Công lý của Thiên Chúa chính là lòng thương xót

0
660
Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời

 

Đã có thời, người ta kết án lòng thương xót của Kitô giáo như một lý thuyết đi ngược lại với công lý. Dường như có một sự đối lập giữa hai phạm trù này. Kinh Thánh có rất nhiều tham chiếu về công lý của Thiên Chúa và trình bày Ngài như một vị thẩm phán: Đấng thưởng phạt công minh, cứ theo lẽ phải mà xét xử. Một tầm nhìn như vậy làm cho ý nghĩa ban đầu của công lý bị bóp méo và những giá trị sâu sắc của công lý bị làm lu mờ. Vào thời của Đức Giêsu, người ta khó lòng chấp nhận một sự hoà hợp: hoặc là thực thi công lý và lề luật hoặc là lòng thương xót.

Ðể đi tìm lối hiểu phù hợp cho những quan điểm mang tính pháp lý này, chúng ta cần trở lại với nguồn mạch Kinh Thánh để thấy được ý nghĩa đích thực của công lý cũng như mối liên hệ với lòng thương xót của Thiên Chúa. Dụ ngôn người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,1-11) hy vọng khơi mở cho chúng ta một vài suy tư.

  1. “Những toan tính của con người”

Chương 8, 1-11 của Tin Mừng Thứ Tư trình thuật câu chuyện kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Câu hỏi được đặt ra cho Đức Giêsu: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (xc.4-5). Họ tìm đến Đức Giêsu không phải như tìm đến một bậc khôn ngoan, thông thái để học hỏi, tìm kiếm lẽ khôn ngoan. Trái lại, họ giăng ra một cái bẫy “đầy toan tính”, đúng như tác giả Tin Mừng Thứ Tư đã nói về mục đích của họ: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (xc.6).

Không ít lần, họ đã tìm cách để có cớ bắt bẻ Đức Giêsu, nhưng điều đó đã không xảy ra. Họ không thể tìm thấy điều gì sai trái trong lời giảng dạy của Người. Không những thế, Đức Giêsu còn thể hiện sự hiền lành, điềm tĩnh đến khác lạ trước những kẻ khiêu khích chống đối hay muốn bắt bớ Người. Không cam lòng dừng lại, các kinh sư và người Pharisêu tiếp tục muốn thử thách Người và chủ đề của câu chuyện ngày hôm ấy là “công lý và lòng thương xót” để xem liệu Đức Giêsu có từ bỏ công lý vì lòng thương xót hay không.

Họ dẫn đến cho Người một tội đáng bị lên án thời bấy giờ, tội ngoại tình. Không những vậy, đích thân họ đưa tội nhân đến. Các kinh sư và người Pharisêu đã thật “chuyên nghiệp” để gài bẫy Đức Giêsu. Đầu tiên, họ chỉ ra lỗi phạm của người phụ nữ, vừa bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Điều đó có nghĩa sự việc ngoại tình này là có thật chứ không phải là một câu chuyện được dựng nên. Kế đến, họ cho thấy tội của nàng rất lớn, đó là ngoại tình, là nguyên nhân của nhiều tệ nạn và trên hết, đó là sự chống lại lề luật của Thiên Chúa (Hc 23,23). Sau cùng, lời kết án được dựa trên lề luật: “Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó” (Lv 20,10; Đnl 22,21). Mọi thứ đã được tính toán kỹ càng, họ chỉ đợi Đức Giêsu đưa ra lời phán quyết mà thôi: từ bỏ công lý hay gạt đi lòng thương xót?

Đức Giêsu rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu Người chọn thi hành công lý và lề luật, nghĩa là “hãy lấy đá mà ném hạng đàn bà đó”, điều đó sẽ đi ngược lại với những giáo huấn yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa mà Đức Giêsu vẫn hằng rao giảng: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,9), “Thiên Chúa không sai Con của Ngài đến thế gian để phán xét thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu” (Ga 3,17). Còn nếu câu trả lời của Đức Giêsu là lòng thương xót, nghĩa là “hãy thả cô ấy đi”, điều đó đồng nghĩa với việc chống lại công lý được ban truyền qua luật Môsê. Đó quả là một cái bẫy “đầy toan tính”, “đầy khôn ngoan theo kiểu thế gian” của các kinh sư và người Pharisêu. Và đâu là câu trả lời của Đức Giêsu? Câu trả lời hoặc sẽ giải thoát Đức Giêsu khỏi cái bẫy đã giăng sẵn hoặc sẽ trở nên nguyên cớ để bắt bớ Người.

