TỈNH DÒNG NGÔI LỜI – GIUSE VIỆT NAM, TỪ NƠI ẤY TÔI TRỞ THÀNH NHÀ TRUYỀN GIÁO

0
32

Lm. Giuse Hồ Anh Tuấn, SVD (Truyền giáo tại Đức)

Em hãy nhớ nếu muốn là một nhà truyền giáo đích thực thì phải học cách đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận nhau như chính họ là. Khác biệt giúp cho thế giới này trở nên muôn màu, phản ánh chiều kích Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống hàng ngày. Khác biệt giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chính bản thân mỗi người từ đó trưởng thành hơn trong đức ái”. Những lời này có lẽ tôi sẽ không thể nào quên được từ một đàn anh đi trước trong Hội Dòng, người đàn anh mà lớp nhà Tập 2006 – 2007 ngày nào hay gọi với danh xưng thật gần gũi “Anh Hai”. Người đàn anh này đã hướng dẫn tôi trong những ngày tháng tập sinh, và luôn cho tôi những lời khuyên rất hữu ích sau này trong đời sống như là một nhà truyền giáo tại Châu Âu, cụ thể là tại Đức Quốc.

Gia đình chính là nơi định hình sự phát triển của trẻ từ thói quen ăn uống, từ nhân cách sống cho đến sự phát triển cân bằng sau này. Do vậy những năm tháng đầu đời của đời sống gia đình như một nền móng vững chắc mang đến sự phát triển trong tương lai. Với đời tu cũng không có khác biệt gì mấy khi được so sánh với đời sống gia đình. Một tu sĩ hình thành nên thói quen tốt, nhân đức và tính cách phụ thuộc rất nhiều vào những năm tháng đầu đời trong đời sống Gia đình – Hội Dòng. Chính các môn đệ của Chúa Giêsu cũng được hình thành tính cách người Tông Đồ của Chúa trong giai đoạn đầu trong cuộc sống với Thầy Giêsu.

Chính vì thế, những năm tháng được sống dưới mái nhà Ngôi Lời – Giuse Việt Nam đã mang đến cho chính bản thân tôi những giá trị cốt lõi trong đời sống truyền giáo hiện nay.

Chiều kích tâm linh

Trong một xã hội với khuynh hướng thế tục hóa, đi ngược lại với những gì Giáo Hội dạy như tại nước Đức, thì chính những giờ kinh nguyện, nguyện ngắm, giờ chầu Thánh Thể, hay các giờ giấc cụ thể trong ngày được giữ một cách chỉn chu mà tôi học được ở các cộng đoàn nơi tôi từng sống tại Việt Nam rõ ràng là một nền tảng vững chắc cho tôi trong sứ vụ hiện tại.

Có nhiều người vẫn nhấn mạnh về chiều kích tự do, thậm chí tự do có hơi thái quá và nặng màu sắc cá nhân, tuy nhiên đối với tôi, tự do đồng nghĩa với việc phải có trách nhiệm với chính mình trong sự liên đới với môi trường chung quanh. Chính những giờ giấc nghiêm ngặt đã giúp tôi thăng tiến về mặt tu đức. Thiết nghĩ nếu nhân đức được hình thành từ những thói quen tốt, mà để hình thành được những thói quen tốt thì không thể nào sống buông thả được, do vậy con người cần phải sống kỷ luật với chính bản thân. Cụ thể ở đây là trong một tập thể – một tổ chức có đời sống tâm linh trong tương quan với Thiên Chúa.

Chiều kích đối thoại

Cách thức đối thoại cũng như tinh thần đối thoại nơi các cộng đoàn tôi từng ở tại tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam cũng tạo nên cho tôi sự tự tin và giúp ích rất nhiều cho chính bản thân tôi trong sứ vụ truyền giáo tại Đức hiện tại, nơi mà sự đối thoại trong Tỉnh Dòng luôn được đề cao và tôn trọng.

Tôi vẫn nhớ cái cách mà cha Đạt hay thầy Du ngày tôi còn là đệ tử ở Bà Quẹo, tập cho chúng tôi nói lên suy nghĩ của chính mình. Việc khuyến khích tôi thoát ra khỏi vỏ ốc của mình, dám đối thoại với sự tự tin chân thành giúp nhau thăng tiến của cha Ưng và cha Thức khiến tôi không thể nào quên được. Hay là những lần nói chuyện cởi mở của cha Châu và cha Hiếu trong những tháng ngày của Tập Viện khiến tôi không còn cảm giác bề trên hay bề dưới trong cộng đoàn chi cả.

Cuộc đối thoại mà tôi học được nhiều bài học quý báu nhất đó là sự đối thoại cùng Hội Đồng Miền Dòng với đại diện là cha Giuse Huynh – Phó bề trên Miền Dòng lúc đó về vấn đề xin cho anh em học viện tại Đà Lạt được thi vào Học Viện Liên Dòng và Học Viện Phanxicô bên cạnh Học Viện Đa Minh. Với sự lắng nghe chân thành những trăn trở của anh em học Triết ở Đà Lạt, cùng những phân tích cái được và mất mà qua nhiều lần đối thoại khác nhau, nguyện vọng của chúng tôi đã được chấp nhận. Khi nhìn lại những giờ đối thoại căng thẳng vừa sợ vừa lo ngày đó khiến tôi phải thầm biết ơn vì những gì tôi đã nhận được từ các bậc cha anh.

