HÀNH TRIẾT (1): Hành trình từ Triết Học đến Minh Triết, từ Triết Gia đến Hiền Triết

0
110
Giới thiệu: Đây là bài viết của một ngòi bút trẻ được viết theo phong cách suy tư và nghiên cứu Triết học (theo chuẩn bài nghiên cứu và trích dẫn). Tác giả (Tu sĩ Tôma Nguyễn Siêu Quốc) đã tham khảo ý kiến của những giáo sư triết khi viết bài này. Loạt bài nghiên cứu này (dự kiến) sẽ được đăng làm 3 phần, đây là phần đầu tiên, Truyền Thông Ngôi Lời Việt Nam xin mời quý vị yêu thích triết học “thưởng thức” bài viết này, và mong nhận được những góp ý cần thiết cho tác giả khi bắt đầu “hành triết”. Trân trọng!

 

Hành trình từ Triết Học đến Minh Triết, từ Triết Gia đến Hiền Triết

“Nhiệm vụ chính yếu của con người là phải hạ sinh chính mình một lần nữa,
để sống cho những gì cao quý, mà qua đó, ta trở thành triết gia cho chính cuộc đời mình”

 

Tác giả: Super Quoc

Tóm tắt nội dung

Triết học không chỉ là những học thuyết hay những suy tư trừu tượng mà còn là hành động, là con đường dẫn đến một cuộc sống ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn. Tại điểm xuất phát “yêu mến khôn ngoan”, người hành triết bắt đầu hành trình của mình với sự tò mò vô tận về thế giới, chính mình và Thượng Đế. “Từ Triết học đến Minh triết, từ Triết gia đến Hiền triết”, hành trình này có thể ví như một con đường rộng lớn, đòi hỏi nhiều nỗ lực và kiên nhẫn hầu chinh phục từng bậc thang của tri thức, của đức hạnh cũng như sự khiêm tốn triết học. Càng hành triết, càng đi xa, người ta càng khiêm tốn hơn. Thái độ này cũng chính là động lực thúc đẩy người hành triết đi đúng hướng trên con đường tìm kiếm sự khôn ngoan. Qua đó, Hành triết chính là phương thế thực hành quan trọng trong hành trình đầy gian nan, thử thách nhưng không kém phần thú vị này. Dĩ nhiên, vẫn luôn có đó một thắc mắc: “Liệu rằng người hành triết đi được bao xa trên hành trình triết học ấy và có đạt được sự khôn ngoan không?”.

Triết học cũng là một dấn thân nghiêm túc, một nỗ lực hành triết chứ không phải là một hệ thống để lý luận “đúng-sai”. Bởi lẽ, hành trình triết học như một con đường gập ghềnh và càng khó khăn hơn khi đặt chân đến vùng đất của hiền triết. Ở đó, triết gia phải vượt qua những thử thách của đức hạnh bằng một dấn thân “dám sống chết” cho lý tưởng và triết lý của mình. Có lẽ, người hành triết cũng nên tự vấn bản thân mình rằng ta phải trang bị những gì để bước trên hành trình triết học này và làm thế nào để hành triết trong thời đại hôm nay?

Từ khoá:  Triết học (philosophia / philosophy), Minh triết (sophia / wisdom), Hành triết (thực hành triết học / do philosophy), Triết gia (philosophos / philosopher), Hiền triết (sage).

Dẫn nhập

Triết học ẩn chứa trong mình sức mạnh thách thức những biên giới của hiểu biết, những giới hạn của lý trí cũng như mọi ngõ ngách của của kiếp nhân sinh. Triết học mở ra những chuyến phiêu lưu thú vị từ thực tại đến thế giới suy tưởng và cũng có khả năng biến những thứ trong thế giới suy tưởng trở thành hiện thực. Hành trình triết học này không chỉ là việc giải mã bí ẩn về “hiện hữu” mà còn là việc tái khám phá chính con người mình, từ những kí ức đơn giản đến những ý chí vô cùng phức tạp. Trong thế giới này, Triết học trở thành nguồn động viên tinh thần và nguồn cảm hứng bất tận không chỉ cho các triết gia mà còn cho bất cứ ai khao khát sự khôn ngoan.

Triết học không đưa ra câu trả lời mà thay vào đó, đặt ra những câu hỏi khó khăn, thách thức tư duy nhằm vén mở ra ánh sáng những gì thuộc về bí ẩn và huyền nhiệm. Hành trình triết học không chỉ là những câu chuyện, những huyền thoại mà còn là một cuộc phiêu lưu vào tận cõi sâu thẳm của tâm hồn con người. Nó không chỉ dừng lại ở lý trí mà còn gõ cửa tâm hồn, nơi mở ra những khía cạnh về kiếp nhân sinh, đạo đức, sự sống vĩnh cửu… Bằng cách này, hành trình triết học mời gọi mọi người cùng nhập cuộc, cùng bước để hướng tới “Chân-Thiện-Mỹ”.

Hành trình triết học cũng chính là một sự hòa quyện tuyệt vời giữa “Triết học, Con người và Cuộc sống”. Hay nói cách khác, hành trình triết học làm cho hữu thể người, vũ trụ và Thượng Đế hiện hữu một cách sống động, hoà hợp và ý nghĩa đến tột cùng.

Bên cạnh đó, hành trình từ “Triết học đến Minh triết, từ Triết gia đến Hiền triết” còn có thể được so sánh với hành trình nên thánh của Kitô hữu. Trong hành trình này, người môn đệ được mời gọi bước vào hành trình theo chân Giêsu. Người môn đệ ấy yêu mến lý tưởng và hình mẫu của sự khôn ngoan, thánh thiện nơi Giêsu, và ao ước trở nên khôn ngoan, thánh thiện như vậy. “Chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em” (1 Cr 1,30). Vậy, người môn đệ phải trang bị những gì và phải làm gì trên hành trình trở nên như Giêsu như thế? Từ một người yêu mến Giêsu và khát khao trở nên như Giêsu thì liệu người môn đệ ấy đi được đến đâu và đi được bao xa trên hành trình ấy? Bởi lẽ, trở nên giống Chúa là điều khó khăn vượt quá giới hạn của con người, nếu không muốn nói là không thể. Người môn đệ chỉ có thể dự phần vào sự khôn ngoan, thánh thiện của Thiên Chúa và tiến đến gần Chúa hơn mà thôi chứ không thể trở nên giống Chúa một cách toàn diện được.

Cũng vậy, hành trình đi tìm sự khôn ngoan là hành trình dự phần vào sự khôn ngoan và tiến gần hơn đến sự khôn ngoan. Ta có thể mường tượng hành trình Triết học ấy như sau. Xuất phát điểm là yêu mến sự khôn ngoan và đích điểm là sự khôn ngoan. Trên hành trình ấy có rất nhiều người đi, ở vạch xuất phát là những người hiếu tri, xa hơn là những học giả, những giáo sư, xa hơn nữa là những triết gia, và xa hơn nữa là những bậc hiền triết… Đích điểm cuối cùng, chính là “sự khôn ngoan tuyệt đối”, nơi có nhiều người dự phần vào sự khôn ngoan này. Đây cũng là khát khao lớn nhất của người hành triết, khát khao đạt được chân lý và sự khôn ngoan đích thực, để nhờ đó giải phóng và kiến tạo hạnh phúc không chỉ cho riêng mình mà còn cho tất cả.

Cổ nhân vẫn thường nói rằng: “Người học, học mãi và không thực hành cũng giống như người cày, cày mãi mà chẳng gieo trồng”. Là một triết sinh sau nhiều năm học triết, người viết cũng không ngừng phản tỉnh rằng: “Tôi ứng dụng được gì vào cuộc sống của mình hay chỉ mãi quanh quẩn với vài ba câu chuyện về lịch sử triết học? Tôi phải làm gì để vẽ nên hành trình khôn ngoan cho đời mình?”. Cụ thể hơn, với chủ đề “HÀNH TRIẾT”, người viết vừa được lôi cuốn, vừa bị thu hút vào hành trình lý tưởng mà bất kỳ ai yêu mến sự khôn ngoan đều phải đi qua. Tuy vậy, để có thể dấn thân vào hành trình ấy, người viết thấy cần thiết phải tự mình chuẩn bị một số hành trang: Thứ nhất là những hiểu biết về Triết học và hành trình triết học. Thứ hai, Hành triết là gì và tại sao phải hành triết? Và cuối cùng là những suy tư, phản tỉnh hầu giúp ta tự vẽ nên hành trình triết học cho đời mình.

 

CHƯƠNG I: TỪ TRIẾT HỌC ĐẾN MINH TRIẾT, TỪ TRIẾT GIA ĐẾN HIỀN TRIẾT

1. TỪ TRIẾT HỌC ĐẾN MINH TRIẾT

1.1 Triết học trước khi có Triết học

Trước khi Triết học được định nghĩa và nghiên cứu thì Triết học có tồn tại không? Chắc hẳn, Triết học đã hiện diện từ rất lâu mà chưa được con người quan tâm và gọi tên. Lúc bấy giờ, Triết học mang dáng dấp của của tri thức xã hội, kinh nghiệm sống, triết lý nhân sinh hay lẽ khôn ngoan ẩn tàng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Những câu chuyện, những huyền thoại được dệt nên từ sự thông thái, khôn ngoan của những hiền nhân chính là cách thức mà con người lưu tâm đến Triết học. Cùng với đó, tính tò mò và sự hiếu tri không chỉ là nguồn động viên lớn mà còn khơi nguồn cho những dấn thân triết học trong những thời khắc ban sơ. Mãi đến thế kỷ thứ V TCN, cách gọi “philosophia” mới dần hình thành và xuất hiện. Tuy nhiên, các nhà tư tưởng Hy Lạp thế hệ đầu tiên đã để lại không ít dấu ấn của mình trong hành trình triết học, đến nỗi Aristotle và cả truyền thống lịch sử Triết học đã không ngần ngại gọi họ là những triết gia([1]). Các nhà tư tưởng đầu tiên này phải kể đến Thales, nhà toán học nổi tiếng với định lý Thales, người sáng lập ra Triết học duy vật sơ khai. Ông cũng là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về thiên văn học và đã tiên báo chính xác về hiện tượng nguyệt thực xảy ra ngày 25 tháng 5 năm 585 trên xứ Ionia. Nhờ đó mà ngăn được cuộc chiến tương tàn giữa hai thành bang Lydiens và Medes([2]). Tiếp đến, Anaximander là một triết gia lỗi lạc về toán học và khoa học, không ngừng nghiên cứu và giải thích về vũ trụ, đặc biệt là về nguồn gốc của vũ trụ. Ông không chỉ giới thiệu đồng hồ mặt trời ở Hy Lạp mà còn sáng tạo ra bản đồ thế giới, một thành tựu to lớn cho sự phát triển của lĩnh vực địa lý. Một triết gia khác là Anaximenes, ông tiếp tục tư tưởng của Thales khi cho rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ. Ông theo đuổi tư tưởng vô thần, nghiên cứu, giải thích thế giới dựa trên quan điểm duy vật. Qua đó, các trào lưu tư tưởng của những triết gia này không chỉ lan rộng sang các thuộc địa khác của Hy Lạp, mà còn thể hiện rõ tầm ảnh hưởng đối với Triết học phương Tây sau này.

Bên cạnh lối nhìn giải thích thế giới của những triết gia bằng con đường lý trí như thế, thì cũng đã có những khảo luận nghiên cứu khác. Những khảo luận này lại mang đậm màu sắc huyền thoại, màu sắc của sự thần thánh và nhân cách hoá. Các khảo luận này được biết đến như: Sáng Thế Ký, Gia Phả Các Thế Hệ, Huyền thoại & Sử thi, Kinh Thánh của các tôn giáo… Quan điểm giải thích về nguồn gốc của con người và vũ trụ theo lối này cũng có tác động không nhỏ đến tư tưởng của Triết học thời kỳ đầu. Một minh chứng điển hình nhất là “huyền thoại sáng tạo” như thể có thật của Plato trong tác phẩm Timaeus. Ông đã dệt nên hình ảnh huyền ảo của vị thần tạo hóa thiết kế nên thế giới bằng cách bắt chước mô hình vĩnh cửu là các ý niệm([3]).

Thật vậy, cách nói “Triết học trước khi có Triết học” còn dựa vào những trào lưu tư tưởng khá thịnh hành tại Hy Lạp trước thời Socrates, đó chính là trào lưu nghiên cứu vũ trụ và huấn luyện, đào tạo. Người Hy Lạp đã định nghĩa các khái niệm và đề xướng những thực hành triết lý phục vụ cho những trào lưu này được gọi tắt là phusis, historiapaideia. Tiến trình vật lý kiếm tìm một nguyên tử cơ bản để làm điểm khởi đầu cho mọi vật trong vũ trụ này được gọi là phusis. Hành trình nghiên cứu vũ trụ, phân tích khảo sát bằng lý trí được gọi là historia([4]). Còn việc huấn luyện, đào tạo được gọi là paideia([5]). Huấn luyện, đào tạo rất được quan tâm và chú trọng nên những sinh hoạt triết học ngày càng phát triển. Việc đào luyện cũng đòi hỏi sự phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất, bao gồm: tri thức tổng hợp, thể dục, âm nhạc, nhân bản, đức hạnh, nghệ thuật hùng biện… Qua đó, ta thấy Triết học trước khi được định hình đã có những sinh hoạt tri thức thời danh và những đóng góp to lớn.

1.2 Triết học (Philosophia)

“Triết học” trong hầu hết các ngôn ngữ đều có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp Cổ Đại là φιλοσοφία (philosophia). Chẳng hạn: tiếng Pháp là “philosophie”, tiếng Anh là “philosophy”, tiếng Tây Ban Nha là “filosofia”, tiếng Nga là “filosofija”… Phân tích chữ này theo nghĩa đen là “yêu mến khôn ngoan”, trong đó “φιλεῖν phileîn” là “yêu” và “σοφία sophía” là “khôn ngoan”. Người Hy Lạp Cổ Đại quan niệm rằng philosophia vừa mang nghĩa là giải thích vũ trụ, định hướng nhận thức và hành vi, vừa nhấn mạnh đến khát vọng tìm kiếm chân lý của con người([6]). Ngày nay, Triết học còn được định nghĩa là những nỗ lực của con người nhằm nghiên cứu một cách hệ thống các cấu trúc căn bản nhất của toàn bộ trải nghiệm mà ta có, nhằm đạt được những niềm tin rõ ràng về mặt khái niệm, được xác nhận về mặt kinh nghiệm và nhất quán về mặt tư duy nhất có thể([7]).

Ở phương Đông, cụ thể đối với Trung Quốc, chữ triết (哲) cũng xuất hiện từ rất sớm và thuật ngữ triết học (哲學) được phổ biến rộng rãi và hàm nghĩa tương đương với thuật ngữ philosophia của Hy Lạp. Chữ Triết (哲) ghép bởi chữ Chiết (折)và chữ Khẩu (口). Chữ Chiết (折) gồm chữ Thủ (扌) và chữ Cân (斤), có thể hiểu là tay cầm búa để chặt ra. Khẩu (口) chỉ lời nói ngoài miệng hay lời nói tiềm ẩn. Như vậy, Triết (哲)có nghĩa là đem tư tưởng ra, dùng ngôn ngữ mà phân tích, để tìm đến ngọn nguồn của sự thật mà tìm hiểu thấu đáo như thế chính là tìm đến sự khôn ngoan([8]). Triết học còn là biểu tượng của khôn ngoan và tri thức hướng con người đến sự hoà hợp Thiên-Địa-Nhân. Bên cạnh đó, thuật ngữ Triết học (Dar’sana) của Ấn độ có nghĩa là chiêm ngưỡng, nhận thức qua lý trí cũng như con đường suy tư để tiến đến lẽ phải và chân lý([9]).

