Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 5 Phục Sinh – Năm A

0
405

Bài Ðọc I: Cv 6, 1-7

“Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa”.

Cả đoàn thể đều tán thành lời các ngài, và chọn Têphanô, một người đầy đức tin và Thánh Thần, và chọn Philipphê, Prôcô, Nicanô, Timon, Parmêna, và Nicôla quê ở Antiôkia. Họ đưa mấy vị đó đến trước mặt các Tông đồ. Các ngài cầu nguyện và đặt tay trên các vị đó.

Lời Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông tư tế vâng phục đức tin.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. – Ðáp.

2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. – Ðáp.

3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 4-9

“Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi đến cùng Chúa là tảng đá sống động, bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa tuyển chọn và tôn vinh, chính anh em như những tảng đá sống động, xây dựng toà nhà thiêng liêng, chức vụ tư tế thánh thiện, để hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận nhờ Ðức Giêsu Kitô. Vì thế, có lời Thánh Kinh rằng: “Ðây Ta đặt tại Sion tảng đá góc tường, được tuyển chọn và quý giá, ai tin Người, sẽ không phải hổ thẹn”. Vậy, vinh dự cho anh em là những kẻ tin; nhưng đối với những kẻ không tin, thì tảng đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường, đá vấp ngã và đá chướng ngại cho những kẻ chống lại và không tin lời Chúa, và số phận của họ là thế. Còn anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 6

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 14, 1-12

“Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói “Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha”? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

CON ĐƯỜNG (Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD)

Con người đang sống trong một thế giới phát triển về nhiều phương diện. Nhưng con người không tránh khỏi những khắc khoải, băn khoăn về ý nghĩa của cuộc đời. Không biết con đường nào sẽ dẫn ta đến với bến bờ của hạnh phúc đích thật? Có người cho rằng chết là hết, mọi sự sẽ tan thành mây khói, nên nhầm tưởng cuộc sống ở đời này là hạnh phúc thật và cứ thế mải mê với lối sống hưởng thụ. Đó là lối sống của những người không tin Chúa, không tin có sự sống lại và sự thưởng phạt đời sau. Ngược lại, là Ki-tô hữu, chúng ta có niềm tin và hy vọng vào Đức Ki-tô. Người cũng chính là con đường đích thực dẫn ta đến bến bờ hạnh phúc đích thật.

  1. Con đường Giê-su

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh hôm nay, Chúa Giê-su đã mở ra cho chúng ta một con đường để sống hầu giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc thật mà Người đã hứa ban. Người cũng sẽ giúp chúng ta sống hy vọng và tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời này, tìm thấy cùng đích tối hậu mai sau, là cuộc sống đích thực trong Chúa. Để nhờ đó chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong chính cuộc sống của mình qua từng giây phút, từng biến cố của cuộc đời. Để hạnh phúc đích thật của cuộc đời ta là được sống sung mãn với Thiên Chúa trong tình yêu và sự quan phòng của Người.

Qua câu hỏi của thánh Tô-ma: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” (Ga 14,5), Đức Giê-su đã trả lời rằng: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người” (Ga 14,6). Như vậy, “Đường” ở đây là chính Chúa và Chúa cũng chính là Sự Thật và là Sự Sống. Muốn được ở với Chúa Cha, muốn có được sự sống và hạnh phúc đích thật, ta cần phải đi trên con đường Đức Giê-su, tức phải can đảm và trung thành đi theo dấu chân của Người.

  1. Để đi trên con đường Giê-su

Để theo dấu chân của Đức Giê-su, trước hết, chúng ta phải học cách từ bỏ và dấn thân cách quyết liệt như Đức Giê-su. Người không chỉ từ bỏ vị thế vinh quang của Thiên Chúa để mặc lấy tấm thân nô lệ của chúng ta, nhưng Người còn sống kiếp nô lệ. Người đã từ bỏ hoàn toàn để trở nên nghèo khó như chúng ta, nhằm làm cho chúng ta nên giàu có; Người đã dấn thân chịu chết để cho chúng ta được cứu độ và được sự sống đời đời. Như vậy, Đức Giê-su đã từ bỏ hoàn toàn với một tình yêu vô biên và vô vị lợi dành cho nhân loại.

