Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 6 Phục Sinh – Năm B

0
937

Bài Ðọc I: Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48

“Ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Xảy ra là khi Phêrô vừa vào nhà, thì Cornêliô ra đón ngài, và sấp mình dưới chân ngài mà lạy. Phêrô liền đỡ ông dậy và nói rằng: “Xin ông chỗi dậy, vì chính tôi cũng chỉ là người”.

Phêrô lên tiếng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!”

Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc; vả lại họ nghe các người ấy nói nhiều thứ tiếng và ngợi khen Thiên Chúa. Bấy giờ Phêrô lên tiếng nói rằng: “Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã nhận lãnh Thánh Thần như chúng ta?” Và ngài truyền rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Bấy giờ họ xin ngài ở lại với họ ít ngày.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (x. c. 2b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. – Ðáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. – Ðáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Ga 4, 7-10

“Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 9-17

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.

Ðó là lời Chúa.


Bài giảng chủ đề:

VÒNG TRÒN TÌNH YÊU [1] (Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật VI Mùa Phục Sinh (Ga 15,9-17) tràn ngập yêu thương. Đoạn văn khởi đầu bằng hành động “yêu thương” và kết thúc cũng bằng lời mời gọi “yêu thương”: “Hệt như Cha yêu thương tôi, tôi cũng yêu thương anh em” (15,9) – “tôi truyền cho anh em những điều này để anh em có thể yêu thương nhau” (15,17). Xuyên suốt đoạn văn, có 5 lần động từ “yêu thương” được sử dụng (15,9a.9b.12a.12b.17). Thêm vào đó, danh từ “tình yêu” được sử dụng 4 lần. 9 lần từ vựng liên quan đến “yêu thương” được sử dụng trong một đoạn văn gồm 9 câu (cc.9-17). Như thế, có thể nói rằng ứng với một câu văn có một từ vựng liên quan đến yêu thương. Chưa hết, từ vựng “người bạn” (philos) trong tiếng Hy Lạp, cũng có gốc từ động từ “yêu thương” hay “thương mến” (philêồ). Vì thế, danh từ “người bạn” (philos) có thể dịch là “người thương/ người yêu”. Trên cơ sở đó, danh từ “những người bạn” được đề nghị hiểu là “những người thân thương”. Danh từ “những người thân thương” xuất hiện 3 lần trong đoạn văn này. Vậy là từ ngữ liên quan đến yêu thương đã lên đến con số 12 chứ không còn là 9 nữa. Nói như thế để hiểu rằng, tác giả đã cố ý xây dựng đoạn văn này quanh chủ đề yêu thương. Nói theo ngôn ngữ Phụng Vụ, Tin Mừng Chúa Nhật này xoay quanh chủ đề yêu thương. Nói theo ngôn ngữ thần học, đoạn văn này là một mạc khải về vòng tròn tình yêu của Cha – Đức Giêsu – môn đệ (nhân loại). Theo thần học chuyên biệt (Kitô học), có thể gọi đây là mầu nhiệm tình yêu cứu độ: chết cho người mình yêu. Còn nói theo kiểu văn học, có thể gọi đây là một câu chuyện tình lâm li bi đát trong thế gian.

Trong đoạn văn trước (15,1-8) độc giả đã từng nghe đến “vòng tròn tình yêu cứu độ khép kín”, Từ Cha – Đức Giêsu – Các môn đệ: Người Cha là người trồng nho – Đức Giêsu là cây nho – Các môn đệ là những cành nho – những cành nho ở lại trong Đức Giêsu và được Cha cắt tỉa – sinh nhiều hoa trái – nhiều hoa trái mang lại vinh quang cho Cha.[2] Đoạn văn 15,9- 17 cũng là một vòng tròn tình yêu khép kín như thế: “Cha yêu Người Con – Người Con yêu các môn đệ bằng tình yêu Cha dành cho mình – các môn đệ ở lại trong tình yêu của Người Con – Ở lại trong tình yêu của Người Con đồng nghĩa với việc giữ các điều răn của Người Con – điều răn của Người Con là: “Yêu thương nhau hệt như” Người con đã yêu họ – “hệt như” Người Con “đã yêu” là: “Hy sinh tính mạng vì những người thân thương” – “Những người thân thương” là những môn đệ – Những môn đệ được chọn, được sắp đặt để ra đi và sinh hoa trái và hoa trái còn mãi – hoa trái yêu thương còn mãi chính là dấu hiệu cho sự ở lại trong Tình yêu của Cha dành cho Người Con.

