Lời Chúa + Bài Giảng (29/6, Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, Lễ trọng)

0
1288

Cv 12,1-11; 2Tm 4,6-8.16b.17-18; Mt 16, 13-19

Bài Ðọc I: Cv 12, 1-11

“Bây giờ tôi biết thật Chúa đã cứu tôi khỏi tay Hêrôđê”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vua Hêrôđê làm khổ mấy người trong Hội thánh. Ông đã dùng gươm giết Giacôbê anh của Gioan. Ông thấy việc ấy đẹp lòng người Do-thái, nên lại cho bắt cả Phêrô. Bấy giờ là ngày lễ Bánh Không Men. Bắt được người, vua cho tống ngục, giao cho bốn đội binh, mỗi đội bốn người canh giữ, có ý đợi sau lễ Vượt Qua, sẽ điệu người ra cho dân. Phêrô bị giam trong ngục, nhưng Hội thánh vẫn luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa cho người. Ðến khi vua Hêrôđê sắp điệu người ra, thì đêm ấy, Phêrô phải mang xiềng xích, nằm ngủ giữa hai tên lính, và có quân canh giữ trước cửa ngục. Bỗng có thiên thần Chúa đứng kề bên, một luồng ánh sáng chiếu giãi vào ngục; thiên thần đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức người dậy mà rằng: “Hãy chỗi dậy mau”. Xiềng xích liền rơi khỏi tay người. Thiên thần bảo người rằng: “Hãy thắt lưng và mang giày vào”. Người làm y như vậy. Thiên thần lại bảo rằng: “Hãy khoác áo vào mà theo ta”.

Người liền đi ra theo thiên thần, mà chẳng biết việc thiên thần làm có thật chăng, người tưởng như trong giấc mộng. Qua khỏi chặng thứ nhất và chặng thứ hai, thì đến cửa sắt thông ra thành. Cửa ấy tự nhiên mở ra. Thiên thần và Phêrô rảo qua một phố nọ, rồi thiên thần biến đi. Phêrô hoàn hồn và nói rằng: “Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do-thái”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ (c. 5b).

Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. – Ðáp.

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ. – Ðáp.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. – Ðáp.

4) Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tm 4, 6-8. 17-18

“Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện. Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện cho Người được vinh quang muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 16, 18

Alleluia, alleluia! – Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 13-19

“Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.

Ðó là lời Chúa.

 

Các bài giảng chủ đề:

 

ƠN GỌI VÀ SỨ VỤ (Lm. Phê-rô Đỗ Cao Cương, SVD)

Hôm nay, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta mừng kính hai thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô cột trụ của Giáo Hội. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta suy gẫm đôi điều về đời sống ơn gọi, sứ vụ Tông Đồ và chứng nhân tử đạo của hai thánh, qua đó cho chúng thấy sức mạnh và tình thương của Thiên Chúa được diễn tả qua sự mỏng manh của con người.

Đời sống ơn gọi theo Chúa

Thánh Phê-rô, một ngư phủ người Ga-li-lê dày dạn kinh nghiệm sông nước, ít học, bộc trực và nóng tính đến thô mộc quê mùa. Ông đang cùng gia đình sống ở Ca-phác-na-um, làm ăn và có cuộc sống ổn định bên hồ Ti-bê-ri-a. Chúa nhìn thấy ông và kêu gọi ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Từ một ngư phủ, Phê-rô trở thành Tông Đồ của Chúa để thi hành sứ vụ truyền giáo là đi lưới người cho Chúa.

Thánh Phao-lô, một con người khác hẳn với Phê-rô, có tên gia đình là Sao-lê, một người Do Thái lưu vong, một con người trẻ trung, năng động, sinh tại Tar-sô miền Tiểu Á, có quốc tịch Rô-ma. Vị Tông Đồ dân ngoại này xuất thân từ một gia đình và dòng tộc Ben-gia-min có thế giá. Phao-lô được học hành và là bậc trí thức, lòng nhiệt thành thì như một Pha-ri-siêu chính tông. Chúa gọi ông khi ông say máu bắt đạo, Chúa đã vật ông ngã ngựa để ông trở thành “lợi khí” của Chúa cho việc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Quả thật, từ một người hăng say diệt đạo, Phao-lô được Chúa biến đổi trở thành người say mê truyền giáo cho dân ngoại, trở thành một nhà tư tưởng, nhà thần học lỗi lạc và một con người uyên thâm Kinh Thánh, một con người đầy nhiệt khí của Thánh Thần.

Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Ki-tô, họ đã bỏ mọi sự đi theo Chúa. Chúng ta có thể tin tưởng rằng, trong chương trình quan phòng đầy yêu thương, Thiên Chúa luôn kêu gọi con người cộng tác với Ngài, dù con người yếu đuối. Quả thật, “ánh mắt nhìn của Chúa” và “ánh sáng từ trời” đã cảm hóa được những yếu đuối và cứng rắn của hai con người trở thành Tông Đồ và khí cụ của Chúa.

Sứ vụ tông đồ và chứng nhân tử đạo

Phê-rô đã theo Chúa dọc suốt hành trình công khai của Chúa Giê-su, chứng kiến những phép lạ quan trọng và những biến cố cuộc đời của Chúa Giê-su. Mặc dầu được chọn làm Tông Đồ trưởng nhưng Phê-rô là người được Chúa nhắc nhở nhiều lần. Tuy vậy ông không buồn, mà vẫn một lòng trung thành trong sứ vụ Chúa trao phó. Bên cạnh đó, Phao-lô theo Chúa sau biến cố Phục Sinh. Dù là vị Tông Đồ sinh sau đẻ muộn, nhưng chúng ta thấy ân sủng của Thiên Chúa đổ tràn và tác động trong tâm hồn của Phao-lô thật mạnh mẽ đến độ ông dám khẳng khái để tuyên bố: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1,21). “…Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác, ngoài Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2). “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20a). Thực ra, cả hai vị Tông Đồ đều đi cùng một con đường: đến với Đức Ki-tô, vì Đức Ki-tô và cho Đức Ki-tô. Hai con người, hai vị thánh có nhiều điểm xuất phát khác nhau; hai tính cách của hai con người đã được Chúa biến thành hai con đường truyền giáo và rao giảng Tin Mừng khác nhau. Con đường của Phê-rô củng cố lòng tin cho anh em và dân Do Thái. Con đường của Phao-lô đến với muôn dân để thiết lập cộng đoàn đức tin cho dân ngoại. Tuy hai con đường song song nhưng gặp nhau trong ý muốn của Thiên Chúa. Quả thật, hai vòng tròn đồng tâm trong Đức Giê-su đã tạo nên một Giáo Hội sơ khai vững mạnh trong truyền giáo. Vòng tròn Phê-rô tin mừng hóa nội bộ; vòng tròn Phao-lô truyền giáo và rao giảng cho dân ngoại, hai vòng tròn quy tụ cả hai thành phần dân Chúa về một tâm điểm là Đức Ki-tô. Phê-rô và Phao-lô theo Chúa sau khi khám phá ra tình yêu mãnh liệt nơi Ðức Giê-su và họ cũng khám phá ra rằng họ dành một tình yêu mãnh liệt cho Chúa. Như khi trả lời cho Chúa, Phê-rô đã mạnh dạn thưa với Thầy: “Thầy biết rõ con yêu mến Thầy” (Ga 21,16). Tuy nhiên, Phao-lô cũng diễn tả tình yêu mãnh liệt không hề kém Phê-rô: “Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Và Phao-lô đã xác tín tình yêu của ông đối với Chúa: “Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Ki-tô” (Rm 8,35.39). Tình yêu của Đức Giê-su đã thúc bách các Tông Đồ. Sau khi Chúa về trời, Phê-rô cùng các Tông Đồ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh, bất chấp mọi khó khăn, bách hại và ngay cả cái chết. Thánh Phê-rô sau khi đã chu toàn sứ mệnh là trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Ki-tô và của sự hiệp nhất tất cả Dân Chúa, ngài được phúc tử đạo làm chứng cho Chúa. Phần Phao-lô, trung thành trong hành trình truyền giáo cho đến chết, ngài không ngừng rao giảng Chúa Ki-tô bị đóng đinh và lôi kéo nhiều nhóm dân ngoại trở về với Chúa. Hành trình cuối cùng tới Rô-ma và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Ki-tô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai của thánh lễ hôm nay rằng: “Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến” (2 Tm 4,17-18). Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô Phục Sinh. Phê-rô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phao-lô thì không sao kể xiết (x. 2 Cv 11,23-28); “Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giê-su” (Gl 6,1-7). Cả hai vị thánh đã đã lấy máu mình mà làm chứng cho Thầy mình: thánh Phê-rô chịu đóng đinh cho đến chết; thánh Phao-lô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2 Tm 4,6). Vậy là cả hai vị thánh Tông Đồ đều được tuyên dương: Thánh Phê-rô là “đá tảng của Hội Thánh” (Mt 16,18). Thánh Phao-lô được gọi là “thầy của dân ngoại về đức tin và chân lý” (1 Tm 2,7).

