Thiên đàng là …

0
774

Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Chúa ở đâu?

Ở trên trời. Để hiểu rõ hơn cần hỏi tiếp: “Trời ở đâu?”. Tôi đặt câu hỏi này cho các em thiếu nhi trong một Thánh Lễ. Sau một chút thinh lặng, có một em học lớp hai trả lời: “Trời là thiên đàng.” Đúng! Nhưng chưa hoàn toàn thỏa mãn, tôi hỏi tiếp: “Vậy thiên đàng ở đâu?” “Là nơi Chúa ngự.” – một em khác trả lời như vậy. Quá hay! Vậy chứ “Chúa ngự ở đâu?” Ai học Giáo lý Công giáo đều biết câu trả lời: “Chúa ở khắp mọi nơi!” Kinh Hòa bình còn chỉ cho lối cụ thể hơn, khi xác quyết: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”.

Như vậy là bài toán được giải đáp cặn kẽ: Chúng ta biết Chúa Giêsu đi đâu, khi nói “Người về với Thiên Chúa, về trời.“ Vì nếu hiểu “trời” là một địa điểm, một chỗ nào đó, thì con người chúng ta phải kiếm vàng con mắt mà không tìm thấy. Phi hành gia đầu tiên người Nga, khi lên cung trăng, đã nhìn quanh và quả quyết: “Tôi không nhìn thấy Thiên Chúa đâu cả!” Đúng vậy. Làm thế nào nhìn thấy Chúa ở đâu đó được!

Trong thực tế, con người luôn muốn biết chắc, muốn rằng Chúa ngự một nơi nào đó, để có thể đi hành hương đến đó mà tìm. Người ta sẵn sàng bỏ thật nhiều tiền, thời gian và công sức để vượt qua ngàn dặm đầy gian nan, nếu biết chắc được nơi Chúa ở. Người ta có thể đi khắp chốn để tìm Chúa, làm như Chúa ở một nơi nào đó. Quên rằng “lên trời” là đến nơi Thiên Chúa ngự, là ở trong tôi, trong tim tôi. Tìm Người ở một nơi khác, tôi sẽ phải thất vọng. Tìm Trời ở nơi người khác cũng vậy.

Khi người ta yêu nhau thì ước vọng to nhất của họ là gì? Giữ người yêu trong tim mình! Các hình ảnh chung riêng chỉ phục việc nhắc nhớ sự hiện diện của người tình mà thôi.

“Lên trời” là để nhìn mọi sự từ khoảng cách và góc độ khác. Đây là một hình ảnh, một khái niệm thần học và là câu trả lời cho câu hỏi vừa được đặt. Trời là nơi người yêu gần nhau mãi mãi; nơi tình yêu bất tận. Đó là một định nghĩa thật tuyệt vời cho khái niệm “Trời”. Từ miệng của Đức Giêsu thì nghe như vậy: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó“ (Ga 14,3).

Đấng Phục Sinh ở trong sức mạnh và sự sống của Thần Khí. Nghĩa là tôi không còn cô đơn, một mình, lẻ loi, mà luôn với người mình yêu thương nhất – ở “trên trời”. Vì là nơi tôi được yêu thương hoài, nên “trời” cũng là hình ảnh cho sự sống sung mãn và bất diệt. Trời là nơi của yêu thương, cởi mở để cho và nhận, khác với hỏa ngục nơi chỉ có đường một chiều và đóng kín. Không có sự trao đổi và chia sẻ, hỏa ngục là nơi con người không sống không cho ai cả. 

Kitô hữu muốn đi hướng của Người, đi qua Người, vì Người “là cửa” (Ga 10,9). Đi theo Đức Kitô, tôi cần giữ gìn những nhớ nhung, kỉ niệm và để cho chúng thôi thúc tôi ra đi loan báo Tin Mừng. Vì thế, tôi không nên đứng mãi mà ngước nhìn trời (Cv 1,11), mà học nhìn vào trong tim, nơi “mọi sự” đã được ghi nhận và tích trữ trong đó.