Tác giả Gioan đã dùng liên từ so sánh “kathos” (Καθὼς) (hệt như, cùng cách thức) để đồng hóa một cách tài tình tình yêu của Người dành cho các môn đệ với tình yêu của Cha dành Cho Người. Hai tình yêu này không hề khác nhau. Có lẽ, không ai thấy và cảm nghiệm được tình yêu của Cha dành cho Đức Giêsu, nhưng độc giả và các môn đệ chắc chắn cảm nghiệm và hiểu tình yêu của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Đó là tình yêu ở mức độ cao nhất, sự cao thượng đạt cảnh giới cao nhất. Không có một tình yêu nào có thể so sánh với tình yêu ấy: Tình yêu của Người dám hy sinh tính mạng vì “người thân thương của mình”. Hỵ sinh mạng sống là tận cùng của sự hy sinh bởi vì người ta không còn gì hơn để hy sinh hơn nữa. Cũng với liên từ này, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ vươn tới mức độ yêu thương của Người và của Cha Người:

“Hệt như (kathos) Người đã yêu họ”. Họ được mời gọi ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu bằng cách sẵn sàng chết cho “những người thân thương” của mình. Chính khi chết đi theo cách thức như thế các thành viên của cộng đoàn môn đệ lại giữ được mạng sống ấy: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai ghét mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giự được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12,25; Cf. Mc 8,35; Mt 16,25; Lc 9,24). Đức Giêsu còn nhấn mạnh rằng: “Quả thật, tôi bảo thật anh em, nếu hạt lúa mình rơi xuống không chết đi thì nó trơ trọi một mình, còn nếu nó chết đi, nó mới sinh nhiều hoa trái” (Ga 12,24). Như thế, “Sinh hoa trái” mà Đức Giêsu muốn nói ở đoạn này (15,9-17) cũng như đoạn trước đó (15,1-8) bao hàm cả sự “chết đi”. Cái chết này là cái chết cho “những người thân thương” chứ không phải cái chết của những người chán sống và chết vô nghĩa.

Lạy Đức Giêsu, xin cho tất cả mọi người trên thế gian này, nhất là những người kitô hữu biết dùng tình yêu theo mẫu tình yêu của Ngài để đối đãi người khác: Dám hy sinh, chết đi mỗi ngày cho người thương của mình.

Chú thích

[1] Trích từ “Ở Lại Trong Tình Yêu – Chết cho Người Mình Yêu”, LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU – CHẾT CHO NGƯỜI MÌNH YÊU. Chú giải Tin Mừng CN VI PS B (Ga 15,9-17) (Giuseephpham-horizon.blogspot.com).

[2] Xem thêm, Giuseeph Phạm Duy Thạch, “Cây Nho Giê-su, Cành Nho Môn Đệ và Vinh Quang của Chúa Cha”, HORIZON MISSIONARY: CÂY NHO GIÊ-SU, CÀNH NHO MÔN ĐỆ, VÀ VINH QUANG CỦA CHÚA CHA (Giuseephpham-horizon.blogspot.com) (truy cập 04/05/2021).


 

YÊU NHƯ THẦY (Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD)

Tình yêu là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần và là sự cần thiết cho hạnh phúc của con người. Làm người ai cũng muốn yêu và được yêu. Thiết nghĩ, không gì dễ bằng tình yêu và cũng không gì khó bằng tình yêu. Khi yêu, người ta dành trọn tình yêu cho lý tưởng, cho đối tượng, cho người mình yêu. Hơn nữa, có người đã dành trọn tình yêu cho cha mẹ để làm tròn chữ hiếu, có người dành tình yêu cho một lý tưởng sống khác với quy luật tự nhiên của đời người… Tình yêu còn mang nhiều cung bậc theo từng mối tương quan khác nhau trong cuộc sống thường ngày. Vâng, tình yêu có muôn hình vạn trạng và chỉ có trái tim mới thấu hiểu được rõ ràng. Như Pascal định nghĩa: “Con tim có những lý lẽ riêng mà lý trí không thể hiểu được”. Chính vì thế, chúng ta khó có thể hiểu thấu được nhiệm mầu tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho con người cách siêu việt: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15,9). Đây là cốt lõi tình yêu của Đức Kitô mà Tin Mừng hôm nay Chúa muốn dạy bảo chúng ta.

