LỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 14 TN)

0
400

Tin Mừng: Mt 9,32-38

Họ vừa đi ra thì người ta đem đến cho Đức Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ítraen, chưa hề thấy thế bao giờ!” Nhưng người Pharisêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

—– o0o —–

SUY NIỆM

CHẠNH LÒNG THƯƠNG (Tu sĩ  Phêrô Trần Phúc Giáp, SVD)

Trái tim có lẽ là món quà tuyệt vời nhất mà Thượng Đế ban tặng cho con người. Mỗi nhịp đập, con tim không chỉ mang máu đi tới các cơ quan để nuôi cơ thể; mà còn tạo ra rung cảm theo nhịp điệu của yêu thương. Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi thấy đám đông dân chúng “lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt”, Đức Giêsu đã rung động sâu sắc. Thánh Luca đã dùng ba từ quá đắt giá để diễn tả cảm xúc của Đức Giêsu: “Chạnh lòng thương”.

“Chạnh lòng” là động lòng trước cảnh khổ của người khác đến mức con tim cảm nhận đó như là đau khổ của chính bản thân. Chỉ có lòng thương đến mức “chạnh lòng” mới là tình thương đích thực và cao cả nhất. Chúa chạnh lòng vì Ngài biết không phải họ muốn xem Ngài chữa bệnh câm điếc, bệnh hoạn tật nguyền, trừ ma quỷ hay họ tò mò về dấu lạ mà vì họ là những người đáng thương: đau khổ đè nặng lên thân xác và ưu phiền chất chứa trong tâm hồn. Họ cần ai đó tháo cởi. Chính Chúa, chính Lời của Ngài đã làm họ say mê, vơi bớt đi gánh nặng, ưu phiền, xua tan đi cảnh khổ họ đang gánh chịu.

Thi hào Victo Hugo đã nói: “Trên đời này, có một thứ khiến ta phải cúi đầu đó là tài năng, và cũng chỉ có một thứ khiến ta phải quỳ gối đó là lòng tốt”. Thế nhưng, trái tim ta liệu đã hòa nhịp với trái tim chạnh lòng thương xót khi xưa của Chúa chưa? Có khi nào ta đã vô tâm với người khác? Có lúc nào ta hờ hững, lướt qua những con người nghèo đói, bệnh tật? Và có lẽ còn rất nhiều lần ta không quan tâm đủ tới anh chị em mình, những người thân cận nhất với ta. Trái tim ta có lẽ vẫn còn rất xa vời với cảm thức “chạnh lòng thương” của Chúa.

Lạy Chúa, là con người, ai mà chẳng muốn được Chúa “chạnh lòng thương”. Thế nhưng con nào có biết muốn được điều đó con phải biết “chạnh lòng thương” người khác. Xin Chúa ban yêu thương lấp đầy trái tim con để con biết rung cảm trước cảnh khổ và bất hạnh của người khác. Amen.


NHÂN ÁI (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thanh Nhiệm, SVD)

 

Sống nhân ái là điều kiện và phương thế để trở nên hoàn thiện theo lời mời gọi của Đức Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Đức Giêsu đến trần gian để biểu lộ tấm lòng nhân từ của Thiên Chúa. Người đi khắp các làng mạc, chữa lành hết mọi bệnh hoạn tật nguyền, thấy đám đông dân chúng Người lại chạnh lòng thương bởi họ như đàn chiên không người chăn dắt (x. Mt 9,35-36). Sách Công Vụ Tông Đồ minh chứng rằng “Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10,38).

Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy sống bằng tấm lòng thổn thức và có hành động cụ thể trước nỗi bất hạnh của người khác. Đây là đức tính và điều kiện đòi buộc người môn đệ của Đức Giêsu cần có và phải chu toàn. Thánh Phaolô khẳng định đức ái là điều tối quan trọng trong đời sống của người Kitô Hữu: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,2-3).

Gẫm mà xem! Lẽ thường ở đời con người muốn người khác phục vụ và quy phục mình. Người môn đệ của Đức Giêsu thì không được như thế, mà phải bước theo và họa lại đời sống của người Thầy bằng phục vụ và yêu thương vì thấy được hình ảnh của Thiên Chúa trong anh chị em của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con bước theo Chúa bằng đời sống đức ái để chúng con có được bình an của Chúa thực sự trong tâm hồn chúng con. Amen.


