Lời Chúa + Bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Năm C

0
1349

Bài Ðọc I: St 14, 18-20

“Ông mang bánh và rượu tới”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Melkixêđê là vua thành Salem, đem bánh và rượu tới, vì ông là thượng tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông chúc phúc cho Abram rằng: “Xin Thiên Chúa Tối Cao và Ðấng tạo thành trời đất chúc phúc cho Abram, và đáng chúc tụng thay Thiên Chúa Tối Cao, vì nhờ Người che chở, quân thù đã rơi vào tay ông”. Và Abram dâng cho ông một phần mười tất cả chiến lợi phẩm.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4

Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê (c. 4bc).

Xướng: 1) Thiên Chúa đã ban bố cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con”. – Ðáp.

2) Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: “Con hãy thống trị giữa quân thù”. – Ðáp.

3) “Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con”. – Ðáp.

4) Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: “Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê”. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 11, 23-26

“Mỗi khi anh em ăn và uống anh em loan truyền việc Chúa chịu chết”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: “Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

“Lauda Sion: Hỡi Sion, Hãy Ngợi Khen”

Trước Alleluia, có thể hát hoặc đọc Ca Tiếp Liên này, tất cả hoặc từ câu 21 (“Này đây bánh”) cho đến hết.

1. Hỡi Sion, hãy ngợi khen Ðấng cứu độ ngươi, Ðấng lãnh đạo và mục tử của ngươi / với những bài vãn và những khúc ca!

2. Ngươi có sức chừng nào, hãy rán ngợi khen chừng nấy, vì Người vĩ đại hơn mọi lời khen ngợi, và ngươi cũng không đủ sức ngợi khen Người.

3. Ðề tài của sự ngợi khen đặc biệt, đó là bánh sống và tác thành sự sống, ngày hôm nay đã đặt ra cho ngươi.

4. Ðó là bánh mà trên bàn tiệc thánh, cho đoàn thể mười hai người anh em, Chúa đã ban tặng chẳng khá nghi ngờ.

5. Hãy xướng lên lời ca khen ngợi đầy đủ, lời ca hoan hỉ và râm ran, tâm thần hãy vui mừng rạng rỡ!

6. Vì đây là ngày trọng thể, ngày kỷ niệm bàn tiệc thánh / lần đầu tiên được thiết lập ra.

7. Tại bàn tiệc này của Ðấng Tân Vương, lễ Vượt Qua mới theo luật pháp mới / chấm dứt lễ Vượt Qua của thời đại cũ.

8. Lễ nghi cũ nhường chỗ cho sự thực; đêm tối tăm nhường chỗ cho sự sáng sủa.

9. Ðiều mà Chúa Kitô đã làm trong bữa tiệc ly, thì Người đã ra lệnh cho thực thi điều đó để nhớ lại Người.

10. Nhờ lời thánh huấn của Người dạy bảo, chúng ta làm phép cho bánh và rượu / trở nên lễ vật hy sinh ban ơn cứu độ.

11. Ðây là tín điều dạy người Kitô hữu rằng / bánh trở nên thịt Chúa, và rượu trở nên máu Người.

12. Ðiều bạn không hiểu, không xem thấy, thì đức tin mạnh mẽ xác nhận xảy ra, ngoài luật lệ thiên nhiên.

13. Dưới những hình sắc khác nhau, chúng chỉ là biểu hiệu, không còn thực chất, có ẩn nấp những thực tại cao siêu.

14. Thịt Chúa là của ăn, máu Người là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình.

15. Người không bị kẻ lãnh nhận nghiền nát, không bị bẻ gẫy, không bị phân chia, nhưng Người được thiên hạ lãnh nhận toàn thân.

16. Một người lãnh nhận, ngàn người lãnh nhận, những người này cũng lãnh bằng những người kia, thiên hạ ăn thịt Người mà Người không bị tiêu hao.

17. Người lương thiện lãnh, kẻ ác nhân cũng lãnh, nhưng số phận họ không đồng đều: hoặc được sống hay là phải chết.

18. Kẻ ác nhân phải chết, người lương thiện được sống; hãy coi, cùng một của ăn như nhau, mà kết quả khác xa biết mấy.

19. Hình bánh bị vỡ, chớ khá lo âu, nhưng hãy nhớ rằng / trong miếng vỡ cũng như trong toàn thể / Chúa vẫn hiện diện đầy đủ như nhau.