Thật vậy, tình yêu Thiên Chúa không giới hạn nhưng trải rộng khắp nhân loại, khởi đi từ Alpha đến tận cùng Omega và bao trùm trên mọi sinh linh. Tình yêu ấy được diễn tả qua việc Ngài đã tạo dựng con người và quan tâm cứu rỗi con người.

Chính vì yêu, Thiên Chúa đã đi bước trước, Ngài yêu thương nhân loại và đã sai Con Một đến trần gian sống kiếp người, đã hy sinh tính mạng để đền thay tội lỗi chúng ta hầu dẫn đưa con người vào quỹ đạo tình yêu, là ánh sáng và sự thật của Ngài, mà trong bài đọc thứ hai đã giúp chúng ta hiểu rõ (x. 1 Ga 4,7-10). Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã để lại dấu ấn tình yêu của Ngài trong tim mỗi người, bởi chính Ngài là tình yêu (x. 1 Ga 4,8). Thiên Chúa muốn chúng ta yêu Ngài trong từng giây phút, yêu trong bất cứ thái độ hay hoàn cảnh nào, dù sốt sắng hay nguội lạnh, dù trung tín hay bất trung. Nếu chúng ta nghĩ phải trở nên trọn lành mới yêu Chúa thì sẽ không bao giờ chúng ta đạt tới tình yêu. Sự yếu đuối của thánh Phêrô là bài học yêu thương, dù ông đã chối Chúa nhưng Chúa không thua sự hối lỗi của Phêrô, Ngài không bỏ mặc mà còn đặt Phêrô làm đá tảng Giáo Hội.

Thiên Chúa là Đấng toàn năng. Ngài hoàn hảo và tuyệt đối trên tất cả mọi sự, nhưng Ngài đã chọn lấy tình yêu nhân loại là trên hết. Chính cái chết trên Thập Giá là bằng chứng hùng hồn nhất của tình yêu, vì chính lúc Ngài chết đi là lúc khởi đầu sự sống, lúc con người tưởng đã mất niềm hy vọng lại là lúc phát sinh sức mạnh vô song lôi kéo mọi người đến cùng Thiên Chúa. Ngài chết đi cho nhân loại được sống, một sự sống vĩnh cửu và đích thực không ai đem lại được mà cũng không ai có thể cướp đi được. Đó là một tình yêu phi thường, tình yêu lớn nhất mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Như Thánh Gioan đã khẳng định: “Thiên Chúa đã yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Người để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Quả thật, Chúa Giêsu chỉ vì yêu nhân loại mà Ngài đã chấp nhận mọi đau khổ, sỉ nhục, phản bội, đòn roi, đỉnh cao là cái chết nhục nhã trên thập giá để con người được sống hạnh phúc sung mãn. Trong bữa ăn cuối cùng, Chúa đã trao ban sự sống cho nhân loại:“Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (x. 1 Cr 11,24). Cũng chính giờ phút đó Máu Chúa đổ ra để thiết lập Giao Ước Mới. Giao Ước tình yêu. Trên Thập Giá, tình yêu của Chúa Giêsu đối với nhân loại lên đến tột đỉnh. Ngài đã yêu đến cùng, yêu đến hiến cả mạng sống mình như Chiên Vượt Qua để cứu chuộc chúng ta, để nên của ăn nuôi dưỡng con người trên đường lữ thứ trần gian, đó là sáng kiến cuối cùng của Tình Yêu, và là dấu chứng lớn lao ngàn đời cho nhân loại.

Với tình yêu thẳm sâu của Chúa dành cho nhân loại nói chung và mỗi một người tu sĩ nói riêng, chúng ta đã đáp trả tình yêu Chúa như thế nào trong đời sống dâng hiến? Chúng ta có quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa trong mọi biến cố hay không? Trong cuộc sống, khi gặp phải thách đố, khi bị hiểu lầm, thất bại, khó khăn, những lúc đó ta có chán nản thất vọng, than trách Chúa không? Chúng ta đón nhận dấu chỉ của Ngài bằng thái độ nào? Giờ đây, mỗi người chúng ta hãy nhìn lại thân phận yếu đuối của bản thân để xin Chúa giúp sức và cho ta biết đáp trả tình yêu Chúa một cách quảng đại ngang qua tình yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa đã dạy: “Đây là điều răn của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Lệnh truyền của Chúa mời gọi chúng ta yêu hết mọi người, nhất là những người đang sống cùng, sống với chúng ta, những người sống bên cạnh chúng ta và những người đau khổ. Triết gia Gabriel Marcel nói rằng: Tha nhân là quà tặng, là hồng ân của Thiên Chúa. Quả thật, chúng ta là một món quà, là một quà tặng của nhau. Nếu muốn cho món quà trở nên tốt đẹp và ý nghĩa, chúng ta hãy biết sử dụng và bảo vệ món quà ấy bằng mối dây liên kết tình bác ái, yêu thương, nâng đỡ, chia sẻ và tha thứ cho nhau trong cuộc sống. Vì, nếu như ai đó nói rằng: tôi thương bạn lắm, tôi rất mến bạn, mà lời nói đó không đi đến hành động yêu thương, thì điều đó sẽ trở nên vô nghĩa.

