Lời Chúa + Bài giảng Chúa Thăng Thiên (CN7PS) – Năm A

0
690

Bài Ðọc I: Cv 1, 1-11

“Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: “Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.

Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?” Người bảo họ rằng: “Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.

Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. – Ðáp.

2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa’ hãy ca mừng, ca mừng Vua ta! – Ðáp.

3) Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Ep 1, 17-23

“Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời”.

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 28, 16-20

“Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy”.

Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

CHÚA TRỞ VỀ, CHÚNG TA RA ĐI (Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD)

Một câu hỏi được đặt ra xuyên suốt chiều dài lịch sử nhân loại: “Con người từ đâu đến và sẽ đi về đâu?”. Với những người vô thần thì cho rằng, con người có mặt trong cuộc đời này là một sự ngẫu nhiên tình cờ, và chết là hết. Còn chúng ta, những Ki-tô hữu có đức tin, chúng ta biết mình từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu. Chúng ta biết mình được tạo dựng nên bởi Chúa, được tạo dựng giống hình ảnh Chúa, và rồi chúng ta sẽ trở về với Ngài. Trước khi đối diện với cuộc khổ nạn, tức là cận kề với cái chết, Chúa Giê-su không báo cho các môn đệ là mình sắp chết, nhưng là tiên báo Ngài sắp về cùng Cha. Sự thực là Chúa Giê-su đã chết, nhưng không phải là dấu chấm hết, mà là từ trong cõi chết Ngài đã phục sinh và lên trời. Đó là chóp đỉnh của đức tin, niềm hy vọng của chúng ta.

  1. Chúa về trời

Hôm nay chúng ta mừng trọng thể lễ Chúa thăng thiên, tức là Chúa Phục Sinh trở về với vinh quang Thiên Chúa, đó là quê hương đích thực của Ngài và cũng là chốn mà mỗi người chúng ta đang hướng tới và tìm về.

Bài đọc một mô tả: “Người được cất lên ngay trước mắt các ông và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1,9). Chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh này thoáng qua trong biến cố Chúa hiển dung (x. Lc 9,34-35). Chúa về trời vì chính Người đã từ trời xuống thế: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã từ trời xuống” (Ga 3,13). Chúa thăng thiên tức là trở về với Chúa Cha, với vinh quang Thiên Chúa, là nơi mà tất cả chúng ta cũng sẽ trở về như chính Ngài đã hứa.

Thánh Phao-lô Tông Đồ đã từng quả quyết: “Quê hương chúng ta ở trên trời và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Ki-tô sẽ từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3.20-21). Tinh thần này cũng được diễn tả trong mầu nhiệm thứ hai trong Năm Sự Mừng của kinh Mân Côi: “Thứ hai thị ngắm Đức Chúa Giê-su lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”.

Như vậy, bài đọc một và trình thuật Tin Mừng giúp chúng ta hiểu được rằng, Đức Ki-tô lên trời không có nghĩa là Người rời xa chúng ta. Người vẫn sống và ở giữa chúng ta bằng một cách thế mới. Người không còn ở một nơi cụ thể trên thế gian như trước; từ nay Người ở trong vinh quang của Thiên Chúa, trong mọi không gian và thời gian, và như thế cũng rất gần gũi với mỗi người chúng ta. Người về cùng Chúa Cha, nhưng đồng thời, Người cũng ở cùng chúng ta như chính Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Mặt khác, chúng ta vui mừng, vì Chúa về trời và Người cũng chuẩn bị chỗ cho tất cả chúng ta: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3). Chúa về trời để khai thông con đường nối liền đất với trời, con người với Thiên Chúa. Con đường ấy mang tên Giê-su, như chính Người đã nói: “Chính Thầy là con đường là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

  1. Chúng ta ra đi

Mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên là Chúa kết thúc cuộc sống hữu hình tại thế, nhưng không phải là kết thúc tất cả, mà là một khởi đầu mới. Vì thế, trong thánh lễ hôm nay, chúng ta trào tràn niềm vui, chiêm ngắm chân dung uy nghi sáng láng của Chúa Thăng Thiên, đồng thời hưởng ứng lệnh truyền của Chúa: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 16,20).

