HÀNH TRÌNH TIẾN BƯỚC

0
414

Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD

Khi nói tới Giáo hội là nói tới truyền giáo, bởi “bản chất của Giáo hội là truyền giáo.” Hay như lời khẳng định của thánh Tổ phụ Arnold Janssen: Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất. Việc truyền giáo quan trọng vì đó là hành động yêu thương trước nhất và cao cả nhất. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, khi suy niệm về tình thương của Thiên Chúa dành cho con người khi sai Con Một đến rao giảng Tin Mừng yêu thương cho nhân loại, tôi muốn suy tư về những đức tính làm nên nhà truyền giáo, vì truyền giáo chính là thể hiện lòng thương dành cho đồng loại.

Theo tôi, những đức tính làm nên yếu tính của một nhà truyền giáo là: Đời sống cầu nguyện, sự dấn thân không ngừng nghỉ và có tấm lòng mục tử.

Đời sống cầu nguyện

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, không thể cho cái mà mình không có. Cũng vậy, không thể giới thiệu Chúa với mọi người nếu trong ta không có Chúa; không thể giúp người khác chọn Chúa là gia nghiệp trong khi ta không chọn Chúa là ý nghĩa, là cùng đích của đời mình. Bởi thế, “nghề” của người tu sĩ nói chung, và nhà truyền giáo nói riêng đó là cầu nguyện. Nhà truyền giáo phải trở thành những “chuyên viên” của sự cầu nguyện. Hơn nữa, ta không thể hiểu một người, biết rõ về người đó nếu ta không dành thời gian để tâm sự trò chuyện với người ấy. Bởi vậy, đời sống cầu nguyện như mối dây liên kết trực tiếp giữa nhà truyền giáo và Thiên Chúa, như dây điện nối liền bóng đèn với nguồn điện.

Chúa Giêsu là một gương mẫu tuyệt vời, là một bậc thầy dạy ta cầu nguyện. Cả cuộc đời tại thế của Ngài là lời cầu nguyện liên lỉ lên Chúa Cha. Là kết hợp trọn vẹn với Chúa Cha trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động, trong từng hơi thở, nhịp đập con tim của Ngài. Bởi thế, đời sống cầu nguyện của nhà truyền giáo phải họa theo gương Chúa Giêsu. Ngoài ra, đấng tổ phụ Arnold Janssen cũng là mẫu gương sáng về đời sống cầu nguyện cho ta là những con cái của ngài. Ngài tận dụng tối đa thời gian, khả năng Chúa ban để liên kết mật thiết với Thiên Chúa. Cả cuộc đời của thánh nhân là tìm kiếm “thánh ý Chúa”, “để ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”

Bởi thế, cầu nguyện phải là “hơi thở,” phải trở thành “lẽ sống của nhà truyền giáo.” Nhà truyền giáo phải “dìm đắm” cuộc đời mình trong sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa; nhà truyền giáo phải trở về với Chúa trong từng giây phút cuộc đời mình. Trở về để lấy sức mạnh mà ra đi. Và ra đi để biết mình cần phải trở về. Vì thế, đời sống cầu nguyện làm nên chính “bản thể” của người truyền giáo, để tất cả những thứ khác là “tùy thể” thêm vào. Nếu không có đời sống cầu nguyện thì tất cả những gì ta có đều trở nên vô nghĩa.

Ta có thể dùng hình ảnh ngọn lửa và thanh củi, để minh họa cho quá trình biến đổi của chúng ta trong sự thanh tẩy của Thiên Chúa. Như ngọn lửa tác động lên củi, đốt cháy và biến củi thành lửa, Thiên Chúa ban ân sủng trên ta, thanh luyện và biến đổi ta thành chính Chúa. Đầu tiên, khi lửa táp vào củi, nó làm củi khô đi, cũng như làm ứa trào những chất cận bã bên trong ra bên ngoài. Tiếp đến, lửa thui cho thanh củi thành đen đủi, xấu xí. Càng làm cho củi khô, đen đủi thì lửa càng lôi thanh củi về phía ánh sáng. Cuối cùng, lửa bén vào đốt cháy thanh củi, biến củi thành lửa và làm nó xinh đẹp như lửa.

Tương tự như vậy, càng gần Chúa, nhà truyền giáo càng biết mình hơn, biết được sự yếu đuối, mỏng giòn, tội lỗi, nhơ nhuốc nơi bản thân; đồng thời hiểu rằng mình sẽ chẳng làm được gì nếu không có Chúa. Càng gần Chúa, nhà truyền giáo càng được thanh tẩy, uốn nắn và biến đổi, để ngày càng trở nên xứng đáng cho sứ vụ; càng gần Chúa, nhà truyền giáo càng để Thiên Chúa “xâm chiếm,” “chiếm hữu” đời mình. Để rồi, nhà truyền giáo không làm chủ đời mình nữa, nhưng chính Chúa là vị thuyền trưởng của con thuyền cuộc đời họ; càng gần Chúa, nhà truyền giáo ngày càng được biến đổi nên giống Chúa hơn.

