Lời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm A

0
471

Bài Ðọc I: Xh 34, 4b-6. 8-9

“Thiên Chúa là Ðấng thống trị, từ bi và nhân hậu”.

Trích sách Xuất Hành.

Ngày ấy, từ sáng sớm, Môsê chỗi dậy và lên núi Sinai, như Chúa đã truyền dạy cho ông, ông mang theo hai bia đá. Khi Thiên Chúa ngự trên đám mây, Môsê đứng trước mặt Chúa và kêu cầu danh Chúa.

Chúa đi qua trước mặt ông và hô: “Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành”. Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con có ơn nghĩa trước nhan thánh Chúa, thì xin Chúa hãy đi cùng với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), xin xoá mọi gian ác và tội lỗi chúng con, xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðn 3, 52. 53. 54. 55. 56

Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời (c. 52b).

Xướng: 1) Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. – Ðáp.

2) Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. – Ðáp.

3) Chúc tụng Chúa ngự trên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. – Ðáp.

4) Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. – Ðáp.

5) Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Cr 13, 11-13

“Ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em. Anh em hãy chào nhau bằng cái hôn thánh thiện. Tất cả các thánh ở đây gởi lời chào anh em. Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! – Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 3, 16-18

“Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU (Lm. P. X. Nguyễn Văn Phú, SVD)

Thiên Chúa của Ki-tô giáo là một Thiên Chúa mặc khải. Chính Thiên Chúa tự tỏ mình ra cho con người về sự hiện hữu, bản tính cũng như công cuộc cứu độ nhân loại của Ngài. Đoạn Tin Mừng hôm nay tuy ngắn gọn nhưng đã mang đến cho độc giả những gợi mở thiết yếu về Thiên Chúa cũng như về con đường dẫn con người tới sự sống tròn đầy và vĩnh cửu.

“Thiên Chúa Yêu Thế Gian” là sự khẳng định rõ ràng và đầy dứt khoát của Đức Giê-su. Tình yêu đó được thể hiện qua việc Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, chúc lành cho họ, trao cho họ quyền thống trị mặt đất và bá chủ mọi loài (x. St 1,27-31). Thậm chí, khi con người trở nên bất trung, phản bội và phải nhận án chết thì Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi, nhưng đã ngay lập tức bắt đầu kế hoạch “giải cứu” (x. St 3,15); đã chọn gọi Ab-ra-ham để làm tổ phụ của một dân tộc và chúc phúc cho họ (x. St 12,1-3); và từ dân tộc đó, Đấng của lời hứa đã xuất hiện, Đấng là trung gian giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người, Đấng mang lại cho con người phẩm giá làm con Thiên Chúa qua mầu nhiệm tử nạn và Phục Sinh. Đấng đó chính là Đức Giê-su.

Nơi Đức Giê-su, lời hứa cứu độ của Thiên Chúa được kiện toàn và tình yêu tuyệt hảo của Ngài đối với con người được biểu lộ một cách viên mãn. Là Thiên Chúa, nhưng Người đã chọn con đường tự hủy, mang lấy thân phận của một người tôi tớ, ở với con người, đồng hành với họ và thi hành sứ vụ của Chúa Cha như đã được tiên báo: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).

Sứ vụ của Đức Giê-su chính là giải thoát nhân loại khỏi xích xiềng của tội lỗi. Cuộc đời của Người là một bản tình ca tràn ngập tình yêu thương. Người sở hữu đôi mắt đầy nhạy bén, thấu hiểu và cảm thông đối với những mảnh đời bất hạnh; một đôi tay đủ rộng để ôm ấp, đủ lớn để chở che, đủ mạnh để giải thoát và bảo vệ, đủ quảng đại để sẻ chia; một trái tim giàu lòng tha thứ để đón nhận những kẻ lầm lạc biết ăn năn trở về (x. Lc 15; 23,42tt).

