Giới thiệu: Đây là bài viết của một ngòi bút trẻ được viết theo phong cách suy tư và nghiên cứu Triết học (theo chuẩn bài nghiên cứu và trích dẫn). Tác giả (Tu sĩ Tôma Nguyễn Siêu Quốc) đã tham khảo ý kiến của những giáo sư triết khi viết bài này. Loạt bài nghiên cứu này sẽ được đăng làm 3 phần, đây là phần thứ ba. Truyền Thông Ngôi Lời Việt Nam xin mời quý vị yêu thích triết học “thưởng thức” bài viết này, và mong nhận được những góp ý cần thiết cho tác giả khi bắt đầu “hành triết”. Trân trọng! |
“Nếu không có thái độ khiêm tốn, người hành triết cũng chẳng đi được bao xa. Trong sự khiêm tốn, chúng ta tìm thấy vẻ đẹp của sự giản dị, khả năng đón nhận “cái giới hạn” để từ đó hiểu mình, biết mình, chấp nhận chính mình.
Khiêm tốn còn là nền tảng cho việc xây dựng mối quan hệ với người xung quanh, khi chúng ta không còn tự xem mình là trung tâm của thế giới, mà thay vào đó, hòa mình vào dòng chảy của nhân loại”. (Super Quoc)
“Hành triết được hiểu là ‘nghệ thuật sống’ mà qua đó ta trở thành một triết gia cho chính cuộc đời mình nhưng đôi khi cũng có lý do để tin rằng hành triết như là ‘nghệ thuật chết’, một nghệ thuật đối diện với cái chết và vượt qua cái chết.
Hãy nói cho tôi biết anh đối diện với nỗi sợ hư vô của mình như thế nào, tôi sẽ nói cho anh biết anh là một triết gia như thế nào. Một triết gia chân chính phải ‘sống-chết’ cho lẽ phải và chân lý”. (Super Quoc)
“Ai hành triết và sống triết, người đó sẽ tìm được niềm vui cao thượng trong đời sống khôn ngoan”. (Super Quoc)
CHƯƠNG III: NGHỆ THUẬT HÀNH TRIẾT CỦA SOCRATES
1. Socrates và triết lý của ông
1.1 Socrates là ai?
Socrates (470-399 TCN) là một triết gia Hy Lạp Cổ Đại, sinh sống tại Athens. Gia đình nghèo khó, cha là Sophronisque làm nghề gốm, mẹ là Phaenarete làm nghề hộ sinh. Sau này, người ta cũng cho rằng nghề thợ gốm và nghề hộ sinh của cha mẹ ông cũng góp phần định hình nên tính cách và quan điểm hành triết của ông: “gốm nhào nặn con người”, còn “hộ sinh tri thức” hướng con người đến chân lý([1]). Socrates sở hữu dáng người thấp, bụng to, một cái mũi hếch và đôi mắt trợn lên, đôi môi dày cùng sống mũi cong. Alcibiadas trong tác phẩm Symposium còn miêu tả ông qua những hình ảnh biếm hoạ như sau:
Vậy tôi nói rằng ông ấy giống hệt những mặt nạ của Silenus, mà chúng ta có thể gặp tại các tiệm bán tượng, trong miệng chúng có các ống điếu và ống sáo; các mặt nạ này được mở ở phía trước, để lộ ra các hình của các thần bên trong. Tôi cũng nói ông ấy giống thần rừng Marsyas. Ông Socrates, ông không phủ nhận chứ, mặt ông trông giống mặt thần rừng lắm…([2]).
Ngoài ra, hình ảnh của Socrates cũng được miêu tả trong nhiều tác phẩm khác của Aristophanes, Xenophon, Plato… Nói chung, vẻ ngoài của Socrates trái ngược với chuẩn mực về cái đẹp lúc bấy giờ nhưng ông lại nổi bật với trí thông minh, đức hạnh, khiếu hài hước và khả năng thu hút những người xung quanh.
Socrates cũng sống một cuộc sống bình thường, từng là một chiến binh dũng cảm([3]), từng làm các công việc của cha mẹ và làm nhà giáo. Tuy nhiên, ông nhận thấy mình là người có “sứ mệnh thần linh” để hướng dẫn người khác sống tốt hơn và xem đó mới chính là lý tưởng đáng cho ông dâng hiến trọn đời([4]). Do đó, ông không làm nghề gì khác nữa mà tập trung vào giảng dạy và ông không muốn kinh doanh tri thức như các nhà nguỵ biện nên ông giảng dạy không công và chấp nhận một cuộc sống nghèo khó. Tuy giảng dạy rất nhiều nhưng ông lại không viết bất kỳ một tác phẩm nào. Socrates kết hôn với bà Xanthippe lúc 50 tuổi và có ba người con trai: Lamprocles, Sophroniscus và Menexenus. Vợ của ông được miêu tả là bà vợ hung dữ, khó tính. Ông thường hài hước nói rằng: “Nên lấy vợ! Gặp vợ hiền, bạn được hạnh phúc; gặp vợ dữ, bạn thành… triết gia; đàng nào cũng có lợi!”([5]). Ông sống lối sống đạo đức, phê bình, lên án cái xấu nên bị giới cầm quyền ghét bỏ. Vào năm 399 TCN, ông bị tố cáo về các tội: dụ dỗ thanh niên, báng bổ thánh thần và cải cách tôn giáo. Cuối cùng, ông phải chịu hình phạt uống thuốc độc để làm chứng cho lối sống của mình.
1.2 Triết lý của Socrates
Socrates là người phê bình phái nguỵ biện và muốn dùng tri thức phục vụ cho những giá trị cao quý hơn. Ông là người đầu tiên kêu gọi giới học giả và lãnh đạo quan tâm đến con người và ý nghĩa cuộc đời. Ông xem con người là một tổng thể thống nhất có thể xác, lý trí, linh hồn. Đặc biệt, ông tin vào thần linh, sự bất tử của linh hồn và sự sống đời sau.
Dường như, Socrates chủ trương đồng nhất tri thức và đức hạnh. Con người muốn sống đạo đức phải có tri thức, cái ác sinh ra từ sự ngu dốt và con người làm điều ác vì thiếu hiểu biết. Ông cũng quan niệm rằng tri thức sinh ra đức hạnh và đức hạnh dẫn con người đến hạnh phúc. Do đó, ông mang trong mình sứ mệnh giáo hoá con người để con người sống tốt lành hạnh phúc hơn. Socrates cũng có đề cập đến vài người có ảnh hướng lớn đến triết lý của ông như: nhà hùng biện Prodicus, nhà khoa học Anaxagoras, Diotima (một phù thủy và nữ tu xứ Mantinea dạy ông tất cả những gì ông biết về tình yêu), Aspasia (tình nhân của Pericles, đã dạy ông nghệ thuật viết điếu văn) và người thầy Archelaus.
Hầu hết tất cả những gì chúng ta biết về Socrates đều thông qua các tác phẩm của ba tác giả: Aristophanes, Plato, và Xenophon. Họ là những nhân vật nổi tiếng, sống cùng thời với Socrates, trong đó Plato chính là học trò của Socrates. Ngày nay, người ta có đặt ra những câu hỏi khó lòng mà giải đáp rõ ràng. Liệu các tác giả thuật lại đúng những gì Socrates đã giảng dạy hay họ có diễn tả ý niệm của mình qua hình tượng Socrates? Đâu là ranh giới hay sự phân biệt giữa Socrates của thần thánh hoá, Socrates của lịch sử và Socrates của tôn giáo? ([6]). Nhiều người tin rằng trong quá trình viết lại, các tác giả có đôi chút ca ngợi, tán dương Socrates hơn, nhưng phần lớn những ghi nhận về ông là chân thật.
