Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm B

0
423

Bài Ðọc I: Cv 3, 13-15. 17-19

“Ðấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, Phêrô nói với dân chúng rằng: “Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng.

“Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 4, 2. 7. 9

Ðáp: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con! (c. 7a)

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Khi con cầu, nguyện Chúa nghe, lạy Chúa công bình của con, Chúa đã giải thoát con trong cơn khốn khó, nguyện xót thương và nghe tiếng con cầu! – Ðáp.

2) Nhiều người nói: “Ai chỉ cho ta thấy điều thiện hảo?” Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con! – Ðáp.

3) Ðược an bình, con vừa nằm xuống, thoắt ngủ ngon, vì lạy Chúa, duy có Chúa cho con yên hàn. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Ga 2, 1-5a

“Chính Người là của lễ đền tội, không những cho chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả thế gian”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, Cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai đã phạm tội, thì chúng ta có Ðức Giêsu Kitô, Ðấng công chính, làm trạng sư nơi Ðức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian. Chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Lc 24, 32

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 24, 35-48

“Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng:

GIỮ MÃI NIỀM VUI PHỤC SINH

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tạo, SVD

Nhà tâm lý và triết học William James nói rằng: “Trong mọi hoàn cảnh – hãy gìn giữ niềm tin. Vì điều quan trọng nhất trong cuộc sống chính là niềm tin: tin vào chính mình, tin vào ngày mai, tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống. Niềm tin sẽ truyền cho chúng ta nguồn sức mạnh lớn lao để vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc sống.” – William James.

Nếu như mỗi người chúng ta không sống trong thực tại niềm tin đích thực mà chỉ sống với những mơ mộng của riêng mình thì sẽ dẫn tới ngõ cụt của cuộc đời. Chính vì vậy Đức Kitô Phục Sinh đã đến tỏ lộ căn tính của Người để chúng ta tin và nhận thấy được con đường sự sống trong hành trình theo Chúa.

Các bài đọc Chúa Nhật III Phục Sinh hôm nay, cho ta thấy một hành trình tìm đến với Đức Kitô Phục Sinh trong niềm tin. Cái chết đã bị đẩy lùi và nhường chỗ cho sự sống ngự trị. Ngài đã trả lại cho chúng ta phẩm giá đích thực là người. Ơn gọi Kitô hữu chúng ta được nhận ra và xác định vào Đức Kitô Phục Sinh.

Các bài đọc phụng vụ hôm nay liên hệ với nhau để khai mở tâm trí chúng ta hiểu hơn về việc Chúa Phục Sinh, để chúng ta lấy lại được tinh thần mới và nếp sống mới cho mỗi người.

1/ Đấng Phục Sinh – kế hoạch báo trước

 

Trong bài đọc 1, thánh Phêrô xác nhận niềm tin rằng Đức Kitô, “Đấng khơi nguồn sự sống, đã chết và Thiên Chúa làm cho Người chỗi dậy” (Cv 3,15). Điều này không phải bây giờ mới biết nhưng Thiên Chúa đã báo trước việc chịu khổ hình của Người Tôi Trung qua miệng các ngôn sứ. Đây là một hành trình đầy chông gai để làm cho người nghe chấp nhận và tin vào Đức Giêsu Phục Sinh bởi vì những người Do-thái này, mấy ngày hôm trước đã hô hào đóng đinh Người. Do đó, họ khó lòng tin vào chuyện phục sinh.

Nhưng Phêrô nói cho họ biết  “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống” và cho thấy rằng đây là kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước. Một cách tài tình, Phêrô đã dẫn chứng hình ảnh tiên trưng từ Sách Thánh về Người Tôi Trung. Và giờ đây lời tiên tri đó đã được ứng nghiệm. Phêrô đã không dùng dấu chứng nào khác đáng tin cho bằng việc dùng dấu chứng Sách Thánh để soi sáng cho họ về lòng tin vào Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh. Không phải các tông đồ và môn đệ rao giảng suông về Đức Giêsu Phục Sinh nhưng các ông đã tin, đã xác quyết một cách mạnh mẽ rằng: “Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.” (Cv 3,15).

Quả thật, hành trình tìm về với Đức Giêsu Phục Sinh của mỗi người cũng thật chông gai trắc trở, và những ai đã tin vào Đức Giêsu Phục Sinh rồi thì cũng phải làm chứng, làm cho người khác nhận biết Ngài. Những ai nhận biết được Ngài thì hãy sám hối tội lỗi của mình, trở về với Thiên Chúa để được tha tội.

2/ Tin Vào Đấng Sống Lại

 

Trong bài Tin Mừng, thánh Luca kể cho ta sự việc về Đức Kitô Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ. Hai môn đệ trên đường Emmau lúc này đã có mặt sau sự thất vọng và thất thểu trở về nhà sau một thời gian theo Thầy và đã chứng kiến những sự việc xảy ra với Thầy mình ở Giêrusalem, và mộng vàng đã tan theo mây khói khi Thầy bị giết. Trong suy nghĩ ban đầu theo Đức Giêsu của các môn đệ, họ đã tưởng rằng Ðức Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen và họ cũng sẽ có được một vị thế nào đó khi theo Người. Sự việc Đức Giêsu Phục Sinh là điều quá sức tưởng tượng đối với họ và khi Đức Giêsu hiện ra và ban bình an cho các ông thì “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24,37). Các ông không thể tin được và lúc này Đức Giêsu Phục Sinh mới trấn an và hỏi xoáy vào lòng các ông: “Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24,38-39). Rồi cũng giống như cách thức Phêrô bắt chước Người, Người dẫn dắt họ đi từ Sách Thánh và các sự việc đó được ứng nghiệm nơi Người.