Sự dấn thân không ngừng nghỉ

Nếu coi truyền giáo là một trận chiến, thì người truyền giáo được ví như là người “chiến sĩ ở mặt trận tiền tuyến”, người đứng ở đầu sóng ngọn gió. Nơi khó khăn nhất, khắc nhiệt nhất là nơi dành cho người truyền giáo. Bởi thế, một điều kiện cần thiết của một nhà truyền giáo là sự vượt khó, vươn lên chính mình, và đặc biệt là sự dấn thân, cống hiến không ngừng nghỉ. Thật vậy, môi trường truyền giáo không có chỗ cho những người ngại khó, ngại khổ, cho những người không chịu vượt thắng chính mình. Nó càng không có chỗ cho những người biếng nhác, không chịu hy sinh. Để hạt giống Tin Mừng được mục nát, nảy mầm, lớn lên và sinh hoa kết quả thì người truyền giáo phải hy sinh, phải cho đi, phải dấn thân không ngừng nghỉ, phải đổ cả mồ hôi và nước mắt.

Sự dấn thân, hy sinh, phục vụ vô điều kiện vì đồng loại giúp cho nhà truyền giáo ngày càng nên giống Chúa Giêsu, Đấng là mẫu mực cho các nhà truyền giáo. Cuộc đời của Chúa Giêsu có thể tóm gọn trong cụm từ: “hy sinh và phục vụ.” Cả cuộc đời Ngài là sự hy sinh, phục vụ không ngừng nghỉ. Ngài đã hy sinh, cống hiến tất cả vì lợi ích của nhân loại. Đỉnh cao của sự hy sinh là cái chết trên cây thập tự để cứu chuộc nhân loại. Một sự hy sinh đến cùng, cho đi tất cả không giữ lại cho mình, ngay cả chính mạng sống. Noi theo gương Thầy Chí Thánh, nhà truyền giáo cũng phải cho đi, phải hy sinh, phải “tự hiến hoàn toàn” cho việc truyền giáo. Nhà truyền giáo đích thực là người dám “sống chết” vì Tin Mừng. Là người hy sinh, dấn thân không ngừng nghỉ để cho “Nước Trời trị đến.” Giống như ngọn nến không bao giờ chiếu sáng được nếu nó không chịu tiêu hao thân mình. Nhưng chính khi nó chịu hy sinh thân mình, tiêu hao bấc và sáp, thì khi đó nó mới trở thành nguồn sáng.

Tấm lòng mục tử

Nhà truyền giáo là người đi rao giảng Tin Mừng, rao giảng về một Thiên Chúa tình yêu cho nhân loại. Bởi thế, trước tiên, nhà truyền giáo phải là một tấm gương phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người. Chính qua nhà truyền giáo, người ta nhận thấy “gương mặt” của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu chính là người mục tử nhân lành, mục tử “có mùi của con chiên”, một mục tử “biết và gọi tên” từng con chiên một (Ga 10, 14). Ngài là mục tử có tấm lòng yêu mến, xót thương, cũng như nhạy cảm trước những khó khăn, đau khổ của đoàn chiên, một mục tử “sống và chết” vì đoàn chiên. Thánh Arnold Janssen cũng là gương sáng về người có tấm lòng mục tử. Ngài luôn thao thức cho sự cứu rỗi của nhân loại. Dù có khó khăn, bị phản đối, cha thánh vẫn thành lập ba Hội Dòng để đem Tin Mừng cho nhân loại. Cha đã làm “tất cả vì lợi ích cho muôn dân.”

Vì thế, nhà truyền giáo phải là người có tấm lòng mục tử. Là người dám hy sinh tất cả vì lợi ích của nhân loại. Người truyền giáo là người có đôi chân không biết mệt mỏi để đi đến với tha nhân. Là người có cánh tay rộng lớn để đón nhận, ôm trọn tất cả mọi người. Là người có đôi mắt “tinh tế” để thấy được những khó khăn, đau khổ nơi mọi người. Là người có đôi tai nhạy bén để nghe được những tiếng than nơi đồng loại. Là người có trái tim “rung động” để thấu cảm với từng người, một trái tim nhân lành để đón nhận, tha thứ cho mọi người một cách vô điều kiện.

Hành trình tiến bước của người môn đệ Chúa Kitô là trở nên “đồng hình đồng dạng” với Ngài. Đó là hành trình tiếp nối sứ vụ của Ngài nên trần gian, đem Tin Mừng, rao giảng ơn cứu độ cho nhân loại. Đó cũng là hành trình sống “tròn đầy linh đạo” của Hội Dòng nơi nhà truyền giáo. Rao giảng Tin Mừng là ơn gọi phổ quát, cũng như là ưu tiên hàng đầu của người tín hữu. Khi nào còn con người, khi đó còn cần bước chân của người rao giảng Tin Mừng.

Rao giảng Tin Mừng là công việc của Chúa, nhà truyền giáo chỉ là khí cụ trong tay Ngài. Vì thế, nhiệm vụ của người truyền giáo là hãy sửa đổi, thăng tiến bản thân để ngày càng trở nên xứng đáng hơn. Việc có trở nên khí cụ xứng đáng trong tay Chúa không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách chọn lựa, cách sống của chúng ta hôm nay, những nhà truyền giáo tương lai.

 

Bài trướcNẺO ĐI CÓ CHÚA
Bài tiếp theo“HÃY ĐI VÀ LÀM”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.