả cũng dùng y chang cụm từ này nhưng ông thường thêm trạng từ phủ định “uck” (không) (ἐγὼ οὐκ εἰμὶ: tôi không là), để cho thấy ông là người dọn đường cho Đấng Ki-tô, nhưng ông không là Đấng Ki-tô (ví dụ trong 1,20 và 3,28: “tôi không là Đấng Ki-tô”; trong 1,21: “tôi không là Ê-li-a”; trong 1,27: “tôi không xứng đáng để cởi quai dép cho Người”). Ngược lại Đức Giê-su luôn luôn là: “Tôi là” (Đấng Ki-tô) (Ga 6,26); “Chính Thầy đây, đừng sợ” (Ga 6,20); “Tôi là bánh trường sinh” (Ga 6,35.48.51); “Tôi là bánh từ trời xuống” (Ga 6,41); “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12); “khi các ông treo Con Người lên, các ông sẽ biết rằng “tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28); “trước khi có Áp-ra-ham, tôi Hằng Hữu” (Ga 8,58). Kiểu nói: “Tôi là” + Đại từ xác định + danh từ + đại từ xác định + tính từ, chúng ta gặp trong đoạn này “Εγώ εἰμι ἄμπελος ἀληθινὴ” (“Tôi là cây nho đích thực”: Ga 15,1), rất giống với kiểu nói “Ἐγώ εἰμι ποιμὴν καλός” (“tôi là mục tử nhân lành” :10,11.14). Tính từ “đích thực” sẽ định nghĩa cho danh từ “cây nho” cũng như tính từ “tốt lành” định nghĩa cho “mục tử”.

Hình ảnh cây nho gợi nhớ đến truyền thống các ngôn sứ diễn tả Ít-ra-el là “cây nho sinh hoa trái” (Os 10,1).[4] Khi Ít-ra-el hối lỗi và trở về, Đức Chúa sẽ làm cho họ “sinh sôi nẩy nở tựa cây nho” (Os 14,8). Đức Chúa hứa với dân “còn sót” rằng họ sẽ là “hạt giống bình an: cây nho sẽ cho quả” (Kg 8,12). Ít-ra-el là “cây nho tuyển” mà Đức Chúa đã trồng (Gr 2,21). Is 5,1-7 nói đến một “bài ca vườn nho”, trong đó, ông chủ đã làm tất cả những gì có thể để trồng và chăm sóc vườn nho: Đồi màu mỡ, giống nho quý, nhặt đá, cuốc đất, xây vọng gác, khoét bồn đạp nho. Ông chờ đợi nó sinh trái tốt, nhưng nó lại sinh nho dại (Is 5,1-3). Như đã nói trong phần bối cảnh, hình ảnh cây nho cũng gợi nhớ đến dụ ngôn “hai người con được sai đi làm vườn nho”, “dụ ngôn tá điền sát nhân” được nói đến trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Tuy nhiên, ở đây chính Đức Giê-su là cây nho “thật”, chứ không phải Ít-ra-el hay một vườn nho nào khác.

Trong đoạn Tin Mừng này, câu “tôi là cây nho” được lặp lại hai lần (15,1.5), nhưng chỉ có lần thứ nhất (15,1), tính từ “đích thật” (ἡ ἀληθινὴ) đi kèm theo. Tuy nhiên, có thể ở lần thứ hai (15,5) tác giả tránh lặp lại tính tứ “đích thực” một lần nữa. Dù có hay không tính từ này ở lần thứ hai thì Đức Giê-su vẫn là “cây nho thật”. Có lẽ, phẩm tính “đích thực” ở đây đối lại với “cây nho” Ít-ra-el đã bao lần không sinh trái hoặc sinh nho dại.[5] Phẩm tính “đích thực” cũng muốn diễn tả sự phẩm tính tốt, “chính hiệu” của cây nho mà hễ cành nào phát sinh từ nó đều có hoa trái phẩm chất tốt, như sẽ thấy sau. Đức Giê-su không dùng lối so sánh, Tôi “giống như” cây nho, cũng như Người cũng không nói các môn đệ “giống như” những cành nho. Người “LÀ” cây nho, và các môn đệ “LÀ” cành. Điều đó không có nghĩa rằng Người đồng hóa mình với cây nho. Điều mà Người muốn nhấn mạnh sau đó là mối tương quan cố hữu tự nhiên giữa cây nho và cành nho cũng phải là mối tương quan giữa các môn đệ và Người. Đó là mối quan hệ mang đến sự sống còn cho cành nho, cũng như các môn đệ. Chính vì vậy, E. Haenchen – R. Funk – U. Busse gọi đó là lối diễn tả tương ứng một cách chính xác thực tại của tính “môn đệ”.[6]