Ơn gọi và sứ vụ của chúng ta

Nhìn vào con người, ơn gọi và sứ vụ của hai vị thánh cột trụ của Giáo Hội, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa có thể làm mọi sự nơi con người yếu đuối mỏng dòn. Thiên Chúa vẽ đường thẳng bởi những nét cong của con người. Tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa thực hiện trên thánh Phê-rô và Phao-lô cũng như mỗi người chúng ta. Một cuộc đời vốn đầy bất toàn và yếu đuối như Phê-rô khi chối Chúa, như Phao-lô bắt đạo trước khi gặp Chúa và được Chúa hoán cải. Chúng ta nhận ra sự yếu đuối và mỏng manh của con người, tuy nhiên, Chúa không thất vọng và trách móc con người mà ngược lại Chúa dùng tình thương và sức mạnh của Chúa để cảm hóa con người. Quả vậy, tình thương và sức mạnh của Chúa chiến thắng trên tội lỗi, thù hận và phản bội của con người. Trong đời sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta chối từ Chúa như Phê-rô, nhưng tình thương Chúa quy phục chúng ta. Chính vì Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài hành động vì tình yêu và lòng tha thứ cho con người. Vì thế mà khi Chúa muốn trao đàn chiên cho Phê-rô, Chúa hỏi ông, “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Nếu chúng ta thật lòng yêu Chúa như hai vị thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay, thì Chúa tiếp tục trao nhiều hồng ân và anh chị em cho chúng ta chăm sóc.

Xin Chúa cho chúng ta biết noi gương hai vị thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô cột trụ của Giáo Hội, để chúng ta biết nhận ra bổn phận và đời sống ơn gọi của người Ki-tô hữu. Đồng thời, xin cho chúng ta biết can đảm học gương đời sống của các thánh Tông Đồ thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân qua đời sống phục vụ và làm chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.

 


 

MỘT TÌNH YÊU MÃNH LIỆT (Lm. Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD)

Khi nói về hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta thường thấy các ngài có nhiều khác biệt về tính cách, học vấn tri thức cũng như lịch sử ơn gọi làm tông đồ của Đức Kitô, nhưng nơi hai vị sứ đồ này đều thể hiện một tình yêu mãnh liệt đối với Thầy Chí Thánh Giêsu.

Thánh Phêrô

Nhắc đến thánh Phêrô, người ta thường nghĩ đến một con người hơi nông nổi, bốc đồng, nhưng ẩn chứa sau những hạn chế ấy là một tâm hồn yêu mến Thầy hết tình. Vì yêu mến Thầy, thánh Phêrô đã “bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mc 10,28). Ông không muốn Thầy phải đau khổ, phải chết nên ông đã phản đối và khuyên can khi lần đầu Thầy mặc khải về cuộc khổ nạn: “Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: ‘Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!’” (Mt 16,22).

Yêu mến Thầy nên ông luôn khao khát gắn bó với Thầy, ông nghĩ mình sẽ mạnh mẽ trung thành đến cùng: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26,33). Tình yêu mãnh liệt đối với Đức Kitô đã thôi thúc thánh Phêrô hành động, ông không thể nhắm mắt làm ngơ khi Thầy gặp nguy hiểm, nhưng quyết tình bảo vệ Thầy bằng cách tuốt gươm chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế (x. Ga 18,10). Tình yêu mến đối với Thầy chí thánh có lẽ chính là động lực giúp thánh Phêrô vượt qua được mặc cảm tự ti sau khi đã ba lần chối Thầy vì sợ hãi để rồi ông can đảm trở về với Thầy và đáp trả ba lần rằng “Thầy biết rõ con yêu mến Thầy” (Ga 21,15-15).

 Tình yêu đã biến đổi thánh Phêrô kẻ từ sợ hãi trở nên người can đảm làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh, cho dù việc làm chứng này luôn đối diện với cấm cách, đe dọa, roi đòn và tù đày…nhưng thánh Phêrô vẫn xác tín rằng “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Yêu Thầy nên ông sống hết mình cho sứ vụ được Thầy giao là chăm sóc đoàn chiên của Thầy. Thánh Phêrô luôn chứng tỏ mình là vị mục tử tận tâm qua việc nêu gương và khuyên các mục tử khác: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,2-3).

Với một con tim cháy bỏng tình mến yêu dành cho vị tôn sư chí thánh, thánh Phêrô không chọn phần an toàn cho mình là chạy khỏi Rôma khi cuộc bách hại xảy đến, nhưng ông đã chấp nhận hiểm nguy để ở lại với các tín hữu mà “dang tay ra cho người ta thắt lưng và đưa đến nơi chẳng muốn đến” (Ga 21,18). Thánh Phêrô không sợ hãi trước bạo lực cường quyền, nhưng đã can đảm đối diện với nó khi ông không trốn chạy trước cuộc truy quét gắt gao của bạo chúa Nêrô, kẻ tìm cách tiêu diệt các Kitô hữu. Hành động này của thánh Phêrô đã trở thành một nguồn khích lệ động viên, củng cố đức tin cho các tín hữu trong cơn bách hại và nó cũng đi vào lịch sử đúng như Henryk Sienkievich tác giả cuốn sách Quo Vadis đã viết: “Trong một chớp mắt, hai con người ấy nhìn nhau song không một ai, cả kẻ đang ở trong đám rước tuyệt vời kia lẫn người đang ở trong đám người đông đảo nọ lại nghĩ rằng đó là giây phút đọ nhãn quan của hai vị chúa tể trái đất, một kẻ ngay sau đó biến đi như một giấc mơ đẫm máu, còn người kia – chính cụ già khoác manh áo thô kệch nọ sẽ chiếm lĩnh đến muôn đời sau cả thế gian lẫn thành đô này.”[1] Thánh Phêrô đã chiếm lĩnh được thế gian, chinh phục được lòng người không phải bằng gươm giáo, nhưng là nhờ trung thành với đức tin và thực hiện chu toàn sứ vụ bằng một tình mến nồng nàn. Thánh nhân đã bước trọn con đường thập giá mà Thầy chí thánh Giêsu đã đi qua, nhưng vì cảm thấy bất xứng với Thầy nên thánh Phêrô đã khiêm tốn xin chịu đóng đinh ngược.

