Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, Năm A (Mt 28,16-20)

0
471

RA ĐI VÀ MÔN ĐỆ HÓA MUÔN DÂN

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

 

Việt Hy Lạp
16 Mười Một môn đệ đi vào Galilê vào ngọn núi nơi mà Đức Giêsu đã chỉ định cho họ.

17 khi thấy Người họ bái thờ, nhưng có những người hoài nghi.

18 Đức Giêsu tiến về và nói cùng họ rằng: Tất cả quyền trên trời và dưới đất đều được trao ban cho Thầy.

19 Hãy đi làm cho tất cả các dân tộc trở thành môn đệ, làm phép dìm cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Linh.

20 Dạy cho họ tuân giữ tất cả những điều Thầy truyền cho anh em. Và này, chính Thầy ở cùng anh em tất cả các ngày cho đến tật cùng của thời gian.

16  Οἱ δὲ ἕνδεκα μαθηταὶ ἐπορεύθησαν εἰς τὴν Γαλιλαίαν εἰς τὸ ὄρος οὗ ἐτάξατο αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς,

17  καὶ ἰδόντες αὐτὸν προσεκύνησαν, οἱ δὲ ἐδίστασαν.

18  καὶ προσελθὼν ὁ Ἰησοῦς ἐλάλησεν αὐτοῖς λέγων· ἐδόθη μοι πᾶσα ἐξουσία ἐν οὐρανῷ καὶ ἐπὶ [τῆς] γῆς.

19  πορευθέντες οὖν μαθητεύσατε πάντα τὰ ἔθνη, βαπτίζοντες αὐτοὺς εἰς τὸ ὄνομα τοῦ πατρὸς καὶ τοῦ υἱοῦ καὶ τοῦ ἁγίου πνεύματος,

20 διδάσκοντες αὐτοὺς τηρεῖν πάντα ὅσα ἐνετειλάμην ὑμῖν· καὶ ἰδοὺ ἐγὼ μεθ᾽ ὑμῶν εἰμι πάσας τὰς ἡμέρας ἕως τῆς συντελείας τοῦ αἰῶνος. (Matt. 28:16-20 BGT)

 

