LỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 19 TN)

0
532

Tin mừng: Mt 19, 2-12

2 Dân chúng lũ lượt đi theo Người, và Người đã chữa họ ở đó.3 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không ? “4 Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ”,5 và Người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”.6 Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

7Họ thưa với Người: “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ ?” 8 Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu.9 Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”.

10 Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn”. 11 Nhưng Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.12 Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu”.


 

Suy niệm

ƠN GỌI (Tu sĩ Gioan Phan Văn Tuân, SVD)

Đời sống Kitô hữu có hai ơn gọi chính yếu. Ơn gọi đời sống hôn nhân và ơn gọi tu trì. Mỗi đời sống đều có những hạnh phúc và khó khăn riêng. Điều quan trọng là mỗi người nhận ra thánh ý Chúa để đáp trả ơn gọi đó. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho ta thấy đặc điểm then chốt của hai ơn gọi này.

Chúa Giêsu nói: Cả hai sẽ thành một xương một thịt, và sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly. Vậy, đời sống hôn nhân là kết quả tình yêu của đôi bạn qua sự phối hợp của Thiên Chúa. Khi cả hai đã trở thành một thì hôn nhân, tự bản chất, không thể phân ly được nữa. Còn đối ơn gọi tu trì, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự tự do của người được gọi: có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Tự do là điều quan trọng và cần thiết để bước theo Chúa. Khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ, Ngài đã để cho các ông tự do đến và cũng tự do rời đi. Chỉ có trong sự tự do thực sự, người tu sĩ mới có thể sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu mà Giáo Hội muốn.

Nhìn vào xã hội hôm nay, bên cạnh những gia đình hạnh phúc, và những người tận hiến hết mình trong ơn gọi tu trì. Ta vẫn thấy có rất nhiều người gặp khủng hoảng trong đời sống ơn gọi của mình. Ở Việt nam, năm 2022 có hơn 60,000 trường hợp ly hôn. Đời sống gia đình bị khủng hoảng, con cái lâm vào tình trạng thiếu tình thương, dính vào các tệ nạn xã hội. Còn trong đời sống tu trì, nhiều tu sĩ bị biến chất, họ hòa nhập rồi bị hòa tan luôn trong thế gian. Sớm nhận ra những khó khăn như vậy, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành tông huấn “Đời sống thánh hiến”, trong đó ngài nhấn mạnh: “Cứu cánh của đời thánh hiến là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trong lễ dâng trọn vẹn của Người” (số 65).

Lạy Chúa, xin cho các đôi vợ chồng trong đời sống hôn nhân luôn được hạnh phúc, thủy chung, và những ai trong đời sống thánh hiến luôn sống vui tươi, dấn thân phục vụ Giáo Hội. Amen.


 

ĐẾN GẦN VỚI ĐỨC GIÊSU (Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường, SVD)

 

Đức Giêsu vẫn là một ẩn số với người Do Thái đương thời. Dẫu vậy, chứng kiến bao giáo huấn và công việc tốt đẹp của Người, dân chúng đã kéo đến với Đức Giêsu với những mục đích khác nhau. Tin Mừng hôm nay mở đầu trình thuật bằng hình ảnh một số người Pharisêu cũng tìm đến với Đức Giêsu và mục đích của họ là “để thử Người” (x. Mt 19,3).

Nhận thấy những điều tốt đẹp phát xuất từ Đức Giêsu, nhiều người đã đến với Người vì những ý hướng thiện lành: muốn nghe Đức Giêsu giảng dạy như đám đông dân chúng (x. Mc 2,2), để được ơn chữa lành như người đàn bà bị băng huyết (x. Mc 5,27) hay bàn hỏi về sự khôn ngoan như ông Nicôđêmô (x. Ga 3,1-8). Bên cạnh đó, cũng có những người tìm đến với Đức Giêsu nhưng với những ý hướng không mấy tốt đẹp, chẳng hạn như các Kinh sư hay những người Pharisêu. Họ đến gần với Đức Giêsu nhằm gài bẫy để bắt bẻ Người (x. Mc 12,13), để có bằng cớ tố cáo Người (x. Ga 8,1-11) hay để thử Người như trong Tin Mừng hôm nay. Quả vậy, không ít lần, họ đã “thử Đức Giêsu” để có cơ may bắt lỗi, hạ bệ, tố cáo và thậm chí là có lý do để tìm giết Người. Chính Đức Giêsu đã lên án thái độ đó của họ.

