SỐNG TINH THẦN LAUDATO SÍ VÀ FRATELLI TUTTI

0
350

  Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Giới Thiệu

Trong những năm gần đây, nhiều tổ chức trên thế giới từ chính quyền đến các tôn giáo đã và đang quan tâm đến môi trường và trái đất. Vì trái đất là Mẹ của chúng ta đã ban cho nhân loại tất cả những thứ cần thiết như: đất, cây cối thảo mộc, nước uống, không khí và muôn tinh tú… để cho chúng ta sống còn.

Cụ thể Giáo Hội Công giáo đã phát động trong những năm qua với biết bao ý tưởng và hành động thiết thực để cứu lấy Mẹ đất của chúng ta. Mẹ đất của chúng ta đang rên xiết, kêu la và có thể nói là oán trách những hành động ích kỷ của con người vì đã làm tổn thương và phá huỷ như chặt cây, phá rừng, làm ô nhiễm môi sinh, ô nhiễm nguồn nước qua việc vứt rác bừa bãi, lối sống chỉ biết cho riêng mình. Có những nhóm vì lợi ích cá nhân để làm hư hại môi trường như chặt phá cây, đốt rừng làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và ảnh hưởng rất lớn đến anh chị em nghèo khổ.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Fratelli Tutti nói rằng:“Khi nói đến nhu cầu chăm sóc ngôi nhà chung là hành tinh của chúng ta, chúng ta đang nại đến mức tối thiểu của ý thức cộng đồng phổ quát và tinh thần quan tâm lẫn nhau vốn vẫn còn hiện diện trong trái tim con người” (FT 117).

Thông điệp: “Laudato Sí (chúc tụng Chúa) và Fratelli Tutti (tình bằng hữu xã hội)” là những Thông điệp quan trọng như tiếng kêu cứu của Mẹ trái đất, thế giới và Giáo Hội. Vì thế, tinh thần của hai Thông điệp giúp chúng ta cùng nhau bước đi và bước tới trên con đường phục vụ tha nhân và chăm sóc Ngôi Nhà chung của chúng ta. Tinh thần nói với chúng ta, là hãy nắm lấy tay nhau trên con đường phục vụ và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa trong nhân sinh và môi trường.

  1. Tinh Thần Laudato Sí 

Kitô giáo tin nhận chân lý mạc khải từ Thiên Chúa rằng: muôn loài, muôn vật kể cả con người và toàn thể vũ trụ càn khôn đều đã được Thiên Chúa tạo thành từ hư vô (x. St 1, 2-4). Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt lành (x. St 1,31). Kinh Thánh quả quyết Thiên Chúa là chủ mọi loài Ngài dựng nên và ban cho con người bá chủ và trông coi mọi loài thọ tạo (x. St 1, 28-30).

Thiên Chúa là nguồn cội tình yêu của tất cả những gì thiện hảo và xinh đẹp đã được biểu lộ qua công trình sáng tạo. Từ tinh tú trăng sao cho đến non cao biển cả và muôn loài muôn thú đều được diễn tả qua lời Thánh vịnh này: “Trời xanh tường thuật vinh quang Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 18,1).

Tường thuật sáng tạo trong hai chương đầu của sách Sáng Thế đã cho thấy Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi nguồn gốc và là căn nguyên của mọi căn nguyên. Tất cả đều được Thiên Chúa tạo dựng một cách trật tự. Hai chương đầu của bản văn, kêu gọi con người (đàn ông và đàn bà), cùng tham dự vào việc sáng tạo, nghĩa là tiếp tục công trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng cũng để bảo vệ khu vườn địa đàng và sự sống bên trong nó. Để nó trổ sinh nhưng cũng để được chăm sóc, bảo vệ. Không bao giờ trổ sinh mà lại không được bảo vệ và không được được chăm sóc!

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định, việc nhìn nhận thụ tạo là quà tặng của Thiên Chúa nhằm mời gọi chúng ta sống với thái độ quảng đại (LS 220), cũng như chiêm ngắm công trình sáng tạo. Ngài cho rằng, nhân loại sống trong ba mối tương quan căn bản và nối kết cùng nhau: với Chúa với tha nhân với Trái đất (LS 66).

