Chúa hạ kẻ quyền năng khỏi ngôi báu…

0
522

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Này tôi là tôi tớ Chúa…

Câu chuyện truyền tin (Lc 1,26-38) là một câu chuyện về ơn gọi ngôn sứ, giống như trong Cựu Ước. Việc kêu gọi một ngôn sứ xảy ra theo một tiến trình với những bước nhất định[1]. Trước hết, một sứ thần hay chính Thiên Chúa hiện ra ngỏ lời với người được chọn. Cần đến sứ thần, vì con người không thể trực tiếp diện kiến Đấng Vô Hình; các sứ thần là mặt có thể nhìn thấy của Thiên Chúa. Trước nội dung to lớn của sứ vụ được sứ thần tỏ bày những người được gọi trở thành ngôn sứ đều giật nẩy mình; họ phản đối và tìm cách khước từ. Lúc này, Thiên Chúa hay sứ thần của Người đưa ra một lời hứa trợ giúp và một dấu hiệu để chứng tỏ rằng „đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể“. Bước cuối là sự đồng ý có ý thức của người được chọn. Lời đáp trả cần thiết được chờ đợi cho ơn gọi ngôn sứ nghe như vậy: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

một nhân cách cao quý

Maria nhìn nhận mình „là nữ tỳ của Chúa“. Trong tương quan với „Đấng Toàn Năng“ (Magnificat) thì con người đứng ở vị thế đó. Đó là thực tế và trật tự cần được tôn trọng, vì là nền tảng cơ bản cho một đời tự do: Thiên Chúa là Tạo Hóa và con người là thụ tạo. Trong con người có một khuynh hướng đi ngược lại, là cứ muốn gạt bỏ Thiên Chúa và đặt mình vào vị trí của Tạo Hóa. Muốn làm Trời chứ không muốn làm người. Hậu quả là những gì chúng ta đang phải gánh chịu.

Maria không được Tin Mừng Luca giới thiệu như là „tớ nữ“ trong nghĩa „đầy tớ, đứa ở, người phục vụ” đứng ở bậc thấp nhất xã hội, mà như một ngôn sứ. Sau khi bối rối vì được chào với những lời to lớn không thể tưởng, cô thiếu nữ miền Nadarét đã nhận ra điều không thể trong nội dung của lời sứ thần. Cô phản đối: „Ðiều ấy sẽ làm sao được? Vì việc phu thê tôi không nghĩ đến!” Lối ứng xử tự tin, tỉnh táo và rõ ràng của Maria đến từ một phong cách cao quý, và cho thấy sự xuất thân quyền quý[2] của “thiếu nữ Sion”.

Những người được chọn thường tìm cách thoái thác, sau khi kinh ngạc vì gặp Thiên Chúa hay sứ giả của Người. Môsê hỏi: „Con là ai mà dám…? Con không phải là kẻ có tài ăn nói.” (Xh 3-4). Khi được ngôn sứ Samuen nói về tương lai của mình Saun đã đáp lại: Không thể, vì tôi thuộc về „chi tộc nhỏ nhất trong Israel“ và thuộc một thị tộc „hèn mọn nhất trong các thị tộc của chi tộc Ben-gia-min“ (1Sam 9,16.21). Nghe Thiên Chúa nói đã chọn và muốn mình trở nên „ngôn sứ cho chư dân“ Giêrêmia đã phản đối: „Con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” (Gr 1,6).

Chúng ta cũng quen những lời biện bạch để thoái thác khi được nhắc nhở sống ơn gọi ngôn sứ, là trở nên muối nên men trong bối cảnh của mình. Để tránh né sự thay đổi và phát triển theo hướng Tin Mừng đòi hỏi thì có những “lí lẽ” ưa được dùng, như: „Ở đây là phải như vậy!“; „Ai cũng làm như thế cả!“; „Hoàn cảnh buộc phải thích nghi để tồn tại!“ hay “Không phải ai cũng nghĩ được như vậy!” Tệ hơn là: “Cũng chẳng thay đổi được gì!” Không ít khi người ta áp dụng phương cách tấn công là lối phòng vệ hay nhất. Thay vì “đi vào lòng mình” những người được gọi bắt đầu đi ra phê bình người khác, và qua đó tránh đối diện với câu hỏi cơ bản: „Nhiệm vụ của tôi trong đời là gì?“

Maria nói „xin vâng“ trong sự „tự do và thật lòng“ sau cuộc đối thoại với sứ thần. Bằng lòng trong vai „tôi tá Chúa“ để Thiên Chúa làm một cuộc bắt đầu mới với nhân loại. Và mỗi cuộc bắt đầu quan trọng và to lớn như vậy xảy ra không có sự nhúng tay của người đàn ông. Sự sống đến chỉ từ Thiên Chúa. Chúa làm, chứ không là sức mạnh và tài năng của con người, của phái mạnh. Maria nói đồng ý với Ý Chúa và với cách làm của Người.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế…

Cảnh truyền tin thường được trình bày như chuyện xảy ra trong nhà, riêng tư giữa sứ thần Gabriel và Maria, chứ không là một sự kiện công khai. Lời chúc tụng Thiên Chúa của Maria trong bài hát Magnificat (Lc 1, 46-55) khi gặp chị họ của mình, cũng bắt đầu nơi bản thân: „Linh hồn tôi…“. Nhưng nội dung không dừng lại ở đó mà được mở rộng vào vận mệnh chính trị và xã hội liên quan đến tương lai của toàn dân, và như vậy hướng về không gian cộng đồng.

Magnificat là lời tiên báo sự giải phóng của Israel, được hát với một âm điệu mang tính cách mạng khó có thể phủ nhận. Thiên Chúa “ra oai sức mạnh cánh tay Người, làm cho tan tác kẻ kiêu căng lòng trí.” (Lc 1,51)[3]. Những kẻ thống trị của Vương quốc Rôma sẽ mất quyền lực. Nhìn từ bối cảnh xã hội của bài hát thì đó là ngôn ngữ phản đối: nói lên điều thực ra không được phép nói, vì phê bình thể chế là điều bị cấm, không chỉ thời đó. Bài hát trình bày một sự thay đổi hoàn toàn, một sự đảo nghịch của hiện trạng.

Là ngôn sứ, Maria nhìn thấy được việc tái tạo trật tự của Thiên Chúa và cách thức Người thực hiện: „Chúa hạ bệ những ai quyền thế; Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, Người giàu có, lại đuổi về tay trắng“ (Lc 1,46-55). Thiên Chúa đổi mới mặt địa cầu và đưa nó về lại sự tốt lành nguyên thủy qua việc “đảo lộn chương trình muôn nước” (Tv 32,10). Thiên Chúa đứng về phía những người thấp cổ bé miệng, bị đàn áp bóc lột và phải sống trong tình trạng khốn khổ. Nói vậy, Maria gợi niềm hi vọng cho những con người thấp hèn với viễn ảnh về một thế giới tốt đẹp hơn.

Nhưng đó là một việc xảy ra không ồn ào gây kinh thiên động địa. Trái lại, dự định to lớn được bắt đầu qua việc Maria đón nhận và hạ sinh một đứa trẻ vào trong một thế giới đầy bạo lực và bất công, và mặc dù vậy thật đẹp đẽ. Với con mình Maria hi vọng và tranh đấu cho sự thay đổi thế giới. Maria tiên báo một cuộc cách mạng thế giới và trao cho nó một cái tên: Giêsu.

Thiên Chúa chấm dứt sự cao ngạo của những con người quyền thế và xóa tan sự “khôn ngoan” của họ. Người tỏ hiện sức mạnh thiên thánh nơi những người bé mọn và đảo lộn vai trò vị thế trong xã hội. Mọi sự xảy ra với đứa bé có tên Giêsu. Với hài nhi này Thiên Chúa bắt đầu Vương quyền của người, chấm dứt bất công và bạo quyền, và nâng cao những người thấp hèn. Khi đoái nhìn phận hèn của người “tôi tớ Chúa” lời hứa của Thiên Chúa bắt đầu được thực hiện.

Thiên Chúa làm cách mạng khác hơn những gì chúng ta quen trong lịch sử con người. Những người giải phóng thường không muốn trao tự do. Các cuộc cách mạng trong lịch sử nhân loại chỉ đổi chỗ những người thống trị và những kẻ bị trị. Chúng không thực sự mang lại sự tự do được hứa hẹn và mong đợi, vì những người thấp hèn vẫn ở vị trí của mình sau khi chứng kiến những cuộc “thay đổi chủ nhân” của ngôi báu. Thiên Chúa nâng cao những kẻ khiêm nhường nói rằng họ được cho thông phần vào vương quyền của Người.

Nhờ sự công bằng của Thiên Chúa mà có sự đảo lộn trật tự xã hội. Nên niềm vui đến từ việc những kẻ phải cúi đầu được vực giậy để đứng thẳng ngẩng cao đầu, chứ trước hết không vì sự hạ bệ những người ham nghiện quyền lực. Nghĩa là không bằng trừng phạt mà qua sự cân bằng. Cho nên không động viên dùng bạo lực, mà khuyến khích đứng giậy chống lại sự vô vọng buông tay, sự thờ ơ hờ hững. Dạy truy tìm gốc rễ các tệ nạn xã hội và không chấp nhận sự bất công, bạo lực, gian dối, nghèo khổ, việc hạ thấp con người, như là một số phận không thể thay đổi. Dạy đừng hài lòng với sự hèn hạ của mình.

Lời tiên báo của Maria trong bài hát Magnificat cho phép chúng ta hát tiếp bài ca hi vọng. Bởi vì hoàn cảnh của chúng ta cũng có nhiều điểm giống với thế giới của bài hát. Sự thay đổi đã được bắt đầu nhưng chưa hoàn tất, nên cần đặt tên cho sự cơ cực khốn khổ của người nghèo không tiền hối lộ và cho viện phí, không ô dù và người nhà quyền năng. Và cần nhận diện thực tế lắm lời mà “không tiếng nói” vì những khẩu trang vô hình bịt kín. Ngôn sứ là người nói về niềm hi vọng vào sức mạnh thay đổi và tạo công bằng của Thiên Chúa, hi vọng vào sự đổi thay hoàn toàn tình trạng sống của mọi người. Đích đời là tương lai tốt lành nơi Thiên Chúa. Hiện trạng là một nửa vận mệnh con người, và tương lai Thiên Chúa như là nửa phần còn lại. Chính Thiên Chúa thực hiện việc đổi thay trọn vẹn đó.

[1] Franz Josef Stendenbach, Rufer wider den Strom. Sachbuch zu den Propheten Israels, Stuttgart 1992, 24tt.

[2] Romano, Guardini, Der Herr, Betrachtung über die Person und das Leben Jesu Christi, Würzburg 201113, 7.

[3] Bản dịch Nguyễn Thế Thuấn.

Bài trướcTĨNH TÂM THÁNG 9, TẬP VIỆN NGÔI LỜI
Bài tiếp theoLời mời gọi của Cha Tổng Quyền Dòng Ngôi Lời (SVD) nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành thông điệp “Fratelli Tutti – Tất Cả Anh Chị Em”