Đối với Việt Nam, philosophia dịch ra là Triết (哲), mượn từ gốc chữ Hán nên cách dịch của từ philosophia sang Tiếng Việt cũng mang nghĩa khá gần với định nghĩa của Trung Quốc. Điểm nhấn khác biệt nhất chính là sự mở rộng hàm nghĩa về chiều rộng và chiều sâu của “cái biết”. Đối với văn hoá Việt, biết thì phải biết đến nơi đến chốn, biết cho sâu, biết cho thông thạo và từ “cái biết” đó nảy sinh lòng yêu mến như cách mà ông cha ta vẫn thường nói “vô tri bất mộ”. Như thế, qua những định nghĩa về Triết học ở cả phương Đông và phương Tây, ta thấy có vài điểm khác biệt nhưng hầu như không đáng kể, tựu trung đều có ý nghĩa là “yêu mến khôn ngoan”.

Ngày nay, khi nhắc đến hạn từ “Triết học”, người ta thường nghĩ đến một bộ môn trong học đường với những triết lý trừu tượng, xa rời thực tế. Ở Việt Nam, khi nói đến Triết học, người ta thường nghĩ đến Triết học Mác-Lênin với những tư tưởng nhàm chán và khó hiểu. Bởi lẽ, giáo dục ở Việt Nam không chú trọng vào Triết học mà thay vào đó chỉ dạy Triết học theo một vài góc nhìn chủ quan. Do đó, cách mà một người hiểu biết về Triết học có thể phụ thuộc rất nhiều vào mức độ quen thuộc và cách tiếp cận của họ đối với lĩnh vực này. Bên cạnh những người biết rõ và yêu mến Triết học thì cũng có không ít người hiểu Triết học như những ý tưởng mơ hồ, trừu tượng và xa xỉ. Triết học không có ảnh hưởng đặc biệt đến cuộc sống hàng ngày của họ và họ cảm thấy Triết học đang làm phức tạp hoá mọi vấn đề, ngay cả những vấn đề đơn giản nhất. Với góc nhìn này, nhiều người không ngần ngại kết luận rằng Triết học là một môn học thiếu thực tế nhất, vô bổ nhất. Thế nhưng, tại sao một môn học vô ích như thế lại thu hút được nhiều bộ óc vĩ đại của nhân loại đắm chìm vào trong đó? Hơn nữa, nó còn là nguyên nhân gây nên những tranh cãi gần như bất tận về cả đối tượng lẫn yếu tính của chính nó? Hy vọng một vài góc nhìn về Triết học sau đây có thể lý giải cho sự thắc mắc ấy.

Triết học là một hệ thống tri thức tổng hợp hoàn hảo

Đang khi các khoa học khác lo khảo sát những đối tượng hạn hẹp của mình, thì Triết học lại khảo sát chính các khoa học đó. Việc khảo sát ấy vừa mang tính chất phản tỉnh, phê bình vừa tổng hợp để xây dựng một hệ thống tri thức tổng hợp. Chẳng hạn, khi nghiên cứu về vũ trụ thì vũ trụ được hiểu như toàn thể những gì trong không gian và thời gian. Vậy để có thể tìm hiểu về vũ trụ cách hữu hiệu nhất thì người ta chia vũ trụ thành nhiều lĩnh vực chuyên môn, mỗi một khoa học đi sâu vào nghiên cứu một chuyên môn. Để phối hợp những kết quả phân tán sau những nghiên cứu chuyên biệt đó thì cần phải có một khoa học có đặc tính tổng hợp, đó chính là Triết học. Như vậy, Triết học không chỉ là khoa học phân tích, khảo sát các khoa học khác mà còn là khoa học tổng hợp. Victor Cousin nói một cách dễ hiểu hơn: “Triết học như một kiến trúc sư dùng những khoa học khác làm thợ, lo xây cất tòa nhà duy nhất bằng những viên đá mà các thợ đó đã đẽo gọt cho”([10]).

Triết học là khoa học chất vấn

Triết học cũng chính là một ngành khoa học mở ra một thái độ để chất vấn. Thái độ mở ra để dám chất vấn mọi thứ và để mọi thứ chất vấn mình. Có lẽ, không một ngành khoa học nào dám phanh phui trần trụi hết mọi thứ và dám kiểm tra ngay cả những thứ vô lý nhất dưới lăng kính của hữu lý. Và dường như không một khoa học nào dám tự chất vấn chính cả yếu tính của chính mình.

Triết học là môn khoa học nguyên lý

Bên cạnh khả năng tổng quát hoá tri thức và nhận thức, Triết học còn được hiểu như là khoa học của các nguyên lý nền tảng. Đặc điểm nổi bật nhất của Triết học là thiết lập các nguyên tắc và tìm kiếm những nguyên lý phổ quát. Khoa học nào chẳng có những nguyên lý để vận hành và phát triển, nhưng có lẽ chỉ có Triết học mới có những nguyên tắc nền tảng phổ quát bao hàm được mọi nguyên lý. Rene Descartes cũng đã viết như sau:

Danh từ Triết học có nghĩa là hâm mộ sự khôn ngoan. Khôn ngoan không phải chỉ là sự khôn khéo trong công việc, nhưng là sự hiểu biết hoàn toàn mọi sự con người có thể hiểu biết được, để dùng trong cách xử thế, cũng như sự bảo toàn sức khỏe và phát minh các nghệ thuật. Muốn cho sự hiểu biết đó được như thế, thì cần nó phải được suy luận từ những nguyên nhân tiên khởi. Vì thế môn học thu tập tri thức đó, và đây chính là Triết học, phải bắt đầu bằng việc khảo cứu những nguyên nhân tiên khởi, nghĩa là các nguyên lý([11]).

Triết học là khoa học tinh thần về người đời và đời người

Triết học là một khoa học về con người và kiếp người, bởi lẽ, những triết lý suy cho cùng cũng là những suy tư, hồi tưởng, phóng chiếu về kiếp người, liên quan đến con người và để phục vụ con người. Trần Thái Đỉnh đã quả quyết như sau:

Triết học là khoa học về con người, một thực thể cấu tạo trên căn bản tự do và luôn luôn tiến hơn… Triết học phải mang nặng những ưu tư của con người thời đại… Xem như thế, vì Triết học là suy tư về con người thời đại, mà thời đại thì luôn luôn biến đổi, cho nên Triết học cũng theo đó mà tiến lên([12]).

Thậm chí, có người còn định nghĩa rằng “Triết học là môn học tìm hiểu cuộc sinh hoạt tinh thần của con người với tất cả những chiều hướng hiện sinh của nó”([13]). Có lẽ, ai đã từng đọc qua những tác phẩm ưu tư về con người và kiếp người của những tác giả thời danh như: Kierkegaard, Heidegger, Gabriel Marcel, Karl Jaspers, Jean Paul Sartre… thì không khó nhận ra được điều này.

Triết học qua định nghĩa của các triết gia

Chắc hẳn, không ít người thắc mắc rằng các triết gia nghĩ gì về Triết học và định nghĩa nó như thế nào. Một số định nghĩa sau đây sẽ giải đáp phần nào thắc mắc đó:

– Immanuel Kant: Triết học là khoa học và là sự phê phán của nhận thức.
– Herbert Spencer: Triết học quan tâm đến mọi thứ như một môn khoa học phổ quát.
– Bertrand Russell: Triết học, giống như các ngành nghiên cứu khác, chủ yếu hướng tới kiến thức.
– Johann Gottlieb Fichte: Triết học là khoa học về tri thức.
– Radhakrishnan: Triết học là sự nghiên cứu hợp lý về bản chất của thực tại tối thượng.
– Windelband: Triết học là khoa học phê phán mang tính phổ quát các giá trị.
– Whitehead: Triết học mang tính mô tả những điểm tổng quát áp dụng cho mọi chi tiết của kinh nghiệm.
– William James: Triết học là ý nghĩa trọn vẹn trong tư duy của con người.
– Pythagoras, Descartes và Spinoza: Triết học là sự khái quát hóa của Toán học.([14]).

Như vậy, nói về Triết học và định nghĩa về nó không bao giờ là đủ. Tuy nhiên, qua một vài ghi nhận về định nghĩa Triết học đã được tổng hợp và phân tích, ta cũng phần nào hiểu rõ hơn về Triết học, cũng như những đóng góp và thành tựu của ngành khoa học này.

