Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 4 Phục Sinh – B (Lễ Chúa Chiên Lành)

0
1001

Bài Ðọc I: Cv 4, 8-12

“Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: “Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 21-23. 26 và 28cd và 29

Ðáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. – Ðáp.

2) Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Ðấng cứu độ con. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. – Ðáp.

3) Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 1-2

“Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 10, 11-18

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.

Ðó là lời Chúa.


Bài giảng / chia sẻ chủ đề:

ĐỨC GIÊSU – NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH (Lm. Giuse Nguyễn Bảo Sơn, SVD)

Bài diễn từ “Đức Giêsu Người Mục Tử Nhân Lành” trong Tin Mừng Gioan chương 10 được Đức Giêsu công bố ở Giêrusalem, sau khi Ngài chữa một anh mù sáng mắt (9,1-34). Việc Đức Giêsu chữa lành anh mù tiên báo một cuộc xung đột với người Pharisêu, những người không tin rằng Đức Giêsu đã làm phép lạ và họ tìm cách để bắt Người. Câu chuyện ấy kết thúc với việc anh mù làm chứng về Đức Giêsu và anh đã bị người Pharisêu loại trừ. Ở đây, anh mù không chỉ được chữa lành về thể lý mà ngay cả con mắt đức tin của anh cũng được chúc lành và sáng tỏ trong khi những người lãnh đạo dân Israel thì kém tin không nhận việc Đức Giêsu làm.

Trong bài diễn từ “Người Mục Tử Nhân Lành” này, Đức Giêsu tự nhận mình là Người Mục Tử đích thực. Khác với thái độ và lối sống của người Biệt Phái – “những kẻ chăn chiên thuê”, “quân trộm cướp”, “những kẻ tiếm quyền mục tử”, những người đã trục xuất con chiên lẻ lo cô độc ra khỏi ràn chiên (tức là anh mù được sáng mắt), Đức Giêsu đã thu nhận anh, soi lòng mở trí cho anh vào ánh sáng đức tin. Nơi Đức Giêsu mặc khải chân dung của Thiên Chúa Cha giàu tình yêu và lòng thương xót. Một hình ảnh đối lập với những nhà lãnh đạo dân Israel.

1.     Hình ảnh người mục tử

Dân Do Thái là dân du mục. Vì thế, hình ảnh người mục tử gắn liền với cuộc sống và văn hoá của họ. Hình ảnh người mục tử đã được các tác giả trong Cựu Ước dùng để phác hoạ Thiên Chúa là vị Mục Tử lí tưởng (St 48,15; 49,24; Tv 23,1; 28,9; 80,1; Is 40,11). Thiên Chúa cũng đã bổ nhiệm những nhà lãnh đạo để làm mục tử dẫn dắt dân Israel (Ds 27,16-17; 2 Sm 5,2; 7,7; 1 Sb 11,2; 17,6; Is 44,28).

Khi Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người mục tử và đoàn chiên, người Do Thái hiểu ngay tức khắc. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc ấy để nói lên mối liên hệ mật thiết giữa Ngài với ta và của ta với Ngài. Ngài là Mục Tử Nhân Lành. Ta là đoàn chiên của Ngài.

2.     “Đức Giêsu Người Mục Tử Nhân Lành”

Đức Giêsu công khai tuyên bố Ngài là Mục Tử Nhân Lành, nhân lành không chỉ vì Ngài hiểu và yêu mến đoàn chiên của mình, nhưng vì Ngài là vị mục tử duy nhất – “Đấng Cứu Độ duy nhất cho con người” mà dân chúng đang mong đợi. Khi Đức Giêsu công bố: “Tôi Là”, Ngài cho lời quả quyết này một giá trị tuyệt đối, loại trừ tất cả người khác: “Tôi là Bánh Hằng Sống”, “Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”, “Tôi là Ánh Sáng thế gian”, “Tôi là Mục Tử Nhân Lành”, “Tôi là sự Phục Sinh và là Sự Sống”, v.v… Tất cả những kiểu nói ấy bắt đầu bằng hai chữ Hy Lạp “Ego eimi”, có nghĩa “Tôi Là”. Khi Đức Giêsu sử dụng “Ego eimi” để nói về Ngài, Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta thiên tính của Ngài. Những “Tôi Là” này nói cho chúng ta rằng Đức Giêsu là Đấng có thể đáp ứng những nhu cầu và mong ước sâu xa nhất của chúng ta. Người là “Đấng Cứu Độ duy nhất cho con người”, loại trừ tất cả những vị Chúa giả hiệu, những Đấng Cứu Độ không chính danh, những lãnh đạo sai lạc của nhân loại.

Động lực căn bản hướng dẫn người mục tử nhân lành là tình yêu, và người nào yêu thì trước tiên muốn ban tặng chứ không muốn đón nhận. Tình yêu chân thật có nghĩa là sẵn sàng thậm chí hi sinh cả mạng sống mình (x. Ga 15,13).

3.     “Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh. Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu. Sự hy sinh không biên giới của Đức Giêsu Người Mục Tử Nhân Lành nhằm đưa lại sự sống: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Sự hy sinh này không có giới hạn: cách thức Người làm việc để có sự sống là Người ban tặng chính sự sống của Người: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Người mục tử đích thực xem đoàn chiên là sự sống của mình, không ngần ngại chấp nhận những gian khó, rủi ro và ngay cả dám hy sinh mạng sống để bảo vệ và cứu chiên khỏi bất cứ mối nguy hiểm nào đang đe doạ chúng. Điều này hoàn toàn trái ngược với người làm thuê, anh ta “không thiết gì đến chiên” (Ga 10,13).

4.     “Mục Tử Nhân Lành biết chiên của anh, và chiên của anh biết anh”

Qua những lời thắm thiết nồng nàn “Tôi biết chiên của Tôi”, chúng ta nhận ra rằng tình yêu của người mục tử với đoàn chiên đạt tới một tương quan mật thiết nhất. Động từ “biết” ở đây không chỉ là những hiểu biết hời hợt mà là sự “biết” của một người thương yêu một người khác đến độ như đã cộng sinh với người đó và dấn thân hoàn toàn vì người đó. Đó là kinh nghiệm của tình yêu hiệp nhất nên một.

Đức Giêsu “biết” đoàn chiên của Người vì chính Người đã từ bỏ tất cả mọi sự để “trở nên giống phàm nhân và sống như chúng ta” (Ga 1,14). Người trở nên giống như chúng ta ngoại trừ tội lỗi để thiết lập với chúng ta một giao ước tình yêu. Người muốn tháo bỏ rào cản mà chúng ta đã dựng nên vì tội lỗi để đưa chúng ta vào trong mối tương quan hiệp nhất với Người như “chính Người với Chúa Cha”. Thực hiện một mối tương giao sâu thẳm như thế là công trình của Người và giá máu của Người.

5.     Chỉ có một đoàn chiên và một mục tử

Thiên Chúa không có giới hạn khi Người yêu. Sứ vụ đem Tin Mừng tình yêu cứu độ của Đức Giêsu Mục Tử Nhân Lành không giới hạn vào dân Israel. Thật vậy, Đức Giêsu đến để kiến tạo sự hiệp nhất của đoàn chiên, không phân biệt dân tộc, ngôn ngữ, văn hoá, và tôn giáo. Không một ai bị loại khỏi sự quan tâm và yêu thương của Người, và như thế, sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa nơi Người là để cho tất cả mọi người.

“Một đoàn chiên và một mục tử” là sự hiệp nhất cao đẹp mà Chúa mong muốn. Điều này được trao ban trong chính cuộc Tử nạn của Đức Giêsu. Bởi vì Người chết chắc chắn “không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).

Suy Niệm

  1. Đức Giêsu là Mục Tử của cuộc đời chúng ta. Người hiểu những lo toang và vất vả của cuộc sống chúng ta. Vì thế, Người luôn luôn ở bên để an ủi và quan tâm chăm sóc chúng ta. Ngay cả lúc chúng ta tưởng rằng không một ai ở bên, Người vẫn ở đó, đồng hành và bảo vệ chúng ta khỏi những hiểm nguy mà thế gian mang đến. Chúng ta hãy tạ ơn và vui sướng vì có Người là Mục Tử của đời ta.
  2. Đức Giêsu mời gọi chúng ta trở nên những mục tử nhân lành theo gương Người. Chúng ta đã được Người yêu thương thế nào thì cũng hãy yêu thương những người chúng ta gặp gỡ như vậy để rồi tình yêu của Thiên Chúa được lan rộng khắp mọi nẻo đường và khắp mọi nơi. Cha mẹ là mục tử của con cái. Thầy cô giáo là mục tử của học sinh. Lãnh đạo là mục tử của người dân. Y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân. Anh chị em là mục tử của nhau và vì nhau.
  3. Người Mục Tử Nhân Lành là hình ảnh nói về sự yêu thương với trách nhiệm dạy dỗ, nuôi dưỡng và bảo vệ. Chúng ta cùng cầu xin cho Giáo Hội có nhiều mục tử tốt lành, sống cho và vì đoàn chiên theo gương Đức Giêsu. Chúng ta cũng cầu xin cho các bạn trẻ biết dấn thân đáp trại lời mời gọi của Chúa để phục vụ trong cánh đồng truyền giáo của Thiên Chúa.

