Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm B (Ga 10, 11-18)

0
5773

 

“MỤC TỬ TỐT LÀNH” BIẾT, TÌM VÀ CHẾT CHO ĐÀN CHIÊN

♦ Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

(Vui lòng đọc dưới dạng PDF để bảo đảm giữ những định dạng màu và cấu trúc bảng phân tích của tác giả)

 

Bản văn và dịch sát nghĩa (Ga 10, 11-18)

Hy Lạp Việt
11  Ἐγώ εἰμι ὁ ποιμὴν ὁ καλός. ὁ ποιμὴν ὁ καλὸς τὴν ψυχὴν αὐτοῦ τίθησιν ὑπὲρ τῶν προβάτων·

12  ὁ μισθωτὸς καὶ οὐκ ὢν ποιμήν, οὗ οὐκ ἔστιν τὰ πρόβατα ἴδια, θεωρεῖ τὸν λύκον ἐρχόμενον καὶ ἀφίησιν τὰ πρόβατα καὶ φεύγει- καὶ ὁ λύκος ἁρπάζει αὐτὰ καὶ σκορπίζει-

13  ὅτι μισθωτός ἐστιν καὶ οὐ μέλει αὐτῷ περὶ τῶν προβάτων.

14  Ἐγώ εἰμι ὁ ποιμὴν ὁ καλὸς καὶ γινώσκω τὰ ἐμὰ καὶ γινώσκουσίν με τὰ ἐμά,

15  καθὼς γινώσκει με ὁ πατὴρ κἀγὼ γινώσκω τὸν πατέρα, καὶ τὴν ψυχήν μου τίθημι ὑπὲρ τῶν προβάτων.

16  καὶ ἄλλα πρόβατα ἔχω ἃ οὐκ ἔστιν ἐκ τῆς αὐλῆς ταύτης· κἀκεῖνα δεῖ με ἀγαγεῖν καὶ τῆς φωνῆς μου ἀκούσουσιν, καὶ γενήσονται μία ποίμνη, εἷς ποιμήν.

17  Διὰ τοῦτό με ὁ πατὴρ ἀγαπᾷ ὅτι ἐγὼ τίθημι τὴν ψυχήν μου, ἵνα πάλιν λάβω αὐτήν.

18  οὐδεὶς αἴρει αὐτὴν ἀπ᾽ ἐμοῦ, ἀλλ᾽ ἐγὼ τίθημι αὐτὴν ἀπ᾽ ἐμαυτοῦ. ἐξουσίαν ἔχω θεῖναι αὐτήν, καὶ ἐξουσίαν ἔχω πάλιν λαβεῖν αὐτήν· ταύτην τὴν ἐντολὴν ἔλαβον παρὰ τοῦ πατρός μου. (Jn. 10:11-18 BGT)

11 tôi là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành hy sinh mạng sống vì những con chiên của mình

12 người làm thuê không phải là một người mục tử, những con chiên không thuộc về anh ta. Khi anh ta thấy sói đến, anh ta để những con chiên lại và tẩu thoát, và sói vồ lấy chúng và chúng phân tán.

13 vì anh ta chỉ là người làm thuê, anh ta không bận tâm về những con chiên.

14 tôi là mục tử tốt lành và tôi biết những con chiên của tôi và những con chiên của tôi biết tôi,

15 hệt như Người Cha biết tôi và tôi biết Người Cha, và tôi hy sinh mạng sống vì những con chiên.

16 tôi có những con chiên khác, những con không thuộc đàn này. Tôi phải dẫn chúng về và chúng nghe tiếng tôi, và sẽ trở thành một đàn chiên và một mục tử.

17 sở dĩ Người Cha yêu thương tôi là vì tôi hy sinh mạng sống của tôi để rồi tôi lấy lại nó.

18 không ai lấy nó khỏi tôi, tôi có quyền hy sinh nó và tôi có quyền lấy lại nó. Đây là mệnh lệnh tôi nhận từ Cha của tôi.

 

Bối cảnh

Đoạn văn Ga 10,11-18 nằm trong đoạn lớn 9,1 – 10,21, đoan dài nói về việc một người mù từ thuở mới sinh được sáng mắt, trong khi đó những lãnh đạo Do Thái lại trở nên mù lòa (9,1-38). Tiếp theo sau đó, song song với việc mạc khải mình là một mục tử đích thực, Đức Giê-su quở trách cách ý nhị các lãnh đạo Do Thái là những người mù, những kẻ trộm, những tên cướp, những kẻ xa lạ và những kẻ chăn thuê, những người không quan tâm đến những con chiên họ chăn (9,39 – 10,13). Bối cảnh cử hành Lễ Lều của người Do Thái (Ga 7,2) kéo dài cho đến Ga 10,21 là bối cảnh phù hợp cho những diễn từ nói về một Mục Tử Tốt Lành mang tính Mê-si-ah.[1] Chủ đề về một Mục Tử tốt lành nối kết chặt chẽ với phần đầu của chương 10 nói về mục tử (Ga 10,2); Đức Giê-su là “cửa chuồng chiên” (Ga 10,7). Chủ đề “mục tử” cũng được Tin Mừng Mát-thêu nhắc đến ngay từ đầu. Đức Giê-su chính là “vị mục tử chăn dắt dân ta, Israel” (Mt 2,26). Người cũng được ví như người “mục tử” bỏ chín mươi chín con chiên lạc được nói đến trong Mát-thêu và Luca (Mt 18,12-14; Lc 15,4-7); là vị “mục tử” chạnh lòng thương đám dân chúng vì họ bơ vơ không người chăn dắt (Mt 9,36; Mc 6,34). Đức Giê-su cũng là vị mục tử cánh chung, Người phân biệt “chiên” và “dê” trong ngày cánh chung (Mt 25,32). Chủ đề “người mục tử” cũng là một trong những chủ đề nổi bật trong các sách Cựu Ước. Chúa là mục tử (St 48,15; Tv 23,1). Vua Đa-vít là mục tử chăn dắt dân Ít-ra-el (2 Sm 5,2; 1 Sbn 11,2; Tv 78,71). Các ngôn sứ nói về những ngôn sứ Chúa ban (Gr 3,15; 23,4; Mk 5,5;) và những ngôn sứ xấu xa, bị Chúa lên án (Gr 10,21; 12,10; 23,1-2; 50,6; Ed 34; Dcr 10,3; 11,8). Chủ đề “hy sinh mạng sống” vì đàn chiên gợi nhớ và tiền báo về cái chết đau khổ mà Đức Giê-su đã trải qua. Điều đó đã được Đức Giê-su nói trước trong khi Người lập Bí Tích Thánh Thể: “đây là mình Thầy, mình được trao ban vì anh em” (Lc 22,19). Cách Gioan mô tả cảnh Đức Giê-su bị bắt trong vườn Cây Dầu cho thấy Đức Giê-su tự ý hiến mạng sống mình, như Người đã nói ở trong trình thuật này (Ga 10,18). Chỉ có Tin Mừng Gioan ghi lại chi tiết rằng: sau khi Đức Giê-su nói: “chính là tôi đây” thì tất cả quân lính đều “lùi lại và ngã xuống đất” (Ga 18,6). Điều này chứng tỏ rằng nếu Đức Giê-su không tự hiến mạng sống mình thì chẳng có ai có thể bắt Người được. Ngoài ra, chủ đề Đức Giê-su nối kết với Chúa Cha qua sự hiểu biết cũng liên kết với nhiều đoạn trong Tin Mừng thứ tư. Đức Giê-su biết Cha vì Người đền từ Ngài (Ga 7,29; Cf. 17,25). Ai biết Đức Giê-su thì cũng biết Chúa Cha (Ga 8,18; 14,7). Trong câu chuyện “chữa lành người mù từ thuở mới sinh” trước đó (Ga 9,1-41), những người Do Thái, cũng chất vấn anh mù về sự hiểu biết của anh ta về người đã chữa lành cho anh ta. Anh ta đã từng bước tiến triển trên con đường nhận thức về Đức Giê-su để rồi đạt đến đỉnh cao là tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su. Từ sự mù mờ: “Tôi không biết” (Ga 9,12), đến phủ nhận Đức Giê-su là một tội nhân, và khẳng định “một điều tôi biết là tôi dù tôi đã bị mù nhưng giờ tôi thấy” (Ga 9,25); cuối cùng nhận ra Đức Giê-su là Đức Chúa (Lord) và tuyên xưng niềm tin và thờ lạy Người (Ga 9,38). Trong bối cảnh trực tiếp, vào đầu chương 10, đoạn ngay trước đoạn này diễn tả rằng những con chiên “theo người mục tử vì chúng biết giọng nói của anh ta” (Ga 10,4). Chúng không “theo người lạ vì chúng không biết tiếng của người lạ” (Ga 10,5). Trong đoạn này (Ga 10,11-18), Đức Giê-su khẳng định là Người biết chính những con chiên của Người và chúng biết Người (Ga 10,14), như thể là Người Cha biết Người và Người biết Người Cha (Ga 10,15). Đó là một cái nhìn sơ lược về bối cảnh để thấy được sự nối kết những chủ đề của bản văn này với những đoạn trước đó và sau đó, với toàn bộ Tin Mừng thứ tư và Tin Mừng Nhất Lãm, cũng như với các Sách Cựu Ước.

Giới hạn và cấu trúc

Giới hạn

Đoạn văn được đánh dấu bằng lời tự bạch của Đức Giê-su (Ga 10,11a). Lời tự bạch này được nhắc lại nhiều lần trong đoạn này (10,11b.14). Vì thế nó làm cho đoạn văn thống nhất về mặt chủ đề. Ga 10,18 có thể được xem là câu kết của đoạn văn này vì nó đóng lại chủ đề nói về tương quan giữa Chúa Cha và Đức Giê-su khởi đầu bằng sự hiểu biết giữa Người Cha và Người Con (Ga 10,15). Hơn nữa, câu văn tiếp theo sau đó (Ga 10,16) đã có dấu hiệu thay đổi về nhân vật và chủ đề, nên đoạn văn này nên kết thúc ờ 10,18.

Cấu trúc

Sau khi quan sát bản văn, xin đề xuất hai loại cấu trúc: (1) Cấu trúc chi tiết bốn tiểu đoạn; (2) Cấu trúc tổng thể. Đoạn 10,11-18 có thể được chia thành 4 tiểu đoạn. Hai tiểu đoạn đầu tiên được cấu trúc theo lối diễn dịch: bắt đầu bằng một câu chủ để sau đó là những phát triển xoay quanh ý tưởng chủ đề trong câu đó. Tiểu đoạn I gồm hai thành phần song song nhau. Hành động của người mục tử tốt lành: chết cho chiên (A) // (A’) Hành động của người làm thuê: bỏ chiên lại và tẩu thoát. Tiểu đoạn II gồm hai cặp thành phần song song với nhau. Hành động của người mục tử nhân lành: Biết chiên (A) // (A’) Hành động của những con chiên: Biết mục tử. Hành động của Người Cha: Biết Người Con (B) // (B’) Hành động của Người Con: Biết Người Cha. Tiểu đoạn III có cấu trúc quy tâm với hai cặp thành phần song song với nhau và hướng vào phía trung tâm. Những con chiên lạc (A) // (A’) Những con chiên đã được quy tụ. Sở dĩ những con chiên lạc được quy tụ là nhờ vào hai hành động: Hành động của người mục tử tốt lành: Tìm kiếm (B) // (B’) Hành động của nhưng con chiên: Lắng nghe. Tiểu đoạn IV gồm có 5 thành phần, cấu trúc theo lối song song. Hành động của Người Cha: Yêu Người Con (A) // (A’) Hành động của không ai: Lấy mạng Người Con. Hành động của Người Con: Tự hiến mạng sống và lấy lại (B’) // (B’) Quyền của Người Con: Tự hiến mạng sống và lấy lại // (B’’) Mệnh lệnh từ Người Cha. Cấu trúc của toàn bộ bốn tiểu đoạn này có thể định dạng bằng hai cặp thành phần song song với nhau: A (I) Mục Tử hy sinh vì những con chiên // A’ (IV) Người Con tự hiến mạng và lấy lại. B (II) Mục tử biết những con chiên // B’ (III) Mục tử biết chiên lạc và tìm chiên lạc.

  • Cấu trúc chi tiết 4 tiểu đoạn
Tiểu đoạn I:

Giới thiệu: “Tôi là mục tử tốt lành (10,11a)

(A) Hành động Mục Tử Tốt Lành: Hy sinh mạng sống vì những con chiên (10,11b)

Giới thiệu: Người làm thuê, không phải là một người mục tử (10,12a)

(A’) Hành động của anh: Để những con chiên lại và tẩu thoát (10,12b)

& không bận tâm về những con chiên (10,13)

 

Tiểu đoạn II:

Giới thiệu: “Tôi là mục tử tốt lành” (10,14a)

(A) Hành động của Người Mục Tử tốt lành: Biết những con chiên (10,14b)

(A’) Hành động của chiên: Biết mục tử (10,14c)

(B) Hành động của Người Cha: Biết Người Con (10,15a)

(B’) Hành động của Người Con: Biết Người Cha (10,15b)

& hy sinh mạng sống vì những con chiên.

 

Tiểu đoạn III:

(A) Những con chiên lạc (10,16a)

(B) Hành động của Người Mục Tử Tốt Lành: Dẫn chúng về (10,16b)

(B’) Hành động của con chiên: Nghe tiếng tôi (10,16c)

(A’) Những con chiên quy tụ: Một đàn chiên và một mục tử (10,16d)

 

Tiểu đoạn IV:

(A) Hành động của Người Cha: Yêu Người Con (10,17a)

(B) Vì hành động của Người Con: Tự hiến và lấy lại (10,17b)

(A’) Hành động của không ai: Lấy mạng Người Con (10,18a)

(B’) Quyền của Người Con: Tự hiến và lấy lại (10,18b)

(B’’) Mệnh lệnh của Người Cha (10,18c)

  • Cấu trúc tổng thể:
A (I) Hành Động của Mục tử tốt lành: Hy sinh vì những con chiên (Ga 10,11-13)

B (II) Hành động của mục tử tốt lành: Biết chiên (Ga 10,14-15)

B’ (III) Hành động của mục tử tốt lành: Biết chiên lạc và tìm chiên lạc (Ga 10,16)

A’ (IV) Hành động của Người Con: Tự hiến mạng sống và lấy lại (Ga 10,17-18)

 

Một số điểm chú giải

  1. Mục tử tốt lành (ὁ ποιμὴν ὁ καλός): Danh từ mục tử (ὁ ποιμὴν), đi chung với tính từ “tốt lành” (ὁ καλός) chỉ xuất hiện trong Tin Mừng Gioan và chỉ xuất hiện trong đoạn này. Nó xuất hiện một cách dày đặc. Có đến 3 lần cụm danh từ này được dùng trong đoạn này (10,11a.11b.14). Danh từ “mục tử” được đi kèm với phẩm tính “tốt lành”. Tính từ này bổ nghĩa cho danh từ “mục tử”. Đức Giê-su không phải là bất cứ một mục tử nào nhưng là “mục tử tốt lành”. Chính Đức Giê-su thừa nhận điều này bằng một cách nói long trọng “ego eimi”, “tôi là” (Ἐγώ εἰμι). Động từ “eimi” kéo vị ngữ đến đồng hóa với chủ ngữ: ego (tôi) = “mục tử nhân lành”. Trong toàn bộ các sách Tin Mừng, chỉ có Đức Giê-su mới là “mục tử nhân lành”. Tính từ “καλός” trong tiếng Hy Lạp vừa có nghĩa là đẹp bề ngoài, vừa có nghĩa là tốt bề trong, và là mẫu mực hoàn hảo cho người khác. R. Brown dịch tính từ này là “model” (người mẫu, vật mẫu).[2] Danh từ “mục tử” đứng riêng một mình còn xuất hiện 3 lần khác trong chương 10 (Ga 10,2.12.16). Ga 10,2 nói đến “người đi qua cổng (chứ không trèo rào) là “người mục tử”, “chiên nghe tiếng anh; anh gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra” (Ga 10,2-3). Ga 10,16 nói đến một mục tử và một đàn chiên. Mục tử này có lẽ cũng ám chỉ Đức Giê-su. Ga 10,12, người làm thuê không phải là một mục tử và không sở hữu những con chiên. Như đã nói trên, Tin Mừng Mát-thêu giới thiệu ngay từ đầu, Hài Nhi Giê-su chính là một thủ lãnh “chăn dắt” dân Chúa đã được sinh ra trong thành Bê-lem (Mt 2,6). Mát-thêu cũng nói đến một vị mục tử để 99 con chiên ở đồng hoang để đi tìm một con chiên lạc (Mt 18,12-14; Cf. Lc 15,4-7). Mát-thêu còn nói đến một vị mục tử của thời cánh chung, tách biệt chiên với dê (Mt 25,32). “Mục tử tốt lành” của Gioan trong bối cảnh trực tiếp đối nghịch lại với những vị mục tử lãnh đạo dân Do Thái thời bấy giờ. Họ không đồng cảm với “người mù từ thuở mới sinh”. Thay vì họ chia sẻ niềm vui với anh vì anh đã được sáng mắt, họ lại tìm cách bắt bớ anh và ngay cả cha mẹ anh cũng bị họ tra hỏi. Họ sợ phải bị trục xuất ra khỏi hội đường nếu họ tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-ah (Ga 9,22). Nhiều quan quyền tin vào Đức Giê-su nhưng không tuyên xưng vì họ sợ những người Pha-ri-sêu sẽ trục xuất họ ra khỏi hội đường (Ga 12,42). Chính “anh mù” cũng bị “trục xuất ra ngoài” vì đã tuyên xưng Đức Giê-su “bởi Thiên Chúa mà đến” (Ga 9,34-35). Hình ảnh “mục tử tốt lành” dĩ nhiên làm người ta nhớ đến hình ảnh đối nghịch với những mục tử “không tốt lành” mà Ê-dê-ki-el được lệnh phải nguyền rủa: “khốn cho các mục tử Ít-ra-el, những kẻ chỉ biết lo cho mình” (Ed 34,2); “sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên thì không lo chăn dắt” (Ed 34,3).
  2. Hy sinh mạng sống (τὴν ψυχὴν αὐτοῦ τίθησιν): Phẩm chất “tốt lành” (καλός) được thể hiện một cách mỹ mãn bằng hành động “hy sinh tính mạng” cho những con chiên. Hy sinh mạng sống rõ ràng là sự hy sinh ở mức độ cao nhất, không còn gì để hy sinh nữa. Đây là kiểu nói mang đặc trưng Gioan. Chúng ta tìm thấy cách nói này trong Ga 15,13: “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của kẻ dám thí mạng vì bạn hữu của mình”. Trong thư thứ nhất Gioan chúng ta cũng gặp thấy tư tưởng này: “chúng ta biết tình yêu bằng cách này, Người đã hy sinh tính mạng cho chúng ta, và chúng ta cũng có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau” (1 Ga 3,16).[3] Đức Giê-su khi đứng trước cuộc tử nạn đã xin cho các môn đệ: “nếu các anh tìm bắt tôi thì hãy để cho những người này đi”. Tác giả Tin Mừng còn thêm “thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói: ‘những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai’” (Ga 18,8-9). Hành động chết thay cho các môn đệ không chỉ ở tầm mức bảo tồn tính mạng tạm thời của các môn đệ, nhưng sâu xa hơn là cái chết của Người trên thập giá đã chuộc tội cho nhân loại, và mang lại cho họ ơn cứu độ, để họ có thể chia sẻ sự sống đời đời với Người. Máu Đức Giê-su là “máu giao ước” đã đổ ra cho “nhiều người được tha tội” (Mt 26,28; Mc 14,24; Lc 22,20; 1 Cr 12,25). Các tín hữu được công chính hóa nhờ máu Đức Giê-su (Rm 5,9). Họ được cứu độ nhờ máu của Người (Eph 1,7; 2,3). Chính máu của Đức Giê-su rửa sạch muôn vàn tội lỗi của chúng ta (1Ga 1,7). Đức Giê-su Ki-tô đã trao ban chính mình cho chúng ta để Người có thể cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và thanh tẩy cho Người một dân, dân nhiệt thành với những việc tốt lành (Tt 2,14). Thánh Phao-lô cũng xác tín rằng: “khi chúng ta còn là tội nhân, Đức Ki-tô đã chết cho chúng ta” (Rm 5,8; 1 Cr 15,3).
  3. “Người làm thuê” (ὁ μισθωτὸς): Đối lại với “người mục tử” (người đi qua cổng chính) (Ga 10,3) là kẻ trộm, kẻ cướp (trèo qua lối khác) (Ga 10,2). Đối lại với “người mục tử nhân lành” là “người làm thuê”. Danh từ “người làm thuê” được nhắc đến hai lần trong toàn Tin Mừng Gioan, và đều ở trong đoạn này, ở hai câu liên tục, với ý định nhấn mạnh (Ga 10,12.13). Mác-cô và Luca cũng nói đến một người làm thuê theo nghĩa chung chung: người làm công của gia đình ông Dê-bê-đê (Mc 1,20); người con hoang đàng muốn trở thành người làm công của cha mình (Lc 15,17.19). Người làm thuê của Gioan trong bối cảnh này là người chăn chiên mướn. Anh ta có thể chăn mướn theo ngày hoặc theo tháng, nhưng chắc chắn “những con chiên không thuộc về anh ta” (Ga 10,12). Tác giả Gioan phân biệt rõ 3 điều liên quan đến “người chăn thuê” bằng ba câu phủ định: (1) Anh ta không phải là một mục tử (οὐκ ὢν ποιμήν), khác với Đức Giê-su là một mục tử; (2) Những con chiên không thuộc về anh ta (3) Anh ta không bận tâm đến những con chiên. Ba cái “không” đó đã chi phối hoàn toàn hành vi bỏ chiên lại và tẩu thoát của anh ta. Mục Tử Giê-su được định nghĩa là “tốt lành” trong khi đó “người chăn thuê” không được định nghĩa gì cả. Như thế mới hiểu rằng, không phải bất cứ ai chăn chiên, đều là người mục tử. Họ có thể chỉ là “người chăn thuê”.
  4. Để những con chiên lại… tẩu thoát: Dấu hiệu để nhận ra người đang chăn bầy chiên là “một mục tử” hay là “một người chăn thuê” được bộc lộ rõ nét khi đàn chiên gặp nguy hiểm. Nếu như người mục tử “hy sinh tính mạng” để bảo vệ đàn chiên, thì “người chăn thuê” bỏ những con chiên lại, mặc cho sói vồ lấy chiên và làm cho chúng tan tác. Lý do được đưa ra là vì anh ta không “bận tâm đến” sự sống chết của những con chiên, vì những con chiên “không thuộc về anh” và vì anh chỉ là “người chăn thuê”. Dĩ nhiên, con sói ở đây mang ý nghĩa biểu tượng cũng như vị mục tử cũng mang ý nghĩa biểu tượng. Những người “chăn thuê” ở đây có thể là những lãnh đạo Do Thái, đối lại với vị mục tử tốt lành là Đức Giê-su. Những người lãnh đạo này bảo tồn cuộc sống của họ trong khi những cư dân Giê-ru-sa-lem, “chiên của đàn” bị “vồ” và “phân tán”.[4] Con sói có thể là biểu tượng của thế lực ngoại bang xâm chiếm và phân tán người dân thường. “Con sói” cũng có thể là biểu tượng của quỷ có nguy cơ làm cho những tín hữu mất đức tin, lạc xa Chúa và đưa đến diệt vong. Đức Giê-su nói với những “Người Do Thái” rằng: “Cha các ngươi là quỷ và các ngươi chọn làm theo sở thích của cha các ngươi” (Ga 8,44).[5] Tin Mừng Gioan cũng cho thấy hành động “nộp” Thầy của Giu-đa có tác động lớn bởi quỷ: “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con trai của ông Simon Ít-ca-ri-ốt ý định nộp Người” (Ga 13,2). Cuộc chiến giành giật mạng sống của “những con chiên” thật sự là một cuộc chiến với ma quỷ. Đức Giê-su đã nhiều lần nhắc nhở Giu-đa nhưng không có kết quả gì (Ga 6,46; 13,11; 13,21.26).
  5. Biết chiên… chiên biết: Đặc tính, biểu hiện tiếp theo của vị “mục tử nhân lành” là “biết những con chiên” của mình. Gioan dùng một cấu trúc song song để diễn tả mối quan hệ hỗ tương giữa “người mục tử nhân lành” và “những con chiên của mình”. Cấu trúc trong tiếng Hy Lạp rất rõ, nhưng khi diễn tả qua tiếng Việt rất khó giữ cấu trúc này.
               γινώσκω τὰ ἐμὰ               tôi biết những con chiên của tôi

καὶ          γινώσκουσίν με τὰ ἐμάbiết tôi những con chiên của tôi

Động từ biết (γινώσκω) diễn tả một sự hiểu biết sâu sắc, qua quá trình tìm hiểu và nhận ra. Mục tử Giê-su biết những con chiên của mình một cách tường tận. Người mục tử Giê-su “gọi tên từng con một, rồi dẫn” những con chiên ra khỏi ràn (Ga 10,3). Khi chiên đã ra hết, anh ta đi trước” (Ga 10,4). Những con chiên đích thực, ngoan hiền cũng có một sự hiểu biết người mục tử y chang như người mục tử hiểu chúng. Liên từ “và” (καὶ) nối hai vế ngang nhau của một câu ghép. Động từ dùng diễn tả sự hiểu biết của Đức Giê-su đối với những con chiên (γινώσκω) cũng là động từ dùng để diễn tả sự hiểu biết của những con chiên đối với Đức Giê-su. Nghĩa là sự hiểu biết này trên lý thuyết là không khác nhau. Khi vị mục tử đi trước thì đàn chiên theo sau (ἀκολουθεω) anh ta (Ga 10,4). Những con chiên “nghe tiếng” (ἀκούω) vị mục tử (Ga 10,3) và “nhận biết tiếng” (οἶδα) của anh (Ga 10,4). Ngay cả những con chiên lạc khi đã được đưa về thì cũng “nghe tiếng” (ἀκούω) mục tử Giê-su (Ga 10,16). “Lắng nghe”, “hiểu biết”, “đi theo sau” là những đặc tính không thể thiếu của những con chiên “biết” vị mục tử của mình.

  1. Biết Cha… Cha biết: Bằng một liên từ so sánh “hệt như” (καθὼς), Đức Giê-su đồng hóa sự hiểu biết giữa Người và những con chiên với sự hiểu biết giữa Người với cha Người. Dưới đây là sơ đồ về sự đồng hóa của hai sự hiểu biết của hai cặp nhân vật: Mục tử Giê-su – chiên và Người Cha – Người Con. Động từ dùng diễn tả sự hiểu biết của tất cả các nhân vật là như nhau. Động từ “biết” (hiểu, nhận ra) được dùng với mật độ vô cùng dày đặc. Độc giả nghe có cảm giác như là: “biết”, “biết”, “biết” rồi “biết”, một điệp khúc của động từ biết. Điệp từ này cùng với liên từ “hệt như” (καθὼς) góp phần thắt chặt mối tương quan giữa bốn loại nhân vật này lại gần nhau nhất có thể qua sự thấu hiểu lẫn nhau. Hai câu này có cấu trúc như một bài thơ vậy, với hai loại cấu trúc được sử dụng. Cấu trúc của mối tương quan giữa mục tử Giê-su và chiên là cấu trúc song song (A//B), trong khi đó cấu trúc của mối tương quan giữa Cha và Con là cấu trúc giao thoa (Chiasm) (ABBA). Hai cấu trúc này lại được nối với nhau bằng liên từ “hệt như” (καθὼς). Nghĩa là (A//B) = (ABBA). Mối tương quan giữa mục tử – chiên cũng khăng khít như mối tương quan giữa Cha – Con vậy. Đây quả là một lý tưởng đỉnh cao cho cộng đoàn Gioan vươn tới, bởi lẽ sự thấu hiểu giữa Cha – Con là sự thấu hiểu ở mức độ sâu xa nhất trên trần gian này không. Đó là nền tảng là điểm quy chiếu cho mọi sự thấu hiểu.
  2. Những con chiên khác (ἄλλα πρόβατα): Sau khi bày tỏ bộc bạch về mối tương quan khăng khít giữa chiên và “người mục tử nhân lành”. Giờ đây, “người mục tử nhân lành” hướng đến nhưng con chiên không thuộc đàn này. Người mục tử này tự cảm thấy có trách nhiệm phải dẫn đưa chúng về. Lối diễn tả “Tôi còn những con chiên khác” (ἄλλα πρόβατα ἔχω) cho thấy Mục tử Giê-su xem những con chiên lạc cũng thuộc sở hữu của Người, dẫu cho những con chiên ấy nhiều khi chẳng biết đến vị mục tử của mình. “Những con chiên khác” cũng có thể là cộng đoàn dân ngoại rộng lớn chưa tin vào Đức Giê-su.[6]

8.“Phải đưa chúng về”: Động từ không ngôi “phải” (δεῖ)[7] diễn tả một sự bắt buộc trong sứ vụ mục tử của Đức Giê-su. Sứ vụ này gợi nhớ đến lời căn dặn của Đức Giê-su dành cho các Tông Đồ khi Người sai các ông đi: “hãy đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-el”. Đó cũng chính là sứ vụ của Đức Giê-su: “tôi chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Ít-ta-en” (Mt 15,24). Một người mục tử bình thường có 100 con chiên mà lỡ mất một con thì anh ta cũng bỏ 99 con lại trên núi để tìm cho được con chiên lạc ấy (Mt 18,10-14; Lc 15,4-7). Bởi lẽ, “ý định của Chúa Cha là không để cho một trong những kẻ bé mọn này bị lạc mất” (Mt18,14). Đức Giê-su đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng là để kêu gọi người tội lỗi (Lc 5,32; Mc 2,17; Mt 9,13). “Phải đưa chúng về” cũng là cách nói về sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Đức Giê-su như người mục tử sẽ quy tụ tất cả về một “đàn chiên” và “một mục tử”. Đó cũng là sứ vụ của Giáo Hội mà Đức Giê-su là đầu. Đây cũng có thể là sự phân biệt thời sơ khai được đưa ra bởi cộng đoàn Do Thái Ki-tô giáo có Đức Giê-su là mục tử với những ki-tô hữu gốc dân ngoại. Đức Giê-su sẽ làm cho họ trở thành một đàn chiên để xóa tan sự khác biệt.[8] Tuy nhiên, xem ra cho đến ngày nay sự phân rẽ ngày càng nhiều giữa các đàn chiên của Đức Giê-su và vẫn chưa có một đàn chiên và một người mục tử. Có chăng là một mục tử và nhiều đàn chiên.9

9.Hy sinh mạng sống … quyền hy sinh mạng sống… Mệnh lệnh từ cha:

Nhìn vào cấu trúc chi tiết phần IV ở trên, đọc giả sẽ thấy 3 thành phần đi song song với nhau: phần (B) Hy sinh mạng sống & lấy lại // Phần (B’) Quyền hy sinh mạng sống & lấy lại // Phần (B’’) Mệnh lệnh từ Chúa Cha. Sự hy sinh mạng sống của vị mục tử nhân lành là vì và cho những con chiên (Ga 10,11.15). Sự hy sinh mạng sống và lấy lại của mục tử Giê-su được lý giải là quyền tự hiến của chính Người (Ga 10,18c). Cuộc gặp giữa Đức Giê-su với quân lính trong “khu vườn” bên kia suối Kít-rôn đã cho thấy rõ điều ấy. Quân lính và các thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu “đã lùi lại và ngã xuống đất” khi Đức Giê-su chỉ trả lời là “Ta đây!” (Ga 18,6). Trước quan Phi-la-tô, kẻ tự cho mình có quyền tha hay đóng đinh Đức Giê-su (Ga 19,10), Đức Giê-su đã khẳng định rằng “Ông chẳng có quyền gì trên tôi nếu không được ban xuống từ trên” (Ga 19,11).