  1. Quyền năng của Thiên Chúa mạnh hơn những “toan tính” của con người

Nếu như các kinh sư và người Pharisêu dùng sự khôn ngoan của con người để gài bẫy Thiên Chúa thì Đức Giêsu đã dùng sự khôn ngoan của Thiên Chúa để đáp lại những toan tính của con người. Các kinh sư và người Pharisêu đang thử thách Đức Giêsu về mối tương quan giữa công lý và lòng thương xót. Đức Giêsu đã bảo toàn cả hai điều đó trong câu trả lời của mình. Tác giả Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu một mặt vừa giữ lề luật, mặt khác, Ngài không từ bỏ lòng thương xót. “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (xc.7) là câu trả lời của Đức Giêsu.

Đức Giêsu đã khởi đi từ chính lề luật vì như trong sách luật Môsê đã dạy: “Các nhân chứng phải là người đầu tiên tra tay giết nó, rồi toàn dân tiếp tay sau” (Đnl 17,7; 13,9). Lời của Đức Giêsu khiến đám đông bối rối. Đức Giêsu, trước hết, đã đặt chính họ làm thẩm phán của chính họ trước khi trở thành thẩm phán đối với tha nhân, bởi vì “khi bạn xét đoán người khác là bạn đang lên án chính mình” (Rm 2,1). Nhờ đó, họ khám phá ra con người thật của mình và đó là lý do mà khi nghe điều này, từng người một lần lượt ra đi, để chỉ còn lại Đức Giêsu và người phụ nữ đứng đó, nghĩa là chỉ còn lại lòng thương xót và sự khốn khổ.

Tác giả Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu không từ bỏ lòng thương xót, nhưng đã đưa ra một bản án đầy lòng xót thương. Đức Giêsu đã tha thứ cho người phụ nữ khốn khổ ấy: “Tôi không lên án chị đâu” (Ga 8,11). Điều này không làm chúng ta ngạc nhiên vì “Thiên Chúa không sai Con của Ngài đến thế gian để phán xét thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu” (Ga 3,17) và Thiên Chúa “không muốn kẻ có tội phải chết” (Ed 18,23).

Các kinh sư và người Pharisêu đã cố gắng tìm cách buộc tội Đức Giêsu vi phạm lề luật hoặc cố gắng khiến Ngài lên án người phụ nữ. Đức Giêsu đã đưa ra một bản án phù hợp với công lý và lòng thương xót: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Thực tế, Đức Giêsu muốn nói rằng: Hãy để tội nhân bị trừng phạt, nhưng không phải bởi những tội nhân; hãy để Lề Luật được thực thi, nhưng không phải bởi những người vi phạm Lề Luật.[1] Quả vậy, Đức Giêsu đã vượt qua cái bẫy một cách đầy khôn ngoan. Quyền năng của Thiên Chúa đã vượt thắng toan tính của con người. Các kinh sư và người Pharisêu đi tìm cớ vấp phạm của Đức Giêsu, còn Đức Giêsu giúp họ tìm lại chính họ.

  1. Lòng thương xót và công lý “không phải là hai thực tại mâu thuẫn…”

Câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình là cái bẫy mà các kinh sư và người Pharisêu muốn dùng để thử thách Đức Giêsu về sự chọn lựa của Người giữa “công lý và lòng thương xót”. Trong tâm tưởng của họ, công lý và lòng thương xót vẫn còn một khoảng cách nhất định.

Thế nhưng, lòng thương xót và công lý “không phải là hai thực tại mâu thuẫn…”. Lòng thương xót của Thiên Chúa không xét đoán, kết án con người, bởi lẽ, Đức Giêsu đến để tìm và cứu những người hư mất. Dĩ nhiên, một cách xác tín, lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một sự thoả hiệp, che đậy hay giúp “lấp liếm” tội lỗi. Trái lại, lòng thương xót của Thiên Chúa giúp con người thấy rõ tội lỗi của mình, nhìn nhận bản thân là kẻ có tội trước mặt Thiên Chúa. Nhờ đó, tội nhân được đón nhận được quyền năng chữa lành của Thiên Chúa.

Đối diện với lòng thương xót của Thiên Chúa, con người được mời gọi nhìn về chính sâu thẳm mình. Khoảnh khắc chỉ còn lại một mình Đức Giêsu khiến người phụ nữ ngoại tình phải sợ hãi, một sự sợ hãi trong thẳm sâu, khác hẳn với nỗi sợ hãi bề ngoài do sức ép của đám đông. Giờ phút này, chỉ còn mình cô đối diện với tình yêu và lòng thương xót của Đấng thực sự vô tội. Điều đó khiến cô phải chấn vấn chính mình, một sự tự hối và khao khát hoán cải. Đức Giêsu đã chữa lành cô từ sâu thẳm bên trong, bằng cách khơi lên sự đau buồn, thống hối về tội lỗi của cô, nhờ đó, cô được ơn giải thoát khỏi qua lời tha tội của Đức Giêsu.