1.3 Minh triết (Sophia)

Qua những phân tích và tìm hiểu về bản chất của Triết học, mặc dù có nhiều định nghĩa, nhiều khái niệm nhưng “yêu mến sự khôn ngoan” là một nghĩa căn bản nhất không thay đổi dù cho người ta có hiểu Triết học theo bất cứ nghĩa nào. Chính cái nghĩa không thay đổi này mang trong mình một ý hướng để mở ra một hành trình. Yêu mến tự nó đã là một ý hướng. Yêu mến là nghiêng chiều, là hướng về, dành tình yêu cho một đối tượng và mong muốn được sở hữu. Ở đây, yêu mến hướng về đâu? Đó chính là hướng về “sự khôn ngoan” hay còn gọi là “Minh triết”. Ý hướng đó không phải là những suy tư nhất thời hay những định kiến hạn hẹp, mà phải luôn sống động trong người hành triết. Người hành triết phải thực sự có ý hướng đó trong tâm hồn, phải khát khao sự khôn ngoan. Có yêu người ta mới đi tìm, có khát khao người ta mới đủ động lực vượt qua được những trở ngại, khó khăn trên hành trình kiếm tìm sự khôn ngoan.

Ở buổi bình minh của Triết học phương tây, Minh triết (sophia) được tôn vinh và Triết học (philosophia) có thái độ hết sức khiêm nhường đối với Minh triết. Không chỉ Socrates, Plato mà ngay cả Aristotle, người đặt ra cơ sở lý luận (logos) cho Triết học cũng từng thú nhận rằng: Minh triết là của thần, là bất cập đối với con người, con người nhiều lắm chỉ có thể yêu mến, quý chuộng Minh triết, tức là làm Triết học và dấn thân trên hành trình triết học chứ không bao giờ đạt được Minh triết hoàn toàn([15]). Như vậy, Minh triết vượt xa hơn Triết học và Triết gia là người không bao giờ với tới Minh triết, nhiều lắm chỉ có thể bày tỏ lòng yêu mến đối với Minh triết. Tương quan giữa Minh triết và Triết học trong thời buổi bình minh là như vậy. Hành trình triết học cũng bắt đầu từ đây và việc thực hành triết học chính là một nỗ lực một dấn thân để dự phần vào cái Minh triết của thần thánh, hay nói cách khác, thông phần vào cái khôn ngoan tuyệt đối. Thậm chí, Pierre Courcelle và Pierre Hadot còn cho rằng Triết học chỉ là những thao luyện dọn đường cho Minh triết([16]). Liệu rằng, quan điểm về Minh triết như thế có còn đúng trong thời đại hôm nay?

Vào cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, tương quan giữa Minh triết và Triết học có nhiều sự thay đổi đáng kể. Nhiều quan điểm hiện đại cho rằng Minh triết chỉ là một sản phẩm của tưởng tượng và con người đang tự lừa gạt chính mình. Minh triết bị lép vế, thiếu sức thuyết phục do không có sự phục vụ của tri thức khoa học. Minh triết là của thần thánh, là điều gì đó không thể chứng minh hay thậm chí bị xem là cuồng tín trong thời đại cách mạng khoa học. Thậm chí, Wittgenstein còn cho rằng Minh triết là cái gì đó nguội lạnh và lẩn thẩn, Minh triết chỉ che đậy cuộc sống, làm cho ta không thấy được nó. Minh triết giống như tro xám, nguội lạnh phủ lên than hồng([17]).

Ngoài ra, tiến trình của thời gian làm nổi bật lên một ưu thế lớn cho Triết học, đó chính là lịch sử triết học. Triết học ghi tên mình vào lịch sử và đánh dấu những cột mốc lịch sử còn Minh triết thì không. Hiển nhiên, ta có thể viết một lịch sử Triết học, nhưng không thể viết lịch sử của Minh triết. Minh triết không đưa ra bất cứ điều gì, không có vấn đề để tranh luận, thậm chí không có tương lai để hy vọng. Minh triết chỉ được biết đến như là phản ánh lịch sử của tư duy, có mặt trong mọi truyền thống, và là Minh triết của các “dân tộc”. Trong khi, Triết học ham muốn phiêu lưu đi tìm chân lý và thích chinh phục những thử thách thì Minh triết không thám hiểm cũng chẳng khám phá. Nó luôn ở trong bức tranh “sáng-tối” của niềm tin hơn là tri thức. Cùng với sự phát triển của Triết học phương Tây hiện đại, người ta cho rằng Minh triết chỉ còn là nguồn động lực để Triết học vươn tầm và giúp con người làm Triết học. Do đó, Triết học nghiễm nhiên đóng vai trò quan trọng hơn và đứng trên Minh triết.

Đây có lẽ là một vấn nạn lớn đối với Tây Phương và việc Minh triết không có lịch sử là một nhược điểm chí mạng. Tuy nhiên, đối với Đông Phương thì không phải vậy, tư tưởng Đông Phương vẫn cho rằng Minh triết không có lịch sử là vì những giá trị vượt thời gian chứ không phải nhất thời. Dù thế nào đi chăng nữa, Triết học và lịch sử của Triết học luôn bị ràng buộc trong thời gian và không gian nhất định. Minh chứng cho thấy tri thức này xuất hiện sẽ dần loại bỏ những tri thức cũ và những hệ thống tri thức “đúng-sai” cũng chỉ mang tính tạm thời.

Với Đông Phương, Minh triết được đề cao hơn và quan điểm này cũng khá giống với quan điểm của thời Hy Lạp Cổ Đại đã được đề cập ở trên. Cụ thể hơn, Triết Ấn có sự phân biệt giữa “hạ-trí” (aparâ-vidyâ) và “thượng-trí” (parâ-vidyâ) như sau:

Khác với hạ-trí là cái biết về hiện tượng vô-thường, thượng-trí là cái biết về Thực-tại tối cao hay Tự-ngã, bản thể của con người. Thượng-trí là cái biết về bất-diệt. Nếu đem so sánh với nhau, thì hạ-trí là vô-minh, bởi vì càng biết nhiều về hiện-tượng vô-thường, con người càng thêm tối tăm, lú-lẫn với dục-vọng gia tăng; trái lại, thượng-trí là Minh triết, bởi vì con người không còn thấy phân cách chia biệt, dục-vọng chấm dứt; và con người được an vui… Cái biết nhờ đó mà người ta biết được cái gì chưa học mà cũng như đã học rồi, chưa nghĩ đến cũng như đã nghĩ đến rồi, chưa hiểu cũng như đã hiểu rồi… Cũng như cũng chỉ nhờ biết một nắm đất sét mà người ta biết được tất cả những gì làm bằng đất sét. Tất cả mọi sự đổi thay đều chỉ là do ngôn ngữ danh từ, bản chất của chân lý như là đất sét([18]).

Qua đó, ta thấy tư tưởng Đông Phương vẫn đề cao và xem Minh triết là điều mà Triết học phải hướng đến. Ngày nay, người ta không quan tâm nhiều đến trật tự trên dưới giữa Minh triết và Triết học, thậm chí có quan điểm còn cho rằng đây chỉ là hai phương thức trí năng khác nhau có thể bổ sung qua lại cho nhau([19]). Hai phương thức tư duy này được hiểu theo cách tiếp cận của tri thức luận hay phân tâm học hơn là lối suy tư truyền thống. Tuy nhiên, theo người viết, hành trình kiếm tìm sự khôn ngoan đích thực chính là hành trình đi từ Triết học đến Minh triết. Quả thật, Triết học phải tìm đến đâu đó chứ không thể nào quẩn quanh mãi như con lật đật, chẳng ngã đổ cũng chẳng đi đến đâu. Còn Minh triết không cần phải có lịch sử, mà cũng chẳng cần phải đi đến đâu. Bởi lẽ, nó là đích đến của hành trình khôn ngoan và là nguồn động lực nuôi sống tinh thần cho Triết học. Francois Jullien cũng đã viết như sau:

Đạo là con đường. Con đường của Triết học bao giờ cũng dẫn tới đâu đó… tới chân lý, tới cõi chí thiện, tới cõi toàn mỹ, tới miền đất hứa, tới thiên đường… tới Thượng đế. Đạo của Minh triết không dẫn tới đầu cả… đạo là con đường ở đó… sự sống có thể sống được (viable), mọi sự rồi thì qua được… chỗ đi tới của đạo là ở sự đổi mới của bản thân nó([20]).

2. TỪ TRIẾT GIA ĐẾN HIỀN TRIẾT

2.1 Triết gia

Theo định nghĩa trong Từ điển Anh-Việt của Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam: “Triết gia (philosopher) là người nghiên cứu hoặc dạy Triết học, người đã phát triển một khuynh hướng riêng về các lý thuyết và các niềm tin triết học. Triết gia còn là người mà tâm trí không bị các đam mê và gian khổ làm xáo động”([21]). Đây có lẽ cũng là một định nghĩa khá chính xác khi nói về triết gia và cách hiểu này tương đối phổ biến trong thời đại hôm nay. Liệu rằng cách định nghĩa về triết gia như vậy có giống với định nghĩa triết gia thuở ban đầu?

Trước khi từ “Triết học” (philosophia) được định nghĩa và trở nên thông dụng, rồi dần phổ biến rộng rãi thì theo ghi nhận trong tác phẩm Symposium của Plato, từ “Triết gia” (philosophos)([22]) đã được đề cập và nói đến trước. Cùng với đó, định nghĩa về từ “Nhà nguỵ biện” (sophist)([23]) cũng được giải thích khá rõ ràng. Nhà ngụy biện là những người tự xem mình là thông thái, giỏi chuyên môn về hùng biện, nghệ thuật, tri thức khoa học… Họ cũng được coi là những nhà giáo và họ thường đi khắp nơi để giảng dạy nhằm mục đích kiếm tiền. Trong khi đó, triết gia là những người yêu mến sự khôn ngoan và không muốn sử dụng sự thông thái của mình nhằm mục đích kiếm tiền tầm thường. Họ muốn phụng sự xã hội và giúp cho mọi người sống ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn. Như thế, định nghĩa về triết gia phần nào cũng được hiểu theo nghĩa tương phản với nhà nguỵ biện.

Chân dung của triết gia

Với tác phẩm Symposium, Plato đã khắc hoạ cách sống động chân dung của một triết gia thời kỳ đầu. Chủ đề chính của Symposium là tình yêu và cái đẹp. Các nhân vật đối thoại với nhau về ý nghĩa và bản chất của tình yêu, cái đẹp và con đường hướng tới cái đẹp hoàn hảo. Tình yêu đích thực là việc tìm kiếm sự hoàn hảo của vẻ đẹp tinh thần, và thông qua tri thức, con người có thể đạt đến sự hoàn thiện này. Qua câu chuyện của Diotima, Eros là người yêu cái đẹp, hướng về cái hạnh phúc, cái tốt lành và cũng là một kẻ khát khao sự khôn ngoan. Eros (Thần Tình Yêu) là con của Poros (Thần Giàu Có) và Penia (Thần Nghèo Khó) nên Eros cũng thừa hưởng mọi đặc tính của cha mẹ. Cha của Eros giàu có và khôn ngoan, còn mẹ thì nghèo khó và dốt nát nên Eros mang dáng vẻ không xấu cũng không đẹp, không phải chết cũng không bất tử nên luôn sống động, phát triển “dư dả” rồi thụt lùi “túng thiếu”, không khôn ngoan cũng chẳng ngu dốt. Song song với đó, Plato cho rằng Socrates cũng mang trong mình những đặc nét vốn là bản chất của Eros như: một người bình thường, có vợ con, tham gia trọn vẹn vào đời sống xã hội, thường xuyên gặp gỡ trao đổi với mọi người; một binh sỹ can đảm; người sống theo tinh thần chính trực; và cũng là một người biết dành thì giờ để suy tư và cũng là một thợ săn tri thức trong hành trình tìm kiếm khôn ngoan; luôn truy tìm sự chân thật và vẻ đẹp trong tri thức([24]). Cả hai dung mạo của Eros và Socrates hoà quyện vào nhau để cùng vẽ nên chân dung của triết gia.

Như vậy, tình yêu được mô tả là chiếm hữu cái đẹp, cái tốt để có được hạnh phúc và chiếm hữu mãi mãi mới có được hạnh phúc mãi mãi([25]). Cũng vậy, triết gia khao khát chiếm hữu được sự khôn ngoan và trên hành trình chiếm hữu mãi mãi để tiến tới sự hoàn thiện. Qua đó, ta thấy triết gia không phải là con người lý tưởng, hình mẫu đích thực, chưa phải là hiền triết và chưa chạm tới ngưỡng cửa của khôn ngoan. Tuy vậy, triết gia cũng không phải là người tầm thường, ngu muội mà có thể xem là người đã vượt xa khỏi ranh giới của ngu muội và đang tiến dần tới khôn ngoan. Theo Pierre Hadot, mặc dù có nhiều sự khác nhau về triết lý sống nhưng hầu hết các triết gia thời đầu đều có chung một tinh thần minh triết và một quan điểm hành triết. Sống triết và hành triết là hướng đến Minh triết, hay nói cách khác, cố gắng bước đi, tiến tới, không đạt được thì ít ra là cũng gần chạm tới trạng thái Minh triết([26]).

Quả thật, trong tác phẩm Apology, Socrates cũng đã tự mình định nghĩa chân dung của triết gia khi nói rằng:

[T]hưa quý vị, thật sự chỉ có thần ở đền Delphi mới thông thái, và ngài chỉ muốn dạy qua lời sấm truyền rằng kiến thức con người chưa đi đến đâu cả, thậm chí không là gì hết; và hiển nhiên ở đây đâu phải Ngài nói về cá nhân tôi mà chỉ dùng tên tôi như một thí dụ, như thể đang nói với tất cả mọi người: Hỡi con người, kẻ thông thái nhất trong số các anh sẽ là ai tự biết rằng kiến thức của mình không là gì cả, như Socrates vậy([27]).

Đoạn văn trên được giải thích rõ ràng hơn như sau:

Điều này không có nghĩa rằng hiểu biết của con người là không có giá trị gì so với hiểu biết đích thực của thần thánh. Kẻ thông thái nhất đối với thần thánh cũng chỉ như khi đối với người. Do đó, con người chỉ có thể gọi là gọi là philosophos (kẻ khao khát hiểu biết), chứ không phải là sophos (người hiểu biết), từ dành riêng cho thần thánh. Thành thử, hai thái độ tiêu biểu của philosophos là: tự biết mình không có hiểu biết, và vì vậy, đi tìm cái mình thiếu thốn. Triết lý biểu hiện sự khao khát hiểu biết ở con người, thần thánh không cần triết lý([28]).

Qua tác phẩm SymposiumApology, Plato đã vẽ nên chân dung một triết gia tích cực dấn mình để thức tỉnh cộng đồng về đời sống triết lý. Dung mạo triết gia được vẽ như một con người dùng tư tưởng và lối sống cách triệt để hầu giúp bản thân tiếp cận Minh triết, và cũng dẫn dắt người khác bước vào đời sống triết học. Như vậy, còn ai xứng danh triết gia cho bằng người vừa có thái độ sống cao thượng, vừa có kiến thức sâu rộng, vừa có óc phản tỉnh, phê bình, vừa vượt xa khỏi ranh giới của ngu muội, vừa biết đường tìm đến khôn ngoan và dẫn dắt người khác đến khôn ngoan. Ngày nay, một người được gọi là triết gia còn cần nhiều hơn thế, tuy vậy một triết gia chân chính cũng chưa hẳn cần mọi người công nhận mình là triết gia.