  1. Người trồng nho”: “Cây nho thật này” có nguồn gốc từ “Cha của” Đức Giê-su. Có thể vì được “Người Cha” trồng nên cây nho này “đích thực” nhất trong các cây nho. Trong toàn bộ Thánh Kinh, chỉ có Đức Giê-su là cây nho “thật” và “Người cha” cũng là người duy nhất trồng cây nho này. Nếu như Đức Giê-su là cây nho thì người trồng chỉ có Chúa Cha mà thôi. Danh từ “georgos” (γεωργός) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa đầu tiên là “nông dân”, người canh tác đất đai: “chính người nông dân là người đáng được chia sẻ vụ mùa đầu tiên” (2 Tm 2,6). Ngoài ra, nó còn có nghĩa khác là “người làm vườn”, “người giữ vườn nho”, “người trồng nho”, “chủ vườn nho”.[7] Nghĩa là, người Cha có thể bao gồm tất cả các vai trò này. Người chủ vườn nho trong dụ ngôn “tá điền sát nhân” (Mc 12,1-12) có thể ngụ ý đến người Cha này bởi vì nó đề cập đến chi tiết, cuối cùng người chủ gửi người con duy nhất của mình đến để thu hoa lợi, nhưng các tá điền cũng giết cậu và quăng ra ngoài vườn nho (Mc 12,8). Sách Sáng Thế cũng nói đến Nô-ê là người đàn ông canh tác đất đai (St 9,20).
  2. Lấy đi … cắt tỉa”: Một cách tự nhiên, khi chăm sóc vườn nho, người chủ sẽ khôn ngoan cắt tỉa cho những cành cây cho nhiều quả; còn những cành cây không có quả thì ông sẽ chặt bỏ đi, nếu không, chất đinh dưỡng sẽ bị chia cho những nhành cây vô ích. Người Cha cũng sẽ cắt tỉa để những cành cây sinh hoa trái sẽ có nhiều hoa trái hơn. Động từ diễn tả hành động của Người Cha đối với những cành không sinh hoa trái là “ái-rô” (αἴρω) có nghĩa là lấy đi, tách lìa cành ra khỏi cây nho. Theo lẽ thường, cành nào gắn với cây nho “đích thực” thì phải sinh hoa trái, nếu không sinh hoa trái thì không nên gắn vào đó nữa. Động từ “kai-thái-rồ” (καθαίρω) dùng để diễn tả hành động của Người Cha dành cho những cành sinh hoa trái. Động từ này có hai nghĩa: (1) Làm sạch; (2) Cắt tỉa những cành cây. Trong bối cảnh này nghĩa thứ hai có vẻ phù hợp hơn. Tuy nhiên, nếu kết hợp với tính từ “sạch” ở câu tiếp theo: “Anh em đã được sạch rồi” thì nghĩa thứ nhất lại phù hợp hơn. Hay nói đúng hơn, cả hai nghĩa cũng được dùng phối hợp với nhau, “cắt tỉa” cũng có nghĩa là “làm sạch”, “làm cho gọn gàng”.

Theo cấu trúc, phần (A) Không sinh hoa tráilấy đi; hoặc Sinh hoa tráicắt tỉa (15,2) song song với phần (A’) Ở lại trong Thầy và sinh hoa trái (15,4). Điều này chứng tỏ rằng (A) sẽ được soi sáng và hiểu rõ nhờ (A’) và ngược lại. (A) Nói đến việc cành nho sinh hoa trái sẽ được cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái hơn. Tuy nhiên, muốn sinh được hoa trái thì trước tiên cành nho phải “ở lại trong” Đức Giê-su (ἐν ἐμοὶ) và được Chá cắt tỉa. Sự cắt tỉa này có hiệu quả là các môn đệ được sạch.