Quả thật, cuộc đời của Đức Giê-su là một cuộc đời vì con người và cho con người. Người cho họ Lời sự sống, cho những ánh nhìn trìu mến đầy thấu hiểu và cảm thông, cho lòng trắc ẩn và sự giải thoát, cho niềm tin và hy vọng, nhất là cho đi chính bản thân mình bằng một tình yêu trao hiến trọn vẹn trên thập giá, một tình yêu trọn hảo, bởi “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

“Diện mạo” mà Đức Giê-su trình bày cho nhân loại đã cụ thể hóa lời mặc khải trong Cựu Ước đầy khó hiểu và khó cảm nhận rằng “Ta là Đấng Ta là” (Xh 3,14). “Ta là Đấng Ta là” giờ đây được thánh Gio-an làm sáng lên bằng lời khẳng định “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Không phải Thiên Chúa sở hữu tình yêu mà Thiên Chúa chính là tình yêu. Tình yêu đó không chỉ hệ tại ở mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người dựa trên tình yêu tuyệt hảo nơi cuộc đời của Đức Giê-su, nhưng trước hết và trên hết là ở trong chính trong nội tại của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là Một, nhưng lại có Ba Ngôi Vị; Ba Ngôi hiện hữu trong một Bản Thể duy nhất.

Trong cái thực tại huyền nhiệm vô biên đó là sự ngập tràn của tình yêu. Nơi Thiên Chúa, tình yêu là tất cả và là chính thân thể Ngài. Cha và Con được nối kết bởi và trong Thánh Thần Tình Yêu: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11). Cha công khai tuyên bố: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 17,5). Con ý thức và cảm nhận sâu sắc tình yêu của Cha (Ga 17,21); nhờ đó, Con quyết tâm làm hài lòng Cha bằng cách thi hành ý Cha một cách trọn vẹn kể cả chấp nhận hy sinh mạng sống của chính mình: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

“Thiên Chúa là tình yêu” giúp ta hiểu rằng, Ngài yêu thích sự trao ban: trao ban sự sống, trao ban ân sủng và trao ban hồng ân cứu độ qua sự trao ban chính mình. Ngài không giữ tình yêu cho riêng mình mà trở nên nguồn suối của tình yêu. Nguồn suối thì không phải là ao tù nước đọng mà là mở ra và tuôn trào. Nguồn suối là tuôn chảy, là cho đi nước, tức là cho đi chính mình. Từ Thiên Chúa cũng tuôn trào dòng nước của tình yêu và sự sống, mang lại ơn cứu độ. Tuy nhiên, dòng suối tình yêu của Chúa chỉ mang lại sự tươi tốt cho ta khi ta dám mở rộng lòng mình để đón nhận.

“Anh em hãy tin vào Thầy!” là lời mời gọi khẩn thiết của Đức Giê-su dành cho nhân loại như là con đường để đạt tới ơn cứu độ, bởi Thiên Chúa ban Con Một cho thế gian “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tin ai là thừa nhận và đón nhận, là tin tưởng vào lời họ nói. Tin vào Đức Giê-su là thừa nhận những gì Người mặc khải là chân lý rằng Người đến từ Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là Đấng của Lời hứa đến để cứu độ nhận loại. Tin vào Đức Giê-su là đón nhận một cách xác tín lời bộc bạch của Người: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Tin vào Đức Giê-su là phó thác và đặt cuộc đời ta trong vòng tay của Người, là có thể cảm nhận về tình yêu vô biên của Người và đáp trả bằng một tình yêu trao hiến, tức là tuân giữ Lời Người, bởi “ai yêu mến Thầy thì sẽ tuân giữ Lời Thầy” (Ga 14,23).

Tuân giữ Lời Chúa chính là lời chứng minh sống động và thuyết phục nhất về lòng tin của ta vào Ngài. Chính Chúa Cha cũng mời gọi: “các ngươi hãy vâng nghe Lời Người” (Mt 17,5). “Tuân giữ Lời Thầy” là thi hành các giới răn mà Thầy truyền dạy, là bắt chước cung cách sống của Thầy, là thi hành sứ vụ mà Thầy đã thi hành để trở nên giống Thầy về mọi phương diện như tấm gương của thánh Phao-lô rằng “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). “Tuân giữ Lời Thầy” là biết sống sám hối và tin vào Tin Mừng (x. Mc 1,15); là biết yêu thương đồng loại như chính mình (x. Mc 12,31) bằng tấm lòng quảng đại tha thứ (x. Mt 18,21tt), bằng sự chia sẻ (x. Mt 25,31-40), bằng tinh thần phục vụ trong khiêm nhường (x. Ga 13,14), bằng việc từ bỏ chính mình để vác thập giá theo Thầy (x. Mt 16,24), và bằng việc ra đi khắp tứ phương thiên hạ để loan báo Tin Mừng (x. Mc 16,15).

