NẺO ĐI CÓ CHÚA

0
228

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Trước khi thành lập cơ sở truyền giáo, cha thánh Arnold đã luôn ấp ủ khát khao có được một cơ sở, nơi đó sẽ quy tụ những con người có khao khát mang Lời Chúa đến cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ và những vùng đất mà Lời Chúa chưa được rao giảng. Cha thánh Arnold đã luôn đề cao và coi trọng sứ vụ này. Đối với ngài, truyền giáo chính là căn cốt và nhiệm vụ của mỗi thành viên khi gia nhập Hội Dòng. Điều này đã được ghi rõ trong Hiến pháp số 102: Là thành viên của Hội Dòng, chúng ta phải sẵn sàng đi bất cứ nơi nào mà bề trên sai tới, để chu toàn sứ vụ thừa sai của chúng ta, cho dù việc bổ nhiêm này đòi phải rời bỏ quê hương, xứ sở, tiếng mẹ đẻ cũng như nền văn hóa của mình.

Trong bối cảnh xã hội hôm nay, công việc truyền giáo mang tính cấp thiết, vì con người của thời đại này dường như chỉ muốn đặt Chúa bên lề của cuộc sống thường ngày; thay vào đó, họ chỉ muốn tự do và hưởng thụ. Thêm vào đó, số lượng ơn gọi ngày càng giảm sút cách trầm trọng, đặt biệt là ở Âu châu. Đời sống đức tin của các tín hữu ngày càng khô khan và xuống dốc. Trước hoàn cảnh đó, Giáo Hội kêu gọi mọi tín hữu tham gia vào công việc truyền giáo, rao giảng Lời Chúa tùy theo khả năng và điều kiện của mỗi người[1].

Là những tu sĩ của Dòng Ngôi Lời, lại được mang danh là Dòng Truyền Giáo, chúng ta luôn được mời gọi dấn thân cho sứ vụ truyền giáo. Đó cũng là một cách mà chúng ta thể hiện căn tính và linh đạo của Hội Dòng. Cho dù việc đáp trả này hoàn toàn không dễ dàng và biết bao khó khăn thử thách đang chờ đợi phía trước. Nhưng đã là thành viên của Ngôi Lời, thì phải xem sứ vụ truyền giáo là cuộc sống của mình, như hiến pháp Dòng đã xác quyết: Cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta. Hành trang để chúng ta lên đường đó chính là niềm tin và sự phó thác vào bàn tay nhân lành của Thiên Chúa.

Quả thật, việc rời bỏ quê hương và văn hóa của mình để bước theo sứ vụ truyền giáo, mang Lời Chúa đến cho mọi người, quả là một việc không hề dễ dàng. Nếu cậy vào sức mình thì chúng ta không thể làm được, nhưng nhờ tình yêu và lòng thương xót Chúa; chính Ngài ban ơn, nâng đỡ và dìu dắt để chúng ta có thể chu toàn sứ vụ. Với lòng thương xót bao la, Chúa không bao giờ để những môn đệ đang thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng phải cô đơn và thất vọng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ … Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,19-20).

Trong bầu khí của Năm Thánh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nhìn lại linh đạo và sứ vụ truyền giáo của Hội Dòng, chúng ta cảm nghiệm sâu sắc hơn lòng thương xót mà Chúa đã dành cho chúng ta. Vượt qua bao biến cố và thử thách của thời đại, hàng ngày, hàng giờ, những thành viên của Hội Dòng vẫn đang nhiệt tâm mang Lời Chúa đến cho mọi người ở khắp mọi miền trên thế giới, đặc biệt là những vùng xa xôi hẻo lánh.

Những bước chân của nhà truyền giáo nhiều lúc cũng chông chênh, nhưng điều đó không thể ngăn cản được khát vọng và lòng nhiệt huyết bước theo chân Thầy Chí Thánh là Đức Giêsu để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Bởi các nhà truyền giáo vẫn luôn tin rằng Chúa luôn đồng hành với họ trên mọi nẻo đường. Họ tin và phó thác mọi sự cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Khi đặt trọn công việc của mình vào lòng xót thương của Chúa và để cho Ngài hoạt động, thì Ngài sẽ luôn che chở những nhà truyền giáo trước những khó khăn và thách đố của sứ vụ. Không những thế Ngài còn mang đến những niềm vui và nguồn động lực, để họ luôn cảm thấy bình an trong cuộc sống.

Một khi đã cảm nhận được lòng thương xót Chúa và sự che chở của Ngài, những nhà truyền giáo cũng phải biết mang trong mình lòng xót thương và chia sẻ nó cho mọi người, đặc biệt là những người đang cần sự xót thương nhất: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Vì chỉ có tình yêu và lòng xót thương mới giúp chúng ta biến đổi và cải hoán lòng người. Qua đó, mọi người có thể nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi những nhà truyền giáo. Sứ vụ truyền giáo được thể hiện qua đời sống chứng nhân chứ không phải qua những lời mà họ rao giảng, vì ngày nay người ta cần chứng nhân hơn là thầy dạy (ĐTC Phaolô VI). Đời sống chứng nhân của nhà truyền giáo không gì khác, ngoài việc thể hiện tình yêu và lòng thương xót với tất cả mọi người, và họa lại hình ảnh Thiên Chúa nơi cuộc sống thường ngày của mình.

Mỗi thành viên Ngôi Lời không chỉ được mời gọi dấn thân cho sứ vụ truyền giáo, nhưng còn được kêu mời sống tinh thần thương xót ngay trong cuộc sống thường ngày của mình. Qua đó chúng ta có thể cảm nghiệm và sống triệt để hơn linh đạo Ngôi Lời, đặc biệt trong bầu khí của Năm Thánh Lòng Thương Xót này.

[1] Xem Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, bản dịch Việt Ngữ của Giáo hoàng Học viện Piô X, số 36.

Bài trướcTÌNH HIỆP NHẤT
Bài tiếp theoHÀNH TRÌNH TIẾN BƯỚC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.