Arnoldus Nota Tháng 9/2021: Thánh Thể và sự biến đổi của chúng ta

0
359

 

 Thông điệp Tháng 9 năm 2021 của Ban Lãnh Đạo Dòng Ngôi Lời trong Arnoldus Nota, September 2021, trang 1-2;

“Mọi nguồn mạch của con ở nơi Người” (x. Tv 87,7).

“Mọi nguồn mạch của con ở nơi Người” (x. Tv 87,7) là câu châm ngôn của Đại hội Thánh Thể Quốc tế (IEC) lần thứ 52 sẽ diễn ra tại Budapest, Hungary từ ngày 5-12/9/2021. Đây là cơ hội tuyệt vời để Dòng Ngôi Lời cùng tham dự với toàn thể Giáo Hội mà cảm tạ món quà tình yêu tuyệt mỹ. Hơn nữa, đây là lời mời gọi suy gẫm về mầu nhiệm Thánh Thể khi chúng ta đang đối diện với đại dịch COVID-19 và nỗ lực canh tân và biến đổi theo phác thảo của Tổng Tu Nghị thứ 18 của Hội Dòng.

Khi chúng ta nhìn vào logo của Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần này, ta thấy những nét tương tự với đặc sủng và linh đạo truyền giáo của SVD. Trên trang web của Đại hội Thánh Thể Quốc tế, chúng ta đọc thấy: “Tấm bánh và Chén thánh biểu trưng cho Thánh Thể. Thánh giá chỉ về điều mà Thánh Thể trao ban và chỉ đến Golgotha, cho thấy tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta và cái chết mà Ngài mang lấy vì chúng ta. Ý tưởng câu châm ngôn “Mọi nguồn mạch của con ở nơi Người” biểu hiện nguồn mạch của Thánh Thể. Hình nước bốn dòng tượng trưng cho việc loan báo Tin mừng. Nó làm nổi bật vai trò của bốn thánh sử và cũng muốn nói đến bốn điểm kim chỉ nam (định hướng) – nhấn mạnh đến sứ vụ và Tin mừng của Giáo Hội dành cho mọi người. Suối nguồn chảy vào dòng sông. Các sóng nước ý chỉ sông Danube chảy qua Budapest. Dòng sông kết nối nhiều nước Châu Âu với nhau, giống như Thánh Thể Chúa nối kết các dân tộc thuộc ngôn ngữ và các nền văn hóa khác nhau, để trở thành nguồn giao hòa.

Sự đơn sơ của logo này thật ấn tượng. Mặc dù “Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu” và “chứa đựng toàn bộ của cải thiêng liêng của Giáo Hội: Chính Đức Kitô, Sự Vượt Qua và bánh hằng sống của chúng ta” (x. Ecclesia de Eucharistia, 1), logo này không phản ánh sự phong phú vô biên của Bí tích này. Thay vào đó, nó cho thấy sự đơn sơ của Mình Thánh Chúa. ĐGH. Bênêdictô XVI đã mô tả đặc điểm Mình Thánh Chúa là “loại bánh và sự nuôi dưỡng đơn giản nhất được làm chỉ từ bột và nước. Theo cách này, Mình Thánh Chúa thể hiện như là lương thực của người nghèo, là những người Thiên Chúa đã biến chính Ngài nên gần gũi nhất và ưu tiên nhất.” Mình Thánh không phải được dùng riêng chỉ cho lúc trang trọng và ngoại thường của cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên, Mình Thánh là một lương thực cơ bản tiêu biểu và thường nhật cho đời sống thiêng liêng, làm cho chúng ta mạnh mẽ trong hành trình, lúc phải đối diện với những yếu đuối và khi thi hành sứ vụ được trao phó cho chúng ta. “Thánh Thể không chỉ là phần thưởng cho người hoàn hảo mà còn là diệu dược và sự nuôi dưỡng mạnh mẽ dành cho người yếu” (Evangelii Gaudium, 47).

Linh đạo Thánh Thể được Đấng Sáng Lập Arnold Janssen truyền lại cho chúng ta là đầy sức sống. [Chúng ta hãy] suy gẫm về 3 khía cạnh thích hợp, giúp gợi hứng và củng cố từ Bí tích tình yêu cao cả này.

Trải nghiệm về tính mong manh và mỏng giòn

Khi suy niệm về món quà Thánh Thể, ĐGH. Phanxicô đã làm nổi bật những khía cạnh về tính mong manh và mỏng giòn. “Chúa Giêsu trở nên yếu ớt như tấm bánh bị bẻ ra vụn vỡ. Nhưng sức mạnh của Ngài lại nằm ngay bên trong, trong sự mỏng manh… Mỗi lần chúng ta đón rước Bánh Sự Sống, Chúa Giêsu đến trao ban một ý nghĩa mới về những mong manh của chúng ta. Ngài nhắc cho chúng ta biết rằng trong mắt Ngài thì chúng ta còn quý giá hơn mình nghĩ. Ngài nói rằng Ngài hài lòng khi chúng ta chia sẻ những sự mong manh với Ngài. Ngài lặp lại rằng lòng thương xót của Ngài không ngại ngần trước những đau khổ của chúng ta… Đây chính là điều tất yếu của Thánh Thể: Chúng ta rước Chúa Giêsu là Đấng yêu thương và chữa lành những mỏng giòn của chúng ta, để chúng ta yêu thương tha nhân và giúp họ trong những yếu ớt của họ, và việc này tồn tại trong suốt đời ta.”

Đại dịch hiện nay vén mở sự mong manh và mỏng giòn làm cho chúng ta đau khổ. Con người đau khổ có thể so sánh với nhau bởi vì họ chia sẻ cùng cảnh ngộ với nhau và cần sự chữa lành, yêu thương, và chăm sóc. Do đó, trải nghiệm về “sự mỏng giòn Thánh Thể” đã phản ánh sự mong manh của thân xác và những mối quan hệ của chúng ta, mời gọi chúng ta sống liên đới và sẽ mang chúng ta lại “gần hơn với Thiên Chúa và gần hơn với anh chị em mình, đặc biệt là người nghèo, người dễ bị tổn thương, và người rốt hết” (Tổng Tu Nghị 18, số 3).

Trải nghiệm tình yêu hy tế và tự hiến mình

Trong mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Giêsu hoàn tất lời Ngài: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (x. Ga 15,13). Khi cử hành Thánh Thể, chúng ta được đến gần với những động lực tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Đây là chiều hướng biến đổi của chúng ta: từ chỗ “mình là trung tâm” chuyển sang “tự trao hiến.” Tình yêu như nước. Khi nước ngừng chảy, khi nó không được chia sẻ thì nước bắt đầu bốc mùi. Tình yêu được chia sẻ với người khác giống như hút uống nước mát lành, còn tình yêu không được chia sẻ thì trở nên chỉ như ái kỷ tanh hôi.

Tổng Tu Nghị thứ XVIII tuyên bố: “Chúng ta được mời gọi để học nơi gương mẫu tự hạ mình của Đức Kitô trong sự vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá, và để tự chối mình để thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho đức tin của chúng ta” (số 10). Do đó, Bí tích Thánh Thể thách đố chúng ta về một cuộc đời trao hiến trung kiên, về một cuộc đời phục vụ, được cụ thể hóa bằng sự dấn thân của mình cho người nghèo. Thánh John Chrysostom đã nói về thách đố này: “Có cái gì là tốt khi chiếc bàn cử hành Thánh Thể đầy chén vàng trong khi anh chị em của mình đang chết đói? Hãy bắt đầu làm thỏa mãn cơn đói của họ, rồi cái gì còn lại thì bạn có thể trang hoàng cho bàn thờ.”

Trải nghiệm sức mạnh biến đổi

Khi tham dự cử hành Thánh Thể, hành động biến đổi thực sự đang diễn ra trước mắt chúng ta. Bằng đức tin, chúng ta là những nhân chứng của sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô. Nhưng không chỉ có vậy. Khi Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng, chúng ta được đưa vào quá trình biến đổi này. ĐGH. Phanxicô giải thích: “Ai đó được Thánh Thể nuôi dưỡng có nghĩa là người đó cho phép mình bị thay đổi bằng Thánh Thể mà người đó rước vào. Thánh Augustinô giúp chúng ta hiểu điều này khi ngài nói về ánh sáng ngài đã đón nhận khi ngài nghe Đức Kitô nói với ngài: ‘Ta là lương thực của người mạnh; lớn lên, và con sẽ được nuôi dưỡng bằng Ta, không phải con biến đổi Ta trở thành con (giống như lương thực phần xác), nhưng con sẽ được biến đổi thành Ta’… Mỗi lần chúng ta rước Mình Thánh Chúa, chúng ta giống Chúa Giêsu hơn; chúng ta biến đổi chính mình hoàn toàn hơn nên giống Chúa Giêsu.”

Tổng Tu Nghị XVIII không nói đến Thánh Thể cách rõ ràng trong khi nói đến sự biến đổi của chúng ta. Tuy nhiên, tài liệu Tu Nghị đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình yêu Thiên Chúa và sự kết hợp với Đức Kitô trong quá trình này. Hai yếu tố được thể hiện trong Bí tích Thánh Thể: Trước hết, “khi chúng ta được kết hợp với Đức Kitô, chúng ta trở nên những con người được biến đổi; tình yêu Ngài biến đổi chúng ta” (TTN 18, số 10). Và chỗ khác chúng ta đọc thấy: Chúa Giêsu đến gặp chúng ta, biến đổi cuộc sống ta và mời ta trở nên những chứng nhân, những sứ giả, và những người cộng tác của Ngài. Một quá trình của tình môn đệ dẫn chúng ta đến với một sự nhận biết trưởng thành đối với cá nhân Ngài và sứ vụ của Ngài. Như Thánh Phaolô nói: “Không còn phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) (TTN 18 số 20).

Thánh Thể góp phần vào tiến trình biến đổi của chúng ta bằng vai trò chủ yếu và không thể thay thế. Do đó, chúng ta sẽ luôn đến với bàn tiệc Thánh Thể với khao khát được biến đổi nhờ thánh ý Chúa để trở nên tấm bánh, sẵn sàng được bẻ ra trong đời phục vụ để dưỡng nuôi tha nhân.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế diễn ra bốn năm một lần. Tuy nhiên, Đấng Sáng Lập Arnold Janssen nhắc nhở chúng ta rằng mỗi ngày sẽ là “ngày Thánh Thể”. Chúng ta cử hành Thánh Thể hoặc dành thời gian cho Chúa khi Chầu Thánh Thể. Chúng ta sẽ khám phá đi khám phá lại rằng trong sự mong manh của mình, “Tất cả nguồn mạch của chúng ta ở nơi Chúa,” và được đổ đầy tinh thần tự hiến trong tình yêu, hướng chúng ta đế303n phục vụ và Hiệp thông. Hơn nữa, việc chia sẻ “màu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu hướng chúng ta đến việc canh tân và biến đổi chính mình và tha nhân, và chúng ta trở thành những nhà truyền giáo vui tươi hơn” (TTN 18, số 52).

Cha Tổng Quyền Paulus Budi Kleden, SVD và Ban Lãnh Đạo

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD chuyển ngữ

Bài trướcSUY TƯ THẦN HỌC VỀ SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO TRONG BỐI CẢNH HẬU COVID-19
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng CN XXIII TN B (Mc 7,31-37)