Thần Khí là Đấng nhắc lại, khơi lại nguồn đó cho tràn trào. Nghĩa là tôi cần học phát triển những tiềm năng được Thiên Chúa đặt vào trong tim tôi. Và học sống từ con tim, nghĩa là từ những kỉ niệm và nhớ nhung. Không đứng đó và nhìn đi đâu khác để tìm Chúa, mà học nhìn vào trong nội tâm và khám phá ở đó sự hiện hữu của Đấng Phục sinh: Sự sống bất diệt trong chữ yêu thương. Sứ vụ được trao là làm lời những gì đã được đón nhận khi còn ở với Thầy, chứ không đứng đó tiếc nuối cho thời đã qua, thì như là chôn giấu chúng vậy.

Trời là hình ảnh của hi vọng, rằng đời ta không thể mãi thế này! Cho những ai mong chờ công lý, hòa bình, thay đổi tích cực, canh tân thực thật cuộc đời. Trời là niềm hi vọng vào tương lai tốt đẹp nhất – với Thiên Chúa. Và đó là định hướng sống cho giờ này tại đây. Là hình ảnh cho sự đoàn viên, sum họp, kiện toàn, hoàn tất, trọn vẹn. Trời là hình ảnh rộng mở nhất, vì “có nhiều chỗ ở” trong “nhà Cha Thầy” (Ga 14,1).

Ngước mắt lên trời dạy tôi tập tành suy rộng, nhìn rộng. Mở rộng con tim là điều các Kitô hữu cần đeo đuổi trong đời, để “nhà mình” cũng được mở rộng cho có nhiều chỗ cho nhiều người. Những kẻ “coi trời bằng vung” thì không thể có được khung suy nghĩ và tầm nhìn thênh thang của chân trời. Chỉ rộng bằng cái vung nên suy cảm hẹp hòi nhỏ nhen. Chối hẳn sự tồn tại của Thiên Chúa, là chối bỏ tình yêu chân thành, con-người-từ-chối góp công kéo hỏa ngục đến đây, khi duy trì việc nuôi thù hận, ghen ghét, dùng sợ hãi để cai trị, cổ võ gian tham, bạo hành, phá hoại sự sống và sự mừng khi thấy người khác gặp nạn … Và đó chính là các “giá trị“ bị đảo ngược của thời chiến.

Lá thư từ thiên đàng

Tuyên xưng rằng Đức Giêsu về trời với Chúa Cha động viên chúng ta học một lối nhìn khác. Đảo ngược điểm quan sát của mình: Tôi không còn nhìn con người và thế giới từ hỏa ngục, mà từ thiên đàng. Những bức thư cho nhau cần được viết từ đó: “Thư từ thiên đàng”. Nghĩa là để lôi cuốn, động viên, khuyến khích qua cái thật, cái tốt lành, cái đẹp của thiên đàng. Khác với truyền thống nhấn mạnh những yếu đuối, tội lỗi dùng hình phạt và lửa hỏa ngục để răn đe. Hay dùng sợ hãi để giáo dục phục vụ sự thống trị và nộ lệ hóa con người – như các thể chế độc tài làm.

Nhìn con người và thế giới từ những điều có thể, chứ không từ những cái thiếu sót. Không chủ ý gây sợ hãi và không suy nghĩ từ ước muốn trừng phạt, mà ngược lại từ niềm tin yêu thương có thể vượt qua sợ hãi. Và yêu thương là sức mạnh biến đổi hoàn hảo nhất. Nghĩa là học nhìn con người và thế giới từ ánh mắt của Đấng Phục Sinh. Nhìn từ trời! Đó là lối nhìn của niềm tin vào sự phục sinh của Đức Kitô, là viễn ảnh mới. Nhìn từ cuối đường, từ cùng đích, từ sự viên mãn, tự sự hoàn tất của công trình. Nhìn bằng đôi mắt Chúa. Nhìn như Chúa nhìn: từ thiên đàng.