Là Ki-tô hữu, chúng ta được kêu gọi sống tinh thần từ bỏ và dấn thân như Đức Giê-su. Nhưng là con người, ai cũng thích hưởng thụ những gì mình đã làm nên; thích ở lại trong những thành công mà mình đã đạt được; thích ngồi trên nấc thang của vinh quang chiến thắng; thích những gì nhẹ nhàng êm ái, sợ bị thiệt thòi. Đó là tâm lý chung. Nhưng rồi, những điều đó sẽ dần dần biến chúng ta thành những con người tầm thường, đánh mất đi căn tính của người Ki-tô hữu đích thực. Chỉ khi sống tinh thần từ bỏ và dấn thân, ta mới có thể làm cho căn tính Ki-tô hữu của ta được triển nở và mang lại giá trị. Từ đó, chúng ta mới nhận ra sự hiện diện của Đức Giê-su trong con người của mình và mình mới là Ki-tô hữu đích thực.

Thứ đến, chúng ta phải học lấy con đường tin tưởng, phó thác và cậy trông nơi Chúa. Tin đến mức dám hy sinh, dám liều mạng, dám để cho người đời khinh bỉ, chê cười, mỉa mai và giết chết quả thật là điều không dễ dàng. Chính Đức Giê-su đã tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha, nên Người đã yêu thương và yêu đến cùng để chết đi cho nhân loại được sống. Chúng ta được mời gọi tin tưởng vào Chúa và tin tưởng chính là một hành động đáp lại tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Cũng vậy, chúng ta phó thác mọi sự nơi Chúa vì biết rằng Chúa sẽ làm cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất. Chúng ta tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa khi còn ở thế gian này và phó thác nơi Người để Người thực hiện thánh ý của Người nơi chúng ta. Phần mình, chúng ta cần chìm sâu trong việc cầu nguyện liên lỉ, để có thể gặp gỡ và sống thân tình với Thiên Chúa, hầu trở nên vững tin trong mọi hoàn cảnh sống của mình.

Sau cùng, chúng ta học lấy con đường của yêu thương và tha thứ nơi Đức Giê-su. Với một tình yêu sâu thẳm, Đức Giê-su đã vâng theo thánh ý Chúa Cha, đã tự hiến chính mình cho toàn thể nhân loại đến độ phải chết nhục nhã trên thập giá. Đồng thời, Người đã tha thứ cho những kẻ đã làm nhục, hành hạ và giết chết Người. Người không hờn giận hay thù ghét bất kỳ một ai. Lòng tha thứ của Người quá sức cao vời và kỳ diệu. Đứng trước tình yêu thương và tha thứ diệu vời của Đức Giê-su như thế, chúng ta được mời gọi đáp trả bằng cách yêu thương và tha thứ cho những người gây ra đau khổ, hận thù cho chúng ta. Bởi lẽ trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đã nhận được tình yêu và sự tha thứ từ Thiên Chúa rất nhiều mỗi khi chúng ta lỗi phạm với Chúa và với tha nhân. Vì thế, yêu thương và tha thứ là một hành động mở rộng tấm lòng để ân sủng của Thiên Chúa được đổ tràn nơi chúng ta và là dấu chứng tỏ ta là Ki-tô hữu đích thực.

Chúng ta hãy thi hành tình yêu và sự tha thứ để hoạ lại hình ảnh Chúa Ki-tô cho người khác biết, hầu mọi người nhận biết Chúa nơi chúng ta và đi theo Người. Bài đọc một hôm nay cũng minh chứng cho điều đó. Một cộng đoàn sơ khai gặp nhiều khó khăn thử thách trong nội bộ, nhưng nhờ lòng tin và lòng mến lớn mạnh, các Tông Đồ đã được đánh động để giải quyết thoả đáng những khó khăn và không ngừng làm cho cộng đoàn phát triển lớn mạnh. Khó khăn gặp phải là việc phân phối nhu yếu phẩm. Nó gây ra những tranh cãi, than trách nơi nhiều người. Các Tông Đồ đã đưa vấn đề ra tập thể hầu tìm giải pháp. Kết quả là mọi người chia sẻ trách nhiệm và dấn thân cho việc rao giảng Lời Chúa bằng tấm lòng yêu mến. Nhờ vậy, cộng đoàn lại đoàn kết yêu thương và số người theo đạo gia tăng lên mỗi ngày.