2. Socrates là chân dung mẫu mực cho người hành triết
Tại sao nói Socrates là chân dung mẫu mực cho hành trình tìm kiếm sự khôn ngoan? Liệu rằng không ai khác hành triết mẫu mực hơn ông hay sao? Người viết không có ý muốn nói đến “chân dung mẫu mực” theo nghĩa đó, bởi lẽ, Socrates chỉ là một mẫu mực trong số nhiều mẫu mực khác nữa. Có thể xem Socrates là một minh chứng tiêu biểu nhất cho hành trình tìm kiếm sự khôn ngoan mà ta dễ dàng học hỏi và áp dụng nhất. Tấm gương của nhân vật “gạo cội” này còn cực kỳ phù hợp cho những ai đang tập tễnh, bước những bước đầu tiên cho việc hành triết. Thật vậy, Socrates mẫu mực vì nhận thức được chính mình, có thái độ “khiêm tốn triết học”, có đức hạnh vượt trội, dám dấn thân sống chết cho triết lý của mình và tiến gần đến sự khôn ngoan hơn người khác.
2.1 Thái độ khiêm tốn triết học
Khiêm tốn như làn gió nhẹ thoảng qua đồng cỏ, là một tài sản quý giá trong tâm hồn con người. Khiêm tốn là một đức tính cao đẹp mà không phải ai cũng có được, nó không chỉ đòi hỏi con người phải vượt qua “cái tôi ngạo mạn” và định kiến “ếch ngồi đáy giếng” mà còn nhiều thứ khác nữa. Với thái độ khiêm tốn, ta không còn bị chi phối bởi tính tự ái vô độ, thói ngạo mạn ích kỷ, mà thay vào đó, ta trở nên nhạy bén hơn với nhu cầu và ý kiến của người khác. Nó không phải là sự tự hạ thấp mình, mà là một tinh thần sẵn lòng nhìn nhận giới hạn của chính mình trong bức tranh toàn cảnh của vũ trụ. Trong sự khiêm tốn, chúng ta tìm thấy vẻ đẹp của sự giản dị, khả năng đón nhận “cái giới hạn” để từ đó hiểu mình, biết mình, chấp nhận chính mình. Khiêm tốn còn là nền tảng cho việc xây dựng mối quan hệ với người xung quanh, khi chúng ta không còn tự xem mình là trung tâm của thế giới, mà thay vào đó, hòa mình vào dòng chảy của nhân loại. Trong sinh hoạt triết học cũng vậy, khiêm tốn cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, có thể nói nếu không có thái độ khiêm tốn, người hành triết cũng chẳng đi được bao xa. Chính thái độ cho rằng mình đã hơn người, đã đủ khôn ngoan vô hình trung làm họ tự đóng khung mình trong những định kiến hạn hẹp. Chỉ những người khiêm tốn mới dám mở ra, dám nghi ngờ, dám duyệt lại cái biết của mình, mà từ đó có thể tiến gần hơn đến chân lý hơn.
Hãy biết mình
Đây là một câu châm ngôn khá nổi tiếng và gắn liền với Socrates nên nhiều người nghĩ rằng chính ông là tác giả của nó. Tuy nhiên, theo truyền thuyết Hy Lạp thì câu châm ngôn “Hãy biết mình” (“Gnothi seauton” trong tiếng Hy Lạp hay “Know thyself” trong tiếng Anh) được khắc trên một tấm bia tại đền Apollo của thành Delphi. Tác giả của câu châm ngôn này là Solon (638-558 TCN), quê ở Mytilene và là một trong bảy nhà thông thái của Hy Lạp Cổ Đại([7]). Ngay từ khi còn nhỏ, Socrates thường đến viếng đền Apollo và ấn tượng sâu sắc với câu châm ngôn này. Ông suy tư về nó và chính nó đã mở lối cho thái độ “khiêm tốn triết học” của ông. Ông thấy rằng mình biết nhiều điều nhưng điều quan trọng nhất là “biết mình” thì lại không. Biết mình là biết được tất cả những gì thuộc về mình, sự hiện hữu của mình và ý nghĩa của sự hiện hữu ấy. Biết mình là chấp nhận những thiết sót, khuyết điểm, giới hạn của mình. Biết mình còn là biết đi ra khỏi chính mình để nhìn thấy mình và đi vào trong chính mình để khám phá mình. Trải qua hành trình dài như thế, Socrates biết rằng con người mình yếu đuối và giới hạn, chẳng là gì so với thần linh. Cái biết của con người càng quá bé nhỏ so với cái biết của thần linh. Thế nên, càng ý thức về chính mình, càng biết mình, càng hành triết thì ông càng khiêm tốn hơn.
Nhìn lại cuộc đời của Socrates, ông không phải là một người sinh ra đã khiêm tốn mà phải trải qua rất nhiều đau khổ mới học được khiêm tốn. Thế nhưng, đó cũng chỉ là sự “khiêm tốn của cái biết” bình thường mà thôi thôi, còn sự “khiêm tốn triết học” không chỉ dừng lại ở đó. Mãi cho đến khi ông thực sự vỡ oà khi biết rằng mình không biết gì cả. Bao nhiêu năm hành triết, bao nhiêu nỗ lực, cố gắng, tất cả những gì ông biết, tất cả những kiến thức ông có, tất cả những kinh nghiệm học được đều chẳng có giá trị gì so với “sự khôn ngoan”. Nói cho cùng, ông cũng chẳng biết gì về khôn ngoan, chẳng thể giải thích được và chẳng làm sao đạt được. Cái mà ông biết chẳng ăn nhằm gì so với cái mà ông chưa biết.
Tôi biết một điều là tôi không biết gì cả([8])
Câu châm ngôn này có thể xem như là minh chứng điển hình nhất cho thái độ “khiêm tốn triết học” của Socrates. Thật vậy, trong tác phẩm Apology, khi cử toạ yêu cầu giải thích tại sao ông thừa hưởng cái danh là “người khôn ngoan”, Socrates đã nói rằng:
Xin quý vị lắng nghe. Có thể một vài vị trong cử toạ tưởng rằng tôi nói đùa; nhưng hãy yên trí rằng tôi chỉ nói lên sự thực. Tiếng tăm của tôi không đến từ điều gì khác hơn là một kiến thức vốn có. Kiến thức về cái gì vậy? Có lẽ nó chỉ là một sự hiểu biết liên quan đến con người. Thứ kiến thức ấy, có thể đúng là tôi có, bởi vì ai cũng có thể có khả năng đạt đến, và chỉ ở mức độ phổ quát đó thôi mà tôi dám tin mình là người hiểu biết. Ngược lại, các vị mà tôi vừa kể tên ban nãy lại có một loạt tri thức khác, ở một cấp bậc cao hơn là kiến thức chung này. Tôi không thể nói gì hơn về loại tri thức cao siêu đó, bởi vì thật tình tôi không biết; ai nói khác là nói láo và vu khống([9]).
Cụ thể hơn, Socrates đã phân biệt hai loại tri thức, đó là tri thức thông thường và tri thức khôn ngoan ([10]). Với loại tri thức thông thường thì ai cũng có thể học và áp dụng được và dạy lại được, mức độ tuỳ vào mỗi người. Còn loại tri thức hướng đến sự khôn ngoan thì không đơn thuần chỉ là việc hiểu biết và áp dụng làm mà còn phải hiểu biết tường tận về nó. Đây cũng chính là hiểu biết tìm đến bản chất của vấn đề: hiểu điều đó là là gì, là như thế nào, tại sao cần phải biết điều đó, làm sao để định nghĩa được nó và nó có ý nghĩa gì. Qua những tác phẩm mà Plato đã thuật lại, Socrates đã cố gắng định nghĩa những khác niệm như: Nhân đức trong Meno, Dũng cảm trong Laches, Tiết độ trong Charmides, Công bằng trong Republic, Đẹp và Tốt trong Apology…([11]). Tuy nhiên, không ai có thể định nghĩa được một cách trọn vẹn, ngay cả Socrates cũng không thể đưa ra câu trả lời thích đáng cho chính câu hỏi của mình. Thật vậy, trong cuộc đối thoại với Meno, ông cũng đã thừa nhận rằng:
Nếu con cá đuối điện cũng bị tê điếng khi nó chích kẻ khác, thì tôi cũng giống nó, chứ không phải khác; bởi vì khi tôi làm người khác bối rối, đâu phải vì tôi biết câu trả lời, mà chính tôi bối rối hơn ai hết khi làm cho người khác bối rối([12]).
