Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 5 Phục Sinh – Năm B

0
650

Bài Ðọc I: Cv 9, 26-31

“Ngài thuật lại cho các ông biết trên đường đã thấy Chúa thế nào”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và tại Ðamas ngài dạn dĩ xưng danh Ðức Giêsu thế nào. Và từ đó, ngài ra vào Giêrusalem với các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại, và tranh luận với những người Hy-lạp, nên họ tìm cách giết ngài. Các anh em biết việc đó, nên đem ngài xuống Xêsarêa, rồi tiễn đưa ngài về Tarsê.

Hội Thánh được bình an trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 26b-27. 28 và 30. 31-32

Ðáp: Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội (c. 26a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội. Con sẽ làm trọn những lời khấn hứa của con, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: “Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời”. – Ðáp.

2) Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa; bao kẻ nằm xuống bụi tro sẽ sấp mình trước thiên nhan. Và linh hồn con sẽ sống cho chính Chúa. – Ðáp.

3) Miêu duệ con sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng: “Ðiều đó Chúa đã làm”. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 18-24

“Ðây là giới răn của Người: là chúng ta phải yêu thương nhau”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự.

Các con thân mến, nếu lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, và bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người.

Và đây là giới răn của Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 4 và 5b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con; ai ở trong Thầy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 1-8

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

 

Bài giảng chủ đề:

HÃY Ở LẠI TRONG THẦY (Ts. Lm. Antôn Nguyễn Huy Quyền, SVD)

Trong một sách tu đức nhà phật có kể một câu chuyện như sau:

Có một người thanh niên rất thành đạt trong cuộc sống nhưng anh vẫn cảm thấy chưa thoả mãn vì hình như mình đang thiếu một cái gì đó. Một hôm, anh nghe người ta nói cho biết có một vị thiền sư đắc đạo, tu một mình trên núi. Thầy đã giúp cho nhiều người giác ngộ, tìm lại sự bình an và hạnh phúc trong cuộc sống. Nghe thế, anh quyết định bỏ mọi sự để lên núi xin thầy được tầm sư học đạo, hầu mong thầy có thể giúp mình giác ngộ, tìm được điều mà mình còn thiếu. Lên núi, anh như bị cuốn hút bởi khung cảnh yên tĩnh của thiền viện nơi đây cũng như con người bình dị và phúc hậu của vị thiền sư. Anh xin thầy cho mình được ở lại và theo thầy làm môn đệ. Vị thiền sư vui vẻ đón nhận anh. Công việc hằng ngày của anh ngoài thời gian ngồi tụng kinh là chẻ củi, quét nhà, nấu cơm và xuống suối gánh nước cho hai thầy trò dùng. Ngày này qua ngày khác công việc của anh chỉ có vậy, không có gì thay đổi. Điều đó làm cho anh cảm thấy buồn chán vì mục đích được giác ngộ của anh vẫn chưa thành hiện thực. Một hôm, anh quyết định gặp thầy trình bày suy nghĩ của mình và xin phép thầy hạ sơn, không tu nữa. Nhìn người học trò với ánh mắt thương cảm, thầy xoa nhẹ lên đầu anh và ôn tồn nói: Hãy ở lại với thầy. Nhưng anh vẫn một mực nhất quyết hạ sơn. Thuyết phục người học trò mãi không được, vị thiền sư nói với anh: nếu con vẫn nhất quyết bỏ cuộc thì thầy có một đề nghị cuối cùng đó là, trước khi thầy trò chia tay, chiều nay con và thầy xuống suối tắm với nhau lần cuối. Chiều hôm đó hai thầy trò dắt nhau xuống suối tắm. Trong lúc đang tắm, thầy bảo anh lặn xuống thật sâu dưới đáy suối. Khi anh lên khỏi mặt nước, thầy hỏi anh: Con có thấy gì dưới đó không? Anh trả lời: Không! Thầy bảo anh làm lại lần nữa và hỏi: Con có thấy gì không? Anh vẫn trả lời không thấy gì cả.

Rồi thầy bảo anh lặn xuống lần thứ ba. Trong khi anh đang ở dưới nước thì thầy túm lấy cổ anh và nhận xuống, mặc cho anh vùng vẫy. Khi anh gần như kiệt sức, thầy kéo anh lên và hỏi: Lần này con có thấy gì không? Anh trả lời: Con không thấy gì cả, nhưng con thấy cần được lên khỏi mặt nước để thở. Thầy nhìn anh mỉm cười và nói: Vậy là con đã giác ngộ rồi đó. Rồi thầy trò dắt nhau về núi, anh quyết định ở lại với thầy. Câu chuyện kết thúc ở đây.