Bổn phận của các môn đệ giờ đây không phải là đứng đó mải mê nhìn trời, nhưng là phải trở về cầu nguyện để chờ đợi lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần và sau đó lên đường với sứ vụ chứng nhân của Tin Mừng cứu độ, “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Kính thưa cộng đoàn, khi Chúa về trời mặc dầu chỉ có một nhóm môn đệ ít ỏi, và dù khả năng của các ngài xem ra có hạn, không đủ để có thể chu toàn sứ mạng lớn lao, nhưng con số ít ỏi đó đã làm thay đổi thế giới, không phải nhờ sức riêng, nhưng là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Lễ Chúa Thăng Thiên là lễ tràn đầy niềm vui và niềm hy vọng cho tất cả nhân loại. Chúng ta là con cái của Chúa, chúng ta thừa hưởng đức tin do các Tông Đồ truyền lại dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta phải tận dụng cuộc sống đời tạm này để chuẩn bị cho chuyến đi về nước trời vĩnh cửu. Chúng ta cũng được mời gọi để thi hành lệnh truyền của Chúa là ra đi loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô Phục Sinh là đấng cứu độ nhân loại, để đánh thức thế giới này nhận biết quê hương của nhân loại ở trên trời, nơi mà Chúa Ki-tô Phục Sinh đã đến trước để chuẩn bị chỗ cho những ai tin theo Ngài.

Việc Chúa về trời mời gọi chúng ta không nên đứng ngước nhìn trời cao, mà quên đi bổn phận trần thế. Bởi vì, trời không phải là nơi đến của người chỉ biết chăm lo cho ơn cứu độ của mình một cách ích kỷ, nhưng là đích điểm của hành trình trần thế, là nơi dành cho những người biết hoàn tất cách tốt đẹp bổn phận trong ơn gọi làm người của mình. Bài đọc một và trình thuật Tin Mừng cho chúng ta thấy lệnh truyền của Chúa trước khi về trời là sai các môn đệ và những ai tin theo Chúa rằng: Sau khi đã nhận được Thánh Thần thì hãy ra đi rao giảng Tin Mừng Đức Ki-tô Phục

Sinh cho muôn dân. Cũng như các môn đệ, chúng ta chỉ có thể ra đi rao giảng Tin Mừng khi chúng ta đã gặp gỡ Đức Ki-tô Phục Sinh và đã được đón nhận Thánh Thần. Chúng ta phải ở với Chúa, nói với Chúa trước khi ra đi nói về Chúa cho người khác.

Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương mà Chúa đã nhập thể mang lấy thân phận con người chúng con; Chúa đã chết, nhưng không phải là dấu chấm hết, mà từ trong cõi chết, Chúa đã phục sinh và lên trời. Chúa đã lên trời để khai thông con đường cho chúng con cũng được lên trời với Chúa. Xin Chúa cho tất cả chúng con biết ái mộ những sự trên trời, để chúng con tuy còn ở dưới thế, nhưng lòng hướng về trời cao là thiên đàng vinh phúc mà sống theo giáo huấn của Chúa nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Amen.

 


 

CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA (Lm. Antôn Lê Sơn, SVD)

Giáo lý Phật Giáo chủ trương: với con đường“bát chánh đạo”, hy vọng con người được giải thoát khỏi những bi luỵ trong kiếp nhân sinh, nhưng“thập nhị nhân duyên” vẫn còn đó. Bởi quy luật bất biến ngàn đời vẫn là: “sinh, lão, bệnh, tử”. Niềm hy vọng được siêu độ đến thế giới an vui và hạnh phúc đời sau, không chỉ dành cho các phật tử hay tín đồ Phật Giáo mà cũng là khao khát của mọi kẻ mang kiếp phàm nhân. Tuy nhiên, con đường cứu độ con người của Đức Giêsu hoàn toàn khác.Từ một Thiên Chúa uy quyền, vinh hiển vô song, Ngài đã tự huỷ (kenosis) chính mình chỉ vì muốn biến cải địa vị của những kẻ yếu hèn tội lỗi chúng ta thành những người được sống hạnh phúc viên mãn mai sau. Lễ Thăng Thiên là thông điệp chứa chan niềm hy vọng cho tất cả những ai đón nhận Tin Mừng cứu độ của Con Thiên Chúa làm người; đó cũng chính là cuộc giải thoát đúng nghĩa và đích thực nhất do chính Đức Giêsu đã thực hiện.

