LỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 18 TN)

0
681

Tin mừng: Mt 14, 22-36

22 Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió.

25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên.

27 Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” 28 Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.”

29 Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su.30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”

31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” 32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay.33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”

34 Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghen-nê-xa-rét.35 Dân địa phương nhận ra Đức Giê-su, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người.36 Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi.


 

Suy niệm

LÒNG TIN (Giuse Maria Phạm Văn Thế)

Sợ hãi gần như đã trở thành một bản năng sinh tồn nơi con người, không ai tránh khỏi. Bởi bản tính tự nhiên của con người là “tham sống sợ chết”, nên ắt là lo sợ đủ điều. Tuy nhiên, nơi Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu đã cho ta thấy sức mạnh của niềm tin có thể vượt thắng mọi chông gai, sợ hãi trên đường đời.

“Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ” (Mt 14,25). Sau phép lạ hóa bánh, Đức Giêsu đã tỏ uy quyền của Người cho các môn đệ khi Người đi trên mặt biển mà đến với họ. Hành động đó của Người đã gợi lại hai việc trong Cựu Ước: Thiên Chúa tỏ uy quyền trên hỗn mang nguyên thủy để tạo dựng trời đất và khống chế Biển Đỏ để giải thoát dân Người. Vì thế, Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa, nên Người cũng hành động như Thiên Chúa. Hơn nữa, hành động đi trên biển của Đức Giêsu còn cho thấy sự thông ban uy quyền chiến thắng sự dữ cho ông Phêrô, nhưng tùy thuộc vào lòng tin (x. Mt 14,29-31). Nếu tập trung tâm trí vào Chúa Giêsu thì ông khống chế được sóng gió và biển khơi; ngược lại khi rời xa Chúa, thì ông bị chìm đắm.

Quả thế, theo quan niệm người xưa: biển khơi tượng trưng cho những sức mạnh thù nghịch với Thiên Chúa (x. G 38,1-11); con thuyền chở các môn đệ cũng được xem như hình ảnh của Hội Thánh ở trần gian, đang đối mặt với nhiều sóng gió của nhiều thế lực sự dữ, nhiều tư tưởng sai lạc khiến niềm tin chao đảo. Thật vậy, nhiều Kitô hữu cũng đang phải gánh chịu những sự bất công, hận thù, chia rẽ khủng hoảng. Do đó, mỗi người trong chúng ta cần phải ý thức được sự hiện diện của Chúa, sống đức tin và kêu cầu Người. Một niềm tin trọn vẹn, sâu xa, bao gồm việc hoàn toàn tín nhiệm vào Người, không lo ngại hay do dự trước những tình trạng khó khăn. Bởi Đức Giêsu nắm mọi quyền trên trời dưới đất.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy dang rộng cánh tay của Ngài cho chúng con nắm giữ. Xin cho chúng con biết tín thác và thấy được hồng ân của Người, mỗi khi cuộc đời của chúng con dậy sóng. Amen.


 

TIN CÓ CHÚA Ở CÙNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

 

LẠY NGÀI, XIN CỨU CON! (Linh mục Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD)

Đứng trước giây phút sinh – tử, tâm thần con người hoảng hốt, lo sợ vì cảm thấy hoàn toàn bất lực nên thường chạy đến với Đấng mình tin để xin cứu giúp. Hình ảnh thánh Phêrô trong trình thuật Lời Chúa hôm nay cũng không ngoại lệ, gặp khốn khó, thánh nhân đã van xin với Đức Giêsu: “Lạy Ngài, xin cứu con với!” (Mt 14,30b).

Quan sát bản văn, chúng ta nhận thấy rằng khung cảnh diển ra cuộc giải cứu của Chúa Giêsu dành cho thánh Phêrô là trên mặt biển hồ, vào khoảng canh tư, nghĩa là trong đêm tối, giữa sống to, gió ngược. Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm rất cao và Phêrô có thể mất mạng, dẫu ông là dân chài và là người biết bơi lội. Bởi thế, thánh Phêrô đã kêu cầu với Đức Giêsu: “Lạy Ngài, xin cứu con với!”.