2.2 Hiền triết

Qua bao thế hệ, vẫn luôn có đó những con người mang trong mình một khát khao tự nhiên, khát vọng nên thánh và hướng đến Chân Thiện Mỹ. Đó là một tâm hồn tìm kiếm sự cao cả, muốn đạt đến tầm vóc vĩ đại hơn bản thân, và trở thành ánh sáng cho thế giới xung quanh. Khát khao này tựa như một dòng suối tự nhiên tuôn trào mạnh mẽ trong lòng con người. Nó thúc đẩy họ vượt qua những giới hạn của bản thân để vươn tới những điều cao quý hơn về tinh thần, đạo đức và nhân văn. Họ khao khát những giá trị của sự hoàn thiện, nhân ái, công bằng, bình an, hạnh phúc… Cũng vậy, sự xuất hiện của Minh triết như là một phản ánh của nhu cầu đạo đức và nghệ thuật sống, một lối sống mẫu mực trong xã hội, một lối nẻo tu thân để nên thánh hiền. Và hiền triết chính là những người đã đạt đến mức độ này.

Hạn từ “Hiền triết” (sage) đề cập đến một cá nhân thông thái, có trí tuệ sâu sắc về bản chất của sự tồn tại, giá trị của đạo đức và ý nghĩa kiếp nhân sinh. Một hiền triết thường được coi là một hình mẫu, được ngưỡng mộ, tôn kính vì sự khôn ngoan, đức hạnh và khả năng hướng dẫn người khác đến một cuộc sống ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn. Số hiền triết được thế giới công nhận chỉ đếm trên đầu ngón tay và dĩ nhiên nói về họ thì không bao giờ là đủ. Một số nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn như: Đức Giêsu, Đức Phật, Socrates, Lão Tử, Khổng Tử…

Trong mỗi hệ thống triết học, khái niệm về hiền triết cũng có đôi chút khác nhau tuy nhiên sự khác biệt không quá đáng kể. Với Triết học phương Tây, hiền triết là biểu tượng của người hành triết có tài đức cao đạt đến gần trạng thái chiếm hữu khôn ngoan. Họ dấn thân cho triết lý sống của mình thông qua lý trí và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức. Trong khi đó, Triết học phương Đông như Nho giáo và Đạo giáo, “Hiền triết” được xem như là “Thánh nhân”, một con người lý tưởng, con người siêu vượt. Hình mẫu thánh nhân không chỉ là người có nhân cách lý tưởng mà còn là những người có “Đạo” và “Đức” rất cao. Họ được tôn kính vì sự hòa hợp với tự nhiên, hành vi đạo đức và lối sống trung dung với sự khôn ngoan, thông thái. Cụ thể hơn, theo cách định nghĩa của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh, “Thánh nhân” là những người “đồng với Đạo và đồng với Đức”, người siêu vượt lên trên tất cả để trở về với Đạo, nên một với Đạo, hoà hợp với Đạo. Họ là hiện thân của “đại Đạo” và “huyền Đức”, làm gương mẫu cho thiên hạ và mang Đạo đến cho thế giới này bằng hiện thân của lối sống vô vi”([29]). Như vậy, hiền triết khác triết gia ở chỗ là người đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành bằng một lối sống siêu vượt.

Hiền triết là người khai sáng

Hiền triết còn có thể được hiểu như là người mở đường và là người khai sáng cho các thế hệ sau. Trong tác phẩm Republic của mình, Plato có kể về dụ ngôn cái hang như một mình chứng của nhà hiền triết khai sáng. Nhiều người bị giam cầm trong hang động hoàn toàn không biết gì về thế giới bên ngoài. Thế giới của họ là những hình bóng của mọi vật phản chiếu lên tường nhờ ánh lửa. Cả thế giới nhận thức của họ bị bó hẹp trong hang động và thế giới quan của họ là những phản xạ của những chiếc bóng, ngay cả bóng hình của họ. Hơn thế nữa, họ tin rằng đó là thế giới thật mà không nhận ra rằng cái họ thấy chỉ là những cái bóng huyền ảo. Họ học hỏi, tranh luận và trò chuyện về những cái bóng và lấy làm tự hào về trí tuệ và sự khôn ngoan của mình. Cho đến một ngày, một người khác đã vô tình khám phá ra ánh sáng chiếu vào hang động và lần theo đó anh đã tìm được cách để ra khỏi hang động và khám phá thế giới bên ngoài. Ấn tượng đầu tiên là sự loá mắt bởi ánh sáng Mặt Trời, rồi dần dần anh nhìn thấy được không gian bao la rộng lớn, vạn vật xinh đẹp muôn sắc màu. Anh đã nhìn thấy vạn vật dưới hình dạng đích thực của chúng, điều mà trước đây anh chỉ nghĩ là bóng hình. Dĩ nhiên, anh ta hạnh phúc và biết rằng đây mới là thế giới thực tại đáng sống, anh muốn ở đây mãi mãi. Tuy nhiên, vì lòng trắc ẩn anh ta quay lại tìm mọi cách để giúp các bạn của mình giác ngộ và thoát ra bên ngoài. Thế nhưng, dù cho anh cố gắng giải thích, chứng minh hay thuyết phục thế nào thì họ vẫn không tin. Không những vậy, những kẻ sống trong bóng tối còn châm chọc, mỉa mai anh là kẻ khùng điên. Sau cùng, vì nổi giận đã bị anh đả kích niềm tin của mình, họ đã giết chết anh ta([30]).

Như vậy, qua dụ ngôn trên, ta có thể hiểu bậc hiền triết không chỉ là người có sự hiểu biết uyên thâm về Triết học mà còn là người có khả năng nhìn thấu sự thật ẩn phía sau mọi hình ảnh và biểu tượng. Họ là những người có khả năng “tự giác ngộ” và hướng dẫn người khác “giác ngộ”. Người hiền triết thông qua sự hiểu biết sâu sắc và tầm nhìn rộng lớn, có thể đóng vai trò như nhà khai sáng vừa đi tiên phong để mở đường, vừa soi lối dẫn đường cho người khác bước theo sau.

Hiền triết là bậc trung dung

Một định nghĩa khác về hiền triết được nhiều người đón nhận, đó là “bậc trung dung”. Trong tác phẩm Nicomachean Ethics, nhân đức là những trạng thái (states) ở giữa hai thái cực thái quá và bất cập, điều mà Aristotle gọi là trung dung (a mean). Ông xem trung dung như là một nhân đức quan trọng diễn tả trạng thái hoàn hảo, cao đẹp của con người đức hạnh([31]). Một số ví dụ như giữa cái hèn nhát và liều lĩnh là dũng cảm, giữa hoang phí và hà tiện là hào phóng, giữa tự ti và kiêu ngạo là tự tin… Tuy nhiên, cách hiểu về trung dung theo quan điểm của Aristotle dễ bị hiểu sai thành cái trung bình, cái nửa vời. Trung dung lúc ấy trở thành cái chạy trốn cái cực đoan và tránh sa ngã vào cái thái quá. Đó là lối hiểu và thực hành cách máy móc, thiếu suy xét, đi ngược lại với tinh thần của trung dung.

Theo Khổng Tử và Mạnh Tử, trung dung không chỉ là đúng mực mà còn là đỉnh cao của sự hoàn hảo, một lựa chọn ăn khớp, một lối ứng xử hài hoà, đúng lúc đúng thời điểm cho mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Khổng Tử cẩn thận nói rằng:

Khi người ta khóc ba năm vì một cái tang, điều đó là phải lẽ, đấy là một trung dung khả dĩ, và khi người ta uống bí tỉ trong một bữa tiệc, thì cái vui tràn trề đó cũng là phải lẽ, đấy cũng là một trung dung. Trong chính trị cũng vậy: khi phải thỏa mãn nhu cầu của dân chúng, lòng từ thiện của vị chúa là một trung dung; khi phải hy sinh hay trừng phạt, sự nghiêm khắc của ông ta cũng là một trung dung. Cho nên người ta có thể hành xử theo hai cách tuyệt đối trái ngược nhau, mà cả hai đều là những trung dung, đều thích đáng; nói cách khác, tất cả các trải nghiệm đó đều có thể phát triển đến tận cùng của chúng và đều là bấy nhiêu trung dung([32]).

Như vậy, bằng một góc nhìn hoà trộn giữa Minh triết phương Tây và Minh triết phương Đông, ta có thể thấy hiền triết còn là bậc trung dung, hoà vạn vật bằng đức hạnh của mình.

