BWAGA MOYO – ĐẶT CON TIM CỦA BẠN XUỐNG

0
269

Tu sĩ Máctinô Nguyễn Hoàng Vũ, SVD

Bwaga moyo, một địa danh thuộc Tanzania – Đông Phi; nó có nghĩa là đặt xuống đây tâm hồn và những hy vọng. Thị trấn này từng được biết đến là trạm dừng chân cuối cùng của những người bị bắt làm nô lệ. Tại đây, họ có thể trút hết không chỉ là những gánh nặng mang trên đường đi, hay nghỉ ngơi lại sức nhưng còn là nơi để trút hết những hy vọng cuối cùng, để đặt con tim của mình lại với quê hương mà chuẩn bị cho một cuộc sống khốn khổ ở phía trước.

Nếu như với những người Đông Phi ngày nay, khi nhắc đến từ này sẽ khơi lên trong họ một ký ức đau buồn của quá khứ, nhưng với tôi nó lại là một biểu tượng đầy ý nghĩa. Khi suy nghĩ để viết gì về cảm nhận khóa học Linh đạo của Hội Dòng trong tâm tình Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, tôi bất chợt nhìn thấy một hình ảnh đầy thú vị trước mắt tôi đó là hình Đấng sáng lập Dòng – thánh Arnold Janssen, và ý tưởng với tiêu đề như trên cũng từ đó xuất hiện. Trước tôi giờ đây là hình ảnh thánh Tổ phụ với tay phải cầm tấm bản đồ thế giới, còn tay trái thì đang đặt trên trái tim của mình. Qua hình ảnh đó, tôi như thấy được lời kêu mời của thánh Tổ phụ cũng như nhận ra ý nghĩa đời sống truyền giáo cho mình, đó là Bwaga moyo, hãy đặt con tim của bạn xuống những nơi mà bạn sẽ đến.

Nhìn vào ngài tôi thấy được cái khát khao, cái nhiệt huyết nơi thế hệ đầu tiên của Hội Dòng, những con người tiên phong thực hiện lời mời gọi của Thiên Chúa trở thành những “Sứ giả Nhỏ của Thánh Tâm”. Các ngài sẵn sàng ra đi với món quà trao tặng đó là Tin Mừng của Đức Kitô cùng với trái tim nhỏ bé của mình. Và một trong những “thần tượng” điển hình của Hội Dòng chúng ta cho sứ mệnh này đó là thánh Joseph Freinademetz, một người đã đặt cả cuộc đời cũng như trái tim của mình nơi đất khách quê người. Nhìn lại ý nghĩa của sứ vụ truyền giáo, tôi nhận ra, truyền giáo không phải là một công việc, và càng không phải là một “ngành nghề” chuyên môn nào đó. Truyền giáo không phải là công việc chỉ đến để xây dựng hay thay đổi đời sống của những nơi ta đến. Điều làm nên một nhà truyền giáo thành công không dựa trên “số lượng”, là đã xây được bao nhiêu nhà thờ, đã dựng được bao nhiêu nhà trường hay cơ sở y tế. Và hơn thế nữa không phải là số lượng bao nhiêu người đã được rửa tội.

Đó đã từng là lý tưởng của tôi trong suốt thời gian qua. Với những dự phóng như trên, tôi đã từng vẽ ra cho mình những viễn tượng “tuyệt vời” mà qua đó có thể giúp cho biết bao nhiêu người đang gặp khó khăn trong đời sống về vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta không sống cho những điều vô nghĩa, và tôi dường như đã tìm thấy mục đích và ý nghĩa cho cuộc đời mình. Thật là buồn cười vì nhận ra bản thân luôn mang trong mình cái lý tưởng đó và đã luôn tự hào về chúng. Tôi nhận ra được những gì tôi đang làm, muốn làm và sẽ làm thì ra chỉ là vì nhu cầu của bản thân, với cái mong muốn tìm cho cuộc đời của mình một ý nghĩa nào đó. Tất cả những gì tôi làm chỉ vì lợi ích của riêng mình. Truyền giáo không phải là như vậy. Sứ vụ không vì điều gì khác mà chính là đem Thiên Chúa đến gần với mọi người, nói về Ngài cho mọi người cùng được biết. Lý tưởng truyền giáo đích thật là đem sứ điệp niềm vui của Ngài đến khắp mọi vùng trên thế giới. Và tất cả công việc đó đều vì hướng về tha nhân, những người chưa được đón nhận Tin Mừng. Truyền giáo không là một công việc nhưng là chính một phần trong đời sống của người Kitô hữu, cách riêng với những người sống đời thánh hiến. Những công việc như xây dựng hay nhân đạo nếu không dựa trên nền tảng này thì mãi không phải là truyền giáo. Để có thể làm được như vậy thì một điều không thể không có đó chính là một “trái tim” sẵn sàng san sẻ.

Đối với tôi, công việc truyền giáo thành công hay thất bại không phải dựa vào kết quả, hay năng suất của công việc, đó chỉ là cái tiêu chuẩn đánh giá của một công việc. Nhà truyền giáo thành công là khi họ được đón nhận, được tôn trọng và được yêu mến tại những nơi họ đến. Khi kết thúc một hành trình, người ta sẽ không hỏi nhà truyền giáo đã làm được những gì, nhưng sẽ hỏi những con người nơi họ đến đã nói về họ như thế nào. Và điều tuyệt vời nhất với nhà truyền giáo có lẽ là được xem như là một thành viên, một người nhà thật sự ở những nơi mà họ đến. Nhà truyền giáo không chỉ mang theo mình kiến thức, tài năng hay sự can đảm mà còn thêm nữa là một tấm lòng của tình yêu mến. Một tâm tình chân thật, tâm tình của người anh em, là hành trang quan trọng cần mang theo trong hành trình những nơi mà họ đặt chân đến. Nhờ đó, nó chính là sức mạnh giúp cho họ có thể đón nhận tất cả những khó khăn, thử thách, những khác biệt văn minh, văn hóa, những khác biệt ngôn ngữ hoặc thức ăn, hay thậm chí là cả sự kỳ thị. Nhà truyền giáo phải xem nơi họ đến là ngôi nhà thứ hai của mình. Vì chỉ khi là người nhà của nhau, ta mới có thể chia sẻ hết những gì là chân thật nhất, là quý giá nhất cho nhau, đó chính là Đức Kitô, là Tin Mừng của Ngài. Do đó, chỉ có những người dám mang cả “trái tim” của mình đi, một trái tim yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Tin Mừng, một trái tim yêu mến mọi người với mong muốn được san sẻ niềm vui mà mình đang có, và sẵn sàng đặt xuống đó mới là truyền giáo thật sự.

Một việc làm có ý nghĩa không phải nhờ vào kết quả mà nó mang lại, nhưng ý nghĩa là khi ta đặt hết tâm tình của mình vào đó cho dù kết quả có khi không được như ý muốn. Tình yêu là điều cao quý và không thể thiếu trong cuộc sống con người. Và cách riêng không thể thiếu đối với mỗi nhà truyền giáo, bởi ta không thể nói về tình yêu nếu như ta chưa biết tình yêu là gì. Tình yêu là hành trang đầu tiên của mọi công việc mà nhà truyền giáo cần phải có, như thánh Augustinô đã nói: Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm. Và hơn thế nữa đó là một tinh thần sẵn sàng Bwaga moyo.

Bài trước“HÃY ĐI VÀ LÀM”
Bài tiếp theoGx. Sơn Long, Gp. Ban Mê Thuột – Trại Hè Hiền Mẫu 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.