Thánh Phaolô

Từ một người bách hại các Kitô hữu cách không thương tiếc, thánh Phaolô được Chúa Kitô Phục Sinh biến đổi để trở nên một Tông Đồ nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. So với huynh trưởng Phêrô, công lao của hiền đệ Phaolô cũng không kém cạnh gì. Cuộc đời của thánh nhân luôn gắn với sứ vụ rao giảng về mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô luôn tận dụng mọi cơ hội để rao giảng Tin Mừng, và ngài cũng mời gọi những người khác hãy nhiệt tâm rao truyền Lời Chúa bất chấp mọi hoàn cảnh: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2).

Đức tin mạnh mẽ và lòng mến nồng nàn đối với Đức Kitô đã thôi thúc vị Tông Đồ dân ngoại này hoạt động không ngưng nghỉ “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi”. Thánh nhân cảm nghiệm được tình yêu lớn lao của Chúa Kitô dành cho kẻ từng “ngược đãi Hội Thánh”- kẻ “không đáng được gọi là tông đồ” (1 Cr 15,9) nên thánh Phaolô quyết chí dùng tình yêu đáp đền tình yêu bằng cách dấn thân hết mình cho sứ vụ loan báo Tin Mừng với mong ước: “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1 Cr 9,22). Thánh nhân xem việc rao giảng Tin Mừng là một nhiệm vụ nhưng cũng là một hồng phúc nên thật đáng trách nếu bê trễ hoặc sao nhãng rao truyền Lời Chúa: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

Tình yêu Chúa Kitô đã giúp thánh Phaolô vượt qua mọi nghịch cảnh éo le như bị đánh đòn, tù đày, đói khát, trộm cướp, đắm tàu…để chu toàn sứ vụ (x. 2 Cr 11,23-28). Thánh nhân đã kết hợp mật thiết với Chúa Kitô để dù sống dù chết cũng chỉ thuộc về Chúa Kitô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Tình yêu đối với Chúa Kitô luôn được thánh Phaolô thể hiện qua tình yêu mà thánh nhân dành cho Hội Thánh là thân thể và là hiền thê của Chúa Kitô. Tình yêu ấy được biểu lộ qua những mối bận tâm mà ngài dành cho Hội Thánh bằng việc thành lập và củng cố các giáo đoàn, kiến tạo tình hiệp nhất, tránh mọi nguy cơ chia rẽ và lạc giáo. Thánh nhân đã hiến trọn cuộc đời mình cho Chúa Kitô và Hội Thánh của Ngài: “Mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20,24). Thánh Phaolô đã đổ máu ra để minh chứng đức tin, cho tình yêu: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính” (2 Tm 4,6-8).

Mỗi người chúng ta

Một khi đã tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa thì cả thánh Phêrô và thánh Phaolô đều hết lòng yêu mến và tận hiến cả cuộc đời mình để minh chứng cho đức tin và tình yêu ấy. Vậy mỗi người chúng ta thì sao? Trong tâm trí của bạn và tôi, Đức Kitô là ai? Chúng ta sống mối tương quan với Đức Kitô thế nào? Có xác tín rằng Ngài là Con Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta hết tình để rồi dùng tình yêu mà đáp lại, hay cũng chỉ tuyên xưng đức tin nơi môi miệng nhưng lòng trí lại không có sự gắn bó với Ngài? Chỉ khi tuyên xưng Đức Kitô là Chúa và hết tình yêu mến Ngài thì chúng ta mới có đủ dũng khí để đối mặt và vượt qua khó khăn hầu trung thành với đức tin, sống đúng với tâm tình của người môn đệ. Mỗi người chúng ta tùy theo bậc sống và ơn gọi của mình, nhưng tất cả đều được mời gọi hãy yêu mến Chúa Kitô và Hội Thánh của Ngài bằng đời sống chứng nhân tình yêu qua việc trung thành với Chúa và với nhau. Một khi chúng ta biết kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, sống mối tương quan với Ngài bằng một đức tin kiên vững, một lòng mến thiết tha thì những thập giá trong đời sẽ trở nên nhẹ nhàng. Lòng mến vừa là động lực vừa là thước đo cho lòng trung thành với Thiên Chúa và sự thủy chung gắn bó với nhau. Xin hai thánh chuyển cầu cho chúng ta để chúng ta luôn noi gương các ngài mà yêu mến Chúa hết lòng và nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng hầu giúp nhiều người nhận ra dung mạo nhân từ yêu thương của Thiên Chúa. Amen.

 

[1] Xc. Nguyễn Hữu Dũng, Văn Học Ba Lan- Duyên Nợ Đời Tôi, Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học, số 6/2013, tr. 132

—————————————————————

AI TỰ HÀO THÌ HÃY TỰ HÀO TRONG CHÚA (Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Hiếu, SVD)

Có câu chuyện kể về một vị Vua kia có một viên ngọc rất đẹp và rất quý. Vua rất thích và lấy làm tự hào về vẻ lộng lẫy của viên ngọc quý ấy. Một ngày kia, đang lúc người hầu lau chùi, đánh bóng đã vô tình đánh rơi, và viên ngọc bị xước một vết thật sâu. Nhà Vua rất tiếc vì viên ngọc quí đã mang tì vết. Vua cho mời tất cả các nghệ nhân tài ba trong xứ sở đến và hỏi xem có thể làm cách nào để phục hồi lại nét đẹp hoàn hảo của viên ngọc quí. Các nhà chuyên môn xem xét viên ngọc và thưa rằng dù bây giờ các ông có chà bóng thật kỹ thì cũng không thể nào xóa được vết xước trên viên ngọc quý. Thất vọng, nhà vua liền bỏ viên ngọc vào kho, niêm phong cẩn thận, và nhiều năm trôi qua, viên ngọc dần trở nên lãng quên, vô dụng.

Thế rồi một ngày kia, có một người thợ chạm trổ nổi tiếng đến vùng thủ đô. Nhà vua nghe tin, liền chợt nhớ đến viên ngọc quí và cho mời người thợ đến để xem xét tìm cách phục hồi viên ngọc quý. Sau khi xem xét viên ngọc một cách cẩn thận, người thợ thưa: “Tâu nhà vua, hạ thần có thể phục hồi vẻ đẹp của viên ngọc, và thậm chí có thể làm cho nó đẹp hơn xưa khi nó chưa bị xước.”

Các nghệ nhân khác nghe vậy thì cười chế nhạo người thợ chạm trổ. Chúng ta có thể đoán được người thợ đã làm cách nào không? Với tất cả tài năng của mình, người thợ bắt đầu chạm trổ một bông hoa hồng thật đẹp trên mặt viên ngọc quý, và cái vết xước kia nay được chạm trổ công phu thành cành và lá của hoa hồng.