  1. Đường về trời: “Tìm một con đường, tìm một lối đi”?

Tác giả linh mục Văn Chi trong bài hát: “Con đường Chúa đã đi qua” đã thể hiện khát vọng thay cho những tâm hồn muốn hoà mình vào trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu: “Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằn sâu trên trán. Lạy Chúa, thánh giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư… Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài… Xin cho con được chết với Ngài,để được sống với Ngài vinh quang”. Triết lý Phật Giáo dạy rằng để khỏi vướng vào “bể khổ” trần gian thì tìm cách tránh khổ, tránh nạn. Còn Đức Giêsu lại “tìm một con đường, tìm một lối đi”, khác bằng cách ôm trọn tội đời, hiến mình trong đau khổ để bước tới vinh quang phục sinh và quy hồi trong vinh hiển bên hữu Chúa Cha. Cuối cùng, con đường nào cho nhân gian, lối đi nào là đích thực? Ngã rẽ nào đưa con người thực sự siêu độ, giải thoát và đạt tới hạnh phúc vinh quang?

Đức Giêsu không dạy những kẻ tin theo Ngài bằng việc chối từ đau khổ, cũng không chủ trương vượt thoát bi luỵ trần gian để cứu độ chúng sinh. Khi chiêm ngắm cuộc đời dương thế của Ngài, chúng ta thấy cả một chuỗi liên kết của những “từ bỏ”. Từ việc hạ sinh trong máng cỏ nơi hang bò lừa đến chuyện mang căn cước của một làng quê nghèo, vô danh tiểu tốt: “Từ nazareth thì có cái gì hay ho” (Ga 1,46). Ngài vui lòng để thánh Gioan Tẩy giả dìm mình trong dòng nước Giođan như một tội nhân,sẵn sàng trở nên thân hữu với kẻ tội lỗi và đón nhận những kẻ bất tài, vô học làm những người thân tín và nghĩa thiết. Ngài quỳ gối rửa chân như một kẻ nô lệ cho các môn sinh, cam lòng lãnh án tử một cách ê chề nhục nhã như một tội đồ, ngay cả đến phần mộ cũng phải nương nhờ. Ngài như hạt lúa mì Chúa Cha gieo vào trần gian đã chấp nhận mục nát, chết đi để sinh nhiều bông hạt khác, hứa hẹn một mùa gặt bội thu. Như thế con đường của vinh quang phục sinh và hạnh phúc thiên đàng ắt hẳn phải trải qua chính là con đường của hy sinh và thập giá vì yêu thương. Ngài đang mời gọi chúng ta đi lại con đường đó.

  1. Con đường dẫn tới hạnh phúc bất diệt

Chúng ta đã có một vị hướng đạo sinh: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).Trong tác phẩm “Con Đường Về Trời” của Đức Hồng Y Fulton Sheen, ngài viết: “Thực tế thiên đàng hay hoả ngục không phải là hình phạt hay phần thưởng cho nhiệm ý cuộc đời chúng ta. Nó gắn liền hay là kết quả của mỗi cuộc sống”[1].

Tất cả chúng ta, ai ai cũng mong muốn có một cuộc sống đủ đầy, dư giả và hạnh phúc viên mãn ngay từ những tháng ngày ở dương gian. Thiên đàng là ước vọng chính đáng, sâu xa, một thực tế vô hình, nhưng lại chi phối cuộc sống hiện tại của tất cả những ai mang niềm xác tín về sự sống đời sau. Sự trả giá của hạnh phúc thiên đàng chính là cuộc nội chiến lương tâm xảy ra nơi mỗi cá nhân con người, đấu tranh về sự tồn sinh của việc thiện phải làm dưới sự dám sát và linh đạo của lương tri chân chính của mỗi người dựa trên nền tảng lời Chúa và giáo lý Ngài chỉ dạy. Bên kia là sự đối lập gay gắt của sự tự do, lợi ích trần thế và sự lấp đầy no thoả mọi dục vọng của kiếp nhân sinh. Nếu nhìn từ góc độ này thì cuộc đời con người quả là một tấn bi kịch lớn. Tuy nhiên, mỗi người có thể nói có hay nói không cho định mệnh đời đời của mình; đó chính là ân huệ tự do mà Thiên Chúa đã trao tặng cho mỗi cá vị khi bắt đầu khởi sự ơn gọi làm người của họ. Hạnh phúc thiên đàng là một thực tế vượt tầm với của lý trí và ý chí nhân loại! Nhưng ước vọng đó lại được khăng khít và liên đới chặt chẽ nơi bản tính nhân loại của Đức Kitô và nơi cõi thâm sâu trong linh hồn mỗi người Kitô hữu chúng ta. Đón nhận sự thật vào trí khôn, quyền lực và khát vọng thiêng liêng vào lòng muốn, là xây dựng cuộc đời và lý tưởng của chúng ta trở nên cao thượng hơn một thụ tạo bình thường, nghĩa là chúng ta đã vượt ra ngoài phạm vi ranh giới của sản phẩm vật chất của một thọ sinh để tham dự vào sự sống và bản tính thần linh của Đấng Sáng Tạo.

