LỜI SỐNG (Thứ Bảy, Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ)

0
254

Bài đọc: Is 61, 9-11

Tin mừng: Lc 2,41-51

41 Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. 42 Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua.

43 Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết.

44 Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.

45 Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. 46 Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông.

47 Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.

48 Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”.

49 Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?”

50 Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.

51 Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nagiarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng.

SUY NIỆM

CHU TOÀN BỔN PHẬN (Tu sĩ Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD)

Thần dân của một vương quốc, một đất nước hay một tôn giáo  nào  đều cũng có bổn phận riêng và luôn được mời gọi chu toàn bổn phận ấy. Trình thuật Lời Chúa trong ngày lễ “Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ” hôm nay cho chúng ta một mẫu gương tuyệt hảo về Gia Đình Thánh đã sống chu toàn bổn phận theo luật lệ và tôn giáo Do Thái.

Như chúng ta biết luật tôn giáo Do Thái buộc các thần dân của mình từ 12 tuổi trở lên, nghĩa là đến tuổi trưởng thành về mặt tôn giáo phải hành hương lên đền thờ Giêrusalem mỗi năm ba lần (x. Xh 23,14-17; 34,22-23; Đnl 16,16). Thánh

Giuse, Mẹ Maria và Đức Giêsu cũng buộc phải chu toàn bổn phần này. Bởi thế, cả Gia Đình Thánh trẩy hội lên đền thờ để mừng lễ Vượt Qua (x. Lc 2,42). Đối với thánh Giuse và Mẹ Maria, cả hai ông bà đã chu toàn bổn phận theo luật định và đồng thời cũng chu toàn bổn phận của bậc làm cha mẹ khi con mình đến tuổi trưởng thành về mặt tôn giáo. Tuy nhiên, đối với Đức Giêsu, ngoài việc chu toàn bổn phận của một công dân Do Thái cả đạo lẫn đời, Ngài còn có bổn phận với Cha của Ngài trên trời: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Bổn phận của Đức Giêsu là làm cho Cha được tôn vinh; làm cho danh Cha được rạng ngời; làm cho ý Cha được thể hiện; làm cho vương quốc tình yêu của Cha được lan rộng và làm cho muôn dân tin nhận để được cứu độ.

Liên tưởng đến đời sống thực tế của mỗi người, ngoài việc chu toàn bổn phận của một công dân trần thế, chúng ta còn phải chu toàn bổn phận của một công dân Nước Trời, một người con Chúa. Thử hỏi trong đời sống của một Kitô hữu, chúng ta đã chu toàn bổn phận này chưa? Chúng ta đã thực sự sống chu toàn Luật Chúa, luật Giáo Hội và sống đúng với các giá trị Tin Mừng chưa?

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết noi gương thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu để luôn biết sống chu toàn bổn phận của một người con thảo đối với Chúa và với các bậc cha mẹ. Amen.


 

TRÁI TIM TINH TUYỀN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

TRÁI TIM MẸ (TU SĨ G. B. Đinh Dương Minh Quân, SVD)

Sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo Hội kính nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ để nói lên tình mẫu tử dịu hiền của Mẹ dành cho Đức Giêsu, cách riêng cho chúng ta.

Theo trình thuật Tin Mừng, khi Chúa Giêsu 12 tuổi, như luật định, Người đã cùng cha mẹ đi lễ Đền thờ Giêrusalem. Tại đây, Đức Giêsu đã ở lại, “ngồi giữa các bậc thầy” để nghe và chất vấn họ. Còn Giuse và Maria, cha mẹ Người, khi trở về không thấy con, ông bà rất buồn rầu, và vất vả đi tìm kiếm. Khi tìm thấy Đức Giêsu, Mẹ Maria đã buông lời than trách Người, vì những lo lắng và mệt nhọc trong suốt ba ngày kiếm tìm. Nhưng trái với lẽ thường, thay vì nhận lỗi, Đức Giêsu chỉ đáp lại bằng câu trả lời rất khó hiểu. Sau đó, Đức Giêsu đã “cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2,51).

Theo đó, chúng ta có thể cảm nhận cách sâu sắc về mối dây liên kết tràn đầy yêu thương giữa Mẹ và Thiên Chúa, cách đặc biệt nơi Đức Giêsu. Mẹ đã không đánh, cũng không chửi mắng Con mình khi làm sai, nhưng chỉ trách cứ. Và khi nghe lời đáp lại của Con, Mẹ vẫn không bực tức, nhưng suy ngẫm trong lòng. Và như thế, Mẹ là mẫu gương cho tất cả chúng ta phải noi theo. Bởi vì Mẹ luôn hằng lắng nghe và ghi nhớ tất cả mọi Lời Thiên Chúa phán cho Mẹ nơi đời sống trần thế, nơi mỗi một biến cố. Nhờ đó, Mẹ đã vượt qua tất cả mọi nỗi đau đớn, khổ cực trong đời và luôn xác tín vào tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho Mẹ.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con trái tim biết yêu thương và khiêm nhường như Mẹ Maria, để chúng con biết trân trọng cuộc sống này và hằng để tâm lắng nghe Ngài và Giáo Hội. Amen.

Bài trướcVideo: Hồng Ân Vĩnh Khấn 2023 – Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XI Thường Niên, năm A (Mt 9,36 – 10,8)