Trong vở kịch bất hủ “Romeo và Juliet” của William Shakespeare, nhân vật Juliet đã nói với Romeo rằng “Có gì ẩn chứa trong một tên gọi? Thứ mà chúng ta gọi là “hoa hồng”, dù gọi bằng cái tên nào khác đi chăng nữa thì nó cũng sẽ có mùi ngọt ngào như vậy” (What’s in a name? That which we call a rose, by any other name would smell as sweet). Thật vậy, mỗi tên gọi ẩn chứa thật nhiều điều.[1]
- Tại sao lại có một cái tên?
Câu hỏi trên nhằm giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa nền tảng của tên gọi, điều đã tồn tại từ lâu đời, song song với sự phát triển của loài người. Thiên Chúa đã trao ban cho con người đầu tiên một tên gọi “Ađam”, có nghĩa là “được tạo ra từ đất”. Tương tự như vậy, những con người kế tiếp cũng được trao ban những tên gọi ngay từ khi lịch sử được ghi nhận.
Nhưng tại sao lại là một tên gọi mà không gọi con người bằng một ký hiệu hoặc một mật mã? Một phần câu trả lời được tìm thấy trong chương đầu của sách Sáng Thế: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (1,27). Nếu chúng ta chỉ là một loài “bình thường” trong sự sáng tạo của Chúa, thì chúng ta sẽ có một tên tương tự như “sư tử”, “chim đại bàng” hoặc “cá ngừ”… Nhưng vì chúng ta là một thụ tạo đặc biệt so với những loài khác nên Thiên Chúa trao ban cho nhân loại một món quà đặc biệt hơn, đó là có một cái tên, một phần không thể thiếu nơi mỗi người. Mỗi người đều mang những nét độc và Thiên Chúa mặc khải tính cách cá nhân của tên gọi này trong sách ngôn sứ Isaia khi phán rằng: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!”. (Is 43,1) Những cái tên mà chúng ta đang có đều mang những ý nghĩa gắn liền với Thiên Chúa! Không chỉ vậy, trong sách Khải huyền, Thiên Chúa bảo con cái Ngài rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta “một tên mới; chẳng ai biết được tên ấy, ngoài kẻ lãnh nhận” (Kh 2,17).
Sự biến chuyển của tên gọi đã được định hình do bởi ảnh hưởng của tôn giáo lẫn văn hóa. Vào thời cổ đại, mọi người thường được đặt một tên (gọi là “tên riêng”). Tên này thường liên quan đến hoàn cảnh xung quanh việc đứa trẻ chào đời (“Môsê” nghĩa là “được kéo lên khỏi mặt nước”) hoặc một đặc điểm mà cha mẹ hy vọng đứa trẻ sẽ có (“Salômê” nghĩa là “hòa bình”). Ngoài ra, tên có thể được kết nối với một lời hứa hoặc một nguyện vọng (“Isaac” nghĩa là “tiếng cười”) hoặc có thể là một vật thể đơn giản (“Étte” nghĩa là “ngôi sao”).
Mỗi tên gọi đều có cả nghĩa biểu thị (bẩm sinh) và nghĩa hàm ý (ngụ ý). Tên gọi không chỉ là sự nêu bật tính cá nhân của chúng ta mà còn là lời nhắc nhở về nét độc đáo riêng biệt rằng chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Chúa một cách độc đáo. Tên gọi là những món quà tuyệt vời, chỉ đứng sau món quà của chính cuộc sống, là minh chứng lâu dài cho vẻ đẹp của nhân cách.[2]
- Những tên gọi trong Kinh Thánh
Trong Kinh Thánh, tên gọi luôn chứa đựng những ý nghĩa đặc biệt, đối với người Do thái, tên gọi luôn gắn liền với Thiên Chúa và sứ vụ mà Thiên Chúa sẽ trao ban trên từng cá nhân. Mỗi cái tên đều mang những ý nghĩa nhất định, đặc biệt, những cái tên đó luôn được đặt trong mối tương quan với Thiên Chúa và nhờ tương quan đó, người ta khám phá ra những sứ mệnh mà Thiên Chúa trao ban được diễn tả qua chính tên gọi. Một số tên gọi mang ý nghĩa biểu tượng mô tả tính cách, số phận hay mối tương quan của người được đặt tên với Thiên Chúa: Ađam, nghĩa là người được tạo ra từ đất (theo tiếng Híp-ri)[3]; Eva nghĩa là “mẹ của chúng sinh” (St 3,20).
Kinh Thánh còn cho thấy có những người được Thiên Chúa tuyển chọn và cắt đặt những sứ vụ quan trọng thì Thiên Chúa can thiệp vào ngay cả việc đặt tên của họ. Có thể kể đến việc Thiên Chúa đổi tên của ông Ápram thành Ápraham, nghĩa là cha của nhiều dân tộc (St 12,2). Cũng có những tên được thay đổi để thể hiện sự thay đổi sứ mệnh hoặc đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời: Simon được đổi thành Kêpha (tức là Phêrô), nghĩa là đá để thể hiện vai trò nền tảng của Giáo Hội (Ga 1,42); sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy Saolô được gọi là Phaolô sau khi trở lại và trở thành tông đồ dân ngoại (Cv 13,9). Câu chuyện hạ sinh của những Samuen, đặc biệt là của Gioan Tẩy Giả tiếp tục là những minh hoạ sống động: “Tên cháu là Gioan… Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: ‘Ðứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?’” (Lc 1,66). Việc đặt tên và sự biểu lộ sứ vụ đi kèm thể hiện cách trọn vẹn nơi việc truyền đặt tên cho chính Con Một Yêu Dấu mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại.
- Với Đức Giêsu, Thiên Chúa cũng có một cái tên
Nơi các dân tộc hay các nền văn hoá và cả trong các tôn giáo, Thiên Chúa được gọi bằng những tên khác nhau. Nhưng đó là việc đặt tên cho Thiên Chúa theo ngôn ngữ của họ, cho nên danh xưng Thiên Chúa không tuỳ thuộc vào bản tính của Ngài cho bằng tuỳ thuộc vào từng nền văn hoá. Thực tế, khi nhìn về các bản văn Kinh Thánh, ta nhận thấy rằng Thiên Chúa trong Cựu ước không có danh xưng. Có lẽ, danh xưng của Thiên Chúa được ghi lại rõ ràng nhất trong lần Môsê đặt vấn đề: “Bây giờ, con đến gặp con cái Israel và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì?” (Xh 3,13) và Thiên Chúa đã mặc khải cho ông: “Ta là Đấng Hiện Hữu…Đấng hiện hữu sai tôi đến với anh em” (c. 14). Môsê bối rối với mặc khải này nhưng mặc khải này cho thấy rõ Thiên Chúa thực sự hiện hữu dẫu con người chẳng thể gọi tên Ngài.
Thế nhưng, trong Tân ước, với Đức Giêsu, Thiên Chúa đã có một danh xưng cụ thể: “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1,21). Điều này thật phù hợp, bởi tên gọi “Giêsu” không phát xuất từ yếu tố văn hoá, tôn giáo của cá nhân hay nhóm dân tộc nhưng tên gọi này là do chính Thiên Chúa mặc khải và truyền đặt chứ không đến từ ý muốn của con người. Nhờ một tên gọi Giêsu như thế, Thiên Chúa nay trở nên gần gũi với con người, chứ không còn là một Thiên Chúa trên nơi cao xa vời vợi, không còn là một vị Thiên Chúa “không thể gọi tên” hay không ai dám gọi tên nữa. Một vị Thiên Chúa đã thực sự đi vào dòng lịch sử để đụng chạm đến kiếp nhân sinh, đó không phải là một vị Thiên Chúa “được gọi tên cách mơ hồ” hay đầy tính tưởng tượng nhưng là một vị Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài là Con Đấng Tối Cao và tên Ngài là Đức Giêsu. Bên cạnh đó, lời của sứ thần phán truyền cho ông Giuse không chỉ cho chúng ta biết danh xưng Đức Giêsu nhưng còn hé mở cho chúng ta sứ vụ của Người: “ông phải đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Tên gọi của Đức Giêsu cũng nói lên sứ mạng của Ngài, Ngài đến để cứu dân người. Chính các trình thuật Tin Mừng đã nêu bật điều này.
- Tên của chúng ta là sứ vụ của chúng ta
Dưới nhãn quan Kinh thánh, mỗi người ý thức rằng tên gọi của chúng ta cũng nằm trong ý định tình yêu của Thiên Chúa và nó cho biết điều gì đó về sứ vụ mà Thiên Chúa muốn tôi thực hiện. Hay nói cách khác, mỗi người có một cái tên và mang lấy một sứ vụ. Chính Con Thiên Chúa xuống thế làm người cũng có một cái tên và mang lấy một sứ vụ như vậy.
Đối với anh em SVD, Tuyên Ngôn của Tổng Tu Nghi lần thứ XIX khi bàn về Căn tính của chúng ta đã nhắc nhở rằng “Tên của chúng ta là sứ vụ của chúng ta”. Căn tính của chúng ta phát xuất từ “Ngôi Lời”.[4] Việc nhắc lại câu chuyện Đấng sáng lập xin châu phê thành lập Hội Dòng với tên gọi “Dòng Ngôi Lời” thật là một khởi điểm thú vị.
Thánh Arnold đã giải thích ý nghĩa của từ “Ngôi Lời” như sau: (1) Lời của Thiên Chúa Cha là Ngôi Hai Thiên Chúa; (2) Lời của Chúa Con chính là Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô; (3) Lời của Chúa Thánh Thần là nguồn Kinh thánh được lưu truyền trong Giáo hội. Chính vì hiểu “Ngôi Lời” như vậy, mà việc đặt tên dòng là Dòng Ngôi Lời mang một ý nghĩa rất quan trọng. Ngôi Lời là mục đích và là lẽ sống của Dòng: “Chúng ta hoạt động trước hết và nhất là ở những nơi mà tin mừng chưa hề được rao giảng, hoặc chưa được rao giảng cho đủ và ở những nơi mà giáo hội địa phương chưa tự lực sống vững được…” (Hiến pháp Dòng Ngôi Lời số 102).[5] Năm 1885, khi đệ trình hồ sơ và tài liệu lên để phê chuẩn, Toà thánh đã muốn sửa tên thành Dòng Yêu Mến Ngôi Lời. Đấng sáng lập không chấp nhận sự sửa đổi này, bởi sự khác biệt thần học đáng kể: tên gọi Dòng Yêu Mến Ngôi Lời nhấn mạnh rằng Ngôi Lời là mục đích của ơn gọi, trong khi đó, với tên gọi Dòng Ngôi Lời, chúng ta được mời gọi để chia sẻ chính cuộc sống và sứ vụ của Người. Như Đấng Sáng Lập đã quả quyết, tên gọi “Ngôi Lời” của Hội Dòng là cái “tên đẹp” có chủ đích trở thành một chương trình cuộc đời cho các thành viên. Cái tên này mời gọi và hướng các thành viên bước theo Ngôi Lời Nhập Thể vào một cộng đoàn rất gần gũi và mật thiết với Ngài. Sau cùng, ngày 19/12/1900, Đức Leo XIII đã châu phê thành lập Dòng với tên gọi Dòng Ngôi Lời.[6]
Tóm lại
Con người được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, đó là phẩm giá cao quý của con người. Thiên Chúa còn trao ban cho mỗi người một món quà khác là “tên gọi”. Thật vậy, mỗi cái tên đều mang những ý nghĩa nhất định, đặc biệt, những cái tên đó luôn được đặt trong mối tương quan với Thiên Chúa và nhờ tương quan đó, người ta khám phá ra những sứ mệnh mà Thiên Chúa trao ban được diễn tả qua chính tên gọi.
Chính Con Thiên Chúa xuống thế làm người cũng có một tên gọi cụ thể và sứ vụ của Người là Đấng Cứu Độ nhân loại. Điều mà được Thiên Chúa mặc khải qua lời sứ thần phán với ông Giuse. Đối với những thành viên của Dòng Ngôi Lời, chúng ta cũng có một danh xưng và cũng được lãnh nhận sứ vụ từ chính Thiên Chúa ngang qua tinh thần của cha thánh Arnold Janssen: “Tên của chúng ta là sứ vụ của chúng ta”. Mỗi người được mời gọi tái khám phá, trân trọng và sống món quà cao quý mà Thiên Chúa trao ban.
✍️ Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời
Chú thích
[1] Herbert Lockyer, All the Divine Names and Titles in the Bible (Grand Rapids, Michigan: Zondervan Publisher, 1988), tr.3.
[2] Dorothy Astoria, The Name Book Over 10,000 Names, Their Meanings, Origins, and Spiritual Significance (Grand Rapids, Michigan: Bethany House Publishers, 1997), tr.9-10.
[3] Sđd, tr.23.
[4] Dòng Ngôi Lời, Tài liệu Tổng Tu Nghị XIX Dòng Ngôi Lời 2024 (Generalate Roma, 2024), tr.30.
[5] Herman Fissher, SVD, Anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần, Dg: Lm Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD (Nxb Đồng Nai, 2023), tr.196-197.
[6] https://ngoiloivn.net/dong-ngoi-loi/thanh-sang-lap-arnold-janssen-va-linh-dao-dong-ngoi-loi-svd/