Nếu cứ truy vấn mãi thì ai cũng phải thừa nhận rằng con người không thể biết bất cứ điều gì một cách đầy đủ, mà chỉ có thể nắm bắt được một cách phiến diện và giới hạn. Mọi nỗ lực của con người cùng lắm cũng chỉ có thể tiếp cận đến chân lý chứ không bao giờ nắm bắt được chân lý. Từ đó, Socrates thừa nhận rằng mình cũng cùng chia sẻ sự dốt nát như những người khác, cái mà ông biết chắc nhất chính là “không biết gì”, theo nghĩa đó. Sự “khiêm tốn triết học” cũng từ đó mà có được.
2.2 Nhà khai sáng với sứ mệnh giáo hoá con người
Socrates đã mở ra một lối đi mới cho Triết học, cũng như đặt nền cho Triết Học Hiện Sinh và Triết Học Con Người. Đối với Socrates, con người mới chính là đối tượng quan trọng nhất mà Triết học phải nghiên cứu chứ không phải là thế giới tự nhiên, siêu hình học, tri thức luận, chính trị luận… Mọi ngành khoa học, mọi tri thức phải nhằm phục vụ con người và giúp con người kiến tạo một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Ông đã đánh dấu bước chuyển đó bằng việc kêu gọi mọi người hãy nhận thức chính mình và tìm lẽ sống cho đời mình.
Một cuộc đời không biết suy xét là một cuộc đời không đáng sống([13])
Trong tác phẩm Apology, Socrates đã diễn tả rõ sứ mệnh của mình như sau:
[X]in quý vị hiểu cho: đấy là lệnh của vị Thần ở đền Delphi, và tôi tin rằng không thể có lợi ích nào lớn hơn cho thành quốc ta bằng nhiệt tình thực hiện lời Thần của Socrates. Thật vậy, khi lang thang khắp đường phố, tôi không đeo đuổi mục đích nào khác hơn là thuyết phục quý vị, không phân biệt già trẻ, rằng hãy chăm lo sự hoàn thiện của tâm hồn trước khi lo nghĩ về thân xác với của cải, và trước hết mọi thứ khác. Tôi không ngừng nói với quý vị rằng của cải không phải là phẩm hạnh, mà ngược lại, phẩm hạnh là của cải, và chính từ phẩm hạnh mà xuất phát mọi lợi ích công hoặc tư khác([14]).
Quả thế, còn sứ mệnh nào cao quý hơn sứ mệnh giúp cho người khác sống một cuộc đời đáng sống? Thời đại nào con người cũng bị cuốn vào vòng xoáy của những ganh đua, tranh giành mà Socrates gọi đó là phù phiếm. Những ảo mộng về tiền tài, danh vọng, vật chất, quyền lực, tri thức… làm cho họ đánh mất giá trị đích thực của cuộc sống. Socrates xuất hiện như là một vị tiền hô có sứ mệnh cảnh tỉnh dân thành Athens về lối sống của họ. Vượt lên trên những gì là phù vân, tạm bợ, ông mời gọi mỗi người tìm đến giá trị chân thật của cuộc sống bằng một cuộc đời biết suy xét. Lẽ dĩ nhiên, lời mời gọi ấy không chỉ bằng lời nói mà còn thể hiện qua chính con người ông và lối sống của ông.
Socrates đã thi hành sứ mệnh của mình bằng cách giảng dạy và đối thoại. Ở bất cứ nơi nào có thể, gặp bất cứ ai, Socrates đều đặt ra những câu hỏi, đều kêu mọi mọi người phải tự ý thức đến bản thân. Ông ví dân thành Athens như một “con ngựa to lớn” nhưng ù lì, chậm chạp và bảo thủ, còn ông là một “con ruồi trâu”([15]) trên lưng ngựa, có trách nhiệm để thúc đẩy cho con ngựa năng động và linh hoạt hơn. Con ngựa chậm chạp Athens ấy cần phải được hút khỏi thân thể những tư tưởng bảo thủ, những định kiến thiên lệch làm suy đồi đạo đức và đánh mất giá trị đích thực của cuộc sống. Ông không ngừng thức tỉnh, quở trách, thuyết phục mỗi công dân sống tốt hơn và xem việc cải tạo con người không chỉ là vị lợi ích của cá nhân họ mà còn là giúp cải tạo và phát triển thành bang.
Phương pháp “sản ý”
Trong đối thoại, Socrates đã sử dụng phương pháp sản ý (maieutique) để giúp người khác ý thức về cuộc sống của mình. Phương pháp biện chứng có tên độc lạ như thế là do Socrates ví nó như công việc của một “bà đỡ”. Trong tác phẩm Theaetetus, Socrates đã nói như sau:
Bây giờ, tôi có điểm chung với các nữ hộ sinh: Tôi không sinh ra tri thức. Và nhiều người trách móc tôi về điều này, vì tôi đặt câu hỏi với người khác trong khi bản thân tôi chẳng tuyên bố gì về bất cứ điều gì, bởi vì tôi không có tri thức. Họ chê bai là đúng, nhưng lý do là thần linh bắt tôi làm bà đỡ và không cho tôi sinh nở. Do đó, bản thân tôi cũng không khôn ngoan chút nào và cũng không có phát minh nào sinh ra từ chính tâm hồn mình. Tuy nhiên, đối với những người kết giao với tôi thì lại khác. Một số người trong số họ lúc đầu cũng tỏ ra khá thờ ơ, nhưng khi mối quan hệ của chúng tôi tiến triển, tất cả những người mà thần linh cho phép, đều tiến triển đến một mức độ tuyệt vời. Đó là niềm tin của chính họ và của người khác, và rõ ràng là họ chưa bao giờ học được điều gì từ tôi; đúng hơn, họ đã khám phá ra từ chính mình nhiều điều đẹp đẽ và đã khai sinh ra nó. Tuy nhiên, cả tôi và thần đều phải chịu trách nhiệm hướng dẫn([16]).
Với phương pháp sản ý này, Socrates đóng vai trò như người hướng dẫn để giúp người khác tự tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Đây là một phương pháp đối thoại khó chứ không hề đơn giản, nó đòi hỏi người hướng dẫn vừa phải hiểu biết sâu rộng vừa phải có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời mới có thể dẫn dụ và lôi kéo được người khác.
Đầu tiên, Socrates không vội vàng áp đặt những hiểu biết, kinh nghiệm của mình cho người khác mà gợi lên những suy nghĩ, gây ý thức và thôi thúc người đối thoại phải tự giải quyết những vấn đề của mình. Mỗi ý tưởng, mỗi câu trả lời được gợi lên bằng nghệ thuật đối thoại này đều bị phủ nhận và phản biện cho đến khi người đối thoại tìm được chân lý. Đó chính là một quá trình truy vấn, đặt câu hỏi liên tục mà người hướng dẫn ít nhiều đã biết phần nào đáp án. Do đó, kiểu đối thoại này rất dễ gây ức chế và khó chịu cho người bị chất vấn. Nếu là một người bình thường, không có sự thông minh và bộ óc hài hước như Socrates có lẽ khó lòng mà đối thoại thành công. Mặc dù, Socrates giả vờ không biết nhưng ông không có thái độ “đánh đố” người khác hay có mục đích hạ bệ tri thức của người đối diện. Cicero đã diễn tả rằng Socrates thường đặt mình ngang hàng hoặc thấp hơn người đối thoại, rồi cùng nhau thảo luận để tìm câu trả lời với thái độ hài hước, châm biếm (ironia)([17]). Qua đó, ta thấy Socrates sử dụng nghệ thuật đối thoại này không chỉ bằng tài hùng biện, sự khôn ngoan, khiếu hài hước mà còn có cả sự khiêm tốn. Tuy vậy, không phải lúc nào ông cũng thành công và thu phục được cảm tình của người đối thoại. Bằng chứng là có nhiều người giận dữ, oán hận, cảm thấy nhục nhã vì mất sĩ diện, thậm chí có người còn đòi giết ông.