Thiên Chúa có thể bỏ qua những lỗi lầm thiếu sót thường ngày của chúng ta nhưng Ngài sẽ không bỏ qua giới luật yêu thương mà Ngài đã mời gọi các môn đệ thực thi. Là người thuộc về Chúa, chúng ta phải biết yêu thương, biết rung động trước những nhu cầu và khổ đau của người khác. Bởi vì yêu thương chính là chu toàn lề luật (x. Rm 13,10). Yêu thương là lệnh truyền bậc nhất của Chúa. Giá trị của tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa luôn mới và hợp với mọi thời đại. Yêu thương là sức sống của tình yêu được luân chuyển và đem lại niềm vui trọn vẹn cho mỗi chúng ta trong Thiên Chúa (x. Ga 15,11). Chúa Giêsu đã dạy mỗi người chúng ta bài học yêu thương anh chị em đồng loại bằng chính sự hy sinh tính mạng của Ngài vì bạn hữu một cách vô điều kiện: “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Vì thế, tình yêu luôn đòi hỏi chúng ta phải chịu thiệt thòi, phải hy sinh, và xóa bỏ cái tôi của mình. Yêu là hiến thân, là cho đi chính mình bằng lời nói và hành động yêu thương cụ thể, và biết chấp nhận gian khổ để xây nên một tình huynh đệ lành mạnh, nâng đỡ nhau lúc vui cũng như khi buồn, lúc mạnh khỏe cũng như khi đau yếu, lúc thành công cũng như khi thất bại.

Trước những thành công của người khác, chúng ta có chia sẻ niềm vui và cảm tạ Chúa với họ hay để lòng ghen tức, ganh tỵ bùng lên? Đứng trước sự thất bại của anh chị em, chúng ta có đồng cảm, an ủi, khích lệ hay lại dửng dưng, xoi mói, chỉ trích? Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói: “Hãy yêu đi với tình yêu con sẽ làm tất cả”. Lời mời gọi ấy luôn vẫn vang vọng trong cuộc sống và trong con tim mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng ngần ngại đến với Chúa, hãy yêu Chúa, vì chính lúc ta đến với Chúa là lúc ta lãnh nhận sức mạnh thần linh để đến với tha nhân.

Vậy chúng ta phải yêu như thế nào cho cân xứng? Là tu sĩ, chúng ta đã chọn Đức Kitô làm đối tượng duy nhất và quyết tâm dâng hiến đời mình cho Chúa chưa? Chúng ta đã dành tình yêu cho Ngài như thế nào? Chúng ta yêu bằng con tim thịt mềm hay bằng môi miệng? Yêu Chúa khi bình an hạnh phúc còn khi gặp thử thách gian truân chúng ta có than ngắn thở dài? Với tha nhân, chúng ta sống giới luật yêu thương như thế nào? Yêu tha nhân vì tha nhân đáng yêu hay vì lợi lộc bản thân chúng ta? Mỗi người chúng ta hãy tự vấn chính mình và trả lời trước mặt Chúa về những yếu đuối nhát hèn của bản thân.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương đến nỗi hiến cả mạng sống vì chúng con, nhưng chúng con lại không đáp trả tình yêu Chúa cách trọn vẹn. Vì lòng ích kỷ và sự ghen ghét hoặc vì thú vui của trần thế mà chúng con đã lãng quên giới luật yêu thương của Chúa. Giờ đây, xin Chúa khơi dậy trong lòng chúng con ngọn lửa yêu mến, để nhờ đó chúng con biết sống tình yêu Chúa qua sự gắn bó với người khác. Xin Chúa ban thêm sức mạnh và niềm vui trong cuộc sống để chúng con luôn biết sống YÊU NHƯ CHÚA YÊU. Amen!