Nhà vua và các nghệ nhân khác thấy vậy rất vui mừng và thán phục người thợ tài ba. Cành hoa hồng được chạm trổ trên mặt viên ngọc quý không phải là một sự che đậy tài tình, nhưng thật sự là một sự biến đổi. Nét nứt nẻ, sự khiếm khuyết của viên ngọc nay đã được biến thành đường nét nghệ thuật, tăng thêm giá trị của viên ngọc quí. (St)

Thưa anh chị em, Chúa Giêsu đã chọn mười hai môn đệ, huấn luyện các ông và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Tựa như người thợ tài ba đã làm biến đổi tì vết của viên ngọc quí, Thiên Chúa đã kêu gọi môn đệ, để các ngài, dù yếu đuối, khiếm khuyết, tội lỗi, cũng được Thiên Chúa biến đổi một cách tuyệt vời và trở nên khí cụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

Hai Thánh Phêrô và Phaolô mà chúng ta long trọng mừng kính hôm nay cũng vậy: Thánh Phêrô, như bao ngư phủ khác, là người cũng có không ít những khiếm khuyết, bất toàn: ít học, tính khí nóng nảy, kiên vững trước biển cả nhưng lại nhát đảm trước cường quyền, trước đe dọa của thế gian, đến nỗi đã từng chối bỏ Thầy Giêsu đến ba lần.

Thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu gọt rửa, chỉnh sửa khi ngài trải qua những thất bại và kinh nghiệm đau thương trong cuộc đời: Thất bại của một đêm mệt nhọc đánh cá mà không được gì. Kinh nghiệm đớn đau của sự hèn nhát khi chối Thầy trước mặt người tớ nữ tầm thường, dù trước đó Phêrô đã mạnh mẽ thề: “Dù mọi người có bỏ Thầy, con quyết liều mạng vì Thầy”.

Qua những thất bại đó, ngài mới biết rõ con người thực của mình là yếu hèn. Khả năng của mình là bé nhỏ. Sự trung tín của mình là mong manh, và đức tin của mình là bọt bèo.

Còn thánh Phaolô, cũng tương tự, một con người sống trong niềm tự hào vào dòng dõi quí phái của mình; tự tin vào khả năng, trình độ và đạo đức của mình. Nhưng trên đường đi Đamas, khi bị ngã từ trên lưng ngựa xuống đất, thì niềm tự hào kia cũng tan biến. Bị té ngựa, Phaolô mới hiểu rằng, sức riêng của mình, cùng với những phương tiện trần gian, chẳng đưa mình đi tới đâu. Bị mù mắt, Phaolô mới hiểu rằng, không có ánh sáng của Chúa, chẳng có ai nhận ra chân lý.

Cả hai thánh Phêrô và Phaolô đã nhận ra rằng: chỉ có một con đường duy nhất là hạ mình xuống thật sâu thẳm thì mới có thể nhận ra sự yếu hèn và hư vô của mình. Chỉ có sự trợ lực của Chúa thì đời mình mới có ý nghĩa. Không có Chúa, nổ lực con người không thể làm gì được.

Hai thánh Phêrô và Phaolô mà chúng ta mừng lễ hôm nay có thể ví như những viên ngọc đã bị xước, bị khuyết điểm. Nếu không có Thiên Chúa đỡ nâng thì mãi mãi là hư vô, là “không trước mặt Chúa”. Thiên Chúa đã biến đổi hai thánh Phêrô và Phaolô. Ngài cũng đã biến đổi Gioan, Giacôbê, Tôma, Matthêu… và cả chúng ta nữa, Thiên Chúa đã biến đổi chúng ta từ tội nhân trở thành con cái Chúa và qua các Bí Tích, Chúa đã trang điểm ta nên như báu vật của Ngài, như viên ngọc vô dụng đã được chạm trổ để trở nên vô giá, khi mời gọi chúng ta trong ơn gọi thánh hiến và cho chúng ta được cộng tác cách tích cực vào việc rao giảng Tin Mừng của Ngài.

Vì tình yêu mà Thiên Chúa đã biến đổi những khiếm khuyết của chúng ta thành những nhân đức; biến những điều bất hạnh thành những hồng ân; Ngài có thể biến con người yếu hèn, nhu nhược của chúng ta thành khí cụ đắc lực trong chương trình của Ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 02-7-2017 rằng “Người ta có thể cảm nhận rằng, đối với người môn đệ, Đức Giêsu thực sự là trung tâm, là tất cả của cuộc sống. Không quan trọng nếu có lúc nào đó, như mọi người trần gian, họ có các hạn hẹp và cả các lỗi lầm nữa, miễn là họ khiêm tốn thừa nhận chúng; và trung thành với tình yêu của ngài…”.

Suy niệm về cuộc đời của hai thánh Tông Tồ Phêrô và Phaolô và cảm nghiệm ơn gọi của riêng cá nhân mỗi người, chúng ta có thể nói: Chúa Giêsu không tìm kiếm những con người phi thường, Ngài tìm những người tầm thường để có thể làm việc một cách phi thường.

Sứ điệp của việc chọn gọi ở chỗ Chúa Giêsu nhìn mỗi người, không phải chỉ để thấy họ thế nào trong quá khứ và hiện tại, nhưng để thấy Ngài có thể khiến họ trở nên như thế nào. Không ai trong chúng ta được nghĩ rằng mình không có gì để dâng cho Chúa. Điều Chúa cần nơi chúng ta là một tình yêu trọn vẹn, một tấm lòng thủy chung, như hai thánh Tông Đồ đã nêu gương cho chúng ta.

Chúng ta cùng hiệp ý dâng lời Cảm tạ Thiên Chúa, và cầu xin Chúa cho cuộc đời chúng ta luôn được uốn nắm theo mẫu gương của Đức Kitô, để cuộc đời theo Chúa của chúng ta trở nên lời cảm tạ, tôn vinh Thiên Chúa, và chứng nhân cho tình yêu của Đấng đã mời gọi chúng ta và yêu thương chúng ta đến cùng. Amen.

———————————————————————–

TÍN THÁC VÀO CHÚA (Lm. Gioan Trần Nam Phong, SVD)

Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng kính hai thánh Phêrô và Phaolô. Các ngài là hai trụ cột của Giáo Hội. Các ngài có hai cá tính khác nhau nhưng lại được Chúa mời gọi làm tông đồ trong hai hoàn cảnh khác nhau. Nhưng cả hai ngài đều có một điểm chung; đó là niềm tín thác vào Chúa. Chúng ta cùng nhau đọc lại các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay để nhận ra điểm chung quý giá của hai ngài; đồng thời để cho chúng ta học đòi bắt chước sự tin tưởng và tín thác vào Chúa.