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, ta cảm tạ Chúa về hồng ân Đức Tin. Nhờ mặc khải của Đức Tin, ta nhận biết chính mình và thân phận, nhận biết Thiên Chúa với bản tính và kế hoạch đầy yêu thương của Ngài, nhận ra con đường mà ta cần phải đi để đạt tới ơn cứu độ là hạnh phúc vĩnh cửu; đồng thời, xin cho tình yêu của Chúa chạm vào và chiếm trọn trái tim ta để qua cuộc đời ta, tình yêu Chúa tiếp tục được lan tỏa đến người khác. Amen.

 


 

TÌNH YÊU PHÁT XUẤT (Lm. Antôn Nguyễn Văn Tạo, SVD)

Điều căn cốt của tín lý và đời sống Kitô hữu là mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa. Đây là mầu nhiệm được mặc khải tiệm tiến từ Cựu Ước: từ một Thiên Chúa độc nhất đến Một Thiên Chúa Ba Ngôi mà Đức Giêsu đã mạc khải.

  1. Mầu Nhiệm Ba Ngôi Một Chúa

Trước hết, ta tìm hiểu mầu nhiệm là gì? Trong sự hiểu biết và sống theo đức tin, ta biết đó là chân lý; chân lý đức tin vượt quá tầm hiểu biết của con người. Nói cách khác, trí tuệ con người không thể hiểu được mầu nhiệm và chấp nhận bằng đức tin dựa trên lời Chúa.

Mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần là Thiên Chúa, nếu hiểu theo sự suy luận của con người là ba Thiên Chúa nhưng đây chỉ là một Chúa duy nhất. Và các mầu nhiệm mạc khải trong đạo đều vượt quá khả năng phán đoán của con người. Chúng ta biết được mầu nhiệm chỉ duy nhất do Chúa mạc khải. Sống đức tin, ta nhận Thiên Chúa là Đấng toàn năng, thông minh và chân thật vô cùng, nên ta có cơ sở vững chắc để tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa là mầu nhiệm mạc khải nền tảng chính yếu, cũng như tin vào các mầu nhiệm mạc khải khác. Khi nói “nhân vô thập toàn”là nói đến giới hạn và chấp nhận giới hạn của trí óc con người để đi đến chấp nhận thực tại cao siêu hơn. Do đó, ta phải xác tín mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa là mầu nhiệm phát xuất mầu nhiệm khác và cội nguồn của tạo vật và là nguồn gốc liên hệ tình yêu.

  1. Tình Yêu Thiên Chúa Được Tỏ Lộ

Tình yêu là đời sống nội tại của Thiên Chúa. Từ đời nọ qua đời kia, muôn loài muôn vật luôn hưởng nhờ và ca ngợi tình yêu đó. Trong bài đọc thứ nhất, qua sách Xuất Hành, tác giả mô tả cho con người nhìn thấy được phẩm tính tình yêu của Ngài:“Ngài là Đấng nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và tín thành”(Xh 34,6).

Ta biết dân Do Thái như một con ngựa háu đá, có khi nghe lời chủ nhưng cũng có khi bất tuân lệnh mà làm theo ý muốn riêng của mình. Biết bao lần họ đã bất trung và Thiên Chúa lại dẫn dắt về. Nhiều tác giả Cựu Ước đã cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với dân đã giúp họ vượt qua được những lỗi lầm thiếu sót. Thiên Chúa đã thể hiện các phẩm tính của mình để nối lại sự liên hệ giữa Ngài với dân qua các giao ước hầu cho con người nhận được ơn giải thoát, xóa mọi gian ác, tội lỗi cho họ.