20. Bản chất không hề bị bẻ vỡ, duy có biểu hiệu bị phân chia, nhưng không giảm thiểu tình trạng và dáng vóc của Ðấng ẩn dật bên trong.

21. Này đây bánh của các thiên thần, biến thành lương thực của khách hành hương; thực là bánh của những người con cái, không nên ném cho loài khuyển.

22. Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát tế Isaac, chiên của lễ vượt qua đã được kể ra, khi cha ông chúng ta được tặng manna.

23. Lạy Chúa Giêsu là mục thủ tốt lành, là bánh thực, xin Người thương xót, chăn nuôi và bảo vệ chúng con; xin Người ban cho chúng con nhìn thấy / những điều thiện hảo trong cõi nhân sinh.

24. Chúa là Ðấng thông biết và có thể làm nên mọi sự, Chúa nuôi dưỡng chúng con trong đời sống tạm gửi này, trên cõi cao xanh, xin cho chúng con được trở nên thực khách đồng bàn của Chúa, đồng thừa kế và đồng danh phận / với những công dân thánh của nước trời. Amen. Alleluia.

Alleluia: Ga 6, 51-52

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 11b-17

“Tất cả đều ăn no nê”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa”. Nhưng Người nói với các ông: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Các ông trả lời: “Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này”. Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: “Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người”. Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.

Ðó là lời Chúa.

Các bài giảng chủ đề:

TRAO BAN CHO ĐẾN CÙNG (Lm. Máctinô Lê Quang Tuấn, SVD)

Đọc lại lịch sử dân tộc Ítraen, chúng ta thấy Thiên Chúa luôn yêu thương và quan phòng dân của Người trong mọi hoàn cảnh. Người yêu thương dân không chỉ qua thánh luật Người ban, mà còn ban lương thực nuôi sống họ trên hành trình tiến về đất hứa.

Bài Tin Mừng thuật lại Đức Giêsu làm phép lạ chỉ từ năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người ăn no, còn dư mười hai thúng đầy như là dấu chỉ báo trước về lương thực thần linh nuôi dưỡng con người trên đường về Nước Trời. Không gì hơn, Bí tích Thánh Thể mà Đức Giêsu đã lập trong bữa Tiệc Ly; bánh và rượu đã trở nên Mình và Máu của Người để cho con người được sống. “Trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26,26-28).

Trao ban cho đến cùng để người mình yêu thuộc về mình. Đức Giêsu biết rằng Người sẽ rời bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, nhưng Người không đành để các môn đệ cô đơn nên đã hứa sẽ ở cùng các ngài mọi ngày cho đến tận thế. (x. Mt 28,20). Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy tâm tình của Đức Giêsu dành cho các môn đệ thật mạnh liệt khi Người khẩn cầu với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một, xin cho chúng thuộc về Con như Con thuộc về Cha, để Con ở đâu chúng cũng ở đó với Con. (Ga 17,20-24).

Bí tích Thánh Thể là tình yêu trao ban cho đến cùng và vượt ra ngoài trí năng của con người. Con người được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh của Người (x. St 1,26), và chẳng thua kém thần linh là mấy, và còn được hưởng vinh quang của Thiên Chúa (x. Tv 8,6). Thiên Chúa tạo dựng con người là một mầu nhiệm cao cả, và còn hơn thế nữa về mầu nhiệm Cứu Độ mà Thiên Chúa đã ban cho con người qua chính cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Như vậy, việc lập Bí tích Thánh Thể lại không khả thể đối với Thiên Chúa hay sao? Thánh Bônaventura nói: “Thánh lễ là sự diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên Thánh Giá ngày xưa, cho nên thánh lễ là một sự kỳ diệu khôn lường trong thế giới này, một kho tàng chứa đầy mầu nhiệm cực kỳ huyền diệu. Trên trái đất không có gì có thể so sánh được; và trên Thiên Đàng cũng không có gì lớn lao hơn, kỳ diệu hơn thánh lễ”.

Trao ban cho đến cùng, Đức Giêsu muốn tình yêu của Thiên Chúa được lan toả, không bị đóng khung nhưng lại sinh hoa kết trái tốt lành. “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13), đồng nghĩa Đức Giêsu không tán thành cách giải quyết dễ dãi của các môn đệ giải tán đám đông để họ tự tìm thức ăn trong tình trạng đói khát ở nơi hoang vắng như vậy. “Chính anh em hãy cho họ ăn”, nghĩa là mở lòng và trao ban nhưng không, cho dẫu các ông không có nhiều, và chính các ông cũng thật tầm thường nhưng hãy biết cho đi. Chính trong sự ít ỏi và cái tầm thường nhỏ bé ấy lại trở nên phi thường bởi tính quảng đại của người trao ban đến từ tình yêu của Đức Giêsu. Phép lạ từ năm chiếc bánh và hai con cá là một minh chứng tỏ tường cho sự kỳ diệu bởi tình yêu khởi đi từ việc nhỏ bé, nhưng Thiên Chúa đã làm cho nó trở nên lớn lao. Với kinh nghiệm trong đời sống yêu thương, Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuật nói trong cuốn sách “Đường Hy Vọng”, số 118 như sau: “Con bảo đợi lúc nào có thời cơ, con sẽ làm việc vĩ đại; không biết đời con thời cơ sẽ đến mấy lần! Nhưng hãy cướp thời cơ mỗi ngày để thực hiện cách phi thường trong những việc tầm thường”.

Ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội hưởng thụ, con người chạy theo vật chất nên có phần xem nhẹ việc trao ban tình yêu. Nhìn vào bóng tối là thế. Nhưng kỳ thực vẫn còn đó những con người sống niềm tin, họ đã thắp sáng lên ngọn lửa yêu thương, trở thành chứng nhân của niềm hy vọng, đưa lại sự an ủi lớn cho những ai đang sầu khổ. Họ là môn đệ đích thực của Đức Giêsu, sống giá trị Tin Mừng là đến với người khác bằng tấm lòng nhân ái.

Hành động của người sống niềm tin vào Đức Giêsu là trao ban tình yêu. Yêu như Đức Giêsu đã yêu. Đại dịch bệnh Covid-19 làm cho bao người đau khổ về tinh thần cũng như vật chất. Nhưng nó như thể phép thử của tình yêu. Nhiều người đến từ nhiều hoàn cảnh và địa vị khác nhau đã thể hiện lòng nhân đi từ tình yêu của Đức Giêsu, họ đã hưởng ứng thông điệp, như: “Lan toả yêu thương”, “Sẻ chia nghĩa tình” và đã để lại những chứng từ thật cảm động, lay động bao tấm lòng và lan toả nghĩa cử trao ban. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình. (2 Cr 5,14-15). Điển hình trong cơn đại dịch, cha Giuseppe Berardelli, người Ý đã nhường máy thở cho bệnh khác đã được cả thế giới ngưỡng mộ, và có sức mạnh làm lan toả niềm hy vọng và yêu thương giữa một xã hội tội lỗi và bất công.

“Chính anh em hãy cho họ ăn” vẫn là tiếng vang vọng đến tận đáy lòng của mỗi người biết thao thức về tình yêu và nhìn đến cảnh đời cơ cực của con người. Quả thực, phép lạ hoá bánh ra nhiều đã phá tan lối suy nghĩ hẹp hòi, ích kỷ, tìm kiếm sự yên ổn nơi vật chất và cho bản thân mà thay vào đó là lòng quảng đại chia sẻ của người môn đệ. “Chính anh em hãy cho họ ăn” nghĩa là hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, và lòng xót thương của Người. “Chính anh em hãy cho họ ăn” vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu. “Chính anh em hãy cho họ ăn” chẳng khác nào anh em “sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo của anh em. (Lc 7,38).

Mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta càng xác tín và cảm nghiệm sâu hơn về một Thiên Chúa xót thương trao ban đến cùng, ban chính sự sống của Người và nuôi dưỡng con người bằng chính thịt và máu của Người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trao ban chính sự sống thần linh của Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con biết trân quý hồng ân dâng hiến lớn lao này. Xin cho mỗi người chúng con biết đáp đền ơn nghĩa này ngang qua mỗi thánh lễ; trên bàn thờ cực thánh chúng con lãnh nhận Chúa vào lòng để chúng con biết sống mệnh lệnh Chúa truyền: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Và như vậy, tất cả chúng con cùng sẽ được đồng bàn với Chúa và với anh chị em trên quê trời, nơi mà chúng con có thể đủ sức đến được nhờ rước Mình và Máu Thánh Chúa. Amen.

—————————-

 

BÁNH HẰNG SỐNG (Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD)

Chúng ta là con cái của Thiên Chúa đang trên cuộc lữ hành đức tin tiến về miền Đất Hứa của sự sống đời đời. Trên cuộc hành trình ấy, chúng ta cần được bổ dưỡng bằng của ăn thiêng liêng, của ăn ấy chúng ta lãnh nhận từ Bí Tích Thánh Thể. Ở nơi Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng với của ăn đặc biệt và có giá trị vĩnh hằng, chứ không như của ăn Manna mà Thiên Chúa đã nuôi dân Israel khi xưa trong sa mạc. Nơi đây, Đức Kitô nuôi dưỡng chúng ta bằng lời của Chúa và Bánh Hằng Sống là chính Thịt và Máu của Ngài.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay nêu lên bối cảnh lịch sử của Bí Tích Thánh Thể. Bài đọc một trích sách Sáng Thế, nói về việc tư tế Menkixêđê, vua của Salem (Salem còn được gọi là Giêrusalem sau này) đã đến chào tổ phụ Ápram (sau này mới được gọi là Ápraham). Tư tế Menkixêđê đã dâng bánh rượu và xin Thiên Chúa chúc phúc: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất chúc phúc cho Ápram” (St 14,18). Trong truyền thống Kitô Giáo, bánh và rượu là tượng trưng cho Thánh Thể.  

Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô nhắc lại ý nghĩa của Lời Chúa khi lập Bí Tích Thánh Thể: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,24). Đây được xem là bản văn cổ xưa nhất của thánh Phaolô nói đến việc Đức Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Khi chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể là chúng ta đang tái hiện lại cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu để ban ơn cứu độ cho chúng ta. Việc cử hành không chỉ là tái hiện lại quá khứ, nhưng là hướng tới sự thành toàn của Bí Tích trong Nước Trời.

Bài Tin Mừng theo thánh Luca thuật lại việc dân chúng đi theo Đức Giêsu để nghe người giảng dạy. Khi ngày sắp tàn, các môn đệ nhận ra rằng dân chúng không đem theo thức ăn, trong khi các ông chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá. Trong tình cảnh ấy, Chúa Giêsu đã làm phép lạ biến năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng gồm năm ngàn người chưa kể phụ nữ và trẻ em.

Thật vậy, khi yêu nhau, người ta tìm mọi cách để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người mình yêu. Khi nhìn đám đông dân chúng đi theo mình, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương, vì Ngài thấy họ như một đàn chiên vất vưởng không người chăn dắt. Ngài đã quy tụ họ lại bên Ngài, giảng dạy cho họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những người đau ốm bệnh tật. Chiều đến, thay vì để mọi người đi vào các làng mạc xung quanh để tìm thức ăn, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn no nê, mà vẫn còn dư lại mười hai thúng đầy những mẩu bánh vụn. Lương thực mà dân chúng đón nhận hôm nay, trước hết nó làm dịu đi cơn đói phần xác, nhưng phía sau đó còn một ý nghĩa cao cả hơn nhiều. Bởi vì cơn đói khát của con người không dừng lại ở những lương thực trần gian chóng qua, nhưng còn một cơn đói khát cao hơn, cơn đói khát của ăn thiêng liêng. Phần xác con người cần thức ăn để duy trì sự sống, thì phần linh hồn cũng cần phải được nuôi dưỡng bằng của ăn thiêng liêng là chính Lời Chúa và Thánh Thể. Điều này đã được Chúa Giêsu khẳng định khi Ngài chịu sự cám dỗ vì cơn đói khi Ngài ăn chay trong hoang địa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ những lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Chúa Giêsu thấu hiểu cách tường tận rằng, cơm bánh chỉ giải quyết cơn đói khát tạm thời, trước mắt cho dân chúng mà thôi, rồi đói lại hoàn đói. Nhưng qua dấu chỉ này, Ngài hướng đến một phép lạ lớn lao hơn, để qua đó dân chúng được hưởng dùng một của ăn có giá trị vĩnh hằng; ai ăn vào sẽ không còn phải đói, ai uống vào chẳng khát bao giờ. Phép lạ ấy chính là Bí Tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập vào chiều tối thứ Năm, trước ngày Ngài chịu nạn. Của ăn, thức uống mà Chúa Giêsu nói tới đó chính là Thịt và Máu của Ngài: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).

