Tình Yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi

0
1331

“TÌNH YÊU ĐỨC KITÔ THÚC BÁCH CHÚNG TÔI” (2Cr 5, 14)

Lãnh đạo liên văn hóa cho cuộc sống và sứ vụ liên văn hóa

Tác giả: Lm. Stephen Bevans, SVD

(trích từ Arnoldus Nota, tháng 10.2017)

Sứ vụ liên văn hóa chỉ là loại sứ vụ vốn có,

và cuộc sống liên văn hóa chỉ là kiểu cuộc sống thật vốn có.

Dẫn nhập: Bối cảnh của những suy tư này

Vào ngày 18.08.2017, tôi đã phát biểu Bài diễn thuyết chính tại Tổng hội nghị vùng PANAM ở Techny, Illinois, USA. Bài diễn thuyết là theo lời mời của vị Điều phối viên vùng, Marcelo Cattaneo. Ngài đã yêu cầu tôi rằng tôi có thể suy tư về ba đề tài: đề tài của Tổng tu nghị 2018 sắp tới, đề tài về Tính liên văn hóa (đề tài của Tổng tu nghị 2012), và đề tài về Lãnh đạo trong Dòng Ngôi Lời và trong Giáo hội hôm nay từ những viễn tượng này. Như tôi đã nói với nhóm vào lúc bắt đầu bài nói chuyện của tôi, đây là một “chỉ thị cấp trên” (“tall order”) – việc nối kết các đề tài này với nhau theo cách có ý nghĩa trong ba tiếng đồng hồ đã được chia cho tôi. Tuy nhiên, khi tôi chuẩn bị những suy tư của tôi, nó gợi lên cho tôi rằng trọng tâm của bài nói chuyện nên là đề tài về lãnh đạo dưới ánh sáng của hai đề tài kia. Do đó, bài tóm tắt ngắn này sẽ có ba phần: thứ nhất, về đề tài tổng tu nghị sắp tới; thứ hai, về đề tài tính liên văn hóa; và thứ ba, cuối cùng, về đề tài lãnh đạo để truyền hứng và thúc đẩy cuộc sống và sứ vụ liên văn hóa.

“Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi”

Như chúng ta biết, đề tài của Tổng tu nghị sắp tới là «‘Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi’ (2Cr 5,14): Cắm rễ trong Ngôi Lời, Dấn thân cho sứ vụ của Ngài.» Điều đầu tiên phải thừa nhận trong khi suy tư về đề tài này là cụm từ “tình yêu Đức Kitô” rất mơ hồ. Nó ám chỉ trước hết đến tình yêu của Đức Kitô đối với chúng ta, một tình yêu mà khi chúng ta nhận ra nó trở thành tình yêu của chúng ta đối với Ngài và do đó thúc bách chúng ta đến với sứ vụ.

Khi chúng ta đọc và chiêm niệm các sách Tin mừng, chúng ta nhận ra Đức Giêsu đã được xức dầu bằng Thánh Thần vào lúc ngài chịu phép rửa như thế nào, và do đó Ngài đã dấn thân để mang lời hy vọng và niềm vui cho người nghèo nhất trong số người nghèo, sự giải phóng cho những người bị áp bức bằng quyền năng vượt qua sự kiểm soát của họ, và sự chữa lành cho những người đau khổ (x. Lc 4). Chúng ta nhận ra Đức Giêsu đã chú ý đến những người ăn xin mù lòa và bé mọn, đã ôm những người cùi hủi ghê tởm, và đã thương xót đối với những người góa bụa và đám đông đói lả như thế nào. Chúng ta đọc thấy những dụ ngôn của Đức Giêsu về lòng thương xót, sự nhẫn nại, sự quảng đại, và sự đón nhận tất cả và tinh thần cởi mở đối với bất cứ ai và đối với mọi người. Cuối cùng, chúng ta đọc thấy, vì lối sống của Đức Giêsu gây chướng tai gai mắt những người đạo đức vào thời đại của Ngài, Ngài đã bị kết án chết và đã chết như thế nào vì chúng ta “trong khi chúng ta là những tội nhân” (Rm 5,8), và trong sự phục sinh của Ngài, Ngài đã được minh oan như thế nào về lối sống thương xót, gặp gỡ, dịu hiền của ngài. Khi chúng ta đọc và chiêm niệm, chúng ta nhận ra rằng Đức Giêsu là “ngôn ngữ thân thể của Thiên Chúa,” như nhà thần học người Anh, Mark Oakley, sử dụng điều đó, hay như Đức giáo hoàng Phanxicô đã viết, “khuôn mặt thương xót”. Chúng ta nhận ra, theo lời của Juan Luis Segundo, rằng “Thiên Chúa giống Đức Giêsu” – nghĩa là Đức Giêsu cho chúng ta thấy cách cụ thể và đầy quyền năng Thiên Chúa là ai, sự sâu thẳm và sự cao thâm của tình yêu Thiên Chúa.