  1. Được sạch nhờ lời mà Thầy đã nói”: Theo cấu trúc, đây là phần trung tâm của tiểu phần thứ nhất. Đang nói về việc “cắt tỉa” cành nho để nó sinh nhiều hoa trái hơn (15,2), Đức Giê-su bất ngờ chuyển hướng: “Anh em đã được sạch nhờ lời Thầy đã nói vói anh em” (15,3). Tuy nhiên, câu này nối kết cách chặt chẽ với cả câu trước câu sau đó (15,4). Nó nối kết với câu trước bằng tính từ sạch “καθαρός”. Động từ “cắt tỉa” (καθαίρω) ở câu trước đó cũng có nghĩa là làm sạch.[8] Động từ này có cùng nguồn gốc với tính từ “sạch”. Như thế, sự “cắt tỉa” hay “làm sạch” của cành nho liên hệ đến “sự sạch sẽ” của các môn đệ. Nó nối kết với câu sau đó bằng đặc tính sinh hoa trái. Muốn sinh nhiều hoa trái nhiều thì phải được “làm sạch” hay “cắt tỉa”. Giới từ “đìa” (διὰ) + danh từ ở đối cách (accusative), diễn tả nguyên nhân của một hành động nào đó. Vì thế, “διὰ τὸν λόγον”, có thể hiểu là “vì lời”. Lời này được giới hạn bởi mệnh đề tình từ “vì lời mà thầy đã nói với anh em”. Động từ nói “la-lé-ồ” (λαλέω) được chia ở thì hoàn thành, diễn tả một hành động đã diễn ra mà hiệu quả vẫn còn trong hiện tại. Nguyên nhân các môn đệ được sạch là vì lời mà Đức Giê-su đã nói. Lời này là lời nào? C. Barette cho rằng “tiến trình rửa sạch là toàn bộ sự phục vụ yêu thương dành cho nhân loại, đỉnh cao là cái chết; “lời” cũng là thông điệp cứu độ mà Người mang.[9] Nói về cách thức lời “làm cho các môn đệ sạch”, R. Brown giải thích rằng nó không có nghĩa rằng qua hoặc nhờ lời Đức Giê-su công bố mà các môn đệ tự nhiên được sạch. Đúng hơn nó là vấn đề của sự hoạt động, làm việc của lời ấy trong lòng các môn đệ. Lời ở đây có nghĩa là toàn bộ lời dạy của Đức Giê-su.[10] Nói cách khác, chính lời Đức Giê-su làm cho họ được biến đổi và được sạch. “Lời” của Đức Giê-su cũng được lặp lại ở số nhiều (những lời) đi kèm với lời mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong Thầy” và “Những lời của Thầy ở lại trong anh em” (15,7). Nếu cả hai điều này xảy ra cùng lúc thì bất cứ điều gì họ muốn, và cầu xin, điều đó sẽ thành hiện thực. Trong Tin Mừng thứ tư, nhiều lần Đức Giê-su dạy về tác dụng của “lời” của Người: “Lời Thầy đã nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6,63); “nếu anh em ở lại trong lời của Thầy, anh em thực sự là môn đệ của Thầy”; “ai giữ lời Thầy sẽ không bao giờ thấy sự chết” (Ga 8,51.52); Chính Phê-rô cũng xác tín: “Thầy có những lời của sự sống đời đời, chúng con biết đến với ai nữa?” (Ga 6,68). J. Moloney cho rằng được làm sạch bởi lời của Đức Giê-su bao gồm một sự chấp nhận đối với mạc khải về Thiên Chúa nơi Đức Giê-su.[11]
  2. Quăng ra ngoài, khô héo, gom lại, quăng vào lửa và đốt đi”: Hình ảnh này như tiếp nối và mở rộng hình ảnh ở 15,2 và là hình ảnh đối nghịch của 15,7 như đã thấy trong phần cấu trúc.