Quả thật, đường đi theo Chúa gập ghềnh sỏi đá và không biết bao lần ta đã vấp ngã. Con đường nào cũng mang lại nhiều thử thách gian nan. Thế nhưng, nếu đi đúng đường, chúng ta sẽ đạt đến đích, đến bến bờ của hạnh phúc thật. Đức Giê-su chính là con đường để mỗi người chúng ta đi theo. Và ai đi theo con đường Người đã vạch ra, chắc chắn người đó sẽ đạt tới Chúa Cha, đạt tới cùng đích của đời mình là Nước Chúa, là hạnh phúc đích thực mà mỗi người chúng ta mong mỏi. Quyết định bước đi trên con đường Giê-su, hầu đạt đến đích điểm Nước Trời là điều mà mỗi người chúng ta phải tự mình thực hiện.

Lạy Chúa Giê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, chúng con cảm tạ Chúa đã mặc khải cho chúng con biết con đường để đến với bến bờ của hạnh phúc đích thực là chính Chúa. Ngoài Chúa ra thì không còn có con đường nào khác nữa, xin Chúa giúp chúng con luôn biết hăng say đi theo con đường mà Ngài đã vạch ra với tinh thần từ bỏ, dấn thân và tin tưởng, đồng thời biết yêu thương và tha thứ để chúng con đạt được chính Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực. Amen.


 

TIN ĐỂ THẤY HAY THẤY ĐỂ TIN? (Tu sĩ Phaolô Phan Tấn Thịnh, SVD)

Tác giả thư gửi cho tín hữu Hípri đã định nghĩa về đức tin như sau: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Hr 11,1). Thế nhưng ông Philípphê, một Tông Đồ của Đức Giêsu, có nghĩa là đã tin vào Đức Giêsu và đi theo Người, đã từng giới thiệu Đức Giêsu cho ông Nathanaen (Ga 1,45) trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe lại xin Đức Giêsu một điều xem ra khó chấp nhận: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,8) vì theo quan niệm của người Do thái ai thấy Thiên Chúa là phải chết (Xh 33,20; Tl 13,22). Đức Giêsu đã trả lời: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?” (Ga 14,9b.10a). Phải chăng tất cả những người sống cùng thời với Đức Giêsu đã thấy được Chúa Cha, còn chúng ta sống cách Đức Giêsu 20 thế kỷ không thấy được Người nên dĩ nhiên là không thấy được Chúa Cha? Chúng ta hãy phân tách ý nghĩa của từ “thấy” trong mạch văn để hiểu được điều Đức Giêsu muốn nói mà thánh Gioan sau bao nhiêu năm nghiền ngẫm, suy niệm đã muốn truyền đạt cho chúng ta để rút kinh nghiệm cho cuộc sống đức tin của chúng ta, vìđã có lúc chúng ta ước mơ được thấy Chúa, hoặc là đặt vấn nạn: “Có Chúa hay không” khi gặp thử thách về đức tin, hay trả lời cho những người đòi hỏi phải thấy mới tin.

Chủ đề của Tin Mừng theo thánh Gioan có thể nói được là “Tin để thấy”. Ngay từ đầu Lời Tựa của bản văn Tin Mừng, chúng ta đọc được như sau “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả: nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Thánh Gioan như muốn nói với chúng ta rằng: Hãy tin vào Đức Giêsu người Nadarét, Người chính là vị Thiên Chúa nhập thể. Người là Đấng mặc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa. Chủ đề này đã được thánh Gioan quảng diễn xuyên suốt trong tác phẩm, từ lời ông Gioan tẩy giả làm chứng: “Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,34) đến lời Đức Giêsu nói với Nathanaen“Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1,50). Từ lời nói của Đức Giêsu với ông Nicôđêmô “Chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy … Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được?” (Ga 3,11-12) đến lời tuyên xưng của người phụ nữ Samaria “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ” (Ga 4,19) để rồi sau đó đã đi làm chứng về Người: “Đến mà xem, có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Ga 4,29). Từ lời Đức Giêsu nói với cô Mácta: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” đến lời nói với ông Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). Trước đó là lời tuyên xưng của thánh Gioan khi nhìn ngôi mộ trống: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Những chứng từ nói trên giúp cho chúng ta hiểu được rằng: từ những sự vật hữu hình, với con mắt đức tin, chúng ta sẽ thấy được những thực tại vô hình. Hay nói cách khác nhờ tin mà được thấy chứ không phải thấy để mà tin.