Như vậy, lộ trình về trời hoàn toàn khác với con đường vật lý mà nhà văn Lỗ Tấn đã khám phá ra. Đức Giêsu khai sáng một lộ trình dẫn tới hạnh phúc đích thực hoàn toàn mới mẻ. Hành trang bằng thập giá, lối đi vừa dài vừa hẹp, lắm chông gai và nhiều gian khổ. Phần thưởng và vinh quang chỉ dành cho những ai kiên cường vượt đỉnh non cao của đỉnh đồi thập giá. Lễ Thăng Thiên là phần thưởng, đồng thời là tấm huy chương, là vinh dự lớn lao kết tinh của cả một cuộc đời làm người không ngừng từ bỏ ý riêng để vâng phục thánh ý Chúa Cha của Đức Giêsu. Đây cũng chính là khởi đầu cho một dân tộc với những chiến thắng vang dội trong lịch sử cứu độ: “Thầy đã thắng thế gian”. Sự chết, quyền lực sự dữ, tối tăm của sự ác đã thảm bại vì chính Đức Kitô đã khải hoàn nơi biến cố Phục Sinh và về trời của Ngài.

  1. Tấm biển chỉ dẫn đường về trời

Lộ trình về trời xa hun hút, vắng người đi, biển báo nhạt nhoà, gần như không có gì ngoài tấm biển báo duy nhất mà Đức Giêsu để lại: “Thập giá”. Tất cả chỉ dựa vào sự hiểu biết chân lý lẽ sống được kết tinh từ những gì Ngài đã thông truyền qua các bí tích họ đã lãnh nhận. Hành trình nước trời chỉ dành cho những ai thực sự quả cảm:“Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24,13). Làm sao người ta có đủ nhiệt huyết, nhuệ khí về trời khi trong tâm hồn họ không cháy bỏng khát vọng về sự sống siêu nhiên? Một kẻ luôn mặc cảm với chính mình, bất ổn trong lương tâm, thù hận với tha nhân và tìm cách phủ nhận tình yêu của Thiên Chúa thì không bao giờ muốn đến cùng sự thật và ánh sáng. Tội lỗi là nhân tố trì kéo con người xa lánh ước vọng về sự sống trường cửu.

 Mừng lễ Thăng Thiên là cử hành một biến cố hết sức quan trọng trong đời sống đức tin của Giáo Hội. Đồng thời cũng là dịp khơi lại niềm hy vọng tột cùng của mọi Kitô hữu là hướng về quê trời, nơi hạnh phúc vinh quang đang đợi chờ chúng ta. Để dành được chiến thắng và phần thưởng Nước Trời, tất cả chúng ta đều được mời gọi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy,… dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,18-19), chứ không phải “đứng nhìn lên trời” (x. Cv 1,11). Để chinh phục được vinh quang hạnh phúc Nước Trời, Đức Giêsu luôn mời gọi chúng ta đi lại con đường Ngài đã đi. Con đường của hy sinh bỏ mình, yêu thương phục vụ tha nhân như chính Ngài đã làm gương cho chúng ta.

[1] ĐHY Fulton Sheen, Lời phi lộ, Con đường về trời.

 

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, Năm A (Mt 28,16-20)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Chúa Thăng Thiên, năm A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.