Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 2 Phục Sinh (Chúa Nhật Lòng Thương Xót) – Năm ABC

0
634

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH 
CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Bài Ðọc I: Cv 2, 42-47

“Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 13-15. 22-24

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. – Ðáp.

2) Tôi đã bị đẩy, bị xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân. Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. – Ðáp.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 3-9

“Nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết. Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 20, 29

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-31

“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

TIN VÀ YÊU (Lm. Giuse Nguyễn Gia Hoàng, SVD)

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan thuật lại cho chúng ta hai lần Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với các Tông Đồ. Lần hiện ra thứ nhất không có mặt ông Tôma. Các Tông Đồ khác thuật lại cho ông sự kiện ấy và quả quyết: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,25a). Tuy nhiên, Tôma, một con người đa nghi trả lời: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin” (Ga 20,25b).

Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông và có mặt ông Tôma để tiếp tục củng cố lòng tin cho các ông, đặc biệt với ông Tôma. Đức Giêsu âu yếm nhìn Tôma và nói: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy, hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Tôma xúc động thưa với Chúa trong hối hận: “Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Tôma đã tin và ông trở thành chứng nhân sống động cho Chúa Phục Sinh.

Khi Đức Giêsu hiện ra và giải quyết những thách thức và đòi hỏi của Tôma, ông đã lấy lại được niềm tin và là một niềm tin sâu sắc bù lại những nghi ngờ trước kia. Theo truyền thống, Tôma đã đi truyền giáo ở Ấn độ, gặp nhiều gian nan thử thách, nhưng vẫn trung kiên rao giảng Đấng Phục Sinh mà chính mắt ông đã thấy.

Nơi Tôma, có cái gì rất đáng yêu, rất đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Với ông, có đức tin không phải là chuyện dễ vì ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Tôma là người muốn biết chắc chắn. Một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cùng. Đức tin như Tôma tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi – loại đức tin dễ dàng đến để rồi sau đó đi cách nhanh chóng.

Hôm nay đây, chúng ta đều không đòi hỏi được đặt tay vào cạnh sườn Đức Giêsu như thánh Tôma xưa để được trực tiếp cảm nghiệm được Đức Giêsu Phục Sinh. Tuy nhiên, chúng ta tin vào chứng cớ của Thánh Kinh. Chúng ta có lý trí để xác quyết thêm những điều Kinh Thánh đã truyền cho chúng ta. Và rồi, chúng ta cũng có thể quỳ gối xuống như thánh Tôma đã làm và thưa với Đức Giêsu: “Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 25,28).

Thực sự trong đời sống hằng ngày, ta dùng đến lòng tin rất nhiều. Ở gia đình, cha mẹ dạy ta biết bao điều dù ta chưa thấy mà vẫn tin. Ở trường học, thầy cô truyền đạt cho chúng ta biết bao nhiêu kiến thức ta chưa hề biết, cũng có khi không hiểu, nhưng ta vẫn tin cách không thắc mắc. Nếu ta không tin vào những sự kiện lịch sử thì làm sao ta có thể học được môn lịch sử. Dĩ nhiên, lòng tin của ta chỉ có tính cách tương đối vì những điều ta tin có thể là những điều sai lầm.

Đứng trong phương diện thiêng liêng, lòng tin của chúng ta không phải là cái gì phi lý hay là thái độ của những người thiếu hiểu biết. Trái lại, phải thừa nhận rằng ‘tin’ là thái độ của con người khôn ngoan, là cách sống của người biết dấn thân. Chúng ta không tin viển vông nhưng tin vào những điều Thiên Chúa đã mặc khải. Chúng ta tin những điều chúng ta không thấy và không hiểu, nhưng những điều ấy không bao giờ mâu thuẫn với lý trí con người.

