LỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 2 Phục Sinh, Lòng Thương Xót của Chúa)

0
428

Bài đọc 1: Cv 5,12-16 Bài đọc 2: Kh 1,9-11a.12-13.17-19

Tin mừng: Ga 20, 19-31

19 Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho các con”.

20 Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.

21 Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con “.

22 Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, 23 các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

24 Bấy giờ trong mười hai tông đồ, có ông Tôma goi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. 25 Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”.

Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

26 Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”.

27 Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”.

28 Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” 29 Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

30 Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này; 31nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

 

—– SUY NIỆM —–

AN VUI (Tu sĩ  G. B. Đinh Dương Minh Quân, SVD)

Hôm nay, một ngày trọng đại, hôm nay, tin vui Con Chúa Phục Sinh đã hiện hiển tới muôn người. Hôm nay, Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, đã đến viếng thăm nhân trần. Hôm nay, niềm vui của Tin Mừng và bình an của Thánh Thần ở cùng chúng ta.

“Bình an cho anh em!” (Ga 20,19). Lời cầu chúc này, chúng ta đã thấy rồi, còn hơn cả lời chào hỏi thông thường theo truyền thống của người Do Thái. Đây là bình an thời Mêsia, bình an mà Chúa Giêsu đã hứa ban vào lúc Người đã tham dự bữa Tiệc Ly với các môn đệ: “Thầy để lại cho anh em bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Bình an mà Đấng Phục Sinh trao ban cho các môn đệ là bình an của Nước Trời; bình an của một đời sống trong Thần Khí, nguồn mạch của ân sủng và sự thật (Ga 1,14; 16,13). Để rồi, tin vui bình an này đã ứng nghiệm những lời xưa kia nơi Cựu Ước: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên

Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ” (Xh 34,6). Từ đây, chúng ta được Thiên Chúa gọi mời đến vui hưởng niềm vui Phục Sinh và bình an nơi Người. Thật vậy, cuộc sống vốn phức tạp, còn con người chúng ta thì có muôn vạn nẻo đường đời. Nhiều khi ta muốn một cuộc đời an vui, bình an tự tại, nhưng cuộc sống lại cuốn ta đi vào những ngõ hẻm hẹp và tối. Nhiều khi ta muốn tận hưởng niềm vui với người ta thương mến: gia đình, anh em, bè bạn, nhưng thế giới mạng lại vây bủa ta bởi những đam mê, khoái cảm, hay ta đi lạc vào những “khúc cua” hiểm nghèo của sự nóng giận, bất an, lo lắng và sợ hãi. Đến nỗi, nhiều khi ta muốn thinh lặng, muốn được gần với Chúa hơn, nhưng cõi lòng ta lại ngập đầy sự ồn ào và náo động của cuộc sống. Làm sao ta có thể tìm đến sự bình an của Thiên Chúa?

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con biết ra khỏi đời sống ồn ào đang vây bủa để tìm đến Ngài, Đấng là nguồn mạch ân sủng, bình an, xót thương và thành tín. Amen.


VỮNG TIN (Tu sĩ Giuse Phạm Minh Hoàng, SVD)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hình ảnh của ông Tôma trong bối cảnh Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ mà không có mặt ông ở đó. Ngay cả khi ông được thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra, ông cũng vẫn không tin. Ông muốn chính mình phải được nhận ra Chúa Giêsu, được đụng chạm vào dấu vết lòng thương xót của Ngài thì ông mới tin.

Ông Tôma muốn được đụng chạm vào những vết thương của Chúa Giêsu bởi đó là đặc điểm Ngài đã hy sinh chịu chết trên thập giá, một sự hy sinh cao cả, một tình yêu bao la từ lòng thương xót của Chúa. Thái độ của ông Tôma rất thực tế và chính đáng. Ngay cả bản thân mỗi người chúng ta, để chúng ta tin vào một ai đó, chúng ta cũng cần có những lý do thuyết phục thì chúng ta mới an tâm và tin tưởng người đó hơn. Còn trong tương quan với Chúa, lòng tin của chúng ta đối với Chúa có đủ mạnh chưa? Chúng ta đã sống niềm tin ấy, đã thực hiện lòng thương xót đối với anh chị em xung quanh mình chưa?