Trong thực tế, đây là một phương pháp giáo dục không mang tính hàn lâm mà rất thoải mái, tự nhiên và gần gũi. Phương pháp truy vấn này kích thích mạnh mẽ óc tò mò, khả năng tư duy và sự sáng tạo của người học. Nó cũng tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người học, làm cho họ phải hoang mang, nghi ngờ để từ đó họ xét duyệt lại cái biết của mình. Điểm độc đáo nhất của phương pháp này chính là để mỗi cá nhận tự trải nghiệm, từ tìm ra chân lý. Một khi tự trải nghiệm, tự khám phá được tri thức thì sau đó, họ có thể tự học thêm chứ không cần phải phụ thuộc quá nhiều vào người hướng dẫn nữa. Bằng cách đó, Socrates đã thành công giúp cho người khác “tự biết mình” và “biết suy xét cuộc sống của mình” mà sống một cuộc đời đáng sống hơn. Ngày nay, phương pháp của Socrates trở nên nổi tiếng và được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Một số áp dụng phổ biến như: truy vấn tận cùng, lý luận quy nạp, định nghĩa tổng quát, kiểm tra tiền đề…
Như vậy, khi nhìn vào cuộc đời của Socrates với lý tưởng sống và sứ mệnh đặc biệt của mình, ta không khỏi thán phục và ngưỡng mộ. Thiết nghĩ, trên đời này có mấy ai hành triết và dấn thân cho Triết học như Socrates, ông không chỉ đem Triết học vào cuộc sống mà còn mời gọi, hướng dẫn người khác bước vào đời sống triết học. Có thể nói, Socrates là một nhà khai sáng, một nhà giáo tài ba đã sống hết mình cho những gì cao quý. Quả thật, còn gì may mắn hơn khi gặp được một người như thế, người có thể dẫn dắt ta từ nền tảng này lên đến những nền tảng khác cao hơn.
2.3 Cái chết là một dấn thân triệt để cho chân lý và triết lý của mình
Với sứ mệnh triết học của mình, Socrates nghĩ rằng mình có thể mang lại cho mọi người một cuộc sống ý nghĩa và kiến tạo một quốc gia hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, cuộc đời không như là mơ, việc đi ngược lại số đông lúc nào cũng phải trả giá và cái giá cho sự đấu tranh chính là “đổ máu”. Trong hành trình kiếm tìm khôn ngoan, Socrates đã “gây thù chuốc oán” với không ít những người có thế giá trong xã hội lúc bấy giờ. Đặc biệt hơn nữa là những người có tầm ảnh hưởng lớn trong các vai trò chính trị và lãnh đạo thành bang. Nỗi nhục vì mất hết danh dự, mất hết sĩ diện của những cái tôi to đùng như thế, chắc chắn sẽ tìm cách báo thù. Hơn nữa, những tư tưởng giáo dục, những triết lý, những câu hỏi sâu sắc về đạo đức, tôn giáo, chính trị… của Socrates đều là những tư tưởng đổi mới mang tính cách mạng hoá nhận thức con người lúc bây giờ. Ông lôi kéo, thu phục được đông đảo dân chúng và hầu hết thanh thiếu niên đều xem ông là thầy của mình. Chính những điều đó cho thấy ông là một mối nguy hiểm tiềm tàng mà giới lãnh đạo cần phải loại trừ.
Những người khởi tố Socrates bao gồm: cầm đầu là Meletus, là một nhà thơ bi kịch, trẻ trung và chưa có tên tuổi, với mái tóc gầy ốm, và râu quai nón lưa thưa, và một cái mũi khoằm; Anytus, một chính trị gia dân chủ; và Lykon, một nhà tu từ học không ai biết đến([18]). Họ tố cáo Socrates làm hư hỏng thanh thiếu niên, truyền bá những tư tưởng đi ngược với truyền thống quốc gia, tôn thờ các thần linh ngoại bang. Phiên toà xét xử Socrates gồm 500 bồi thẩm đoàn bằng hình thức bỏ phiếu. Kết quả bỏ phiếu là 280 phiếu có tội và 220 phiếu vô tội. Bên tố cáo thắng và Meletus đề nghị hình phạt tử hình cho Socrates([19]). Sau khi nhận kết quả như thế, Socrates nói rằng:
Thưa quý công dân Athens, có nhiều lý do khiến tôi không đau buồn ở cuộc bỏ phiếu kết án tôi, phải nói rằng nó không quá bất ngờ so với kết cục tôi chờ đợi và tôi khá ngạc nhiên khi thấy số phiếu cũng gần ngang nhau. Chỉ thiếu 30 phiếu nữa thôi là tôi được tha bổng và thoát khỏi tay Meletus. Không những thế, nếu không có sự giúp đỡ của Anytus và Lycon thì ai cũng thấy rằng Meletus không thể có đủ 1/5 số phiếu theo luật đòi và ông ta phải nộp 1000 drachmae([20]).
Qua đó, ta thấy Socrates còn muốn nói đến sự việc lôi kéo, bè phái chính trị và mua chuộc các bồi thẩm đoàn của giới lãnh đạo. Người ta vẫn thường nghĩ vụ án cái chết của Socrates là một vụ án cá nhân liên quan đến tư tưởng đạo đức và triết lý của ông mà thôi nhưng thực ra, ẩn đằng sau đó còn có cả một vụ án chính trị, hay ít nhất về tư tưởng chính trị. Cuối cùng, toà án Athens đã kết án tử hình Socrates bằng hình thức uống thuốc độc.
Triết gia của lẽ phải và chân lý
Hành triết được hiểu là “nghệ thuật sống” mà qua đó ta trở thành một triết gia cho chính cuộc đời mình nhưng đôi khi cũng có lý do để tin rằng hành triết như là “nghệ thuật chết”, một nghệ thuật đối diện với cái chết và vượt qua cái chết. Hãy nói cho tôi biết anh đối diện với nỗi sợ hư vô của mình như thế nào, tôi sẽ nói cho anh biết anh là một triết gia như thế nào. Một triết gia chân chính phải “sống-chết” cho lẽ phải và chân lý. Socrates đã làm được điều đó.
Theo lẽ thường, người bị tố cáo sẽ phải chọn cho mình một luật sư để biện hộ nhưng Socrates chọn phương án tự biện hộ cho chính mình. Đầu tiên, Socrates bào chữa mình là người công chính, hết lòng phụng sự mọi người; ông giảng dạy không công và chấp nhận một cuộc sống nghèo là vì lợi ích cho người khác. Ông cũng không có lôi kéo dụ dỗ thanh thiếu niên mà họ tự đến với ông và ông dạy cho họ những điều tốt đẹp về lẽ sống và đạo đức. Trước mặt tất cả bồi thẩm đoàn, Socrates đã hỏi Meletus về việc nâng cao phẩm hạnh của thanh niên, nhưng Meletus không thể chỉ ra ai có khả năng làm điều đó. Meletus cho rằng luật pháp và những người trong bồi thầm đoàn mới có thể làm được điều đó. Sau những câu truy vấn, Meletus đồng ý rằng mọi người đều có khả năng làm cho thanh thiếu niên tốt lên. Socrates hỏi Meletus liệu theo ông, tất cả công dân Athens đều có ích cho lớp trẻ, trừ Socrates. Meletus xác nhận đúng như vậy. Socrates kết luận rằng Meletus không quan tâm đến việc nâng cao phẩm hạnh của thanh niên và chỉ đang sử dụng việc truy tố Socrates để thỏa mãn mục đích cá nhân([21]). Qua đó, ta thấy cáo buộc làm hư hỏng thanh thiếu niên của Meletus hoàn toàn vô lý và Socrates đã thắng khi đối chất với Meletus. Cũng vậy, Socrates cũng dễ dàng bác bỏ cáo buộc tôn thờ các thần ngoại bang. Ông cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến vụ tố cáo này là do thói ganh ghét, vu khống, và thế lực chính trị.