Thông điệp Laudato Sí của ĐTC Phanxicô được gợi hứng bởi gương sáng của thánh Phanxicô thành Assisi là mẫu mực về sự yêu mến và tôn trọng thiên nhiên vạn vật và là chứng tá trong việc hoán cải môi sinh. ĐTC Phanxicô đã lấy lại lời ngợi khen Thiên Chúa của thánh Phanxicô Assisi: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa con – Laudato si’ mi’ Signore” từ Bài Ca Các Tạo Vật của thánh nhân. Từ bài ca rất ý nghĩa này, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng trái đất là ‘Ngôi Nhà chung của nhân loại’. Ngôi Nhà chung này phải được xem như là người Chị của chúng ta, mà chúng ta được chia sẻ trong cuộc sống cũng như tận hưởng mọi phúc lành nơi Trái đất này, và như người Mẹ ôm lấy chúng ta: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa con! Vì người Chị của chúng con, người Mẹ trái đất của chúng con, Mẹ nâng đỡ chúng con và mang lại nhiều hoa trái, những bông hoa tươi đẹp, những cây cỏ xanh tươi” (x. Bài Ca Các Tạo Vật).

Trong bối cảnh đó, Thông điệp Laudato Si’ nhấn mạnh rằng “thánh Phanxicô là mẫu gương tuyệt vời cho việc yêu mến và tôn trọng những gì yếu đuối và cho một sinh thái được sống cách trọn vẹn đầy niềm vui đích thực. Ngài chính là vị thánh cho tất cả những ai tìm kiếm và làm việc trong lãnh vực sinh thái. Ngài chỉ cho chúng ta thấy rõ mức độ ngài liên kết để tất cả việc chăm sóc thiên nhiên, sự công bằng với kẻ nghèo khó, việc dấn thân cho xã hội và bình an nội tâm vào một điểm gắn kết chung với nhau” (LS 10).

Vì thế, tinh thần Laudato Sí, trước hết là đưa thông điệp vào trong đời sống và đòi hỏi thành tâm thừa nhận rằng chúng ta đã có nhiều lỗi lầm và tự đặt câu hỏi để nghiêm túc xem xét: “Chúng ta sẽ để lại cho thế hệ tương lai, con cháu của chúng ta, một thế giới như thế nào?”.

Laudato Sí’ là Thông điệp hỗ tương, giúp chúng ta sống liên đới với những người khác và vạn vật không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai. Thông điệp Laudato Sí’ giúp người đọc trả lời câu hỏi căn bản nêu trên bằng cách nêu lên một số vấn đề mà chúng ta đang đối diện, liên kết với thần học Laudato Sí và vạch ra những đường hướng mục vụ cho cộng đồng đi từ lý thuyết tới thực hành và dấn thân cách hăng say với Đấng Tạo Thành như một lộ trình để loan báo Tin Mừng.

Với tinh thần này, chúng ta không tìm cách phân tích Laudato Sí và không đưa Thông điệp này của Đức Thánh Cha Phanxicô vào chiều hướng nghiên cứu mang tính học thuật, khoa bảng, cũng không tìm hiểu khía cạnh chính trị, kinh tế xã hội, nhưng đúng hơn chúng ta cố gắng tìm kiếm lợi ích từ Thông điệp này bằng cách đọc và tìm ra những phương thế để sống tinh thần Laudato Sí trong đời sống thường ngày.

Đức Thánh Cha nhìn thấy nơi môi trường sống “bắt đầu trông ra như một đống rác rưởi” đang vùi lấp những cảnh quan vốn rất đẹp (LS 22). Điều này phát sinh từ “văn hóa vứt bỏ những món đồ cũ xem ra vẫn còn sử dụng được. Trong cuộc sống, chúng ta luôn tìm kiếm những “cái mới” và thay vì trân quý những “cái cũ” đang có, thì chúng ta dễ dàng vứt bỏ chúng. Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc tái sử dụng như là phần quan trọng trong cuộc sống, cách thức này sẽ làm hạn chế các rác thải và sẽ giúp các thế hệ tương lai có một môi trường sinh sống tốt đẹp hơn.

Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta lắng nghe những tiếng kêu than bi thảm từ nơi những người nghèo và từ nơi Mẹ trái đất. Từ đó, thúc đẩy mỗi người từ cá nhân cho đến tập thể, từ địa phương cho đến quốc gia, từ quốc gia cho đến quốc tế thực hiện một cuộc “hoán cải môi sinh” bằng cách đảm nhận trách nhiệm chăm sóc Ngôi Nhà chung của chúng ta. Con người phá hủy sự đa dạng của sinh vật bằng việc làm thay đổi khí hậu, làm ô nhiễm nguồn nước của trái đất, ô nhiễm môi trường sinh sống của các loài sinh vật là có tội (x. LS 8). Vì thế, Đức Thánh Cha đưa ra những câu hỏi này trong Thông điệp Laudato Sí nhằm gửi đến mọi người đang chung sống trên hành tinh này và mời gọi mỗi người thực hiện một cuộc “hoán cải môi sinh” từ tận đáy lòng và thái độ của mỗi người. Nhờ đó, chúng ta nhận biết giá trị đích thực cuộc sống của mình trên hành tinh này và để lại cho các thế hệ con em tương lai tươi đẹp hơn trong Trái đất này.

Tinh thần Laudato Sí mời gọi chúng ta nhìn lại “sự lựa chọn ưu tiên và liên đới với những người nghèo khổ nhất, họ chính là anh chị em của chúng ta” (LS 158) cũng như sự liên đới với các thế hệ tương lai, “bởi vì thế giới mà chúng ta đang đón nhận cũng thuộc về những con người sẽ đến sau chúng ta” (LS 159).

Tinh thần Laudato Sí chỉ ý nghĩa và trọn vẹn khi nội dung Thông điệp được áp dụng vào môi trường sống là chăm sóc môi sinh, bảo vệ sự sống của mọi người và cách riêng bảo vệ người nghèo khổ.

Vì thế, trách nhiệm của chúng ta là đánh thức trong Giáo Hội và ngoài xã hội về sự liên kết giữa người giàu với người nghèo, giữa con người với môi trường sinh thái toàn diện. Giáo sư Tiến sĩ Wallacher đánh giá Thông điệp Laudato Sí như “chấn động thời đại”. Laudato Sí là kim chỉ nam cho một chương trình phát triển sự thân thiện giữa con người và môi trường.

  1. Tinh thần Fratelli Tutti

Xuyên suốt Thông điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến vị trí ưu tiên của tình yêu thương, trong cả bối cảnh xã hội lẫn chính trị. “Fratelli Tutti”, cụm từ mở đầu của Thông điệp, có nghĩa là “Tất cả là anh em” trong tiếng Ý. Fratelli Tutti trong thông điệp này cũng được hiểu là tình huynh đệ, tình bằng hữu xã hội.

Theo Đức Ông Pierre Cibambo, sinh thái học là một lối sống, một phong thái sống giản dị; đó là niềm vui và hạnh phúc chia sẻ cho tha nhân, và có thể nói, sinh thái học và tình huynh đệ phải cùng triển nở với nhau. Cách chúng ta cùng làm việc phải cho thấy, mỗi người có thể vừa trao tặng lại vừa học hỏi từ người khác. Một khi chúng ta cổ võ điều thiện nơi tha nhân, thì chúng ta cũng mở lòng để học hỏi từ nơi tha nhân. Đó là tình yêu phổ quát mà chúng ta cần vun đắp khi liên hệ với tha nhân, để làm nên tình bạn vượt biên giới – là nơi không có sự loại trừ và tình huynh đệ mở ra với mọi người (x. Tài liệu số 6. Suy tư thần học – Together We).

Trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu mà ĐTC Phanxicô chọn làm tài liệu tham khảo chính cho Thông điệp “Fratelli Tutti”, chương II, về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, ngài đã nhấn mạnh rằng: đôi khi chúng ta là những kẻ thù và kẻ cướp, hay đôi lần chúng ta là người bị tổn thương, rồi có lúc chúng ta là những người không muốn nhìn những người đau khổ, những người ở bên đường, và đôi khi chúng ta lại là người Samaritanô nhân hậu, biết thương cảm và yêu mến.