(a) Nối tiếp với 15,12: Ở 15,2 Đức Giê-su nói đến số phận của những cành nho không sinh hoa trái. Chúng sẽ bị tách ra khỏi cây nho. Và dĩ nhiên một khi bị tách ra khỏi thân nho thì cành nho sẽ khô héo và chết. Ở 15,6, Đức Giê-su diễn tả một cách đầy đủ, mạnh mẽ và triệt để hơn về số phận của những ai “không ở lại trong” Người: “nếu ai không ở lại trong Tôi, nó sẽ bị quăng ra ngoài như cành nho bị khô héo, và người ta gom lại và quăng vào lửa, và nó được đốt đi.”. Có 4 động từ được dùng trong câu này: “Quăng ra ngoài”; “Bị khô héo”; “Gom lại”; “bị đốt cháy”. Trong bốn động từ được dùng đó có đến ba động từ diễn tả sự loại bỏ và tận diệt rất mạnh. Thậm chí, động từ “quăng, ném” (βάλλω) được dùng đến 2 lần: “Quăng ra ngoài” và “ném vào lửa”. Phải nói đây là sự tận diệt bởi nó đi đến bước cuối cùng là “đốt cháy” thành tro. Đây là tiến trình bình thường mà người nông dân xử lý những cành nho “không hoa trái” của mình. Đức Giê-su đã khéo dùng hình ảnh tự nhiên đời thường để diễn tả một số phần nghiệt ngã của những người “không ở lại” trong Chúa. Ngôn từ “gom lại”, “quăng vào lửa” và “đốt đi” phảng phất tư tưởng dứt khoát mạnh mẽ của Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng Nhất Lãm: “Cây rìu đã được đặt dưới gốc cây, vì thế bất kỳ cây nào không sinh hoa trái thì bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10; Lc 3,9)[12]; “Tay Người cầm nia, thóc mẩy thì bỏ vào kho còn vỏ trấu thì Người sẽ đốt đi bằng lửa không hề tắt” (Mt 3,12; Lc 3,17). Đức Giê-su cũng nói đến việc “cỏ lùng sẽ được gom lại và đốt đi”, tương tự “những nguyên nhân tội lỗi và người làm điều xấu sẽ bị ném vào lò lửa” (Mt 13,40.42.50). Đây là những hình ảnh của ngày cánh chung (tận thế). R. Brown ghi chú, khi dùng danh từ “lửa” với mạo từ xác định (τὸ πῦρ), có thể tác giả có ý đề cập đến lửa của sự trừng phạt thời cánh chung.[13]

(b) Song song nhưng đối lại về nghĩa với 15,7: 15,7 Nói đến điều kiện “nếu như anh em ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong anh em thì hãy xin điều anh em muốn, nó sẽ xảy ra” trong khi đó 15,6 nói về việc “không ở lại trong”: quăng ra ngoài, khô héo, gom lại, quăng vào lửa và bị đốt. Kiểu hành văn song đối làm nỗi bật hai hình ảnh trái ngược giữa hai chọn lựa khác nhau của những người tin.

  1. Ở lại trong” (μένω ἐν): Theo cấu trúc, trong phần (A’), Đức Giê-su mời gọi các môn đệ “hãy ở lại trong Thầy”. Động từ “μένω” được sử dụng với mật độ dày đặc trong đoạn văn này. Có ít nhất 7 lần động từ này được dùng trong đoạn văn chỉ có 8 câu (“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy trong anh em”; “trừ khi cành nho ở lại trong cây nho”; “trừ khi anh em ở lại trong Thầy” (15,4); “Ai ở lại trong Thầy và Thầy trong người ấy” (15,5); “Nếu ai đó không ở lại trong Thầy” (15,6); “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy trong ở lại trong anh em” (15,7). Mạch chảy của động từ “ở lại trong” vẫn tiếp tục cho đến những câu sau đoạn này: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (15,9); “nếu anh em giữ những điều răn của Thầy, anh em ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy giữ điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (15,10). Đó là chưa tính đến những lần tác giả ngụ ý để tránh lặp lại động từ này. Rõ ràng, chủ đề “ở lại trong” là một chủ đề trọng yếu trong đoạn này. Chủ đề “ở lại trong” kéo dài đến Ga 15,16. Nghĩa là thêm 8 câu sau đoạn này nữa. C. Keener gọi chủ đề này là thần học chủ đạo của đoạn này hệt như là “cây nho” và “hoa trái” là hai hình ảnh chủ đạo.[14] Việc so sánh sự “ở lại trong Thầy” giống như “cành nho ở lại” trong cây nho, cho thấy một sự gắn bó tự nhiên, cố hữu quyết định sự sống chết của cây nho. Khi cành nho tách khỏi cây nho, nó sẽ chết. Cũng vậy, nếu không “ở lại trong” Đức Giê-su các môn đệ cũng sẽ chết. Như thế, người tín hữu không phải là một con người tự quyết theo kiểu muốn làm gì thì làm theo ý mình nhưng là người luôn lãnh nhận điều mới từ Đức Giê-su, cũng như Đức Giê-su không nói và làm điều gì tự mình. Người làm điều Người thấy Chúa Cha làm (Ga 5,19.36; 8,28; 10,25.37) và nói những điều Chúa Cha trao phó (“Điều tôi nói, tôi nói như là Chúa Cha đã bảo tôi” (Ga 12,50). “Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ờ trong Chúa Cha” (Ga 14,11).
  2. Sinh hoa trái… sinh nhiều hoa trái”: Chủ đề “ở lại trong” đi liền sát bên chủ đề “sinh hoa trái”. Có thể nói rằng, hai chủ đề này như là một “cặp bạn nhảy” ăn ý lầu năm trong đoạn Tin Mừng này. Cụm động từ “sinh hoa trái” (φέρον καρπὸν) xuất hiện đến 6 lần (động từ “ở lại” cũng xuất hiên 7 lần) trong đoạn văn gồm 8 câu (câu 2: 3 lần; câu 4: 1 lần; câu 5: 1 lần; câu 8: 1 lần). Ngoài ra, có một lần nó xuất hiện cách ẩn ý nữa: “Cành nho không tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho; cũng như vậy, anh em cũng không (sinh hoa trái) nếu không ở lại trong Thầy”. Hành động “sinh hoa trái” có hai cấp độ: (1) Sinh hoa trái và (2) “Sinh nhiều hoa trái” (καρπὸν πολύν: 15,2.5.8). Nghĩa là luôn có mức độ tiến triển trong việc “sinh hoa trái”. E. Haenchen – R. Funk – U. Busse cho rằng tác giả có sự phân biệt giữa hai sự (có thể là 3) “không hoàn hảo” của những người tin vào Chúa: Từ mức độ khô héo đến mức độ sinh hoa trái và đến sinh nhiều hoa trái.[15] Muốn “Sinh nhiều hoa trái” phải chịu sự cắt tỉa (15,2). Ai muốn “sinh nhiều hoa trái” phải ở lại trong Đức Giê-su và Đức Giê-su ở lại trong anh ta/chị ta. Hơn nữa, “sinh nhiều hoa trái là một trong những điều “làm cho Chúa Cha được tôn vinh. Danh từ “hoa trái” trong cụm động từ “sinh hoa trái” hay “sinh nhiều hoa trái” nên hiểu theo nghĩa nào vẫn là một đề tài đáng bàn luận. C. Keener không ngần ngại gọi đó là “hoa trái của tình yêu” nối kết với đề tài “ở lại trong tình yêu” được nói đến ngay sau đó (15,10).