Tình Yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi – Hiệp thông trong Cộng đoàn

0
697

TÌNH YÊU ĐỨC KITÔ THÚC BÁCH CHÚNG TÔI

Hiệp thông trong cộng đoàn

Tác giả: Lm. Naveen Rebello, SVD

(trích từ Arnoldus Nota, tháng 09.2017)

Tổng tu nghị luôn là nguồn cảm hứng. Nó thách đố chúng ta định hướng lại đời sống tu sĩ truyền giáo của chúng ta, tái khám phá đoàn sủng của hội dòng chúng ta trong hoàn cảnh đang thay đổi, truyền động lực truyền giáo cho các chiều kích của chúng ta và làm tái sinh động cơ và sự dấn thân của chúng ta cho việc loan báo Tin Mừng. Khi chúng ta cố gắng khởi động tiến trình canh tân và làm phấn khởi lại tinh thần linh đạo với mục đích biến đổi, chúng ta được truyền cảm hứng từ đề tài trích từ thư thánh Phaolô “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14) của Tổng Tu Nghị 18. Đề tài Kinh thánh này, vốn đã làm biến đổi đời sống và sứ vụ của thánh Phaolô, người được cắm rễ và định hình bởi “tình yêu Đức Kitô”, mời gọi chúng ta đào mối liên hệ thiêng liêng với Đức Kitô hôm nay. Sau đây là những suy tư có thể giúp chúng ta đưa chủ đề của Tổng Tu Nghị vào đời sống chung. Chủ đề trên gợi lên năm yếu tố khác nhau của sống đời sống cộng đoàn – mầu nhiệm, sứ điệp, sự tưởng niệm, tính hỗ tương và sứ vụ.

1. Mầu nhiệm: Tình yêu Chúa Ba Ngôi thúc bách chúng tôi – cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa

Thiên Chúa không cô độc, nhưng là sự hiệp thông trọn hảo. Đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa là kiểu mẫu không chỉ cho mọi tu sĩ và còn cho mọi cộng đoàn nhân loại, vì nó là cộng đoàn tình yêu cao nhất. Đời sống nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa mời gọi chúng ta đánh giá cao sự hiệp nhất trong đa dạng – đời sống liên văn hóa và sứ vụ, mối tương quan liên vị và sự truyền thông cùng thái độ tự hủy giữa anh em và cộng đoàn của chúng ta. Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm – không phải là vấn đề để giải quyết nhưng là “tình yêu” sâu thẳm nhất được kinh nghiệm. Chính khi ân sủng, tình yêu và sự hiệp thông của mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa được kinh nghiệm cách cụ thể thông qua các Ngôi Vị, thì mỗi anh em cũng là một mầu nhiệm. Chúng ta có thể không bao giờ nắm bắt được hết những đặc tính cá nhân, các tài năng và phẩm tính được ban của mỗi anh em. Hay nói cách khác chúng sẽ tiếp tục làm chúng ta ngạc nhiên theo những cách thức mà chúng ta có thể không bao giờ tưởng tượng. Nhưng chúng ta có đánh giá cao những dấu chỉ cụ thể này không?

Như hiếp pháp số 301 nói: “Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc, là nguyên mẫu và là sự thành tựu của mọi cộng đoàn nhân loại […] Nhờ các lời khấn của chúng ta, chúng ta gia nhập vào một cộng đoàn được tham gia vào sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha đã sai đến trần gian. Cộng đoàn này củng cố trong chúng ta mối dây hiệp nhất và như thế làm cho chúng ta có khả năng rao giảng sứ điệp cứu độ một cách hữu hiệu hơn.” Cho nên, thách đố đầu tiên đối với anh em Ngôi Lời là làm sao cho các cộng đoàn chúng ta đi theo kiểu mẫu Ba Ngôi Thiên Chúa. Tình yêu giữa Ba Ngôi với nhau mời gọi chúng ta tái kiểm tra các mối tương quan trao ban đời sống của chúng ta, sự truyền thông liên vị và sự yêu mến lẫn nhau giữa các anh em.