Trước tiên, chúng ta cùng chiêm ngắm mẫu gương sống tin tưởng phó thác vào Chúa của thánh Phaolô được diễn tả trong thư thứ hai gửi ông Timôthê. Thánh nhân xác tín “Có Chúa ở bên tôi, Người đã ban sức mạnh cho tôi” (2 Tm 4,17). Và ngài viết tiếp “Chúa sẽ giải thoát tôi khỏi mọi hành vi hiểm độc” (2 Tm 4,18). Chúng ta thấy cuộc hành trình của ngài hết sức cam go nhưng trên tất cả ngài luôn tin cậy vào Chúa. Khi ngài bị quật ngã trên đường đi Đamát thì ngài đã nghe theo lời chỉ dẫn đi vào thành và tại nơi đó ngài kiên nhẫn chờ đợi những gì Chúa muốn ngài làm. Ngài đã tin cậy vào Chúa và có kinh nghiệm sâu xa về sự đồng hành của Chúa cùng ngài trên các hành trình ngài đi và trong giây phút này ngài hướng đến chặng cuối cuộc hành trình của ngài để “đổ máu ra làm lễ tế” (2 Tm 4,6). Trong sự tin tưởng và phó thác, ngài xem mình đã “đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7).

Thứ hai, chúng ta cùng nhìn vào mẫu gương sống tin tưởng phó thác của thánh Phêrô vào lòng nhân từ của Chúa. Trong bài đọc thứ nhất trích sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta được nghe câu chuyện thiên sứ giải thoát thánh Phêrô khỏi ngục tù. Qua câu chuyện này, chúng ta để ý đến hai điểm quan trọng. Thứ nhất, thánh Phêrô có thái độ hết sức điềm tĩnh, ngủ giữa hai người lính dù bị xiềng xích trong tù. Thứ hai, khi thiên sứ đến giải thoát ngài, ngài thong thả làm theo những chỉ dẫn của thiên sứ và ngài cứ ngỡ đó là một thị kiến trong giấc mơ. Và chỉ khi ngài được ra khỏi thành thì ngài mới nhận ra là “Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu thoát tôi khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Do Thái mong muốn tôi phải chịu” (Cv 12,11). Qua đây, chúng ta thấy ngài tin tưởng và phó thác vào sự hướng hẫn của Chúa thật êm ái và nhẹ nhàng.

Bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay kể thêm về thánh Phêrô. Chúng ta thấy ngài đã được Thánh Thần Chúa soi sáng để nhận ra và tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Để tuyên xưng được như vậy ắt hẳn ngài luôn tin cậy, tín thác vào Đức Giêsu. Ngay lúc đầu, khi nghe tiếng mời gọi của Đức Giêsu, ngài đã “lập tức bỏ chài lưới mà theo Người” (Mt 4,21). Tuy trong cuộc hành trình đi theo Chúa đã có những lúc nhất thời cản trở con đường Chúa đi và đã chối Chúa nhưng ngài đã hối lỗi kịp thời để trở lại với Chúa, trở lại với cộng đoàn sau khi Chúa chết. Có những lúc yếu đuối như vậy nhưng biết hối lỗi nên Chúa vẫn tin tưởng chấp nhận ngài và tha thứ cho ngài.

Cả thánh Phêrô và thánh Phaolô đều có một đức tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu Kitô. Các ngài không chỉ tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô hay tin tưởng việc Chúa sẽ cứu các ngài khỏi gian nan đau khổ. Nhưng trên hết, các ngài luôn tin rằng Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha luôn ở bên các ngài trong mọi hoàn cảnh sống của các ngài: lúc bị chống đối trước sứ điệp Tin Mừng các ngài loan báo, lúc bị tù tội, hay trong lúc mù lòa, khi thất bại cũng như trong lúc nguy tử. Đây là sứ điệp Chúa muốn gửi đến mỗi người chúng ta qua các bài đọc và qua mẫu gương sống đức tin của hai thánh Phêrô và Phaolô trong ngày lễ hôm nay.

Mừng kính hai thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta hãy nhìn vào đời sống đức tin của các ngài mà học đòi. Hai ngài cũng là những người như chúng ta, vẫn còn đó những khiếm khuyết trước mặt Chúa nhưng cả hai cùng chất chứa trong mình một đức tin cháy bỏng vào Đức Giêsu Kitô. Một khi chúng ta nhận ra những khiếm khuyết trong chúng ta thì chúng ta cần biết khiêm tốn trước mặt Chúa và biết cậy trông, tin tưởng vào Chúa thì chúng ta sẽ luôn hân hoan phục vụ Người như hai thánh Phêrô và Phaolô. Nhờ đó, chúng ta sẽ cảm nhận và khát khao có Chúa hiện diện và đồng hành trong cuộc sống của chúng ta như thánh Phêrô nói “Thưa Thầy, bỏ Thầy, chúng con sẽ đến với ai? Thầy có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Chính đời sống khiêm nhường, cầu nguyện và trong tình yêu thương tha nhân sẽ giúp chúng ta sống bình an trong cuộc sống. Có vậy chúng ta mới xứng đáng là những Kitô hữu, những người không những lãnh nhận Đức Kitô mà còn mang Đức Kitô giới thiệu đến cho người khác. Vậy, chúng ta có đủ can đảm và tin tưởng vào Chúa như thánh Phaolô hay không? Chúng ta cũng có những lúc yếu đuối, sa ngã như thánh Phêrô, nhưng liệu chúng ta có mau mắn hoán cải, tin tưởng phó phác vào lòng thương xót của Chúa như thánh Phêrô hay không?

Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Phêrô và Phaolô, xin cho chúng ta luôn giữ vững lòng tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa trong suốt cuộc đời lữ hành trần thế này; và biết mau mắn ăn năn sám hối mỗi khi lỗi phạm đến Chúa và tha nhân.

————————————————————–

HOÁN CẢI – THA THỨ – ĐÁP TRẢ (Lm. Phêrô Trần Hải Hà, SVD)

Không phải ngẫu nhiên mà Giáo Hội mừng kính hai thánh Phêrô và Phaolô trong cùng một ngày. Việc mừng kính hai thánh nhân cùng ngày thể hiện sự hiệp nhất và hiệp thông trong Giáo Hội. Chúng ta còn nhận thấy nơi hai vị có nhiều điểm chung: đều là những trụ cột và có tầm ảnh hưởng lớn trong Giáo Hội. Cả hai vị đã sẵn sàng hy sinh mạng sống để dâng trọn hiến lễ đời mình cho Thiên Chúa. Cuộc đời của hai thánh nhân chia thành hai giai đoạn rõ rệt: giai đoạn đầu là lỗi phạm và giai đoạn sau là ân sủng.

Nhà biên kịch nổi tiếng người Ailen, Oscar Whilde đã nói rằng: “Thánh nhân nào cũng có một quá khứ, tội nhân nào cũng có một tương lai”. Vốn mang phận người yếu đuối và bất toàn nên hai vị không tránh khỏi những sai phạm trong cuộc sống. Khi nhắc đến hai thánh Phêrô và Phaolô, hẳn mọi người không quên những lỗi lầm to lớn của các ngài: Phêrô đã ngăn cản, không muốn Đức Giêsu cứu chuộc nhân loại bằng con đường thập giá, đến nỗi bị quở trách là Satan. Rồi ông đã phản bội Thầy mình, không phải một lần nhưng là ba lần, không phản bội trong tâm tư thầm kín, nhưng trước mặt thiên hạ. Còn Phaolô, vì tin sai lầm nên đã trở thành cuồng tín. Chỉ tin vào lề luật, nên ngài ra sức bảo vệ lề luật. Không chỉ công kích mà còn tìm cách loại trừ những người tin Chúa. Ông đã tham gia vụ ném đá Têphanô, phó tế tử đạo tiên khởi, cho đến chết (Cv 7,59). Ông đã ra tay bắt bớ, đã phá Hội Thánh Chúa một cách hung hãn.