Ngài lưu ý với chúng ta, những người khoác danh đạo đức đã không thể giúp đỡ người bị nạn khi nói rằng:“Thật nghịch lý, những người tự xưng là không tin đôi khi lại có thể thực hiện ý muốn của Thiên Chúa tốt hơn những người tin Chúa”.

Chúng ta đã quen với dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, nhưng Đức Thánh Cha đã đem lại cho chúng ta cái nhìn sâu sắc của thời đại. Ngài trình bày người Samaritanô nhân hậu này như một hình mẫu của tình yêu phổ quát, là người trông thấy kẻ xa lạ nhưng không đối xử với anh như người xa lạ, mà như người anh em. Bằng việc đưa người bị nạn đến quán trọ, người Samaritanô đã mời gọi chủ quán trọ tham gia vào tình yêu phổ quát. Thậm chí, người Samaritanô còn dùng tài sản của mình và hứa sẽ trả lại thêm nếu chi phí vượt quá số tiền anh ta đã đưa! Vì thế, mỗi Kitô hữu hôm nay được mời gọi họa lại hình ảnh của người Samaritanô nhân hậu là bắt gặp – đón nhận – vác lấy – chăm sóc – trả phí tổn và chữa lành. Đây là tình thần của người công giáo với hai thông điệp: “Laudato Sí Fratelli Tutti”.

Mỗi khi chúng ta tham gia giúp đỡ anh chị em có hoàn cảnh khó khăn, là chúng ta đang khởi đầu việc xây dựng tình huynh đệ và công bằng cho người nghèo. Chúng ta phải được thúc đẩy, khuyến khích và mời gọi người khác, nhóm khác sống trong tình huynh đệ này. Như người Samaritannô nhân hậu mời gọi tinh thần hiệp hành để chăm sóc cho người bị nạn.

 

Thay Lời Kết

Để thực hiện tầm nhìn với Khung chiến lược “Một Gia Đình Nhân Loại, Một Ngôi Nhà Chung”, được phát triển qua lăng kính của Laudato Si’Evangelii Gaudium, và đã được củng cố trong Thông điệp Fratelli Tutti. Vậy chúng ta cùng nhau xem xét lại và hành động như một lộ trình của chúng ta.

Cùng nhau xem xét:

  • Tôi hiểu biết gì về “sự toàn vẹn của môi sinh”? Tại sao sự biến đổi khí hậu và sự nghèo đói lại liên kết với nhau? Tôi nhận ra sự liên kết đó nơi nào trong cộng đồng mà tôi đang sinh sống?
  • “Chúng ta muốn trao lại một trái đất như thế nào cho những người tiếp nối chúng ta, cho con em của chúng ta đang lớn lên?”

Cùng nhau hành động:                                                           

  • Nâng cao nhận thức và ngăn chặn những hành động gây nguy hại môi trường; tránh mua sắm hoặc tiêu thụ những sản phẩm phá hủy môi trường (x. LS 210).
  • Học cách thể hiện tình yêu và tôn trọng sự sống từ trong cộng đoàn; sử dụng đồ vật cách đúng đắn, ngăn nắp, sạch sẽ; tôn trọng hệ sinh thái địa phương và chăm sóc mọi loài thọ tạo (x. LS 213).
  • Chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên như quà tặng quý báu của Thiên Chúa, nhờ đó tránh lạm dụng những tặng vật đó (x. LS 215).

Cùng nhau sống:

  1. Sống tâm tình tạ ơn Chúa vì Chúa đã yêu thương và ban tặng cho chúng ta môi trường.
  2. Tôn trọng và gìn giữ: không vô cảm với các vấn đề của xã hội về sinh thái toàn diện: con người và môi trường: nước nhiễm, cá chết, hạn hán, bão lụt… cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, những người chủ đừng vì lợi nhuận cá nhân mà làm hại đến tha nhân, nhất là với người nghèo.
  3. Chung tay bảo vệ trong khả năng của mình: ý thức tiết kiệm điện, nước, chất đốt, giấy… bớt sử dụng những vật liệu một lần như túi nilong, chai, hộp xốp…
  4. Đời sống thiêng liêng cũng biết bảo vệ cho trong bình an và trật tự. Tránh ô nhiễm về đời sống thiêng liêng do các phương tiện truyền thông hiện đại đem đến.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 5 Phục Sinh)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 5 Phục Sinh)