Tin Mừng: Lc 19,45-48
Khi ấy, Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người. —– o0o –—- |
Suy niệm:
NHÀ CẦU NGUYỆN (Tu sĩ G. B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
Việc đầu tiên Chúa Giêsu làm khi đến Giêrusalem là vào đền thờ và đuổi những kẻ đang buôn bán ra khỏi đó. Người muốn bảo vệ sự thánh thiêng của đền thờ vì đối với Người đền thờ là nhà cầu nguyện.
Trước hết, đền thờ là nơi thánh. Thiên Chúa là Đấng Thánh và nơi thờ phượng Người phải là nơi thánh. Dù đền thờ có một khu vực dành riêng cho việc buôn bán các vật dụng dùng cho việc tế lễ và có cả chỗ đổi tiền cho những ai có nhu cầu đổi sang loại tiền dùng riêng trong đền thờ, nhưng đối với Chúa Giêsu, đền thờ phải là nơi thánh thiêng, dành ưu tiên trước hết và trên hết cho việc phụng thờ Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu dứt khoát đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi khu vực đền thờ để trả lại sự thiêng thánh cho nơi thờ phượng Thiên Chúa chí thánh. Hơn nữa, đền thờ là nhà của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, khi vua Đavít được yên cửa yên nhà, liền ngỏ lời với ngôn sứ Nathan về ý định xây cho Thiên Chúa một ngôi nhà (x. 2 Sm 7,1-2). Ý định tốt đẹp này của vua Đavít sau đó được vua Salômon thực hiện (x. 1 V 8,13). Thiên Chúa không cần một ngôi nhà vật chất, nhưng khi xây dựng đền thờ, con người dành một chỗ trang trọng, thánh thiêng để Thiên Chúa ở với dân Người; xây dựng tâm hồn để Thiên Chúa ngự trong lòng mỗi người.
Sau cùng, đền thờ là nhà cầu nguyện. Chúa Giêsu dẫn lời ngôn sứ Isaia để khẳng định rằng: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56,7). Đối với Chúa Giêsu, đền thờ không chỉ là nhà của Chúa Cha mà còn là nơi cầu nguyện cho tất cả mọi người. Vì thế, ai cũng có thể đến đền thờ, nhà thờ mang theo biết bao tâm tình cầu nguyện: Tạ ơn, cầu xin, chúc tụng …; tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa thông qua cầu nguyện chắc hẳn sẽ tìm được sự ủi an, nâng đỡ và phúc lành của Người.
Lạy Chúa là Cha, xin giúp chúng con biết trở về nhà, về với mái ấm của tình gia đình, trong vòng tay yêu thương của Cha, để cười nói, vui vẻ, sống bình an và hạnh phúc dưới sự che chở của tình thương vô bờ bến của Cha. Amen.
ĐỀN THỜ TÂM HỒN (Tu sĩ G. B. Cao Xuân Tiến, SVD)
Ngày nay có những đền thờ được xây dựng cốt để làm thỏa mãn nhu cầu tâm linh hay gọi khác là “du lịch tâm linh”. Tuy nhiên, một khi đánh mất đền thờ đích thực ngay ở sâu thẳm của lòng mình, con người không thể tìm thấy nơi đâu ý nghĩa và mục đích đời mình. Điều mà Kinh Thánh nói người ta đã biến nơi thờ phượng thành sào huyệt của bọn cướp (x. Lc 19, 46).
Quả thật, thế tục hóa khiến cho đời sống tâm linh con người nhạt dần, nội tâm càng ngày trống vắng. Đền thờ lòng người theo đó cũng bị biến chất, tha hóa. Cho nên, thay vì Thiên Chúa, người ta lại tìm cách lấp đầy khoảng trống mênh mông của lòng mình bằng những phương tiện giải trí, thỏa mãn dục vọng, quyền lực, danh vọng trần thế. “Họ đã để lòng mình ra hư đốn mà buông theo dục vọng của mình mà làm những điều ô uế, khiến thân thể ra hư hèn” (Rm 1,24). Tuy nhiên, con người là hữu thể khát vọng vô biên. Ngoài Thiên Chúa ra thì không gì có thể khỏa lấp hay làm cho con người được no thỏa.
Thật thế, tâm hồn mỗi người là đền thờ của Thiên Chúa (x. 1Cr 3,16). Nơi đó phải được gìn giữ xứng với sự thánh thiện của Chúa. Nó phải tách biệt khỏi những gì là bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác, ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm, nói hành nói xấu, vu oan giáng họa… (x. Rm 1,28-30). Chỉ có những ai dành chỗ cho Thiên Chúa mới tìm được bình an, hạnh phúc đích thực. Ước gì mỗi người luôn ý thức gìn giữ cung thánh lòng mình thánh thiêng để dành cho Thiên Chúa.
Lạy Chúa, ước gì trong mỗi phút giây cuộc đời, chúng con luôn ý thức Chúa hiện diện và tác động trong chính sâu thẳm cõi lòng mình hầu giúp chúng con biết sống thánh thiện hơn, làm cho tâm hồn mình trở nên xứng đáng là đền thờ của Chúa ngự. Amen.
ĐỀN THỜ (Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD)
Khi nói đến đền thờ, có lẽ chúng ta thường nghĩ ngay đến các nhà thờ được xây dựng bởi các kiểu kiến trúc cổ điển hay hiện đại. Thế nhưng, ít ai trong chúng ta nghĩ về chính mỗi người chúng ta là “đền thờ của Thiên Chúa” (x. 2Cr 6, 16).
Nói về thân xác chúng ta, thánh Phaolô khẳng định: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1Cr 6,19). Còn thánh Inhaxiô thì nói thêm “có nhiều người không nghĩ về việc Thiên Chúa sẽ dùng đến mình nếu mình sẵn sàng để cho Người sử dụng.” Và chính Chúa Giêsu cũng đã mặc khải cho chúng ta biết chính Người là Đền Thờ, khi người nói: “Các ông cứ phá Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 3, 19).
Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu vào Đền Thờ và đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, đồng thời Người khẳng định Đền Thờ là nơi cầu nguyện, giảng dạy Lời Chúa, chứ không phải là nơi để cho những thứ như lừa lọc, kiếm chác, bất chính của sự buôn bán ngự trị. Lời Chúa hôm nay như là một sự nhắc nhớ mỗi người chúng ta hãy luôn ý thức về giá trị của Đền Thờ, cũng như đền thờ tâm hồn của mỗi người. Hãy loại bỏ những suy tính như: hơn thua, lừa gạt, tranh chấp… ra khỏi tâm hồn của mình. Đồng thời biết tôn trọng người khác, tôn trọng nhân phẩm và thân xác của người khác, bởi vì tâm hồn và thân xác của họ là đền thờ Thiên Chúa ngự trị.
Ước gì, mỗi người chúng ta cũng luôn biết chăm sóc cho đền thờ tâm hồn mình mỗi ngày một đẹp hơn, bằng việc năng đến với Chúa qua Bí Tích Hoà Giải, cũng như năng rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào tâm hồn chúng ta mỗi ngày qua Bí Tích Thánh Thể. Amen.