Hãy để cho Thiên Chúa được tự do

0
403
Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời

Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng và trao ban sự tự do cho nhân loại, Đấng là cội nguồn và cùng đích của tự do, làm sao Ngài có thể bị giam hãm? “Hãy để cho Thiên Chúa được tự do”  xem ra là một lời kêu gọi đầy phi lý. Thế nhưng, dưới một khía cạnh nào đó, biết đâu đó là một thực tế?

  1. Thiên Chúa, Đấng tự do tuyệt đối

Thiên Chúa hoàn toàn tự do trong những ý định của Ngài. Thiên Chúa tự do tạo dựng nên trời đất muôn vật và Ngài cũng hoàn toàn tự do tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài. Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn ban tặng chúng ta sự tự do như một phần của phẩm giá mà Ngài dành riêng cho con cái loài người. Con người được thông phần sự tư do của Thiên Chúa và sự tự do của con người minh chứng về một Thiên Chúa tự do tuyệt đối. Trong con người, sự tự do là sức mạnh để tăng trưởng và trưởng thành trong chân lý và sự thiện. Sự tự do đạt tới mức hoàn hảo khi nó được quy hướng về Thiên Chúa, Đấng là tự do và là cùng đích của sự tự do cho nhân loại.

Sự tự do của Thiên Chúa được tỏ lộ cách trọn hảo và tỏ tường nơi Đức Giêsu, Con Một yêu dấu mà Thiên Chúa đã tự do trao ban cho nhân loại. Sự tự do của Đức Giêsu mặc khải sự tự do của Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa tự do. Tiên vàn có nghĩa là Ba Ngôi hoàn toàn tự do khi tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ đó mà hiệp thông hoàn toàn với nhau. Chúa Cha tự do ban mình cho Chúa Con. Chúa Con tự do đón nhận Chúa Cha và tự hiến cho Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Thần Khí tự do của Chúa Cha và Chúa Con, Thần Khí của sự tự hiến cho nhau giữa Chúa Cha và Chúa Con.

  1. Thiên Chúa đang bị “giam hãm”

Thiên Chúa là Đấng tự do tuyệt đối, Đấng chẳng thể nào bị giam hãm bởi không gian và thời gian. Thế nhưng, Đấng ấy dường như đang bị “giam hãm”. Điều gì hay ai đó có thể và đủ sức để giam hãm Đấng Siêu Việt? Thủ phạm chính là tư tưởng của nhân loại.

Con người “giam hãm” Thiên Chúa trong tư tưởng nhân loại khi con người phóng chiếu suy nghĩ của mình lên Thiên Chúa. Con người diễn tả một vị Thiên Chúa được dựng nên bởi tư tưởng của con người. Những phương tiện mà chúng ta sử dụng để ràng buộc sự tự do của Thiên Chúa rất nhiều và được biện minh rất nhiều về mặt thần học, đến nỗi chúng ta xác tín đang bảo vệ sự tôn nghiêm, sự đáng tin cậy, sự trung tín, và tính bất biến của Ngài. Nhưng, thực tế, chúng ta lại đang giam hãm Thiên Chúa nơi suy nghĩ của con người. Chúng ta đang trình bày cho thế giới một vị Thiên Chúa được vẽ nên từ những tư tưởng của con người, một vị Thiên Chúa đang bị “giam hãm”. Đó chẳng phải là Ngài! Con người quy chiếu tư tưởng của mình lên Thiên Chúa, dẫn đến hệ luỵ là một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa.

Bối cảnh xã hội Do thái thời Đức Giêsu mang đến cho chúng ta một minh hoạ. Hơn ai hết, những người Do thái thật sự “gần với Thiên Chúa”, theo nghĩa, vì họ là dân riêng của Người. Thiên Chúa đã mạc khải cách đặc biệt cho dân tộc Do thái về chính Ngài và về chương trình cứu độ của Ngài qua cha ông họ cũng như qua các ngôn sứ. Chân dung Thiên Chúa dần được biểu lộ cho dân qua những trang Kinh Thánh. Tuy nhiên, đó vẫn còn là một chân dung “mờ ảo” đối với dân. Hình dung về một Thiên Chúa là “Đấng Hiện Hữu (“Đấng Hằng Hữu, Đấng Ta Là”), sai tôi đến với anh em” (Xh 3,14)… vẫn là điều vượt quá trí hiểu của họ. Vì không thể nhận biết chân dung đích thực của Thiên Chúa, họ “dựng nên” chân dung Người với chất liệu là tư tưởng nhân loại.