Tài liệu tham khảo:

Inhaxio Hồ Thông. Suy niệm chú giải Lời Chúa – Chúa nhật IV phục sinh năm B. https://www.tonggiaophanhanoi.org/suy-niem-chu-giai-loi-chua- chua-nhat-iv-phuc-sinh-nam-b-lm-inhaxio-ho-thong/

Vũ Phan Long. Ga 10,11-18: Tôi Là Mục Tử Nhân Lành. https://
catechesis.net/ga-1011-18-toi-la-muc-tu-nhan-lanh-3/

ĐTGM. Ngô Quang Kiêt. Mục Tử Nhân Lành. https://www.giaophanbaria. org/chia-se-loi-chua/chua-nhat-va-le-trong/suy-niem-chua- nhat/2015/04/22/muc-tu-nhan-lanh-dtgm-ngo-quang-kiet.html

Chú giải của Noel Quesson. Mục Tử Nhân Lành. https://www. giaophanbaria.org/chia-se-loi-chua/chua-nhat-va-le-trong/suy-niem-   chua-nhat/2015/04/22/muc-tu-nhan-lanh-chu-giai-cua-noel-quesson.html

Chú giải của Fiches Dominicales. Đức Giêsu Vị Mục Tử Tốt Lành. https:// www.giaophanbaria.org/chia-se-loi-chua/chua-nhat-va-le-trong/suy-niem- chua-nhat/2015/04/22/duc-giesu-vi-muc-tu-tot-lanh-chu-giai-cua-fiches- dominicales.html

Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt. Người Mục Tử Tốt Lành. https://www.giaophanbaria.org/chia-se-loi-chua/chua-nhat-va-le-trong/  suy-niem-chua-nhat/2015/04/22/nguoi-muc-tu-tot-lanh-chu-giai-cua-giao- hoang-hoc-vien-da-lat.html

Richard Niell Donovan. Biblical Commentary: John 10:11-18. https:// sermonwriter.com/biblical-commentary-old/john-1011-18/
David Guzik. John 10 – The Good Shepherd. https://enduringword.com/ bible-commentary/john-10/

 

MỤC TỬ NHÂN LÀNH (Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD)

Ngày hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Chúa Chiên Lành để tôn vinh Đức Giêsu là mục tử nhân lành – Đấng đã nguyện hy sinh bản thân mình để cứu chuộc đoàn chiên. Vì thế, phụng vụ Lời Chúa ngày hôm nay xoay quanh chủ đề: Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ và là niềm hy vọng duy nhất của loài người chúng ta. Ngài chính là vị mục tử nhân lành, là cửa ràn chiên dẫn đưa chúng ta đoàn tụ vào ràn chiên của Thiên Chúa. Ngài đã hết lòng yêu thương đoàn chiên và đã nguyện hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

Người mục tử và đàn chiên” là hình ảnh quen thuộc xuyên suốt từ Cựu Ước đến Tân Ước. Các ngôn sứ từ thời Cựu Ước đã loan báo về một Đấng Mêsia theo những nét đặc trưng của một vị mục tử nhân lành. Đặc biệt, ngôn sứ Êdêkien loan báo rằng Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một vị mục tử nhân lành theo dung mạo vua Đavít, chính Đấng này sẽ lãnh đạo Dân Chúa, là Đấng sẽ sống chết vì đàn chiên. Và trong diễn từ: Người mục tử nhân lành” hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố mình chính là Mục Tử Nhân Lành. Đây là một tước hiệu chỉ dành riêng cho Đức Giêsu mà thôi. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh mục tử và đàn chiên để diễn tả mối tương giao sâu xa của người với cộng đoàn những người tin. Mục tử đi trước và để chiên theo sau mình, mục tử biết rõ tình trạng từng con chiên và săn sóc chiên một cách ân cần.

