SỰ KHÓ NGHÈO THEO THÁNH ARNOLD JANSSEN

0
251

Tác giả: Lm. Saju George Aruvelil
Dịch giả: Lm. GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD

 Ngày Thế Giới Vì Người Nghèo Lần Thứ VI năm nay cũng mời gọi chúng ta thành tâm kiểm điểm lại lối sống của mình với tư cách là những người thánh hiến, cá nhân và trong cộng đoàn, như những thành viên của đại gia đình thánh Arnold. Vì vậy, cần phải quay trở về cội nguồn và các bài viết của Đấng Sáng Lập, cùng với thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến toàn thể Giáo hội.

Theo Thánh Arnold, Chúa Thánh Thần là Cha của Hội Dòng Ngôi Lời và cũng là Cha của những người nghèo (xc. Vol II. 248; Sandkamp, Spirituality, 48-49). Ngôi Lời đã trở nên xác phàm trong sự đơn nghèo. Ngài đã từ bỏ điều kiện vinh quang trên trời của mình. Đấng Sáng Lập của chúng ta đã rất ngạc nhiên về cuộc sống khắc khổ của Ngôi Lời Nhập Thể. Đối với ngài, nền tảng của lời khấn khó nghèo của chúng ta là dựa trên thực tế này. Ngài đã mời gọi các thành viên hãy có lòng trắc ẩn đặc biệt đối với người nghèo (Const. 1885S / 258). Ngài cũng khuyến khích mọi người “yêu mến sự nghèo khó theo Phúc âm vì chúng ta đã nhận được lời mời gọi thánh hiến của Ngôi Lời và Chúa Thánh Thần và trên thực tế, Ngài là Cha của những người nghèo. Chúng ta sẽ nhận được những kho tàng phong phú của Nước Thiên Đàng, và nhờ trang bị những thứ này, anh em sẽ có thể cứu được nhiều linh hồn khỏi những nguy hiểm trên thế giới, và đưa họ đến sự hoàn thiện” (Const.1891/26-30).

Thánh Arnold biết rằng sự nghèo khó là con đường nên thánh, là mẹ nuôi của sự khiêm hạ và nguồn gốc của sự hoàn thiện. Ngài đã khuyên nhủ những người con tinh thần của mình rằng hãy tìm gặp sự nghèo khó trong tinh thần đức tin và lòng bác ái. Đó là lý do tại sao các cuộc nói chuyện và các bài tĩnh tâm mà Thánh Arnold chuẩn bị cho các đại lễ Chúa Giáng Sinh cũng dựa trên nền tảng Kitô học và Thánh Linh học này (Remembering AJ, 119).

Mỗi tháng một lần, tất cả những người nhiệt tâm giúp đỡ người nghèo, khi có thể, phải tham dự một hội nghị do chính Đấng Sáng Lập chủ trì. Mỗi cá nhân được yêu cầu báo cáo về các hoạt động của mình, những thành công và thất bại của họ, những kinh nghiệm bất thường, các phương tiện và phương pháp mới để giúp đỡ người nghèo, v.v. Ngài nhiều lần nhắc nhở các nhà thần học về mục đích của hoạt động bác ái, đó là: quan sát và thấu hiểu sự khốn cùng và thiếu thốn. Tìm những cách mới để tiếp cận những người hoàn toàn xa lạ, thông qua sự giúp đỡ mà họ cung cấp và khuyến khích giáo dân đóng góp vào các hoạt động kiểu này, v.v. (Recordando AJ, 139-140).

Chúa Ba Ngôi chắc chắn sống trong trái tim chúng ta, vì vậy Ngài sẽ có tác động đến toàn thế giới, vì lòng nhân từ và quyền năng của Ngài bao trùm cả những sinh vật nhỏ bé và không quan trọng nhất trong tạo vật. Do đó, việc nhận biết chính xác sự ngự trị của Thiên Chúa trong trái tim con người, trong trái tim của mỗi người, kể cả những người nghèo nhất và bị loại trừ nhất, làm cho linh đạo và đặc sủng của Thánh Arnold Janssen trở nên rất quan trọng đối với thời đại của chúng ta. (Rehbein, Agarado por el Misterio, 62).

Chúng ta biết về sự ngưỡng mộ mà Thánh Arnold dành cho Nữ tu Klara Fey (1815-1894), Người sáng lập Dòng Nữ tu Chúa Giêsu Hài Đồng Khó Nghèo (Hermanas del Niño Jesús Pobre) ở Aquisgrán năm 1844 để hỗ trợ và giáo dục trẻ em nghèo, mồ côi và cơ nhỡ, đặc biệt là các trẻ em gái. Các Dòng của Nữ tu Klara Fey và Franziska Schervier (1819-1876) về sau sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự khởi đầu của Hội Dòng “Nữ Tỳ Chúa Thánh Linh (SSpS)”, khi Cha Arnold đã lấy Luật Dòng của họ làm khuôn mẫu cho các Nữ tu của mình. Tinh thần yêu mến người nghèo của Đấng Sáng Lập chúng ta cũng được đánh động từ Thánh Vincent de Paul.