  1. Đây là mệnh lệnh tôi nhận từ Cha Tôi”: Lý do mà Người Cha yêu thương Người Con là vì Người Con hy sinh mạng sống mình và lấy lại theo “chỉ dẫn” của Chúa Cha. Sự hy sinh mạng sống cách tự nguyện, tự do này là làm theo “mệnh lệnh” (τὴν ἐντολὴν) của Chúa Cha. Danh từ “ἐντολὴν” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “điều răn”, “mệnh lệnh”, “giáo huấn”, “giới luật” (Lc 23,56). Danh từ này xuất hiện 8 lần trong Tin Mừng thứ tư. Nhiều lần khác, điều răn có nguồn gốc từ Đức Giê-su. Chính Đức Giê-su ban truyền “một điều răn mới (Ἐντολὴν καινὴν) để mà ‘anh em có thể yêu thương nhau, hệt như Thầy đã yêu thương anh em để mà anh em cũng có thể yêu thương nhau’” (Ga 13,34). Đức Giê-su cũng nói rằng: “nếu anh em yêu mến Thầy thì an hem giữ điều ăn của Thầy” (Ga 14,15.21; 15,10). Đây là điều răn của Đức Giê-su: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Bốn lần “lệnh truyền” này có nguồn gốc từ Chúa Cha. Ngoài lần này ra, Chúa Cha cũng ban cho Đức Giê-su một “lệnh truyền” về “điều phải nói và điều phải kể” (Ga 12,49) và lệnh truyền của Chúa Cha là sự sống vĩnh cửu (Ga 12,50). Đức Giê-su “giữ những điều răn của” Cha Người (Ga 15,10). Nhiều lần Đức Giê-su nói gián tiếp về việc Người làm có nguồn gốc từ Chúa Cha. “Người Con không thể tự mình làm điều gì nhưng chỉ những điều anh ta thấy Người Cha làm; vì điều gì Người Cha làm, Người Con cũng làm như thế” (Ga 5,19); “những công việc Người Cha giao cho Tôi hoàn tất, những công việc tôi đang làm minh chứng thay cho Tôi là Người Cha đã sai Tôi” (Ga 5,36); “Tôi nói những điều này như Người Cha đã hướng dẫn Tôi” (Ga 8,28). Sự hiểu biết Người Cha của Người Con được đề cập trước đó (Ga 10, 15) bao hàm cả việc Người Con biết Người Cha muốn gì, và muốn Người Con làm gì. Do vậy, sự hy sinh mạng sống của Người Con cũng là theo “ý định” của Người Cha. Tin Mừng thứ tư không ghi lại khoảnh khắc Đức Giê-su cầu nguyện, đấu tranh nội tâm trong Vườn Cây Dầu để “xin khỏi phải uống chén này”, nhưng rồi Người sẵn sàng chấp nhận “xin đừng theo ý Con mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39; Cf. Mc 14,36; Lc 22,42). Tuy vậy, cách nói “Chúa Cha yêu tôi vì tôi hy sinh mạng sống rồi lấy lại nó” và “đây là mệnh lệnh của Cha Tôi” cho thấy Đức Giê-su sẵn sàng làm theo mệnh lệnh Chúa Cha cho đến cùng như Tin Mừng Nhất Lãm đã diễn tả.

Tin mừng Gioan cũng ghi lại khoảnh khắc Phê-rô khẳng khái tuyên bố: “Con sẽ thí mạng con vì Thầy” (13,37-38) nhưng rồi Đức Giê-su chặn đứng tuyên bố của ông bằng cách bật mí một sự thật phủ phàng: “trước khi gà gáy, con đã chối Thầy 3 lần” (Ga 13,38). Tuy nhiên, sau này Phê-rô cũng đã thực hiện tuyên bố của mình. Ông đã thực sự chết cho niềm tin vào Đức Giê-su và làm chứng cho niềm tin ấy. Theo truyền thống, nơi ông bị đóng đinh ngược là đồi Vatican, là nơi người ta xây Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô ngày nay.

Bình Luận

Bối cảnh văn hóa chung của thời các tổ phủ trong Cựu Ước là bối cảnh của những người du mục và chăn nuôi.[9] Cho đến thời Đức Giê-su, nhiều người, nếu không muốn nói là đa số dân Do Thái còn sống du canh du cư. Vì thế, hình ảnh người mục tử là rất quen thuộc với họ. Trong lịch sử dân thánh, các ngôn sứ đã cho thấy rằng, bởi có những vị mục tử xấu xa, không bận tâm, chăm sóc những con chiên mà chỉ kiếm lợi lộc trên chúng (Ed 34,2-8), nên Đức Chúa sẽ tự mình, tìm kiếm và chăm nom, chăn nuôi đàn chiên (Ed 34,11-12.15). Người sẽ tập họp chúng lại và dẫn đưa về thửa đất của chúng về lại thửa đất của chúng (Ed 34,13). Đức Giê-su chính là Thiên Chúa-mục tử. Chính Người sẽ chăm sóc những con chiên của Người một cách chu đáo. Người không chỉ chăm sóc chúng với những chu cấp bánh ăn nước uống, như đã xảy ra trong dấu lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6,5-15), mà Người còn mang lại sự sống đời đời cho họ. Người tự bạch rằng “Tôi là mục tử nhân lành” đến hai lần trong đoạn văn này (Ga 10,11.14). Cùng với hai lần tự bạch, vị “mục tử nhân lành” diễn giải những phẩm tính ưu việt của mình.[10]

Lần thứ nhất (Ga 10,11), vị mục tử Giê-su bộc lộ phẩm tính ưu việt qua việc sẵn sàng “thí mạng vì những con chiên”. Người cho thấy hình ảnh của Người hoàn toàn trái ngược với “người chăn thuê”. Trong khi “người chăn thuê” không bận tâm, để chiên lại, và tẩu thoát trước sự đe dọa của sói rừng, mục tử Giê-su sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đàn chiên. Sự hy sinh mạng sống này chính là phẩm tính cao cả nhất mà chỉ duy mình Người mới có được. Cũng như trong toàn bộ Thánh Kinh, không ai dám tự xưng mình là “mục tử tốt lành”, thì cũng chỉ có một mình mục tử Giê-su dám hiến mạng vì đàn chiên. Đây chính là phẩm tính đáng yêu làm cho Chúa Cha yêu thương người vị mục tử Giê-su (10,17). Bởi lẽ, “hy sinh mang sống vì đàn chiên” cũng là “mệnh lệnh” mà mục tử Giê-su nhận từ Chúa Cha. “Sự hy sinh mạng sống ấy” càng cao cả và đúng nghĩa khi nó đến từ sự tự hiến hoàn toàn của Người Con chứ không phải là có ai có thể lấy mạng của Người được. Gioan đã cấu trúc mầu nhiệm “hy sinh mạng sống” thật khéo léo. Đó là phẩm tính của vị mục tử nhân lành (10,11); là nét đẹp của Người Con làm cho Chúa Cha yêu (10,17); đó cũng là “quyền hy sinh” của Người Con (10,18b); và là “mệnh lệnh” đến từ Người Cha (10,18c).[11] Những cách nói này gợi nhớ đến mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh mà Đức Giê-su đã trải qua.

Lần thứ hai (Ga 10,14), “mục tử tốt lành” gắn liền với điệp khúc “biết”. Mục tử Giê-su là một mục tử thấu hiểu những con chiên của mình và chiên của người mục tử này cũng thấu hiểu vị mục tử của chúng. Chưa hết, sự thấu hiểu giữa mục tử – những con chiên, được đồng hóa với sự thấu hiểu giữa Người Cha – Người Con. Đó là một sự thấu hiểu ở mức cao nhất. Mục tử Giê-su biết Chúa Cha đồng nghĩa với việc biết Chúa Cha mong muốn Người hy sinh tính mạng cho đàn chiên. Người biết những con chiên nghĩa là biết Người phải hy sinh tính mạng cho chúng. Tất cả những sự hiểu biết này đều quy về mầu nhiệm “tự hiến của Người Con”. Chính vì thế, kết thúc lần tự bạch lần 2 về “mục tử nhân lành” chỉ có thể là câu: “và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15).

Ngoài ra, mục tử nhân lành còn phải có chức năng tìm kiếm và quy tụ. Đó là sứ vụ bắt buộc của “mục tử nhân lành”: “Tôi phải dẫn chúng về” (δεῖ με ἀγαγεῖ). Những con chiên khác có thể là những con chiên lạc đàn, đang rong ruổi đâu đó và không biết đường về. “Những con chiên khác” cũng có thể là những người dân ngoại vì chưa nhận biết Đức Giê-su, nên cũng chưa tin vào Người. Mục tử Giê-su ao ước đưa chúng về và làm cho chúng nghe theo tiếng Người. Đức Giê-su được sai đến trước hết cho những con chiên lạc nhà Ít-ra-el nhưng Người cũng không loại trừ sự rao giảng trong phạm vi của dân ngoại. Dân ngoại cũng nằm trong kế hoạch tìm kiếm bắt buộc của Người. “Một đàn chiên và một mục tử” chính là tâm huyết của cả đời Người.

Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích

[1] F.J. Moloney, The Gospel of John (SP; Collegeville 2005) IV, 290.

[2] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes (AYB; New Haven – London 2008) XXIX, 386.

[3] Ibid.

[4] F.J. Moloney, The Gospel of John, 310.

[5] R. Brown nhận xét rằng không có lý do gì để tin rằng Đức Giê-su không tiếp tục những ghi chú của mình về những người Phari-sêu được nói đến ở Ga 8,41 (R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII), 388).

[6] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII), 396.

[7] Gioan dùng rất nhiều lần động từ diễn tả sự bắt buộc này (Ga 3,7; 3,14.30; 4,4.20.24; 9,4; 10,16; 12,34; 20,9).

[8]E. Haenchen– R.W. Funk – U. Busse, John: a commentary on the Gospel of John (Hermeneia; Philadelphia 1984) 49.

[9] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII), 397.

[10] Xem thêm Joseph Phạm Duy Thạch, SVD, “Những Phẩm Tính của Mục Tử Nhân Lành và Chiên Ngoan”, HORIZON MISSIONARY: NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA MỤC TỬ NHÂN LÀNH VÀ CHIÊN NGOAN (josephpham-horizon.blogspot.com) (truy cập ngày 23/04/2021).

[11] Xem thêm, G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 171.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 3 Phục Sinh)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 3 Phục Sinh)