[16] Ngoài ra, ông còn đề xuất một số loại “hoa trái” khác trong bối cảnh toàn Tin Mừng Gioan: (1) Hoa trái của chứng từ Ki-tô hữu được nói đến trong (Ga 4,36: “Người thu hoạch đã được nhận phần thường và thu lượm hoa trái cho sự sống đời đời”; Ga 12,4: “nếu hạt lúa rơi xuống đất mà thối đi thì “nó mới sinh nhiều bông hạt”); (2) Hoa trái về luân lý đạo đức. Trong bối cảnh Tin Mừng Nhất Lãm có thể nói đến lời rao Giảng của Gioan Tẩy Giả: “Hãy sinh hoa trái xứng với lòng hoán cải” (Mt 3,8.10; Lc 3,8-9). Trong bối cảnh trực tiếp của đoạn văn, “Sinh nhiều hoa trái” có liên quan đến “trở thành môn đệ của” Đức Giê-su và liên quan đến sự tôn vinh của Chúa Cha.
  3. Cha được tôn vinh”: Chủ đề “sinh nhiều hoa trái” khép lại đoạn văn. “Sinh nhiều hoa trái”, cùng với việc “trở thành môn đệ” là hai tiêu chuẩn để Chúa Cha được tôn vinh. Như đã nói trên, trong phần “bối cảnh”, đoạn 15,1-8 nằm trong “Sách của sự tôn vinh”. Vì thế, chủ đề tôn vinh được nhắc đến ở đây cũng là điều dễ hiểu. Chỉ có một điều khác biệt là sự kết hợp giữa “sinh hoa trái” và “trở thành môn đệ” là những điều làm cho Chúa Cha được tôn vinh. Nếu xâu chuỗi toàn bộ các hình ảnh liên quan đến nhau từ đầu đến giờ lại. Ta có thể nói như sau: Chúa Cha là người trồng và chăm sóc cây nho Giê-su – cây nho Giê-su là nơi để cho các “cành cây” môn đệ “ở lại” – và nếu “ở lại trong cây nho” Giê-su thì nó sẽ sinh nhiều hoa trái – “Sinh nhiều hoa trái” và “ở lại trong” Giê-su là những đặc tính của những người môn đệ – Và những đặc tính này làm cho Chúa Cha được tôn vinh. Nói gọn lại: Chúa Cha trồng cây nho Giê-su là để cho các môn đệ nhờ Người mà sinh hoa trái và họ càng sinh nhiều hoa trái tốt thì Chúa Cha lại được tôn vinh. Đó là vòng tuần hoàn trong mối tương quan yêu thương cứu độ Chúa Cha dành cho nhân loại. Động từ “tôn vinh” được dùng ở thì aorist có thể ngụ ý hai nghĩa: (1) Sẽ được tôn vinh và (2) Luôn luôn được tôn vinh. Mỗi khi các môn để thể hiện “căn tính” môn đệ nơi mình bằng cách sinh nhiều hoa trái tốt lành, thì Chúa Cha sẽ được tôn vinh. R. Brown cho rằng, nó có thể có yếu tố “một lần cho tất cả” trong thì aorist này, bởi vì các môn đệ tiếp tục sứ vụ của Đức Giê-su và duy trì hiệp thông với Người, vậy nên, chỉ có một sứ vụ được chia sẻ bời Người Con và các môn đệ. Trong một sứ vụ này, Chúa Cha được tôn vinh.[17]
  4. Trở thành môn đệ của Tôi”: Trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giê-su gọi các môn đệ là “môn đệ của tôi” trong 3 dịp. Ngoài lần này (15,8), “trở thành môn đệ của tôi” đi đôi với “sinh nhiều hoa trái” làm thành hai đặc tính để Chua Cha “được tôn vinh”, Đức Giê-su còn đề cập đến 2 điều kiện để được gọi là môn đệ của Người. Thứ nhất, “Ở lại trong lời của Người” (“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, các ông thật là môn đệ của tôi: Ga 8,31). Thứ hai, “Có tình yêu thương lẫn nhau” (“mỗi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của thầy, nếu anh em có lòng yêu thương nhau”: Ga 13,35). Điểm quy chiếu của mức độ yêu thương của các môn đệ dành cho nhau là “như Thầy đã yêu”. “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu” là “điều răn mới” Đức Giê-su ban cho các môn đệ. “Điều răn mới” cũng là “lời” đã được Đức Giê-su ban ra. Nghĩa là hai điều kiện mà Đức Giê-su đưa ra ở hai dịp khác nhau, có một sự nối kết mật thiết với nhau. “Ở lại trong lời” và “yêu thương nhau như Thầy đã yêu” là hai cách diễn tả của cùng một nội dung. “Ở lại trong lời” nghĩa là hòa làm một với “lời” trở thành “con của lời” và lời trở thành lẽ sống, lối sống của người môn đệ. Lẽ sống, lối sống căn bản, nền tảng, bao trùm mọi “lời” của Đức Giê-su là điều răn mới: “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương”.

