“HÃY ĐI VÀ LÀM”

0
208

Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD

“Hãy đi và làm” là lời mời gọi mà Chúa muốn mỗi người chúng ta đi đến “việc làm” nhiều hơn là “lời nói”suông mà thôi. Thật vậy, cuộc sống ngày nay có nhiều người “nói hay” nhưng lại thiếu những người “làm giỏi”.

“Đi” là tự di chuyển bằng những động tác liên tiếp của chân, lúc nào cũng vừa có chân tựa trên mặt đất vừa có chân giơ lên đặt tới chỗ khác[1]. “Làm” là dùng công sức vào những công việc, có thể rất khác nhau, nhằm một mục đích nhất định nào đó[2]. Như thế, đi và làm là những động tác của một cá nhân nhằm thực hiện một mục đích nào đó.

Nơi một con người, lời nói được hình thành trước rồi mới đến việc làm. Và dường như nói thì dễ hơn là làm. Hiện tượng nói nhiều hơn làm thì ở thời đại nào cũng có. Chính Chúa Giêsu đã cho ta thấy đâu là người nói và đâu là người làm trong dụ ngôn người Samaria nhân hậu. Đoạn đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô có ba người cùng đi, trong đó, có hai người thiên về lời nói và một người thiên về việc làm. Thiên về lời nói đó là thầy Lêvi và thầy tư tế, thiên về việc làm đó là người Samaria. Ở đây, người nói nhiều hơn là người làm.

Sở dĩ tôi xếp những người trên vào những vị trí như vậy là vì, thầy Lêvi và thầy tư tế đều là những người nói về những việc làm của lòng thương xót rất hay và rất tốt. Người Samaria thì ngược lại, làm nhiều hơn. Bằng chứng là việc người Samaria xuống khỏi ngựa và săn sóc người bị nạn ông đã gặp trên đường đi, còn thầy tư tế và thầy Lêvi thì tránh qua một bên.

Việc làm của người Samaria là việc làm thể hiện lòng thương xót. Lòng thương xót không nói suông nhưng thể hiện bằng hành động. Lòng thương xót không những được thể hiện nơi những việc lớn lao mà còn ở nơi việc nhỏ bé mà ta tưởng chừng như vô nghĩa. Lòng thương xót không những ở nơi việc làm của những người nổi danh, mà còn ở nơi những người vô danh tiểu tốt mà đôi khi người đời đánh giá đó là việc làm của kẻ điên. Chính thánh Tổ phụ của Dòng Ngôi Lời đã thực hiện việc làm của lòng thương xót, khi ngài muốn lập nên một nhóm người để thực hiện hành động rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Thế nhưng, việc làm vì lòng thương xót của ngài lại bị đánh giá là việc làm của “kẻ điên”. Ngài luôn ấp ủ lòng thương xót đối với đồng loại, khi ngài nói: Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất.

Ngày hôm nay, các tu sĩ Dòng Ngôi Lời cũng đang thể hiện lòng thương xót đối với đồng loại của mình, bằng việc đến và ở với những người chưa nhận biết ánh sáng của Tin Mừng. Việc ra đi và đến với những người khác chính là sứ vụ – sứ vụ rao giảng Tin Mừng; sứ vụ của lòng thương xót. Ra đi, đến với người khác, đó cũng chính là sống Linh đạo truyền giáo của Dòng Ngôi Lời qua việc thực hiện lời mời gọi của Chúa Giêsu “hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

Hãy đi và làm, đó là bước đi của lòng thương xót, việc làm đầy lòng thương xót. Là một tu sĩ đang bước theo Linh đạo truyền giáo trong dòng Ngôi Lời thì việc đi và mang lòng thương xót đến với người khác lại càng phải đặt lên hàng đầu. Đối với tôi, công việc học tập trong thời gian được đào tạo chính là sứ vụ. Nơi sứ vụ này, tôi không những có trách nhiệm làm giàu vốn kiến thức cho mình mà còn làm giàu lòng thương xót. Qua môi trường học, tôi tập diễn tả lòng thương xót, để khi ra đi với một sứ vụ mới thì hành trang của tôi chính là lòng thương xót và thực thi lòng thương xót của Chúa.

Như vậy, “hãy đi và làm” như một lời mời gọi thôi thúc tôi ra đi với lòng thương xót và làm việc bằng lòng xót thương. Hãy là một người Samaria của lòng thương xót, đừng làm thầy Lêvi hay thầy tư tế chỉ “biết nói” mà không có “việc làm” của lòng xót thương.

[1]Hoàng Phê, Từ Điển Tiếng Việt, Hà Nội, Khoa học Xã hội, 1994, tr.311.

[2]Ibid, tr.538.

Bài trướcHÀNH TRÌNH TIẾN BƯỚC
Bài tiếp theoBWAGA MOYO – ĐẶT CON TIM CỦA BẠN XUỐNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.