Giới lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ trình bày cho dân chúng chân dung một vị Thiên Chúa công minh và ưa luận phạt. Do đó, những con người bé mọn như người bị phong hủi trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Máccô (Mc 1,40-45), người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng Gioan (Ga 8,2-11) hay người thu thuế Giakêu trong Tin Mừng Luca (Lc 19,1-10) sẽ chẳng thể có một tương lại tốt đẹp. Ơn cứu độ của Thiên Chúa chẳng dành cho nhóm người này. Người Do thái thời bấy giờ đã lấy “tư tưởng của Thiên Chúa” để kết án những con người bé mọn. Nhưng liệu đó có phải là tư tưởng của Thiên Chúa?

Có đúng là bệnh tật mà những người phong hủi, câm điếc mang lấy là hình phạt của Thiên Chúa do bởi tội lỗi của họ hay chăng? Những người đĩ điếm, thu thuế sẽ không thể được vào Nước Thiên Chúa như những gì mà dân chúng thời bấy giờ vẫn nghĩ? Với tư tưởng như thế, người Do thái đã giam hãm tha nhân trong tư tưởng của họ, đồng thời, quy chụp luôn cho cả Thiên Chúa: một Thiên Chúa ưa trừng phạt, một Thiên Chúa sẽ trả lại con người theo như những gì mà họ đã làm. Thế mà, Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu đã chẳng làm như vậy! Quả thật, Thiên Chúa là Đấng Công Chính, Đấng xét xử công minh nhưng Ngài cũng là một vị Thiên Chúa giàu lòng xót thương, Đấng chậm giận và hay tha thứ.

Chung quy lại, vấn đề cốt ở việc con người lấy tư tưởng của mình mà gán cho tư tưởng Thiên Chúa. Con người dùng tư tưởng nhân loại để phán xét nhau và thật hợp lý biết bao khi những tư tưởng ấy được khoác lên mình vỏ bọc là “tư tưởng của Thiên Chúa”. Làm sao con người thấu hiểu được tư tưởng của Đấng là Siêu Việt và thật là khập khiễng khi lấy tư tưởng của thụ tạo mà phóng chiếu lên tư tưởng của Đấng Tạo Thành. Lời Đức Chúa phán qua ngôn sứ Isaia làm sáng tỏ vấn nạn này: “Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 55,8-9).

Quả vậy, tư tưởng của Thiên Chúa không những khác biệt với tư tưởng của con người mà lắm lúc còn hoàn toàn trái ngược. Thánh Phaolô diễn tả điều đó qua sự đối nghịch sau: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cr 1,27-29). Thiên Chúa hành động với sự tự do hoàn toàn của Ngài, chứ Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa “bị giam hãm” bởi tư tưởng của loài người: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa?… Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11, 33-36).

Tư tưởng Thiên Chúa không phải là điều con người có thể “hệ thống hoá”, quy chuẩn theo các phạm trù đạo đức hay lý trí thuần tuý. Điều mà con người không thể lại trở nên có thể đối với Thiên Chúa. Đức Giêsu làm sáng tỏ điều này khi nói về vấn đề những người thu thuế và những cô gái điếm có được vào Nước Thiên Chúa hay không. Trong cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa, những Maria Madalêna, Giakêu (x. Lc 9, 1-10), người phụ nữ Samaria (Ga 4, 1-42), người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8, 1-11) và người con trai hoang đàng (x. Lc 15) hoàn toàn có thể đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, thậm chí, “những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông [giới lãnh đạo Do thái giáo thời bấy giờ]” (Mt 21, 31). Dĩ nhiên, Đức Giêsu cũng cho thấy rõ lý do: “Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Phần các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài” (Mt 21, 32).

  1. Hãy trả tự do cho Thiên Chúa

Trả lại cho Thiên Chúa sự tự do của Ngài có nghĩa gì?  Điều đó có nghĩa là biết chấp nhận Thiên Chúa là Đấng luôn luôn mới, Đấng luôn luôn làm ra điều mới, ngay cả trước khi chúng ta chưa hiểu điều cũ, điều “cũ” mà dĩ nhiên chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu được hoàn toàn. Điều đó còn có nghĩa là không buộc Ngài phải đi theo nước bước của chúng ta[1]. Thiên Chúa là Đấng tự do tuyệt đối. Trả lại sự tự do cho Thiên Chúa nghĩa là ngừng phóng chiếu tư tưởng của chúng ta lên Thiên Chúa. Chúng ta không thể vẽ nên một chân dung Thiên Chúa méo mó bằng cái nhìn đầy khiếm khuyết của chúng ta.

Một cám dỗ của Giáo Hội trong thực tại nhân loại là muốn “hệ thống hoá” hoặc muốn cho Thiên Chúa phù hợp với quan điểm của chúng ta, giản lược Ngài thành một hệ thống, được tổ chức tốt, hoàn chỉnh và đã đóng kín, tất cả đã sẵn sàng để được truyền đạt, không có vấn đề nào tồn đọng, không có điều gì đang thay đổi. Thế nhưng, làm sao cái hữu hạn có thể chứa đựng và hệ thống hoá nổi được Sự Vô Hạn? Thiên Chúa là một mầu nhiệm sống động.

Dĩ nhiên, “trả lại sự tự do cho Thiên Chúa” không chỉ bên ngoài chúng ta, trong Giáo Hội, nhưng trên hết là trong nội tâm mỗi người, đời sống thiêng liêng. Biết đâu, Thiên Chúa cũng bị “giam hãm” trong tâm hồn, lối suy nghĩ của chúng ta. Trước những sự việc, biến cố trong đời sống, lắm lúc chúng ta “đòi hỏi, buộc” Thiên Chúa phải phán quyết như thế này hoặc như thế kia. Thế nhưng, đó là con người đang phán quyết tha nhân, chứ Thiên Chúa nào đâu có phán quyết như thế. Nếu không, Ngài đã chẳng phải là Thiên Chúa!

Chính khi trả lại sự tự do cho Thiên Chúa là lúc Thiên Chúa ban lại cho chúng ta sự tự do đích thực. Sự tự do giúp chúng ta khám phá ra chân dung thực sự của Ngài, đồng thời, đón nhận tha nhân như những gì họ là con cái Thiên Chúa và là anh em của nhau. Một sự tự do đích thực mà chúng ta phải không ngừng khao khát mỗi ngày. Sự tự do mà chỉ có Thiên Chúa mới ban tặng cho con người. Sự tự do sẽ giải thoát chúng ta khỏi những giam cầm.

Trả lại tự do cho Thiên Chúa cũng mời gọi con người đi tìm kiếm tư tưởng của Thiên Chúa: Làm sao để biết được tư tưởng của Ngài? Trước khi Chúa Con được trao ban cho nhân loại, đây quả là một nan đề. Nhưng, nhờ Đức Giêsu, chúng ta tìm thấy câu trả lời: “Ta đến để thi hành thánh ý của Chúa Cha” (Ga 6,38) và điều Chúa Cha muốn là “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Quy chiếu về Đức Giêsu, con người khám phá ra thánh ý Thiên Chúa. Tư tưởng, lời nói, hành động và cuộc đời của Đức Giêsu tỏ lộ cho nhân loại tư tưởng của Thiên Chúa Cha cũng như trao ban cho nhân loại chân dung đích thực về Ngài.

Tóm lại

            Đức tin Kitô giáo xác tín về một vị Thiên Chúa, Đấng tự do tuyệt đối. Không có bất cứ điều gì trên trời hay dưới đất có thể ảnh hưởng hay tác động lên sự tự do của Thiên Chúa. Nhưng, con người đã “giam hãm” Thiên Chúa khi lấy tư tưởng nhân loại để phóng chiếu về Thiên Chúa. Một chân dung “méo mó” về Thiên Chúa được hoạ nên. Và thật là nguy hại biết bao khi chân dung ấy được trình bày cho nhân loại.

            Đức Giêsu đến mạc khải cho con người chân dung đích thực của Thiên Chúa. Tư tưởng của Thiên Chúa hoàn toàn khác biệt với tư tưởng con người. Hạnh phúc thay, tư tưởng ấy được mạc khải cho chúng ta qua Con Một yêu dấu. Giàu lòng xót thương, Đấng muốn “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” là chân dung của Ngài.

            Thế nên, hãy ngừng phóng chiếu tư tưởng của mình lên Thiên Chúa. Thiên Chúa đã từng bị “giam hãm” trong tư tưởng của chúng ta. Đã đến lúc, con người “trả lại sự tự do cho Thiên Chúa”.

Chú thích:

[1] https://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaohoi/tinhtamgiaotrieu/LenNuiSinai/Chuong_25.htm

Bài trướcNÉT ĐẸP CHUNG YÊU QUÍ CỦA CHA ARNOLD JANSSEN (1837-1909) VÀ CHA JEAN SION (1890-1951)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 4 MC)