Quả thật, vì yêu thương nhân loại và muốn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, Bí Tích Thánh Thể là phương thế độc nhất vô nhị, mà qua đó Chúa Giêsu luôn hiện diện cách sống động giữa chúng ta. Vì yêu, Ngài đã tự hiến tế chính mình làm của lễ tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa Cha để đền tội cho chúng ta, và Thịt Máu Ngài đã trở nên linh dược chữa lành, nuôi dưỡng linh hồn ta trên cuộc lữ hành về Quê Thật. Hiểu được ý nghĩa và giá trị lớn lao của Bí Tích Thánh Thể, ngay từ những buổi đầu, cộng đoàn Kitô hữu sơ khai đã tụ họp lại với nhau để làm lễ “Bẻ bánh”. Và từ đó đến nay, ở mọi nơi và mọi thời, Hội Thánh tiếp tục cử hành phụng vụ Thánh Thể với cùng một thể thức nền tảng mà Chúa Giêsu đã làm vào chiều tối thứ Năm Tuần Thánh. Phép lạ hóa bánh ra nhiều năm xưa chỉ nuôi năm ngàn người, nhưng hôm nay, mỗi ngày có hàng triệu người đến với Bí Tích Thánh Thể để được bổ dưỡng bằng Thịt và Máu Thánh của Chúa Giêsu. Bởi vậy, chúng ta cũng có thể nói rằng nơi đâu có Hội Thánh Công Giáo, ở đó có Thánh Thể và việc cử hành Thánh Thể. Cũng như quan niệm của Henri de Lubac đã tóm tắt thần học các Giáo Phụ về Thánh Thể rằng: Thánh Thể làm nên Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Thánh Thể.

Sau khi lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã truyền rằng: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Thiết nghĩ rằng, vào một ngày nào đó, chúng ta không còn được ai nhớ tới hay bị lãng quên đi. Nghĩ về điều nay thôi chắc rằng chúng ta sẽ cảm thấy rất buồn và đau khổ. Những gì chúng ta đã làm không còn ai nhớ đến, không còn được nhìn nhận và bị xem như không còn một chút giá trị đích thực nào. Nếu như vậy thì thật sự quá phũ phàng, vì chúng ta bị xem như chưa bao giờ tồn tại. Quả thật, chúng ta khao khát mình được nhìn nhận, được nhớ đến. Điều này minh chứng rằng, tại sao tất cả chúng ta đều cảm thấy lo sợ khi đối diện với cái chết. Tuy nhiên đối với Chúa Giêsu, không phải Ngài cần được tưởng nhớ đến, nhưng việc tưởng nhớ đến Ngài là một ân huệ lớn lao cho đời sống đạo của chúng ta. Mỗi lần chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể là chúng ta đang tái hiện lại những điều trọng đại mà Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Theo cách thức này, Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta, không phải theo thể lý, nhưng là hiện diện cách sống động thực sự.

Tóm lại, Hội Thánh hay nói cách khác là mọi Kitô hữu chúng ta đều được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể. Do đó, Bí Tích Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu. Thánh Thể là trung tâm bởi vì mọi Bí Tích khác đều được cử hành trong hoặc hướng về Thánh Thể. Nó là chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu, vì nơi Thánh Thể ta được sống các Bí Tích của mầu nhiệm hiệp thông, mầu nhiệm của sự hiệp nhất với Thiên Chúa và với tha nhân. Thánh Thể hiện tại hóa mầu nhiệm trung tâm của đức tin Hội Thánh, hiện tại hóa cái chết của Chúa Giêsu để cứu độ chúng ta và sự sống lại vinh hiển của Ngài để mở ra cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Thánh Thể hàm chứa toàn thể những ơn ích thiêng liêng của Hội thánh, đó chính là Chúa Kitô; Ngài là Lễ Vượt Qua của chúng ta, là Bánh Hằng Sống, ban sự sống cho nhân loại bằng Thịt của Ngài, Thịt đã được tái sinh và có sức tái sinh nhờ Thánh Thần. Thánh Thể cũng là tâm điểm của đời sống Giáo Hội và cũng là tâm điểm của đời sống mỗi người Kitô hữu chúng ta. Do đó, chúng ta cần phải có thái độ sẵn sàng với một tâm hồn ngay thẳng, biết hòa hợp tâm trí với lời nói bên ngoài, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng lãnh nhận ơn Chúa cách vô ích. Mẹ Giáo Hội cũng tha thiết mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành Phụng Vụ cách trọn vẹn, ý thức và tích cực; đây là điều do chính bản chất của Phụng Vụ đòi hỏi, và cũng là quyền lợi và bổn phận của cộng đoàn Kitô hữu chúng ta. Hội Thánh dành riêng một ngày để mừng kính trọng thể Mình và Máu Chúa Kitô, là dịp thuận tiện để nhắc nhở chúng ta ý thức hơn về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Thánh Thể, để ta biết cách tôn thờ và chiêm ngắm cách xứng hợp.

————————–

 

“CHÍNH ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN[1] (Phêrô Nguyễn Tài, xem chú thích tham khảo)

Trong cuộc sống, có lắm lúc chúng ta gặp những khó khăn vượt khỏi khả năng giải quyết của chúng ta. Nhiều khi chúng ta cảm thấy thất vọng, chán nản, buông xuôi vì mọi việc không được như chúng ta mong muốn, tính toán, và định liệu. Chúng ta phải làm gì trong những hoàn cảnh như thế? Chẳng lẽ chúng ta khoanh tay chấp nhận thất bại? Câu chuyện hóa bánh ra nhiều hôm nay gợi mở cho chúng ta con đường hy vọng khi chúng ta dám tin tưởng và phó thác mọi sự cho Chúa.

1. Bối cảnh đoạn Tin Mừng Lc 9,11-17

Phép lạ hóa bánh diễn ra trong một hoàn cảnh hết sức éo le: Trời đã xế chiều, dân chúng mệt mỏi, cơn đói khát đang hoành hành đám đông. Ở đó, là nơi xa vùng dân cư đô thị, nên người ta không biết mua lấy thức ăn ở đâu. Khi kế hoạch lui vào thành Bếtxaiđa của Đức Giêsu đã bị phá vỡ (Lc 9,10), cũng chính là lúc Người gặp lại đám đông. Họ tuôn đến để nghe Người giảng và xin chữa bệnh. Sau một ngày đường, mọi người cảm thấy thấm mệt. Nhận ra đám dân đói khát, Đức Giêsu không dửng dưng, lạnh lùng nhưng “chạnh lòng thương” và nói với các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (9,13).

Các ông nhìn nhau đầy vẻ lo lắng: “Thưa Thầy, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá” (9,13). Tác giả Tin mừng Thứ Tư nói rằng: Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá (Ga 6,9). Đó là những chiếc bánh tròn, nhỏ, cầm vừa trong tay. Còn cá thì thường được kẹp giữa hai chiếc bánh, tương tự bánh sandwich như ngày nay.

“Chính anh em hãy cho họ ăn”, nghe Thầy nói, các môn đệ chưng hửng, tưởng Thầy đùa.Có lẽ các ông bảo nhau: ‘Giờ này trời đã nhá nhem tối, đám đông thì mệt mỏi, đói khát, chợ búa thì xa, Thầy hết giờ đùa rồi sao?’ Nhưng Đức Giêsu đâu có đùa được. Người nói thật: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Chính các Tông Đồ chứ không ai khác. Đám đông không đi đâu cả, cứ ngồi xuống thành từng nhóm. Thức ăn, họ không phải bỏ tiền ra mua, nhưng nếu mua thì cũng không thể vì ngày đã bắt đầu tàn và, nơi họ đang nghe giảng là nơi hoang vắng (x. Lc 9,12). Như vậy, chính các môn đệ phải cho dân chúng ăn. Nhưng chỉ với năm cái bánh và hai con cá nhỏ, làm sao họ có thể cho hơn năm ngàn người ăn được? Thiết nghĩ, khi ta tổ chức đám tiệc khoảng một ngàn người đã là khó, huống chi là năm ngàn người, chưa kể phụ nữ và trẻ em. Vậy thì phép lạ diễn ra như thế nào?

2. Phép lạ hóa bánh

Dựa vào bài Tin Mừng, chúng ta có thể quan sát vòng tròn của tấm bánh. Trước hết, năm cái bánh và hai con cá trong tay các môn đệ rồi đến tay Đức Giêsu, từ tay Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha với tâm tình chúc tụng, tạ ơn; rồi bẻ ra trao lại cho các môn đệ và các ông phân phát cho dân chúng. Cuối cùng, đám đông lại chia cho nhau những mẫu bánh nhỏ. Như vậy, ta sẽ hỏi: ‘Không biết phép lạ hóa bánh ra nhiều từ lúc nào’? Thưa, phép lạ được xuất hiện từ lúc bẻ bánh ra và trao đi. Cứ sự thường, bẻ ra và trao đi thì bị hao hụt. Nhưng phép lạ thường xảy ra với những ai biết cho đi, nếu ta càng biết cho đi thì ta càng nhận được nhiều hơn. Nếu con người trong thế giới ngày nay biết chia sẻ vật chất thì phép lạ sẽ xảy ra đến tận thế.

