Thánh Thần: Chúa ở trong tôi

0
17459

Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Lễ Hiện Xuống, lễ của Chúa Thánh Thần, đang đến gần, như các bài đọc Kinh Thánh những ngày này báo hiệu. Có thể tóm tắt các bài đọc và các bài  Phúc Âm như sau: Hãy tự lập, trưởng thành, sống cuộc đời mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. “Thần Khí là nền tảng của hồn và xác”[1], là bí mật sâu thẳm nhất của con người và Thiên Chúa. Tìm kiếm Chúa ở mọi nơi và rồi chúng ta tìm thấy Người ngay trong lòng, khi tôi cúi nhìn vào nội tâm trong chiêm nghiệm. Điều này đòi hỏi sự yên tĩnh và chú tâm lắng nghe tiếng lòng – tiếng lương tâm. Đây là thẩm quyền do Thiên Chúa ban để dẫn tôi đến những quyết định đúng đắn, đồng ý hoặc không trong các tình huống nhất định, để hành động hoặc không làm điều gì đó. Thiên Chúa đã cho chúng ta ý chí tự do để thực hiện việc này.

Luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn …

Thư thánh Phêrô (1 Pr 3,15-18) nói đến một thực tế mà ít nhiều chúng ta đều quen, là phải chịu khổ và chịu mang tiếng cho những việc làm tốt của mình. Ví dụ như khi làm từ thiện mà bị chỉ trích, phê phán hay vu khống. Nghĩ rằng mình làm việc lành mà chúng ta lại trở thành đối tượng của sự tức giận, khó chịu, đố kỵ và hung hãn. Chính Chúa Giêsu cũng đã phải kinh nghiệm điều này khi còn sống trên thế gian. Ngài bị cáo buộc về hai tội danh: Tội đòi tự do cho những người không hiểu có nó để làm gì, vì họ cả đời phải sống phụ thuộc và nội tâm trống rỗng, và tội phạm thượng, vì những người tố cáo Ngài, người Pharisêu và những người khác, thiếu nhận thức về Thiên Chúa. Còn ai nhìn thấy và nhận ra Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô (Ga 14,1tt), thì người đó có thể trình bày về niềm tin và niềm hy vọng của mình. Đó là sức mạnh giúp đỡ họ trong những lúc gặp khó khăn, trong khi họ vẫn khiêm tốn, tìm hiểu học hỏi thêm và giữ liên lạc với mọi người.

Để có thể “trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng” của mình, tôi cần phải biết suy tư và diễn đạt bằng lời những gì tôi trải nghiệm với niềm tin của mình. Đây là một đòi hỏi quá sức cho hầu hết các tín hữu. Vì khả năng tự suy nghĩ nói chung kém phát triển nơi chúng ta. Và phát biểu ý riêng là một yêu cầu xa với thực tế, vì chúng ta phải đối diện với nhiều nỗi sợ có tên và không tên. Văn hóa-tập thể nặng tính Nho giáo không cổ xúy việc suy nghĩ độc lập của cá nhân, mà trái lại nhấn mạnh sự vâng lời (vô điều kiện). Nghĩa là thực hiện không phản kháng những gì “người lớn” nghĩ và muốn cho những “người nhỏ”. Thay vào đó, khả năng học thuộc lòng và lập lại một thứ ngôn ngữ đóng khuôn theo những chuẩn định lại được phát triển và cổ xúy.

Thánh Thần hỗ trợ trên con đường trưởng thành

Không ở lại trần gian nên Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ của Ngài, cho chúng ta, sự trợ giúp của Thần Khí trong lời từ biệt, để họ và ta biết sống tự lập. Thần Khí Chúa hoạt động trong ta, để chúng ta có thể phát triển. Tôn trọng ý chí tự do của con người, Chúa không can thiệp vào mọi sự xảy đến với chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu hứa sẽ hỗ trợ các môn đệ của mình trên con đường trưởng thành. Nếu diễn giải với lời triết gia Immanuel Kant (1724-1804) thì nghe như vậy: để thoát ra “khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra.”

Nếu hiểu trưởng thành trong niềm tin là khả năng tự “trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng”, thì trước hết tôi cần can đảm dùng trí tuệ của mình. Qua những áp đặt từ bên ngoài, tự do tư tưởng mang tính lí thuyết vì không thể thực hiện trong hoàn cảnh chúng ta. Sự non nớt trong nhân cách không do việc “tự áp đặt” như triết gia người Đức nói, mà là hệ quả của một truyền thống văn hóa coi trọng sự phân biệt giữa con người, và một cơ chế xã hội mang tính chủ nghĩa.    