  1. Tình Yêu Phát Xuất

Nói đến mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa là nói đến tương quan tình yêu: Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi đồng bản thể; Cha sinh ra Con, Thánh Thần phát xuất từ Cha và Con cùng một trật. Ba Ngôi liên hệ trong tương quan tình yêu và khi làm gì thì Ba Ngôi cùng hoạt động trong nhiệm vụ của mỗi Ngôi. Tương quan tình yêu đó bền vững trọn vẹn và nói đến tình yêu tròn đầy chính là tình yêu phát xuất và làm nên mọi sự. Trong thư của mình, thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Và trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã khẳng định tình yêu đã được phát xuất: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Như vậy, Đức Giêsu đến thế gian là do tình yêu của Thiên Chúa. Người đến để cứu chuộc thế gian bằng cách hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại. Tình yêu Thiên Chúa được thể hiện đến tận cùng với cái chết của ĐG trên thập giá.

Cái chết trên thập giá đã phá vỡ bức tường ngăn cách giữa con người với Thiên Chúa để con người nhận được và quy về nguồn cội tình yêu của mình. Chính nơi thập giá, Ngài muốn cho nhân loại có được cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Thiên Chúa,một tình yêu tự nguyện hiến dâng cách trọn vẹn. Ngài muốn con người múc lấy để sống tương quan với Ngài và với nhau mà chính tình yêu Ba Ngôi là khuôn mẫu. Vì thế, khi cho con người cảm nghiệm được tình yêu của Ngài, Thiên Chúa không đòi hỏi con người điều gì khác ngoài sự đáp trả. Tình yêu là sự đáp trả.

  1. Hiệp Nhất Trong Các Kitô Hữu

Quả thật, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm lớn trong Đạo, vượt qua cái giới hạn trí khôn con người. Chúng ta biết được là nhờ Chúa Giêsu đã mạc khải. Và đây là điều hệ trọng cốt lõi và nguồn gốc tình yêu trong sự hợp nhất.

Từ mầu nhiệm tình yêu hiệp nhất của Thiên Chúa, Ngài muốn nhân loại sống hạnh phúc trong tình yêu hiệp nhất, thể hiện mối tương quan tình yêu với nhau như là tương quan khuôn mẫu Ba Ngôi: Khởi đi từ Cha, được thực hiện do Chúa Con và được tiếp nối bởi Chúa Thánh Thần. Do đó, tình yêu Ba Ngôi luôn được tiếp diễn qua từng hội đoàn, giáo xứ và qua từng người Kitô hữu, nhờ những nỗ lực liên kết mọi người trong yêu thương và hiệp nhất. Cuộc sống của Chúa Ba Ngôi là tình yêu làm nên cuộc sống Kitô hữu cũng là tình yêu với nhau.

Hiệp thông nên một trong tình yêu là điều mà Đức Giêsu muốn các môn đệ, muốn Giáo Hội của Người thể hiện để liên kết với Người và với Thiên Chúa Ba Ngôi tình yêu. Đức Giêsu luôn cầu xin Cha cho nhân loại nên một trong tình yêu để từ đó con người có được sự sống đích thực:“Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha… để họ được nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một”(Ga 17,20-23).

Đối với chúng ta trong đời sống gia đình hằng ngày, Chúa muốn gia đình thể hiện tình yêu Ba Ngôi bền chặt với Chúa và bền chặt với nhau làm một giữa cha – mẹ – con cái.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi là dịp để chúng ta tạ ơn tình yêu của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời mỗi người. Vì tình yêu, Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái Thiên Chúa. Cho dù chúng ta có yếu đuối bất toàn, Chúa vẫn nâng đỡ, tha thứ vì Thiên Chúa là Đấng từ bi, nhân hậu, “Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời”(Tv 29,6).

Xin Chúa thêm đức tin cho chúng ta để chúng ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi hằng ngày qua đức Bác Ái.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 8 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Lễ Chúa Ba Ngôi, năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.