LỜI SỐNG (THỨ NĂM TUẦN THÁNH)

0
1212

Lễ sáng: THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU (Is 61,1-3a.6a.8b-9; Kh 1,5-8; Lc 4,16-21)

Lễ chiều: THÁNH LỄ TIỆC LY – Bài đọc 1: Xh 12,1-8.11-14 Bài đọc 2: 1 Cr 11,23-26

Tin mừng: Ga 13, 1-15

1 Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng.

2 Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người.

3 Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa.

4 Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, 5 rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

6 Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư ?”

7 Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. 8 Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”.

Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”.

9 Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”.

10 Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”.

11 Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.

12 Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng ? 13 Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy.

14 Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

15 Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.


 

—– SUY NIỆM —–

YÊU THƯƠNG ĐẾN CÙNG (Tu sĩ  Phaolô Đặng Văn Lãng, SVD)

Trình thuật Tin Mừng thứ Năm Tuần Thánh cho chúng ta thấy tình yêu đến tận cùng của Chúa Giêsu qua việc Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Hành động rửa chân cho các môn đệ của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Người muốn nhắn gửi nhiều điều đối với các ông và đối với mỗi Kitô hữu chúng ta (x. Ga 13,1-15).

Rửa chân, cử chỉ yêu thương phục vụ của Chúa Giêsu. Hành động Chúa Giêsu cởi áo choàng, nghĩa là từ bỏ địa vị cao để cúi xuống hạ mình tận cùng Rửa chân cho các môn đệ nói lên sự khiêm nhường tột cùng để yêu thương, chăm sóc, phục vụ người khác. Từ địa vị trên cao hạ mình xuống thấp nhất, có thể nói đó là một điều hết sức khó khăn mà nếu không vì yêu thương hết tình sẽ không thể làm được. Rửa chân, hành động mà Chúa Giêsu muốn thanh tẩy tâm hồn các môn đệ. Khi nói với Phêrô: “Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu” (Ga 13,10b), Chúa Giêsu có ý nói đến việc thanh tẩy tâm hồn các môn đệ khi rửa chân cho các ông. Đối với Chúa Giêsu, người môn đệ theo Người, việc thanh tẩy tâm hồn cho thanh sạch là điều quan trọng nhất, hơn cả việc sạch sẽ thân xác. Rửa chân, hành động thanh tẩy cuộc sống các môn đệ của Chúa Giêsu. Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu mời gọi các ông: “Như Thầy đã rửa chân cho anh em, anh em cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Qua hành động này, Chúa Giêsu muốn làm gương để các môn đệ cũng như tất cả mỗi người chúng ta hãy yêu thương phục vụ nhau, phục vụ tha nhân vô vị lợi. Thế giới hôm nay tràn đầy sự kiêu hãnh, hợm hĩnh và muốn chèn ép người khác để nâng mình lên hơn là tự hạ mình xuống. Chính vì thế, trình thuật Lời Chúa hôm nay cách nào đó mời gọi chúng ta là những môn đệ của Chúa Giêsu hãy noi gương Người từ bỏ chính mình, tự hạ mình, quì gối khiêm nhường phục vụ tha nhân.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con cũng biết sống tinh thần yêu thương phục vụ như Chúa. Amen.


YÊU CHO ĐẾN CÙNG (Tu sĩ Phêrô Trần Văn Dương, SVD)

Thánh Augustinô từng nói rằng: “hãy yêu đi rồi làm gì thì làm.” Thật vậy, tình yêu là một nguồn năng lượng dồi dào để con người sống và hành động. Có yêu, con người mới dễ dàng chấp nhận đánh đổi mọi thứ. Có yêu, con người mới dám “trèo đèo, lội suối” để đến với nhau. Tình yêu thật là lạ lùng.

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã diễn tả tình yêu cao vời của Thầy Chí Thánh Giêsu qua hành động “cúi xuống rửa chân” cho các môn đệ. Theo quan niệm của người Do Thái, việc rửa chân là một công việc hèn hạ của người tôi tớ đối với người chủ. Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu, việc rửa chân cho các môn đệ chính là biểu lộ một tình yêu tuyệt vời, một tình yêu cho đến cùng. Vì yêu, Chúa đã từ bỏ thân phận cao quý để mặc lấy một thân phận yếu hèn. Vì yêu, Chúa đã chấp nhận đóng đinh trên thập giá để làm giá đỡ cứu chuộc con người. Thật vậy, yêu cho đến cùng là một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu vượt trên tất cả những gì mà con người có thể tưởng tượng được để bày tỏ tình yêu. Một tình yêu không có giới hạn, không còn tiếc gì và không giữ lại gì cho riêng mình. Chúa Giêsu đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài bằng một tình yêu như thế.

Hôm nay, thứ Năm tuần Thánh, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi hãy bắt chước thái độ “yêu đến cùng” của Chúa. Đó là biết khiêm tốn phục vụ trong mọi việc kể cả những điều bé mọn nhất; biết quảng đại dấn thân vì sứ vụ, sẵn sàng chấp nhận những phần thiệt thòi về mình mà không so đo tính toán.

