YÊU ĐẾN CÙNG (Bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh)

0
1349

Tin mừng: Ga 13, 1-15

1 Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng.

2 Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người.

3 Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa.

4 Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, 5 rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

6 Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư ?”

7 Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. 8 Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”.

Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”.

9 Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”.

10 Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”.

11 Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.

12 Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng ? 13 Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy.

14 Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

15 Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.


Bài giảng:

YÊU ĐẾN CÙNG  (Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD)

Hôm nay cùng toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng bước vào Tam Nhật Thánh tưởng niệm Mầu Nhiệm Thương Khó của Đức Giêsu, để cảm nhận sâu sắc hơn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chiều Ngày Thứ Năm ấy, trong bữa ăn cuối cùng, biết là sắp đến giờ rời xa các môn đệ, Đức Giêsu cúi xuống ân cần rửa chân cho từng môn đệ và nói những lời yêu thương trăn trối. Rửa chân là công việc của người đầy tớ phục vụ ông chủ. Hành động này muốn nhắc mỗi chúng ta hãy làm theo để phục vụ cho nhau, hy sinh vì nhau và yêu thương lẫn nhau.

Chiêm ngắm nghĩa cử yêu thương

Trước hết, chúng ta cùng dừng lại một khoảng lặng ở hành động rửa chân của Đức Giêsu cho các môn đệ. Theo nhà thần học nổi tiếng người Đức, là Hồng Y Joseph Ratzinger – ngài chính là Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhận định rằng: Hành động rửa chân của Đức Giêsu là một hành vi cô đọng cuộc đời và khổ nạn của Chúa Giêsu. Ngài đã bỏ qua một bên tấm áo choàng vinh quang, tự mặc lấy tấm áo nô lệ, đứng bên cửa chờ đợi để hầu hạ và phục vụ con người (x. Pl 2,8). Chỉ với ước mong tẩy rửa con người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi để được dự phần nước Chúa trên Thiên Đường. Hay nói rõ hơn là được cùng ngồi chung bàn tiệc với Chúa trên Thiên Quốc.

Đức Giêsu tự hạ mình đến nỗi các môn đệ đã không thể hiểu hết ý nghĩa của THẦY làm, nên Phêrô đã không chấp nhận và tỏ vẻ bối rối:“Thầy mà lại rửa chân cho con sao? Không đời nào con chịu đâu!” Ngài bảo Phêrô:“Nếu con không rửa chân thì con không được dự phần với Thầy”. Nhưng ở đây tại sao Chúa không rửa các bộ phận khác như đầu hay mặt hoặc là tay mà phải là chân. Thật ra chúng ta biết chân là bộ phận thấp nhất của cơ thể con người, là tận cùng phía dưới, là bộ phận tiếp xúc với những thứ dơ bẩn và chân cũng là những cái bước đi sai lệch trên con đường thánh thiện của Chúa dạy.

Hành vi rửa chân của Chúa Giêsu nói lên sự hạ mình đến tận cùng của một vị Thiên Chúa cao sang. Con người đang ở dưới đáy bùn của tội lỗi, Ngài không vì thế mà ở trên cao để phán một lời hay lấy dây kéo chúng ta lên. Ta hãy đọc lại trích đoạn Chúa Giêsu chuẩn bị rửa chân cho các môn đệ:“Chúa Giêsu đứng dậy, rời bàn ăncởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ”. Rõ ràng khuôn mặt tình yêu vĩ đại của Ngài giờ này lại ngang hàng với bàn chân của những người được rửa. Ngài đã tự cúi xuống tầng thấp nhất, nghĩa là dưới của phần dưới để đỡ nâng chúng ta lên với Người. Một hành động không gì ngoài tình yêu; Một hành động không gì so sánh bằng; một hành động khiêm nhường tự hạ, tự hủy; một hành động vì yêu để dám làm tất cả. Đây chính là một tình yêu tận cùng và yêu đến cùng tận!

 Bắt chước sống

 Tuy nhiên, điều cốt lõi ở đây là Ngài truyền cho chúng ta:“Thầy là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta được mời gọi “rửa chân” cho nhau và vì nhau. Nghĩa là ta phải cúi mình xuống thật sâu, thật bằng mà phục vụ anh em mình. Vì tình yêu, ta đừng làm như một ân nhân lạ nhưng hãy làm như thể trong tình yêu ngọt ngào nhất để phục vụ trong sự khiêm tốn hạ mình. Ta hãy tự vấn lương tâm của mình trong giờ phút này. Có khi tinh thần phục vụ hăng say nhưng có lúc ta chỉ làm như một khẩu hiệu. Nghĩa là chúng ta phục vụ nhau trên lời nói, đôi khi hành động vì không có lựa chọn nào khác. Hay nếu không làm như thế sợ người khác nhìn vào mình mà chê cười, nhưng chúng ta lại quên mất rằng, Chúa Giêsu đã phục vụ vì yêu và yêu là phục vụ và phục vụ là hy sinh!.

