SUY TƯ THẦN HỌC VỀ SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO TRONG BỐI CẢNH HẬU COVID-19

0
630
Photo: THIRST.sg / Google Maps

Bài dịch được trích từ V E R B U M S V D, Volumen 62, 2021, Fasciculus 2-3, trang 350-354.

Tác giả: Lm. Stephen Bevans, SVD[1]

Lm. Ant. Nguyễn Huy Quyền, SVD chuyển ngữ

Tóm tắt: Tác giả có cái nhìn giải thích dưới góc độ thần học về các đóng góp của hội thảo trực tuyến đối với các quan điểm cá nhân khác nhau của những người tham dự. Để sứ vụ truyền giáo được thực hiện, ngài nhấn mạnh đến việc lắng nghe Chúa Thánh Thần và phân định những nhiệm vụ nào là của cộng đoàn được đặt ưu tiên hơn nhiệm vụ của hội dòng. Những buổi hội thảo như thế này cần được tiếp tục tổ chức nhiều hơn.

Điều gì có thể trở thành nền tảng thần học thích hợp cho chúng ta suy nghĩ và thực hành sứ vụ với tư cách là những thành viên của Gia đình Arnoldus và chúng ta hy vọng điều gì sẽ đến sớm trong thế giới hậu COVID? Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn đề nghị một suy tư sâu sắc hơn mang tính truyền giáo về công việc/hoạt động Chúa Thánh Thần. Điều khiến tôi ngạc nhiên khi nghĩ về Chúa Thánh Thần — trọng tâm trong linh đạo của Arnold Janssen, SVD và SSpS — có lẽ theo những cách thế mới có thể giúp chúng ta đột phá trong sự sáng tạo và lòng can đảm cần thiết trong thời kỳ hậu COVID, trong đó thế giới, Giáo Hội, Hội Dòng và các cộng tác viên giáo dân của chúng ta đã bị đảo lộn từ trong ra ngoài và từ trên xuống dưới. Chúng ta hướng về Chúa Thánh Thần — như bài thánh ca Veni Sancte Spiritus cầu nguyện — để rửa sạch những gì đã bị vấy bẩn, làm mới những gì đã trở nên cằn cỗi, chữa lành những gì đã bị tổn thương, uốn cong những gì đã trở nên cứng cỏi, sưởi ấm những gì đã trở nên băng giá, và tập hợp chúng ta lại khi chúng ta bị lạc lối.[2] Chúng ta hướng về Chúa Thánh Thần vì bảy ơn của Ngài, đặc biệt là ơn khôn ngoan và ơn dũng cảm, và một cảm giác tôn kính hoặc nhiệm mầu.

Đối Thoại và Phân Định

Làm thế nào để chúng ta cảm nghiệm được Chúa Thánh Thần? Một lần trong cuộc phỏng vấn tuyệt vời của mình với Antonio Spadaro vào năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lên tầm quan trọng của việc đối thoại cởi mở và chân thành. Ngài nói, nếu những cuộc đối thoại thực sự cởi mở và chân thật xảy ra trong Giáo Hội, sự thẳng thắn và thực sự lắng nghe nhau trong đối thoại được tiếp tục với giáo dân, các giám mục và giáo hoàng, “thì [Giáo Hội] được Chúa Thánh Thần trợ giúp.”[3] Bình luận về nhận xét của Đức Phanxicô, nhà Giáo hội học người Mỹ nổi tiếng Richard R. Gaillardetz viết: “Chúng ta đừng bỏ qua sự táo bạo của tuyên bố đó. Đức Phanxicô đang nói rằng chúng ta có thể tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần đối với các giám mục với điều kiện họ phải cởi mở để lắng nghe người khác.”[4]

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nói trong bối cảnh của Giáo Hội hoàn vũ. Ngài đã nói nhiều về tính chất của thượng hội đồng (synodality), và tuyên bố rằng tính chất của thượng hội đồng sẽ là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2022 sắp tới (tất nhiên nếu muốn là thượng hội đồng, thì cần bao gồm cả nam và nữ giáo dân cũng như các thành viên hợp lệ). Tuy nhiên, điều tôi muốn đề nghị ở đây là cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở và chân thật, như vậy điều này sẽ mở ra cho bất kỳ nhóm nào sự hiện diện, quyền năng và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và đây là chìa khóa để chúng ta phân định về sứ mạng của chúng ta trong bối cảnh hậu COVID. Tôi tin chắc rằng cuộc đối thoại như vậy sẽ mở ra cho chúng ta sự hiện diện đáng king ngạc, chắc chắn, sáng tạo và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần và sẽ hướng dẫn hành động của chúng ta trong thời điểm mới và nguy hiểm này. Cựu Tổng Giám mục Canterbury Rowan Williams đã từng nhận xét rằng việc truyền giáo không gì khác hơn (hoặc ít hơn) ngoài việc tìm ra nơi mà Chúa Thánh Thần đang hoạt động và tham gia.[5]