Bình luận chung

Phụng vụ tuần IV Phục Sinh cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về Mục Tử Tốt Lành Giê-su. Vị Mục Tử ấy tốt lành ở 3 điểm chính: (1) Người dám hy sinh tính mạng vì đoàn chiên. Đây là đặc tính làm cho Cha yêu mến vị mục tử và cũng là mệnh lệnh của Cha; (2) Người biết chiên của Người mà chiên của Người biết Người, một sự hiểu biết đỉnh cao hệt như Con biết Cha và Cha biết Con; (3) Vị mục tử có hoài bảo tìm kiếm, quy tụ tất cả các con chiên thành một đàn chiên duy nhất và một vị mục tử. Trong đoạn Tin Mừng tuần V Phục Sinh, độc giả cũng tìm thấy cách hành văn và lối diễn tả tương tự về một vai trò khác của Đức Giê-su: “Người là cây nho đích thực”. Trong truyền thống Cựu Ước, Ít-ra-en là một vườn nho được Thiên Chúa trồng và chăm sóc, nhưng nhiều khi nó sinh nho dại chứ không sinh trái ngọt trái ngon. Trong bối cảnh đo, Đức Giê-su tự bạch rằng “Người là cây nho thật”. Từ cây nho này, hoa trái tốt lành sẽ được sinh ra. Cây nho thật có nguồn gốc từ Cha, được Cha trồng và chăm sóc. Chính Chúa Cha là người chịu trách nhiệm tối cao cho tất cả những gì Đức Giê-su nói và mạc khải.[18] Nguồn gốc và cách thức chăm sóc của Cha làm cho “cây nho” Giê-su trở thành cây nho độc nhất vô nhị. Với cây nho chính hiệu, phẩm chất tốt như thế thì lẽ ra bất cứ “cành cây nào gắn liền” với nó đều phải sinh hoa trái. Tuy nhiên, thực tế, không phải bất cứ “cành nho” gắn liền với cây nho đều sinh hoa trái. Một cách tự nhiên, có những cành không sinh hoa trái và bị lấy đi; và nhiều cành sinh hoa trái thì được để lại. Muốn sinh được nhiều hoa trái những cành này phải được cắt tỉa, làm sạch những nhánh con không cần thiết. Sự cắt tỉa những nhánh cây được ví như sự thanh tẩy, làm sạch cho người môn đệ. Và công cụ, tác nhân làm sạch cho người môn đệ không gì khác hơn là lời Đức Giê-su đã nói. Nếu họ ở lại trong Đức Giê-su thì được lời Người làm cho sạch trong và sinh được nhiều hoa trái thiêng liêng tốt lành. Yếu tố căn bản tiên quyết để sinh hoa trái là phải “ở lại trong Đức Giê-su” và để cho “những lời” của Người ở trong mình. Bất cứ ai không ở lại trong Đức Giê-su thì bị quăng ra ngoài, bị khô héo, bị gom lại, bị ném vào lửa và bị đốt đi, cháy rụi. Đó là hình ảnh hình phạt thời cánh chung. Hình phạt ấy có thể bắt đầu từ thời này, lúc này. Một khi người ta không ở lại trong Đức Giê-su và không chịu để cho lời của Người cắt tỉa, Người ta sẽ tự nhiên thiếu nhựa sống và khô héo, chết queo. Những cành nho gắn liên với thân cây nho, chịu cắt tỉa bởi Người Cha, và sinh nhiều hoa trái; sinh nhiều hoa trái tình yêu cũng là biểu hiện của người môn đệ của Đức Giê-su. “Sinh nhiều hoa trái” và “trở thành môn đệ” của Đức Giê-su là những điều làm cho Chúa Cha được tôn vinh. Nói cách khác, việc trở thành môn đệ, đồng nghĩa với việc các tín hữu ở lại trong Đức Giê-su, và ở lại trong Đức Giê-su thì sinh nhiều hoa trái tình yêu. Điều này làm cho Chúa Cha được tôn vinh. Tương tự như kiểu nói: “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy nếu anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Đoạn Tin Mừng này được cấu trúc theo một vòng tròn khép kín biểu lộ tương quan tình yêu cứu độ: Cha trồng và chăm sóc cây nho Giê-su – cây nho này sinh ra những cành nho môn đệ – những cành nho này ở trong cây nho Giê-su và sinh nhiều hoa trái yêu thương – nhiều hoa trái yêu thương làm cho Chúa Cha được tôn vinh. Dĩ nhiên, sự tôn vinh Chúa Cha ở mức độ cao nhất phải là sự tôn vinh nơi Người Con chứ không phải nơi hoa trái của các môn đệ. Trong Tin Mừng thứ tư, sự tôn vinh ấy bắt đầu khi Người Con bước vào cuộc khổ nạn: “Giờ đây Con Người được tôn vinh cả Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31-32). Đức Giê-su sẽ làm bất cứ điều gì các môn đệ cầu xin “để Chúa Cha được tôn vinh nơi Người Con” (Ga 14,13). Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su làm cho Cha Người được tôn vinh qua những dấu lạ Người làm: “dấu lạ chữa người bất toại” (“Thấy vậy dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa”, Mt 9,8; Mc 2,12; Lc 5,25-26); “Phép lạ chữa con trai bà góa Nain” (“Họ sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa, nói rằng: một ngôn sứ đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người: Lc 7,16).

Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích

[1] Xem F.J. Moloney, “John”, The Paulist Biblical Commentary (Ed., J.E.A. Chiu et als) (New York 2018) 1110-1111.

[2] C.S. Keener, The Gospel of John. A Commentary (Grand Rapids 2012) I, 986.

[3] J. Moloney chọn khối thống nhất của đoạn này là 15,1-11 và ông đề xuất cấu trúc gồm 3 phần: (1) Abiding in Jesus (vv.1-5a); (2) The results of abiding and not abiding in Jesus (vv.5b-8); (3) Abiding in the love of Jesus (vv.9-11) [F.J. Moloney, The Gospel of John (SP; Collegeville 2005) IV, 419].

[4]  Một số đoạn khác của Cựu Ước nói đến Ít-ra-el là vườn nho: Tv 80:8-16; Is 27,2-6; Ed 15,2-6; 17,5-10; 19,10-14.

[5] F.J. Moloney, “John”, 1163; C.S. Keener, The Gospel of John, 993; Đây là ngôn ngữ của hình thức bút chiến, F.J. Moloney, The Gospel of John, 419.

[6] E. Haenchen – R.W. Funk – U. Busse, John: a commentary on the Gospel of John (Hermeneia – CHCB; Philadelphia 1984) 131.

[7] C.S. Keener, The Gospel of John, 989.

[8] R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (AYB; New Haven – London 2008) 29A, 660.

[9] C.K. Barrett, The Gospel According to St. John. An Introduction with Commentary and Notes on the Greek Text (Philadelphia 1978) 474.

[10] R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 660.

[11] F.J. Moloney, The Gospel of John (SP; Collegeville 2005) IV, 423.

[12] Đức Giê-su cũng lặp lại “cây nào không sinh hoa trái tốt lành thì bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 7,19).

[13] R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 662.

[14] C.S. Keener, The Gospel of John, 988.

[15] E. Haenchen – R.W. Funk – U. Busse, John: a commentary on the Gospel of John, 131.

[16] C.S. Keener, The Gospel of John, 988.

[17]  R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 662.

[18] F.J. Moloney, The Gospel of John, 419.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 4 Phục Sinh)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 4 Phục Sinh)