Hỏa ngục là…   

0
589

             Bài viết: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

 

Lá thư từ hỏa ngục[1]

Nếu địa chỉ người gửi của một lá thư là “Hỏa ngục”, thì người nhận hẳn không chờ đợi một tin vui. Vì hình ảnh phổ biến về nơi đó, như chúng ta quen từ các minh họa, là các lò lửa, các chảo dầu và lửa khói nghi ngút. Nơi đó, các tội nhân chịu mọi hình thức tra tấn không dứt bởi các quỷ dữ với hình dạng hung tợn xấu xí.

Cha Đắc Lộ dạy trong sách Giáo lý Phép Giảng Tám Ngày[2] của ngài: Địa ngục là “nhà của ma quỷ, tối tăm mù mịt”. Và “ai thờ ma quỷ thì đến ở cùng ma quỷ”, nơi con người phải “chịu những lửa sinh lửa diêm, đời đời kiếp kiếp, mà khốn nạn vô cùng khỏi chẳng được nữa.” Thật vậy, hỏa ngục là chỗ ở của Ác quỷ và các đồ đệ của chúng (x. Mt 25,41). Nhưng dù hỏa ngục không là mục đích cho đời người, thì một bức thư từ đó cũng gây gợi sự tò mò nơi người nhận thư.

Một điều đáng chú ý được tường trình trong thư và là nét đặc thù của hỏa ngục, được mô tả như vậy: Đó là nơi con người “không yêu mến ai cả”. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi đọc rằng những kẻ bị nguyền rủa (Mt 25,41) không ngừng cầu mong cho nhau điều tệ hại nhất, là “bị đọa đày cho tới muôn đời”! Vắng bóng yêu thương nên chỉ còn lại thù hận và ghét ghen. Hỏa ngục là nơi mọi giá trị nhân bản được đảo nghịch – như vào các thời chiến tranh. Hận thù được uống “như uống nước”.

Cô Anna, là người viết thư, tâm sự: “Tôi rất ghét khi nói đến tôn giáo. Tôi ghét cả những ai đi đến nhà thờ. Tôi ghét tất cả mọi người và mọi sự nói chung […] Chúng tôi ghét nhau cay đắng, và chúng tôi ghét nhất là Thiên Chúa”. Vì gần gũi một người tốt lành được cảm nhận như một cực hình, và những bước đến gần Đấng Nhân Lành với tất cả mọi người được kinh nghiệm như “bị hành hạ, giống như bước đến gần lửa.”

Sự tồn tại trong hỏa ngục được trải nghiệm như là một cuộc hành hình không dứt. Không ai muốn sống nữa! Trái lại, người ta muốn kết thúc nhanh thời gian sống ở hỏa ngục, như Anna nói: “Nếu như tôi có thể tự sát thì tốt quá! Tôi muốn ra khỏi tình trạng đau đớn này biết bao! Không có một sự khoái lạc nào có thể so sánh được nếu tôi có thể tự giết mình, hay biến mình thành một lớp tro bụi, để nó tan biến vào hư vô.” Nói vậy, hỏa ngục là nơi con người bị buộc phải sống, ngược lại với ước muốn của họ! Sự sống không được cảm nhận như là một ân huệ, mà như một sự tuyệt vọng không dứt. 

Hỏa ngục là nơi “mọi sự đều giống nhau” ở một điểm: mọi người đều trơ trẽn, không còn biết xấu hổ. Con-người-trong-hỏa-ngục “rất thích nói dối”, và dù “bị luận phạt” họ phải “công nhận rằng Thiên Chúa là Đấng Nhân lành.” Bản chất của Thiên Chúa thì không thể phủ nhận.

Điều gì tôi yêu thích, thì tôi tin nó

Con người rơi vào hỏa ngục vì đã không tìm sự kết nối với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện. “Mẹ tôi không bao giờ dạy tôi cầu nguyện”, vì mẹ quá bận rộn với công việc hàng ngày. Trong khi đó, “Lời cầu nguyện là bước đầu đến với Chúa. Cầu nguyện là điều dễ dàng nhất mà nhân loại có thể làm được trên trần gian, và điều này dễ vì Chúa là Đấng Cứu Độ của mỗi người. Với những ai bền chí cầu nguyện với Chúa thì Ngài sẽ ban cho người ấy ánh sáng dồi dào, và Ngài sẽ làm cho người ấy mạnh mẽ đến nỗi cho dù người ấy có tội lỗi cách mấy thì hắn vẫn có thể đứng dậy mãi mãi, ngay cả khi bùn đất che kín người ấy đến cổ.”