Bên cạnh đó, dù cho Crito hết lòng khuyên Socrates hãy xin bồi thẩm đoàn nghĩ đến vợ con ông và hoàn cảnh tuổi già của ông mà giảm án, nhưng ông đã từ chối.
Về con cái, tôi cũng có ba đứa, một đã lớn, hai đứa kia còn nhỏ; tuy nhiên, tôi sẽ không mang chúng ra đây để xin quý vị xá tội. Tại sao tôi lại làm vậy? Không phải vì ngoan cổ ngạo mạn, cũng không phải vì xem thường quý tòa; càng không phải là tôi gan dạ hay yếu đuổi trước cái chết. Thật ra, vì danh dự của tôi, của quý vị và của cả nền cộng hòa nữa, tôi thấy không nên dùng loại phương tiện đó, ở vào tuổi này và với tiếng tăm dù hư hay thực của tôi, bởi vì dù sao thì Socrates cũng còn hơn kẻ phàm phu đôi chút theo ý kiến của số đông([22]).
Cái chết cho triết lý và đức tin
Bức tranh khá nổi tiếng của Jacques-Louis David đã khắc hoạ lại tâm thế bình an và tinh thần cao thượng của Socrates khi đối mặt với cái chết([23]) như sau: Socrates ngồi trên giường, đang trăn trối những lời cuối cùng với người thân và các môn đệ. Ông vừa nói vừa chỉ tay lên trời như khẳng định sự trung thành với triết lý của mình, tay còn lại đang với lấy chén thuốc độc như dửng dưng trước cái chết. Hầu hết các mộn đệ đều than khóc thương tiếc, chỉ có Plato và Crito còn bình tĩnh, tự chủ được bản thân.
Trước đó, các bạn ông tìm hết cách để giúp ông trốn thoát, thậm chí là hối lộ cho các quan chức và binh lính cai ngục để đưa ông trốn ra ngoài. Tuy nhiên, ông chọn ở lại vì ông tin rằng sự trốn chạy chính là đồng nghĩa với việc chấp nhận tội lỗi, trong khi ông vô tội. Đó cũng là thái độ sợ hãi cái chết mà ông tin không triết gia nào làm như thế. Hơn nữa, việc ông trốn chạy là vi phạm luật lệ sẽ gây nên những tổn hại to lớn cho quốc gia và xã hội. Mà nếu ông có trốn chạy được thì ông cũng không thể sống như trước đây được nữa. Làm sao ông có thể dạy dỗ người khác những điều cao đẹp mà lại sống như thế. Ông không thể sống trong tâm thế bất an, không thể sống trái với lương tâm đạo đức và đi ngược lại niềm tin thần linh. Do đó, ông tuyên bố rằng: “Tôi vẫn thà chịu nguy nan đứng về phía pháp luật và công lý hơn là theo đuôi quý vị làm điều bất chính vì sợ gông cùm với tử thần”([24]). Thật vậy, không phải ông không yêu quý mạng sống của mình nhưng ông hiến dâng mạng sống của mình cho lý tưởng, chân lý và đức tin của mình.
Huyền nhiệm của kết thúc chính là sự khởi đầu
Khi diễn tả về những khoảnh khắc cuối cùng sau khi Socrates uống chén thuốc độc, Plato viết trong Phaedo rằng:
Socrates tự cảm thấy và nói rằng khi thuốc ngấm vào tim, ông sẽ ra đi. Người ông đã lạnh… và ông nói những lời cuối cùng. Ông nói, anh Crito, tôi còn nợ Asclepius một con gà; anh nhớ trả lại anh ấy giùm tôi… Đó là kết cục của người bạn chúng ta, một con người mà tôi nghĩ là tốt nhất, thông minh nhất và chính trực nhất giữa những con người của thời đại ông([25]).
Quả thật, Socrates là một con người có nhân cách lớn. Trước khi chết, ông không những tha thứ cho kẻ thù mà còn mời gọi mọi người hãy tiếp tục sứ mệnh của mình, hãy kiến tạo một cuộc đời đáng sống hơn.
Tôi không oán hận gì mấy kẻ đã buộc tội hay nhóm người đã kết án tôi, mặc dù ý đồ của họ là tìm cách hãm hại tôi chứ không phải mưu cầu điều lành, và như thế tôi hoàn toàn có lý do để trách móc họ. Tôi chỉ yêu cầu họ một điều. Khi các con tôi khôn lớn, nếu quý vị thấy chúng tìm kiếm của cải hay bất cứ thứ gì khác nhiều hơn là phẩm hạnh, hãy trừng phạt chúng bằng cách tra vấn chúng như tôi đã hành hạ quý vị, và nếu chúng vênh váo tưởng mình đã trở thành cái gì trong khi chúng chưa thực là gì cả, hãy làm chúng hổ thẹn vì sự vô tâm và ngạo mạn ấy, như tôi đã dằn vặt quý vị([26]).
Thiết tưởng, sứ mệnh của Socrates sẽ chấm dứt sau cái chết của ông và mọi thứ quay trở lại như chưa từng có gì xảy ra. Thế nhưng, chính cái chết đã tạo nên một bước ngoặt lớn, mở ra một kỷ nguyên của sự sống mới. Nhiều người đã tiếp tục sứ mệnh của ông và họ đã làm được. Jasper đã nói về điều đó như sau:
Cái chết của Socrates đã làm bùng nổ một trái bom lớn. Sau biến cố ấy, nhóm bạn bè của ông tự cảm thấy phải có sứ mệnh phải nói về ông, phải làm chứng nhân cho ông, phải triết lý theo tinh thần của ông. Từ đó đã khai nguyên một đường hướng triết lý mới, mang nhãn hiệu Socrates mà Plato là một đại diện lớn nhất. Tuy rằng không một công tác, không một lý thuyết, không một hệ thống nhưng Socrates đã khai trương một trào lưu triết lý hùng mạnh nhất, vẫn tồn tại cho tới ngày nay([27]).
Thật vậy, cái chết như một vị tử đạo dấn thân hết mình cho lẽ phải và chân lý đã đánh động con tim của biết bao lớp người. Thậm chí, không ít người còn so sánh và đặt Socrates ngang hàng với Đức Giêsu([28]).
2.4 Socrates là người khôn ngoan?
Qua những gì đã trình bày, chắc hẳn không ít người thắc mắc rằng Socrates dành cả đời để kiếm tìm khôn ngoan và được ca tụng là khôn ngoan nhưng rốt cuộc ông có đạt được sự khôn ngoan không? Nếu phải chứng minh thì có lẽ ta có nhiều lý do để tin rằng Socrates là người khôn ngoan. Trước hết, Socrates không chỉ là người yêu mến, khao khát kiếm tìm sự khôn ngoan mà còn nhận được lời sấm tiên tri cho rằng mình là người khôn ngoan. Socrates thuật lại rằng một trong các bạn hữu của ông là Chaerephon đã có lần hỏi vị thần ở thành Delphi xem thử có ai khôn ngoan hơn Socrates không và thần linh đã trả lời rằng không. Lẽ dĩ nhiên, Socrates rất vui sướng vì điều ấy, một mặt ông tin rằng lời sấm truyền là đúng bởi vì thần linh không thể nói dối, mặt khác ông lại hoang mang và hoài nghi về chính mình.