Thực tế không bị chối bỏ, nhưng học nhìn như Chúa là học nhìn như người cha nhân từ (x. Lc 15, 1-3.11-32). Không đặt sự hoang đàng, sự lầm lỡ, thất bại, đói khát, mất hết danh dự vì còn tệ hơn những con lợn, mà sự tin tưởng vào tình yêu đã được gieo vào đời người con trai thứ. Đó là những kinh nghiệm anh làm với cha trong nhà, trước khi đòi ra đi. Quyền làm con thứ và ao ước khám phá thế giới của anh ta được tôn trọng. Cả cái giá phải trả cho khát vọng sống đời mình mà không liên hệ với người thân, cũng được nhìn khác.  

Khám phá thế giới, khám phá đời mình, chính con đường đó đã đẩy đưa người con thứ về lại với Cha. Rõ hơn: khi anh cụt đường. Anh học khám phá Tình Cha một cách khác, và anh đã nhận biết rõ cha hơn và biết mình hơn qua đó. Từ kinh nghiệm nơi vực thẳm cuộc đời anh biết quý trọng tình cha, sự rộng rãi bao dung, ước muốn to lớn của Cha và lòng nhân ái – là tình yêu của Cha mình. Chính cái quan điểm từ trời của người Cha đã tạo điều kiện cho cuộc mạo hiểm đó.

“Nơi này để cải tạo, không để trừng phạt!”

Hàng chữ được khắc bằng đồng trên nền sảnh trại giam tại Dresden/Đức quốc. Một cách nhìn nhà tù khác lạ, được xây dựng trên một hình ảnh con người Kitô giáo. Không như quan niệm và cách đối xử của chúng ta với những kẻ phạm pháp. Chúng ta có sự lựa chọn cái nhìn: từ hỏa ngục hay từ trời. Nhìn từ việc trừng phạt tội nhân hay từ niềm hi vọng thay đổi tích cực của con người. Và vì thế người ta tạo những điều kiện cần thiết tương xứng.

Nhìn kỹ, mục đích của hai lối nhìn là một: muốn giúp con người “lên thiên đàng”, sống đời đời, lên trời. “Để được cứu độ” là cách nói quen thuộc. Chúng ta có thể sống từ nỗi sợ mất linh hồn, sợ phải xuống hỏa ngục, sợ bị phạt đời đời, sợ tội. Hay ngược lại: sống từ niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa và lòng thương xót của Người. Sự khác biệt sẽ là sống trong nỗi sợ hay sống trong tình yêu Thiên Chúa ngay hic et nunc (ở đây và bây giờ), khi đeo đuổi cùng một mục đích trong đời.

Thần học, giáo lý, giáo dục, kinh kệ, bí tích, mục vụ, đào tạo, được đặt trên nền này sẽ ra sao? Bí tích giúp tỏ hiện tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa. Điểm nhấn không còn là tội và sợ, mà là tha thứ, lòng thương xót và cơ hội bắt đầu lại, là đón nhận con người vô điều kiện, là xót thương và mở lối.

Cần tự hỏi mình một lần để hiểu rõ mình hơn: Tại sao chúng ta thích lối truyền thống hơn? Tức là thích đe dọa, gây sợ hãi và trừng phạt? Trong khi đó, sợ hãi sản sinh ra thù hận và bạo lực. Và bạo lực tiếp nối bạo lực. Truy tìm nguyên nhân của bạo hành bạo lực, sự vô tâm vô cảm đang lan tràn người ta cần phải tìm ở đó. Gây sợ hãi và nuôi sợ hãi không giúp cho tình yêu lớn mạnh. Mà chỉ trong tình yêu thì con người mới hết sợ hãi (1 Ga 4,18). Được vậy, chúng ta có cơ hội nếm hương vị thiên đàng, ngay tại đây rồi!

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư Tuần 18 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Ngày 10/8, Thánh Laurensô, Tử đạo, Lễ kính)