Và khi chúng ta rơi vào trong tình yêu với ngài, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa thứ hai của cụm từ “tình yêu Đức Kitô”. Khi nhận ra tình yêu vĩ đại của Đức Kitô đối với chúng ta và khi được bay bổng với tình yêu đối với Ngài, chúng ta “được thúc bách” để làm những điều Ngài đã làm, để chia sẻ sứ vụ của Ngài. Tuy nhiên, từ “thúc bách” ấy cần phải được giải thích. Nó không có nghĩa là làm việc gì đó trái với ý chí của chúng ta – nhưng quả thật là điều ngược lại. Nó có nghĩa rằng chúng ta được gợi hứng, được làm bối rối, được thu hút, được linh hoạt trong tình yêu ấy, và cho nên chúng ta làm việc giữa những người nghèo như Đức Giêsu đã làm, có cùng cảm thức hiện diện với người dân, có cùng cảm thức đón nhận tất cả, nhẫn nại và thương xót.

Nhưng khi chúng ta bị bối rối trong sứ vụ của Đức Kitô, chúng ta nhận ra rằng chúng ta càng cần được cắm rễ trong Lời – Lời được nhập thể trong Đức Giêsu, và Lời trong Kinh thánh, và chúng ta cắm rễ trong Lời ấy, thì chúng ta nhận ra rằng chúng ta yêu tròn đầy hơn và dấn thân trọn vẹn hơn cho Ngài và sứ vụ của Ngài. Tôi tưởng tượng điều này giống như một vòng tròn hay một đường xoắn ốc mà trong đó chúng ta có thể vào bất kỳ điểm nào và đi bất kỳ hướng nào. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc chiêm nhiệm Lời Chúa như tôi đã gợi ý trên đây, và sau đó nhận ra tình yêu của Đức Kitô, rơi vào tình yêu, và dấn thân cho sứ vụ. Hay chúng ta có thể bắt đầu với hoạt động truyền giáo, và chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần cắm rễ sâu trong Lời, và cần đào sâu hiểu biết về tình yêu Đức Kitô. Hay chúng ta có thể có một cuộc gặp gỡ với Chúa, bắt chước Ngài trong sứ vụ, và đến với Lời để được nuôi dưỡng và củng cố. Vòng tròn này trở thành vòng xoắn ốc, và nó đi từ phải sang trái, từ trái sang phải – một nhịp điệu mà trong đó chúng ta dấn thân mọi ngày trong cuộc sống chúng ta.

Tôi đã nhận thấy một sự nối kết với linh đạo đối thoại ngôn sứ của Dòng Ngôi Lời chúng ta và ý tưởng “người môn đệ truyền giáo” của Đức giáo hoàng Phanxicô. Khi chúng ta sống cuộc sống đối thoại với những người mà chúng ta phục vụ (những cộng tác viên đối thoại), chúng ta được hướng đến một mối quan hệ cá nhân sâu xa hơn với Ngôi Lời nhập thể và Lời trong Kinh Thánh, vốn hướng dẫn chúng ta đến việc sống sứ vụ rao giảng mang tính ngôn sứ của Đức Kitô cách rõ ràng và nổi bật hơn, đem đến lời hy vọng, trở nên cộng đoàn của công lý, và đối diện với bất lỳ loại bất công nào. Đây là “mối tương môn đệ truyền giáo”, hay việc biến đổi mối tương quan môn đệ truyền giáo như chúng ta đọc thấy trong Tài liệu hướng dẫn để suy tư chung thứ hai về Tổng Tu Nghị. Mối tương quan môn đệ như thế, vốn cắm rễ trong Lời, được đưa đến sứ vụ liên văn hóa.

Tính liên văn hóa

Hội dòng chúng ta đã luôn mang tính đa văn hóa trong thực tế – ngay từ thời điểm sáng lập tại Hà Lan bởi một người Đức với một người Áo/Ý/Ladino trong số những thành viên đầu tiên. Hiến pháp số 303.1 thừa nhận đặc tính quốc tế của chúng ta và Tổng Tu Nghị 1988 đã kêu gọi chúng ta “vượt qua” để đến với các văn hóa và dân tộc khác nhau. Tuy nhiên, Tổng Tu Nghị 2012 đã kêu gọi chúng ta tiến xa hơn nữa để sống và thực hiện sứ vụ cách liên văn hóa, trở nên ý thức tròn đầy hơn về những điều mà Lời Chúa muốn nói và về những gì mà chúng ta dấn thân. Roger schroeder, Tim Norton, và Adriana Milnanda, SSpS đã làm công việc tuyệt vời khi giúp Hội dòng chúng ta đào sâu hiểu biết của mình về tính liên văn hóa. Họ giúp chúng ta thấy tính liên văn hóa như là một thực hành liên lỉ để làm phong phú cho nhau và thách đố lẫn nhau, và chúng ta phải làm việc cho sự phong phú và thách đố này trong các cộng đoàn mà trong đó chúng ta thi hành sứ vụ. Tính liên văn hóa không chỉ là về văn hóa, nó còn về chủng tộc, về giới tính, và thậm chí về các thế hệ. Như nhà nhân chủng học Ngôi Lời, Jon Kirby, chỉ ra, đó là một sự vun trồng liên lỉ đối với việc học hỏi để giải quyết cách chân thành và sáng tạo sự khác biệt.