Chiều kích gia đình

Có thể những trải nghiệm của tôi không đại diện cho số đông, tuy nhiên những cộng đoàn mà tôi từng ở đều để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Có những kỷ niệm có thể không đẹp trong mắt người khác nhưng tôi lại thấy đẹp vô cùng: những lần tranh cãi gay gắt đến khó có thể làm hòa, những hiểu lầm tưởng chừng không thể hàn gắn, vậy mà chúng tôi đã vượt qua những khó khăn ấy và gắn bó với nhau như một gia đình thực sự.

Cộng đoàn Đệ Tử Bà Quẹo thân thương ngày nào không biết anh em còn nhớ có lần chỉ vì mấy trái trứng luộc buổi sáng mà anh em chúng ta có một trận xích mích long trời lở đất đến nỗi thầy Đạt (giờ là cha Đạt) không biết phân xử thế nào. Nhưng tối hôm ấy anh em lại ngồi trên cái sân thượng nhỏ bé của cộng đoàn để xin lỗi nhau, để chia sẻ cho nhau nghe về những suy nghĩ và dự định cho tương lại. Cuối cùng lại cùng nhau ngắm sao trời và thưởng thức làn gió nhẹ về đêm. Cách đây 20 năm ngày ấy còn thấy được nhiều ánh sao trời trước khi những ánh đèn phố thị che khuất những vì sao mang ước theo rất nhiều ước mơ của anh em chúng ta.

Không biết anh em cùng lớp còn nhớ về khoảng thời gian cùng nhau ở Nhà Thỉnh, được học làm ca trưởng với cô Khánh, được hát những bài hát do cha Ưng sáng tác, được luyện những bài viết văn để thi học viện cũng như những giờ học tiếng Anh dường như dài bất tận. Và những đêm xin cha Ưng học thêm chút nữa để mong đậu được Học Viện Đa Minh, để mà được vào Nhà Tâp. Có những lúc chúng ta đứng bên Nhà Chính, nhìn các thầy ở Tập Viện mặc áo dòng với những giờ kinh nguyện mà cứ thầm mong chính chúng ta đang ở đó. Với áp lực học tập mà anh em đã phải thốt lên: “Từ Nhà Chính qua Nhà Tập chưa đầy 100m mà sao đi khó tới vậy”. Vậy mà sau đó chúng ta đều qua đến Nhà Tập với sĩ số tròn đầy 28. Khi anh em nhắc đến lớp Tập, chúng ta thường được nhắc là lớp đông nhất.

Rồi anh em Đà Lạt còn nhớ ngày đầu tập trung lên Đà Lạt trời mưa nhiều lắm, nhà cửa vẫn còn đang sửa dang dở, chắp vá. Trời thì lạnh, mưa liên tục và rét. Đêm về, anh em trải tấm nệm mỏng nằm sát nhau trong căn biệt thự Yết Kiêu thân yêu mà dân trong vùng gọi là “nhà ma”, chẳng ai ngủ được cho trọn giấc vì tiếng gió rít qua khe cửa, tiếng chuột chạy trên tầng mái, tiếng gió hú xuyên qua các ngọn đồi, khiến ai cũng không hiểu tại sao mình lại được lên đây. Ây vậy mà 3 năm vừa học vừa xây dựng cộng đoàn với những tranh cãi, những bất đồng, những hiểu lầm, tất cả đều cố gắng vượt qua. Có lẽ phải cảm ơn cha Nhiệm, cha Quốc, cha Hướng, cha Hiệp, những đàn anh đã cùng đồng hành với anh em Đà Lạt chúng tôi ngày ấy. Sẽ nhớ mãi những kỷ niệm của cộng đoàn Đà Lạt thân thương đầy tình anh em. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở – Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên).

Giờ đây khi ngồi viết lại những dòng này tại Goch – thành phố nơi sinh ra và lớn lên của thánh Arnold Janssen, Đấng Sáng Lập Dòng Ngôi Lời – khó có thể diễn đạt hết tất cả những gì muốn nói nhưng với một tấm lòng tri ân tôi xin được gửi đến tất cả thế hệ đàn anh đi trước của Tỉnh Dòng, cũng như những anh em cùng lớp đã dìu dắt và đồng hành cùng tôi trong những tháng đầu đời của đời sống tu trì. Nếu không có Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam thì có lẽ không có một tôi như ngày hôm nay. Dẫu còn đó biết bao khó khăn và thách thức nơi Tỉnh Dòng nhưng tôi tin với ơn Chúa, sự đồng lòng của anh em trong Tỉnh Dòng thì những khó khăn và thách thức mà Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam đang đối diện sẽ luôn được vượt qua cách tốt nhất và đứng vững như 25 năm qua Tỉnh Dòng đã và đang làm.

(Đức Quốc, tháng 06/2022)

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 33 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (21/11 – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, lễ nhớ)