Có một niềm tin thì dễ, tin suông càng dễ hơn, nhưng có được đức tin là chuyện khó. Vì đức tin bao giờ cũng đòi thử thách và cần phải có ơn Chúa thì mới đứng vững được. Đức tin bao giờ cũng là một cuộc từ biệt: từ biệt lòng tự phụ làm mình quá tự tin vào bản thân, tin rằng mình có thể giải quyết mọi vấn đề, có thể đối phó với các trở ngại bằng sức riêng mình, chẳng cần nhờ đến sự can thiệp bên ngoài, bên trên. Vĩnh biệt lòng tự phụ để chấp nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời.

Chúng ta ai cũng có đức tin hoặc mạnh hoặc yếu. Nhưng có đức tin chưa đủ, còn phải sống đức tin nữa. Nghĩa, là đức tin phải được thể hiện ra bằng việc làm như thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17.26). Kitô hữu là người có Đức Kitô trong mình, gắn bó với Đức Kitô và với giáo lý của Ngài, để rồi mỗi người biết lấy Đức Kitô là trung tâm điểm của đời mình.

Tại một ngôi trường nọ, có khoảng chừng 1.500 học sinh, nhưng duy có một em là người Công Giáo. Vì nhà ở xa nên em phải ở nội trú. Trước và sau mỗi bữa ăn, em đều chắp tay cầu nguyện. Nhiều bạn bè thấy vậy đã chế diễu và thưa với thầy giáo.

Một ngày nọ, thầy kêu em lại hỏi:

  • Tại sao em lại làm như thế?
  • Thưa thầy, con là Kitô hữu nên phải cầu nguyện với Chúa luôn, con không được vô phép lãnh thực phẩm của Chúa ban mà không cảm tạ Chúa.

Liền đó, thầy úp mặt xuống bàn, khóc và nói một cách hổ thẹn:

  • Em ơi, ta đây là người tin Chúa song ta chẳng dám tỏ ra cho ai biết. Từ đây sắp tới, nhờ ơn Chúa, ta sẽ cố gằng làm tròn phận sự một Kitô hữu.

Chúng ta phải hiên ngang xưng Chúa ra mọi nơi, trong lời nói cũng như hành động với tất cả niềm tin của mình. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Ngày nay phải truyền giảng Phúc âm bằng đường lối mới. Điều đó không có nghĩa là có Phúc âm mới: Phúc âm luôn thế, nhưng lối truyền giảng phải mới nghĩa là sống đời chứng tá, diễn tả Phúc âm bằng lối sống hiện tại của mình.”

Ngoài việc thể hiện đức tin để tuyên xưng đức tin, chúng ta được mời gọi thể hiện đức tin bằng chính đời sống của mình. Hôm nay, Chúa Nhật của lòng Chúa thương xót, chúng ta hãy nhìn lên Đấng giàu lòng yêu thương để chúng ta xác nhận rằng chúng ta tin vào Ngài thể hiện qua cách thương yêu như Ngài.

Yêu thương được kết trọn qua lời mời gọi của Đức Giêsu “Hãy yêu thương nhau” là một sự từ bỏ triệt để hận thù, ghét ghen và bạo lực. Thay thế tình yêu cho thù hận dường như là một đòi hỏi khó khăn nhất trên đời.

Là những Kitô hữu, chúng ta lựa chọn yêu thương. Đó không phải là một chọn lựa nhu nhược hay thụ động. Chọn yêu thương có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào Đức Kitô, bởi nơi Ngài, sức mạnh của chân lý, của công bằng vượt thắng sức mạnh của chiến tranh và hận thù.

Là những Kitô hữu, chúng ta phải cố gắng học theo lòng quảng đại của Thiên Chúa, sẵn sàng tha thứ, không đòi trả thù và oán hận chống lại người khác. Nếu các Kitô hữu không cố gắng bắt chước tình yêu không phân biệt của Thiên Chúa, họ sẽ không tốt hơn những người khác.