Các linh mục trong Giáo Hội là những vị mục tử của Thiên Chúa, là những người theo chân Đức Giêsu và được coi là hiện thân của Đức Giêsu, Đấng là Đầu của Hội Thánh. Các linh mục đảm nhận vai trò mà Đức Giêsu để lại là chăm sóc đoàn chiên của Thiên Chúa chính là Hội Thánh. Vậy đâu là những phẩm chất mà một vị mục tử cần có trong sứ vụ của mình với đoàn chiên?

  1. Mục Tử Nhân Lành Là Người Biết Từng Con Chiên

Mục tử nhân lành là người đi trước và để đoàn chiên theo mình. Mục tử nhân lành biết lắng nghe, dẫn dắt và chăm sóc đoàn chiên cách ân cần. Đoàn chiên biết cách phân biệt ai là mục tử tốt lành và ai không phải là mục tử thật sự của Thiên Chúa. Người mục tử phải mang lấy hình ảnh Đức Giêsu trong mình, là người lấy tình yêu để chăm sóc dân của Thiên Chúa. Một trong những phẩm chất mà người mục tử phải có chính là sự dịu dàng khiêm nhường, và điều đó được thể hiện trong việc gần gũi chăm sóc từng con chiên một và không loại trừ bất cứ con chiên nào. Khi phát hiện một con chiên bị lạc, dù đầy mệt mỏi, nhưng người mục tử nhân lành sẽ tìm mọi phương cách để đưa những con chiên lạc trở về đoàn tụ với đoàn chiên. Một thực tế cho thấy rằng, hiện nay số người rời bỏ Giáo Hội đang ngày gia tăng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, một trong những nguyên nhân chính là lối sống của một số vị mục tử làm méo mó hình ảnh của vị Mục Tử Nhân Lành. Ngoài ra, khi một giáo dân có lỗi lầm, họ cũng không nhận được sự hỗ trợ tích cực của các vị chủ chăn, từ đó họ dần lạc xa khỏi Giáo Hội. Chính vì thế, Giáo Hội hiện nay rất cần những vị mục tử hiểu đoàn chiên, yêu thương chiên và sẵn sàng đồng hành cùng chiên trong mọi hoàn cảnh sống. Người mục tử phải nhận biết và yêu mến chiên như Đức Giêsu đã yêu hầu cho đàn chiên có thể theo sau, nghe và nhận biết tiếng của mục tử.

  1. Mục Tử Nhân Lành Hy Sinh Mạng Sống Vì Đoàn Chiên

Nhờ cái chết trên thập giá, Đức Giêsu đã mang lại sự sống mới cho nhân loại. Chỉ duy nhất một mình Đức Giêsu mới có thể cứu nhân loại thoát khỏi vũng bùn tội lỗi, đồng thời đưa con người trở về trong tương quan là con cái Thiên Chúa, mang lại sự sống bất diệt cho con người. Thánh Phêrô, trong sách Công Vụ Tông Đồ mà chúng ta vừa nghe, dù đứng trước phiên toà, nhưng không hề sợ hãi, mà đã tuyên xưng về Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Còn trong thư thứ nhất của mình, thánh Gioan khẳng định về ơn gọi được làm con cái Thiên Chúa nhờ tình yêu Thiên Chúa. Nhờ tin và theo Đức Giêsu, chúng ta được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, được gia nhập vào đoàn chiên của Thiên Chúa.