Đó là quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng được biểu lộ qua lòng thương xót. Đức Giêsu đã không buông lời xét đoán người phụ nữ ngoại tình lẫn đám đông dân chúng. Lòng thương xót của Thiên Chúa mở lối cho tội nhân, không phải bằng con đường xét đoán nhưng giúp con người khám phá ra những yếu đuối tội lỗi, hoán cải và đón nhận ơn chữa lành của Thiên Chúa. Ắt hẳn, chúng ta không thấy bất cứ một sự đi ngược lại nào với công lý trong lời chữa lành của Đức Giêsu, như Tông sắc “Dung mạo lòng thương xót” đã nhấn mạnh: Lòng thương xót và công lý “không phải là hai thực tại mâu thuẫn, nhưng là hai chiều kích của một thực tại duy nhất mở ra dần dần cho đến khi đạt đến đỉnh điểm trong sự viên mãn của tình yêu…”[2]

Đức Giêsu luôn nhấn mạnh đến đức tin hơn là việc tuân giữ lề luật, lòng nhân từ hơn là của lễ. Ngài đến trong trần gian để tìm kiếm, tha thứ và cứu độ người tội lỗi. Nói cách khác, Ngài đến để mang cho họ những ân sủng tuyệt vời của lòng thương xót. Còn những người Pharisêu và các thầy thông luật, khi cố gắng trung thành với lề luật, họ chỉ chất gánh nặng trên vai của những người khác và hạ thấp lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Giêsu đi xa hơn lề luật khi đồng hành với những người bị lề luật xem là những kẻ tội lỗi. Như thế, “lòng thương xót không mâu thuẫn với công lý nhưng vượt trên công lý… Thiên Chúa đi xa hơn công lý với lòng thương xót và tha thứ của Ngài. Điều này không có nghĩa là xem thường hay làm cho công lý trở nên thừa thãi. Trái lại, ai phạm tội thì phải chịu phạt. Thiên Chúa không chối bỏ giá trị của công lý. Ngài bao phủ và thăng hoa công lý trong một kết chung cuộc đẹp hơn, nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được tình yêu, và tình yêu chính là nền tàng của công lý đích thực. Thánh Phaolô đã quả quyết rằng công lý của Thiên Chúa chính là lòng thương xót được ban cho mọi người, như là ân sủng được thành toàn nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, là sức mạnh giải thoát những ai bị nô lệ bởi tội lỗi và mang lấy những hậu quả của nó. Như vậy, thập giá của Đức Kitô chính là phán quyết của Thiên Chúa trên tất cả chúng ta và trên thế giới, vì trao cho chúng ta chứng cứ chắc chắn của tình yêu và sự sống mới.[3]

Tóm lại

Các tác giả Thánh vịnh đã diễn tả “lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể” (Tv 103; 145; 147). Lòng thương xót ấy được biểu lộ nơi Đức Giêsu. Không chỉ qua những lời tha tội mà chính cuộc đời của Đức Giêsu là một dấu chỉ sống động của lòng thương xót Thiên Chúa dành cho nhân loại. Một vị Thiên Chúa cao sang, quyền uy vô cùng đã “cúi mình xuống để nâng con người lên”, “đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta… đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm…đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53, 4-6). Đấng ấy không đến để xoá bỏ nhưng để kiện toàn lề luật và làm sáng tỏ công lý của Thiên Chúa.

Lòng thương xót và công lý “không phải là hai thực tại mâu thuẫn, nhưng là hai chiều kích của một thực tại duy nhất mở ra dần dần cho đến khi đạt đến đỉnh điểm trong sự viên mãn của tình yêu. Đó là lời xác quyết về mối liên hệ giữa công lý và lòng thương xót. Công lý là giá trị cần thiết cho cuộc sống, thế nhưng, duy công lý là chưa đủ. Đứng trước những đau khổ, vất vả của kiếp người, đặc biệt là trong những yếu đuối, tội lỗi, con người mới thực sự khám phá ra giá trị của lòng thương xót, món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài huấn dụ vào trưa Chúa Nhật 19/04/2020 đã nhận định: “Câu trả lời của các Kitô hữu trước những giông bão của cuộc sống và lịch sử chỉ có thể là lòng thương xót: tình yêu thương và lòng trắc ẩn giữa chúng ta và đối với mọi người, đặc biệt những người đau khổ, vất cả mệt nhọc, bị bỏ rơi…”. Quả thật, công lý của Thiên Chúa chính là lòng thương xót dành cho con người.

Chú thích

[1] St. Thomas Aquinas, Commentary on the Gospel of John, Chapters 6-12, Nxb The Catholic University of America Press, Washington, D.C. (2010), tr.103: “Let the sinner be punished, but not by sinners; let the Law be accomplished, but not by those who break it”.

[2] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus “Dung mạo lòng thương xót” (2015), số 21.

[3] Sđd, số 20.

Bài trướcThông điệp PHỤC SINH 2024 của Cha Tổng quyền Dòng Ngôi Lời (SVD)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần Bát Nhật Phục Sinh)