 

TÌNH YÊU TỰ HIẾN (Lm. Phêrô Nguyễn Tài, SVD)

Tình yêu của Đức Giêsu thiết lập tương quan mới: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Tin Mừng Gioan giúp chúng ta thấy rõ Tình Yêu. Đức Giêsu được Cha sai đến trần gian chỉ vì Yêu, để: “làm cho người ta nhận biết Cha là Tình Yêu”. Vì thế, Thầy Giêsu đã làm trọn sứ vụ đó. Tin Mừng thứ Tư mở đầu Lời Tựa: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Chúa Cha, và Ngôi Lời là Thiên Chúa…Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,1-18).

  1. Con phát xuất từ Cha

Việc xuất phát từ Cha của Chúa Con là một khẳng định chắc chắn về căn tính của Người: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Đức Giêsu và Chúa Cha cùng có một quyền năng chung. Vì khẳng định điều này mà người Do thái đã ném đá Đức Giêsu. Cũng vì Philipphê còn hơi mập mờ, chưa hiểu nên Đức Giêsu đã nói với ông ấy rằng: “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14,10).

Nhiệm vụ Cha sai Con là bất khả phân ly. Vì việc Chúa Con được sai đi không những hiệp nhất, nhưng còn luôn luôn tín thác và tùng phục với Cha. Tuy vâng lời cách triệt để, nhưng Con lại ngang hàng với Cha. Vì tuyệt đối là Cha nên chỉ tuyệt đối tương quan với Con và ngược lại. Không ai hiểu biết thấu đáo thế nào là Cha và Con bằng nơi Thiên Chúa. Không phải Thiên Chúa hiểu biết bằng tư duy hay khái niệm, nhưng là bằng cách hiện hữu và sống thực tại “Cha Từ Phụ” và “Con Hiếu Tử” trong hiệp thông và tương hổ.[1]

Tình yêu của Cha dành cho Con rất đậm đà và được ban phát cho các môn đệ: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15,9); “Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31). Tình yêu của Cha được mạc khải trong việc Người tỏ ra cho Con mọi sự: “Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa” (Ga 5,20). Và tình yêu của Con cũng trở nên rõ ràng trong việc Người hoàn tất sứ vụ của Cha: “Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18).

Tình yêu mật thiết được diễn tả giữa Cha và Con không phải chỉ là cảm giác, nhưng là một sự dâng hiến lẫn nhau trong hành động. Có một sự cộng tác chung trong chương trình hoạt động của Thiên Chúa, cùng làm việc chung một cách đích thực với nhau từ trong bản chất, vì người Con không tự mình làm được điều gì, nhưng chỉ nói và làm những gì Người đã nhìn thấy và nghe biết từ Cha: “Cho đến nay, Cha tôi cũng làm việc, thì tôi cũng làm việc. Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy” (Ga 5,17.19).[2] Tất cả những ý định tốt lành mà Cha đã mạc khải nơi Con sẽ không ngoài mục đích tỏ mình ra cho nhân loại biết.

  1. Mục đích của việc Cha sai Con

Ý định đầu tiên của Thiên Chúa là sáng tạo và cứu độ con người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3,16). Cha, đơn thuần là Đấng trao ban tình yêu: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Tất cả những ân ban mà Cha đã mạc khải nơi Con, Con chỉ trao ban cho nhân loại những gì tốt đẹp từ nơi Cha. Thiên Chúa muốn trao ban tất cả cho nhân loại, nên Người hiện diện trong lời nói và việc làm của Đức Giêsu. Sự nên một giữa Cha với Con cao vời đến độ những lời nói và việc làm của Con cũng là những lời nói và việc làm của Cha: “Những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi. Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 12,50; 14,10).

Cha tỏ bày chính Người quá nhiều trong Con, đến độ bất cứ ai nhìn thấy Con là thấy Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’. Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong thầy sao?” (Ga 14,9.10). Không một thụ tạo nào có thể nhìn thấy Thiên Chúa cách tường tận. Nhưng nhận thấy và kinh nghiệm trực tiếp Chúa Cha từ nơi Chúa Con: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Qua con người Đức Giêsu, Thiên Chúa đã mạc khải một cách hoàn toàn đến độ bất cứ ai nhìn nhận Thiên Chúa trong đức tin thì nhận ra Người không còn là một Vị Thiên Chúa xa cách, bất khả tri, nhưng là một Thiên Chúa ở gần đến độ con người có thể giết được Người.[3] Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không dừng lại trong nội tại, nhưng được ban cho các môn đệ.