Qua đó, Đức Giêsu đã đưa ra khuôn mẫu cho người mục tử đối với đàn chiên: người mục tử đích thật phải là người hiến mình vì đoàn chiên. Chính Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành đã dùng cái chết của mình trên thập giá để mang lại sự sống cho nhân loại. Ngài đã tự nguyện hy sinh mạng sống của mình cho đoàn chiên. Ngài đã không để bất cứ thế lực xấu xa nào có thể gây hại cho những kẻ tin vào Ngài. Mục tử đích thật của Chúa phải là người luôn ở với Dân Chúa lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện. Mục tử phải là người sẵn sàng hy sinh bản thân mình, dấn thân vào mọi việc để làm cho đoàn chiên Chúa được sống và sống dồi dào. Vào thập niên 1970, cha Stanley Rother, một linh mục người Mỹ, sau khi chịu chức linh mục đã xin được sai đến một vùng truyền giáo ở Guatêmala. Tuy nhiên, bất ổn về chính trị đã khiến đất nước loạn lạc. Giáo dân trong xứ bị bắt cóc, tra tấn và giết chết. Hằng ngày, cha Stanley phải rong ruổi trong các cống rãnh để tìm xác chết và đưa họ đến nhà thờ để tổ chức an táng. Điều này đã khiến ngài bị liệt vào danh sách đen của phiến quân. Vì thế, giám mục giáo phận đã gọi ngài về. Tuy nhiên, khi về Mỹ rồi, ngài lại buồn phiền lo lắng vì đoàn chiên của ngài đang đối diện với đàn sói mỗi ngày. Vị mục tử tốt lành trên không muốn rời xa đoàn chiên nên đã xin giám mục trở lại vùng truyền giáo và được chấp nhận. Vào ngày 28 tháng 7 năm 1981, cha đã bị giết chết. Người ta gởi xác ngài về Mỹ, nhưng giữ trái tim của ngài ở lại Guatêmala và chôn cất trái tim đó trong thánh đường giáo xứ. Quả thế, mục tử nhân lành là người đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Đây là công việc các linh mục cần phải làm.

  1. Mục Tử Nhân Lành Mang Lại Sự Hiệp Nhất

Đức Giêsu là Đấng kiến tạo sự hiệp nhất trong đoàn chiên. Đoàn chiên của Ngài không gói gọn trong dân Israen, nhưng là tập hợp những ai tin vào Ngài, họ đến từ những đất nước, ngôn ngữ, văn hoá và sắc tộc khác nhau. Họ có chung một niềm tin duy nhất là tin vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ trần gian. Vì thế, noi gương Đức Giêsu, người mục tử cũng phải biết kiến tạo hiệp nhất trong đoàn chiên. Ngài phải là dấu chỉ sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Mục tử không bao giờ yêu chiên này mà ghét chiên nọ, và bất kỳ sự chia rẽ nào cũng là đi ngược lại với tinh thần của Đức Giêsu. Giáo Hội hôm nay có sứ mạng hiệp nhất mọi người về một mục tử duy nhất là Đức Giêsu, Đấng đã dành trọn sự sống mình cho đoàn chiên.

Chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho những người mục tử đang phục vụ đoàn chiên của Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các ngài luôn mang trong mình tinh thần phục vụ của Đức Giêsu: đó là sẵn sàng hiến thân cho tha nhân và vì tha nhân. Xin Chúa luôn đồng hành với các mục tử của Chúa để các ngài luôn là mục tử đích thật của Đức Giêsu trong sứ vụ coi sóc đoàn chiên.

Lạy Chúa Giêsu là mục tử nhân lành duy nhất, Ngài đã đến để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào, xin Chúa luôn ban cho chúng con những vị mục tử tốt lành, những vị mục tử mang trái tim của Chúa, hầu cho đoàn chiên Chúa mỗi ngày thêm sức sống và hiệp nhất với nhau, đồng thời đưa nhưng con chiên lạc đàn trở về một mục tử duy nhất trong một đoàn chiên duy nhất. Amen.


 

CHÚA CHIÊN LÀNH (Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD)

Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh thường được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, một Chúa Nhật hết sức đặc biệt để chiêm ngưỡng chân dung người mục tử nhân lành.

Trong thời Cựu Ước, việc ví von mối tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Ítraen như là mối tương quan giữa người mục tử và con chiên, là một minh họa hết sức quen thuộc. Như mục tử chăn dắt đoàn chiên, Thiên Chúa cũng dưỡng nuôi, chăn dắt dân Ngài: “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành” (Tv 23, 1b-2).

Trong Tân Ước, Tin Mừng thứ tư đã họa lại cho chúng ta chân dung hoàn hảo của một vị mục tử mà thời Cựu Ước chưa diễn tả hết được. Nếu như vị mục tử Cựu Ước chỉ chăm sóc bảo bọc nuôi dưỡng dân, giải thoát dân khỏi mọi nơi nguy khốn, thì mục tử  Tân Ước bộc lộ một sự gần gũi, sẵn sàng đồng cam cộng khổ với dân, thậm chí chết cho đàn chiên được sống. Dĩ nhiên, phải nói ngay là Thiên Chúa không hề thay đổi tình yêu đối với dân, nhưng theo lối nhìn mạc khải tiệm tiến, thì Đức Giêsu là mạc khải hoàn hảo. Ngài trao ban một mạc khải hoàn hảo về hình ảnh mục tử Thiên Chúa. Đó là một tử nhân lành (kalos). Vậy đâu là những đặc tính tối ưu của người mục tử nhân lành?