Socrates tự nhủ không biết ý lời sấm muốn nói gì, ông muốn kiểm tra tính xác thực của lời sấm. Nếu ông tìm được một người khôn ngoan hơn mình thì chứng tỏ lời sấm truyền này là sai. Socrates cất công đi khắp nơi, cố gắng hết sức tìm gặp đủ thứ hạng người từ các chính trị gia, triết gia, nhà thơ cho đến các thương gia, thợ thủ công… Hầu hết những ai được tiếng là khôn ngoan thì Socrates đều đã tìm gặp, ông ngạc nhiên nhận ra rằng tất cả những người này đều lầm tưởng rằng họ khôn ngoan, biết hết mọi sự nhưng kỳ thực họ lại ngu dốt, nông cạn. Họ chỉ biết chuyên môn và có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực của mình mà thôi, chứ những cái biết quan trọng như “biết mình” và “biết sống cuộc đời đáng sống” thì họ cũng không biết. Qua những khảo sát như vậy, Socrates càng được tiếng là khôn ngoan do ông đã chứng minh cho những người được xem là khôn ngoan biết rằng thật ra họ không biết gì. Tuy nhiên, Socrates khẳng định rằng việc chứng minh người khác không biết không đồng nghĩa với việc ông biết những câu trả lời và sở đắc sự khôn ngoan. Từ đó, ông kết luận rằng thần linh nói ông là người khôn ngoan nhất là vì ông nhận thức sâu sắc được sự ngu dốt của mình trong khi nhiều người khác thì không ([29]). Như vậy, theo nghĩa đó, có thể nói Socrates là người khôn ngoan vì ông biết mình và biết rằng mình không biết gì.
Bên cạnh đó, lúc sinh thời, Socrates đã được mọi người công nhận là bậc hiền triết, là hiền nhân rồi. Ông nổi tiếng trong dân vì sự khôn ngoan và đức hạnh của mình. Tác phẩm Symposium đã thuật lại như sau:
Khi Socrates vào dự tiệc, Agathon đang nằm một mình ở đầu bàn, liền mời Socrates đến nằm cạnh mình; ông nói, để tôi được chạm vào bậc hiền nhân và nhận được đôi chút khôn ngoan mà ông đã khám phá ra lúc ở trong hành lang. Vì tôi chắc rằng ông đã không bỏ đi nếu không tìm được cái ông muốn tìm([30]).
Khi đọc đến đoạn này chắc cũng không ít người thắc mắc tại sao dự tiệc mà lại nằm. Thực ra, nằm trong khi ăn được xem như là cách thể hiện của quyền lực và sự sang trọng của văn hoá Hy Lạp. Những người thuộc tầng lớp tri thức, thượng lưu thường nằm ăn, còn những người phục vụ thì luôn hầu hạ bên cạnh. Đây chính là khung cảnh bữa tiệc tại nhà của Agathon và khách mời cũng là những trí giả, những tầng lớp danh giá trong xã hội. Qua đó, ta thấy chính Agathon đã khẳng định Socrates là một người khôn ngoan, thông thái và đức hạnh.
Ngày nay, người ta coi Socrates là một một nhà hiền triết, một vị tử đạo và là một trong những triết gia đạo đức có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử. Nhiều trường đại học và thư viện lớn trên thế giới đã đặt theo tên của Socrates như một nguồn cảm hứng cho tinh thần hiếu học, thái độ dấn thân cho chân lý và gương mẫu của sự khôn ngoan([31]). Có lẽ, ta nên hiểu Socrates khôn ngoan theo nghĩa là ông đã tiến gần đến sự khôn ngoan hơn so với rất nhiều người, hơn là chiếm hữu và sở đắc được sự khôn ngoan. Chính Socrates cũng đã khẳng định rằng khôn ngoan thuộc về thần linh và con người chỉ có thể dự phần vào sự không ngoan ấy mà thôi. Ông chính là một tiêu biểu cho mẫu gương dự phần rất gần và chạm đến “sự khôn ngoan”.
SUY TƯ & PHẢN TỈNH
Xenophon đã nói về lần gặp gỡ đầu tiên của mình với Socrates như là một bước ngoặt đưa dẫn ông vào đời sống triết học như sau:
Lúc đó, Xenophone chỉ mới khoảng đôi mươi, Socrates hỏi: “Cần mua các nhu yếu phẩm cho cuộc sống hằng ngày thì đi đâu?” – “Ra chợ”, cậu trai đáp. “Còn muốn nên người phẩm hạnh thì đì đâu?” Xenophon ngẩn mặt không trả lời được, Socrates bảo: “Không biết à? Theo ta sẽ biết”. Từ đó, Xenophon xem Socrates là thầy, và là người đầu tiên ghi lại những lời lẽ và hành động của Socrate, sau tập hợp thành tác phẩm Những điều đáng ghi nhớ([32]).
Ông cũng nói thêm:
Đối với tôi, khi nghĩ đến sự hiểu biết và nhân cách cao quý của bậc vĩ nhân này, tôi không thể tránh nói về ông, và qua đó, ca ngợi ông. Và nếu trong số những người kỳ vọng đạt đến phẩm chất con người, ai đã từng lui tới với một người hữu ích cho mình hơn Socrates, tôi cho rằng người ấy là kẻ hạnh phúc nhất thế gian([33]).
Qua đó, ta thấy Socrates là người có tầm ảnh hưởng lớn, được người đời ca tụng rất nhiều và quả thật, ông xứng đáng với điều đó. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái chiều phê bình triết lý của ông. Nếu ai quan tâm về ông và triết lý của ông thì có lẽ cũng có nhiều vấn đề thắc mắc như thế. Trước hết, có quan điểm cho rằng “mạng sống ông già đổi lấy tiếng thơm muôn thuở”. Cái chết của Socrates hoàn toàn do ông muốn như thế vì ông có hàng ngàn lý do khác để sống. Hơn nữa, lúc ông bị cáo buộc thì cũng đã 70 tuổi, ở tầm tuổi này thì chết cũng có gì phải hối hận nữa. Do đó, thuyết âm mưu đưa ra rằng Socrates, Plato và những người liên quan đã lường trước được điều này và họ xem đó là cơ hội để có được tiếng thơm muôn thuở. Đối với tôi, quan điểm này dường như mang tính đả kích, chống phá hơn là một đóng góp khách quan. Người ta có thể nói rất hay khi chừng nào còn chưa phải đối mặt với cái chết.
Có hay không niềm tin triết học?
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng liệu Socrates có phải là một người theo chủ nghĩa duy ý chí, hay nói theo ngôn ngữ của thần học là một người theo chủ nghĩa duy tín hay không? Đây có lẽ là một vấn đề lớn mà qua đó, nó đặt nền cho toàn bộ quan điểm hành triết cũng như sứ mệnh cuộc đời ông. Quả thật, ông có niềm tin vào thần linh, linh hồn bất tử và cuộc sống đời sau. Cụ thể hơn, quan điểm này rất gần với Kitô giáo, cuộc sống trần thế này chỉ là cõi tạm để con người sống tốt lành, thánh thiện mà đạt được hạnh phúc mai sau. Cùng với đó, niềm tin đa thần của thần thoại Hy Lạp đã ảnh hưởng không ít lên lối suy tư và cách hành triết của Socrates. Có lẽ, ta cũng nên có một góc nhìn tích cực hơn vì thời đại của Socrates là thời kỳ ban sơ của tư tưởng và không được khoa học kỹ thuật như ngày nay hỗ trợ. Hơn nữa, Triết học ngày nay vẫn mãi loay hoay để tìm những câu trả lời rõ ràng về Thượng Đế, linh hồn bất tử, sự sống đời sau… Đôi khi, con người ta cũng phải chọn lựa một niềm tin để dấn thân hành triết vì thời gian của mỗi người là hữu hạn.