Bối cảnh bản văn

Đoạn Tin Mừng Mt 28,16-20 nằm cuối cùng sách Tin Mừng thứ nhất (Tin Mừng Mátthêu). Nó nằm trong loạt những đoạn Tin Mừng tường thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra sau khi Người Phục Sinh. Đây là trình thuật về lần hiện ra cuối cùng, theo Mátthêu. Lần hiện ra này là một cuộc hẹn trước ở Galilê. Theo Luca, rất có thể lần hiện ra cuối cùng này của Đức Giêsu xảy ra tại Jêrusalem, vì ngay sau đó, Đức Giêsu dẫn các ông đến một nơi gần Bêtania, rồi lên trời tại đó (Lc 24,50-51). Máccô không đề cập đến nơi chốn của cuộc hiện ra này. Gioan cũng dường như cho thấy các cuộc hiện ra đều diễn ra tại Jêrusalem, ngoại trừ lần thứ ba, tại biển hồ Tibêria (Ga 21,1-14). Trong lần hiện ra này, trong cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều có mệnh lệnh ra đi thi hành sứ vụ. Tuy nhiên, mỗi tác giả ghi lại mỗi cách thức khác nhau. Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu nói rằng: “Khi đi ra khắp muôn phương, anh em hãy loan báo Tin Mừng cho khắp mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Thánh Luca cũng ghi lại mệnh lệnh rằng: “Phải rao giảng Phép Rửa tỏ hoán cải để được ơn tha thứ nhờ danh Người” (Lc 24,47). Thánh Mátthêu lại nói đến mệnh lệnh làm cho mọi người trở thành môn đệ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Thánh Gioan không ghi lại mệnh lệnh cụ thể nhưng vẫn không thiếu sự sai đi: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Sách Công Vụ Tông Đồ, nói đến nhiệm vụ chứng nhân: “Bấy giờ anh em sẽ là những chứng nhân của Thầy tại Jêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Một trong những đặc tính quan trọng nhất của mệnh lệnh này là “Phép Rửa”. Máccô nói đến việc “ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ” (16,16a). Mátthêu có công thức làm Phép Rửa nổi tiếng nhân danh Ba Ngôi, được Giáo Hội áp dụng cho đến ngày nay: “Làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Luca không đề cập đến làm “Phép Rửa”. Tuy vậy, Sách Công Vụ Tông đồ, cũng do Luca viết, kể lại rất nhiều hoạt động làm Phép Rửa của các Tông Đồ (Cv 2,41; 8,12-13.38). Phaolô cũng chịu Phép Rửa khi trở lại (Cv 9,18). Công vụ Tông Đồ còn nói đến một Phép Rửa Nhân Danh Đức Giêsu (Cv 8,16). Chủ đề Phép Rửa trong mệnh lệnh của Đức Giêsu làm độc giả không thể không nghĩ đến Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả. Gioan rao giảng “Phép Rửa của lòng hoán cải” (Mt 3,11; Mc 1,4;). Ông làm Phép Rửa cho nhiều người (Mt 3,6-7; Mc 1,5; Lc 3,12; Lc 7,29; Ga 1,25; 3,23.26). Chính Đức Giêsu cũng chịu Phép Rửa bởi Gioan Tẩy Giả (Mt 3,13.16). Theo Tin Mừng Gioan, chính Đức Giêsu cũng làm Phép Rửa (“sau đó Đức Giêsu và các môn đã đi tới miền Giuđê, Người ở lại đó với các ông và làm Phép Rửa”: Ga 3,22; Ga 4,1). Các Tin Mừng còn nhắc đến việc Đức Giêsu được Gioan Tẩy Giả giới thiệu như là Đấng làm Phép Rửa trong Thánh Thần (Mt 3,11, Mc 1,8; Lc 3,16; Ga 1,33; Mt và Lc thêm vào “và lửa”). Trong Sách Công Vụ, chính Đức Giêsu đã hứa rằng các Tông Đồ sẽ được “Rửa trong Thánh Thần” (Cv 1,5; 11,16). Biến cố Ngũ Tuần trong Cv 2,1-12, là hiện thực hóa lời hứa này. Trong khi Máccô và Luca đều trình thuật sự kiện Đức Giêsu lên trời (Mc 16,19; Lc 24,50; Cv 1,9), Mátthêu lại ghi lại lời hứa “ở cùng” của Đức Giêsu: “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19). Lời hứa “ở cùng” vào cuối đoạn này gọi nhớ đến danh xưng của Hài Nhi Giêsu đã được nhắc đến khi giải thích cho mệnh lệnh của sứ thần là phải đặt tên con trẻ là Giêsu. Lời ghi chú là: “tất cả những sự việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán qua miệng các ngôn sứ ‘này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, và người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,22-23). Lời ghi chú này ám chỉ đến Is 7,14 nói về lời hứa về sự giáng sinh Đấng Mêsia. Như thế, Mt 28,16-20 được chọn đọc vào Lễ Chúa Thăng Thiên, theo phụng vụ Năm A. Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng này không có chi tiết nào kể về việc Đức Giêsu lên trời, vì theo thần học Matthêu, Đức Giêsu luôn ở cùng với các môn đệ mọi ngày cho đến tận cùng thời gian.

Giới hạn bản văn: Đoạn văn được tách biệt với đoạn trước đó bằng một sự thay đổi về không gian rõ nét: Galilê. Hơn nữa, nội dung, sự kiện và nhân vật cũng khác hoàn toàn so với đoạn văn trước đó. Đoạn 28,11-15, trình thuật về sự kiện lính canh báo cho các Thượng tế biết sự việc “ngôi mộ trống”. Rồi các Thượng Tế cho lính canh tiền và chỉ cho họ cách nói dối rằng: “Các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”. Kết quả là câu chuyện ấy vẫn được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay. Đoạn Mt 28,16-20 là cuộc hẹn giữa Đức Giêsu và các môn đệ với mệnh lệnh truyền giáo và lời hứa “ở cùng mọi ngày cho đến tận thế”.

Cấu trúc: Mt 28,16-20 có thể được chia thành 5 tiểu phần. Tiểu phần (A) là phần giới thiệu về bối cảnh: nơi chốn và nhân vật. Bốn tiểu phần còn lại được cấu trúc theo kiểu bậc cấp: tiểu phần sau đi theo tiểu phần trước và được đặt nền trên tiểu phần trước nó. Tiểu phần (B) là cuộc gặp gỡ và có biểu hiện hoài nghi nơi một số môn đệ. Tiểu phần (C) Đức Giêsu minh chứng Người đã được trao quyền trên trời và dưới đất. Sau khi đã trấn an các môn đệ bởi sự khẳng định quyền, trong tiểu phần (D) Đức Giêsu trao ban sứ vụ gồm bốn hành động: (i) Ra đi; (ii) Làm cho muôn dân trở thành môn đệ; (iii) Làm Phép Rửa nhân danh Cha và Con và Pnêuma Thánh; (iv) dạy họ tuân giữ những điều Đức Giêsu đã truyền. Cuối cùng, sau khi trao ban sứ vụ là (E): Lời hứa ở cùng mọi ngày cho đến tận thế.