Dù có những lỗi lầm nặng nề như thế, nhưng hai ngài đã trở nên những vị thánh cả, những Tông Đồ vĩ đại, là trụ cột để xây dựng và nâng đỡ Giáo Hội. Tên tuổi và công đức của hai ngài còn lưu truyền cho đến ngày nay. Thử hỏi bởi đâu mà hai ngài được như thế?

Trước hết là do tình thương Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã yêu thương, tuyển chọn và nâng đỡ các ngài, mặc dầu vẫn biết các ngài yếu đuối, lầm lỗi. Thánh Phêrô từ một ngư phủ thật thà, chất phác, có chút nóng nảy. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã hứa cho Phêrô giữ một chức vụ quan trọng kèm theo vinh quang. Nhưng vinh quang ở đây không phải là vinh quang danh vọng hay hưởng thụ mà là vinh quang của thập giá, của sự hy sinh từ bỏ: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng ni” (Mt 13,19). Rồi Phêrô được trao chìa khóa Nước Trời, tức là quyền cầm buộc và tháo cởi, quyền tha và phạt. Còn thánh Phaolô được Chúa trao cho một sứ mệnh khác, sứ mệnh mở mang Giáo Hội. Nếu như vai trò của Phêrô là xây dựng và củng cố Giáo Hội, thì vai trò của Phaolô là mở rộng và phát triển Giáo Hội. Sứ mạng của ngài là đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng.

Về phía các ngài, chúng ta nhận thấy cả hai vị đều có những nỗ lực rất lớn trong công cuộc hoán cải để đáp lại tình yêu và lòng quảng đại của Thiên Chúa:

Thứ nhất: Hai ngài đã biết đứng dậy sau khi vấp ngã. Vấp ngã nào cũng đau đớn và in sâu trong tâm hồn của các ngài. Sự vấp ngã như là một liều thuốc hồi sinh khi biết đứng dậy và đi về phía trước. Sau khi vấp ngã, hai ngài đã biết hối hận, quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi, chạy đến Thiên Chúa để được tha thứ, nâng đỡ.

Thứ hai: Hai ngài là những người khiêm tốn. Hai thánh nhân biết nhận ra sự yếu đuối nơi mình để biết nương tựa vào Chúa: Thánh Phaolô đã nói: “Tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12,9); Còn thánh Phêrô đã cảm nhận thân phận yếu đuối, hèn mọn của mình trước Đấng Toàn Năng: “Lạy Thầy xin hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Các ngài đã khiêm tốn hạ mình tới mức trống rỗng để từ đó được ơn Chúa đổ đầy. Quả thực, “Chúa nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52). Thiên Chúa đã dùng quyền năng để biến đổi các ngài từ những con người tầm thường thành những thánh nhân phi thường, làm được những việc lạ lùng cao cả. Từ một Phaolô hung hãn, bách hại Giáo Hội một cách cuồng tín trở thành một vị Tông Đồ thánh thiện, một nhà truyền giáo lừng danh. Thánh Phêrô từ một ngư phủ chất phác, ít học trở thành trụ cột vững chắc, là nền tảng của Giáo Hội.

Thứ ba: Tinh thần đáp trả của hai vị. Thánh vịnh nói rằng: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung” (Tv 32,1). Cảm nhận được hồng ân tha thứ từ thiên Chúa, hai ngài đã quyết tâm đáp trả một cách đầy nhiệt huyết, trung thành và hăng say rao giảng Tin Mừng cứu độ. Các ngài đã can đảm, không hề lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào, dẫu gặp muôn vàn thử thách: bắt bớ, ngược đãi, chối từ như chúng ta vừa nghe mô tả trong bài đọc một và bài đọc hai. Đặc biệt, các ngài đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng, chấp nhận cả cái chết đau thương để làm chứng cho Chúa. Theo truyền thống, thánh Phêrô đã khiêm tốn không giám chết như Thầy mình, nên đã xin được đóng đinh ngược đầu xuống đất. Thánh Phaolô đã nhiệt thành quá mức và tận tụy vô song. Ngài được người đời ca tụng là “tông đồ vĩ đại”; ngài đã tử đạo để hoàn tất sứ vụ vào năm 67.

Chính Thiên Chúa khi xưa đã yêu thương, tuyển chọn, tha thứ và dùng quyền năng để biến đổi các ngài. Giờ đây Thiên Chúa cũng đang yêu thương mời gọi chúng ta đến với Ngài để được tha thứ và biến đổi. Chúng ta hãy trở về với Chúa qua bí tích hòa giải để đón nhận ơn tha thứ, để sống trong tình yêu quan phòng của Chúa.

Chúng ta cũng nên noi gương hai thánh Tông Đồ để đáp trả tình yêu của Chúa. Chúng ta không buộc phải là người lãnh đạo như thánh Phêrô hay phải đi khắp đó đây rao giảng Tin Mừng như thánh Phaolô. Chúng ta được mời gọi noi gương các ngài để làm nhân chứng trong gia đình, làng xóm, nơi những người mà ta gặp gỡ hằng ngày, bằng những lời nói, hành động bác ái yêu thương.

Nói tóm lại, chúng ta hiện diện ở mọi nơi bằng một đời sống tốt đẹp, làm sao để chúng ta hiện diện ở nơi đâu thì mọi người ở đó có được niềm vui, bình an và hy vọng. Như thế là chúng ta đã rao giảng Tin Mừng và đang đóng góp vào chương trình cứu chuộc của Chúa và sứ mạng của Giáo Hội.

 

——————————————————————————————

HAI MẪU GƯƠNG SÁNG (Lm. Giuse Cao Đức Trí, SVD)

hớ lại thời gian còn làm mục vụ ở Nhật Bản, tôi đã có dịp nghe biết đến một vị giáo sư dạy Kinh Thánh trong một trường đại học Công Giáo nổi tiếng ở Nhật Bản. Đã có lần tôi chứng kiến vị giáo sư này tham dự thánh lễ một cách sốt sắng, nhưng tôi không thấy ông lên rước lễ. Thế rồi, ngày này qua ngày khác, tôi vẫn thấy ông ta đến nhà thờ, tham dự thánh lễ cách sốt sắng, nhưng ông không đón nhận Mình Máu Thánh Chúa. Hình ảnh về con người ông đã gợi lên trong tâm trí tôi về một con người khá lạ lùng này! Tình cờ trong một lần chuyện vãn với cha xứ, tôi đã hỏi ngài về nhân thân của ông thì lúc đó tôi mới vỡ lẽ ra, vị giáo sư Kinh Thánh đó không phải là người Công Giáo. Tín ngưỡng mà ông đang tin theo là Thần Đạo.

Những gì đang diễn ra trong cuộc sống cho chúng ta thấy, vẫn có đó và còn đó những con người biết rất rõ về Chúa, về Hội Thánh Chúa, về giáo lý của Hội Thánh Chúa, về Kinh Thánh… nhưng họ lại không có đức tin! Tại sao vậy? – Thưa, vì đức tin là “ơn ban của Thiên Chúa”, chứ không phải do nỗ lực suy tư tìm kiếm của con người. Bên cạnh đó, đức tin có được không phải do sự hiểu biết của lý trí, nhưng là bằng con tim; không phải do những suy tư trừu tượng, nhưng là bằng hành động cụ thể; không phải do ý tưởng siêu hình nhưng là bằng những thực tại hữu hình.