Một vấn đề khác cũng được rất nhiều người quan tâm, liệu có một giả định ngấm ngầm cho rằng mẫu mực cho việc hành triết là dám tử đạo cho triết lý của mình chăng? Thế giới có vô số người như thế, kể cả những kẻ cuồng tín tôn giáo sẵn sàng “ôm bom liều chết” với lý tưởng cứu rỗi và giải thoát nhân loại. Một số người theo đuổi lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa phát xít, chế độ bạo chúa… Đặc biệt, Hitler theo đuổi tư tưởng “đấu tranh sinh tồn, lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Vậy họ có được xem là những người đã dấn thân hết mình cho Triết học? Nếu không thì đâu là tiêu chuẩn để phân biệt? Quả thật, đây là một hỏi khó nhưng lại không khó vì dường như ai cũng biết những điều trên là điều xấu, trái với đạo đức và luân thường đạo lý. Đầu tiên, Triết học đặt mọi vấn đề dưới góc nhìn của sự hữu lý và hướng đến chân lý, trong khi những lý tưởng đó lại rất phi lý. Xét theo một khía cạnh nào đó, những con người ấy có sự dấn thân và nhiệt huyết hết mình cho lý tưởng. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu nằm ở chỗ sai lầm lớn trong lý thuyết. Những lý thuyết này không đúng đắn, trái ngược chân lý cũng như không hướng tới sự khôn ngoan. Có lẽ, ta nên kiểm tra một lý thuyết là tốt hay xấu trước khi đưa vào thực hành, bởi lẽ, những triết lý sai lạc, cuồng tín thường dẫn đến những kết thúc không tốt đẹp. Bên cạnh đó, vấn đề cuồng tin, mê tín hay chủ nghĩa cai trị còn là sự áp đặt của một “ý thức hệ” phi luân lý, đôi khi nhằm phục vụ cho lợi ích của một số người nào đó. Như thế, một lý tưởng cao đẹp phải hướng tới Chân Thiện Mỹ và nhằm kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Qua hai vấn đề trên, ta thấy dường như có niềm tin triết học trong quan điểm hành triết của mỗi người. Triết gia Karl Jaspers còn cho rằng niềm tin triết học không phải là một tri thức, nhưng là một vô thức, vì quá siêu việt nên không thể đối tượng hoá và không thể dùng lời lẽ để diễn đạt được. Chỉ khi nào con người đã chứng nghiệm sự bất lực của tri thức luận lý, thì khi đó niềm tin mới xuất hiện như một ánh sáng mới và một sinh hoạt mới của tâm trí([34]). Quả thật, khi đối mặt với “giới hạn của phận người” và ở trong “tận cùng của sự bất lực” thì niềm tin là thứ duy nhất mà ta có thể bám víu và hy vọng. Niềm tin triết học cũng xuất hiện như là một đòi buộc, một hy vọng thúc bách ta dám dấn thân, dám quyết định, dám gánh lấy trách nhiệm cho sự hiện hữu của mình. Hơn thế nữa, các yếu tố có phần mang tính tất định như: chủng tộc, gen di truyền, khả năng thiên bẩm, môi trường sống, chuẩn mực xã hội, văn hoá tín ngưỡng… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin triết học và quan điểm hành triết của mỗi người chúng ta.
Hành triết là nghệ thuật tận hưởng cuộc sống?
Đôi khi, sự tập trung quá mức vào lý tưởng sống, ý nghĩa của sự hiện hữu, dự phóng trong tương lai, hay cuộc sống sau cái chết… mà người ta quên mất phải tận hưởng cuộc sống trong những phút giây hiện tại. Đối với tôi, tận hưởng cuộc sống là một điều quan trọng và “bình an, hạnh phúc” chính là thước đo của một cuộc hiện sinh ý nghĩa. Tận hưởng cuộc sống là biết cách tìm được “bình an, hạnh phúc” trong mọi biến cố của cuộc sống, biết chấp nhận những những điều không thể thay đổi, hài lòng với những gì mình có, sống thuận theo tự nhiên với một tình yêu và một niềm đam mê bất tận…
Tạm Kết
Mặc dù vẫn còn đó nhiều ý kiến trái chiều nhưng không thể nghi ngờ, Socrates có một ảnh hưởng lớn trong Triết học. Câu chuyện của Socrates và triết lý của ông vừa là lời mời gọi, vừa là lời cảnh tỉnh cho những triết gia, những người hành triết trong thời đại hôm nay. Hãy dấn thân, hãy hành triết với tất cả những gì mình có và hãy sống một cuộc đời đáng sống. Có thể nói Socrates là một mẫu gương hành triết xứng đáng cho chúng ta phải học hỏi. “Bao lâu sự toàn vẹn tri thức và nhân cách còn là những lý tưởng thúc bách, thì diện mạo của Socrates vẫn luôn là sự hiện thân thích hợp của những lý tưởng ấy”([35]).
Cuộc đời rất dài và có trăm ngàn lối đi, nhưng nó phải được hướng dẫn bởi Triết học. Đừng mộng tưởng rằng tất cả những vấn đề sẽ được Triết học giải đáp một lần là xong. Hành triết là bước trên một hành trình dài và gian khó nên người hành triết phải nỗ lực nỗ lực lên đường mỗi ngày. Họ không bao giờ được phép cho rằng mình đã tới đích, càng không dám tự phụ rằng mình đã sở đắc được khôn ngoan. Mỗi thành công, mỗi thất bại chỉ là sự nghỉ ngơi vắn vỏi để rồi lại tiếp tục lên đường. Ai hành triết và sống triết, người đó sẽ tìm được niềm vui cao thượng trong đời sống khôn ngoan. Cuối cùng, nhiệm vụ chính yếu của con người là phải hạ sinh chính mình một lần nữa, để sống cho những gì cao quý, mà qua đó, ta trở thành triết gia cho chính cuộc đời mình.
Super Quoc
THƯ MỤC THAM KHẢO
I. Tài Liệu Nguồn
Plato. Apology. Translated by Benjamin Jowett. Oxford: Oxford University Press, 1871.
Plato. Laches. Translated by Benjamin Jowett. Chicago: Independently Published, 2020.
Plato. Meno. Translated by Benjamin Jowett. Chicago: Independently Published, 2023.
Plato. Phaedo. Translated by F. J. Church. New York: The Liberal Arts Press, 1871.
Plato. Symposium. Translated by Benjamin Jowett. Chicago: Independently Published, 2021.
Plato. The Banquet of Plato. Translated By Percy Bysshe Shelley. Chicago: Way and Williams Publishers, 1895.
Plato. The Republic Of Plato, Translated with introduction and notes by Francis Macdonald Cornford. New York: Oxford University Press, 1941.
Plato. Theaetetus. Translated by M. J. Levett. Indianapolis: Hackett Publishing, 1992.
Xénophon. Helléniques; Apologie de Socrate; Les Mémorables. Paris: Garnier-Flammarion, 1967.
Xenophon. Memorabilia. Translated and Annotated by Amy L. Bonnette. New York: Cornell University Press, 1994.
II. Tài Liệu Tham Khảo
Boeree, C. George. Theories of Personality in Psychology. Philadelphia: Shippensburg University Press, 2005.
Brickhouse, Thomas C. and Smith, Nicholas D. The Philosophy of Socrates Conception. Boulder: Westview Press, 2000.
Bùi Tuần. Triết Học và Học Triết. Long Xuyên, 1988.
Bùi Văn Nam Sơn. Trò Chuyện Triết Học. Hà Nội: Tri Thức, 2006.
Burnet, John. Greek Philosophy Thales to Plato. London: Macmillan and Co, 1943.
Cicero, Marcus Tullius. Lucullus. Chicago: Independently Published, 2022.
Đậu Văn Hồng. Triết Sử Tây Phương Thời Thượng Cổ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2015.
Deman, Th. Socrate et Jésus. Paris: Choureau et C, 1994.
Descartes, René. Principes de la Philosophie, Lettre à L’abbé Picot, Adain et Jannery. Paris: Henry Le Gras, 1647.
Deschoux, Marcel. Initiation à la Philosophie. Paris: P.U.F., 1961.
Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê. Đại Cương Triết Học Trung Quốc I. Hà Nội: Thanh Niên, 2004.