Cô Anna nhìn nhận: “Nguyên nhân sự hư hoại của tôi không phải là do tôi đã phạm tội nhiều lần, nhưng là vì tôi không muốn từ bỏ tật xấu.” Nhưng qua đó, “sự bất ổn của tôi gia tăng; [cả] tình trạng thờ ơ, nguội lạnh.” Và cô kể tiếp: “Tôi tự tạo một hình ảnh về Chúa cho riêng mình. Tôi cố gắng để Chúa xa xa, và không thèm liên lạc với Ngài. Tôi sống theo đường lối thoải mái mà không cần phải thay đổi tôn giáo. Chúa của tôi không ban Thiên Đàng cho tôi, mà cũng chẳng có hỏa ngục để trừng phạt tôi. Ngài để tôi ở yên một mình. Tôi thờ phượng Ngài như sau: “Điều gì tôi yêu thích, thì tôi tin nó.”

Rồi qua lối sống này, con người dần dần “tự loại trừ mình cách vĩnh viễn khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và các thánh” (GLCG 1033). Cho rằng mình là “tinh khôn” (St 3,5) và có thể phân biệt điều tốt điều xấu, nghĩ rằng có thể tự tạo cho mình hạnh phúc dài lâu (x. St 11,1tt), con người từ chối ơn hoán cải và “cố chấp trong tình trạng đó đến cùng” (GLCG 1037).

Để cứu độ con người Thiên Chúa sẵn sàng làm tất cả, vì ngay cả Con Một Người cũng đã không tiếc. Tất nhiên, Thiên Chúa không thể cứu con người mà không có sự đồng ý cộng tác của họ. Tin vào Con Một của Người là điều kiện để “được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tin là chuyện của Tôi (credo), và đó là việc cả Thiên Chúa cũng không thể cưỡng ép con người chúng ta. Nhưng thực tế hỏa ngục nói rằng: có một thời điểm cho những quyết định không còn thay đổi nữa.

Hỏa ngục là nơi không còn tự do và thay đổi: “Sự do dự và thay đổi của nhân loại sẽ chấm dứt mãi mãi khi ở bên kia thế giới. Trên trần gian thì loài người còn có thể đi qua từ tình trạng tội lỗi đến tình trạng ân sủng. Ở tình trạng ân sủng, ta có thể té rớt vào tội lỗi. Đôi khi vì sự yếu đuối, cũng có khi vì sự quỷ quyệt của mình.” Từ chính trải nghiệm đời mình, cô Anna tâm sự: “Tôi cảm thấy không hạnh phúc nhưng hình như có một bức tường chận lại, không cho tôi hoán cải.”

Không còn có thể thay đổi được gì nữa, nên Hỏa ngục là nơi người ta không cần lời cầu nguyện, vì vô ích. Hỏa ngục là bức tường cản ngăn sự hoán cải. Thật ra, sự từ chối các ân huệ của con người đã được bắt đầu khi còn sống ở trần gian: “Tôi đã từ chối những ơn huệ, nên không được ơn cứu rỗi. Ở hỏa ngục, tôi không còn được nhận một ân huệ nào nữa.” Hỏa ngục là nơi vắng bóng Thiên Chúa; nó là hình ảnh cho sự khước từ Thiên Chúa và mọi ân huệ của Người. Tất cả chỉ còn làm cớ cho những nhạo báng.

Không được đợi chờ, không được thương yêu

Khước từ Thiên Chúa là khước từ tình yêu. Nhưng có ai cố tình chối từ tình yêu bao giờ? Chỉ trừ khi người đó chưa hề được trải nghiệm tình yêu chân thành, hay không biết nó là gì! Hỏi làm thế nào một đứa bé tin được rằng chính Thiên Chúa đã “dệt tấm hình hài [của nó] trong dạ mẫu thân?” (Tv 139,13), và đã thánh hóa nó cho một sứ vụ to lớn, khi nó mới “thành hình trong dạ mẹ” (Gr 1,5), nếu nó không được đón nhận trong yêu thương? Nếu ngay từ phút đầu nó đã bị mẹ cha chối từ?

Photo: TheSite.org

Thực ra, Anna đã nếm mùi hỏa ngục khi cô nhận ra mình là một đứa con không được chờ đợi và yêu thương. Vì “theo như ý định của ba mẹ tôi thì tôi không nên ra đời thì tốt hơn”. Hỏa ngục là phải sống với sự hiểu biết và cảm giác bị chính cha mẹ không muốn mình. Vì “sự hiện diện của tôi làm trở ngại cho ba mẹ tôi”. Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi đọc lời: Tôi “ao ước rằng mình đừng nên làm người thì tốt hơn!” Nếu sự tồn tại của tôi chỉ là một gánh nặng, một chướng ngại vật, một điều gây xấu hổ cho cha mẹ, thì đứa con khó lòng biết ơn cho sự sống! 

Nghĩ đến gia đình, cô Anna chỉ nhớ đến sự xấu hổ, vì cha mẹ luôn cãi vã và đầy bạo lực. Cha nghiện rượu và đã “làm tiêu tan di sản của gia đình”, còn các chị buộc phải kiếm tiền sớm để trợ giúp. Ý tốt lành, sự tin tưởng khó có thể phát triển trong một bầu khí như vậy. Một niềm tin tưởng cơ bản[3] làm nền tảng cho cuộc đời khó hình thành. Sự thiếu hụt này khiến cho Anna không tin tưởng được ai, và khó nhìn thấy “điều tốt ở trong bất cứ ai”. Trái lại, cô “luôn nghi ngờ lòng tốt của người khác”. Anna thú nhận: “Tôi chẳng yêu ai cả. Tôi chỉ cảm thấy vui thích và tự hào khi người ta đối xử tốt với tôi. Tình yêu mà không bị vật chất lôi cuốn chỉ tồn tại trong những linh hồn nào có ơn Chúa mà thôi; và tôi không ở trong tình trạng được ơn Chúa như thế.”

Bị chối từ và Anna phản ứng lại tương tự: Cuộc đời của Anna là một sự khước từ. Cô nhận ra điều này, khi nhìn lại “những hình ảnh của cuộc đời giống như một tấm gương, linh hồn tôi được xem thấy những gì mình đã làm, từ khi còn trẻ cho đến khi chết. Tôi nói ‘Không’ trước Nhan Chúa. Tôi cảm thấy mình như một tên sát nhân nhìn thấy nạn nhân không vũ khí tự vệ ở trong một phiên tòa. Liệu tôi có hối cải không? Không bao giờ!”

Trong hỏa ngục mọi sự là quá muộn, không còn sự đổi thay tích cực nào nữa. Cho nên, “nỗi đau đớn lớn lao nhất của tôi là: hiểu biết rõ rằng tôi không bao giờ được nhìn thấy Chúa”. Vì thế, “mọi kiến thức, ký ức của quá khứ như những ngọn lửa thiêu đốt”, như những “hành hạ tra tấn” vì chỉ còn tiếc nuối cho những cơ hội bỏ lỡ, cho những thất bại, chứ không là sự nhìn nhận, thú nhận và tha thứ. Còn lại chỉ là “hận thù, hành hạ!”

“Sự thật là: nỗi đau đớn của chúng gia tăng mỗi khi chúng dắt một linh hồn con người vào hỏa ngục, nhưng…nhưng “sự hận thù có thể làm được mọi sự.” Còn “Thiên Chúa trong sự nhân hậu vô biên của Ngài, Ngài đòi hỏi nhiều hơn” là mọi sự mà hận thù có thể làm ●

 

Chú thích

[1] Bản tiếng Việt có thể tìm thấy trên internet ở nhiều trang khác nhau. Tập sách nhỏ “The Letter from Beyond” đã được chuẩn y bởi Đức Tổng Giám Mục E. Manuel De Jesus, Tổng Giám Mục Cuenca/Ecuador. Imprimatur của Diocese of Treves, Germany và Imprimatur của São Paulo, Brazil, 1950.  

[2] Là quyển sách văn xuôi tiếng Việt đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ tại Roma/Italia năm 1651 cùng với Từ điển Việt-Bồ-La.

[3] Một khái niệm của nhà phân tâm học Erik H. Erikson trong Mô hình các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của ông. Niềm tin cơ bản phát triển đều đặn từ khi sinh ra và được nuôi dưỡng bởi sự quan tâm đáng tin cậy, ổn định, yêu thương từ những người quan trọng khác. Chúng mang lại cho đứa bé cảm giác an toàn bên trong, điều này sau này giúp nó tin tưởng vào môi trường xung quanh, đồng loại và thế giới. Niềm tin cơ bản vững chắc ở giai đoạn phát triển đầu tiên này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành thạo các bước phát triển tiếp theo. Sự thiếu sót của cảm giác cơ bản này có thể dẫn đến các hành vi tìm sự bù đắp quá mức sự thiếu hụt.

Bài trướcKinh cầu cho Tổng Tu Nghị thứ 19 của Dòng Ngôi Lời
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 13 TN)