Tin và yêu là hai thứ không thể tách rời nhau. Tin mà không yêu thì đó là đức tin hời hợt. Yêu mà không tin thì yêu không được đặt trên nền tảng vững chắc, bởi không được đặt nền nơi “Thiên Chúa là Tình yêu.” Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài vẫn yêu thương con người khi họ còn ở trong vòng tội lỗi. Ngài kiên nhẫn chờ đợi, kêu mời và tạo mọi điều kiện để họ trở về sống trong ân tình của Ngài. Lời mời gọi yêu thương luôn thúc bách mỗi chúng ta biết sống cho đi và sống vì tha nhân. Muốn như vậy, chúng ta cần phải trau dồi cho cuộc sống của mình không chỉ về tri thức, tiền bạc nhưng cả về đời sống thiêng liêng nữa. Bởi vì chỉ khi chúng ta có chúng ta mới có thể cho.


 

BÌNH AN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH GIỮA NHỮNG BẤT AN CỦA ĐỜI NGƯỜI  (Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)

“Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Đó là điều mà các thiên thần đã nguyện chúc cho nhân loại ngay trong ngày Đức Giêsu Giáng Sinh. Trong thời kỳ rao giảng, sau khi chữa lành bệnh tật cho một người nào đó, Đức Giêsu cũng thường căn dặn: Con hãy đi bình an (x. Lc 7,59; 8,48; Mc 5,34). Rồi, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Ngài cũng dặn các ông: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5; Mt 10,12). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu lại để lại món quà bình an cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Phụng vụ Thánh Lễ của Giáo Hội ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của sự bình an này. Các tín hữu trao ban bình an cho nhau ngay trước khi Hiệp Lễ và họ cũng được vị chủ tế chào chúc bình an trước khi ra về, bước vào lòng đời: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an!”

Sự bình an đích thực là món quà rất quý giá mà Đức Giêsu luôn khao khát trao ban cho các môn đệ và cho toàn thể nhân loại ngay từ lúc Giáng Sinh cho đến lúc Ngài “bỏ thế gian và đi về cùng Chúa Cha” (Ga 13,1). Thế nhưng, dường như sự bình an vẫn là cái gì đó hết sức xa xỉ đối với nhiều người và ngay cả đối với các môn đệ của Ngài. Chính vì thế, mà sau khi Đức Giêsu sống lại, trong các cuộc gặp gỡ với các môn đệ, Ngài luôn lặp lại điệp khúc: “Bình an cho anh em”. Trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta nghe Đức Giêsu lặp lại đến ba lần: “bình an cho anh em” (20,19.21.26). Sự lặp lại cách liên tục cho thấy tầm quan trọng của lời chúc này. Đó là điều cần thiết nhất đối với các môn đệ lúc bấy giờ.

Khi mà, một không khí khủng hoảng vẫn bao trùm cộng đoàn các môn đệ. Một đêm tối đức tin dày đặc vẫn đang phủ kín cõi lòng họ. Sự sợ hãi “những người Do thái” vẫn ám ảnh họ từng ngày. Sự thất vọng vì một giấc mộng vàng vỡ tan. Nỗi đau đớn trước sự chia ly, chết chóc của Thầy chí thánh. Dẫu rằng, lúc bấy giờ Phêrô đã chứng kiến ngôi mộ trống; Bà Maria Mácđala cũng đã nói với các môn đệ rằng: “Tôi đã thấy Chúa” và bà đã kể cho họ nghe những điều Đức Giêsu Phục Sinh đã nói với bà. Thế nhưng, những chứng cứ ấy là chưa đủ, để khỏa lấp cái vực thẳm bất an to lớn đang chôn vùi tâm hồn họ. Trong hoàn cảnh đó, chỉ có sự hiện diện và sự trao ban bình an của Đức Giêsu Phục Sinh mới làm cho các môn đệ an lòng.

Quả vậy, Đức Giêsu đã hiện ra, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Và các ông đã vui mừng khôn kể xiết khi được gặp lại Thầy Giêsu. Thật không may cho Tôma là ông không hiện diện và vì thế, không được gặp Thầy như các môn đệ khác. Tuy nhiên, chính sự vắng mặt ấy lại là cơ may cho một cuộc gặp gỡ ly kỳ, hấp dẫn khác, một hành trình đức tin có một không hai của Tôma. Tôma đã quả quyết rất mạnh: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20,25)

Chính câu nói này đã khiến cho tên tuổi Tôma được người ta gắn liền với sự kém tin. Tuy nhiên, công bằng mà nói, tâm trạng của Tôma cũng là tâm trạng chung của tất cả các môn đệ lúc bấy giờ. Phêrô cũng phải thấy Chúa rồi mới tin, hai môn đệ trên đường về Emmaus cũng phải gặp Chúa, nói chuyện với Chúa cả buổi, rồi đến lúc Chúa bẻ bánh mới nhận ra Chúa; bà Maria Mácđala thì tưởng Chúa là người làm vườn, chỉ đến khi Chúa gọi tên bà: “Maria!” thì bà mới nhận ra Chúa.

Có thể nói, thánh Tôma như là người thay lời, nói lên tâm trạng nghi ngờ chung của tất cả các môn đệ. “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Quả vậy, nếu Phêrô không thấy Chúa, Phêrô cũng không tin, nếu Maria Mácđala không thấy Chúa, bà cũng không tin, nếu hai môn đệ trên đường Emmaus không thấy Chúa họ cũng không tin, nếu Chúa không hiện ra với các môn đệ thì các môn đệ cũng không tin. Sau khi gặp Chúa Giêsu, Bà Maria đã đi báo tin cho “những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc” (Mc 16,10). Nhưng mà, “nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin” (Mc 16,11). Rồi, hai môn đệ trên đường về Emmaus, sau khi đã thấy Chúa, cũng “trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này” (Mc 16,11-12). Tuy đòi hỏi mạnh mẽ là phải xỏ ngón tay, đặt bàn vào những thương tích khổ nạn của Chúa, thì mới tin, nhưng thực tế, Tôma cũng không cần xỏ tay vào lỗ đinh, cũng không cần đặt bàn tay vào cạnh sườn thầy mình mà chỉ cần được nhìn thấy Thầy như các môn đệ khác.

Vì thế, Chúng ta không nên chỉ nhớ đến Tôma như biểu tưởng của kẻ kém tin, mà nên nhớ đến Tôma nhiều hơn ở một lời tuyên xưng tuyệt vời, lời tuyên xưng mà chỉ có duy nhất một mình ông mới có được: “Lạy Đức Chúa, lạy Thiên Chúa của con”.[1] Chính Tôma là môn đệ đầu tiên xác tín Đức Giêsu là Thiên Chúa, chứ không phải Phêrô hay môn đệ thân tín nào khác. Như vậy, tuy tiến trình đến với niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh của Tôma có vẻ chậm hơn nhưng lại chắc hơn hết, niềm tin của ông đạt đến mức thập toàn.

Cũng chính nhờ thánh Tôma mà Đức Giêsu đã tuyên bố mối phúc khác, có thể gọi là mối phúc thứ 9: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Đây là một mối phúc hết sức quan trọng đặc biệt cho cộng đoàn các tín hữu thế hệ đầu tiên và cho tất cả các tín hữu qua mọi thời đại, kể cả chúng ta nữa. Đức Giêsu đã về trời. Ngài không còn hiện diện cách hữu hình nữa. Chính vì thế niềm tin của chúng ta đòi hỏi một cảm nghiệm thiêng liêng về sự hiện diện vô hình, mọi lúc, mọi nơi của Ngài. Đó là thách đố không hề nhỏ mà mỗi tín hữu phải vượt qua trên hành trình đức tin.

Mỗi người chúng ta đều đã, đang hoặc sẽ đối diện với biết bao nhiêu lo lắng sợ hãi. Sợ hãi vì bệnh tật, chết chóc. Lo lắng vì nghèo khổ; vì nợ nần chồng chất; bất an vì những tai nạn thảm khốc; bất an vì tội lỗi, xa cách Chúa; bất an vì gia đình tan vỡ; bất an vì con cái, người thân, rơi vào nghiện ngập, sa đọa; đau khổ vì những bệnh tật thể xác và tinh thần. Những đau khổ trong cuộc đời nhiều khi quá lớn đến nỗi chúng ta đánh mất niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Những nghịch cảnh quá trái ngang làm cho chúng ta nghi ngờ về sự hiện diện và đồng hành của Đức Kitô Phục Sinh trong đời mình. Đó mới thực sự là nỗi bất an đáng lo ngại nhất.

Thánh Phêrô đã nói rằng: “Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1 Pr 1,6-7). Nguyện chúc cho mỗi người chúng ta luôn có được niềm tin vững chắc vào sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh trong từng phút giây của đời mình, để rồi luôn tìm được nguồn bình an đích thực giữa những sóng gió của cuộc đời mình, của người thân, của gia đình mình và được hưởng vinh quang nước trời mai sau. Amen!

[1] Theo R. Brown, thì đây là lời tuyên xưng mang tính Ki-tô học đỉnh cao của Tin Mừng Thứ Tư. Lời tuyên xưng này liên kết cách chặt chẽ với lời giới thiệu “Ngôi Lời là Thiên Chúa” trong Lời Tựa của Tin Mừng [R. E. BROWN, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (Anchor Yale Bible; New Haven – London 2008) 29A, 1047].


 

BÌNH AN VÀ SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG (Lm. Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD)

Ngay từ giây phút Phục Sinh, Chúa Giê-su đã trở về với sự sống vinh quang của Người. Tuy thế, Người còn muốn nhiều lần gặp gỡ các môn đệ, đó là để giúp họ hiểu rằng: Người đã phục sinh từ trong cõi chết và nay Người vĩnh viễn bước vào “cuộc sống viên mãn”. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, thánh Gio-an đã thuật lại một trong những cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su Phục Sinh với các Tông Đồ và ban bình an cùng sứ mạng cho các ông. Với sự bình an này, Chúa muốn các Tông Đồ hãy xác tín về mầu nhiệm Phục Sinh của Người, và hãy vui mừng ra đi làm chứng nhân cho Đấng Phục Sinh.

Đức Ki-tô trao ban bình an và trấn an các môn đệ

Lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh gửi tới các môn đệ là lời: “Bình an cho các con!” Đọc những trình thuật Phục Sinh trong bốn cuốn sách Tin Mừng, chúng ta nhận thấy các tác giả đều nhắc lại lời chào của Đức Giê-su khi hiện ra đối với các môn đệ: “Bình an cho các con; hoặc bình an cho anh em”. Chúng ta có thể thắc mắc tại sao Đức Giê-su chúc bình an cho các ông nhiều như vậy? Hẳn nhiên, chúng ta biết rằng đây là giai đoạn các môn đệ đang trải qua cơn khủng hoảng và đầy sợ hãi sau thảm cảnh thập giá. Bao nhiêu hy vọng và hoài bão của các ông phút chốc tan thành mây khói. Vì thế, lúc này là lúc các ông rất cần có bình an, không chỉ là bình an thuộc diện thể lý, nhưng quan trọng hơn, đó là bình an trong sâu thẳm nội tâm. Sự bình an này chỉ có thể có được khi chính Đấng Bình An ban cho, còn mọi sự bình an khác chỉ là giả tạo. Bình an của Chúa không giống với bình an của thế gian. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Đó chính là sự hiện diện của Chúa trong thâm sâu tâm hồn người môn đệ, bình an ngay cả khi đang sống trong nỗi sợ hãi, hoang mang, chán nản và mất phương hướng.

Mỗi lần Chúa Giê-su hiện ra, Ngài phải đối diện với sự nghi ngờ. Các Tông Đồ thấy Ngài mà không nhận ra Ngài, như thể có một tấm màn che mắt các ông. Trên đường Em-mau, Chúa Ki-tô Phục Sinh trong một thân xác mới và các môn đệ không nhận ra Ngài. Chính vì đã có biến cố thứ Sáu Tuần Thánh, nên các môn đệ không hiểu được sao Ngài lại còn có đó. Đức Giê-su đi bước trước, Ngài cho các ông thấy được Ngài. Ngài hiện ra giữa các môn đệ, như trong các cuộc thần hiện. Để trấn an và xóa tan sự hoài nghi nơi các môn đệ, Ngài cho các ông xem thấy những vết thương ở chân và tay. Ngài cho thấy thân xác ấy không phải là của một hồn ma, nhưng là thân xác vinh hiển của Đấng Phục Sinh. Thân xác phục sinh ấy vẫn còn mang những vết thương ở tay, chân và cạnh sườn, chứng tích của tình yêu thương mà Ngài đã trải qua. Việc các môn đệ đụng chạm đến các vết thương đồng nghĩa với việc các ông được chứng thực các vết thương và thân thể của Chúa là duy nhất, đang sống. Kinh nghiệm này đã làm cho các môn đệ không còn nghi ngờ gì nữa, lúc đó, các ông tràn ngập vui mừng hân hoan.