Các môn đệ nghĩ rằng phải thấy Đức Giêsu tận mắt mới tin, và do đó Người mới nói với các ông: “Ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây!”

Đây chính là bước ngoặt để họ đánh tan sự cố chấp vốn có và nhận ra Người là Đấng Phục Sinh. Đó chính là ơn Chúa soi lòng mở dạ cho các ông để các ông tin và hiểu thấu những điều Sách Thánh đã nói về Người.

Để vượt thắng những chướng ngại vật đang ngăn cản các môn đệ nhận ra Đức Giêsu, rõ ràng phải có sự lắng nghe lời Sách Thánh được đánh động trong Đức Kitô và bởi Đức Kitô. Một khi tâm hồn của các ông mở ra nhờ được chứng kiến tận mắt và nhờ lời Kinh Thánh thì các ông mới đặt niềm tin trọn vẹn vào Đức Kitô Phục Sinh. Không còn niềm vui nào bằng việc thấy Đức Giêsu Phục Sinh, mọi sự mệt mỏi, chán chường biến mất. Một sức sống mãnh liệt đã lan tỏa cho cộng đoàn các môn đệ, các ông là những nhân chứng và phải thực hành lệnh truyền rao giảng Đức Kitô Phục Sinh để cho mọi người tin và được cứu độ.

3/ Áp dụng trong đời sống

 

Việc nhận ra Đức Kitô Phục Sinh không phải là chuyện dễ dàng với con mắt trần tục của chúng ta. Đó là một hành trình tìm kiếm của mỗi người trong cuộc sống bằng con mắt đức tin. Đức Giêsu Phục Sinh vẫn đang hiện diện và đồng hành bên cạnh chúng ta. Và để gặp được Chúa, biết đâu là ý Chúa trong hành trình của cuộc sống mình, thì mỗi người chúng ta hãy đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Chính Thần Khí Đức Kitô Phục Sinh sẽ đánh động và chỉ cho ta biết Người là ai và phải làm gì. Với con người thời đại này, niềm tin dường như là một ảo tưởng đang thách đố mỗi người theo Chúa.

Trong xã hội con người hôm nay, niềm tin là một điều không thể thiếu để kiến tạo nên một cuộc sống tốt đẹp cho từng cá nhân. Không có niềm tin, con người sẽ dẫn đời mình tới ngờ vực tất cả. Và lúc đó người không có niềm tin sẽ khép kín đời mình vì hầu hết sự hiểu biết phải đặt nền trên niềm tin vào người khác để thăng tiến, để khám phá bản chất của cuộc sống. Ngay cả với thời đại khoa học tân tiến này, nhiều người cho rằng họ chỉ sống theo khoa học thực nghiệm, không có niềm tin nào xen vào cuộc sống của họ. Nhưng họ có biết đâu rằng nhiều điều các nhà thực nghiệm đã làm thì chính mắt họ không thấy và không chứng minh được, cho nên họ lại phải trải qua niềm tin vào các nhà khoa học. Niềm tin có thể nói là sức mạnh tuyệt vời của con người. Có tin tưởng nhau mới thấy cuộc đời phong phú tốt đẹp, có tin nhau ta mới tìm thấy sự yêu thương, chia sẻ, giúp nhau sống tốt giữa cuộc đời trần gian đầy gian nan và thách đố. Và hơn thế nữa, mỗi người hãy đặt cho mình câu hỏi về ý nghĩa và chung cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh và sống Lời Người sẽ giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc đích thực như trong bài đọc 2, thánh Gioan cho chúng ta biết: “chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giê-su Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” (Ga 2,1-2).

Như chúng ta đã biết, thánh Vinh Sơn Phaolô là một vị thánh đã thấy được Đức Kitô Phục Sinh, ngài luôn làm việc bác ái cho đến tuổi già; nhiều đêm tuyết sa gió lạnh, ngài vẫn lang thang tìm kiếm những cụ già run rẩy giữa cảnh màn trời chiếu đất, hay những trẻ thơ bị bỏ rơi nơi góc đường phố. Ngài thường nói: “Đức bái ái chân thực thì mở tay ra và nhắm mắt lại”. Và như vậy, chúng ta hãy mở bàn tay ra để đón Chúa trong những thân phận người nghèo, nhắm mắt lại để nhìn thấy Chúa trong đức tin.

Xin cho niềm tin Phục Sinh vào Đức Kitô thay đổi đời sống chúng ta như đã từng thay đổi lối nghĩ, cách sống của các môn đệ. Và niềm tin ấy giúp chúng ta dám vượt qua những cám dỗ thấp hèn để sống một cuộc đời cao đẹp hơn, dám làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh của Chúa bằng đời sống lắng nghe và thực thi Lời Chúa mỗi ngày giữa đời thường. Amen.

Bài trướcCộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa miền Gia lai, Gp. Kontum mừng Lễ Bổn Mạng
Bài tiếp theoPhục Sinh – Tuần III – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.