Biết bao nhiêu người Do Thái sống cùng thời với Đức Giêsu đã thấy Người làm nhiều dấu lạ, hóa bánh ra nhiều, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ v.v…, và ngay cả cho kẻ chết hồi sinh. Thế nhưng vì không có đức tin, họ cho rằng Người bị quỷ ám (Mc 3,30), bị mất trí (Mc 3,21). Do đó, thánh Phaolô đã nói “Không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá. Nhưng như đã chép: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, loài người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 1,8-9). Lời nói này phản ánh lời Đức Giêsu nói với các Tông Đồ: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe mà không được nghe” (Mt 13,16t). Chúng ta biết được rằng thánh Phaolô không sống cùng với Đức Giêsu khi Người còn tại thế và đã xin vị thượng tế Do Thái cho bắt bớ Đạo này (Cv 9,1-2), thế nhưng khi Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với ông trên đường Đamát, ông đã thay đổi nhận thức của ông về Đạo này để rồi từ người bách hại Đạo trở thành người rao truyền về Đạo. Thánh nhân đã dám mạnh dạn nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20); điều nàycho thấy mối tình gắn bó sâu xa của thánh nhân với Đức Giêsu. Thánh nhân còn mạnh dạn nói thêm mà chưa có một vị thánh khác nào dám nói: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô.” (1 Cr 11,1; 4,16; Pl 3,17; 1 Tx 1,6; 2 Tx 3,7). Những dữ liệu trên đây minh chứng cho chúng ta nhận ra được điều thánh Phaolô “thấy” Chúa trên đường Đamát như thế nào.

Trong cuộc sống hằng ngày, có những lúc chúng ta gặp khủng hoảng đức tin khi thấy những điều chướng tai, gai mắt, hay khi chúng ta gặp đau khổ. Chúng ta tự hỏi: “Có Thiên Chúa hay không? Người có phải là vị Thiên Chúa nhân lành hay không? Nếu có, tại sao Thiên Chúa lại bắt tôi phải chịu cảnh khốn khổ này hay để cảnh bất công diễn ra như vậy?”

Câu chuyện sau đây mời gọi mỗi người chúng ta suy nghĩ về đời sống đức tin của mình: “Một đêm kia, một người nằm mơ thấy anh ta đang đi dạo trên bờ biển một mình. Phía trên bầu trời phản chiếu những cảnh sống của cuộc đời anh ta. Đối với mỗi cảnh sống, anh ta nhận thấy không chỉ có một mà hai bộ dấu chân in trên cát. Anh ta hiểu ngay rằng một bộ chân thuộc về anh, và bộ chân kia là của Chúa. Nhưng sau đó anh ta nhận thấy một điều kỳ lạ. Vào những thời điểm đau khổ và buồn tẻ nhất trong cuộc sống, anh ta chỉ thấy có một bộ chân mà thôi. Anh nghĩ rằng đó là bộ chân của anh. Điều này làm anh chán nản. Vì thế anh hỏi Chúa: ‘Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con gặp những cảnh cùng cực trong cuộc sống. Chính những lúc con cần đến Chúa thì Chúa lại bỏ rơi con?’ Anh nghe tiếng Chúa đáp lại: ‘Hỡi con, trong những lúc con gặp gian nan, thử thách, khi con chỉ thấy có một bộ chân in trên cát, đó chính là bộ chân của Ta. Ta đang cõng con trên lưng của Ta đó!’”

Trong Thánh vịnh 139,7-10, ta đọc thấy:

“Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,

lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?

Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,

nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.

Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,

đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,

tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,

cánh tay hùng mạnh giữ lấy con.”

Chúng ta luôn sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Người là vị Thiên Chúa tình yêu, yêu thương ta còn hơn cả cha mẹ chúng ta nữa (Tv 27,10). Hãy tin như thế và chúng ta sẽ “thấy” mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời chúng ta là vì Thiên Chúa yêu thương ta giống như lời thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,28t).

 

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh, Năm A (Ga 14,1-12)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh – A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây