Tin Mừng: Mc 12,35-37
Khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu lên tiếng hỏi: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đavít? Chính vua Đavít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con. Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?” Đám người đông đảo nghe Đức Giêsu cách thích thú.
Suy niệm
ĐỊNH NGHĨA NÀO CHO TÌNH YÊU? (Tu sĩ Tôma Nguyễn Siêu Quốc, SVD)
“Có ai biết yêu là gì không nhỉ?
Khiến con người đắm đuối đến cuồng si
Kẻ vô tri lại cho là ngu ngốc
Bởi có người đã dám chết vì yêu”
Tình yêu có lẽ là chủ đề tiêu tốn nhiều giấy mực và tâm huyết nhất trên đời. Ấy vậy mà không ai có thể định nghĩa được tình yêu và cũng chẳng ai có thể diễn tả được một cách trọn vẹn. Phải chăng tình yêu là mơ hồ, là ảo mộng? Có một tình yêu, không hề khó hiểu đến thế. Một tình yêu giữa đất trời, một tình yêu của người dám chết cho người mình yêu, một tình yêu cứu độ.
Tin Mừng hôm nay đã định nghĩa tình yêu cao quý ấy nơi trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu. Thông thường, trái tim là biểu tượng của tình yêu, là cứ địa trung tâm, là cội nguồn của tình yêu. Chúa Giêsu đã tự nguyện chết trên thập giá để con người được sống. Người chấp nhận mang vào mình những thương tích, những đau khổ để con người được chữa lành, được yêu thương. Đó là tình yêu tận cùng của mọi tình yêu và nó cũng vượt lên trên mọi giới hạn, mọi hiểu biết. Tình yêu này, ta chỉ có thể hiểu được khi và chỉ khi ta cùng vác thập giá, cùng dấn thân và hiến dâng cuộc đời mình như Chúa Giêsu. Hình ảnh một trái tim tan nát bị đâm thâu chính là cách thức để tình yêu và sự sống trường sinh được lan toả đến với toàn nhân loại. Qua đó, ta mới nhận ra nguồn mạch và cội nguồn của mọi tình yêu thật sự xuất phát từ Thiên Chúa. Đây cũng chính là cách mà thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa về tình yêu: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8.16).
“Ta sẽ tặng các ngươi một quả tim mới. Sẽ đặt thần khí mới vào lòng, lấy khỏi mình các ngươi quả tim chai đá. Ban tặng một quả tim biết yêu thương” (Ed 36,26). Đâu đó vẫn còn rất nhiều những tình yêu gian dối, ích kỷ, vụ lợi. Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cách yêu và biến đổi quả tim chai đá của chúng con. Amen.
NGUỒN GỐC CỦA ĐẤNG MÊSIA (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD)
Đấng Kitô mà bản văn Tin Mừng hôm nay nhắc tới cũng chính là Đấng Mêsia. Cả hai danh xưng này đều có nghĩa là Đấng được xức dầu. Thế nhưng, cách hiểu về Đấng Mêsia này lại khác nhau.
Đối với dân Do thái lúc bấy giờ, Đấng Mêsia này hoàn toàn là một con người. Đây là một con người trổi vượt, một người có tài năng về chính trị, người mà có thể sánh được với vua Đavít vĩ đại trong thời Cựu ước. Đấng Mêsia này hẳn nhiên cũng phải là con cháu của vua Đavít. Người Do thái mong đợi sự xuất hiện của Đấng Mêsia này để giúp dân chúng loại bỏ ách thống trị của ngoại bang, cụ thể là của đế quốc Rôma lúc bấy giờ, và giành lại quyền độc lập cho đất nước. Đấng Mêsia ấy dù chưa xuất hiện nhưng vẫn được nhiều người nhắc đến. Các kinh sư xem Người như là con của vua Đavít.
Tuy vậy, Đức Giêsu lại chỉ cho dân chúng một ý nghĩa đúng đắn hơn về Đấng Mêsia này. Người không chỉ là một con người đơn thuần, nhưng đồng thời Người là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Bởi đó, xét về phía nhân tính, Người có thể được coi là hậu duệ của vua Đavít; nhưng xét về phía thiên tính, Người là “Chúa Thượng” của vua Đavít. Một Đấng Mêsia như thế không thể bị giới hạn trong việc giải cứu dân Israel về mặt chính trị; nhưng đúng hơn, Người đến để giải cứu con người khỏi sự kìm kẹp của tội lỗi. Đối tượng được giải cứu cũng không giới hạn nơi đất nước Israel, nhưng là phổ quát cho toàn nhân loại. Đứng trước Đấng Mêsia như thế, con người, qua mọi thời được mời gọi tin vào Người để được Người cứu độ và ban thưởng thứ hạnh phúc đích thực là sự sống vĩnh cửu trong Nước Trời.
Lạy Chúa, chúng con thật diễm phúc khi được biết Chúa và được ban tặng hồng ân đức tin. Xin cho chúng con luôn biết tín thác vào Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa để được lãnh nhận ơn cứu độ từ Ngài. Amen.
NGHE CÁCH THÍCH THÚ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
AI CAO HƠN AI? (♦ Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD)
Đoạn trích Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc tranh luận xảy ra giữa các kinh sư và Chúa Giêsu về vị thế của Đấng Kitô: Người là Con vua Đavít hay Người có một vị thế trổi vượt hơn Vua Đavít?
Trong khi những người kinh sư chỉ biết về nguồn gốc trần thế của Đấng Kitô, mà không được mặc khải về nguồn gốc thần linh của Người. Do đó, họ đã kết luận rằng: Đấng Kitô là Con vua Đavít, vì xuất thân từ dòng dõi của vua Đavít. Đức Giêsu đã dùng chính lời của Sách Thánh là Thánh Vịnh 110 để mở mắt cho họ thấy vị thế đích thực của Đấng Kitô, đồng thời cho mọi người biết lập luận của các kinh sư là hoàn toàn sai. Thánh Vịnh 110 cho thấy, khi vua Đavít được Thần Khí soi sáng đã gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con” (Tv 110). Như thế, Đấng Kitô là Chúa của vua Đavít.
Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường tranh luận với nhau về nguồn gốc, xuất thân hay xuất xứ của một ai đó. Chúng ta dựa vào cái nhìn chủ quan và óc thành kiến để đánh giá và xếp hạng anh em mình. Chính vì thế mà trong cuộc sống luôn có những quan niệm về người này người kia là: cao – thấp; sang – hèn; quan trọng – kém quan trọng… Điều này, đôi lúc vô tình chúng ta làm tổn thương nhau. Đây cũng là lối nhìn của các kinh sư, vì thế họ đã không nhận ra Đấng Kitô là Chúa Thượng, là Con Thiên Chúa. Chúng ta nhớ rằng, trước mặt Chúa, mỗi người là một nhân vị, chỉ có Chúa mới biết rõ từng người, chúng ta là ai mà dám đi xét đoán, xếp hạng người khác.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm nhường để nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết dẹp bỏ óc thành kiến, để có thể nhận ra sự thiện hảo của người khác, để từ đó biết tôn trọng nhau. Amen.