LỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 14 TN)

0
414

Tin mừng: Mt 10, 1-7

1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông;

3 ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô;

4 ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người.

5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:

6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.


 

SUY  NIỆM

SỨ VỤ CAO CẢ (Tu sĩ  Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD)

Tin Mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu chọn gọi nhóm 12 để các ông tiếp nối sứ vụ của Người, là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. “Người sai họ đi và căn dặn: Hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần” (Mt 10,7).

Thông thường, chúng ta cứ nghĩ việc truyền giáo là việc của những người đi tu, các nhà truyền giáo, thế nhưng truyền giáo là bổn phận của mỗi Kitô hữu. Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo (x. AG,2). Điều đó có nghĩa là Giáo Hội được thiết lập với mục đích là rao giảng Tin Mừng, là mang ơn cứu độ đến cho muôn dân. Mỗi Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội là được tham dự vào chức vụ tư tế, vương đế và ngôn sứ của Đức Giêsu, được tham dự vào sứ vụ của Người. Như thế, truyền giáo chính là căn tính và cùng đích của mỗi Kitô hữu. Một khi chúng ta dấn thân cho sứ vụ rao giảng Nước Trời, là chúng ta đang sống trọn bản chất và căn tính Kitô hữu nơi mình. Ngược lại, một khi chúng ta lơ là, xem nhẹ, hoặc quên đi sứ vụ rao giảng Nước Trời là chúng ta đang đánh mất đi căn tính Kitô hữu trong chính mình.

Vì thế, sứ vụ truyền giáo không phải chỉ là công việc của các tu sĩ, những người đi tu, hay là của những người tài giỏi, quyền bính, giàu sang, nhưng là sứ vụ của tất cả mọi Kitô hữu. Điều này được thấy rõ qua danh sách 12 Tông Đồ, các ngài được Chúa Giêsu chọn từ những thành phần khác nhau. Họ là những người dân quê mùa, chất phác, thậm chí còn là những người tội lỗi, bị xã hội loại trừ…, nhưng tất cả đều được Chúa mời gọi để thi hành sứ vụ rao giảng Nước Trời đến cho muôn dân.

Ước gì qua lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta luôn ý thức hơn về sứ vụ truyền giáo. Bởi đó là căn tính của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu. Không thực thi sứ vụ truyền giáo thì không là Kitô hữu đúng nghĩa. Xin Chúa ban thêm cho mỗi người chúng ta lòng nhiệt huyết trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Amen.


MÔN ĐỆ ĐƯỢC CHỌN (Tu sĩ G. B Nguyễn Tuấn Kiệt, SVD)

 

Trên đường đi rao giảng, nhiều môn đệ hăng hái bước theo  Đức  Giêsu. Cách mà Chúa chọn gọi môn đệ thật kỳ lạ. Ngài không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào về xuất thân, tài năng hay tính cách. Ngài chọn gọi môn đệ phù hợp với sứ vụ mà Ngài trao phó.

Các môn đệ là những người theo sát Đức Giêsu trên hành trình sứ vụ. Cách riêng, Nhóm Mười Hai có thể xem như những người thân cận nhất với Ngài. Mười hai môn đệ là mười hai gương mặt khác nhau, độc đáo, cá tính, thậm chí là cả dị biệt. Nhưng họ cùng được đón nhận chung một sứ vụ từ Thầy Giêsu là ra đi rao giảng Nước Trời. Đón nhận sứ vụ đồng nghĩa với việc phải sẵn sàng ra đi; sẵn sàng chấp nhận những xung khắc với những người khác trong công việc vì sự khác biệt; sẵn sàng đón nhận những thất bại vì bị từ chối, xem thường; và sẵn sàng dành tất cả cho sứ vụ của Thầy. Khi thi hành sứ vụ, người môn đệ được họa lại cuộc sống của Thầy mình.

Lời mời gọi ra đi của Chúa Giêsu vẫn vang vọng trong tâm khảm những người môn đệ qua mọi thời. Người tín hữu hôm nay tiếp tục được mời gọi họa lại cuộc sống của Chúa Giêsu qua đời sống chứng tá yêu thương. Cuộc sống hiện đại có nhiều thứ lôi cuốn người môn đệ chối từ lời mời gọi của Chúa. Đó là sự hưởng thụ vật chất, là lối sống nghèo nàn tình thương, ngại cống hiến, ngại khó, ngại khổ và ích kỷ không muốn ra đi. “Kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít” (Mt 22,14), người môn đệ theo Chúa phải đưa ra lựa chọn dứt khoát cho cuộc đời mình. Được Chúa chọn gọi là một hồng ân, và cũng là thử thách. Noi gương các Tông Đồ thời xưa, môn đệ Chúa hôm nay cần sẵn sàng sống yêu thương phục vụ, “cháy” hết mình cho sứ vụ loan báo Nước Trời.