 

(A) Bối cảnh: Không gian và nhân vật: Galilê, núi; Đức Giêsu và các môn đệ (28,16)

(B) Gặp gỡ và phản ứng: Bái lạy và một số hoài nghi (28,17)

(C) Khẳng định quyền: “Tôi đã được ban tất cả quyền trên trời và dưới đất” (28,18)

(D) Mệnh lệnh: Ra đi,

       làm cho muôn dân thành những môn đệ,

làm phép dìm,

dạy tuân giữ (28,19 -20a)

(E) Lời hứa: “Ở cùng mọi ngày cho đến tận cùng của thời gian” (28,20b)

 

Một số điểm chú giải

  1. Galilê: Đây là vùng đất quê hương của Đức Giêsu và của các môn đệ.[1] Galilê thuộc miền Bắc của nước Israel. Đây chính là vùng đất Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ và trải qua hầu hết thời gian rao giảng của mình. Galilê thời Chúa Giêsu được chia làm hai vùng là Galilê thượng và Galilê hạ. Trong khi Galilê thượng hầu hết là những vùng đồi núi khô cằn thì Galilê hạ là vùng đất trù phú có nhiều đồng bằng thuận lợi cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Galilê có đại lộ Đông-Tây nổi tiếng, là đường giao thương buôn bán qua lại giữa các vùng. Đặc biệt Galilê hạ có hai thành phố giàu có và nổi tiếng là Sephoris và Tiberia. Đây là hai thành phố được Hêrôđê Antipa xây dựng. Thành phố Tiberia nằm ngay bên biển hồ Galilê. Chính vì thế mà biển hồ Galilê còn được gọi là biển hồ Tiberia (Ga 6,1). Thành cổ Caphácnaum nằm ngay bên bờ biển hồ Galilê. Bétsaida, Nadarét, núi Tabo, Mácđala (quê hương của bà Maria Mađalênê), Cana đều nằm trong vùng Galilê. Muốn đi từ Galilê lên Jêrusalem người ta phải băng qua miền trung Samari. Tại sao Đức Giêsu lại bắt đầu sứ vụ của Người tại Galilê và Galilê có phải là vùng đất của dân ngoại? Là hai câu hỏi mà các nhà chú giải vẫn còn nhiều tranh luận. Có thể Galilê là vùng đất của dân ngoại nên Đức Giêsu dành nhiều thời gian tại đây để rao giảng Tin Vui. Hoặc cũng có thể vì Đức Giêsu là người Nadarét, nên Người quen thuộc Galilê hơn vùng kinh thành Jêrusalem. Có một điều khá lạ lùng là Thánh Kinh chẳng có một tường thuật nào ghi lại Người vào một thành phố lớn nào như Sephoris hay Tiberia để rao giảng. Người ưa thích miền quê, ven biển và miền núi, vùng dân ngoại ngoài Galilê. Jêrusalem cũng chỉ là nơi Người trải qua cuộc Thương Khó và bị giết chết. Mátthêu nhắc đến địa danh Galilê 17 lần. Đó là nơi cha-con, Đức Giêsu – Giuse lui về khi trở về từ Ai Cập (Mt 2,22); chịu phép rửa (Mt 3,13; Mc 1,9); là nơi Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng (Mt 4,12; Mc 1,14); là nơi Người chọn bốn môn đệ đầu tiên (Mt 4,18; Mc 1,16); nơi Đức Giêsu thông báo về việc Người sẽ bị nộp vào tay người đời (Mt 17,22). Hơn nữa, Galilê còn là điểm hẹn đặc biệt giữa Đức Giêsu và các môn đệ sau khi Người Phục Sinh: Đức Giêsu hứa rằng “sau khi được chỗi dậy tôi sẽ đi Galilê trước anh em” (Mt 26,32; Mc 14,28); lời hứa này được thiên thần nhắc lại với Maria Mađalênê và một bà Maria khác: “Người đã được trỗi dậy từ cõi chết và Người thực sự đi trước anh em đến Galilê, nơi đó anh em sẽ được gặp Người” (Mt 28,7; Mc 16,7); rồi, chính Đấng Phục Sinh cũng nhắc như vậy trong mệnh lệnh của Người: “Hãy đi và bảo anh em của tôi đến Galilê, họ sẽ được thấy tôi ở đó (Mt 18,10). Nơi khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu cũng là nơi khởi đầu sứ vụ các môn đệ.[2] Đức Giêsu ngay sau khi nghe tin Gioan bị nộp đã “rút lui về miền Galilê” để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaiah: ‘Galilê vùng đất của dân ngoại, đoàn dân đang ngồi trong bóng tối đã thấy một ánh sáng huy hoàng (Mt 4,14-16; Cf. Is 9,1-2). Dân ngoại bây giờ không còn gói gọn trong vùng Galilê nữa nhưng là “toàn thể các dân nước”, bắt đầu từ Galilê.[3] Thế nhưng, đừng quên, hoạt động và hoa trái, những mẻ lưới nặng cá đầu tiên đã diễn ra tại Jêrusalem được ghi lại trong sách Công Vụ Tông Đồ. Tác giả Luca mô tả về một nơi khởi đầu khác: Từ Jêrusalem, Giuđê, Samari và đến tận cùng trái đất.