3. Bài học mục vụ

Là những người trong vai trò lãnh đạo, giáo dục và cả các bậc cha mẹ…Chúng ta hãy nói với Chúa Giêsu về những gì ta có trong tay: Tiền bạc, thời giờ, khả năng, kiến thức, vợ chồng, con cái, nhân lực…vv. Tất cả chỉ có thế mà nhu cầu con người ngày nay thì vô kể. Ngày xưa, các môn đệ và cả chúng ta ngày nay cũng vậy, cần phải thú nhận giới hạn của mình trước bổn phận, sứ mạng và, cả trong ơn gọi làm người. Nhiều lần trong cuộc đời, ta có ý định bỏ trốn, buông xuôi, cảm thấy bế tắc, chán nản trong bổn phận và trách nhiệm. Hãy học biết khiêm tốn nhận mình yếu kém. Nếu chỉ dựa vào sức người, ta dễ chuốc lấy thất bại, không thể đáp ứng điều Đức Giêsu muốn. Vì thế, chúng ta nên trao cuộc đời cho Chúa, để Ngài hướng dẫn.

“Hãy đem lại đây cho Thầy”: Cứ đem lại cho Thầy, vì Thầy cần một chút vốn liếng nhỏ bé của ta. Một chút thiện chí, một chút khả năng, một chút thời giờ và cả một chút hy sinh trong đó. Xin những người làm cha, làm mẹ và những người trong vai trò huấn luyện biết trao cho Chúa “năm cái bánh và hai con cá cuộc đời”, đừng mặc cảm vì mình ít ỏi vốn liếng. Xin cứ đưa tất cả những gì mình có cho Chúa, phần còn lại để Chúa định liệu. Nếu ta dám trao cho Chúa tất cả những gì mình có và, dám quảng đại chia sẻ cho người khác những gì Chúa đã trao lại cho ta, thì phép lạ sẽ xảy ra thường ngày trong cuộc sống.

Xin mượn nội dung của câu chuyện vui để minh họa và kết thúc bài chia sẻ hôm nay:

Một hôm, có một người đàn ông vào nhà một bà già xin ăn. Bà này từ chối: Xin lỗi, hiện giờ trong nhà tôi không còn gì để ăn.

Người đàn ông lên tiếng: Không sao, chỉ nhờ bà cho tôi mượn cái nồi để nấu súp. Tôi có một viên sỏi có thể nấu thành một nồi súp đặc biệt ngon, từ trước tới giờ chưa từng có món ăn nào ngon bằng. Bà chủ nhà bằng lòng. Người khách đổ nước vào nồi, bỏ viên sỏi vào rồi bắt đầu nấu.

Trong khi đó, bà chủ nhà sang nhà hàng xóm tiết lộ bí mật của nồi súp tuyệt vời ấy. Hàng xóm này lại tiết lộ cho hàng xóm khác. Chẳng bao lâu căn nhà đầy người. Khi nước bắt đầu sôi, người khách lạ múc lên một muỗng nếm: Chà, rất ngon, nhưng phải chi có thêm chút ít khoai tây nữa thì sẽ ngon tuyệt. Một người vội vàng chạy về nhà lấy khoai tây bỏ vào.

Lát sau người khách lại nếm và nói: Ngon hơn trước rồi, phải chi có thêm một chút thịt nữa thì hết chỗ chê. Một người khác vội chạy về nhà lấy thịt. Cứ như thế…Cuối cùng nồi súp chín. Người khách mời mọi người ngồi vào bàn. Mỗi người một tô, ai nấy đều khen món súp ngon tuyệt vời. Còn người khách thì vớt viên sỏi từ đáy nồi của ông, bỏ vào túi, vui vẻ chào mọi người và ra đi.Amen.

 


[1]Tham khảo: Lm. Antôn  Nguyễn Cao Siêu, Bài giảng tĩnh tâm cho Học Viện SVD, (2014: K’ Long, Lâm Đồng).

 

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, năm C (Lc 9,10-17)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (CHÚA NHẬT, LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA, năm C)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.