LỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 3 Phục Sinh – B)

0
58

Bài đọc 1: Cv 3,13-15.17-19 ;   Bài đọc 2: 1Ga 2,1-5a

Tin mừng: Lc 24,35-48

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.

38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?”

40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”

45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.

48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

—– o0o —–

Suy niệm

CHỨNG TÁ PHỤC SINH (Tu sĩ  Phêrô Nguyễn Xuân Thành, SVD)

Là Kitô hữu, chúng ta cần xác quyết rằng: biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô là niềm vui và niềm tin cốt lõi của chúng ta. Đó cũng là niềm hy vọng của chúng ta. Đồng thời, chúng ta được mời gọi trở nên chứng tá Phục Sinh giữa lòng thế giới hôm nay.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã ban lệnh truyền làm chứng về sự Phục Sinh của Người cho các môn đệ: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,47-48). Đồng thời, lệnh truyền này dành cho mỗi Kitô hữu chúng ta. Niềm tín thác về Chúa Phục Sinh đã được các Tông Đồ và các thế hệ Kitô hữu làm chứng qua suốt chiều dài lịch sử. Họ đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo và làm chứng cho Chúa. Chính họ đã hoạ lại hình ảnh sống động của Thầy Chí Thánh Giêsu. Hôm nay, đến lượt chúng ta, là thế hệ tiếp nối phải là những chứng nhân sống động cho sự Phục Sinh. Dĩ nhiên, ta làm chứng không chỉ qua lời nói nhưng còn bao hàm hành động. Hành động phải được cụ thể hoá trong đời sống, trước tiên bằng cách làm mới bản thân theo tinh thần Chúa Giêsu Phục Sinh. Rõ hơn, mỗi người cần “chết” đi đối với tội lỗi. Thứ đến, ta cần bước ra khỏi vùng an toàn để đem Tin Mừng đến với nhân loại, làm chứng cho thế giới hôm nay về niềm tin và niềm hy vọng Phục Sinh bằng đời sống chứng nhân. Ước mong rằng, Lời Chúa hôm nay thấm nhập vào mỗi Kitô hữu chúng ta. Để từ đó, chúng ta thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu cách hăng say, nhiệt thành và mau mắn, hầu đem nhiều người về với Chúa, để họ cũng được hưởng ơn tha thứ và yêu thương.

Lạy Chúa, giữa một xã hội tục hóa như ngày hôm nay thì chứng tá cho niềm tin là một thách đố lớn, xin Ngài thêm sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành và một đức tin mãnh liệt để chúng con dám xông pha vào thế giới. Amen.


HỘI NGỘ NGÀY PHỤC SINH (Lm. Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD)

Chuyện ma hẳn chúng ta đã nghe nhiều, nhưng chuyện kể về một người đã chết hiện về ăn uống và tán gẫu với nhiều người cùng một lúc thì quả là chuyện chưa bao giờ thấy. Điều này chỉ có thể xảy ra trong thế giới của những người đang sống, xảy ra với Đấng đã chết nhưng đã Phục Sinh.

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay kể về cuộc hội ngộ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ sau những ngày chia ly tang tóc. Đây không phải là cuộc hội ngộ giữa người chết và kẻ sống, nhưng là cuộc hội ngộ giữa những người đang sống. Chúa Giêsu quả thật đã chết, nhưng Người đã thực sự Phục Sinh. Bầu không khí của ngày chia ly tang tóc càng u ám bao nhiêu thì niềm vui vỡ òa của ngày hội ngộ Phục Sinh càng tươi sáng bấy nhiêu. Hôm nay trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu hội ngộ với các Tông Đồ với niềm vui khôn xiết; ngày kia trên Nước Trời chính chúng ta cũng sẽ được hội ngộ với Chúa Giêsu trong hạnh phúc vĩnh cửu. Con đường vinh quang băng qua con đường đau khổ; con đường thập giá rồi sẽ dẫn tới Phục Sinh. Để có ngày hội ngộ trong hân hoan Phục Sinh, Chúa Giêsu đã trải qua những ngày khổ nạn thật cay đắng. Người chấp nhận để người ta sỉ nhục, tra tấn và vui lòng bị treo trên thập giá cho đến hơi thở cuối cùng. Con đường Chúa Giêsu đi cũng là con đường mà mỗi người chúng ta phải đi. Quả thật, để có thể có được ngày hội ngộ trên Nước Trời, ngay từ bây giờ, chính chúng ta cũng phải trải qua chặng đàng thập giá của đời mình. Trên chặng đường ấy, chúng ta phải đối đầu với quyền lực sự dữ và chiến đấu với những đam mê tội lỗi.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin đồng hành với chúng con trên hành trình lữ thứ trần gian, xin dẫn dắt chúng con về bến đỗ của ngày hội ngộ Phục Sinh. Amen.

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm B
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 3 Phục Sinh)