  1. Hy sinh mạng sống vì đoàn chiên

Đây là một đặc tính tối ưu, vượt bậc của một người mục tử nhân lành. Đặc tính này quan trọng đến độ chỉ trong vòng 8 câu (Ga 10,11-18), tác giả Tin Mừng thứ tư đã dùng động từ “hy sinh” (tithêô) đến 5 lần. Túc từ đi kèm với động từ “hy sinh” không gì khác hơn là “mạng sống” (sukhê). Người mục tử nhân lành không chỉ là người mục tử dưỡng nuôi chiên nhưng sẵn sàng chết vì chiên. Mục tử Giêsu sẵn sàng trao ban tất cả, trao ban trọn vẹn cho đàn chiên. Một khi ngài đã sẵn sàng trao ban chính thân mình, thì không còn điều gì Ngài không thể trao ban nữa.

Đối với Đức Giêsu, mỗi con chiên đều là máu thịt của Ngài. Ngài yêu thương họ đến cùng. Vì yêu thương họ, Ngài đã không màng đến mạng sống mình. Trong vườn Ghếtsêmani đứng trước tình cảnh nguy hiểm, Đức Giêsu đã nói cùng những người bắt mình rằng: “Đức Giêsu nói: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi” (Ga 18,8). Mục tử Giêsu sẵn sàng chống đỡ những khó khăn nguy hiểm để cho đàn chiên của Ngài được an toàn trốn thoát.

Đó là hình ảnh người mục tử đích thực mà Đức Giêsu muốn gieo vào lòng các môn đệ, để rồi trong tương lai, Phêrô và đồng bạn cũng sẽ dùng cách thức ấy mà đối đãi với đàn chiên của mình. Đoạn trích sách Công vụ Tông Đồ hôm nay (Cv 4,8-12) là một trong những bài thực hành sứ vụ mục tử mà Phêrô và Gioan đã học được từ thầy của mình. Hai Tông Đồ đã chấp nhận bị Hội Đồng Do Thái tra hỏi vì một việc lành mà họ đã làm cho một người tàn tật. Đó là khởi đầu cho những hy sinh trong sứ vụ mục tử mà Thánh Phêrô và các tông đồ phải đón nhận trong suốt cuộc đời mình.

  1. Biết chiên của mình

Đặc tính ưu việt thứ hai của vị mục tử nhân lành là “biết chiên của mình”. Trong Tông Huấn niềm vui Tin Mừng Đức thánh cha Phanxicô đã nói rằng: “các nhà loan báo Tin Mừng mang lấy “mùi của chiên” và chiên nghe tiếng họ” (EV, số 24). Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến một Giáo Hội phải biết sẵn sàng “ra đi khỏi khu vực tiện nghi của mình để đến mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng” (EV, số 20). Và hơn ai hết chính ngài cũng đã chủ động đến với đàn chiên. Ngài tỏ ra gần gũi với bất cứ thành phần nào trong xã hội. Ngài có thể dễ dàng ôm hôn những người tàn tật, đến nhà tù để cử hành Thánh Lễ tiệc ly, hôn chân các tù nhân với nhiều tôn giáo khác nhau, sẵn sàng gọi điện thoại cho gia đình người ký giả Công Giáo, James Foley, bị quân khủng bố Hồi Giáo IS chặt đầu. Có thể nói Đức Phanxicô đã làm mọi cách để có thể gần gũi chiên nhất.

  1. Tìm chiên lạc

Trong những bài giảng tĩnh tâm cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và giáo triều Rôma, năm 2000, Đức Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận đã táo bạo nói đến năm khuyết điểm của Đức Giêsu. Trong đó, khuyết điểm thứ hai là: “Đức Giêsu không am hiểu về toán học”. Vị Hồng Y khả kính minh họa bằng dụ ngôn người mục tử nhân lành đã bỏ 99 con chiên ngoài hoang địa để đi tìm cho kỳ được 1 con chiên lạc. Tìm được rồi ông lại vác lên vai và mời hàng xóm đến ăn mừng với mình. Đối với Đức Giêsu 1 có giá trị bằng 99. Dĩ nhiên rồi, tình yêu không thể nào được xem như một phép tính. Tình yêu vượt trên tất cả mọi tính toán. Mục tử Giêsu đã không ngừng rong ruổi đây đó để tìm cho kỳ được, Mátthêu, Giakêu, người phụ nữ ngoại tình, người phụ nữ Samari. Sứ mạng của Ngài là sứ mạng tìm kiếm và chương 15 của Tin Mừng Luca chính là những lối diễn tả sống động, sâu sắc nhất của tình yêu mục tử “tìm cho kỳ được” ấy.