Quả thật, đến gần với Đức Giêsu với mục đích thiện lành là điều tiên quyết trong hành trình đức tin của mỗi người Kitô hữu. Chúng ta sẽ yêu mến và rao giảng về Đức Giêsu như thế nào nếu giữa chúng ta và Ngài luôn có một khoảng cách? Thế nên, người môn đệ được mời gọi đến với Đức Giêsu, “ở lại” trong Đức Giêsu, để cảm nếm tình yêu và Lời ban sự sống của Ngài. Có như thế, người môn đệ mới có thể yêu mến và rao giảng về chính Đấng mà họ đã cảm nếm. Đồng thời, điều đó trở nên những chứng từ sống động để người môn đệ có thể lôi kéo mọi người đến gần với Đức Giêsu.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết can đảm và nỗ lực đến gần với Ngài hầu chúng con có thể cảm nếm tình Chúa và yêu mến Ngài mỗi ngày một hơn. Amen.

 

HÔN NHÂN DIỆU KỲ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

ĐỪNG PHÂN LY (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Hiền, SVD)

Đời sống hôn nhân là một ơn gọi mà Thiên  Chúa đặt trao cho con người. Hôn nhân được xem như là nền tảng của xã hội và cả Giáo Hội.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra một lề luật quan trọng cho đời sống hôn nhân: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Sở dĩ, Chúa Giêsu nói như vậy vì để trả lời cho câu hỏi của những người Pharisêu về việc có được phép rẫy vợ hay không. Hôn nhân của người Công Giáo không chỉ là sự tự do quyết định của con người nhưng là do ý định của Thiên Chúa. Đôi bạn tiến đến Bí tích Hôn Phối dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong bí tích này, đôi bạn đã thề hứa trước mặt Chúa giữ lòng chung thủy với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời. Hôn nhân không phải là một sự cam kết tạm bợ nhưng là sự cam kết đến trọn đời.

Nhìn thực trạng đời sống hôn nhân hôm nay, chúng ta không khỏi xót xa khi có biết bao đôi vợ chồng ly dị nhau, đặc biệt ở những đôi vợ chồng trẻ. Sự khủng hoảng trong đời sống hôn nhân dẫn đến những hệ luỵ nghiêm trọng cho đời sống xã hội. Vì chưng, gia đình chính là nền tảng của xã hội. Quả thật, cuộc sống hôm nay dễ dẫn người ta tới chỗ sống vội, yêu vội, cưới vội và cuối cùng chia tay vội,… Tuy nhiên, chúng ta đừng nản lòng nhưng hãy luôn cậy nhờ vào Thiên Chúa để cầu nguyện cho họ luôn được sống hạnh phúc với nhau.

Lạy Chúa, xin cho các đôi vợ chồng luôn biết chạy đến với Chúa, để từ đó họ biết sống đẹp lòng Chúa là sống yêu thương và chung thủy với nhau đến hết cuộc đời. Amen.


 

KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY (Tu sĩ F.X. Đinh Duy Thiên, SVD)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, dựa vào điều luật ông Môsê truyền lại về  việc ly dị, những người Pharisêu đến hỏi Đức Giêsu để thử Người: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” (x. Mt 19,3). Qua câu hỏi đó, Chúa Giêsu đã cho họ thấy hôn nhân trong ý định từ ban đầu của Thiên Chúa là chung thủy một vợ một chồng với lời khẳng định: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,7).

Chung thủy một vợ một chồng và bất khả phân ly trong hôn nhân Kitô Giáo không phải là điều luật đến từ phía con người, nhưng là ý định từ muôn đời của Thiên Chúa trước khi tạo thiên lập địa. Sự gắn kết vợ chồng cũng được nhắc đến trong sách Sáng Thế: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với v45ợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24).

Một cách nào đó, chúng ta có thể nói rằng, lời khẳng định của Đức Giêsu “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” đã trở nên rất quen thuộc với mọi người Công Giáo. Và người Công Giáo Việt Nam thường dùng câu này để in trên các tấm thiệp cưới như một cách diễn tả và nhắc nhớ về sự chung thủy một vợ một chồng và bất khả phân ly trong hôn nhân Kitô Giáo. Thế nhưng ngày nay, việc ly dị diễn ra ngày càng nhiều, thậm chí là trong hàng ngũ những người Công Giáo trẻ. Các gia đình phân ly đã gây ra biết bao đau thương cho cho xã hội, cho gia đình hai bên, gây nên nỗi đau khôn tả trong lòng con cái và đặc biệt là đi ngược lại với ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin nhìn đến và nâng đỡ những người đang sống trong các gia đình bị đổ vỡ và xin giúp những ai đang sống trong bậc sống gia đình luôn biết yêu thương nhau và sống trọn những lời họ đã cam kết với nhau. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (15/8, Đức Mẹ Lên Trời, Lễ trọng)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 19 TN)