Đức Giê-su sai các môn đệ ra đi làm chứng nhân cho Ngài

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Bình an là món quà, là ân huệ mà các môn đệ đã được đón nhận cách nhưng không từ Chúa Giê-su Phục Sinh. Như thế, ân huệ luôn đi đôi với sứ mạng; và đó chính là cung cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, trong lịch sử của Giáo Hội. Sứ mạng loan báo Tin Mừng luôn là việc cấp thiết, mang tính sống còn đối với người môn đệ của Chúa. Chúa Giê-su đặt các môn đệ làm chứng nhân chính thức về Tin Mừng của Người; các ngài sẽ đứng ra đảm bảo cho đức tin. Sự bình an và kinh nghiệm đức tin mà các môn đệ đã được đón nhận từ Chúa Giê-su Phục Sinh sẽ kèm theo sứ mạng làm chứng nhân, sứ mạng này không được miễn chước, mà gắn liền với những gian khổ, thử thách, ngục tù, chết chóc… như bao cuộc đời của các môn đệ Chúa suốt hơn hai ngàn năm nay. Như thế, đứng trước sứ mệnh làm chứng nhân về Tin Mừng đầy gian khổ và thử thách, chắc hẳn các môn đệ phải có thêm sức mạnh trong nội tâm. Bình an cùng với kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Ki-tô Phục Sinh mà các ông có được là chưa đủ, phải cần thêm một trợ lực nữa mới có thể làm cho họ có đủ can đảm để ra đi. Điều này Chúa Giê-su đã tiên liệu từ trước và hôm nay chính Ngài đã ban Thánh Thần là nguồn trợ lực cho các môn đệ: “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22). Trong sách Sáng Thế, như Thiên Chúa đã thổi hơi ban sự sống vào con người đầu tiên thế nào, thì hôm nay Chúa Phục Sinh cũng thổi hơi ban Thần Khí vào các môn đệ để tái tạo họ cho sứ mệnh mới. Với sức mạnh của Thánh Thần các ngài mạnh dạn tung cửa ra ngoài, hiên ngang rao giảng về Đức Ki-tô, Đấng đã tự nguyện cho con người đóng đinh, giết chết, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại. Người đang hiện diện sống động giữa các ngài và đang hoạt dộng mãnh liệt trong các ngài. Cũng như xưa các môn đệ là chứng nhân của Chúa Ki-tô Phục Sinh cho muôn dân, mỗi người chúng ta với tư cách là môn đệ của Người cũng được mời gọi tiếp tục công cuộc chứng nhân này.

Lời mời gọi này nhắc chúng ta nhớ đến bổn phận của mình, bổn phận truyền giáo cho thế giới. “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”. Chúng ta phải tiếp tục sứ mạng của các Tông Đồ, vinh dự đứng vào hàng ngũ các chứng nhân. Ðể sứ mạng truyền giáo mang lại kết quả tốt nhất, chúng ta phải có sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su, có kinh nghiệm gặp gỡ Người thật sâu lắng, sống với cái chết của Người mỗi ngày và nếm được niềm vui Phục Sinh mà Người ban tặng. Hãy dùng mọi phương tiện tốt lành chúng ta có được cùng với đời sống năng cầu nguyện để loan báo Tin Mừng, phần còn lại Chúa Thánh Thần sẽ hỗ trợ cho chúng ta, vì Chúa Thánh Thần mới là tác nhân chính của việc truyền giáo. Ngài sẽ làm những việc lớn lao mà chúng ta không ngờ, miễn là chúng ta tự nguyện trở nên khí cụ trong tay Ngài. Amen.