Với sứ vụ của Dòng Ngôi Lời là Truyền Giáo tựa như lời tựa của Hiến Pháp đã khẳng định: “Cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta”. Qua đó chúng ta được mời gọi  phục vụ Chúa Kitô nơi người nghèo khó. Mỗi Tu sĩ SVD là sự hiện diện chứng tá tình Yêu Chúa Kitô. Quả thật, với sứ vụ và công việc của các Tu sĩ đã trở nên chứng tá tình yêu hùng hồn nhất khi phục vụ nhiều lãnh vực: như Công lý & Hòa bình (JPIC), Linh hoạt truyền giáo, Tông Đồ Thánh Kinh, Truyền thông Xã hội, cũng như công việc giáo dục và các công tác xã hội khác mà các anh em trên thế giới đang đảm nhận và gánh vác. Với những công việc như thế, chúng ta đang tự hạ, cúi xuống, rửa chân, kỳ sạch, lau chân cho những vết nhơ tội lỗi của tha nhân để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.

Cuối cùng, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu của Ngài cho các môn đệ và cho cả nhân loại: “Thầy sẽ ở cùng các con mỗi ngày cho đến tận thế!”.  Đây là một sáng tạo của tình yêu. Ngài sáng tạo một việc phi thường mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được điều này, đó chính là Bí tích Thánh Thể. Đức Giêsu Kitô đã hiến mình trở nên “bánh rượu” là Mình và Máu của Ngài để là nguồn sống cho nhân loại và trở nên linh dược để nuôi sống linh hồn mỗi ngày. Chúng ta cũng được mời gọi có những sáng kiến để làm cho tình yêu với vị Lang quân, là Đức Giêsu thêm ngọt ngào thắm thiết hơn. Khi yêu chúng ta sẽ có những sáng kiến hợp thời và hợp với hoàn cảnh để yêu thương và tôn trọng nhau. Khi có tình yêu đích thực chúng ta sẽ khám phá và sáng tạo ra điều kỳ diệu của tình yêu!

Từ đây Bí Tích Thánh Thể, được định nghĩa là Bí Tích Tình Yêu. Ngôn ngữ của tình yêu là sự kết hợp, sự trao hiến trọn vẹn cho nhau. Thánh Thể là một sáng kiến của Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa mới có và thực hiện được sáng kiến này. Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, yêu cho đến cùng tận! Khi đã yêu, ai cũng mong ước được ở gần, nên một với người mình yêu. Không có ngôn từ nào diễn tả cho đủ và đúng về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người tội lỗi chúng ta. Con Thiên Chúa, Đấng thánh thiện và vô tội đã Nhập Thể làm Người, trở nên người tôi tớ. Vì yêu và để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết, Đức Giêsu đã chấp nhận án tử như một tội đồ. Đứng trước tình yêu ấy, chúng ta phải đáp trả thế nào cho xứng đáng?

Yêu đến cùng

Nếu như cử chỉ rửa chân loan báo trước về sự hy sinh mà Đức Giêsu sẽ dành cho chúng ta, thì Thánh Thể mời gọi chúng ta đồng tham dự vào công cuộc cứu chuộc của Ngài. Khi nói: “Này là mình Thầy, này là máu Thầy”; “Hãy nhận lấy mà ăn, hãy nhận lấy mà uống”, Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta đồng hành với sự chết và phục sinh của Ngài. Ngài còn mời gọi chúng ta hãy từ bỏ tội lỗi để được hưởng nguồn ơn cứu độ. Ngài để chúng ta tự do lựa chọn. Liệu chúng ta sẽ hưởng lấy sự tốt lành của Chúa, hay là chúng ta vẫn tự mãn và sống tách khỏi tình yêu của Ngài trong những ngày đời của chúng ta? Chúng ta có nhận ra tình yêu tự hiến của Thiên Chúa dành cho ta không? Chúng ta có sẵn sàng để cho Chúa tẩy rửa tâm hồn và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi không? Chúng ta có sẵn sàng phục vụ tha nhân như Chúa đã nêu gương cho chúng ta không?

Tình yêu ấy, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy làm việc “NÀY” mà nhớ đến Ngài. Hãy làm lại tình yêu dâng hiến mà Ngài đã hiến thân vì nhân loại, đổ một chút tình yêu vào đó khi làm bất cứ việc gì cho nhau. Hãy làm lại tình yêu hy sinh mà Ngài đã hiến dâng cho nhân loại. Hãy sống một cuộc đời như Chúa để tình yêu của Ngài mãi ở lại trên trần gian. Xin cho mỗi người chúng ta dám vượt lên tính ích kỷ bản thân để cống hiến cuộc đời phục vụ anh em một cách quảng đại hơn. Xin cho mỗi chúng ta biết hoạ lại chân dung tình yêu của Chúa giữa cuộc sống hôm nay là dám chết cho người mình yêu, để yêu thương và phục vụ lẫn nhau trong tình mến của lệnh truyền Chúa Giêsu, là: “Anh em hãy có lòng yêu thương nhau”. Xin cho chúng con biết lấy tình yêu đền đáp lại tình yêu, để chúng con được tham dự vào mầu nhiệm yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Amen!

Bài trướcLỜI SỐNG (THỨ NĂM TUẦN THÁNH)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (THỨ SÁU TUẦN THÁNH TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA)