LỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 4 Phục Sinh)

0
254

Tin mừng: Ga 14,7-14

7 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.

8 Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”.

9 Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha ?

10 Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư ? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc.

11 Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm. 12 Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha.

13 Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. 14 Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.


 

Suy niệm

BIẾT THẦY VÀ BIẾT CHA (Tu sĩ  Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD)

Biết là một động từ rất quan trọng trong đời sống và đặc biệt trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Biết về một ai hoặc biết về một thứ gì ngụ ý muốn nói rằng ta có kinh nghiệm cụ thể về người đó hoặc thứ mà ta biết. Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến động từ “biết Thầy và biết Cha”.

Động từ “biết Thầy và biết Cha” được Đức Giêsu lặp đi lặp lại với các môn đệ đến bốn lần. Điều đó cho ta thấy sự hiểu biết về Thầy và về Cha hết sức quan trọng trong đời sống của các môn đệ và trên hành trình theo Chúa. Biết ở đây không chỉ là một sự hiểu biết hời hợt, nông cạn bên ngoài mà là một sự hiểu biết trong tương quan sâu thẳm cá vị với người đó. Do đó, “biết Thầy” là có một mối liên hệ thân thiết với Thầy: nghĩa là yêu mến Thầy, kết hợp mật thiết với Thầy, thấu hiểu Thầy, cùng sống cùng chết với Thầy, hiểu được ý của Thầy và chương trình cứu độ của Thầy. “Biết Thầy” còn mang ý nghĩa là tin vào Thầy là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô, được Cha sai đến để hiến mình cứu độ nhân loại. Biết đủ về Thầy như thế thì mới có thể “biết Cha” vì “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,10), Thầy và Cha Thầy là một.

Nhìn lại đời sống của mỗi người chúng ta, được biết Chúa là một ân ban và diễm phúc lớn lao cho chúng ta, vì trong thực tế, không phải ai cũng được đặc ân đó. Thế giới chúng ta đang sống có hơn bảy tỷ người, nhưng số người biết Chúa và tin vào Ngài chỉ hơn một phần ba. Như thế, còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Bởi vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta rằng “biết Chúa” là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng nhưng không. Ta nhận nhưng không thì chúng ta cũng có sứ mạng giúp người khác biết và tin vào Chúa để được cứu độ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết Chúa với lòng mến bằng cả con tim, bằng lòng tín thác và cậy trông tuyệt đối. Amen.


XIN CHO ĐƯỢC THẤY CHÚA (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Mạnh, SVD)

Thánh Augustinô có viết trong cuốn Tự Thuật rằng: “Lạy Chúa, chúng con được dựng nên cho Chúa. Vì thế, chúng con luôn thao thức cho đến khi được nghỉ ngơi hoàn toàn trong Chúa mà thôi”. Thật vậy, con người luôn đi tìm mọi thứ để làm thỏa mãn mình, bởi luôn cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó, nhưng dường như không có gì làm cho họ thỏa mãn được ngoài Thiên Chúa.

Trong sự khát khao đó, Tông Đồ Philipphê cũng xin: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Khao khát của ông Philipphê cũng là khao khát của biết bao người thiện chí không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, đặc biệt là những người đã nếm trải cuộc đời. Trong những dịp đi thăm hỏi những người già yếu trong giáo xứ, tôi thấy đa số những người già gần đất xa trời không ước gì nữa ngoài mong cho mau được gặp Chúa. Dường như chỉ có Chúa mới làm thỏa mãn sự khao khát của họ mà thôi.

Thế nhưng, làm sao để nhìn thấy Chúa thì cũng là một vấn nạn của rất nhiều người. Ta đi tìm kiếm Thiên Chúa nhưng khi Ngài ở bên ta mà ta chẳng nhận ra Ngài. Ta thường hay đi tìm những sự lạ, chạy đây đó vì nghe người ta bảo “thiêng” lắm.

Thế nhưng lại quên mất rằng Chúa luôn ở đây, chờ ta, chỉ cần ta đáp lời, cảm nhận sự hiện diện của Ngài. Chúa hiện diện trong Thánh Lễ, Thánh Thể, trong những người anh chị em quanh ta, trong những biến cố cuộc đời. Chúa hằng gìn giữ, ban ơn cho ta cách này hay cách khác, thế nhưng ta chưa nhận ra. Vì thế, chúng ta cần nhìn lại cách sống đạo của chính mình, để làm sao biết và thấy được sự hiện diện, đồng hành và nâng đỡ của Chúa. Thực sự điều chúng ta thiếu là nhận biết về Đức Giêsu bằng cảm nghiệm thân mật. Với tâm tình của thánh Philiphê, ước mong mỗi người luôn giữ thái độ tìm kiếm Chúa một cách đúng đắn trong chính cuộc sống hằng ngày. Bởi Chúa vẫn luôn hiện diện bên cạnh và trong mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin, để chúng con thấy Chúa luôn ở cùng, đồng hành, hiện diện và nâng đỡ chúng con. Amen.


 

NỀN TẢNG ĐỨC TIN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh B (Ga 15,1-8)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 5 Phục Sinh – Năm B