Thánh Arnold ủng hộ cách đào tạo hướng về trái tim, kết hợp: la reflexio con la devotio (tạm dịch: Suy niệm cùng với sự dâng hiến) để các ứng sinh có khả năng yêu thương, đồng thời nhạy cảm với những người nghèo khó và thiếu thốn, và được trang bị bởi một sự giản dị cho phép dễ dàng tiếp xúc với mọi người. Hoạt động từ thiện cũng nhằm cảm hóa các chủng sinh trước nhu cầu của những người nghèo nhất, những người thường xuyên có mặt trong các vùng truyền giáo. Thánh Arnold nhấn mạnh rằng trong tất cả các nhà của chúng ta, người nghèo phải được chăm sóc (Recordando AJ, 187).

Với tinh thần này, Cha Arnold đòi hỏi sự hãm mình và ép xác, bên ngoài và thậm chí nội tâm, kể cả chính ngài và các thành viên của Hội Dòng. Trên cương vị là Bề trên Tổng quyền, ngài có một văn phòng đơn sơ giản dị, với một cửa sổ nhỏ, vì một cửa sổ lớn đòi hỏi chi phí cao hơn. Điều này cho thấy ngài hài lòng với sự thiếu ánh sáng đó và hơn nữa phòng ngủ nhỏ cũng thể hiện tinh thần nghèo khó của ngài. Nói cách khác, ngài đã chọn và thực hành lối sống nghèo như một phần trong lựa chọn của mình vì người nghèo. Nghèo khó được coi là một nghĩa vụ luân lý vì của cải vật chất là sự hy sinh của người nghèo cho mục đích truyền giáo (Vol. II, 181). Do đó, mức sống vật chất trong Nhà truyền giáo thấp hơn mức sống của tầng lớp xã hội thấp nhất. Vì vậy, Đấng Sáng Lập của chúng ta đã thực hiện trước những gì Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nói sau này rằng: tôi thích một giáo hội nghèo cho người nghèo.

Nhân đức bác ái trong đời sống cá nhân của Đấng Sáng Lập, trong cộng đồng truyền giáo của ngài và bám rễ sâu trong toàn bộ kết cấu tâm linh của ngài. Ngài đã có một sự phát triển rõ rệt về đức tính này và sau đó được trình bày theo hai khía cạnh cơ bản: “ad intra” là bác ái huynh đệ trong cộng đoàn và “ad extra” là bác ái trong việc đối xử với mọi người và hiện được gọi là thuật ngữ của SVD như một lựa chọn vì người nghèo (WTW, 1981, số 7, [trong:] Nuntius SVD, XI / 1981, số 3, 318-352.). Điều này cũng áp dụng cho Các Hội Dòng khác mà Cha Arnold sáng lập.

[Câu nổi bật nhất trong thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VI là: “Chúa Giêsu Kitô đã trở nên nghèo khó vì anh em” (x. 2Cr 8,9). Nó là nền tảng của việc chọn lựa vì người nghèo. Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến hàng triệu người rơi vào cảnh buộc phải di cư sang các nước láng giềng và khiến họ trở nên nghèo khổ. Trong các buổi nhóm họp của cộng đoàn tiên khởi, họ đã nhận được sự quyên góp và giúp đỡ dành cho trẻ mồ côi, góa phụ, và những người nghèo khổ vì bệnh tật hoặc vì bất kỳ lý do nào khác, những người bị cầm tù, những người ngoại kiều ở giữa chúng ta: nói tóm lại, cần phải chăm sóc cho bất cứ ai, Thánh Justinô đã viết như vậy (Primera Apologia, LXVII, 1-6). Cụ thể, tình liên đới chính là thế này: chia sẻ những gì nhỏ bé của chúng ta với những người không có gì, để không ai bị đau khổ. Khi ý thức cộng đoàn và hiệp thông như một cách sống càng phát triển, thì tình đoàn kết càng phát triển. Sự quảng đại đối với người nghèo tìm thấy động lực mạnh mẽ nhất trong sự lựa chọn của Con Thiên Chúa, Đấng muốn làm cho mình trở nên nghèo khó]. (xem THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CỦA NGƯỜI NGHÈO LẦN VI).

Vì vậy, với tinh thần này và theo gương của Thánh Arnold, mong Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VI trở thành một cơ hội của ân sủng, để nhận định lại phong cách sống, cá nhân và cộng đoàn của chúng ta, và tự hỏi xem liệu sự nghèo khó của Chúa Giêsu Kitô là người bạn đồng hành trung thành của chúng ta trong đời sống thánh hiến hay không.

Nguồn bài viếtvivatdeus.org


Khủng hoảng lương thực toàn cầu, nguồn video: https://www.compassion.com/world-days/world-poverty-day.htm

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 33 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 33 TN)