 


 

NIỀM TIN PHỤC SINH (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD)

Sau khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, các môn đệ của Người đã trở nên lạc lối như “rắn mất đầu”, không biết đi về đâu và nên làm gì. Họ rơi vào tình trạng thất vọng, sợ hãi, chán chường và khủng hoảng, thậm chí đánh mất thứ quí giá nhất nơi con người mình là niềm tin, thứ được xem là điểm tựa để họ vươn lên, là sức sống để họ tiếp tục tồn tại nhưng giờ đây đã không còn nữa. Nhưng rồi cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh đã xóa tan mọi bóng mây đen của cuộc đời, niềm vui như vỡ òa, cuộc sống lại trở nên ý nghĩa khi đón nhận bình an từ Đấng Phục Sinh: “Bình an cho các con” (Ga 20,19).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan thuật lại hai lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ. Lần thứ nhất, Người ban bình an và củng cố niềm tin cho các ông:“Bình an cho các con!Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn(Ga 20,19-21). Rồi Người còn trao ban Thánh Thần và quyền bính:“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; anh em cầm buộc tội ai, thì tội người ấy bị cầm buộc” (Ga 20,22-23).Có thể nói, Chúa Phục Sinh đã trao ban cho các Tông Đồ những “hành trang” cần thiết để các ông đủ khả năng gánh vác và tiếp tục sứ vụ cứu độ nhân loại mà Người được Thiên Chúa Cha trao phó.

Lần hiện ra thứ nhất của Chúa Kitô Phục Sinh với các Tông Đồ chưa trọn vẹn vì thiếu vắng Tôma. Ông chưa gặp Chúa Kitô Phục Sinh nên vẫn còn sống trong cảnh buồn chán, thất vọng và mất niềm tin. Chính vì lẽ đó, khi nghe các Tông Đồ thuật lại việc họ gặp được Chúa Kitô Phục Sinh thì ông phản ứng một cách mạnh mẽ và đầy thách thức của một con người đang thất vọng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh; và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”(Ga 20,25).

Chúa Kitô Phục Sinh vẫn kiên nhẫn đáp lại ước nguyện của ông: Tám ngày sau, các môn đệ có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em. Rồi Người bảo ông Tôma: Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”(Ga 20, 26-27).

Đấng Phục Sinh không trách ông Tôma. Người biết ông, hiểu ông, thương mến ông và muốn củng cố lòng tin cho ông. Đáp trả lại sự bao dung và quảng đại đó, ông đã bày tỏ một thái độ đầy khiêm nhường và thiện chí đáng để chúng ta khâm phục. Đó là thái độ xứng đáng của một người tin thật sự. Chắc là ông không cần phải thực hiện lời nói của mình: phải chạm đến, phải sờ vào. Nhưng khi cảm nhận được những gì Thiên Chúa đặc biệt đối đãi với mình, trái tim ông đã tràn ngập một thứ duy nhất mang tên “Tin”. Ông tin vào một Thiên Chúa Tình Yêu, tin Thầy mình là Đức Giêsu đã chết và sống lại thật, là Chúa thật và là Đấng Cứu Độ. Đấng đó vì yêu thương nên đang hiện diện trước mắt ông, nói chuyện với ông để rồi ông phải sụp lạy và thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”(Ga 20,28). Đó là lời nói được thốt ra từ miệng của một con người tuyệt đối tin tưởng và phó thác. Là người đón nhận niềm tin phục sinh sau các Tông Đồ khác nhưng ông Tôma trở thành người đầu tiên tuyên xưng thần tính của Đức Giêsu cách trọn vẹn nhất.