Lạy Chúa, Ngài mời gọi chúng con đi loan báo Nước Trời, xin cho chúng con dám can đảm dứt khoát đáp trả lời mời gọi ấy, và biết đặt Chúa lên trên hết trong cuộc đời mình. Amen.


 

THẦN Ô UẾ (Lm. GB, Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

ĐƯỢC SAI ĐI ĐỂ THỰC TẬP (Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD)

Trong bất kỳ việc huấn luyện nào, sau một thời gian học lý thuyết, người học trò cũng được thầy mình cho đi thực tập những gì mình đã học. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu cũng làm như vậy. Người đã sai nhóm Mười Hai Tông Đồ ra đi thực tập rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

Nhìn vào danh sách nhóm Mười Hai Tông Đồ, chúng ta thấy các ngài không phải là những người có học thức và trình độ học vấn cao, cũng không phải là những người có tài năng xuất chúng, cũng không phải là những người giàu sang phú quý, nhưng hầu hết các ngài chỉ là những người đánh cá, ít học, không có tài năng xuất chúng, không phải là những người giàu có. Khi sai các ngài ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giêsu ban cho các ngài quyền trên các thần ô uế, để các ngài trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền (x. Mt 10,1). Đây là một ân ban nhưng không, một khả năng mà các ngài có được không do công sức của mình.

Trong khoảng thời gian trước khi được sai đi, các ngài đã nghe Chúa Giêsu giáo huấn về đạo yêu thương, về Tin Mừng Nước Trời và đã chứng kiến Chúa Giêsu sống yêu thương như thế nào. Các ngài đã chứng kiến Chúa Giêsu trừ quỷ, chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền, cho người chết hồi sinh, … Giờ đây, khi được sai đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, các ngài được Chúa Giêsu ban tặng khả năng chữa bệnh và trừ quỷ để phục vụ và yêu thương mọi người cách nhưng không như Chúa Giêsu. Chúa Giêsu muốn các ngài thực tập một lối sống yêu thương như Chúa để sau này tiếp tục công trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa, mời gọi mọi người trở thành môn đệ của Chúa, trở thành công dân Nước Trời, vương quốc của yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, khi sinh ra trong đời, chúng con chẳng có thứ gì cả ngoài hai bàn tay trắng. Mạng sống, sức khỏe, thời gian, tài năng, tiền của,… tất cả đều là những ân huệ mà Chúa đã ban cho chúng con cách nhưng không. Xin Chúa giúp chúng con biết dùng tất cả những gì Chúa ban để phục vụ và yêu thương mọi người như Chúa đã yêu chúng con. Amen.


SỐNG CHỨNG NHÂN (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Căn, SVD)

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Ngay từ những ngày đầu, sau khi phục sinh từ cõi chết, Chúa Giêsu đã sai các Tông Đồ ra đi và đến với muôn dân ở khắp cùng trái đất để loan báo cho họ về Tin Mừng của Ngài (x. Mt 28, 19-20).

Giáo Hội luôn thực hiện lệnh truyền của Thầy Chí Thánh cho dù phải máu chảy đầu rơi. Nhưng, càng gặp khó khăn thử thách thì Giáo Hội càng vững mạnh. Chính máu các thánh tử đạo là hạt mầm trổ sinh các Kitô hữu. Bởi đó, Giáo Hội mời gọi con cái mình, những người được chọn và đang sống giữa thế gian hãy can đảm làm chứng cho niềm tin bằng chính đời sống của mình. Vì, thế giới ngày nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy (ĐGH Phaolô VI).

Chúng ta, mỗi Kitô hữu, đều được Thiên Chúa chọn gọi và sai vào thế gian để làm chứng giữa thế gian về tình yêu cứu độ của Ngài. Do đó, mỗi Kitô hữu, với những cách thế khác nhau, có bổn phận đến với tha nhân, mang Tin Mừng của Chúa đến cho họ bằng sự phục vụ, yêu thương và giúp đỡ. Quả thật, “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất” (Cha thánh Arnold Janssen, đấng sáng lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời).

Hơn nữa, chưa gặp thập giá thì chưa giống Đức Giêsu. Chính Chúa Giêsu còn phải kinh qua đau khổ thập giá mới bước vào vinh quang của mình. Chúng ta, môn đệ của Ngài, chỉ nhận được phần thưởng Nước Trời khi bước theo sát Ngài, kiên trì chiến đấu đến cùng và sống trọn vai trò là chứng nhân.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hướng dẫn, dạy dỗ chúng con, để chúng con biết đổi mới và trở nên những chứng nhân cho tình yêu vô biên của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 14 TN)
Bài tiếp theoCÁO PHÓ: Bà cố Anna PHẠM THỊ SÁU (thân mẫu của Lm. Antôn Lê Sơn, SVD)