TẬP VIỆN, KÝ ỨC VỀ NƠI ĐƯỢC SINH RA

0
328

“Phúc thay người ở trong thánh điện,
Họ luôn luôn được hát mừng Ngài” (Tv 84,5).

Có lẽ, đối với mỗi người tu sĩ khi nói về đời tu của mình, thời gian cho ta nhiều kỷ niệm đẹp nhất đó chính là thời gian sống dưới mái nhà Tập Viện. Với tôi, thời gian đó đã trôi qua được tròn 15 năm, nhưng những kỷ niệm về “365 Ngày Hồng Ân” vẫn còn in đậm trong ký ức, từ ngày bước chân vào Tập Viện cho đến lúc được khấn lần đầu trong Hội Dòng Ngôi Lời.

Tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc của những ngày chuẩn bị bước vào Nhà Tập, một cảm xúc lâng lâng đến khó tả! Tôi có cảm giác như mình đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa, hay chuẩn bị đón nhận một điều gì đó đặc biệt mà mình cần phải có sự chuẩn bị rất kỹ về tâm lý và tinh thần. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi kết quả của Hội Đồng Bề Trên về việc mình có được vào Nhà Tập hay không và khi niềm vui vỡ òa vì mình được lựa chọn thì lại lo đi may áo dòng.

Cảm giác ngày đầu khoác lên mình chiếc áo dòng đen nó mới lâng lâng làm sao! Ai nấy đều phấn khích mang ra thử và nhìn vào gương để tự ngắm mình. Rồi nhìn thấy mình khác đi nhiều so với trước; thấy đôi chút thánh thiện và cũng hơi … ngố ngố. Người này chạy qua phòng người kia khoe, rồi chụp hình, rồi bình luận về nhau rôm rả. Chiếc áo đen đã phủ lên thân thể của một thanh niên trai trẻ, bây giờ nó không còn là một người đời bình thường với áo thun – quần jeans, nhưng là một thầy tu. Cái vẻ “xúng xính” của chiếc áo dòng làm cho tôi có cảm giác ngượng ngùng, pha lẫn chút phân vân lo lắng. Ngượng ngùng vì lần đầu mình được mặc chiếc áo nhà tu; nó như khoác lên mình một sự thánh thiện mà chính bản thân mình còn chưa đủ xứng đáng để mặc nó; ngượng ngùng vì từ đây chiếc áo sẽ theo mình và nhắc nhở mình rằng: tôi là tu sĩ. Một chút phân vân lo lắng vì từ đây tôi phải tập sống đời sống mới, với vai trò và trách nhiệm mới của mình. Chiếc áo dòng nhắc nhở tôi rằng tôi là tu sĩ, tôi thuộc về Chúa, về Giáo Hội và Hội Dòng nên tôi phải sống sao cho đúng với vai trò tu sĩ của mình. Đó là một vinh dự và cũng là một trách nhiệm cao cả mà tôi phải chu toàn.

Ngày 17.07.2007 cách đây 15 năm, là ngày chúng tôi được gia nhập Tập Viện. Tập Viện ngày đó tọa lạc tại khu vực Nhà Chính Nha Trang, với căn nhà ba tầng rộng rãi và thoáng mát. Tuy không có hàng rào ngăn cách với các khu nhà khác nhưng ai nấy đều biết cái giới hạn và khuôn phép của một Tập Viện.

Nghi thức vào Tập Kỳ được diễn ra tại nhà nguyện của Tỉnh Dòng với sự tham dự của quý cha, quý thầy, cùng các em Thỉnh Sinh. Nội dung của nghi thức này, ngoài giờ kinh nguyện chung, là công bố việc bổ nhiệm cha Giám Tập, cha Phụ Tá, danh sách những anh em Tập Sinh, việc trao áo dòng và cuốn Hiến Pháp của Hội Dòng cho các anh em Tập Sinh. Nghi thức diễn ra gọn nhẹ nhưng đầy sốt mến và ấm cúng tình huynh đệ. Chúng tôi ai cũng ý thức rằng đây là giây phút quan trọng mà từ đây cuộc sống của mỗi Tập Sinh sẽ bước sang một trang mới, một cuộc sống mới hứa hẹn nhiều điều thú vị.

Ngày đầu bước vào Tập Viện, việc đầu tiên chúng tôi làm là đi nhận phòng riêng cho mình, sau đó đến gặp Cha Giám Tập để trình diện và giao nộp cho ngài tất cả tiền bạc, điện thoại và những thứ vật chất có giá trị khác (nếu có). Đây là điều mà có lẽ lần đầu tiên trong đời tôi làm và nó cũng làm tôi có chút hụt hẫng lúc ban đầu. Tôi sẽ phải trao cho ngài tất cả những thứ mà lâu nay tôi vẫn xem là cứu cánh, là quan trọng, là không thể thiếu. Tôi trao cho ngài hết nghĩa là tôi không còn gì trong tay để bám víu, để cậy dựa khi cần. Nhưng theo ý nghĩa đời thánh hiến, tôi sẽ từ bỏ tất cả những bám víu trần thế, của cải vật chất để thuộc trọn về Chúa. Từ đây, điều mà tôi bám víu không phải là tiền bạc hay những thú vui trần thế, mà là nơi Chúa, tôi gửi trọn niềm tín thác và niềm vui của đời tôi nơi Người.

Những ngày đầu diễn ra đối với tôi thật là vất vả và căng thẳng, tôi phải chạy đua với thời gian. Từ sáng sớm đến tối mịt là một chuỗi những lịch sinh hoạt dày đặc; các giờ kinh nguyện – Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, tu đức, lao động và thể thao cứ đan xen dày đặc. Tôi như người bị ngợp trong biển khơi và chỉ có cách bơi liên lỉ mới mong đạt đến bến bờ. Nhưng rồi thời gian dần trôi, tôi quen dần với nhịp sống nơi Tập Viện; các giờ kinh nguyện trở nên thân thuộc và sốt mến hơn; các giờ đi bơi và thể thao trở nên thú vui mỗi ngày và các sinh hoạt cộng đoàn với anh em trở nên giây phút gắn kết và sum họp.

Từ ngày vào Tập Viện tôi không còn bận tâm đến những chuyện bên ngoài, không suy nghĩ đến tiền bạc, chẳng lo phải mua gì, dùng gì và gặp ai, tôi chỉ sống với Chúa, với anh em trong cộng đoàn và với những công việc bổn phận hàng ngày. Giờ cầu nguyện, đặc biệt những giờ chầu Thánh Thể giúp tôi chìm đắm trong yên tĩnh và cầu nguyện. Tôi được mở lòng mình ra với thế giới, với người thân yêu, với gia đình và với những con người đau khổ bên ngoài xã hội qua lời cầu nguyện, qua việc nói chuyện với Chúa. Tôi tập trung lo các cộng việc cộng đoàn, lo đọc sách tu đức và Sách Thánh. Tôi biết tận hưởng những giây phút thinh lặng mỗi lúc đi dạo quanh khuôn viên Tập Viện, ngắm những bông hoa, nghe tiếng chim hót và nhìn những bầy cá lội tung tăng trong hồ nước.

Lớp tập sinh chúng tôi có 17 anh em đến từ mọi miền đất nước, mỗi người một tính cách, mỗi người một khả năng và sở trường riêng. Sự phong phú và đa dạng về con người đó đã tạo nên một lớp tập sinh mạnh mẽ về mọi phương diện. Khi cần hát lễ, chúng tôi có những người anh em đàn giỏi, hát hay. Khi cần người cắm hoa, trang trí nhà nguyện, chúng tôi có những anh em khéo tay không thua gì chuyên nghiệp. Khi cần e-kíp đầu bếp, chúng tôi cũng có những anh em nấu ăn rất ngon. Khi cần một đội bóng mạnh, chúng tôi cũng có những cầu thủ chơi banh rất giỏi. Và khi cần người cắt cỏ, dọn vệ sinh khuôn viên, chăm tưới cây, luôn có… tôi xung phong. Sự phong phú và đa dạng đó đã giúp chúng tôi trở nên một tập thể mạnh và luôn đoàn kết gắn bó với nhau.

Người ta thường nói ở đâu có hai ba người, ở đó có những khác biệt và dễ có những chia rẽ, nhưng tôi nhận thấy ở lớp tôi không có điều đó. Chúng tôi luôn có một tập thể thống nhất và luôn biết tôn trọng lẫn nhau. Tôi nghĩ chúng tôi có được điều đó là vì chúng tôi có một Tập Sư tuyệt vời, người luôn theo sát và đồng hành với chúng tôi. Ngài là người nghiêm nghị, quyết đoán, cương trực nhưng cũng là người có tinh thần huynh đệ chân thành, luôn hiểu từng anh em và luôn giúp chúng tôi xây đắp tinh huynh đệ. Người mà tôi muốn nhắc tới đó là cha Giaxintô Võ Thành Châu, một người “Anh Hai” mà tôi rất nể phục. Tôi nhớ có một lần chúng tôi chuẩn bị chương trình văn nghệ mừng ngày lên Tỉnh Dòng; chúng tôi dàn dựng một tiết mục văn nghệ trong đó có các vai nữ và chúng tôi dự định mời các sơ nhí đóng cùng. Khi chúng tôi trình bày hoạt cảnh cho ngài, ngài liền lắc đầu không chịu và nói, anh em chúng tôi phải tự diễn lấy. Mỗi người trong chúng tôi đều tỏ ra thất vọng nhưng đành vâng lời Tập Sư và thực hiện theo ý ngài. Không ngờ rằng, qua tiết mục đó chúng tôi mới thấy anh em chúng tôi có nhiều tài và đóng giả gái cũng giỏi. Ngoài “Anh Hai”, chúng tôi còn có “Anh Ba” (cha Phêrô Nguyễn Trọng Hiếu). Chúng tôi thường ví cha Giám Tập như người cha nghiêm nghị và quyết đoán, còn cha Phụ Tá như người mẹ hiền, luôn biết lắng nghe, vỗ về và khuyên nhủ. Chính vì vậy mà mỗi lần có điều gì khó nói với cha Giám Tập, chúng tôi lại chạy đến với cha Phụ Tá, vì ngài là người luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu mỗi anh em chúng tôi.

Tôi cảm nhận “365 Ngày Hồng Ân” quả thật là thời gian quý giá nhất mà tôi có trong đời tu. Đó là những giây phút đẹp đẽ và thánh thiện nhất; nó giúp tôi được cắm rễ sâu trong đời sống cầu nguyện, trong đức tin và đời tu. Đó là thời gian mà tôi cảm thấy mình được an bình và thư thái nhất; không phải bận tâm lo lắng nhiều thứ, không phải bon chen sự đời và tranh đua hơn thiệt. Đó cũng là nơi giúp tôi trưởng thành trong ơn gọi, trong đời sống chiêm niệm và cầu nguyện. Và đó cũng là cái đà giúp tôi tiến bước sau này trong đời sống và sứ vụ truyền giáo. Chính vì vậy, dù sống mãi tận chân trời xa xôi, tôi vẫn luôn nhớ đến nơi mình được sinh ra trong ơn gọi, luôn mang trong mình những kỷ niệm đẹp và sống với những gì mình đã được huấn luyện từ cái nôi Tập Viện này.

Sống và tận hưởng trọn vẹn “365 Ngày Hồng Ân” nơi Tập Viện là điều mà mỗi tu sĩ cần tận dụng và cảm nghiệm được, vì đó là nơi giúp ta khám phá ra ơn gọi thật sự của mình và phát triển ơn gọi đó trong suốt cuộc đời của người tu sĩ.

 

✍️ Lm. G.B. Trịnh Đình Tuấn, SVD (Truyền giáo tại Chile)

(Viết nhân dịp mừng Ngân Khánh Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam [1998-2023])

Bài trướcHÀNH TRIẾT (3): Nghệ thuật hành triết của Socrates
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 4 TN)