Thật vậy, trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?”(Mt 16,13), các môn đệ đã tổng hợp những ý kiến và lời đồn đại của dân chúng rằng“kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, người khác lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”(Mt 16,14). Nhưng Đức Giêsu mong muốn được nghe câu trả lời từ chính cảm nhận và xác tín của các ông: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (Mt 16,15).Thánh Phêrô đã đại diện cho Nhóm Mười Haimà tuyên tín: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Với câu trả lời xuất sắc trên đây, Đức Giêsu đã khen ngợi Phêrô và gọi anh là “người có phúc”. Thế nhưng, Đức Giêsu cũng cho thánh Phêrô biết rõ, sở dĩ ngài trả lời rất chính xác và xuất sắc về Đức Giêsu là vì đã được Chúa Cha, Đấng ngự trên trời mặc khải cho.

Thế ra, chúng ta thấy được đức tin và lời tuyên tín của thánh Phêrô, đại diện cho các môn đệ, là do Chúa Cha mặc khải. Hơn nữa, thánh Phêrô và nhiều môn đệ đã không chỉ xác tín bằng lời nói, nhưng còn được cụ thể hóa bằng hành động qua cái chết. Theo tương truyền, thánh Phêrô đã chịu đóng đinh vào thập giá như Đức Giêsu. Thế nhưng ông đã nhận thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy, nên ông đã xin dựng ngược hình khổ thập giá, đầu chúi xuống đất, chân hướng về trời.

Và chính qua các chết của oai hùng, hiên ngang và đầy xác tín vào Đức Giêsu của thánh Phêrô, của các môn đệ và những người kế vị các ngài mà Saolô, một con người trí thức và đầy nhiệt huyết mong muốn loại trừ niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh đã sám hối, tin nhận và trở nên vị Tông Đồ nhiệt thành loan báo về Đức Giêsu. Ngài đã là người loan báo Chúa Kitô hăng nồng như một vận động viên “lao mìnhvề phía trước” (Pl 3,13), như một chiến sĩ “đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7). Quyết liệt hơn, ngài xác tín rằng: “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).

Như vậy, khi mừng kính hai vị thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Giáo Hội cho chúng ta nghe những bản văn Kinh Thánh để làm sáng lên đức tin của các ngài và qua đó cho chúng ta biết đức tin mà chúng ta đã được lãnh nhận và kiên vững tin theo là nhờ cái chết oai hùng của hai vị thánh Tông Đồ; đồng thời, cũng chính nhờ hai vị thánh là cột trụ đức tin của Giáo Hội mà mọi sức mạnh của con người hay quỷ ma sẽ không thể nào thắng nổi, vì đức tin ấy được dựng xây trong Đức Kitô.

Hai thánh Phêrô và Phaolô,hai con người hoàn toàn khác nhau về nhân thân, dòng tộc, tính cách và trình độ hiểu biết,lại có chung một ơn gọi, một đức tin, một tình yêu. Các ngài có một ơn gọi chung làm Tông Đồ, một đức tin chung vào Đức Giêsu Phục Sinh và một tình yêu son sắt vào Thiên Chúa, hiện thể qua những nỗi khó nhọc và cái chết kiên trung vì đức tin.

Mỗi người chúng ta khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy cũng mang nơi mình một ơn gọi chung làm Kitô hữu như các ngài; cũng lãnh nhận một đức tin chung vào Thiên Chúa duy nhất là Cha của Đức Giêsu; cũng sống một tình yêu trọn vẹn vào Thiên Chúa. Thế nhưng trong thực tế, nhiều khi chúng ta chẳng khác nào như vị giáo sư nói trên. Hẳn là giáo sư Kinh Thánh, hơn ai hết ông biết rất rõ về Đức Giêsu và Thiên Chúa của Kitô Giáo. Nhưng ông ta không có đức tin. Vì lẽ, ông chỉ biết về Đức Giêsu bằng khối óc, nhưng không cảm biết bằng con tim; ông biết Đức Giêsu qua kiến thức, nhưng không cảm nhận được về Đức Giêsu trong ánh sáng của mặc khải; và ông có thể nói về Đức Giêsu bằng môi miệng của con người xác thể chứ không bằng tình yêu và niềm xác tín.

Nguyện xin cho mỗi người chúng ta khi tôn vinh, mừng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô thì cũng biết học sống theo gương các ngài, luôn tín nhiệm, tín thành và tín trung với Chúa cho đến cùng;biết tin Chúa, theo Chúa và nói về Chúa bằng tất cả con người với tình yêu kiên trung.

 

——————————————————————-

SỰ BẤT TOÀN CỦA THÁNH NHÂN VÀ TÌNH THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA (Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD)

Trên bức tường cổ thành La Mã người ta đọc được dòng chữ sau: “sai lầm là điều nên tránh, nhưng nếu đã lỡ phạm phải sai lầm thì đó là điều đáng quý và không hối tiếc”.

Hôm nay chúng ta mừng kính trọng thể hai vị đại thánh của Giáo Hội, đó là thánh Phêrô và Phaolô. Tuy nhiên, các ngài không phải là siêu nhân, nhưng là những con người cũng có lắm những bất toàn như chúng ta. Thế nhưng điều đáng quý ở các ngài không phải ở những lần vấp ngã, nhưng là ở chỗ ăn năn hối cải và đứng lên sau những yếu đuối lỗi lầm. Chúng ta mừng lễ không phải để vinh danh công trạng của hai thánh nhân, nhưng là để chúng ta nhận ra tình thương và quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện nơi hai thánh Phêrô và Phaolô.

  1. Sự bất toàn của thánh nhân

Chúng ta ngược dòng lịch sử để tìm hiểu sơ lược về hai vị đại thánh này để thấy các ngài cũng là những con người hữu hạn như chúng ta. Con người của các ngài cũng lắm những bất toàn, cũng đầy những lần vấp ngã,nhưng điều đáng quý và không hối tiếc ở chỗ các ngài biết đứng lên và bám chặt vào tình thương của Chúa, để rồi yêu Chúa mãnh liệt hơn. Tiếng gà gáy thức tỉnh thánh Phêrô để ngài phản tỉnh mà ăn năn sám hối sau những lần yếu đuối. Cú ngã ngựa xoay chuyển cuộc đời của thánh Phaolô, từ chỗ bách hại đạo Chúa trở thành một chứng nhân đầy nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng cứu độ của Ngài.

Thánh Phaolô vốn là một kẻ không đội trời chung với những người mang danh Giêsu, một người muốn huỷ diệt tất cả những ai tin theo Đức Giêsu. Ngài đã góp phần trong cái chết của thánh Têphanô, vị tự đạo tiên khởi của Giáo Hội. Nhưng điều đáng quý là sau lần ngã ngựa, thánh Phaolô nhận ra Đức Giêsu là Chúa và nhanh chóng trở thành một mẫu gương đức tin, một nhà truyền giáo mẫu mực cho mọi thời đại. Một Phaolô bách hại đạo Chúa, giờ đây lại rao truyền Danh Chúa, hăng say truyền giáo cho dân ngoại đến độ ngài thốt lên: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”(1Cr9,16). Thánh nhân đã có một niềm tin xác tín vào Chúa như ngài đã tâm tình nói lên trong bài đọc 2 gửi cho Timôthê: “Dù cho mọi người bỏ mặc tôi, nhưng tôi luôn có Chúa ở bên cạnh”(2Tm 4,16-17). Cũng chính thánh Phaolô đã thốt lên: “tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20).