Tuy nhiên, sự dấn thân cho cuộc sống và sứ vụ liên văn hóa như thế không chỉ là kết quả của việc là thành viên của gia đình Arnoldus. Nó là một điều gì đó được cắm rễ sâu trong năng động của sự khác biệt, truyền thông và hiệp thông Ba Ngôi. Chúng ta được kêu gọi để sống một cuộc sống phong phú như thế với những người khác mà Ba Ngôi sống ở trung tâm của Mầu Nhiệm Thiên Chúa, và Thiên Chúa thúc đẩy cuộc sống ấy trong lịch sử cứu độ. Sứ vụ liên văn hóa chỉ là một loại sứ vụ vốn có, và cuộc sống liên văn hóa chỉ là một loại cuộc sống thật vốn có. Đây là một sứ vụ và cuộc sống đòi hỏi sự lãnh đạo khôn ngoan và đầy kỷ năng – để gợi hứng cho chúng ta sống cách liên văn hóa và cũng để gợi hứng cho người khác đến với cuộc sống liên văn hóa.

Việc lãnh đạo liên văn hóa cho sứ vụ liên văn hóa

Trước hết, việc lãnh đạo như thế không chỉ là việc quản trị. Như các nghiên cứu về việc lãnh đạo đang nhấn mạnh ngày nay, lãnh đạo thật sự điều gì đó hơn là một kỹ năng hay kỷ thuật; theo cố vấn lãnh đạo Peter Koestenbaum, các kiểu mẫu của nó là “tôn giáo, nghệ thuật, chính trị và tình yêu.” Nhiệm vụ của người lãnh đạo là phải đưa ra tầm nhìn. Các mối quan tâm của nhà lãnh đạo liên quan đến Sứ vụ; các mối quan tâm của người quản trị liên quan đến việc duy trì. Những người suy nghĩ nghiêm túc khác về lãnh đạo đặt tương phản giữa “lãnh đạo phản ứng” với “lãnh đạo sáng tạo,” hay “lãnh đạo giải quyết” với “lãnh đạo biến đổi.”

Một nền thần học về lãnh đạo cắm rễ vào ba kiểu mẫu thay đổi trong một trăm năm qua – những thay đổi về tính trung tâm của thần học Ba Ngôi, những thay đổi về giáo hội học hiệp thông và sứ vụ hơn là định chế và cơ cấu, về một vũ trụ học xuất hiện mà trong đó Thiên Chúa được hiểu không như “tác nhân bên ngoài” tiến trình để điều khiển nó bằng tay nhưng là “tác nhân bên trong” để dẫn dụ và thúc đẩy nó – chúng ta có thể xem Thiên Chúa như nhà lãnh đạo cũa vũ trụ. Ngài cho nó một tầm nhìn trong Triều Đại Thiên Chúa được Đức Giêsu rao giảng, Đấng đã thiết lập một cộng đoàn mà lối sống của nó rất cơ bản đến nỗi mà, như Canadian Rudy Wiebe viết, “nó là điều rất ngu xuẩn, một điều điên dại trên trái đất, hay nó vượt qua những suy nghĩ tầm thường mà chỉ có thể đến như là sự mạc khải từ Thiên Chúa.”

Việc rao giảng, phục vụ và làm hiện thân loại cộng đoàn này là nhiệm vụ truyền giáo của Giáo hội, và nhiệm vụ là nhiệm vụ liên văn hóa. Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta đến với sứ vụ này và đến với việc đào sâu liên lỉ. Nhiệm vụ của người lãnh đạo trong Dòng Ngôi Lời và Trong Dòng Nữ Tỳ Chúa Thánh Linh Truyền giáo là gợi hứng, hình dung, thuyết phục các cộng đoàn chúng ta đến việc thực hiện tầm nhìn liên văn hóa này cách nghiêm túc, và giúp các anh em Dòng Ngôi Lời và các chị em Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh trở thành những nhà truyền giáo liên văn hóa. Những nhà lãnh đạo như thế, như Tim Norton viết, cần phải là “người biết lắng nghe cả đối với những người mà họ lãnh đạo và đối với Thánh Thần hướng dẫn.” Đặc biệt, những nhà lãnh đạo của chúng ta cần được Tình yêu của Đức Kitô thúc bách, mời gọi các anh chị em của họ cắm rễ vào Ngôi Lời và dấn thân cho sứ vụ của Ngài.

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD chuyển ngữ

Bài trướcCộng đoàn Thần Học SVD – Lễ cầu cho các Linh Hồn
Bài tiếp theoTình Yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi – Hiệp thông trong Cộng đoàn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.