  2. Đã chỉ định trước”: Động từ “định trước, sắp xếp trước” được chia ở thì aorist, ngôi thứ 3 số ít. Đức Giêsu đã định trước một ngọn núi nơi mà họ sẽ gặp lại sau biến cố Phục Sinh và khi các bà nhắc đến lời hứa hẹn này, chắc chắn các môn đệ biết là nơi nào. Sự định trước này có thể nằm trong lời hứa này: “Sau khi được chỗi dậy tôi sẽ đi Galilê trước anh em” (Mt 26,32; Mc 14,28). Không biết ngọn núi đó là núi nào nhưng trong suy nghĩ của người Do Thái, núi và đồi là những nơi mặc khải thần linh.[4] Ngọn núi tự cho thấy sự nối kết với nhân vật Môsê của thời Cựu Ước, hình ảnh vốn được Mátthêu ám chỉ đến nhiều. Ví dụ như Bài Giảng Trên Núi (Mt 5,1); Đức Giêsu dẫn bộ ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi (Mt 17,1-2); Đức Giêsu lên núi ngồi và đám người đông đảo kéo đến với Người.[5] Núi là nơi Đức Giêsu giảng dạy như một Môsê mới và cũng là nơi Người trao ban sứ vụ quan trọng: Làm cho tất cả các dân thành môn đệ.
  3. Bái thờ: Thái độ của nhóm Mười Một bị phân chia trước Đức Giêsu. Những người bái thờ Đức Giêsu có thể là những người đã tin rằng Đức Giêsu Phục Sinh và vượt trên con người.[6] Nhóm môn đệ này đã có nhiều ngày để phản tỉnh và chờ đợi cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh. Do vậy, họ có thể đã tin tưởng vào sự Phục Sinh của Người.[7]
  4. Những người hoài nghi”: Động từ “διστάζω” chỉ xảy ra một lần khác trong Tân Ước, nơi mà ông Phêrô được diễn tả là nghi ngờ (Mt 14,31). Lý thú là trong bối cảnh đó, động từ bái thờ cũng được dùng cùng với sự nhìn nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (14,33). Tin Mừng Mátthêu chỉ tường thuật hai lần Đức Giêsu hiện ra sau khi Người Phục Sinh. Lần thứ nhất, Người hiện ra với bà Maria Mađalênê và một bà Maria khác trên đường họ trở về từ “Ngôi mộ trống”. Lần thứ hai, chính là lần hẹn ở Galilê này. Việc nhóm Mười Một đến Galilê giả định rằng trước đó những bà này đã gặp gỡ nhóm này và đã nói với họ về mệnh lệnh của Đức Giêsu: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ gặp Thầy ở đó” (Mt 28,10). Nghĩa là, trước lần này, theo Mátthêu, chưa có môn đệ nào gặp Đức Giêsu và lần mà họ gặp Đức Giêsu duy nhất chính là lần hẹn Galilê. Chính vì thế, sự nghi ngờ trong lòng một số người hoặc có thể là toàn bộ Nhóm Mười Một, cũng có thể lý giải được. Tin Mừng Máccô ghi lại cảm giác hoài nghi của các môn đệ còn ly kỳ hơn. Bà Maria Mađalênê, sau khi gặp Chúa Phục Sinh, đi nói với những người đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc, nhưng họ không tin lời bà (Mc 16,10-11). Hai người môn đệ trên đường về quê, sau khi đã thấy Chúa Phục Sinh, quay trở lại báo cho những ông khác nhưng những ông này cũng không tin (Mc 16,12-13). Cuối cùng, khi Đức Giêsu hiện ra với nhóm Mười Một, Người đã khiển trách sự không tin và cứng lòng của các ông (Mc 16,14). Luca ghi lại cách mà Đức Giêsu xóa tan mối nghi ngờ trong lòng các ông qua nhiều giai đoạn: (1) bằng lời trấn an và mời gọi nhìn xem và sờ chạm: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24,39-40); (2) Ăn cá nướng: “Các ông đưa cho Người một phần cá nướng, Người cầm lầy và ăn trước mặt các ông” (Lc 24,42-43). Tác giả Gioan còn ghi lại nghi ngờ của ông Tôma, dù cho các môn đệ khác cho ông biết là Chúa đã sống lại và họ đã được gặp Chúa (Ga 20,24-29). Hơn nữa, trong Ga 21,4-7, các môn đệ thấy Đức Gêsu đứng trên bờ biển, chỉ dẫn cho họ thả lưới đánh cá, nhưng vẫn không nhận ra, cho đến khi “người môn đệ Chúa yêu” nhận ra Chúa. Tất cả những chứng cứ này cho thấy rằng mối nghi ngờ về Đấng Phục Sinh vốn tồn tại trong lòng các môn đệ. Trong lần gặp này, Đức Giêsu phải giải quyết, đánh tan mọi mối nghi ngờ và trao ban sứ vụ làm chứng cho người khác tin nữa.