Câu chuyện của người thanh niên trẻ và vị thiền sư có nét giống với câu chuyện của Thầy trò Đức Giêsu trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Tuy nhiên, câu chuyện của thầy trò Đức Giêsu lâm ly và thâm trầm hơn rất nhiều vì nó dẫn chúng ta đến một chiều kích đức tin sâu hơn và xa hơn.

Theo mạch văn kể chuyện của Tác giả Gioan, lúc này, các môn đệ của Đức Giêsu đang bị rơi vào một sự khủng hoảng trầm trọng. Tại sao vậy? Bởi vì sau bao nhiêu năm bỏ mọi sự để theo Thầy làm môn đệ, hầu mong có một tương lai tươi sáng, thì hôm nay Thầy lại tuyên bố rằng, một kẻ trong nhóm sẽ phản nộp Thầy, và Phêrô – người anh cả của nhóm – sẽ chối Thầy. Rồi sau đó, Thầy sẽ lên Giêrusalem và bị người ta giết chết một cách thê thảm. Chưa hết, về phần các môn đệ, các ông sẽ bị mọi người thù ghét và bách hại. Nếu điều này xảy ra thì quả thật tương lai của các ông xem như chấm hết. Mọi ước mơ và dự tính của các ông sẽ tan biến theo cái chết của Thầy. Đó là lý do các ông rơi vào một sự khủng hoảng toàn diện.

Với sự nhạy cảm của một người Thầy, Đức Giêsu thấu hiểu được nỗi lòng và tinh thần của các ông lúc này. Ngài an ủi các ông “đừng xao xuyến,” đừng buồn rầu, những hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Rồi Ngài mời gọi các ông: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.” Chúng ta thấy rằng, trong một đoạn văn rất ngắn mà Đức Giêsu lặp đi lặp lại với các môn đệ rất nhiều lần “hãy ở lại trong Thầy.” Điều này chứng tỏ tinh thần của các ông lúc này đã mệt mỏi và rệu rã lắm rồi. Trái tim của các ông cũng đau nhói nếu các ông phải bỏ Thầy Giêsu và bỏ lý tưởng người môn đệ. Đầu óc của các ông cũng chỉ còn lo nghĩ về một tương lai vô vọng khi không còn Thầy. Cho nên, các ông chỉ còn chờ đến ngày ra đi của Thầy Giêsu, để quay trở về với vợ con, xóm làng và nghề xưa hoặc tìm một hướng đi khác cho cuộc đời của mình.

Thế nhưng, trái ngược với nỗi buồn vô vọng của các môn đệ, Đức Giêsu vẫn lạc quan và kiên nhẫn thắp lên trong tầm hồn của các ông một niềm hy vọng qua những lời an ủi đầy yếu thương của Ngài: “Hãy ở lại trong Thầy.” Vâng, chỉ có “ở lại trong Thầy” thì người môn đệ mới có niềm hy vọng và tương lai tươi sáng. Chỉ có “ở lại trong Thầy” thì người môn đệ mới vượt qua được khủng hoảng và tìm được bình an đích thực trong tâm hồn. Nhưng, Chỉ tiếc một điều đó là trong lúc khủng hoảng này, các ông không nhận ra được niềm hy vọng nơi Thầy Giêsu.

Cuộc đời của con người, cách riêng người Kitô hữu, là một hành trình dài đi tìm những khát vọng. Trong hành trình đi tìm những khát vọng đó, chắc chắn chúng ta không thể tránh được những lúc chán nản và thậm chí là khủng hoảng khi gặp gian nan thử thách. Những khó khăn và khủng hoảng nhiều khi làm cho chúng ta không còn khao khát với ơn gọi của người môn đệ Đức Giêsu, nghĩa là chúng ta buôn bỏ không sống đúng ơn gọi của người Kitô hữu.