Hiền triết sống thinh lặng

Qua đôi chút ghi nhận, ta đã phần nào hiểu rõ hơn và dễ hình dung ra chân dung của hiền triết. So sánh giữa chân dung của triết gia và chân dung của hiền triết, ta cũng dễ dàng nhận định triết gia quan tâm đến “cái biết” nhiều hơn, còn hiền triết quan tâm đến “cái ngộ”. Ai cũng biết rằng mình phải chết nhưng mấy ai “giác ngộ” sâu sắc được điều đó? Ai cũng biết sống tốt là như thế nào nhưng mấy ai làm được? Cho nên, triết gia thích nói, thích tranh luận. Hiền triết hay thinh lặng, ít nói, thường là chẳng có gì để nói. Ai hiểu đời, xa đời và vượt trên đời thì thường điềm đạm, suy tư dè dặt, và vì thế, hiền triết cũng có nghĩa như “người sống cuộc đời lặng lẽ và ẩn dật”([33]).

Triết gia quan tâm đến đúng sai, còn hiền triết để tâm đến chân lý và sự hoà hợp. Hiền triết hiểu rằng khôn ngoan thì không cùng và tìm kiếm khôn ngoan không bao giờ là đủ. Họ chìm ngập trong suy tư, cái suy tư bằng lý trí và con tim chứ không phải bằng “miệng”. Marcel Deschoux đã nói như sau: “Người nguỵ biện thời nay và muôn thuở phô trương khá đúng là biết nói. Còn chúng ta hãy làm rạng danh người triết bằng cách giữ thinh lặng”([34]).

Cũng như Keyserling đã nói: “Ở cái thời buổi của những người la lối này, chỉ có tiếng của thinh lặng mới tới được xa”. Thinh lặng của người triết là thành trì bảo vệ suy tư, là bầu trời của thế giới tư tưởng, là sự canh thức chăm chú của tâm hồn khắc khoải, là thái độ khiêm tốn của kẻ khát khao đi tìm chân lý([35]).

Vài góc nhìn chủ quan của người viết không thể diễn tả hết hình ảnh cao đẹp của bậc hiền triết. Tuy nhiên, họ là những chân nhân, thánh nhân, là con người lý tưởng, con người siêu vượt đáng cho chúng ta noi theo. Bên cạnh đó, sống thánh và nên thánh chưa bao giờ là điều dễ dàng. Đó là một hành trình lâu dài của sự tận hiến, kiên nhẫn, cam kết, hy sinh… Chỉ khi làm được như vậy, chúng ta mới có cơ hội đạt được bình an đích thực và hạnh phúc vĩnh cửu. Hơn nữa, khi con người đạt đến hiền triết, họ trở thành những ngọn đèn sáng, thắp lên niềm tin và hy vọng không chỉ riêng mình mà còn cho cả nhân loại.

Tóm lại, “từ Triết học đến Minh triết, từ Triết gia đến Hiền triết” là một hành trình thú vị mà người viết tạm gọi là “Hành Trình Triết Học”. Hành trình phiêu lưu thú vị và cao quý này không chỉ là nơi hoàn thiện bản thân mỗi người về mặt tri thức, đức hạnh hay sự khôn ngoan mà còn là niềm hy vọng mở ra tiềm năng bình an, hạnh phúc cho nhân loại. Lão Tử cũng nhắn nhủ rằng: “Ai vội vàng tiến lên phía trước đều không thể đi xa. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước đi”([36]).

Cuộc đời rất dài và có trăm ngàn lối đi, nhưng nó phải được hướng dẫn bởi Triết học. Đừng mộng tưởng rằng tất cả những vấn đề sẽ được Triết học giải đáp một lần là xong. Hành triết là bước trên một hành trình dài và gian khó nên người hành triết phải nỗ lực nỗ lực lên đường mỗi ngày. Họ không bao giờ được phép cho rằng mình đã tới đích, càng không dám tự phụ rằng mình đã sở đắc được khôn ngoan. Mỗi thành công, mỗi thất bại chỉ là sự nghỉ ngơi vắn vỏi để rồi lại tiếp tục lên đường. Ai hành triết và sống triết, người đó sẽ tìm được niềm vui cao thượng trong đời sống khôn ngoan. Cuối cùng, nhiệm vụ chính yếu của con người là phải hạ sinh chính mình một lần nữa, để sống cho những gì cao quý, mà qua đó, ta trở thành triết gia cho chính cuộc đời mình.

👆 CHƯƠNG II >>>


Chú thích

[1] Đậu Văn Hồng, Triết Sử Tây Phương Thời Thượng Cổ (Hà Nội: Tôn Giáo, 2015), 11.

[2] Nguyễn Tiến Dũng, Lịch sử Triết học phương Tây (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 2015), 16.

[3] Pierre Hadot, “Physique et Poésie dans le Timée de Platon,” Revue de Théologie et de Philosophie Vol 115 (1983): 113-133.

[4] Đậu Văn Hồng, Triết Sử Tây Phương Thời Thượng Cổ, 13.

[5] W Jaeger, Paideia, la Formation de L‘homme Grec (Paris, 1964), 29.

[6] Mudasir Ahmad Tantray and Tariq Rafeeq Khan, Problems of Greek Philosophy (Chhattisgarh, India: Rudra Publications, 2021), 19.

[7] William F. Lawhead, The Voyage of Discovery: A historical introduction to Philosophy (Stamford: Cengage Learning, 2013), xxvii.

[8] Thiên Phong Bữu Dưỡng, Triết Học Quan, (Sài Gòn: Văn Đàn, 1968), 24.

[9] Phạm Văn Đức, Giáo Trình Triết Học Mác-Lênin, (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, 2019), 9.

[10] H. Taine, Les Philosophes Francais du XIX siècle (Paris: L. Hachette et C,1858), 226.

[11] René Descartes, Principes de la Philosophie, Lettre à L’abbé Picot, Adain et Jannery (Paris: Henry Le Gras, 1647), tome IX, 2e partie.

[12] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Nhập Môn (Hà Nội: Ra Khơi, 1951), 17-18.

[13] Trần Văn Hiến Minh, Triết Học Tổng Quát (Hà Nội: Ra Khơi, 1961), 71.

[14] Mudasir Ahmad Tantray and Tariq Rafeeq Khan, Problems of Greek Philosophy (Chhattisgarh, India: Rudra Publications, 2021), 21.

[15] Francois Jullien, Minh Triết Phương Đông & Triết Học Phương Tây, trans. Nguyên Ngọc, (TP Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2003), 5-6.

[16] Đậu Văn Hồng, Triết Sử Tây Phương Thời Thượng Cổ, 3.

[17] Francois Jullien, Minh Triết Phương Đông & Triết Học Phương Tây, 6.

[18] Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu (Hồ Chí Minh: Trẻ, 2003), 398-399.

[19] Francois Jullien, Minh Triết Phương Đông & Triết Học Phương Tây, 7.

[20] Francois Jullien, Minh Triết Phương Đông & Triết Học Phương Tây, 18.

[21] Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam, Từ Điển Anh – Việt (Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 2009), 1822.

[22] Plato, The Banquet of Plato, trans. Percy Bysshe Shelley (Chicago: Way and Williams Publishers, 1895), 87.

[23] Plato, The Banquet of Plato, 86.

[24] Plato, The Banquet of Plato, 81-87.

[25] Benjamin Jowett & M.J.Knight, Plato Chuyên Khảo, trans. Lưu Văn Hy & Trí Tri (Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 2008), 456.

[26] Pierre Hadot, Ca Ngợi Triết Học Thời Thượng Cổ, trans Đậu Văn Hồng (Hà Nội: Tôn Giáo, 2002), 25-26.

[27] Plato. Apology, 23b.

[28] Socrates, Tự Biện, trans. Nguyễn Văn Khoa (Hà Nội: Tri Thức, 2006), 63.

[29] Lão Tử, Đạo Đức Kinh, trans. Nguyễn Hiến Lê (Hồ Chí Minh: Tổng Hợp, 2006), 77.