Tác giả D. Hagner trưng dẫn một thảo luận dài của các nhà chú giải về cách hiểu động từ “hoài nghi” trong bối cảnh này. Cuối cùng, ông chọn giải pháp là các môn đệ dường như “do dự”, cảm thấy chưa tin hoàn toàn vì biến cố quá lớn, quá lạ lùng. Họ cần thời gian để tin cách hoàn toàn. Và ông cũng đề cập đến lý do tại sao tác giả Mátthêu không đưa ra một cách giải quyết cho sự do dự này của các môn đệ. Lý do là tác giả muốn để cho độc giả tự mình tham gia trả lời cho vấn nạn ấy. Khó khăn của các môn đệ lúc bấy giờ cũng là khó khăn của những người tin qua các thế hệ.[8]

  1. Quyền năng trên trời dưới đất”: Kiểu nói này gợi nhớ đến Đn 7,14 nói về quyền năng và vinh quang được ban cho Con Người: “Quyền năng và vinh quang và một vương quốc được ban cho Người, tất cả các dân, các nước, và các ngôn ngữ phải phục vụ Người, quyền thống trị của Người là quyền thống trị vĩnh cửu, không qua đi, và vương quốc không bị phá hủy”. Đức Giêsu cũng thường dùng ngôn ngữ của Đn 7,13-14 để mô tả địa vị tối cao của Con Người (16,28; 19,28; 24,30-31; 25, 31-34; 26,64). Có ba đoạn văn trong Mátthêu chỉ ra rằng quyền năng tối cao được đạt đến trong tương lai gần và được những người đang sống nhìn thấy (16,28; 24,30-34; 26,64).[9] Khác với trong Máccô và Luca, Đức Giêsu khiển trách và làm nhiều điều để xóa tan mọi nghi ngờ của các môn đệ, ở đây Đức Giêsu chỉ khẳng định Người có “quyền năng trên trời và dưới đất”, toàn thể không gian của vũ trụ. Theo tác giả Michel, đây là một trong ba đặc tính của lối kết luận Tin Mừng theo mẫu thức của nghi thức phong vương nơi vùng Trung Cận Đông Cổ: (i) quyền năng, (ii) chủ quyền và (iii) sự nhận biết mang tính hoàn vũ. Tác giả Jeremias cũng cung cấp một phân tích liên hệ: (1) Sự tôn vinh, (ii) Công bố và (iii) Sự lên ngôi.[10] Trong trình thuật “cám dỗ”, Satan đã hứa trao cho Đức Giêsu quyền trên các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của nó, nếu Đức Giêsu bái lạy nó, nhưng Đức Giêsu đã từ chối. Đức Giêsu đã chiến thắng quỷ trong cơn cám dỗ đầu tiên và cuối cùng trên thập giá, để nhận lãnh toàn bộ vinh quang mà Chúa Cha ban tặng.[11]
  2. Làm cho muôn dân thành môn đ”: Cụm danh từ “πάντα τὰ ἔθνη” (tất cả các dân tộc) mở rộng biên cương của những ứng viên trở thành môn đệ Đức Giêsu ra vô tận. Cho đến lúc các môn đệ nhận mệnh lệnh này, nhóm môn đệ có thể là chỉ Nhóm Mười Một, nhóm bảy mươi hai môn đệ, cùng tất cả những người tin vào Đức Giêsu. Thế nhưng, mệnh lệnh này mời gọi các môn đệ mở rộng biên cương cho tất cả mọi người. Họ phải làm cho tất cả mọi người trên thế giới này trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Sứ vụ của họ không còn đơn giản là các con chiên lạc nhà Israel (Mt 10,6; 15,24) nhưng là cho muôn quốc gia như Đức Giêsu đã từng dự đoán (Mt 24,14; Cf. 26,13).[12] Quyền trên trời dưới đất ngụ ý quyền trên tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng là môn đệ của Người. Vì thế, các môn đệ nhận lãnh trách vụ làm cho mọi người tin nhận quyền của Đức Giêsu trên toàn cõi vũ hoàn.