2. Sứ điệp: Tình yêu của Ngôi Lời Thiên Chúa thúc bách chúng ta: Các cộng đoàn nhập thể.

Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời đã trở thành nhục thể (Ga 1,14). Mặc dù Ngôi Lời Thiên Chúa đang làm việc trong tạo vật và lịch sử, Kinh Thánh vẫn là nơi ưu tiên của sự đối thoại và gặp gỡ của chúng ta đối với Ngôi Lời. Toàn bộ cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ điệp của Thiên Chúa, vốn được mặc khải cho nhân loại thông qua lời được nói ra và được cất giữ trong Kinh Thánh như lời được viết ra. Tình yêu đối với Lời Chúa thúc bách các anh em Ngôi Lời chúng ta, vốn là những người được mời gọi bước theo Ngôi Lời, để thể hiện Lời Chúa trong chính con người chúng ta. Chúng ta có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để gặp gỡ Lời sự sống này trong những giờ cầu nguyện cá nhân và giờ cầu nguyện chung – việc đọc liên tục (Lectio Continua), việc đọc có lưu tâm (Lectio Assidua), việc đọc để cầu nguyện (Lectio Divina), việc đọc mang tính đối thoại hay chia sẻ Kinh thánh (Lectio Dialogata) và việc đọc theo phụng vụ (Lectio Liturgica). Tuy nhiên, tình yêu của chúng ta đối với Lời Chúa có thúc bách chúng ta đọc nó cách có ý nghĩa và nó có làm cho đời sống, ơn gọi và sứ vụ của chúng ta được biến đổi không?

Như hiến pháp số 106 nhắc nhở chúng ta: “Chính nhờ sự lắng nghe và sống Lời Chúa mà chúng ta trở nên những người cộng sự của Ngôi Lời.” Hơn nữa, hiến pháp số 108 nói rằng: “Các cộng đoàn được sinh ra từ Lời Chúa nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần và được nuôi dưỡng bằng Lời và các bí tích, trở thành dấu chỉ giải thoát của Chúa và của một nếp sống mới.” Cho nên, thách đố thứ hai đối với anh em Ngôi Lời chúng ta là tạo nên các cộng đoàn nhập thể được cắm rễ trong Ngôi Lời, vốn là trung tâm của linh đạo. Nó mời gọi chúng ta tái kiểm tra sự hiểu biết và sự mật thiết với Lời Chúa, vốn mạc khải sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong lịch sử.

3. Sự tưởng niệm: Tình yêu Thân thể Đức Kitô thúc bách chúng ta: Các cộng đoàn Thánh Thể.

Sự tưởng nhớ Đức Kitô thúc bách chúng ta: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Thánh thể là sự tưởng nhớ mạnh mẽ, vốn làm biến đổi các môn đệ của Chúa Giêsu. Họ là những người làm tái hiện những gì mà Chúa Giêsu đã làm trong cuộc sống của Ngài, nghĩa là dâng hiến chính mình Ngài cho Chúa Cha. Chúng ta được Chúa sai đi để tiếp tục thực hiện những gì mà Ngài đã làm cho mọi người thuộc mọi thời đại và ở mọi nơi. Mỗi cộng đoàn Ngôi Lời cử hành việc “tưởng nhớ” Đức Kitô mỗi ngày, hoặc với các anh em hoặc với những người giáo dân trong giáo xứ hoặc với những cộng tác viên truyền giáo. Như là cộng đoàn, vốn được soi sáng bởi Sứ Điệp Lời Chúa (Phụng vụ Lời Chúa), chúng ta được nuôi dưỡng bởi Sự Tưởng Niệm (Phụng vụ Thánh Thể) tại bàn tiệc thánh, cho nên nhờ việc chúng ta chia sẻ chính mình và phục vụ lẫn nhau, ký ức Đức Kitô luôn sống động.

Hiến pháp số 302 nói rõ rằng: “Trung tâm điểm của cuộc sống cộng đoàn chúng ta chính là Thánh Thể. Chúng ta ngày càng lớn lên trong kết hợp với Chúa Kitô một cách rất đặc biệt nhờ cử hành Thánh Thể, nơi đó chúng ta được thêm sức mạnh nhờ lắng nghe Lời Chúa và cùng nhau bẻ bánh tức thông hiệp vào thân thể Chúa Kitô (1Cr 10,16-18). Lúc hội họp quanh bàn tiệc Chúa, chúng ta hiệp nhất trong tinh thần với tất cả những anh em trong Hội dòng và với tất cả những người mà chúng ta đang phục vụ.” Việc cử hành Thánh Thể thách đố như thế nào đối với những khuynh hướng ích kỷ, cá nhân của chúng ta, vốn thúc đẩy chúng ta tránh các anh em hay đời sống chung? Tình huynh đệ nơi bàn tiệc có trở thành một kinh nghiệm biến đổi để vượt qua những sở thích cá nhân và những thành kiến, vốn ngăn cản chúng ta chia sẻ và tin tưởng lẫn nhau, không? Cho nên, thách đố thứ ba là trở nên những cộng đoàn Thánh Thể, nơi mà chúng ta rao giảng những gì chúng ta thực hành và chúng ta thực hành những gì chúng ta rao giảng.