  1. Tình Yêu hướng đến tha nhân

“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).Có lẽ nào, đã có lúc Thầy Giêsu coi các môn đệ là “tôi tớ” rồi chăng? Nói cho cùng, trong Tin Mừng Gioan, Thầy Giêsu chưa hề gọi các môn đệ là tôi tớ bao giờ, tuy cũng có đôi lần Người ví họ là tôi tớ: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13,16; 15,20). Ở đây, phải chăng Thầy Giêsu muốn nhắc cho các môn đệ biết “người tôi tớ” trong Cựu Ước. Như dân Israen luôn được coi là tôi tớ trước mặt Thiên Chúa?

Thầy Giêsu cốt ý làm nổi bật thân phận mới của người môn đệ, nên đã so sánh “bạn hữu” với “tôi tớ”. “Tôi tớ” là kẻ không được lưu lại trong nhà, nhưng “bạn hữu” thì được: “Kẻ tôi tớ thì không được lưu lại trong nhà luôn mãi, người con thì mới được ở luôn mãi” (Ga 8,35). Chỉ Thầy Giêsu là Con Một duy nhất của Cha, mới sẽ làm các kẻ tin được trở thành “bạn” – “con” tự do đích thực.

Ta cũng nên lưu ý rằng “tôi tớ” chưa hẳn là một tên gọi mang tính chất khinh bỉ, hèn hạ, nhưng cũng có thể là một danh xưng vinh dự. Trong Cựu Ước, Môsê được gọi là tôi tớ của Thiên Chúa: “Ông Môsê, tôi trung của Đức Chúa” (Đnl 34,5); các ngôn sứ cũng tự xưng là tôi tớ của Đức Chúa: “Vì Đức Chúa là Chúa Thượng không làm điều gì mà không bày tỏ kế hoạch của Người cho các ngôn sứ, tôi tớ của Người được biết” (Am 3,7). Trong Tân Ước, thánh Phaolô tự xưng là “tôi tớ” của Thầy Giêsu: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu” (Rm 1,1).

Vì tôi tớ không biết việc của chủ, có thi hành mệnh lệnh nhưng không hiểu biết việc chủ, cũng có nghĩa là không hiểu ý nghĩa và lý do của việc chủ sai làm. Điều khác nhau giữa “tôi tớ” và “bạn hữu” không phải là làm hay không làm theo lệnh của Chủ, nhưng là biết hoặc không biết ý của Chủ. Nếu đề cập đến việc làm theo lệnh của Chủ, thì “tôi tớ” vẫn làm, hoặc là sai gì làm đó (vâng lời tối mặt), nhưng vẫn không là bạn. Điều khiến cho “tôi tớ” trở thành “bạn hữu” là “đoán được” ý của Chủ, “biết” ý Chủ, mà “biết” ý Chủ cũng có nghĩa là luôn tỉnh thức để phục vụ, và đặc biệt là thực hành. Hiểu biết ở đây không chỉ là hiểu biết theo trí óc, cho bằng cảm nghiệm được tình Chúa trong sự thân mật, chia sẻ và thông giao với.[4]

Kết luận:

Quả thực, “trăm nghe không bằng mắt thấy”: Điều mà không từ ngữ nào có thể diễn tả để thấu đạt thì đã được mạc khải hoàn toàn nơi Đức Kitô. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã thực sự trở thành Đấng mà con người có thể gọi đích danh là Cha. Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa mãi mãi đi vào trong cuộc sống với chúng ta. Qua chính cuộc sống ấy, đỉnh cao là cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, con người được cứu độ hoàn toàn. Đó là tình thương mà Chúa Cha muốn mạc khải cho nhân loại qua Con Một.

[1] Durrwell F.X, Hiểu sống mầu nhiệm Chúa Cha, chuyển ngữ: Vũ Văn Thiện, tr.36.

[2] Schnackenburg Rudolf, Đức Giêsu trong các Tin Mừng, bản dịch của Nguyễn Luật Khoa và Phạm Thị Huy (Hà Nội: Tôn Giáo, 2009), tr. 279-280.

[3] Ratzinger Joseph, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay (Tôn Giáo: Hà Nội, 2009).

[4]Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin Mừng Gioan, Tập IV – Thầy đã thắng thế gian (Tôn Giáo: Hà Nội, 2006), tr. 134-135-137.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 5 Phục Sinh)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 6 Phục Sinh – B)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.