Nữ tu Mary Benet McKinney, Dòng Biển Đức, viết rằng khi một cộng đoàn được tập họp lại với nhau để phân định hoặc đưa ra một quyết định, thì toàn thể cộng đoàn sẽ có sự khôn ngoan để đưa ra một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, không ai nắm hết tất cả sự khôn ngoan, nhưng mọi người đều có một phần của sự khôn ngoan, và sự khôn ngoan của mỗi người thì khác nhau. Khi cộng đoàn tập họp tất cả mọi người để đóng góp phần của họ — với sự cầu nguyện và tôn trọng việc thảo luận — cộng đoàn hãy để tất cả các ý tưởng và ý kiến sôi nổi giống như một nồi canh rau lớn. Khi cộng đoàn đã sẵn sàng, cộng đoàn đưa ra quyết định bằng sự đồng thuận, tin tưởng rằng “Thiên Chúa của sự nhóm họp” — hoặc Chúa Thánh Thần — đang hiện diện, mời cộng đoàn “tham gia vào” công việc của Chúa Thánh Thần.[6]

Thực Hành Đối Thoại

Photo: USA Today

Vì vậy, trong bối cảnh của chúng ta, để biết sứ mạng nào là của mình với tư cách là những thành viên SVD và thành viên của Gia đình Arnoldus cần thực hành đối thoại — thực hành có nghĩa là làm và tiếp tục học cách để làm. Nhưng đây là một loại đối thoại cụ thể, một cuộc đối thoại thần học. Cuộc đối thoại mà chúng ta cần thực hành là cuộc đối thoại thần học theo bối cảnh, mang tất cả các yếu tố trong bối cảnh của chúng ta mà chúng ta đã nghe trong những giờ cuối cùng — những tác động tâm lý tàn khốc của COVID, thảm họa kinh tế mà nó đã gây ra, những thực tế về chủng tộc và giai cấp mà nó đã phơi bày, nỗi kinh hoàng của bệnh tật và cái chết mà chúng ta đã phải chịu đựng, chủ nghĩa anh hùng của những người làm công tác tiền tuyến — với những kinh nghiệm của chúng ta, với những sự đấu tranh của chúng ta, với Lời Chúa mà chúng ta nghe trong các bài đọc thánh thư hàng ngày của mình.

Đó là một cuộc đối thoại thần học trong đức tin không chỉ để tìm kiếm sự hiểu biết mà còn tìm kiếm hành động, và một cuộc đối thoại được cắm rễ sâu trong Ngôi Lời và trong sự cam kết với sứ mạng của Đức Kitô.

Đó là một cuộc đối thoại bắt nguồn từ những gì phải đổi mới đời sống cộng đoàn, tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng lẫn nhau, cam kết “tình huynh đệ chân thành, không chỉ đơn thuần là sống và làm việc cùng nhau,” như Hiến pháp 303 nói với chúng ta.

Tóm lại, như Andrzej Pietrzak[7] nói, đó là một cuộc đối thoại của “những poiesis lấy Chúa Kitô làm trung tâm,” một bài tập về thần bí và chiêm niệm.

Cuộc đối thoại của chúng ta sẽ giúp khám phá ra nơi Chúa Thánh Thần đang hoạt động, và những gì chúng ta cần làm trong sứ vụ, cần diễn ra trong mọi cộng đoàn địa phương. Nhưng nó cũng cần phải rộng hơn. Nó sẽ diễn ra khi các cộng đoàn địa phương cùng nhau họp lại thành các hội nghị và tu nghị cấp tỉnh dòng, cũng như các tỉnh dòng ở các vùng khác nhau tập hợp lại với nhau. Nó cũng nên diễn ra ở cấp độ toàn thế giới — giống như chúng ta đang làm trong hội nghị này, mặc dù có lẽ có nhiều không gian hơn để thảo luận. Khi chúng ta làm điều này, Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta trong công việc truyền giáo của chúng ta.

Các Bước Trong Một Tiến Trình Tiệm Tiến

Cuộc đối thoại (đối thoại thần học) để tìm kiếm sự hiện diện và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là bước đầu tiên trong tiến trình đối thoại ngôn sứ. Chúng ta cùng nhau đối thoại, phân định và cầu nguyện và cùng nhau chiêm niệm để khám phá ra cái gì là hành động ngôn sứ (prophetic action) của Chúa Thánh Thần. Có thể, chúng ta cần tham gia đối thoại. Điều này có nghĩa là tiếp tục “cuộc đối thoại bằng đời sống – dialogue of life” trong bối cảnh mà chúng ta thực thi sứ mạng, hiện diện và sẵn sàng cho những người mà chúng ta làm việc – thực thi sứ mạng giữa muôn dân (inter gentes), như nó đã từng. Hoặc nó có thể có nghĩa là cùng nhau khám phá sự phong phú về niềm tin và linh đạo của nhau. Nhưng hành động ngôn sứ – đôi khi cũng được thực hiện song song với những người khác tôn giáo hoặc không theo tôn giáo nào – có thể là đưa ra những lời nói và hành động mang tính hy vọng, hoặc đảm bảo rằng mọi người đang nhận được thông tin trung thực – ví dụ về vi-rút hoặc vắc-xin – hoặc đứng lên chống lại sự bất công và tham nhũng, đấu tranh để việc phân phối vắc-xin công bằng hơn. Có lẽ trong một số tình huống, nếu Chúa Thánh Thần “mở một cánh cửa”[8] cho khả năng loan báo Tin Mừng, thì đây có thể là hành động ngôn sứ mà cộng đoàn quyết định tham gia. Tuy nhiên, khi chúng tôi làm điều này, chúng tôi phải đảm bảo rằng thông điệp mà chúng tôi đưa ra có liên quan đến bối cảnh và được thể hiện một cách trung thực. Khi đối thoại với nhau, chúng ta sẽ phân định được Chúa Thánh Thần đang hoạt động ở đâu để chúng ta có thể tham gia, và Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta tham gia.

Hướng Tới Tương Lai

Sứ vụ truyền giáo của SVD và sứ vụ trong Gia Đình Arnoldus sẽ như thế nào trong thế giới hậu COVID? Tôi nghĩ chúng ta phải nói rằng chúng ta thực sự không biết sứ vụ của chúng ta sẽ như thế nào. Những gì chúng tôi biết đó là, sứ vụ đó phải là một sự đáp trả (phản ứng) đối với các tình huống, các vấn đề và các hậu quả thực tế, và cách duy nhất để chúng ta có thể nhận biết các bối cảnh đó là cùng nhau phân định chúng, chắc chắn rằng, nếu chúng ta làm điều này một cách trung thành và tín thác, chúng ta “sẽ được Chúa Thánh Thần trợ giúp.”

Trong ý hướng đó, chúng tôi thừa nhận điều mà nhà Truyền giáo học người Nigeria Joseph Ola nhấn mạnh: tương lai không phải là thứ mà chúng ta bước vào nhưng là thứ do chúng ta tạo ra, và chúng ta cần phải tự làm cho mình có trách nhiệm tạo ra tương lai.[9] Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thành lập một ủy ban, và ngài nói rằng, điều đó không phải là quá lớn để “chuẩn bị cho tương lai” mà là để “chuẩn bị tương lai”, nghĩa là, góp một tay trong việc tạo ra tương lai khi chúng ta phản ứng lại nó. Tôi nghĩ, với tư cách là những thành viên SVD và các thành viên của Gia đình Arnoldus, để làm điều này, chúng ta hãy nhờ sự hướng dẫn, sự nhiệt thành, sự khôn ngoan, thử thách, sáng tạo và sự ngạc nhiên của Chúa Thánh Thần. Và chúng ta làm điều này bằng cách dựa vào nhau, sự đổi mới cộng đoàn của chúng ta, dựa vào tình yêu của Đức Kitô, cắm rễ sâu trong Ngôi Lời, và thực hành đối thoại ngôn sứ – theo cả hai nghĩa của từ.

Chú thích:

[1] Stephen Bevans, SVD, đến từ Hoa Kỳ và giảng dạy tại Học Viện Thần Học Công Giáo (CTU), ở Chicago. Ngài đã xuất bản rộng rãi nhiều sách và bài nghiên cứu về thần học. Các ấn phẩm mới nhất của ngài: Các bài luận về thần học bối cảnh (Leiden: Brill, 2018); và Chức linh mục dòng: Tìm kiếm những bước tiến mới, đồng chủ biên với Robin Ryan và nhiều tác giả.

[2] Veni, Sancte Spiritus, http://www.preces-latinae.org/thesaurus/Hymni/ VSS-2.html.

[3] Pope Francis, A Big Heart Open to God: A Conversation with Pope Francis, Interviewed by Anthony Spadaro, SJ, New York: HarperOne/America Press 2014, 26.

[4] Richard R. Gaillardetz, “Pope Francis and the Reception of Vatican II,” in: An Unfinished Council: Vatican II, Pope Francis, and the Renewal of Catholicism (A Michael Glazier Book), Collegeville, MN: The Liturgical Press 2015, 122.

[5] Rowan Williams, quoted on the Fresh Expressions website, www.freshexpressions.org.uk, front page, September, 2006, in Kirsteen Kim, Joining in with the Spirit: Connecting World Church and Global Mission, London: Epworth Press 2009, 1.

[6] Mary Benet McKinney, Shared Wisdom: A Process for Group Decision Making, Valencia, CA: Tabor 1987.

[7] Trong bài nói chuyện của ông tại hội thảo trực tuyến về “Đối Thoại Với Các Tổng Trưởng Của Thánh Bộ Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân.”

[8] Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh Về Hoạt Động Truyền Giáo Của Giáo Hội: Ad Gentes (AG), số 13.

[9] Joseph Ola, “A Missiology for a Youthful Continent,” Presentation at GATHER, a conference sponsored by the Church Mission Society, Oxford, UK, 21 April, 2021.

Bài trướcTHIÊN CHÚA, NGUỒN ÂN SỦNG (1/9, Thứ Tư Tuần XXII TN)
Bài tiếp theoArnoldus Nota Tháng 9/2021: Thánh Thể và sự biến đổi của chúng ta