4. Tương quan hổ tương: Tình yêu “tha nhân” thúc bách chúng ta: các cộng đoàn tu sĩ

Cuộc sống huynh đệ là trung tâm của đời sống tu sĩ. Cộng đoàn chúng ta là một không gian cụ thể mà nơi đó chúng ta sống như huynh đệ trong Chúa. Việc sống với nhau luôn là vì mục đích truyền giáo, vì chúng ta làm công việc của Chúa không với tính cách cá nhân nhưng với tính cách cộng đoàn. Cho nên, nó đòi hỏi cuộc sống hổ tương và chia sẻ cho nhau – đồng hành hơn là thể hiện quyền hành, tin tưởng hơn là khiển trách và đổ lỗi, khen ngợi hơn là phê bình. Tình yêu huynh đệ thúc bách chúng ta phát triển những đức tính và thái độ cá nhân cá nhân, vốn được đòi hỏi để làm phong phú đời sống chung của chúng ta: sự sẵn sàng lắng nghe người khác cách tôn trọng, sự cẩn mật, tính sẵn sàng, sự kiên nhẫn với những anh em bệnh tật và đau khổ, sự khiêm nhường để chấp nhận quyết định của bề trên, sự cởi mở và quảng đại về thời gian, năng lực và tài năng của chúng ta, khả năng để đồng hành với người khác, v.v…

Hiến pháp số 303 khẳng định cách chắc chắn rằng: “Chính tình yêu thương huynh đệ chân thành, chứ không phải chỉ nguyên việc sống và làm việc chung với nhau mới thực sự hiệp nhất chúng ta nên một. Chúng ta cố gắng phát triển những mối tương giao thân hữu với nhau để mỗi người đều cảm thấy mình được chấp nhận và thoải mái trong cộng đoàn […] Chúng ta chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, sự hy vọng, và các vấn đề của mỗi người. Hảo tâm và nhân hậu phải là đặc tính của Hội dòng chúng ta. Chúng ta cố gắng sống lý tưởng huynh đệ của Phúc Âm mà chúng ta rao giảng cho người khác.” Cho nên, thách đố thứ tư đối với chúng ta là phải trở nên những cộng đoàn tu sĩ thực sự, nơi đó ‘tha nhân’ trong ‘anh em’ được nhìn với cảm thức thuộc về, không phải vì những gì chúng ta làm, nhưng vì những gì chúng ta là.

5. Sứ vụ: Tình yêu sứ vụ Thiên Chúa thúc bách chúng ta: các cộng đoàn truyền giáo

Lệnh truyền của Chúa Kitô thúc bách chúng ta – “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Công đoàn tu sĩ truyền giáo của chúng ta không chỉ có sứ vụ truyền giáo, nhưng còn có sứ vụ của sứ vụ – nghĩa là trở thành và xây dựng một cộng đoàn biến đổi các môn đệ truyền giáo bên trong cũng như bên ngoài. Cho nên chúng ta tạo nên những cộng đoàn truyền giáo không chỉ giữa chúng ta nhưng còn giữa dân chúng (những cộng sự viên giáo dân), vốn là những người muốn cộng tác với chúng ta trong sứ vụ của chúng ta. Sứ vụ mà chúng ta tận hiến cuộc sống mình cho nó là sứ vụ của Thiên Chúa – Missio Dei, vốn trao cho chúng ta quyền làm chứng về tình yêu Thiên Chúa, đặc biệt đối với những ai bên lề xã hội, ví dụ như những người tị nạn, những người di dân, những người ăn mày, những người ốm yếu tàn tật, những phụ nữ bị lạm dụng, những gia đình bị đổ vỡ, những dân tộc thiểu số bị bách hại, v.v…, vì thế “Đặt người rốt hết lên hàng đầu”.

Như Lời tựa của hiến pháp nhắc nhở: “công cuộc truyền giáo là lẽ sống và cứu cánh của Hội dòng chúng ta. Tất cả mọi hoạt động của chúng ta, dù có nhiều hình thức khác nhau, cũng chỉ cốt để giúp Giáo hội hoàn thành trách vụ truyền giáo của mình.” Cho nên, thách đố thứ năm và cuối cùng là phải tạo ra những cộng đoàn truyền giáo, vốn được thúc đẩy và linh hoạt bởi tình yêu Đức Kitô và cố gắng xây dựng những chiếc cầu, giải quyết các xung đột, hòa giải mọi người và cổ vũ công lý và hòa bình. Để kết luận, Đức giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI đã nói tại Tổng Tu Nghị vừa qua của chúng ta ở Nemi, Roma, vào ngày 09.07.2012: “Năng động truyền giáo thì rõ ràng sống động, và nó chỉ sống động nếu có niềm vui Tin Mừng, nếu chúng ta kinh nghiệm điều thiện hảo đến từ Thiên Chúa, Đấng phải và muốn được thông truyền. Cám ơn về sự năng động của các anh em.”

Trước thềm Tổng Tu Nghị thứ 18, ước mong các cộng đoàn Ngôi Lời thấm đẫm mầu nhiệm, sứ điệp, ký ức, tính hỗ tương và sứ vụ – tất cả mọi điều xuất phát từ Chúa Kitô, trung tâm của đời sống của chúng ta (Hp. 401).

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD chuyển ngữ

Bài trướcTình Yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXXII – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.