Cũng giống như người thanh niên trẻ trong câu chuyện trên hay như các môn đệ của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, muốn vượt qua được những khó khăn và khủng hoảng trong cuộc sống, chúng ta “hãy ở lại trong Thầy [Giêsu].” Hãy ở lại với Thầy Giêsu qua các thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, các giờ kinh nguyện, những việc làm thiêng liêng và những công việc bổn phận thường ngày; cho dù những công việc này nhiều khi làm cho chúng ta cảm thấy vô ích và nhàm chán. Tuy nhiên, những điều tưởng chừng như vô ích và nhàm chán đó lại là liều thuốc an thần giúp chúng ta vượt qua được khủng hoảng trong cuộc sống. Bởi vì, khi chúng ta tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, đọc kinh cầu nguyện và làm các việc đạo đức đó là giây phút chúng ta đang “ở lại trong Thầy Giêsu.”

Xin cho mỗi người chúng ta luôn “ở lại trong Thầy,” để cuộc đời của chúng ta sinh được nhiều hoa trái tốt lành cho chính mình và cho người khác.


 


 

CÂY  NHO THẬT (Lm. Anthony Phạm Thanh Thịnh, SVD)

Trong bối cảnh xã hội ngày nay, ta khó phân biệt đâu là thật và đâu là giả. Từ hàng hóa, thực phẩm đến con người, giữa cái thật và cái giả trà trộn làm cho ta dễ bị nhầm lẫn.

Trên thị trường đang tràn lan các mặt hàng cứ tưởng là thật, là hàng chính hãng, chính hiệu, nhưng thực ra đó là hàng nhái, hàng giả, hàng Trung Quốc. Bên ngoài, chúng giống nhau như đúc, nhưng về chất lượng thì hoàn toàn khác nhau. Nhiều người rất kỹ lưỡng, rất cẩn thận, thậm chí là đề phòng nữa, nhưng vẫn cứ nhầm phải hàng giả. Nói về các mặt hàng tiêu dùng ta thấy mình không thể kiểm soát hết được. Thế còn đối con người thì sao? Con người có giả không? Trong bài Tin Mừng hôm nay, không phải Chúa Giêsu dạy cho ta biết thế nào là cây nho thật và thế nào là cây nho giả đâu. Nhưng là Ngài muốn nói về con người, Ngài muốn nói về chính mỗi người chúng ta.

Câu chuyện về một anh trung niên ăn mặc lịch lãm đến nhà xứ và tự giới thiệu là linh mục đang coi xứ ở Miền Bắc, gặp khó khăn, vào Miền Nam để xin sự giúp đỡ của quý cha. Anh ta gõ cửa hết cha xứ này đến cha xứ khác, hết dòng tu này đến dòng tu nọ. Kết quả là anh ta gom được một số tiền khá khá rồi biến mất. Đến khi hỏi thăm nhau mới biết, tất cả đều bị lừa bởi một kẻ giả làm linh mục. Và còn rất nhiều cách giả danh khác để thực hiện những chiêu lừa ngoạn mục, bất chấp phẩm giá cao quý của con người.

Sống trong một bối cảnh xã hội có thể nói vàng thau lẫn lộn như thế, hôm nay Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta ngay ở câu đầu tiên của bài Tin Mừng. Lời giới thiệu của Chúa Giêsu làm chúng ta an tâm lắm! Bởi vì tất cả chúng ta đang hiện diện trong ngôi nhà thờ này, đều có chung một mục đích là đi tìm Chúa, và làm môn đệ của Ngài. Mà nếu làm đồ đệ của một người giả dối thì cuộc đời chúng ta sẽ đi về đâu? Nhưng không, ở đây Chúa Giêsu tự giới thiệu: “Chính Thầy là cây nho thật”.

Chúa Giêsu giới thiệu Ngài là cây nho thật. Vậy phải chăng có cây nho giả sao? Chúa Giêsu muốn nói đến điều gì ở đây? Ta thấy chắc chắn một điều, Chúa Giêsu không có ý nói cho chúng ta biết về cây nho theo nghĩa đen, cũng chẳng phải là cây nho như ta thấy ở vùng Phan Rang – Ninh Thuận. Nhưng qua đó, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta một bài học. Vậy, cây nho thật mà Chúa Giêsu nói đến ở đây là gì?

Trong Cựu Ước, hình ảnh cây nho được áp dụng cho dân Ítraen. Như cây nho được chủ vườn chăm sóc, cắt tỉa thế nào, dân Ítraen cũng được Thiên Chúa vun trồng và che chở cẩn thận như vậy. Bước sang thời Tân Ước, Chúa Giêsu tự giới thiệu Ngài chính là cây nho thật, và mỗi người chúng ta là những cành nho. Cành phải được gắn kết với thân cây mới hút được nhựa sống, để phát triển và sinh hoa kết trái.

Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu, Ngài có đúng là cây nho thật không? Xét về thiên tính của Đức Giêsu, thì chúng ta không phải bàn tới nữa, bởi vì bản tính của Đức Giêsu là Thiên Chúa. Thiên Chúa thì tốt lành, thánh thiện, vượt lên trên tất cả mọi sự. Còn về nhân tính của Đức Giêsu thế nào? Cả cuộc đời, từ lúc sinh ra, lớn lên, đến khi công khai rao giảng về Nước Trời, Chúa Giêsu đã thể hiện một con người của mọi người, để rồi kết quả cuối cùng là cái chết đau thương trên thánh giá.

Chúng ta được mời gọi để giống như Chúa Giêsu, là trở nên cây nho thật cho mọi người. Đây   mới chính là điều mà Chúa Giêsu muốn chúng ta suy nghĩ. Tôi phải là cây nho thật trong môi trường sống của tôi thế nào đây? Là người cha người mẹ trong gia đình, tôi phải sống như thế nào để là cây nho thật cho những cành nho là con cái chúng ta bám vào hút nhựa sống? Không phải tôi chỉ biết quần quật suốt ngày, với chân lấm tay bùn để nuôi chúng ngày ba bữa là xong đâu, nhưng tôi phải biết quan tâm tới đời sống thiêng liêng, quan tâm đời sống trí thức, đời sống nhân bản của chúng nữa. Một trách nhiệm rất nặng nề, nếu chúng ta nghiêm túc nhìn lại. Có như vậy, ta mới có thể sản sinh ra những cây nho thật cho Giáo Hội và cho xã hội hôm nay.

Là những người con trong gia đình, tôi phải có lối sống nào để chính tôi là một cành nho được gắn kết với thân nho? Và rồi trong tương lai, tôi cũng sẽ là một cây nho chính hiệu? Phận làm con hãy vâng lời cha mẹ, hãy giúp đỡ cha mẹ trong những việc có thể. Đó cũng chính là nét đẹp trong đạo hiếu của người Á Đông nói chung, và người Việt Nam chúng ta nói riêng.

Để là một cây nho thật theo mẫu gương Chúa Giêsu để lại, có lẽ mỗi người chúng ta cũng cần biết điều này: không thể tự nhiên mà có được cây nho thật, không đơn giản như vậy. Để được như thế, chính Chúa Giêsu cũng đã trải qua nhiều đau khổ, đau khổ nơi thể xác và cả trong tâm hồn. Chúng ta đi theo Chúa, thì chúng ta cũng hãy bắt chước Ngài, sống như Ngài đã sống. Nghĩa là, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy tập bỏ đi những gì là không phù hợp với một lối sống lành mạnh, tập bỏ đi những sở thích có nguy cơ làm cho ta xa Chúa. Bên cạnh đó, chúng ta cố gắng tập sống vì người khác nhiều hơn là chỉ biết ky cóp mọi thứ cho riêng mình. Tập sống yêu thương và quan tâm đến những người xung quanh, những người kém may mắn hơn mình.v.v. Có rất nhiều điều chúng ta phải bỏ đi, cũng như có rất nhiều điều chúng ta cần phải tập sống, nếu chúng ta muốn trở nên những cây nho thật trong vườn nho của Thiên Chúa.

Một thói quen đã ngấm vào trong xương, trong máu mà phải bỏ đi, phải cắt tỉa như chủ vườn cắt tỉa cành nho thì quả là điều vô cùng khó khăn. Chính vì thế, khi ta cố gắng sống như Chúa Giêsu đã nêu gương, tự sức mình không thể làm được, nhưng chúng ta cần đến ơn Chúa giúp. Nếu không có ơn Chúa giúp, mọi nỗ lực, mọi cố gắng của chúng ta cũng chỉ bằng không không vậy. Chúng ta ý thức mình đang rập theo Chúa Giêsu, thì hãy để cho Ngài hướng dẫn đời mình, có như vậy chúng ta mới thực sự là cây nho thật như Chúa Giêsu.

Xin Chúa giúp cho chúng ta mỗi ngày đạo đức hơn trong đời sống cầu nguyện, trưởng thành hơn trong đời sống nhân bản, và trung thành trong đời sống làm con cái Thiên Chúa, để chính mỗi chúng ta cũng là những cây nho thật trong vườn nho của Giáo Hội. Amen.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 4 Phục Sinh)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 5 Phục Sinh – B)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.