Lạy Chúa, chúng con đang sống trong một thế giới hưởng thụ về vật chất, thiếu vắng tình yêu, hiến dâng và lòng quảng đại. Xin cho chúng con biết thực hành Lời Chúa dạy, ngõ hầu chúng con biểu lộ và làm chứng về một Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót. Amen.


 

RỬA CHÂN CHO NHAU (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

ĐẶC TÍNH CỦA TÌNH YÊU (Tu sĩ Philipphê Trương H. Trung Nguyên, SVD)

Có một tình yêu, tình yêu lạ lùng như thế đó… Tình yêu đó là gì nếu không phải là tình Thiên  Chúa yêu thương con người. Một tình yêu mang tên Giêsu. Một tình yêu đòi hỏi hai đặc tính: khiêm nhường và trao ban trọn vẹn cho người mình yêu.

Hành động “cúi xuống rửa chân” của Chúa Giêsu là một hành động khiêm nhường thực sự. “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14) Người không phân biệt địa vị hay thứ bậc nhưng đã cúi xuống đến tận cùng để làm công việc hèn mọn của tình yêu. Nếu tình yêu không có sự khiêm nhường, nó sẽ trở thành “tình yêu vị kỷ” của kẻ trên người dưới. Hơn nữa, yêu còn đòi buộc sự trao ban hoàn toàn. Vì nếu giữ lại bất kỳ điều gì, tình yêu sẽ mất đi tính rộng mở của nó. Từ trời cao, Thiên Chúa đã trao ban trọn vẹn người Con Một để cứu chuộc nhân loại. Người con ấy cũng đã hiến dâng chính bản thân mình khi “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13,15) Làm như Thầy đã làm nghĩa là dám chết đi cho người mình yêu mà đỉnh cao của nó là cái chết trên Thập giá. Do đó, thập giá trở thành Thánh Giá vì nơi đó Con Thiên Chúa chịu chết vì yêu.

Chúng ta tự nhủ “tình yêu” của ta dành cho Chúa và tha nhân có xứng đáng với đặc tính của nó không? Chúa ơi, học để yêu một cách trọn vẹn đối với chúng con sao khó quá! Có phải yêu đòi hỏi chúng con hy sinh nhiều như vậy không? Chúng con không muốn khiêm nhường vì bản thân sẽ thiệt thòi, chúng con không muốn trao ban vì con sẽ mất mát và thiếu thốn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết rằng chỉ có Chúa mới là phần của riêng con. Chỉ khi chúng con khiêm nhường và biết cho đi thì tình yêu của chúng con mới tròn đầy. Amen.


 

KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Thanh, SVD)

Rửa chân là việc làm mà người tôi tớ thường làm cho chủ nhân của họ. Đức Giêsu không phải là tôi tớ của các môn đệ nhưng chính Người đã cúi xuống và rửa chân cho các ông. Hành động rửa chân của Đức Giêsu là bài học khiêm nhường tuyệt hảo mà Ngài muốn dạy cho các môn đệ.

Thường thì việc làm hay lời nói của một người trong giờ hấp hối luôn có một tác động mạnh mẽ và khó quên đối với người thân của họ. Đức Giêsu biết rằng giờ của Người đang đến nên Người cũng muốn trối lại cho các môn đệ của mình một điều gì đó thật đặc biệt và hành động cúi xuống rửa chân cho các môn đệ chính là bài học đặc biệt ấy. Cúi xuống rửa chân cho người khác là một bài học mà Đức Giêsu muốn các môn đệ phải luôn luôn ghi nhớ. Bài học đó chính là sự khiêm nhường phục vụ. Khiêm nhường luôn là chìa khóa giúp chúng ta rũ bỏ và vượt qua cái tôi vĩ đại, cái tôi háo thắng, tham danh lợi; chỉ có khiêm nhường mới giúp chúng ta vượt qua cái tôi quyền lực, cái tôi hưởng thụ; và cũng chỉ có khiêm nhường mới giúp chúng ta đốn ngã đi cái cột kiêu căng, tham vọng, gian tà đang ẩn sâu trong tâm hồn mình. Khiêm nhường mới từ bỏ được mình, có bỏ mình mới có thể yêu thương và phục vụ người khác một cách vô vị lợi. Hành động cúi xuống rửa chân của Chúa Giêsu chính là bài học về sự khiêm nhường phục vụ hết tình và hy sinh quên mình vì người khác.

Đức Giêsu không chỉ dành riêng bài học này cho các Tông Đồ xưa nhưng còn dành cho tất cả chúng ta hôm nay. Vậy bạn và tôi, chúng ta đã thực sự học thuộc bài học này và đã áp dụng trong đời sống của chúng ta chưa?

Lạy Chúa Giêsu, xin sửa dạy và nâng đỡ chúng con, để chúng con biết rũ bỏ cái tôi của mình và khiêm nhường cúi xuống phục vụ anh chị em chúng con trong tình yêu mến. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (THỨ TƯ TUẦN THÁNH)
Bài tiếp theoYÊU ĐẾN CÙNG (Bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh)