Tin Mừng: Ga 12,24-26
Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”
Suy niệm
NGHỊCH LÝ CUỘC ĐỜI (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Tâm, SVD)
Cuộc sống này đầy dẫy những nghịch lý. Có những điều mà lý trí con người dù có cố gắng đến đâu cũng không thể hiểu rõ được. Bài Tin Mừng hôm nay cũng đưa ra cho ta một nghịch lý: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.
Chắc hẳn ai cũng đồng ý rằng bản năng sinh tồn là bản năng mạnh mẽ nhất nơi tất cả các loài sinh vật sống. Khi đối diện với cái chết, các loài sinh vật sẽ phát huy hết tất cả những tiềm năng nơi mình để tìm đường sống. Với con người cũng vậy, sự sống là điều đáng quý nhất. Vì thế, người ta cố gắng tìm mọi cách để đảm bảo cho sự sống của mình. Cũng vì thế mà chúng ta thường ngại hy sinh bản thân mình. Đặc biệt trong xã hội hưởng thụ như ngày hôm nay, người ta sợ hy sinh quyền lợi của bản thân. Vì nghĩ rằng hy sinh cũng có nghĩa là thiệt thân, cho đi có nghĩa là mất đi.
Thế nhưng, thực tế lại không phải như vậy. Cho đi không phải là mất đi, nhưng cho đi thì sẽ được nhận lại. Thật thế, khi ta cho ai cái gì, người nhận sẽ cảm thấy vô cùng vui sướng. Khi đó, niềm vui của người ấy sẽ lan tỏa tới bản thân ta. Ta sẽ cảm thấy mình được vui sướng. Niềm vui này là điều mà của cải vật chất không dễ gì có thể đem lại được cho ta. Vì thế, người ta mới nói “chính khi cho đi là khi ta được nhận lại”.
Cũng vậy, khi ta sẵn sàng hy sinh mạng sống đời này vì Nước Trời, thì chắc chắn ta sẽ được nhận lại sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Điều này xem ra là nghịch lý ở đời này nhưng lại hoàn toàn hợp lý ở cuộc sống mai sau. Đó cũng chính là điều mà Đức Giêsu đã hứa với chúng ta.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết giá trị của sự hy sinh. Xin cho chúng con biết sẵn sàng hy sinh cuộc sống đời này vì nước trời để đổi lấy phần thưởng đã hứa ban ở cuộc sống mai sau. Amen.
SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (Tu sĩ Phêrô Đinh Hứa Quốc Thịnh, SVD)
Thiên Chúa đã ban cho con người sự sống để mặc khải tình yêu của Người. Nhờ tình yêu, con người biết đặt niềm tin tưởng, hy vọng vào Thiên Chúa để đón nhận lời hứa về sự sống vĩnh cửu. Trong Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25).
Để được sự sống đời đời, con người cần trải qua đau khổ và thập giá. Đau khổ và thập giá là những điều mà con người không muốn gặp. Nhưng qua đau khổ, con người mới nhận ra sự mềm yếu, bất toàn và giới hạn của chính mình mà đặt niềm tin tưởng và hy vọng vào Chúa. Chỉ nơi thập giá, con người mới thấu cảm nỗi đau và sự hy sinh của Chúa Giêsu trong biến cố khổ nạn. Qua đau khổ và thập giá làm cho con người cảm nhận được tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Khi nhận ra quyền năng và tình yêu này, nhân loại chúng ta mới dám coi thường mạng sống đời này mà sống theo điều Chúa dạy.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta biết đặt niềm tin, niềm hy vọng vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Từ đó, chúng ta mới đủ can đảm vác thánh giá, vác lấy những đau khổ trong cuộc đời này mà bước theo Chúa Giêsu. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết sống theo Lời Chúa dạy, đó là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu người thân cận như chính mình, để sau này được phần thưởng là sự sống đời đời.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con biết nhận ra giá trị cao quý của sự sống đời sau, để chúng con can đảm gánh vác những đau khổ và thánh giá đời mình mà bước theo Chúa. Xin Chúa ban ơn cho chúng con biết sống đúng với Lời Chúa dạy trong đời sống thường ngày. Qua đó, nhờ ơn Chúa chúng con xứng đáng được hưởng sự sống đời đời. Amen.
