Tin Mừng: Mt 9,14-17
Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.”
SUY NIỆM
ĂN CHAY (Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD)
Ăn chay là việc làm mang chiều kích tôn giáo nhằm hãm dẹp thân xác, kiềm chế dục vọng, loại trừ tính hư tật xấu và từ bỏ cái tôi để kết hợp với Đấng mà mình yêu mến. Tuy nhiên, nhiều người đã quen ăn chay theo hình thức mà quên đi ý nghĩa đích thực của nó. Vậy ta cần ăn chay thế nào cho đúng ý nghĩa?
Đối với truyền thống của người Do Thái, việc giữ chay gắn liền với việc chờ đợi Đấng Cứu Thế đến để giải thoát dân Ítraen khỏi cảnh nô lệ lầm than. Nên việc ăn chay đối với họ nhằm tỏ lòng sám hối và xin ơn. Vậy khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đến gặp Đức Giêsu và thắc mắc tại sao các môn đệ của Người lại không giữ chay theo truyền thống của tiền nhân, thì Đức Giêsu đã tỏ cho họ thấy ý nghĩa đích thực của việc giữ chay và mạc khải chính mình cho họ biết. Người đã cho họ biết chính Người là Đấng Cứu Thế, là Đấng mà họ đang mong đợi, đang ở với họ, nên họ không cần phải ăn chay, buồn sầu và khóc than nữa nhưng hãy vui mừng lên. Hơn nữa, Đức Giêsu còn lấy ví dụ về miếng vải mới không thể vá vào áo cũ, và rượu mới không thể đổ vào bầu da cũ, để nói lên thái độ giữ chay theo hình thức bên ngoài của người Do Thái. Như vậy, ăn chay chính là hành vi đức tin hướng về Đấng sẽ đến và là việc con người đi tìm Đấng mà mình yêu mến, chứ không phải là hình thức bên ngoài, nhịn ăn hay kiêng uống.
Ngày nay, ăn chay là việc làm quá quen thuộc đến nỗi nhiều người chỉ chú tâm vào hình thức mà quên đi ý nghĩa bên trong. Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ chúng ta đừng ăn chay theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng hãy tỏ lộ một tâm hồn thống hối ăn năn. Ta hãy quyết tâm rèn luyện, tập tành các nhân đức và hãm dẹp những yếu đuối của bản thân để trở nên người thiện hảo trước mặt Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, ăn chay là việc làm cần thiết, xin giúp chúng con biết ăn chay thế nào cho đẹp lòng Chúa hơn. Amen.
ĂN CHAY (Tu sĩ Antôn Nguyễn Ngọc Khánh, SVD)
Ăn chay là dấu chỉ của đền tội và lòng thống hối đi đôi với lời nguyện xin Thiên Chúa đến giải thoát dân Người. Truyền thống Do Thái buộc ăn chay vào ngày lễ Xá Tội, lúc hoạn nạn hay vì lòng đạo đức. Họ ăn chay mỗi tuần hai lần. Vậy, quan niệm ăn chay của Thầy Giêsu ra sao?
Qua Lời Chúa hôm nay, đối với Chàng Rể Giêsu, khách mời, là các môn đệ, mà ăn chay đương lúc tề tựu vui hưởng niềm vui cùng Chàng Rể thật không phù hợp. Nhưng, chính lúc Chàng Rể “bị đem đi” thì mới ăn chay. Khi đó, ngõ hầu tưởng nhớ về Thầy và những dấu chỉ thánh của Thầy, họ mới ăn chay. Lúc đó, họ không chỉ ăn chay về thực phẩm, nhưng còn là chay lời, chay lòng và chay tư tưởng.
Hơn nữa, trái ngược với bầu khí chay tịnh u sầu, rầu rĩ của truyền thống, Chàng Rể Giêsu đã mang đến một bầu khí vui tươi của thời kỳ Đấng Mêsia đã đến. Qua đó, trong ngày hội ăn chay, cùng với “rượu mới”, “miếng vá mới” từ giáo huấn của Chàng Rể, khách dự tiệc cũng cần phải đổi mới về thái độ. Đó là mặc lấy một tinh thần mới trong suy nghĩ, hành động và lối sống. Khi đó, khách dự tiệc sẽ chú trọng đặc biệt đến sự cầu nguyện, thi hành việc bác ái và từ bỏ bản thân cùng với việc giữ chay và kiêng thịt. Như vậy, đó sẽ là những “bầu da mới” và “áo mới” thật cân xứng với “rượu mới” và “miếng vá mới”, ngõ hầu tránh việc bầu hư rượu đổ, áo rách lại càng rách thêm.
Ước gì ngang qua Lời Chúa hôm nay, trước bầu khí tươi vui bởi sự hiện hữu của Chàng Rể Giêsu, mỗi người sẽ có thái độ chay tịnh đúng đắn. Với tư cách là khách mời, mỗi người sẽ mặc cho mình một tinh thần mới phù hợp với Tin Mừng. Ngõ hầu, mỗi người có thể tuân giữ luật chay phù hợp và sinh công ích từ việc chay lời, chay lòng và chay tư tưởng của mình.
Lạy Chúa, xin hướng dẫn mỗi người chúng con biết mặc lấy tinh thần mới tương xứng với ân sủng mới từ Tin Mừng của Chúa trong Mùa Chay tịnh này. Amen.
ĂN CHAY: CŨ & MỚI (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
HIỆN DIỆN CỦA ĐẤNG MÊSIA (Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD)
Theo truyền thống Do Thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Mêsia. Bởi, ăn chay là dấu chỉ của đền tội và tỏ lòng thống hối, đi đôi với lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa xin Người đến giải thoát dân Người (x. Lv 16,19-31; Mc 2,18; Lc 18,12). Do đó, không lạ gì khi các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả đến thắc mắc với Đức Giêsu về việc các môn đệ của Người không ăn chay.
Chúa Giêsu đã cho các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả thấy rằng, việc các môn đệ của Người chưa ăn chay không phải vì họ không giữ luật nhưng vì họ đang sống cùng với Đấng mà Thiên Chúa sai đến, họ đang sống trong sự hạnh phúc tràn đầy như những người dự tiệc cưới có sự hiện diện của chú rể ở đó thì làm sao họ có thể ăn chay được (x. Mt 9,15) .
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hai điểm: thứ nhất, chúng ta cần xét lại tương quan của mình với Chúa Giêsu. Thứ hai, là cách chúng ta giữ luật của Người. Là người Kitô hữu, chúng ta có thật sự cảm nhận được Chúa đang hiện diện và sống cùng chúng ta không? Nếu chúng ta thật sự cảm nhận được một cách sâu sắc sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong đời sống của mình thì chính Người sẽ chi phối cách sống của chúng ta, cụ thể là cách chúng ta giữ luật Chúa và luật Giáo Hội.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã đến trần gian và mặc khải cho chúng con biết Ngài là Đấng Mêsia và Ngài hiện diện với từng người chúng con trong cuộc sống. Xin cho chúng con không chỉ là cảm nhận mà còn có thể đụng chạm được Ngài qua từng biến cố dù là nhỏ nhất trong ngày sống, để chúng con sống đời Kitô hữu của mình cách thiết thực hơn. Amen.