Đây là một lời van xin đầy khẩn thiết của thánh nhân trước tình cảnh khốn cùng của mình. Diễn tiến của bản văn Lời Chúa cho chúng ta thấy, có ba lý do mà thánh Phêrô sắp bị nhấn chìm là: vì ông hoảng hốt, lo sợ; nghi ngờ sự hiện diện của Chúa và đánh mất lòng tin vào Thầy Giêsu.

Đời sống của người Kitô hữu chúng ta cũng có thể được ví như một con thuyền trên hành trình vượt biển để tìm đến bến bờ bình an. Và trên hành trình ấy, hẳn nhiên chúng ta không thể trách khỏi sống to, gió ngược, cuồng phong, bảo tố của biển đời. Con thuyền đời mình chắc hẳn nguy cơ bị nhấn chìm bất cứ lúc nào. Trong hoàn cảnh như thế, tâm thần của chúng ta thế nào: sợ hãi, nghi ngờ, mất niềm tin vào Chúa hay vẫn vững tin? Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin vào lời trấn an của Chúa Giêsu: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27) và hãy bắt chước thánh Phêrô mà kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con!”.

Lạy Chúa Giêsu, giữa biển đời vẫn đầy dẫy phong ba, bão táp, con thuyền đời chúng con sẽ có lúc chồng chềnh, chao đảo và có thể bị nhấn chìm. Xin Chúa cho chúng con luôn biết vững tin rằng Chúa luôn hiện diện ở bên và bàn tay của Ngài luôn đỡ nâng chúng con. Amen.


CHÍNH THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ! (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD)

Bài Tin Mừng hôm nay mang đến cho chúng ta một cảm giác thật hạnh phúc và an tâm bởi vì qua hình ảnh của các môn đệ, chúng ta thấy rằng trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách trong cuộc sống, chúng ta sẽ không phải cô độc một mình, nhưng Chúa luôn xuất hiện kịp thời để trợ giúp chúng ta.

Bài Tin Mừng trình bày ba khó khăn mà các môn đệ gặp phải, cùng với đó là ba sự can thiệp kịp thời của Đức Giêsu. Thứ nhất, các ông phải lênh đênh giữa biển, trong đêm tối, thuyền bị sóng đánh vì ngược gió. Thế nhưng, ngay lập tức, Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các ông. Khó khăn thứ hai lại đến khi các môn đệ nhầm tưởng Đức Giêsu là “ma”, điều này cũng đã gây ra nỗi sợ hãi kinh khiếp cho các ông. Nhưng lại ngay lập tức, Đức Giêsu tỏ hiện mình ra để trấn an các ông. Khó khăn thứ ba xảy ra cho riêng Phêrô, đó là lúc ông đi trên mặt biển, nhưng khi gió nổi lên và vì sợ hãi, ông đã chìm xuống. Và không một chút chậm trễ, Đức Giêsu đưa tay ra nắm lấy ông.

Đức Giêsu không chỉ hiện  diện  với chúng ta qua con người của Người nhưng còn qua uy quyền của Người. Bài Tin Mừng thuật lại rằng khi không có Chúa ở cùng, các môn đệ “bị sóng đánh”, nhưng khi Chúa đến và các ông nhận ra Người thì “gió lặng ngay”. Uy quyền của Đức Giêsu còn được biểu hiện cách mạnh mẽ ở cuối đoạn Tin Mừng, khi mà dân chúng chỉ cần sờ vào tua áo của Người thôi thì cũng đã được chữa khỏi bệnh rồi. Như vậy, tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa nơi mọi cảnh huống và luôn cậy dựa hoàn toàn vào uy quyền của Người là điều mà mọi tín hữu chúng ta phải luôn ý thức và tâm niệm.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Ngài vẫn luôn đồng hành và trợ giúp chúng con trong cuộc sống. Xin ban cho chúng con một lòng tin mạnh mẽ để uy quyền nơi Chúa có thể tác động và biến đổi chúng con mỗi ngày. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Hai Tuần 18 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư Tuần 18 TN)