Gregory, Vlastos. Socrates, Ironist, and Moral Philosopher. New York: Cornell University, 1991.
Hadot, Pierre. La Philosophie Antique: une Ethique ou une Pratique?. Paris: Éditions Gallimard, 1995.
Hadot, Pierre. Ca Ngợi Triết Học Thời Thượng Cổ. Dịch giả Đậu Văn Hồng. Hà Nội: Tôn Giáo, 2002.
Hadot, Pierre. Philosophy as a Way of Life. Translated by Michael Chase. Massachusetts: Blackwell Publishing, 1995.
Honderich, Ted. Hành trình cùng Triết học. Dịch giả Lưu Văn Hy. Hà Nội: Văn hóa thông tin, 2002.
Jowett, Benjamin and Knight, M.J. Plato Chuyên Khảo. Dịch giả Lưu Văn Hy & Trí Tri. Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 2008.
Jullien, Francois. Minh Triết Phương Đông & Triết Học Phương Tây. Dịch giả Nguyên Ngọc. TP Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2003.
Lão Tử. Đạo Đức Kinh. Dịch giả Nguyễn Hiến Lê. Hồ Chí Minh: Tổng Hợp, 2006.
Lao-tzu’s. Taoteching. Translated by Red Pine. San Francisco: Mercury House Publishing, 1996.
Lawhead, William F. The Voyage of Discovery: A historical introduction to Philosophy. Stamford: Cengage Learning, 2013.
Lý Minh Tuấn. Đông Phương Triết Học Cương Yếu. Hồ Chí Minh: Trẻ, 2003.
Nguyễn Thu Phong. Minh Triết trong Tư Tưởng Phương Tây. Hồ Chí Minh: Tổng Hợp, 2002.
Nguyễn Tiến Dũng. Lịch sử Triết học phương Tây. Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 2015.
Phạm Minh Hạc. Học Thuyết và Tâm Lý Học Sigmund Freud. Hà Nội: Giáo dục Việt Nam, 2013.
Phạm Văn Đức. Giáo Trình Triết Học Mác-Lênin. Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, 2019.
Plato. Socrates Tự Biện. Dịch giả Nguyễn Văn Khoa. Hà Nội: Tri thức, 2006.
Sarah, Kofman. Socrates: Fictions of a Philosopher. New York: Cornell University Press, 1998.
Taine, H. Les Philosophes Francais du XIX siècle. Paris: L. Hachette et C,1858.
Tantray, Mudasir Ahmad and Khan, Tariq Rafeeq. Problems of Greek Philosophy. Chhattisgarh: Rudra Publications, 2021.
Taylor, C.C.W. Socrates: A very short introduction. Oxford: Oxford University, 2001.
Thiên Phong Bữu Dưỡng. Triết Học Quan. Sài Gòn: Văn Đàn, 1968.
Trần Thái Đỉnh. Triết Học Hiện Sinh. Hà Nội: Văn Học, 2015.
Trần Thái Đỉnh. Triết Học Nhập Môn. Hà Nội: Ra Khơi, 1951.
Trần Văn Hiến Minh. Triết Học Tổng Quát. Hà Nội: Ra Khơi, 1961.
W Jaeger. Paideia, la Formation de L’homme Grec. Paris, 1964.
Wadsworth. On Socrates. Belmont: Wadsworth Publishing, 2000.
III. Tài Liệu Internet & Tạp Chí
Aristotle. Nichomachean Ethics. Translated by W. D. Ross. Oxford: Clarendon, 1926, Internet Classics Archive, n.d. http://classics.mit.edu/Aristotle/nicomachaen.2.ii.html.
Littré, Le Dictionnaire de la Langue Française. Chicago: University of Chicago Press, 1982; Internet Classics Archive, n.d. https://dvlf.uchicago.edu/mot/philosophie.
Lê Tôn Nghiêm. “Socrates Tiêu Biểu cho Triết Học Hiện Sinh hay Triết Học theo Chân Lý Vương Giả?.” triethoc.edu.vn. Thứ 6, ngày 26 Tháng Tư, 2013. http://triethoc.edu.vn/vi/truong-phai-triet-hoc/triet-hoc-hy-lap/socrate-phan-2_44.html.
Đỗ Thị Thuỳ Trang. “Nhận Thức Luận trong Phân Tâm Học của Sigmund Freud.” Tạp Chí Khoa Học Xã Hội. Số 1 (293). Năm 2023: 12.
Hadot, Pierre. “Physique et Poésie dans le Timée de Platon.” Revue de Théologie et de Philosophie. Vol 115. Năm 1983: 113-133.
[1] Taylor C.C.W, Socrates: A very short introduction (Oxford: Oxford University, 2001, 233.
[2] Benjamin Jowett & M.J.Knight, Plato Chuyên Khảo, 458-460.
[3] Plato Symposium, 219e–221b ; Plato. Laches 181b.
[4] Vlastos Gregory, Socrates, Ironist, and Moral Philosopher (New York: Cornell University, 1991), 7.
[5] Bùi Văn Nam Sơn, Trò Chuyện Triết Học (Hà Nội: Tri Thức, 2006), 14.
[6] Kofman Sarah, Socrates: Fictions of a Philosopher (New York: Cornell University Press, 1998), 34.
[7] Bảy nhà hiền triết của Hy Lạp Cổ Đại được nhiều người biết đến là Thales ở Miletus, Kleobulos ở Lindos, Periandros ở Korinth, Bias ở Priene, Solon và Pittakos ở Mytilene và Epicharmos.
[8] Plato, Apology 22d-23b.
[9] Plato, Socrates Tự Biện, 54-55.
[10] Thomas C. Brickhouse and Nicholas D. Smith, The Philosophy of Socrates Conception (Boulder, CO: Westview Press, 2000), 99-120.
[11] Benjamin Jowett & M.J.Knight, Plato Chuyên Khảo, 34-583.
[12] Plato, Meno, 80c.
[13] Plato, Apology, 38а.
[14] Plato, Socrates Tự Biện, 87-89.
[15] Plato, Apology, 30e.
[16] Plato, Theaetetus, 150c-150d.
[17] Cicero, Lucullus 5, 15.
[18] John Burnet, Greek Philosophy Thales to Plato (London: Macmillan and Co, 1943), 180.
[19] Plato, Socrates Tự Biện, 110 – 111.
[20] Plato, Apology, 36a.
[21] Plato, Socrates Tự Biện, 67 – 71.
[22] Plato, Socrates Tự Biện, 105 – 107.
[23] Jacques-Louis David, Cái chết của Socrates, Tranh sơn dầu 129.5 x 196.2 cm (New York: Metropolitan Museum of Art, 1787).
[24] Plato, Socrates Tự Biện, 96.
[25] Plato, Phaedo, 118.
[26] Plato, Socrates Tự Biện, 132.
[27] Lê Tôn Nghiêm, “Socrates Tiêu Biểu cho Triết Học Hiện Sinh hay Triết Học theo Chân Lý Vương Giả?”, triethoc.edu.vn, Thứ 6, ngày 26 Tháng Tư, 2013. http://triethoc.edu.vn/vi/truong-phai-triet-hoc/triet-hoc-hy-lap/socrate-phan-2_44.html.
[28] Th. Deman, Socrate et Jésus (Paris: Choureau et C, 1994), 12.
[29] Plato. Apology, 23b.
[30] Benjamin Jowett & M.J.Knight, Plato Chuyên Khảo, 429.
[31] Wadsworth, On Socrates (Belmont, CA: Wadsworth Publishing, 2000), 4-30.
[32] Xénophon. Helléniques; Apologie de Socrate; Les Mémorables (Paris: Garnier-Flammarion, 1967), 7.
[33] Plato, Socrates Tự Biện, 96.
[34] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, 243.
[35] Ted Honderich, Hành trình cùng Triết học, trans. Lưu Văn Hy (Hà Nội: Văn hóa thông tin, 2002), 1064.