[30] Plato, The Republic Of Plato, trans. Francis Macdonald Cornford (New York: Oxford University Press, 1941), 227.

[31] Aristotle, Nicomachean Ethics, trans. W. D. Ross (Oxford: Clarendon Press, 1925; Internet Classics Archive, n.d.), bk. 2, https://classics.mit.edu/Aristotle/nicomachaen.2.ii.html, 6-7.

[32] Francois Jullien, Minh Triết Phương Đông & Triết Học Phương Tây, 57-58.

[33] Littré, Le Dictionnaire de la Langue Française (Chicago: University of Chicago Press, 1982; Internet Classics Archive, n.d.), No.5, https://dvlf.uchicago.edu/mot/philosophie.

[34] Marcel Deschoux, Initiation à la Philosophie (Paris: P.U.F., 1961), 34.

[35] Bùi Tuần, Triết Học và Học Triết (Long Xuyên, 1988), 51-52.

[36] Lao-tzu’s, Taoteching, trans. Red Pine (San Francisco: Mercury House Publishing, 1996), 128.


THƯ MỤC THAM KHẢO

I. Tài Liệu Nguồn

Plato. Apology. Translated by Benjamin Jowett. Oxford: Oxford University Press, 1871.

Plato. Laches. Translated by Benjamin Jowett. Chicago: Independently Published, 2020.

Plato. Meno. Translated by Benjamin Jowett. Chicago: Independently Published, 2023.

Plato. Phaedo. Translated by F. J. Church. New York: The Liberal Arts Press, 1871.

Plato. Symposium. Translated by Benjamin Jowett. Chicago: Independently Published, 2021.

Plato. The Banquet of Plato. Translated By Percy Bysshe Shelley. Chicago: Way and Williams Publishers, 1895.

Plato. The Republic Of Plato, Translated with introduction and notes by Francis Macdonald Cornford. New York: Oxford University Press, 1941.

Plato. Theaetetus. Translated by M. J. Levett. Indianapolis: Hackett Publishing, 1992.

Xénophon. Helléniques; Apologie de Socrate; Les Mémorables. Paris: Garnier-Flammarion, 1967.

Xenophon. Memorabilia. Translated and Annotated by Amy L. Bonnette. New York: Cornell University Press, 1994.

II. Tài Liệu Tham Khảo

Boeree, C. George. Theories of Personality in Psychology. Philadelphia: Shippensburg University Press, 2005.

Brickhouse, Thomas C. and Smith, Nicholas D. The Philosophy of Socrates Conception. Boulder: Westview Press, 2000.

Bùi Tuần. Triết Học và Học Triết. Long Xuyên, 1988.

Bùi Văn Nam Sơn. Trò Chuyện Triết Học. Hà Nội: Tri Thức, 2006.

Burnet, John. Greek Philosophy Thales to Plato. London: Macmillan and Co, 1943.

Cicero, Marcus Tullius. Lucullus. Chicago: Independently Published, 2022.

Đậu Văn Hồng. Triết Sử Tây Phương Thời Thượng Cổ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2015.

Deman, Th. Socrate et Jésus. Paris: Choureau et C, 1994.

Descartes, René. Principes de la Philosophie, Lettre à L’abbé Picot, Adain et Jannery. Paris: Henry Le Gras, 1647.

Deschoux, Marcel. Initiation à la Philosophie. Paris: P.U.F., 1961.

Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê. Đại Cương Triết Học Trung Quốc I. Hà Nội: Thanh Niên, 2004.

Gregory, Vlastos. Socrates, Ironist, and Moral Philosopher. New York: Cornell University, 1991.

Hadot, Pierre. La Philosophie Antique: une Ethique ou une Pratique?. Paris: Éditions Gallimard, 1995.

Hadot, Pierre. Ca Ngợi Triết Học Thời Thượng Cổ. Dịch giả Đậu Văn Hồng. Hà Nội: Tôn Giáo, 2002.

Hadot, Pierre. Philosophy as a Way of Life. Translated by Michael Chase. Massachusetts: Blackwell Publishing, 1995.

Honderich, Ted. Hành trình cùng Triết học. Dịch giả Lưu Văn Hy. Hà Nội: Văn hóa thông tin, 2002.

Jowett, Benjamin and Knight, M.J. Plato Chuyên Khảo. Dịch giả Lưu Văn Hy & Trí Tri. Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 2008.

Jullien, Francois. Minh Triết Phương Đông & Triết Học Phương Tây. Dịch giả Nguyên Ngọc. TP Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2003.

Lão Tử. Đạo Đức Kinh. Dịch giả Nguyễn Hiến Lê. Hồ Chí Minh: Tổng Hợp, 2006.

Lao-tzu’s. Taoteching. Translated by Red Pine. San Francisco: Mercury House Publishing, 1996.

Lawhead, William F. The Voyage of Discovery: A historical introduction to Philosophy. Stamford: Cengage Learning, 2013.

Lý Minh Tuấn. Đông Phương Triết Học Cương Yếu. Hồ Chí Minh: Trẻ, 2003.

Nguyễn Thu Phong. Minh Triết trong Tư Tưởng Phương Tây. Hồ Chí Minh: Tổng Hợp, 2002.

Nguyễn Tiến Dũng. Lịch sử Triết học phương Tây. Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 2015.

Phạm Minh Hạc. Học Thuyết và Tâm Lý Học Sigmund Freud. Hà Nội: Giáo dục Việt Nam, 2013.

Phạm Văn Đức. Giáo Trình Triết Học Mác-Lênin. Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, 2019.

Plato. Socrates Tự Biện. Dịch giả Nguyễn Văn Khoa. Hà Nội: Tri thức, 2006.

Sarah, Kofman. Socrates: Fictions of a Philosopher. New York: Cornell University Press, 1998.

Taine, H. Les Philosophes Francais du XIX siècle. Paris: L. Hachette et C,1858.

Tantray, Mudasir Ahmad and Khan, Tariq Rafeeq. Problems of Greek Philosophy. Chhattisgarh: Rudra Publications, 2021.

Taylor, C.C.W. Socrates: A very short introduction. Oxford: Oxford University, 2001.

Thiên Phong Bữu Dưỡng. Triết Học Quan. Sài Gòn: Văn Đàn, 1968.

Trần Thái Đỉnh. Triết Học Hiện Sinh. Hà Nội: Văn Học, 2015.

Trần Thái Đỉnh. Triết Học Nhập Môn. Hà Nội: Ra Khơi, 1951.

Trần Văn Hiến Minh. Triết Học Tổng Quát. Hà Nội: Ra Khơi, 1961.

W Jaeger. Paideia, la Formation de L’homme Grec. Paris, 1964.

Wadsworth. On Socrates. Belmont: Wadsworth Publishing, 2000.

 

III. Tài Liệu Internet & Tạp Chí

Aristotle. Nichomachean Ethics. Translated by W. D. Ross. Oxford: Clarendon, 1926, Internet Classics Archive, n.d. http://classics.mit.edu/Aristotle/nicomachaen.2.ii.html.

Littré, Le Dictionnaire de la Langue Française. Chicago: University of Chicago Press, 1982; Internet Classics Archive, n.d. https://dvlf.uchicago.edu/mot/philosophie.

Lê Tôn Nghiêm. “Socrates Tiêu Biểu cho Triết Học Hiện Sinh hay Triết Học theo Chân Lý Vương Giả?.” triethoc.edu.vn. Thứ 6, ngày 26 Tháng Tư, 2013. http://triethoc.edu.vn/vi/truong-phai-triet-hoc/triet-hoc-hy-lap/socrate-phan-2_44.html.

Đỗ Thị Thuỳ Trang. “Nhận Thức Luận trong Phân Tâm Học của Sigmund Freud.” Tạp Chí Khoa Học Xã Hội. Số 1 (293). Năm 2023: 12.

Hadot, Pierre. “Physique et Poésie dans le Timée de Platon.” Revue de Théologie et de Philosophie. Vol 115. Năm 1983: 113-133.

Bài trướcHãy đến những vùng ngoại biên – Madagascar
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 32 TN)