Các cấu trúc này buộc con người phải suy và làm theo một hướng chung được mặc định. Mọi ý tưởng không chính thống khó được chấp thuận, và người có suy nghĩ khác sẽ bị dị nghị, cho là không vâng lời, là ngang ngược hay phản động, phá hoại. Người đó trở thành đối tượng của những phê phán, bị lên án và tránh né hay loại trừ. Sống nhiều đời trong một khung như vậy khiến người ta không thể hình dung một sự tự do khác hơn.

Đặt câu hỏi thẳng thắn và dạy làm như vậy không là khả năng được thực sự cổ võ trong bối cảnh chúng ta. Vậy, trước hết cần phải đánh thức các câu hỏi. Nhất là khi con người đã vì sự tồn tại mà phải thích nghi với những điều đúng ra không nên hay không được phép làm. Nếu ai đó không đặt câu hỏi, thì tất cả các câu trả lời của tôi đưa ra đều là vô ích. Tôi không thể trả lời nếu không ai chất vấn, không thể “đáp lời” cho một người không “hỏi lẽ” tôi về “mối hi vọng có trong tôi[2]”. Nhân danh uy thế của mình tôi có thể áp đặt một cái gì trên người khác, nhưng tôi không thể cho họ bất cứ điều gì qua đó.

Hơn nữa, đáp trả về niềm hi vọng của mình thì nhiều hơn là chỉ nói: “Mọi chuyện là như vậy!” Để trả lời tôi cần đối mặt với niềm tin của chính mình, đặt câu hỏi cho mình và cho phép những câu hỏi đó được đặt. Khi đã đạt được một mức độ vững vàng trong niềm tin, thì tôi có thể đưa ra câu trả lời cho người khác. Trong thực tế, chúng ta không biết nhiều đến việc mổ xẻ và chia sẻ niềm tin cá nhân với cuộc sống như vậy.

Trong một môi trường sống đầy những nỗi sợ, khiến người ta làm nhiều điều chính họ không muốn, thì tiếng lòng hay lương tâm như là thẩm quyền cuối cùng của con người cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Ranh giới thiện ác bị cào mòn, không dễ để nhận diện, khi con người chỉ biết sống ba phải cho vừa lòng mọi người để có thể tồn tại. Lương tâm bị che khuất bởi những lợi nhuận và thành tích trước mắt, với hậu quả tai hại là nó không còn hoạt động theo đúng chức năng. Đây là một điều ít được để ý, vì các lối suy lối sống phổ biến được coi như là những nét văn hóa hay tâm lý chung. Điều không được nhắc đến là: Ở nơi đó công bằng và sự thật không có đất để phát triển.  

Thánh Thần và chúng tôi …

Thiên Chúa ban sức mạnh cho con người chúng ta thông qua Thần Khí trong nội tâm, để chúng ta trở nên giống như Thiên Chúa. Đó là hướng của sự triển nở, của sự phát triển. Là Kitô hữu nghĩa là sống một cuộc đời đã được thay đổi, với một sức sống mới được ban cho.

Sống với Thần Khí trong mình cụ thể trước hết là không cầu xin cho mình “được ơn này hay ơn kia”, hay “được sự kiên nhẫn để chịu đựng anh chị em”. Đúng hơn là nói: “Chúa ơi, con không có kiên nhẫn, nhưng Ngài thì có. Con cần Chúa. Con tin tưởng rằng Ngài là Chúa đời con. Xin Chúa hãy kiên nhẫn với các anh chị em – thông qua đời con.” Khi cầu “Xin Chúa ban cho con …” tôi tập trung vào bản thân và khả năng kiên nhẫn của mình, là những gì mà Chúa Giêsu cần ủng hộ và củng cố. Còn trong trường hợp khác, tôi để Chúa Giêsu làm và rút lui dọn chỗ cho Ngài. Tôi tin tưởng Ngài. Khi “Xin” tôi đặt mình vào trung tâm, còn khi nói: “Ngài hãy là…” tôi để Chúa vào giữa đời. Hay nói đúng hơn: “Tôi Chúa” vì “Chúa ở trong tôi”. Cũng như các tông đồ xưa khi ra quyết định đã nói: “Thánh Thần chúng tôi đã quyết định…” (Cv 15,28).

Đây là một ý thức mới. Tôi không còn nói về điều tôi cần làm, cần sửa, mà nói về điều mà sự sống mới nhờ Thần Khí làm trong tôi. Một cuộc đổi đời hoàn toàn, vì tôi để cho “Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20)●

Chú thích:

[1] Karl Barth (1886-1968), nhà thần học trứ danh Tin Lành, đặt tên phần III của bộ sách Tín lý của ông như vậy.

[2] Bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 6 Phục Sinh)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 6 Phục Sinh)