Còn thánh Phêrô, một viên đá góc tường, một cột trụ Giáo Hội nhưng cuộc sống trần thế của ngài cũng có không ít những mảng tối. Một Phêrô mạnh mẽ, nhiệt thành, nhưng cũng có không ít những yếu đuối vấp ngã. Chúng ta thấy một Phêrô đầy nhiệt huyết và luôn tiên phong trong hàng ngũTông Đồ. Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đúng vị thế của Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16,16). Thánh Phêrô cũng đã thể hiện rõ một chí khí nam nhi khi tuyên bố: “dù tất cả vấp ngã vì Thầy, thì con vẫn không chối Thầy”(Mt 26,33). Thế nhưng chẳng bao lâu sau lại hiện rõ chân dung một Phêrô hết sức hèn nhát, khúm núm. Ngài đã chối Thầy tới ba lần liên tiếp khi chỉ mới bị uy hiếp bởi một người tớ gái.

Nhìn lại lịch sử Giáo Hội, khi nhắc đến Phêrô, thường người ta nhớ đến không phải là những điểm sáng cho bằng một vài chấm đen trong hành trình theo Chúa của ngài. Đó là đêm ác mộng, đêm mà ông đã chối Thầy ba lần. Chúng ta thử hỏi tại sao chỉ có một mình Phêrô chối Thầy, còn các môn đệ khác thì sao?

Chúng ta thấy tuy mang thân phận yếu đuối, nhưng thánh Phêrô vẫn không ngừng theo Chúa và yêu mến Ngài. Thánh nhân đã khẳng định: “Bỏ Thầy thì con biết theo ai, vì Thầy mới có lời ban sự sống”(Ga 6,68). Chúng ta nhận thấy chỉ có một mình Phêrô chối Thầy, còn các môn đệ khác thì không. Phải chăng các môn đệ khác can đảm, trung thành và yêu Chúa nhiều hơn. Kinh thánh cho chúng ta biết, hầu hết các môn đệ ngay lập tức bỏ chạy tán loạn khi Thầy bị bách hại, chỉ còn lại một mình Phêrô đang run rẩy theo Thầy xa xa. Phêrô chối Thầy vì nhát đảm, nhưng vẫn bằng mọi cách theo Thầy tới mọi nơi.

Thử hỏi nếu chúng ta rơi vào tình thế của Phêrô, chúng ta có dám chắc rằng chúng ta sẽ không chối Chúa không? Nếu là tôi trong hoàn cảnh đó, có lẽ tôi đã trốn biệt tăm chứ không lộ diện để cho người ta tra xét.

  1. Quyền năng và tình thương của Thiên Chúa

Điều chúng ta ca tụng không phải là ở công trạng của hai thánh nhân, nhưng là ở quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Ngay sau khi vấp ngã, thánh Phêrô đã bắt gặp được ánh mắt của Chúa. Chúa nhìn Phêrô không phải với ánh mắt oán hận vì hành động phản Thầy, nhưng là với ánh mắt cảm thông, yêu thương và tha thứ. Khi gặp ánh mắt của Chúa, ngay lập tức thánh Phêrô đã ăn năn hối cải và yêu Chúa nhiều hơn. Cũng vậy, sau khi Phục sinh, Chúa không gặp để hỏi tội ngài, nhưng là để ban bình an và trao ban sứ vụ. Ba lần Chúa hỏi thánh Phêrô về tình yêu mến đối với Chúa, không  phải vì Chúa muốn gợi lại điểm yếu ba lần chối Thầy của thánh nhân mà là Chúa muốn ngài phải xác tín tình yêu của mình với Chúa để Ngài trao ban sứ vụ lèo lái con thuyền Giáo Hội. Sau này, qua thánh Phêrô, Chúa đã làm bao điều lạ lùng. Ngài làm cho người què ăn xin ở cửa đẹp được bước đi bằng một câu tuyên xưng đầy xác tín: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi”(Cv 3,6). Qua đó chúng ta nhận ra tình thương và quyền năng của Chúa đối với nhân loại.

Cũng vậy, khi đã cho Phaolô ngã ngựa, Chúa không nhân cơ hội đó trừng phạt ông về tất cả những hành động ngang trái ông đã và đang làm, nhưng là tha thứ, cảm hoá và biến đổi để Phaolô trở thành chứng nhân của Chúa.

  Nhìn về hành trình lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Chúa luôn mở rộng vòng tay đón nhận tất cả các tội nhân, nhưng không bao giờ Ngài đồng ý với những hành vi tội lỗi. Ngài ghét tội lỗi, nhưng lại yêu thương tội nhân. Tinh thần này chúng ta nhận thấy rõ khi Ngài nói với người phụ nữ phạm tội ngoại tình: “con hãy về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa”(Ga 8,11).

Ngày nay, Giáo Hội cũng cần lắm những vị mục tử có cái nhìn của Chúa đối với các tín hữu, đặc biệt là đối với những hối nhân. Nếu có được cái nhìn như cái nhìn của Chúa nhìn Phêrô thì chắc chắn con số các tội nhânbỏ đàng tội lỗi để trở về nẻo đường công chính sẽ cao hơn rất nhiều. Chúa không bao giờ hỏi chúng ta tại sao phạm tội, nhưng Ngài khuyên chúng ta quay về với Ngài và dứt khoát với tội lỗi.

Đức tin là món quà chúng ta nhận được cho mình và để trao tặng tiếp cho người khác. Như vậy, động lực trao tặng là một thành tố của sứ mạng mà Chúa Kitô đã trao lại cho môn đệ[1].

  1. Giáo Hội bao gồm cả những vị thánh và tội nhân

Bầu trời trong xanh, nhưng không tránh khỏi những đám mây đen, và có khi nổi giông bão. Nhìn lại lịch sử Giáo Hội,chúng ta nhận thấy bao bước thăng trầm, có lúc thịnh vượng thanh cao, nhưng cũng có những giai đoạn vẩn đục. Chúng ta đón nhận một Giáo Hội như thế, bởi Giáo Hội bao gồm tất cả chúng ta đây, cả những con người thánh thiện và tội lỗi. Vì thế, Giáo Hội không cậy dựa vào sức mạnh của con người, nhưng là dựa vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa.

Xin hai thánh Phêrô và Phaolô luôn cầu bầu cho chúng ta. Xin cho chúng ta biết noi gương các ngài để dám dấn thân trọn vẹn cuộc đời còn lại của chúng ta cho việc thực thithánh ý của Thiên Chúa, dù chúng ta vẫn còn những yếu đuối, sai lầm và tội lỗi.

[1] Hồng Y Joseph Ratzinger, Muối Cho Đời. Trần Hoàng và Phạm Hồng Lam chuyển ngữ, tr. 166.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 12 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (29/6, Thánh Phêrô và thánh Phaolô, tông đồ, lễ trọng)