 

CHẠNH LÒNG THƯƠNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

CHẠNH LÒNG THƯƠNG (Tu sĩ Phêrô Đinh Hứa Quốc Thịnh, SVD)

Vì yêu, Đức Giêsu đến thế gian này. Người luôn yêu thương, nâng đỡ và đồng hành với con người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Trình thuật Tin Mừng hôm nay, một lần nữa thánh Matthêu lại cho ta thấy sự chạnh lòng của Người khi thấy đám đông “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người dẫn dắt” (Mt 9,36).

Chạnh lòng thương không chỉ là cảm xúc chóng qua nhất thời bên ngoài, mà còn là cảm xúc của sự thấu hiểu sâu xa trong tâm hồn về nỗi đau của người khác, để sẵn sàng dấn thân phục vụ và trao ban tình yêu của mình. Đức Giêsu chạnh lòng thương người dân vì Người thấu cảm trước những nỗi đau của họ như: bệnh tật, đau khổ và ước muốn được hạnh phúc của phận làm người. Vì vậy, Người vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã không duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa mà cúi xuống để phục vụ, chữa lành mọi nỗi đau của con người. Hơn nữa, Người còn trao ban cả mạng sống của mình cho nhân loại và muốn con người được sống hạnh phúc đời đời.

Do đó, Thiên Chúa mời gọi chúng ta cảm nếm tình yêu của Người mà biết chạnh lòng thương với tha nhân. Khi ta cảm nếm được tình yêu Thiên Chúa, ta mới có thể chạnh lòng thương với tha nhân, mới dám từ bỏ sự ích kỷ, lòng kiêu ngạo của bản thân mà cúi xuống phục vụ những người nghèo khó, người cô thế cô thân. Hơn nữa, chạnh lòng thương còn là động lực thúc đẩy ta ra đi đến những vùng ngoại biên để đem Tin Mừng về sự bình an, yêu thương đến cho những người chưa biết Chúa, để họ có thể nhận biết Thiên Chúa, Đấng luôn chạnh lòng thương và muốn mọi người được ơn cứu độ.

Lạy Thiên Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì tình thương mà Ngài đã ban cho chúng con. Xin cho chúng con xác tín vào tình yêu của Ngài mà biết chạnh lòng thương, để cộng tác với Ngài trong việc loan báo Tin Mừng tình yêu và mang ơn chữa lành của Ngài đến với mọi người. Amen.


 

SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO (Tu sĩ Giuse Hoàng Công Bình, SVD)

Công Đồng Vatican II, trong Sắc Lệnh Truyền Giáo đã khẳng định: “Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo”. Thế nhưng, dường như bản chất ấy đang bị lu mờ trong thời đại hôm nay. Phải chăng ý thức về căn tính của mình nơi các Kitô hữu đang có vấn đề hay chính tinh thần dấn thân cho sứ mạng cần được truyền lửa lại? Ánh sáng Lời Chúa hôm nay như một lời nhắc nhớ cho chúng ta: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

Thật vậy, lệnh truyền của Đức Giêsu Kitô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15) đã thôi thúc các Tông Đồ ra đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng cứu độ. Lời thôi thúc đó mãnh liệt đến độ thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Cũng vậy, thánh Arnold Janssen, Đấng Sáng Lập Dòng Ngôi Lời cũng quả quyết: “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất”. Ý thức được sứ mạng của mình, Hội Thánh không ngừng đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để mang Tin Mừng cứu độ đến cho muôn dân và để lời tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất được vang lên khắp cùng cõi địa cầu.

Sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội vẫn luôn là vấn đề cấp bách và khẩn thiết, nhất là trong thời đại hôm nay. Sứ vụ đó đã được diễn tả qua đời sống của các nhà thừa sai xưa và bây giờ cần được kế thừa, phát huy nơi chính cuộc sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta trong thời đại hôm nay. Sứ vụ đó chất chứa bao nỗi khó khăn nhưng những lúc ấy chúng ta nhớ rằng chính đời sống của Thầy Giêsu đã như một lời chứng sống động cho những người xin đến để thực thi ý của Chúa Cha.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên những chứng tá sống động của Đức Kitô trong cách đồng truyền giáo của Giáo Hội hôm nay. Amen.

Bài trướcHuấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi gặp gỡ các nghị viên tham dự Tổng Tu Nghị XIX của Dòng Ngôi Lời vào ngày 28/06/2024 tại Vatican
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 14 TN)