YÊU MẠNG SỐNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI (Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD)
Trong cuộc sống để được biến đổi thì đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận những từ bỏ hay phải hy sinh một điều nào đó. Quy luật tự nhiên cũng cho thấy điều đó: để trở thành con bướm xinh đẹp con sâu phải chịu vùi mình trong những chiếc kén chật hẹp. Con người cũng vậy, muốn được biển đổi trở nên tốt thì cần phải biết hy sinh và từ bỏ chính mình.
Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra hình ảnh hạt lúa để nói lên cái giá để được biến đổi. Để sinh được những bông hạt mới, thì hạt lúa phải chấp nhận bị vùi xuống lòng đất, chịu mục nát và chết đi. Nếu không chết đi thì chúng chỉ trơ trọi một mình mà không sinh thêm hạt nào. Trong đời sống đức tin cũng vậy, nếu chúng ta muốn được biến đổi, thì chúng ta cũng cần phải biết từ bỏ những thói hư tật xấu, là từ bỏ chính mình, chấp nhận “vùi mình” trong thánh ý Chúa, là để “mục nát, chết đi” những đam mê, những sự bám víu ở thế gian này. Nhờ đó, chúng ta cũng sẽ sinh ra được những hoa trái tốt của các nhân đức.
Trong thực tế, nhiều người muốn được biến đổi, nhưng lại không dám từ bỏ, hy sinh. Muốn có gia đình hạnh phúc nhưng họ lại không muốn nhường nhịn và yêu thương nhau. Muốn có một xã hội công bằng văn minh nhưng con người lại lừa gạt, gian dối, ganh tỵ, tranh giành, đấu đá lẫn nhau. Trong đời sống đức tin người ta muốn bước theo Chúa nhưng lại không dám từ bỏ, sẻ chia nhưng lại bám víu những lợi lộc ở trần gian.
Lạy Chúa! Chúa biết rằng để từ bỏ một điều gì đó thật không dễ dàng, và càng khó hơn khi phải từ bỏ chính mình. Xin Chúa ban thêm sức mạnh của Chúa Thánh Thần cho chúng con, để nhờ Người mà chúng con có thể từ bỏ những đam mê tội lỗi và danh vọng thế gian. Amen.
SỐNG VÀ CHẾT (Tu sĩ Phêrô Lê Việt Tân, SVD)
Cuộc sống con người luôn bị chi phối bởi quy luật sinh – lão – bệnh – tử. Đâu là điểm quy chiếu để ta sống trọn kiếp người? Sinh hay tử? Tin Mừng hôm nay hướng con người nhìn về cái chết như một cùng đích tối hậu và viên mãn của đời người.
Thân phận hạt lúa là một nghịch lý trong sự biện chứng qua lại giữa sự sống và cái chết, nhưng đó lại là chân lý cơ bản cho đức tin. Hạt lúa phải chịu chôn vùi trong lòng đất lạnh, chịu mục nát như thể đã chết đi, thì sức sống tiềm tàng trong nó mới phát triển và trổ sinh hoa trái dồi dào. Đức Kitô chính là mẫu gương đầu tiên cho sự chọn lựa cái chết. Ngài đã chết đau thương, gieo mình vào lòng đất để rồi bừng lên ánh sáng phục sinh. Từ nơi Ngài trổ sinh nhiều bông hạt trên cánh đồng Hội Thánh.
Suốt 2000 năm, biết bao người đã “hy sinh mạng sống mình ở đời này” để tiếp tục gìn giữ và phát triển cánh đồng bao la ấy. Giáo phụ Tertullianô nhận xét “máu các vị tử đạo là hạt giống phát sinh Hội Thánh”.
Con người ngày hôm nay dường như lại quá bám víu vào sự sống một cách cực đoan. Người ta dùng mọi thủ đoạn để được sống, đầu độc nhau bằng mọi cách để kiếm sống, giết nhau để tranh quyền đoạt lợi, dùng mạng người vô tội để “thế mạng” cho kẻ có tội. Tất cả chỉ vì họ quá xem trọng vào cái sự sống mong manh này. Chúa Giêsu đã lên tiếng cảnh báo “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất”. Chúng ta là những người Kitô hữu cần trở nên như hạt lúa, mục nát giữa lòng đời để làm chứng cho Tin Mừng và sự sống đời sau như các vị tiền nhân đã từng làm.
Hôm nay lễ kính thánh Laurensô, xin chúa cho mỗi người chúng ta biết noi gương thánh nhân, từ bỏ chính mình, “mục nát” đi để làm trổ sinh nhiều hoa trái cho Hội Thánh.