  3. Làm phép dìm: Động từ “báp-tí-dồ” (βαπτίζω) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là dìm trong nước, hay thanh tẩy bằng cách rửa. Mátthêu cũng như các Tin Mưng Nhất Lãm khác đã nói đến Phép Rửa của lòng hoán cải của Gioan Tẩy Giả. Phép dìm trong bối cảnh này khác với của Gioan Tẩy Giả. Phép Rửa này là Phép Rửa trong Thánh Thần. Niềm tin căn bản là tin vào sứ điệp Tin Mừng mà các Tông Đồ rao giảng: Đức Giêsu là Đấng Kitô mà Cựu Ước đã nói đến; Người đã chết và Phục Sinh để mang lại sự sống vĩnh cửu cho những người tin. Phép Rửa này chính là Phép Rửa mà Gioan Tẩy Giả đã từng báo trước khi ông rao giảng Phép Rửa của lòng sám hối. Gioan đã rao giảng rằng sẽ có một Phép Rửa trong Thánh Thần và lửa (Mt 3,11; Mc 1,8; Lc 3,16). Chính Đức Giêsu cũng nhắc lại Phép Rửa của Gioan và hứa Phép Rửa trong Thánh Thần cho các môn đệ (Cv 1,5; Cf. 11,16). Như tác động của Thánh Thần trên cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu, sứ vụ của các Tông Đồ cũng không thể sinh hoa trái nếu không có Thánh Thần. Phép Rửa trong Thánh Thần này được ban cho các Tông Đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-13). Sau biến cố Ngũ Tuần, Phêrô đã rao giảng và kêu gọi: “Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ của Thánh Thần” (Cv 2,38). Phép Rửa này được làm nhân danh Đức Giêsu và thụ nhân sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Philípphê rao giảng và làm Phép Rửa cho người Samari (Cv 8,12); sau đó Phêrô và Gioan đến cầu nguyện cho họ để họ nhận được Thánh Thần (Cv 8,15-16). Phaolô đã làm Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu cho nhóm mười hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả và đặt tay ban Thánh Thần cho họ (Cv 19,1-7).
  4. Nhân danh của Cha và Con và Pnêuma Thánh (ἁγίου πνεύματος): Mẫu thức vô tiền của Phép Dìm dành cho các môn đệ mới nối kết Con với Cha và Pnêu-ma Thánh trong một danh xưng đơn nhất. Xuyên suốt Tin Mừng đã có những dấu vết cho thấy Đức Giêsu là nhân vật nào đó hơn một người rao giảng bình thường hay thậm chí hơn cả Mêsia. Người tương quan với Chúa như Con với Cha, và trong nhiều cách khác nhau Mátthêu đã cho phép chúng ta nhìn thấy Người hành động với quyền năng Thiên Chúa; trong sự đến của Người, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.[13] Công thức này cũng gợi nhớ đến “khoảnh khắc Ba Ngôi” vào thời điểm khai mạc sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Sau khi Đức Giêsu chịu Phép Dìm của Gioan Tẩy Giả, Người Thấy Pnêuma đi xuống trên mình và nghe giọng nói của Cha xác nhận: “đây là Con Ta yêu dấu, nơi Người Ta hài lòng” (Mt 3,16-17). Chịu Phép Dìm nhân danh Cha và Con và Pnêuma Thánh là được dìm vào bên trong một sự hiệp thông tình yêu Thiên Chúa-nhân loại. Ứng viên trở thành một người con yêu dấu trên đó sự ưa chuộng của Cha ngự trị.[14] Được làm môn đệ qua Phép Dìm nhân danh Ba Ngôi, là cơ may để các môn đệ chia sẻ tình con thảo với Cha trên trời, và sống tình yêu hiệp thông Ba Ngôi với Đức Giêsu và Pnêuma Thánh, cũng như với tất cả mọi người. Đó là căn tính và lý tưởng mà người môn đệ Đức Giêsu phải vươn đến.
  5. Tất cả những điều tôi đã truyền”: tất cả những điều Đức Giêsu đã truyền là cách nói tổng quát nhìn ngược lại để tóm lược tất cả sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu.[15] “Tuân giữ” đề nghị rằng giữ Luật như đã được Đức Giêsu diễn giải trong Bài Giảng như thể là ghi nhớ lời kêu gọi của Người liên quan đến “điều Chúa muốn” (lòng thương xót hơn là của lễ) (Mt 9,13; 12,17); lời mời gọi của Người đối với người thanh niên (nếu anh muốn nên hoàn thiện) (Mt 19,17-21); câu trả lời của Người về điều răn trọng nhất (Mt 22,34-40); và tiêu chuẩn để vào sự sống đời đời được đưa ra trong bối cảnh cuộc xét xử cuối cùng (Mt 25,31-46).[16] Tiến trình “làm phép rửa”, rồi dạy, như một tiến trình liên tục của hành trình làm môn đệ. Trước khi chịu phép rửa các tân tòng đã được dạy về Đức Giêsu nhưng họ phải tiếp tục thụ huấn giáo huấn của Đức Giêsu cách liên tục.[17]
  6. cùng”: Sách Cựu Ước nói đến lời hứa “ở cùng” khi Chúa trao ban sứ vụ trong hai trường hợp. (i) Trong bối cảnh Đức Chúa sai ông Giôsuê con ông Nun, Người nói “hãy mạnh mẽ và can trường, vì ngươi sẽ mang dân Israel vào trong vùng đất mà Ta đã thề sẽ ban cho họ. Ta sẽ ở cùng ngươi” (Đnl 31,23). (ii) Đức Chúa lặp lại với Giôsuê một lần nữa với nhiều cách nói khác nữa: “không có người nào có thể chống lại nổi ngươi trong mọi ngày đời của ngươi. Như thể Ta đã ở cùng Môsê, Ta cũng sẽ ở cùng ngươi. Ta sẽ không bỏ rơi ngươi hay rời xa ngươi” (Gs 1,5); “hãy mạnh mẽ lên và hãy can đảm lên. Đừng sợ, và đừng nao núng vì Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi sẽ ở với ngươi mọi nơi ngươi đi” (Gs 1,9). Đó là những lời hứa chắc chắn, đảm bảo cho sự thành công của Giô-suê trong sứ mạng chinh phục đất hứa. Như đã nói trên, lời hứa “ở cùng” cũng gợi nhớ đến lời công bố của sứ thần về sự Giáng Sinh của Đức Giêsu nhằm hoàn thành lời hứa thần linh đã được ghi lại trong Is 7,14. Người sẽ được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Biến cố này chỉ có Mátthêu ghi nhận và ông lại kết thúc Tin Mừng bằng lời hứa “ở cùng” như một cái kết trọn vẹn. Đức Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chính vì thế mà, cuối cùng, Người sẽ ở cùng các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế. “Sự ở cùng” của Đức Giêsu là hết sức cần thiết cho sứ vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của các môn đệ. Tin Mừng Máccô không ghi lại lời hứa “ở cùng” một cách lọng trọng như Mátthêu. Thế nhưng, trong lúc trao ban sứ vụ truyền giáo ấy, người ta vẫn nhận ra một “sự ở cùng” của Đức Chúa. Đó là sự ở cùng bằng cách “cùng hoạt động với các ông và làm những dấu lạ kèm theo” nhằm chứng nhận những điều các ông rao giảng (Mc 16,20). Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu cũng hứa sẽ “gửi đến với anh em điều Cha Thầy đã hứa” tức là Pnêu-ma Thánh (Lc 24,49). Nghĩa là, Pnêuma Thánh sẽ “ở cùng” và đồng hành cùng với các môn đệ trong suốt hành trình thi hành sứ vụ mà Đức Giêsu đã giao phó. Sách Công Vụ đã cho thấy sự hiện xuống và tác động của Pnêuma Thánh trên hoạt động truyền giáo của các Tông Đồ và đời sống Giáo Hội.

 

Bình luận tổng quát

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã hẹn hò với các môn đệ ở Galilê. Người cũng lặp lại cuộc hẹn này hai lần với những người phụ nữ sau khi Phục Sinh. Một lần qua sứ giả từ trời, và lần khác chính Người nói cùng những người phụ nữ. Đó cũng là lần duy nhất trong Tin Mừng Mátthêu, Mười Một môn đệ được gặp lại Thầy kể từ lúc Thầy ra đi. Họ đã có sự chuẩn bị tâm lý để gặp lại Người kể từ khi những người phụ nữ loan báo. Khi gặp Người, họ đã bái lạy Người như bái lạy Đấng Phục Sinh, Đấng vượt trên người phàm, nhưng rồi họ không khỏi do dự, chần chừ, vì mầu nhiệm quá lạ lùng đối với họ. Họ cần thời gian để đón nhận hoàn toàn. Đức Giêsu đã tiến đến và khẳng định với họ về quyền năng trên trời dưới đất mà Người đã được trao ban. Mặc dù có quyền trên toàn thể vũ hoàn, nhưng việc có trở thành môn đệ của Người hay không là quyền tự do của mỗi cá nhân. Chính vì thế, Người mời gọi các môn đệ nhân rộng thành viên cộng đoàn môn đệ, cũng là thành viên con cái Chúa, mở rộng phạm vi gia đình nhân loại bằng bốn hành động: (i) Ra đi; (ii) Làm cho tất cả mọi dân tộc trở thành môn đệ; (iii) Làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Pnêu-ma Thánh; (iv) Dạy họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền dạy cho anh em. Để họ thành công trong sứ vụ thánh, Đức Giêsu đã hứa sẽ ở cùng họ mọi ngày cho đến tận thế. Sứ vụ của họ nói một cách đơn giản là gieo trồng tình yêu của Thiên Chúa trong mọi ngóc ngách của trần gian này. Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là “anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,8). Sứ vụ của họ theo khía cạnh phụng tự và bí tích, là phải làm Phép Dìm nhân danh Cha và Con và Pnêuma Thánh, cho những người tin vào Đức Giêsu để họ trở thành Kitô hữu, sống cam kết yêu thương như Chúa Kitô. Việc chịu Phép Dìm nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi không chỉ mang lại cho họ danh xưng và phẩm vị làm Con Chúa nhưng họ còn được ban tặng một trái tim yêu thương của cộng đoàn Ba Ngôi yêu thương tuyệt đối, thuần khiết, không tách lìa. Mầu nhiệm cứu độ và mầu nhiệm Nhập Thể được khép lại bằng mệnh lệnh ra đi và gieo trồng tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là thời điểm kết thúc sứ vụ trần thế của Đức Giêsu và cũng là lúc mở ra sứ vụ của Giáo Hội với sự đồng hành luôn mãi của Người. “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ” nghĩa là làm cho nhân loại này có nhiều sứ giả yêu thương theo khuôn mẫu tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

 

Chú thích:

 

[1] R.A. Guelich, Mark 1-8:26 (WBC 34A; Dallas 2002) 42.

[2] “They are returning to the general scene of their earlier Galilean activity, perhaps to a favorite and familiar place, but probably more likely waiting for the risen Jesus to take the initiative and meet with them, as he had with the women, once they are in the area indicated” [R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 1110]; “he consummation of the story will thus take place where the ministry began: in “Galilee of the Gentiles” the light dawns that overcomes the shadow of death (4:15–16) and makes possible the mission to the Gentiles (v. 19)[D.A. Hagner, Matthew 14-28 (WBC; Dallas 2002) 33B, 883].

[3] B. Brendan, “Matthew”, The Paulist Commentary (ed. J.E.A. Chiu et al.) (New York 2018) 970.

[4] “it is important to remember that in Jewish thought hills and mountains are places of divine revelation” [B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew (New York 1992) 884.

[5] W.D. Davies – D.C.Jr. Allison, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew. 679.

[6] “This would seem to indicate not only that they recognized Jesus but that they thus believed that he had risen from the dead” (D.A. Hagner, Matthew 14-28, 884).

[7] “There is little doubt that here Matthew intends the full sense of “worship,” implying that Jesus is now recognized as more than human—cf. the same verb used of the disciples with the exclamation “You are the Son of God” in 14:33” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 1110).

[8] D.A. Hagner, Matthew 14-28,) 884-885.

[9] “But now what has been a vision for the future, albeit the imminent future, has become present reality. The risen Jesus, vindicated over those who tried to destroy him, is now established as the universal sovereign, and his realm embraces not only the whole earth which was to be the dominion of the “one like a son of man” in Daniel’s vision but heaven as well” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 1113).

[10] W.D. Davies – D.C.Jr. Allison, the Gospel according to Saint Matthew, 676.

[11] “Now Jesus, going the way of obedience to his Father’s will even to the cross, has received far more than Satan could offer (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 1113).”

[12] R.T. France, The Gospel of Matthew, 1108.

[13] Ibid.

[14] B. Brendan, “Matthew”, The Paulist Commentary, 971.

[15] W.D. Davies – D.C.Jr. Allison, the Gospel according to Saint Matthew, 678.

[16] B. Brendan, “Matthew”, The Paulist Commentary, 971.

[17] “The order in which these two participles occur differs from what has become common practice in subsequent Christian history, in that baptism is, in many Christian circles, administered only after a period of “teaching,” to those who have already learned. It can become in such circles more a graduation ceremony than an initiation (R.T. France, The Gospel of Matthew, 1115-1116)”

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 6 Phục Sinh)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Thăng Thiên (CN7PS) – Năm A