Người mục tử nhân lành không chỉ quan tâm đến những con chiên trong đàn nhưng trên hết còn làm mọi cách để “tìm cho kỳ được” những con chiên lạc để vác lên vai đem về.

  1. Những đặc điểm của chiên Chúa

Trong khi bộc bạch về sứ mạng của người mục tử, Đức Giêsu cũng phác họa những nét hết sức tiêu biểu của một con chiên của Chúa.

Thứ nhất, chiên Chúa phải biết Chúa. Động từ biết (gynôskô) được dùng ở thì hiện tại diễn tả một thực tiễn luôn luôn như thế. Động từ này diễn tả một sự hiểu biết sâu xa nhất có thể. Nó có thể diễn tả một mối liên hệ xác thịt gần gũi của vợ chồng như trong Mt 1,25: “Giuse nhận Đức Maria làm vợ và không “biết” (ăn nằm) bà cho đến khi bà sinh con trai”; “Đức Maria thưa với sứ thần rằng: “việc ấy sẽ xảy ra thế nào vì tôi không “biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Những con chiên Chúa phải vươn đến một sự hiểu biết sâu sắc, thân quen và gần gũi với Chúa như là Chúa biết họ.

Thứ hai, chiên Chúa phải nghe tiếng Chúa. Động từ nghe được dùng trong ngữ cảnh này được hiểu như là nghe theo tiếng gọi của Chúa để trở về với Ngài. Người mục tử luôn luôn đi tìm kiếm con chiên, nhưng chỉ khi nào con chiến biết thinh lặng trước những ồn ào của cuộc sống thì mới nhận ra tiếng của mục tử và quay về với Ngài. Có nhiều tiếng gọi trong cuộc sống làm cho con chiên lạc đàn, chính vì thế việc lắng nghe tiếng Chúa là một đặc tính hết sức cần thiết để giữ cho con chiên khỏi đi lạc, và nếu lỡ đi lạc thì biết hướng để quay về.

Thứ ba, chiên Chúa phải hiệp nhất: Một đàn duy nhất. Ân huệ “được gọi là con Thiên Chúa” và “thực sự là Con Thiên Chúa” được thánh Gioan nói đến trong bài đọc II, là một ân huệ quá sức tuyệt vời. Đó đồng thời là một lời nhắc nhở về một nguồn cội mà mọi con chiên phải tìm về; nhắc nhớ đến mối tương quan nguyên thủy mà mọi kitô hữu phải tìm lại cho kỳ được. Đó chính là mối tương quan trong gia đình nhân loại. Thiên Chúa vốn tạo dựng và đặt để nhân loại trong một mối tương quan gia đình. Đức Giêsu nhấn mạnh đến một sự hiệp thông, hiệp nhất giữa một xã hội đang ngày càng phân tán, và chia rẽ. Đó là đặc tính nhất thiết phải có của đàn chiên Chúa. Chúa Giêsu luôn nỗ lực cho một đại gia đình nhân loại hiệp nhất. Vấn đề còn lại là những con chiên đã hiệp tác thế nào với nỗ lực tác hợp, quy tụ của Thiên Chúa.

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Chiên lành tô đậm những đặc tính của mục tử nhân lành Giêsu. Đó là hình mẫu cho tất cả những ai sống đời thánh hiến phải mơ về và đạt đến. đồng thời cũng nhắn gửi đến từng con dân Chúa về mẫu hình của một con chiên đích thực. Xã hội con người, gia đình Thiên Chúa chỉ thật sự ấm êm, bình an hạnh phúc khi cả người mục tử và đàn chiên đều sống đúng với phẩm chất của mình.

 

Bài trướcDÒNG NGÔI LỜI (SVD) THÔNG BÁO TUYỂN SINH 2024
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật 4 Phục Sinh – B – Chúa Chiên Lành)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.