Trải qua rất nhiều khó khăn, các Tông Đồ mới tin nhận Đức Kitô Phục Sinh. Nhưng khi đã tin nhận rồi thì các ngài đã hoàn toàn để cho Đấng Phục Sinh lôi kéo mình vào lối sống mới, can đảm ra đi làm chứng cho điều mình đã lãnh nhận dù có phải hy sinh mạng sống của mình. Niềm tin và hy vọng đã và đang cháy sáng trong lòng các ông.

Còn chúng ta thì sao? Là người Kitô hữu, chúng ta có sẵn sàng mang dấu tích của Chúa Kitô Phục Sinh không? Có sẵn sàng chịu đau khổ, chịu chết đi cho tội lỗi, cho cái tôi của mình để hoà giải nhân loại với Chúa, và với nhau không?

Đây là câu hỏi không dễ để trả lời, nhất là khi chúng ta đang sống trong một xã hội tục hóa, với một cơ chế giáo dục đang xuống cấp như hiện nay, khi sự dữ vẫn còn tồn tại và ngày càng tinh vi hơn.Tội lỗi và sự ích kỷ hưởng thụ của con người ngày càng ghê gớm, dẫn đến nạn môi trường ô nhiễm, rừng bị tàn phá, bầu khí quyển ô nhiễm; hơn nữa, chiến tranh, thù hận, giết người, bất công xã hội ngày càng gia tăng, một xã hội có quá nhiều trào lưu hưởng thụ, chạy theo những đam mê thấp hèn và bất chính… mất hết niềm tin vào nhau.

Vậy làm sao chúng ta có thể trình bày cho nhân loại gương mặt của Chúa Kitô Phục Sinh khi con người ngày nay không hề dễ tin? Họ cũng có những đòi hỏi như ông Tôma là phải được thấy, được sờ, được kiểm nghiệm, phải có dấu chứng mới chịu tin. Làm sao họ có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô Phục Sinh nếu họ không thấy những vết thương, những chứng tích của Chúa Kitô đóng đinh nơi tay chân, nơi thân xác, nơi cuộc sống của chúng ta? Làm sao họ đón nhận được niềm vui nơi một khuôn mặt không có nụ cười?Làm sao họ có được niềm vui nơi một gương mặt giận dữ và những lời nói nặng nề, chua cay và gắt gỏng? Cũng thế, làm sao họ có được niềm vui nơi những người chỉ biết trốn chạy, đùn đẩy khó khăn cho người khác, với những lời lẽ khô khan, nguội lạnh, vô cảm? Làm sao họ có thể tin nếu họ không thấy chứng tích của những khuôn mặt hy sinh, quên mình phục vụ cho tha nhân và phục vụ Tin Mừng?

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta hay trách móc người khác sống không có niềm tin. Nhưng có khi nào chúng ta tự nhìn lại bản thân, nhìn lại cách sống của mình chưa? Nếu chúng ta mình chưa thật sự sống tốt với niềm vui Phục Sinh mà mình đã lãnh nhận, thì làm sao chúng ta có thể loan truyền tin vui đó cho người khác.

Thật vậy, chỉ khi chúng ta nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh và lắng nghe mệnh lệnh của Người, thì chúng ta mới có thể mang niềm vui và bình an đến cho người khác được. Nghĩa là chúng ta biết giúp đỡ và chia sẻ với người khác khi cần, biết nói những lời động viên an ủi, biết lắng nghe và khích lệ tinh thần, biết khiêm nhường, bớt nóng giận để có thể cho đi một nụ cười, biết nhẫn nhịn khi bị thiệt thòi, biết chấp nhận sự khác biệt văn hóa vùng miền… để cho cuộc sống được nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn.

Ước gì mỗi người chúng ta đều mang những chứng tích tình yêu của Chúa Kitô Phục Sinh chịu đóng đinh trên tay, chân, trên thân xác, trong cuộc sống… để chia sẻ với Chúa Kitô những vết thương của những người bất hạnh khổ đau đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, nhờ đó chúng ta mới có thể làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh.

Lạy Chúa,xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con nhạy cảm nhận ra Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, nhất là nhận ra Chúa nơi từng người mà chúng con gặp gỡ.

 

 

 

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 2 Phục Sinh, Lòng Thương Xót của Chúa)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.