Có rất nhiều thử thách ngăn cản chúng ta sống niềm tin vào Chúa, sống tâm tình thương xót như Chúa. Chúng ta thường cậy vào khả năng riêng, những kinh nghiệm và sự khôn khéo nơi mình, những sự hỗ trợ ngoài Chúa hơn là khiêm tốn nhìn nhận những giới hạn của bản thân, nhìn nhận mình luôn cần sự trợ giúp của Chúa. Chúng ta xin Chúa thương xót khi chúng ta đau khổ và thất bại, nhưng khi chúng ta thành công, chúng ta lại không nhận thấy đó là ơn ban của Chúa. Nhưng dù cho có nhiều thử thách đến mấy, nếu chúng ta biết khiêm nhường, kiên trì tìm kiếm chân lý và trông cậy vào lòng thương xót của Chúa, thì chính Ngài sẽ đến và tỏ cho chúng ta thấy.

Trong ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa hôm nay, chúng con tạ ơn Chúa vì đã xót thương và che chở chúng con vượt qua biết bao sóng gió và thử thách trong cuộc sống. Ước gì qua những cảm nghiệm về lòng thương xót của Chúa, chúng con thêm bình an và vững tin vào Chúa nhiều hơn. Amen.


 

BÌNH AN CỦA CHÚA PHỤC SINH (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

 

BÌNH AN (Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD)

Bình an cho các con. Đó là lời chúc đầu tiên ngay sau khi Chúa sống lại và hiện ra với các môn đệ. Người đến ban cho các ông sự bình an và các ông thực sự vui mừng.

Thật vậy, bình an của Chúa Phục Sinh đã làm thay đổi đời sống của các Tông Đồ. Trước khi Chúa Phục Sinh hiện đến, các Tông Đồ đang sống trong sự bất an, các ông đóng kín phòng tụ họp và đóng luôn lòng mình vì sợ người Do Thái. Nhưng sau khi Chúa Phục Sinh hiện ra trao ban bình an, các ông đã mạnh dạn sống và làm chứng cho Chúa, không những thế, các ông còn trao ban bình an đến cho nhiều người khác. Sách Công Vụ Tông Đồ là một minh chứng về điều đó, khi các ông cùng những người khác tụ họp bên ngoài hành lang Salômôn để cầu nguyện một cách sống động mà không sợ hãi hay nao núng gì cả (x. Cv 5,12-16).

Trong thời đại hôm nay, dịch bệnh Côrôna virus làm cho khắp nơi trên thế giới chìm ngập trong sự bất an, hoang mang và lo sợ. Người Công Giáo cũng không tránh khỏi những bất an lo lắng khi đối diện với bệnh dịch nguy hiểm bởi sự lây lan theo cấp số nhân này. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Chúa biết rõ sự bất an của chúng ta, của gia đình chúng ta, của cộng đoàn chúng ta và của giáo xứ chúng ta. Chúa Phục Sinh đã từng trao ban bình an cho các Tông Đồ năm xưa, thì ngay chính lúc này đây Người cũng đang ban sự bình an ấy cho mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa Phục Sinh, Người là nguồn bình an đích thực, xin ban bình an của Người xuống trên chúng con như xưa kia Người đã trao ban cho các Tông Đồ. Xin cho chúng con được sống ơn bình an đó một cách sâu xa, để chúng con được an vui hạnh phúc vì có bình an của Người luôn ở cùng. Amen.

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 2 Phục Sinh (Chúa Nhật Lòng Thương Xót) – Năm ABC
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Lễ Truyền Tin