LỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 17 TN)

0
507

Tin mừng: Mt 14, 1-12

1 Thời ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giê-su, 2 thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ”.

3 Số là vua Hê-rô-đê đã bắt trói ông Gio-an và tống ngục vì bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua.

4 Ông Gio-an có nói với vua : “Ngài không được phép lấy bà ấy”. 5 Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ.

6 Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích.

7 Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho.

8 Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm”.

9 Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô.

10 Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an.

11 Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ.

12 Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.


 

Suy niệm

NỖI SỢ HÃI LỚN NHẤT (Tu sĩ Phêrô Lê Việt Tân, SVD)

Tin Mừng hôm nay tường thuật lại cái chết của ông Gioan Tẩy Giả, thế nhưng câu chuyện về cái chết của ông không dừng lại trong lịch sử mà nó thể hiện một cách sâu sắc chiều kích nhân loại tính, nối kết lịch sử với hiện tại. Có hai câu hỏi lớn phải được đặt ra là: Tại sao người ta phải giết ông? Hai là cái chết của ông làm chứng cho điều gì?

Gioan Tẩy Giả phải chết vì ông nói thật. Vua Hêrôđê biết Gioan là ngôn sứ, ông thích nghe sự thật từ thánh Gioan nhưng lại không chấp nhận sự thật. Còn bà Hêrôđia lại muốn giết ông vì bà muốn “đổi trắng thay đen” hầu có lợi cho chính bản thân bà. Cũng giống như Hêrôđê hay Hêrôđia, người Do Thái thời đó giết Đức Giêsu cũng chỉ vì không muốn chấp nhận sự thật và những lời chói tai mà Ngài rao giảng. Chính điều đó cho chúng ta suy nghĩ về đời sống xã hội của con người. Thứ nhất, con người thích khám phá ra sự thật, muốn biết được sự thật nhưng lại không chấp nhận và sống theo sự thật. Thứ hai, khi chân lý đụng chạm đến quyền lợi của bản thân thì con người có xu hướng phủ định chân lý. “Phủ định chân lý” là cách để cho lương tâm thanh thản khi con người làm điều sai trái. Thứ ba, một chân lý bất hủ là người làm chứng cho chân lý luôn phải chịu nhiều đau khổ và thậm chí là cái chết

Thế giới hôm nay cho chúng ta thấy rõ ràng ba điều trên. Mạng xã hội, phương tiện truyền thông luôn truyền đi những thông điệp không đúng sự thật hầu có lợi cho chính mình mặc dù những kẻ tung những tin tức giả biết rõ ràng điều nào đúng điều nào sai. Những người cầm quyền nhân danh chính nghĩa để làm điều phi nghĩa dưới những từ ngữ “giải phóng”, “bảo vệ lợi ích”. Những người lên tiếng bảo vệ sự thật luôn bị vu khống và bách hại. Vậy chúng ta chọn lối sống nào trong thế giới hôm nay?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu mến chân lý và mạnh dạn làm chứng cho sự thật toàn vẹn. Amen.


 

BA HẠNG NGƯỜI (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

TỰ DO TRONG THẦN KHÍ (Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD)

Ngay từ lúc khởi nguyên, Thiên  Chúa đã ban cho con người một đặc ân vô cùng lớn là sự tự do. Người cho con người tự do chọn lựa, tự do quyết định. Trong bài Tin Mừng hôm nay, hai nhân vật là ông Gioan Tẩy Giả và vua Hêrôđê cũng đã có sự tự do lựa chọn riêng cho mình.

Trước hết, tiểu vương Hêrôđê đã tự do lựa chọn sự dữ, dám phạm bất cứ tội lỗi nào. Vì đam mê sắc dục, ông đã hãm hại anh mình để cướp lấy chị dâu. Không dừng lại ở đó, vì lời thề và danh dự mà ông lại giết luôn cả ông Gioan Tẩy Giả. Quả thật, Hêrôđê đã dùng tự do của một vị vua mà làm trái lương tâm, ích kỷ, chiều theo bản năng dục vọng của mình. Sự tự do này là sự tự do của trần thế, của ma quỷ.

Bên cạnh đó, ông Gioan Tẩy Giả lại can đảm chọn lựa sự thật và chân lý. Ông can đảm làm điều tốt, can đảm gióng lên tiếng nói lương tâm cho dù phải hy sinh tính mạng. Ông đã chọn lựa nghe theo Thần Khí Chúa là sự thật. Chính vì thế, dù là một tử tội nhưng tâm hồn ông luôn được thanh thản.

Mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa ban cho quyền tự do chọn lựa. Sự chọn lựa điều tốt, điều thiện thì đi đến với sự thật, đến với Thần Khí. Còn chọn lựa điều xấu, điều ác thì đi đến sự chết, đến với ác quỷ. Tuy nhiên, trong cuộc sống, lắm khi vì lợi ích cá nhân, vì những ham thú chống qua mà chúng ta lại đi ngược với những giáo huấn mà Đức Giêsu đã dạy. Những lúc như thế, chúng ta đã xúc phạm đến quyền tự do cao cả mà Thiên Chúa đã ban, dùng chính tự do ấy mà chống lại Thiên Chúa.

Lạy Thiên Chúa, xin Thần Khí Chúa hằng soi sáng cho chúng con để chúng con biết dùng tự do Người ban mà sống theo sự thật và chân lý. Amen.

 


LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT (Tu sĩ F.X. Nguyễn Trí Long, SVD)

Con người hôm nay dường như ít dám mạnh mẽ nói lên tiếng nói sự thật, chân lý, lẽ công bằng, phản đối sự bất công. Bởi lẽ, họ sợ gặp phải liên lụy, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bản thân. Tuy nhiên, Lời Chúa hômnay cho ta thấy hình ảnh Gioan Tẩy Giả dám lên tiếng cho sự thật dù biết sẽ phải đối diện với cái chết. Ông đã làm chứng cho sự thật qua hành động can ngăn, khiển trách vua Hêrôđê, dù biết vua có đầy quyền lực. Ông đã thẳng thắn nói với vua rằng: “Ngài không được phép lấy bà ấy” (Mt 12,4). Ông đã không khuất phục vua mà còn can đảm tố cáo tội ác loạn luân lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ là bà Hêrôđia. Ông đã mạnh dạn lên án điều xấu xa này, dù biết mình sẽ phải chết. Đó là tiếng nói bất khuất của vị ngôn sứ. Cái đầu của ông bị đặt trên mâm là cái giá phải trả cho sự thật mà ông đã làm chứng. Lời chứng và cái chết của ông đã nói lên sự thật là ông hoàn toàn đáp trả lời mời gọi và sống theo Lời của Thiên Chúa. Một hình ảnh trái ngược hoàn toàn là vua Hêrôđê đầy uy quyền nhưng là một người yếu đuối và nhu nhược. Tuy vua không muốn chém đầu ông nhưng vì sợ mất thể diện, nên vua đã phạm tội ác ra lệnh chém đầu một vị ngôn sứ dám làm chứng cho sự thật.

Qua bài Tin Mừng, tôi tự vấn mình có giống như Hêrôđê, bất chấp sự thật mà hành động sai trái lương tâm không? Tôi có dám can đảm làm chứng cho sự thật như Gioan Tẩy Giả không? Và có sẵn sàng hiến mạng sống để làm chứng cho Tin Mừng hay không?

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp tôi biết can đảm làm chứng cho sự thật, luôn quyết tâm sống không thỏa hiệp với cái xấu để làm chứng cho Tin Mừng Chúa.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 17 TN)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Hiển Dung – Năm A